Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
PV: Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhắc tới
Tết, chị nghĩ tới điều gì?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Những rộn ràng cũng
cũ. Tôi từng viết vậy, về Tết. Nó không còn là thứ ngọt ngào như lúc còn con
nít mà từ hồi nào trở nên nhàm chán, tẻ nhạt. Như một trò thiêng đã giải xong.
Có thể vì tôi đã khác hoặc Tết đã khác.
Tôi nghĩ là do cả hai. Điều đó khiến cho những
trang viết về Tết của chị, trong tản văn hay truyện ngắn, cũng khác xưa. Đã từng
có khi nào chị phải gò mình lại để viết, để chiều theo những lời mời cộng tác
bài vở với các tờ báo Tết?
- Hồi xưa thì có. Giờ thì tôi tự do viết theo ý mình. Và
biết từ chối những lời mời, dù những mời mọc là thứ áp lực cần thiết để tôi làm
việc (đôi khi quá sức của mình). Cơ bản tôi không muốn bên mời cảm thấy khó xử,
khi gọi bài mà lại không thể in, bởi tác phẩm của mình hoặc quá rầu rĩ, hoặc phạm
vào kiêng kị. Bao giờ tôi cũng nói, văn tôi u tối lắm, anh (chị) nhắm có chịu
được không?
Dù là viết theo “đơn đặt hàng”, nhưng suy nghĩ thì
không ai “đặt” được?
- Không, ý tưởng là do tôi tự chủ. Nên phải từ chối nếu họ
thích tôi viết gì đó có liên quan tới Tết, hay những thứ đèm đẹp, kiểu như Tết
nhớ gì đó, thương gì đó. Người ta có thể nhớ bất cứ lúc nào, sao phải đợi Tết mới
nhớ. Mà tôi chắc già rồi, không ưng cái kiểu hoài nhớ, ngoái lại nữa. Bữa rồi
nghe nói có cuốn sách Tết, tôi hơi sợ, nghĩ đọc hết cuốn ấy, từ đầu tới đuôi
toàn Tết, chắc là một trải nghiệm ám ảnh.
Vậy thì khi bắt đầu viết một tác phẩm mới, sau khi đã
có ý tưởng, chị thường quan tâm nhất là điều gì?
- Mình sẽ kể câu chuyện này theo cách nào, giọng điệu
nào, nhìn từ ngôi nào. Tôi nghĩ mỗi người đều biết những câu chuyện gần giống
nhau về con người, về tình yêu và thù hận, cảm thông và đố kỵ, nhưng tùy vào
cách kể, mà câu chuyện ấy sống động hay tẻ nhạt. Dĩ nhiên ý tưởng là quan trọng
hàng đầu, sau khi có nó, mọi thứ đều thuần về kỹ thuật.
Thế còn yếu tố cảm xúc có vai trò như thế nào trong việc
viết của chị? Chị có thường phải nuôi dưỡng cảm xúc cho mình? Những cảm xúc xã
hội, những cảm xúc gia đình liệu có chi phối và tác động như thế nào đến việc
viết của chị?
- Ý tưởng chính là cảm xúc. Nó gây hưng phấn ngay từ hình
thành. Và tôi sẽ nghĩ về nó, theo đuổi nó trong một thời gian trước khi bắt đầu
viết. Mệnh nó có thể yểu, vì tôi không tìm thấy hứng thú ở nó nữa, nhưng tôi chẳng
tiếc nuối vì biết nó chưa đủ dày dặn, mạnh mẽ để có cơ hội sống sót. Lúc đó là
mối quan hệ tay đôi, giữa tôi và ý tưởng của tôi, những tác động chung quanh
không quan trọng. Tôi có thể trì hoãn viết vì bận những chuyện vặt không tên,
mà một bà nội trợ nào cũng phải trải qua mỗi ngày, nhưng rồi sẽ tới lúc thôi,
ngồi vào bàn và viết.
Vậy thường, điều chị nghĩ đến đầu tiên khi hoàn thành
một tác phẩm là gì? Và có tác phẩm nào, khi đặt dấu chấm hết, chị cảm thấy hoảng
sợ, hay ít ra là có chút bồn chồn, lo lắng?
- Mình không còn ý tưởng nào đang chờ nữa. Lại phải tìm
kiếm rồi. Tôi chỉ sợ vậy. Nhưng may là, ý tưởng khác cũng hay nảy ra trong lúc
tôi đang đắp da thịt cho ý tưởng này. Trống rỗng thật sự là khi in xong cuốn
sách. Tôi thấy mình phải làm lại từ đầu. Mình trắng tay rồi, mình hết sạch,
mình phải viết rất nhiều câu chuyện nữa, bày ra một đống chữ nữa, cho cuốn sách
tiếp theo.
Cuốn “Cố định một đám mây”.
Chị có thường “kiểm đếm” lại những “đứa con” của mình
không? Tính tới thời điểm này, có nhiều lắm không những tác phẩm của chị chưa
được công bố?
- Nếu đã có nhiều tác phẩm chưa công bố thì tôi đã không
thấy trống trải sau một cuốn sách vừa ra đời rồi. Tôi ngày càng không dư dả vì
ngày viết mỗi chậm hơn. Nói rung cảm chai sạn đi cũng đúng, nhưng tôi tự cảm thấy,
mình càng khắc nghiệt, đòi hỏi cao, trước hết là với bản thân. Phần khác tôi tự
làm khó mình, bởi viết nhiều quá, nhìn đâu cũng thấy mình đã viết rồi.
Còn việc kiểm đếm, tôi không để ý, thiệt tình. Giờ phải
ngồi đếm mình đã in cuốn thứ bao nhiêu thì cũng ra con số, nhưng tôi không
thích hành động này. Cơ bản tôi thấy chuyện qua rồi tức là qua rồi, của tôi
ngày hôm qua sao quan trọng bằng những gì của tôi sắp tới. Tôi quan niệm, những
thứ không thể chỉnh sửa thì đừng ngồi đó nhấm nháp hoài, mất thời gian.
Chị có phải tính toán về nơi công bố tác phẩm và thời
điểm công bố không? Vì sao cuốn “Cố định một đám mây” lại rời một đơn vị xuất bản
quen thuộc với nhiều đầu sách của chị, mà trôi xuôi ra tận Đà Nẵng?
- Thường thì tôi “gả” bản thảo tới những nơi quen biết
cũ. Làm việc với những anh chị biên tập viên đã biết ý mình thì đỡ mất công.
Tôi cũng không cầu kỳ lắm trong việc sách phải đẹp như thế nào, bìa bắt mắt ra
sao. Nhưng, quả là tôi có nghĩ tới chuyện bán sách. Chuyện “Cố định một
đám mây”, vì sao phải lang thang, thì không tiện kể. Tôi không muốn bạn đọc bị
mất phương hướng bởi những chuyện không liên quan tới văn chương.
Nhiều người cho rằng, ở Việt Nam, hiện có nhà văn Nguyễn
Nhật Ánh và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là những người có thể sống khỏe bằng nhuận
bút. Một cách thẳng thắn nhất, chị có phải là nhà văn sống được bằng nhuận
bút?
- Tiền dĩ nhiên quan trọng, nhất là với người sống bằng
nghề viết như tôi. Nhưng ngoài tiền, tôi còn kiêu hãnh nữa. Và từ khi viết có ý
thức hơn, không còn bản năng như xưa, tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho cái việc mình
không thể sống bằng bán sách. Nhưng người mua sách tôi thích một cô Tư trữ tình
ngày xưa hơn là cô Tư lạnh lẽo của bây giờ.
Mới rồi, thấy chị đứng ra tài trợ cho cuộc thi truyện
ngắn về phụ nữ: “Một nửa làm đầy thế giới”. Vì sao chị lại “nghiêng về phe nước
mắt”?
- Ồ, dùng chữ tôi tài trợ thì không chính xác lắm. Đó là
phần dự án văn chương dành cho phụ nữ, kèm theo giải Liberatureis mà tôi nhận
được. Tôi chỉ là nghĩ ra cách dùng tiền (dù không đáng là bao), sao cho hiệu quả
nhất. Rồi phát hiện xài tiền cũng khó như kiếm tiền vậy.
Trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư!
HOÀNG THU PHỐ (thực hiện)
Nguồn: Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét