Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

TRẦN DẦN - THI SĨ ĐẦU Ô TÍM

Trong những bài thơ mi-ni mà Trần Dần ghi vào “Sổ bụi”, tôi thích nhất bài: “Tôi tên nô lệ vàng/ Tôi ở đầu ô tím”. Thích đến nỗi ám ảnh.
Thi sĩ Trần Dần

Dù bây giờ, Trần Dần đã đi xa dương thế tròn 20 năm, nhưng cứ mỗi lần đi qua căn nhà số 7 Vũ Lợi, Hà Nội tôi lại tưởng tượng ra cái góc ngồi của ông, cái khoảng tường mà Trần Dần từng ngồi trên chiếc ghế tựa lưng vào để ngẫm nghĩ và sáng tạo qua bao nhiêu năm, đã in lại tấm lưng màu đen như cái bóng của ông để lại với nhân gian, thường chợt hiện lên trên nền vôi trắng. Cái khoảng đen ấy là góc Trần Dần. Từ cái góc này, ông thường cùng tôi đi sang quán bia ở ngã tư Khâm Thiên dẫn tới Ô Chợ Dừa.

Những năm đầu Hải Phòng giải phóng. Ngày ấy, tôi còn bé quá. Nhưng không hiểu sao những câu thơ mà một thời dài làm bao người né tránh như né tránh một kiếp nạn lại nhanh chóng nhập vào trí nhớ của tôi: “… Tôi bước đi/ Không thấy phố/ Không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa/ Trên màu cờ đỏ…”.

Nghe nói đó là những câu thơ bị phê phán rất nặng trong vụ Nhân văn - Giai phẩm và tác giả của nó, nhà thơ Trần Dần bị kỷ luật. Từ đấy, những câu thơ ấy cứ bất chợt làm tôi suy nghĩ. Nếu cứ suy luận từ mấy câu thơ này thì có lẽ lỗi của ông Trần Dần nào đó quả là rất nặng.

Tôi lớn lên, qua đại học rồi gia nhập quân đội: Tuổi thanh xuân cuốn theo chiến tranh. Cờ đỏ trong thơ tôi lại thực như đời lính của tôi: “Ra đi một thời khốc liệt gian lao/ Hy sinh như người lính mới/ Tấm bằng đỏ thay cho lời nói cuối/ Ghép nên những lá cờ”. Bởi thế, có lúc, tôi đã quên câu thơ trên của Trần Dần. Nhưng từ ngày thống nhất đất nước, nhất là những năm cuối cực kỳ khó khăn của thời bao cấp, những câu thơ trên của Trần Dần lại hiện về trong trí nhớ.

Cũng chính với những băn khoăn như thế, sau ngày đổi mới, tôi đã gặp Trần Dần và mới hiểu ra tận tường mọi nhẽ. Lúc này, Trần Dần đã bị tai biến nên méo mồm, nói rất khó, đi phải chống gậy.

Trần Dần sinh ở Nam Định. Cụ thân sinh lấy ngay năm sinh Bính Dần 1926 đặt tên cho cậu con trai. Hai mươi tuổi Trần Dần cùng Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Địch (em trai Vũ Hoàng Chương) và Hoàng Lộc đã ra “bản tuyên ngôn tượng trưng” với ước muốn “Chôn Thơ Mới” và công bố những bài thơ đầu tiên của nhóm trên Báo Dạ Đài ở Hà Nội tháng 11.1946. Nếu không có cuộc chiến tranh chống Pháp, có thể Trần Dần và nhóm của ông mà người ta quen gọi là nhóm Dạ Đài sẽ trở thành những thi sĩ tượng trưng. Bước vào cuộc chiến tranh cùng dân tộc, họ đã bẻ ngoặt lối đi nghệ thuật của mình theo lịch sử. Vũ Hoàng Địch làm lời cho “Ba Đình nắng” của Bùi Công Kỳ rất hoành tráng. Hoàng Lộc hy sinh sau bài thơ “Viếng bạn” nổi tiếng, còn Trần Dần thì dấn thân cùng những đoàn quân khắp các chiến trường Việt Bắc, Tây Bắc và cuối cùng là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Chính sự dấn thân này cho ông một suy nghĩ mới về thơ và tiểu thuyết. Tiểu thuyết “Người người lớp lớp” đã đưa cái tên Trần Dần vào văn học Việt Nam thời chống Pháp.

Cũng như thế, ông đã nghĩ về thơ như sau: “Vào chiến tranh, tôi muốn thơ tôi thế nào?… Lúc tôi muốn một thứ thơ dễ dãi. Lúc một thứ thơ không có vần. Lúc một thứ thơ như một hạt ngọc. Lúc một thứ thơ kể chuyện. Lúc một thứ thơ gồ ghề. Lúc một thứ thơ hiền lành có cái khỏe của một bắp thịt hồng. Lúc một thứ thơ na ná như của anh lính, nó mát mà lành, nó hiền mà khỏe, nó thực tế. Lúc một thứ thơ na ná như bài nói của anh cán bộ, nó đả thông, nó giục giã, nó lý luận… tôi muốn một thứ thơ không có vần, không có kỷ luật - người ta thích thơ dễ đọc, có vần. Vì vậy tôi muốn một thứ thơ nào đó rất tự do nhưng rất có nhịp chắc chắn…”. Suy nghĩ này của Trần Dần thêm một lần cho thấy cuộc tranh luận “thơ không vần” vẫn chưa có kết luận chính đáng. “Thơ không vần” vẫn đòi phải có đời sống của nó. Giống như Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Trần Huyền Trân…, Trần Dần tìm đến thơ bậc thang kiểu Mayakovski nhưng với nhịp và ngôn ngữ thuần Việt. Khi Tố Hữu rất thành công với “Việt Bắc” như một bài lục bát dài, Trần Dần viết hùng ca “Đi! Đây Việt Bắc”. Một hùng ca mà ông gọi là “hùng - ca - lụa” giống như kiểu gọi “tranh lụa” được vẽ nhiều lần, nhàu nát hoặc thấm nước, màu vẫn khó phai.

Trong khi viết hùng ca này, Trần Dần có in bài thơ dài “Nhất định thắng” có mấy câu thơ trên trong tập san Giai phẩm số xuân 1957 do Nguyễn Hữu Đang làm chủ nhiệm và Hoàng Cầm làm chủ biên. Bài thơ đã làm cho những người lãnh đạo văn nghệ không vui. Nhưng sau đó, do là văn nghệ sĩ quân đội mà cứ đòi được tự do đi lại chứ không muốn tuân thủ kỷ luật ở doanh trại như mọi người lính, lại thêm chuyện kiểm điểm văn nghệ ở Thái Hà Ấp, nhất là khi bài Hoàng Cầm viết về Trần Dần mang tên “Con người Trần Dần” in trên báo Nhân Văn số 6 - số cuối cùng trước khi đình bản, thì Trần Dần cùng với Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán đã bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam và sống như người dân thường ở ngoài biên chế. Nhưng dù phải sống trong một thực tế như vậy, Trần Dần vẫn lặng lẽ sáng tạo theo đúng những gì mình đã nghĩ. Tác phẩm cuối cùng mà Trần Dần in chung cùng Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt đã khép lại một thời kỳ sáng tạo. Ở những sáng tạo thời kỳ sau của ông có các trường ca “Đi! Đây Việt Bắc!”, “Cổng tỉnh”, “Mùa sạch”, “Những ngã tư và những cột điện”. Đặc biệt là những bài thơ mi-ni ghi trong các “Sổ bụi” như: “Có những chân trời không có người bay/ Có những người bay không có chân trời”, hay “Mưa không cần phiên dịch”… Tất cả những tác phẩm này, sau khi ông được phục hồi hội tịch đã được ấn hành trong đó có “Cổng tỉnh” (thơ tiểu thuyết) xuất bản năm 1994 đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn năm 1995.

Từ khi được gặp ông và được ông quý mến tôi hay ngồi uống rượu với ông khi thì ở quán Nguyễn Thượng Hiền, khi thì ở ngã tư Khâm Thiên. Và nhất là được ông cho đọc những bản thảo và được tặng những cuốn sách của ông vừa ấn hành. Tôi hay đùa ông: “Hóa ra các bác đều là tay tổ mác-xít cả. Có khi vì thế cho nên các bác cứng rắn, không chịu lùi nên mới xảy ra chuyện…”. Trần Dần cười nhếch mép. Cái miệng méo càng cười nhìn càng đau đớn. Bệnh tật cũng là do những năm tháng lao động sáng tạo trong chật vật mà sinh ra. Hồi ấy, sau sự việc “Nhân văn Giai phẩm” xảy ra, Trần Dần âm thầm lui về cái góc của mình. Những năm tháng nhọc nhằn giữa Hà Nội là chất liệu tốt và quý hiếm cho Trần Dần chắt chiu để mài luyện phong cách riêng cho thơ mình. Bao nhiêu trường ca, tiểu thuyết được hoàn thành ở góc Trần Dần này. Rồi cả cuộc đời chơi thơ mi-ni. Ông từng nói: “Những nốt mi-ni rồi sẽ qua đi. Như thơ mi-ni còn mãi”. Với một bản thể mạnh của “ông ba mươi”, cho dù bệnh tật làm cho bước chân Trần Dần chuyển động khó nhọc, thơ ông vẫn chuyển động liên tục qua các động từ. Chơi động từ là cá tính sáng tạo của thơ Trần Dần. Có lần báo Văn Nghệ in bài thơ dài của ông về chuyện đám cưới. Không một câu thơ nào là không có động từ. Và các động từ trong bao nhiêu câu thơ như thế đều không giống nhau. Cũng ở góc ngồi này, ông đã hoàn thành xuất sắc bản dịch “Ống sáo đốt sống lưng” của Mayakovski qua bản tiếng Pháp. Rồi dịch “Những người chân đất”, “Chú bé”, “Cậu tá”, “Chú nhóc đen”, “Giết người là nghề của tôi”… Cũng ở góc ngồi này, ông và bà Khuê đã phải bao ngày bàn bạc về sự “tồn tại hay là không tồn tại” của thai nhi mà giờ đây đã tạo ra họa sĩ Trần Trọng Vũ đầy tài năng với những nét vẽ như muốn rơi ra khỏi tranh, những nét vẽ như có gì nối tiếp và phát triển từ tranh mi-ni Trần Dần. Cũng ở góc ngồi này, cũng ở góc ngồi này… tuổi tác Trần Dần đã trôi qua.

Một lần ngồi uống với ông ở Ngã tư Khâm Thiên, sau giải thưởng Hội Nhà văn 1995 cho cuốn “Cổng tỉnh” tôi trở lại với “Nhất định thắng”. Tôi nói: “Đọc xong toàn bộ bài thơ, em có cảm tưởng bác nhắc đi nhắc lại cái câu thơ ấy bốn lần trong đoạn hai như muốn chỉ ra đích thực những khó khăn mà cách mạng phải vượt qua. Nếu đọc bài thơ này như nghe một bản nhạc dùng hình thức xô-nát, thì đây là chủ đề tương phản với chủ đề chính và nhờ vậy, làm rõ chủ đề chính hơn, khiến tác phẩm có sức thuyết phục hơn”. Trần Dần lặng im. Một tiếng còi tàu rít qua đầu Khâm Thiên, tôi lại nói: “Nếu người ta nhắc thêm cả câu đầu Những ngày ấy bao nhiêu thương xót thì có lẽ đoạn thơ được nhìn khác hơn. Nó có giới hạn của vấn đề hơn. Nhưng có khi đó cũng chỉ là nêu ra thế”. Trần Dần cạn hết một chén bia. Ông không uống bia bằng cốc vại mà bằng chén. Nhớ hôm nhận giải thưởng ở Hội Nhà văn, cậu con trai phải cõng ông lên gác. Còn lúc này ngồi cùng tôi, thấy ông đã yếu nhiều, nói càng khó khăn. Chỉ có đôi mắt vẫn sáng rực như mắt hổi là nói mọi điều. Nhưng cuối cuộc, dù khó khăn mấy, tôi vẫn nghe ông nói rất chậm: “Cuối cùng, từ “Nhất định thắng”, Trần Dần đã thắng được Trần Dần. Đó là sự đổi mới, sự cách tân của thơ”. Ông đã đúng và mãi mãi đúng.

Sau lần ngồi với ông, không ngờ là lần cuối cùng, tôi vào Sài Gòn công tác và được tin ông đã tạ thế ngày 17.1.1996. Từ đó đến nay đã 20 năm. Nhiều tác phẩm của ông đã được ấn hành. Bề thế nhất là tập “Trần Dần - Thơ” do Nhà xuất bản Đà Nẵng liên kết cùng công ty Nhã Nam xuất bản năm 2008, sau khi ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật năm 2007. Năm 2008 cũng là năm Hội Nhà văn Hà Nội truy tặng ông giải “Thành tựu trọn đời”. Năm 2009, tập “Trần Dần - Thơ” được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô.

Viết bài nhớ ông sau 20 năm xa, mà cảm thấy sau lưng, Tết âm lịch đang tới gần. Lại nhớ những câu thơ độc đáo của ông về Tết trong hùng ca “Đi! Đây Việt Bắc!”: “Tết/ ơ thế, thêm một Tết/ Tôi quẳng nó/ vu vơ/ vào một xó lòng/ Nơi đó/ là kho đồng nát/ Một đống Tết xa nhà/ đã gỉ han lên…”.

Nhưng đấy là những Tết xa nhà đi chiến đấu thời thanh xuân. 20 Tết qua, ông cũng xa nhà. Nhưng không ngày giỗ nào là anh em, bè bạn không tụ quần bên bàn thờ ông. Và rồi từng Tết qua, Tết qua. Lại có những người theo ông về cõi bên kia như Hữu Mai, như Vũ Hoàng Địch… Càng thêm Tết xa nhà hôm nay, tên ông càng sáng lên cùng ký ức.

 NGUYỄN THỤY KHA
Nguồn: Lao Động 2016


Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

THẨM THỆ HÀ NHÌN TỪ LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU, PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Lĩnh vực để lại nhiều dấu ấn nhất của Thẩm Thệ Hà chính là văn xuôi và những tác phẩm có giá trị nhất tập trung chủ yếu trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Trong giai đoạn 1945 - 1954, ông sáng tác tổng cộng 3 bộ tiểu thuyết:  ngựa cầu thuGió biên thùyNgười yêu nước.
Nhà văn Thẩm Thệ Hà

1. Tiểu sử tác giả

Tác gia Thẩm Thệ Hà tên thật là Tạ Thành Kỉnh, sinh ngày 9/3/1923 tại làng Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Cha ông là Tạ Thành Tàu, mẹ là Nguyễn Thị Tám. Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu. Thẩm Thệ Hà học tiểu học ở Trảng Bàng, trung học ở Sài Gòn, đỗ tú tài Pháp và lập gia đình năm 22 tuổi. Ông tham gia Cách mạng từ 1945, hoạt động trong Ban điệp báo Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Năm 1949, cùng với Vũ Anh Khanh (1926 - 1956) thành lập nhà xuất bản Tân Việt Nam. Từ 1952, để kiếm sống và hoạt động trong vùng tạm chiếm, Thẩm Thệ Hà dạy Việt văn ở các trường trung học Nguyễn Văn Khuê, Chi Lăng, Tân Thanh, Đặng Văn Trước, Đức Trí, Dân Trí, Trần Hưng Đạo. Năm 1966, cùng với Tô Nguyệt Đình (1920 - 1988) thành lập nhà xuất bản Lá Dâu. Hai nhà xuất bản Tân Việt Nam và Lá Dâu đã in được nhiều tác phẩm văn chương có khuynh hướng đấu tranh cách mạng. 

Trước 1975, Thẩm Thệ Hà từng viết bài cộng tác và biên tập các báo và tạp chí Văn hóaViệt bútĐại chúngLẽ sốngTiếng chuôngTin sớmÁnh sángDân tộcTin lửaNhân loạiTiểu thuyết thứ bảy; phụ trách mục “Phê bình sách mới” và “Những áng thơ hay” trên tạp chí Phổ thông (1958 - 1965) của Nguyễn Vỹ (1912 - 1971) giới thiệu cả những tác giả miền Bắc đương thời như Huy Cận, Thanh Tịnh, Ngân Giang, Yến Lan, Lưu Trọng Lư. Sau 1975, ông cộng tác với các báo và tạp chí VănVăn nghệ Thành phố Hồ Chí MinhBách khoa văn họcSân khấuSài Gòn giải phóng thứ bảyGiác ngộ. Ông là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh khóa đầu tiên và hội viên Hội Văn nghệ Tây Ninh. Qua một thời gian đau yếu, ông mất ngày 20/6/2009 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 88 tuổi.

2. Sự nghiệp văn chương

Nghiệm sinh trên cõi đời 88 năm tuổi trời và 63 năm tuổi văn, Thẩm Thệ Hà đã để lại hàng chục tác phẩm dài ngắn khác nhau, bao gồm nhiều bộ môn chuyên ngành, nhiều thể loại và thể tài, nhiều hình thức và phương thức sáng tác. Trên thực tế, số lượng tác phẩm của Thẩm Thệ Hà phân chia theo thể loại có 7 tiểu thuyết (1 tiểu thuyết còn ở dạng bản thảo), 14 truyện ngắn, 14 truyện viết cho thiếu nhi, 2 vở kịch, 2 tập thơ (di cảo), 3 tác phẩm dịch, 2 tập khảo cứu, 5 bộ sách giáo khoa, 1 tập hồi ký, nhiều bài phê bình văn học đăng báo…

Thẩm Thệ Hà đến với văn chương khi còn học trung học. Năm 1937, với bút hiệu Thành Kỉnh, ông đã có thơ đăng trên Phổ thông bán nguyệt san ở Hà Nội và các báo ở Sài Gòn như Đồng trinhChúa nhậtThanh niênĐiện tín. Các bài thơ được độc giả biết đến và mang lại chút tiếng tăm cho tác giả như Trịnh ĐánRồi mỗi chiều xuânDòng mơ chung thủyXuân thanh sắc,… Sau Cách mạng tháng Tám có các bài Trời nổi phong yênViệt Nam mến yêuTống biệt hànhKhóe mắt u hoàiTrường thành sông Đua,… Thơ của ông được tập hợp thành hai tập chưa xuất bản là Thâm thúy (Thơ trước 1945) và Trời nổi phong yên (Thơ sau 1945). Về văn xuôi có các bộ  ngựa cầu thu (Tân Việt - 1949), Gió biên thùy (Tân Việt - 1949), Người yêu nước (Tân Việt Nam - 1949), Đời tươi thắm (Lá Dâu - 1956), Hoa trinh nữ (Sống mới - 1957), Bạc áo hào hoa (Miền Nam - 1969), Tủi phấn thẹn hồng (bản thảo chưa in),…; các truyện ngắn Nàng Phượng tóc thề (1960), Ai nghe lòng đất quặn đau (1961), Tình yêu và lý tưởng (1989), Thằng đưa đám (1990), Lửa tình (1991), Nhan sắc tàn phai (1991), Cánh hồng lưu luyến (1993), Duyên dáng Quỳnh Như (1994), Tổ ấm chim bay (1994), Thanh mai trúc mã (1994), Nhà sư dị thường (1996),…; truyện viết cho thiếu nhi Bài học thương nhauCon chim xanhTàn giấc mơ tiênTiểu anh hùngThần điểu và hoa hồngThiên tài lạc lốiNhân ngư công chúaNgọc tuyền thảm sử,…; biên khảo Việt Nam trên đường cách mạng tân văn hóa (1949); dịch tiểu thuyết Con đường cứu nước(Maroussia của P. J. Satahn, Nam Việt - 1947) và Mũi tên đen (The Black Arrow của S. L. Stevenson, Sống mới - 1965).

Với những đóng góp quan trọng cho văn học và Cách mạng giải phóng dân tộc, Thẩm Thệ Hà được ghi nhận là “một nghệ sĩ đa năng” (Hoàng Tấn, trong Thanh Việt Thanh: Thẩm thệ Hà - thân thế và sự nghiệp, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.12), “Một cấy bút khả kính” (Trần Hữu Tá, Một cây bút khả kínhTuổi trẻ chủ nhật, số 9 - 2003, ra ngày 9 - 3 - 2003, tr. 24), tác phẩm của ông có mặt trong một số chuyên luận và tuyển tập như Thi nhân Việt Nam hiện đại của Phạm Thanh, Thi ca Việt Nam hiện đại của Trần Tuấn Kiệt, Thơ mùa giải phóng (Nxb Sống chung), Văn chương tranh đấu miền Nam của Nguyễn Văn Sâm, Tuyển tập thơ, truyện ngắn Thành phố Hồ Chí Minh (Kỉ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh), Thẩm Thệ Hà - thân thế và sự nghiệp của Thanh Việt Thanh, Nhìn lại một chặng đường văn học của Trần Hữu Tá, Từ điển Văn học (bộ mới) của nhiều tác giả, Văn học nơi miền đất mới của Nguyễn Q. Thắng,… Điều đó cho thấy tác giả xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử văn học, đặc biệt là văn học Nam Bộ.

Lĩnh vực để lại nhiều dấu ấn nhất của Thẩm Thệ Hà chính là văn xuôi và những tác phẩm có giá trị nhất tập trung chủ yếu trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Trong giai đoạn 1945 - 1954, ông sáng tác tổng cộng 3 bộ tiểu thuyết:  ngựa cầu thuGió biên thùyNgười yêu nước. Ba bộ tiểu thuyết này đều được xuất bản năm 1949. Tiểu thuyết Thẩm Thệ Hà sở dĩ được hoan nghênh vì “chủ đề rất tập trung, nhất quán: sự trăn trở và động viên nhau tìm đến với lý tưởng cứu quốc của thế hệ thanh niên trong một bối cảnh không gian xác định (miền Nam Việt Nam) và trong một thời gian cụ thể (Những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945 và những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp)”1.

Vó ngựa cầu thu là một trong những tiểu thuyết biểu của Thẩm Thệ Hà viết về những năm trước Cách mạng tháng Tám. Sơn sinh ra trong một gia đình trưởng giả và sớm có tư tưởng cách mạng. Chàng từng theo một chiến sĩ Quốc dân đảng sang Trung Quốc và học Trường võ bị Hoàng Phố. Sơn xót xa vì những nghĩa sĩ của phong trào phải lên đoạn đầu đài. Từ nước ngoài, chàng và những người đồng chí nhận thấy các quan niệm quốc gia cổ truyền của ta không còn hợp nữa. Sơn và người đồng chí tên là Thái vượt biên giới về nước gây cơ sở phong trào trong nước.

Sơn và Thái tạm chia tay nhau vì Thái có việc riêng gia đình. Trên đường đi, Sơn tình cờ ngụ trong nhà của một cụ già yêu nước muốn lập lại chế độ phong kiến. Cụ từng có liên hệ với các sĩ phu trong phong trào Cần vương. Sống với cụ có hai người cháu là Phương Lan và Phượng Nhi. Phương Lan - người cháu lớn, nết na xinh đẹp chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần phục cổ của cụ. Ba tháng sống trong không khí thân tình, đùm bọc của ba ông cháu nhà chí sĩ, Sơn có cơ hội hướng tâm hồn Phương Lan theo cách suy nghĩ và hành động phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước. Tình yêu bắt đầu nảy nở giữa Sơn và Lan. Thế nhưng, vì đất nước, Sơn phải chia tay ông cháu Phương Lan để cùng Thái thi hành nhiệm vụ bí mật.

Trên đường lên Bắc Sơn, Sơn và Thái bị bắt giam. Họ đang tìm cách vượt ngục thì có người đến cứu thoát. Trên đường chạy trốn Sơn tự nghĩ mình đừng nên mơ tưởng về Phương Lan nữa. Nhưng không ngờ, chính Phương Lan là người cứu sống chàng và Thái, sau đó nàng bị truy đuổi và hi sinh. Phương Lan đã giác ngộ theo con đường của Sơn. Trước khi nhắm mắt trong vòng tay của Sơn, Phương Lan đã xúc động “từ ngày nghe được lời anh em đã giác ngộ. Em đã theo hai anh từng bước, tiếc thay em không phải là một chiến sĩ có tài... Chết vì nghĩa vụ là danh dự của người chiến sĩ, được chết trên tay anh là diễm phúc của em rồi”.

Nội dung Vó ngựa cầu thu cho thấy dự đồ sáng tạo của tác giả: viết về những con người trẻ tuổi đi theo cách mạng. Không khí truyện khiến chúng ta nghĩ đến phong trào khởi nghĩa Yên Bái. Tiếng vọng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái cùng sự hi sinh của các nhà cách mạng có tác động ít nhiều đến ngòi bút Thẩm Thệ Hà. Thế nhưng, về mặt hình tượng văn chương, Sơn và Thái là sự tiếp nối các hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn: có nhiều sự đồng cảm với nhân dân, sẵn sàng quăng mình vào gió bụi. Tuy vậy, khác với các nhân vật Dũng, Thái, Tạo trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, các nhân vật của Thẩm Thệ Hà đã có những ý hướng, lý tưởng cụ thể trong hành động. Nổi bật trong Vó ngựa cầu thu chính là mối tình giữa Sơn và Lan. Tình yêu của họ được ngòi bút tác giả thể hiện theo kiểu tình yêu trong các cuốn tiểu thuyết theo khuynh hướng lãng mạn, có kết thúc buồn. Hình ảnh Sơn và Lan đi chơi Tùng Lâm rồi suối Ngọc Tuyền đã là một dự cảm buồn cho kết cục một cuộc tình. Cốt truyện Vó ngựa cầu thu nhẹ nhàng, không phức tạp, ít có những xung đột. Tác giả tỏ ra khéo léo trong việc mô tả tâm trạng của Sơn và Lan, những cung bậc tình cảm của hai người đang yêu trong một không gian truyện cổ kính.

Nếu Vó ngựa cầu thu viết về những năm trước Cách mạng tháng Tám thì Người yêu nước viết về không khí của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Người yêu nước viết về những trí thức trên đường đến với cách mạng. Ngay lời phi lộ, tác giả đã cho biết mình chủ trương viết theo khuynh hướng “Văn chương tranh đấu”. Viết về những trí thức thành thị hẳn Thẩm Thệ Hà có nhiều thuận lợi. Công việc dạy học và sinh hoạt ở thành thị đã cung cấp cho ông những trải nghiệm quý báu khi viết về những con người này. Vũ, nhân vật chính của truyện, sinh ra trong gia đình giàu có, thích đọc sách tư tưởng và làm thơ, con quan tri phủ. Phượng, người bạn gái của Vũ, xinh đẹp, từ thuở nhỏ đã say mê nghệ thuật. Bão, sinh ra trong gia đình nghèo khó và là bạn học của Vũ. Từ khi chia tay Vũ ở trường học, Bão giác ngộ và đi theo cách mạng nhờ sự hướng đạo của giáo sư T và các bạn trong tù. Họ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt: Bão bị bắt và tạm giam nơi dinh thự của quan tri phủ. Cuộc gặp gỡ nơi hầm tối nhà giam đã làm thay đổi cuộc đời của Vũ. Những cuộc tiếp xúc với Bão đã làm chàng hiểu được vẻ đẹp của lý tưởng cách mạng. Từ một người sống mộng mơ, làm thơ ủy mị và ít có mối liên hệ với quần chúng, Vũ từ bỏ gia đình và cuộc sống sung túc để bước vào con đường hoạt động cách mạng. Hành động cao đẹp và tình yêu trong sáng của Vũ đã giác ngộ Phượng đi theo lý tưởng cách mạng. Và cũng chính cô đã giác ngộ cho cha mình con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc. Phượng trở thành cán bộ chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng bên cạnh Vũ và Bão. Trong một trận đánh, cô bị bắt giam nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Phượng bị thực dân kết án tử hình. Nhờ sự can thiệp của một người Pháp, trước đây thọ ơn cha con cô trong cuộc bố ráp của hiến binh Nhật, Phượng được giảm xuống án chung thân. Trong tù, Phượng viết cho Vũ một bức thư thể hiện niềm tin về một tương lai tươi sáng.

Người yêu nước ra đời được báo chí tiến bộ đương thời đánh giá rất cao. Dương Tử Giang (1918 - 1956) nhà văn cùng thế hệ với Thẩm Thệ Hà đã viết trên Nguồn sống (số 3): “Người yêu nước có lẽ là quyển truyện dài khá nhất đã xuất bản từ sau chiến tranh đến ngày truyện ấy ra đời”; Nguyễn Bảo Hóa (bút hiệu Tô Nguyệt Đình) viết trên báo Ánh sáng (số 346-347): “Sáng tác được một tác phẩm như Người yêu nướcchẳng phải là một việc dễ. Tác giả đã tỏ ra sự cố gắng trong lúc ghi chép những phản ảnh của thời đại, nó đánh dấu một biến chuyển lớn lao của nền văn hóa nước nhà”; Việt báo (số 4) cũng nhận định: “Hành văn trong sáng và linh hoạt. Cốt truyện cảm động và ý nhị. Có thể nói đó là tác phẩm đặc sắc nhất của tác giả, và Thẩm Thệ Hà đã thành công ở công cuộc biểu dương nền ‘văn chương tranh đấu’ với tác phẩm này”.

Người yêu nước viết về cuộc sống xã hội của những con người, đặc biệt là những thanh niên trí thức, trước cách mạng tháng Tám và những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Vũ là nhân vật tiêu biểu cho lớp thanh niên trí thức thành thị, sống sung sướng, những ngày đầu cuộc kháng chiến còn bỡ ngỡ, hoài nghi. Sau khi được Bão giác ngộ, Vũ đi theo cách mạng và cảm thấy ngạc nhiên với sự thay đổi của mình. Chàng lặn lội khắp các vùng quê hẻo lánh và đem những hiểu biết của mình dạy cho những người dốt nát. Vũ nhận ra rằng cách mạng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Điều kiện đủ chính là sự hưởng ứng nhiệt liệt của quần chúng nhân dân lao động. Bởi “cách mạng là ngày hội của quần chúng nhân dân”, “dân là gốc” là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. 

Trong Người yêu nước ta thấy xuất hiện một kiểu nhân vật tương đối gần gũi với kiểu nhân vật mà sau này trở thành phổ biến trong các tác phẩm văn xuôi giai đoạn chống Mỹ cứu nước: nhân vật “người Đảng”. Nhân vật “người Đảng” là nhân vật đã giác ngộ và đi theo cách mạng rồi quay trở lại tác động, giác ngộ cho những nhân vật khác. Trong Người yêu nước: Bão giác ngộ cho Vũ; Vũ giác ngộ cho Phượng; Phượng lại giác ngộ cho cha mình. Trong tiểu thuyết Vó ngựa cầu thu, nhân vật Sơn cũng có một kiểu thức như vậy. Sơn đã giác ngộ cho Lan Phương. Những nhân vật như Vũ, Sơn có những nét gần gũi với A Châu trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Thế trong Đất nước đứng lên và Quyết trong Rừng xà nu của Nguyên Ngọc, Chị Ba Dương trong Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái,… đó là nhân vật xuất hiện để giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng. Với họ, tình yêu của cá nhân, nhiệm vụ đối với gia đình đành tạm gác lại và dành tất cả sức lực, trí tuệ cho nhiệm vụ cứu nước. Họ đến với cách mạng với tinh thần tự nhiệm. Hình ảnh của Vũ khiến chúng ta không thể không liên tưởng đến nhân vật Dũng trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh (1905 - 1963). Cũng như Dũng, Vũ cảm thấy khổ sở và dằn vặt trước đời sống sung túc của mình và muốn làm một điều gì đó có ích cho giới cần lao. Và cuộc “tìm đường” của Vũ cũng khiến ta nhớ đến những trí thức tìm đường và nhận đường trong Đôi mắtcủa nhà văn Nam Cao (1915 - 1951). Người yêu nước có nhiều trường đoạn về sự triết lý con đường giải phóng dân tộc của những người trí thức. Cũng có lúc họ dao động, mất niềm tin vào “đám cần lao, cùng khổ, thất học” nhưng rồi chính họ lại tự đánh tan ngờ vực và thấy ở khối người đó có sức mạnh to lớn. Nguyễn Văn Sâm có lý khi cho rằng Người yêu nước đã thể hiện một “diễn trình ý thức cách mạng”2 của tác giả. Người yêu nước là tác phẩm có chiều sâu nhất của Thẩm Thệ Hà: giọng kể thay đổi linh hoạt khi thì ngôi thứ nhất, khi thì ngôi thứ ba; cuộc sống và cách mạng được thể hiện qua điểm nhìn từ nhiều phía của các nhân vật. Nó xứng đáng được xem là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất trong văn nghiệp của nhà văn.

3. Thẩm Thệ Hà và con đường cách mạng tân văn hoá

Viết về chân dung phê bình văn học Thẩm Thệ Hà trước 1954 cần tập trung vào cuộc bút chiến trao đổi giữa nhóm Chân trời mới và Tân Việt Nam trên Việt bút và Tiếng chuông.

Trong bài viết Tâm sự của nhà phê bình trước thềm năm mới, Thẩm Thệ Hà tâm sự về công việc giữ mục “Phê bình sách mới” trên tạp chí Phổ thông: “Tôi rất ái ngại khi nhận phụ trách mục “Phê bình sách mới”. Nhiều nhà phê bình đã than phiền với tôi rằng: “phê bình thẳng thắn thường hay bị đụng chạm. Nhà phê bình bị oán ghét nhiều hơn là được khích lệ”. Chính tôi cũng công nhận điều nhận xét ấy: phê bình thiên lệch, ca ngợi vì tình cảm cá nhân sẽ bị độc giả khinh bỉ; phê bình khách quan, chỉ trích thẳng tay sẽ bị nhà văn, nhà thơ ác cảm. Vậy thì nhà phê bình biết trọng thiên chức, sứ mạng của họ thật khó khăn và bạc bẽo biết bao. Tôi thường nghĩ: “sinh hoạt văn nghệ thiếu phê bình sẽ trở nên tẻ nhạt. Phê bình rất cần để đem lại sinh khí mới mẻ cho vườn hoa nghệ thuật” vì vậy tôi không ngại sứ mạng khó khắn và bạc bẽo, vui vẻ cầm bút phê bình sách mới cho tạp chí Phổ thông” (Tâm sự của nhà phê bình trước thềm năm mới, Tạp chí Phổ thông, số 120, 1964). Đó là tâm sự của một người có “thâm niên” trong lĩnh vực phê bình văn học trước 1954.

Nhóm Chân trời mới chủ trương Văn chương tả chân xã hội (tức văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa), còn nhóm Tân Việt Nam và nhiều nhà văn độc lập khác chủ trương Văn chương tranh đấu. Nhóm Chân trời mới đại diện là Thiên Giang và Thê Húc, “phủ nhận văn chương tranh đấu” (lời Thẩm Thệ Hà), vì vậy xảy ra cuộc bút chiến hàng mấy tháng trời trong năm 1948 trên các báo Việt bútTiếng chuông giữa Thẩm Thệ Hà và Thiên Giang, Thê Húc. Các bài viết trên Việt bút và Tiếng chuông về sau được tập hợp và biên tập thành cuốn Việt Nam trên đường cách mạng Tân văn hoá.

Việt Nam trên đường cách mạng Tân văn hoá có tác động đối với đời sống văn học và định hình thiên hướng của gương mặt phê bình Thẩm Thệ Hà trong đường hướng: đọc văn chương như một hoạt động văn hoá để bảo vệ dân tộc. Trong tác phẩm này, ông đã viết: “Sau khi phong trào giải phóng bột khởi, văn hoá Việt Nam bước qua một giai đoạn mới: văn hoá là một lợi khí sắc bén để tranh đấu cho sự mất còn của một dân tộc. Văn chương là một hoạt động của văn hoá, lẽ tức nhiên cũng góp phần nào vào cuộc tranh đấu ấy. Trước ngày giải phóng, văn chương là một lợi khí vị nhân sinh, nay vì lẽ tồn vong của nước nhà mà chuyển thành một lợi khí tranh đấu” (Việt Nam trên đường cách mạng Tân văn hoá, Tân Việt, 1949, tr.40). Tinh thần ấy cũng được tác giả nhắc lại trong lời tựa tiểu thuyết Người yêu nước (1949).

Thẩm Thệ Hà viết phê bình có quan điểm và sứ mệnh rõ ràng. Giữa quan điểm phê bình và ý hướng sáng tác của ông là khá thống nhất. Ông viết nhiều bài phê bình sau 1954 khi phụ trách chuyên mục “Phê bình sách mới” và “Những áng thơ hay” trên tạp chí Phổ thông (1958 - 1965) của Nguyễn Vỹ. Nhìn chung, tác giả vẫn giữ được phong cách và quan niệm về phê bình trên Việt bút và Tiếng chuông.

Nghiên cứu phê bình văn học, Thẩm Thệ Hà thiên về phương pháp phê bình lịch sử xã hội. Trong các bài viết, ông cho thấy sự bao quát lịch sử xã hội đồng thời là sự cảm thụ tinh tế. Cần chú ý, bên cạnh những bài phê bình văn học, các sách nghị luận, giảng văn (chủ yếu sau 1954) cũng cho thấy rõ xu hướng thẩm bình của ông.

Tác giả là cây bút sở trường văn xuôi đồng thời lại có khả năng thẩm định thơ tinh tế (tác giả cũng là một người làm thơ, bắt đầu bước vào con đường văn nghệ bằng những vần thơ).

Phong cách chuẩn mực nơi ngòi bút Thẩm Thệ Hà có lẽ do ảnh hưởng từ học vấn và nghề nghiệp (ông sống chủ yếu bằng nghề dạy học), ông đặc biệt yêu thích và tỏ ra tinh tế nơi những tác phẩm gắn với môi trường giáo dục?

4. Tạm kết

Có thể thấy, so với thời kỳ trước 1954, văn phong của Thẩm Thệ Hà không mấy thay đổi, có chăng là trong cách nhìn nhận đánh giá hiện thực cuộc sống. Trước đây văn ông đầy chất lãng mạn, lạc quan thì nay lại thêm dư vị đắng cay, đôi chút đượm buồn. Các tiểu thuyết của Thẩm Thệ Hà dù được viết sau 1945 nhưng nhiều nhân vật vẫn mang hơi thở của các nhân vật thời tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Những Sơn và Lan (Vó ngựa cầu thu), Vũ và Phương (Người yêu nước), Thúy (Đời tươi thắm) dù sống trong thời chiến nhưng họ vẫn mang những tâm tình lãng mạn, có lúc họ mơ mộng viển vông, chìm đắm trong những nỗi buồn vô cớ. Thế nhưng, điểm làm cho người đọc yêu thích nhân vật của Thẩm Thệ Hà chính là nhờ vào quá trình thay đổi nhận thức của họ trước thời cuộc. Con người trong tiểu thuyết Thẩm Thệ Hà được miêu tả sẵn sàng hi sinh tình yêu riêng tư cho hạnh phúc chung của toàn dân tộc. Tình yêu nhiều khi đóng vai trò là động lực tinh thần giúp cá nhân vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước.

Nhận xét về các tiểu thuyết của Thẩm Thệ Hà, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá cho rằng: “Thời gian qua đi, giờ đây đọc lại người đọc dễ thấy những khiếm khuyết của tác giả về phương diện dựng truyện, khắc họa tính cách tâm lý… nhưng vẫn không thể không xúc động: người viết đã gửi vào trang sách của mình một tấm lòng nặng tình với đất nước”. Cái làm nên tầm vóc Thẩm Thể Hà đúng là qua trang sách tác giả đã thể hiện được tấm lòng “nặng tình với đất nước” và chúng tôi xinh nhấn mạnh thêm điểm quan trọng khác chính là ở sự chân thật trong ngòi bút và nhân cách trí thức của nhà văn(3).

PHAN MẠNH HÙNG
Theo Văn hóa và Du lịch, tháng 3&5/2016

_____________________

Chú thích:
1.       Nhiều tác giả: Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr.1643.
2.       Nguyễn Văn Sâm: Văn chương tranh đấu miền Nam, Kỷ Nguyên xb, Sài Gòn, 1969, tr.150.
3.       Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ đề tài mã số 2013B-18b-05.

Tài liệu tham khảo
1.       Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới.
2.       Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên) (1998), Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, tập III, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
3.       Trần Tuấn Kiệt (1967), Thi ca Việt Nam hiện đại 1880 - 1965, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn.
4.       Võ Văn Nhơn (1997), “Văn xuôi yêu nước và tiến bộ trong các thành thị bị tạm chiếm (1945 - 1954)”, Tập san Khoa học Xã hội & Nhân văn, số 5.
5.       Trần Hữu Tá (2003), “Một cây bút khả kính”, Tuổi trẻ chủ nhật, số 9, ra ngày 9 /3/2003.
6.       Trần Hữu Tá (2000), Nhìn lại một chặng đường văn học, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
7.       Thanh Việt Thanh (1993), Thẩm thệ Hà - thân thế và sự nghiệp, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
8.       Nguyễn Q. Thắng (2008), Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, Nxb Văn học, Hà Nội.
9.       Nguyễn Văn Sâm (1969), Văn chương tranh đấu miền Nam, Kỷ Nguyên xuất bản, Sài Gòn.
10.   Nguyễn Văn Sâm (1972), Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945 - 1950, Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn.
11.   Nguyễn Thị Thanh Xuân (1998), Nhìn lại văn học kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ (1945-1954), In trong Bình luận văn học, niên giám 1997, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.


TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:



Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

NHÀ VĂN VĂN LÊ: SỨC MẠNH TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG TÌNH YÊU SỨC MẠNH

“Tôi muốn tiệm cận, lý giải vì sao, bằng cách gì mà trong hoàn cảnh ác liệt, cùng cực như thế, người Việt chúng ta đã gượng dậy được và chiến thắng. Trước đây, có lúc người ta cho rằng đó là nhờ lòng căm thù, nhưng tôi lại nghĩ khác…” - nhà văn Văn Lê tâm sự nhân dịp tiểu thuyết Mùa hè giá buốt được trao Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ I (2006-2011).
Nhà văn Văn Lê - Ảnh: Phan Hoàng

Giống như nhiều người cầm bút khác, Văn Lê khởi đầu làm thơ và sớm gặt hái thành công. Mới ở tuổi 26, ông đã đoạt Giải A cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1974-75, bắt đầu khẳng định tên tuổi trên thi đàn. Sau đó, ông được trao Giải B cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1982, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang cho tập thơ Phải lòng,... Nhắc lại điều này để thấy thơ đã chi phối cả sự nghiệp cầm bút của ông, ẩn hiện trên từng trang viết của ông, dù sau này ông thiên về văn xuôi, tác giả của hơn 30 đầu sách, đặc biệt trong đó có bộ ba tiểu thuyết gây tiếng vang viết về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân - 1968, với những cái tên cũng đậm chất thơ: Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời và Mùa hè giá buốt.

Riêng tiểu thuyết Mùa hè giá buốt của Văn Lê xuất bản năm 2008, đoạt Giải B (không có Giải A) - giải thưởng 5 năm một lần của Bộ Quốc phòng, và bây giờ trở thành tác phẩm văn học duy nhất được trao Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM (2006-2011), giải thưởng 5 năm một lần đầu tiên của thành phố. Vinh dự ấy thật xứng đáng với Mùa hè giá buốt, một tiểu thuyết đẹp và buồn, quyến rũ và đau đớn, thăng hoa như một tứ thơ. Tình yêu nghề, tài năng và sự lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ của Văn Lê đã được ghi nhận trân trọng.

Tên thật là Lê Chí Thuỵ, nhà văn Văn Lê cầm tinh con trâu, sinh ngày năm 1949 tại Ninh Bình. Trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh, ông phải sớm rời ghế nhà trường để nhập ngũ, vào chiến đấu ở Nam Bộ. Nhờ có năng khiếu văn học, ông được điều chuyển sang công tác chính trị, văn hoá trong quân đội, mà theo ông: “Chính cái tài vặt ấy đã giúp tôi may mắn sống sót giữa mưa bom bão đạn”. Văn Lê từng là phóng viên báo Văn Nghệ Quân Giải Phóng, Văn Nghệ Giải Phóng, Văn Nghệ. Năm 1977, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông đã tái ngũ, vừa cầm súng vừa cầm bút ở mặt trận 479 cho tới năm 1982 mới ra quân về làm việc tại Hãng Phim Giải Phóng ở TP.HCM.

Với nỗ lực tự học không ngừng, Văn Lê đã tích luỹ được vốn tri thức văn hoá khá rộng, đó là nền tảng quan trọng giúp con người đa năng trong ông có hành trình sáng tạo bền bỉ và đạt nhiều thành công trong thơ, văn xuôi lẫn điện ảnh. Về đề tài Mậu Thân- 1968, Văn Lê không chỉ có thơ và bộ ba tiểu thuyết Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời và Mùa hè giá buốt, mà ngay khi bước vào làm bộ phim tài liệu đầu tiên cách đây hàng chục năm, ông đã dựng ngay Sài Gòn xuân 68 đầy ấn tượng, phản ánh sự đau thương mất mát của chiến sĩ, đồng bào thành phố trong sự kiện khốc liệt này. Bộ phim Sài Gòn xuân 68 đã gây xúc động mạnh, được trao giải thưởng Galaxy của Nhật Bản và cũng là bộ phim tài liệu ưng ý nhất của Văn Lê từ trước tới nay.

Giải thích với tôi về việc ông liên tiếp viết nên bộ ba tiểu thuyết về sự kiện Mậu Thân - 1968, nhà văn Văn Lê cho hay: “Tôi muốn tiệm cận, lý giải vì sao, bằng cách gì mà trong hoàn cảnh ác liệt, cùng cực như thế, người Việt chúng ta đã gượng dậy được và chiến thắng. Trước đây, có lúc người ta cho rằng đó là nhờ lòng căm thù, nhưng tôi lại nghĩ khác, chúng ta chiến thắng bằng chính tình yêu, vì suy cho cùng những người lính cách mạng đã bằngsức mạnh tình yêu đã chiến thắng kẻ thù có tình yêu sức mạnh”. Và sức mạnh tình yêu ấy cũng từng được Văn Lê trăn trở trong tập thơ Phải lòng:

"Bạn bè, đồng chí của tôi
Thương nhau dâng hiến trọn đời thanh xuân
Sống thì lấy thân che thân
Lấy tình bọc lấy cái nhân con người
Cũng vì tình nghĩa cả thôi
Mà ràng mà buộc mọi đời với nhau".

Là một người trực tiếp tham gia Chiến dịch Mậu Thân - 1968, lại từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều tư liệu lịch sử thuộc dạng “tuyệt mật” và gần gũi với những nhân vật quan trọng, nhà văn Văn Lê tâm sự rằng chiến dịch này đã ám ảnh hầu hết những người trong cuộc còn sống sót, đồng thời cũng là nỗi bức xúc của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp về sự thành bại của nó. “Tôi viết về Mậu Thân- 1968 để mọi người chiêm nghiệm, suy ngẫm về thành bại đó. Các chiến sĩ xuống đường đánh vào thành phố với tâm trạng vô cùng hưng phấn, giống như trận đánh cuối cùng. Cấp trên cũng có ý định chấm dứt chiến tranh bằng chiến dịch này. Sau đợt 1, quân giải phóng thu được một số thắng lợi, Mỹ đề nghị phía cách mạng Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng có lẽ do ý muốn cấp trên đánh cho địch “lấm lưng” nên đã tiến công đợt 2 nhằm vào ngày sinh của Các Mác 04.5. Chính đợt 2 này, trước sự phòng bị và phản công quyết liệt của địch, quân ta đã hy sinh lớn. Chỉ riêng mặt trận Sài Gòn mất gần 55.000 chiến sĩ. Cái giá xương máu phải trả thật to lớn”.

Về sự kiện Mậu Thân - 1968, có nhiều nhà văn cách mạng lẫn đối phương đã viết. Phía cách mạng như Sài Gòn dưới những tầng khói của Nguyễn Quang Sáng, Dũng sĩ Mậu Thân của Thanh Giang, Tiếng gọi ngày “N” của Hồi Phạm,… Tuy nhiên, do yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử, giống như hầu hết tác phẩm ra đời ngay trong chiến tranh, các tác phẩm trên đều chủ yếu viết về thắng lợi nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, mà quên nỗi đau thực tại nhức nhói và khốc liệt, nghĩa là chưa phản ánh đúng mực mặt trái của chiến tranh. Chỉ khi nước nhà đã thống nhất, có độ lùi về thời gian, thì nhà văn mới có đủ tư liệu, cách nhìn khách quan để viết về chiến tranh một cách trung thực hơn. Đó cũng là điều kiện lý tưởng cho bộ ba tiểu thuyết của Văn Lê về Mậu Thân - 1968, đặc biệt là Mùa hè giá buốt vừa hiện thực vừa huyền ảo ra đời và được đánh giá cao.

Ẩn sau vẻ hiền lành chất phác của Văn Lê là một tấm lòng độ lượng, một tâm hồn nhạy cảm và nặng trĩu suy tư, một trí tuệ uyên thâm. Mới đây, khi bộ phim Long Thành cầm giả ca đoạt nhiều giải thưởng lớn trong dịp mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tên tuổi Văn Lê với tư cách nhà biên kịch được vinh danh. Còn bây giờ cả bộ phim Long Thành cầm giả ca lẫn Mùa hè giá buốt - tiểu thuyết tâm huyết của ông lại được tôn vinh…

Nhìn về quá khứ bi thương của dân tộc mà mình tham dự, dù đã trải lòng bằng hàng ngàn trang viết nhưng nhà văn Văn Lê chưa hết nỗi niềm: “Tôi vẫn cảm thấy vô cùng khó lý giải, rằng vì sao, vì lẽ gì, bằng tình yêu như thế nào mà người lính vẫn ra đi dù biết họ sẽ chết? Phải chăng chỉ có dân tộc này mới có sức chịu đựng đến mức lạnh lùng như thế, để tồn tại, để chiến thắng?”. Khi mà trong lòng Văn Lê vẫn còn nỗi nghi vấn đầy “bất an” ấy, có nghĩa người đọc còn hy vọng ở nhà văn những tác phẩm mới viết về chiến tranh, hay hơn, xác thực hơn, thần thái hơn.

PHAN HOÀNG
Nguồn: SGGP 12.2012


Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

NGÔ THUÝ NGA & NỐT LẶNG ƯU TƯ CỦA NGƯỜI THƠ TRẺ

Vừa rồi Ngô Thuý Nga tặng tôi tập thơ vừa mới in xong. Đây là lần đầu tiên tôi đọc Ngô Thuý Nga qua Nốt lặng (NXB Hội Nhà văn TP.HCM 2015) của nhà thơ trẻ này vốn trước đây được biết đến là cây bút viết văn xuôi.
Nhà thơ Ngô Thuý Nga

Phải nói rằng Nốt lặng là tập thơ về những thân phận, tâm tư, cảnh đời có những điều gì đó của lãng mạn trêu đùa tình yêu cứ trôi qua đời con gái của mình hay của ai đó mà người viết bày tỏ sự tình. Ngôn ngữ của Ngô Thuý Nga trong tập thơ này nó lãng du và bồng bềnh cảm xúc:

Cũng chỉ là nốt lặng tuổi hai mươi
Cũng chỉ là những cào xé trong lòng người con gái
Mang những nỗi niềm đi hoang
Mang những rỗng rễnh cuộc đời về làm nơi nương tựa
Bởi đứng đâu cũng thấy mình thừa

                                    (Thơ tặng người dung)

Nhà thơ đã đốt cháy nỗi niềm trong sự tuột tay và chỉ có người dưng ấy mới được tặng cái phần quà của nỗi đau rồi cũng nhạt ở người con gái. Thân phận và nỗi niềm hoang hoải là nốt lặng buồn, đã cào xé trong tâm can đày đọa. Sao người dưng lại làm khổ nhau thế nhỉ?

Ngồi trên vũng nắng chớm đông
Gió xõa tóc lên chiều rũ rượi
Em đưa bàn tay hong mùa
Sờ lên trái tim chông chênh nỗi nhớ
                         
           (Quên cài cửa vô thường)
    
Thế mà câu thơ vẫn chông chênh nỗi nhớ, quả là điều kỳ lạ trong yêu đương. Ngô Thuý Nga đã sử dụng ngôn ngữ của người trẻ đương đại viết lên hoàn cảnh chiều rũ rượi, trong tâm tư nghĩ về phía ấy mà không ủy mỵ. Với tình yêu ngày nay và cách gieo lên những con chữ thực tiễn đời thường, mà người đọc và viết lớp đi trước chưa có được:

Có đôi lần anh vén váy em làm gối
Ngủ vùi sau cơn say hư ảo đời người
Đêm vẫn ngọt
Anh vẫn say
Em đi về rất vội

              (Phố núi ngọt)
Tập thơ Nốt lặng của Ngô Thuý Nga

Nếu có thì rất ít, mà họ vẫn đắn đo cho tròn trĩnh ngôn từ. Người trẻ bây giờ đã xa đi những ràng buộc của niêm luật thường tình, tìm đến cái mới lạ nhưng vẫn rất thơ:

Đàn bà có khi như cơn bão
Cuồng điên xé lòng mình đổi lấy an nhiên cho những điều không thật
Cấu rách bản năng để nắm tay người chơi trò cút bắt
Già mất một cuộc tình vừa bắt đầu những vết son

                                      (Ngược sáng)

Hình như thơ Ngô Thuý Nga trong Nốt lặng là những mất mát trong tâm hồn người con gái như lời ru buồn cứ chực chờ vỡ òa ở con tim bé nhỏ:

Ta lặng im bên nhau
Em trệu trạo nhai bóng đêm đổ ập bên song cửa
Đáy mắt anh rơi giữa khoảng trống hai chỗ ngồi chưa kịp ấm
Ta trầm ngâm
Nghe thinh không vỡ òa

Em cởi áo mình trả áo cho anh…

                       (Trả áo cho anh)
     
Nỗi buồn ấy còn thể hiện ở những bài thơ như Giấc mơ không màu: “Người đàn ông có dĩ vãng già nua /Có muôn ngàn mặt nạ khiến em nhìn vào đâu cũng thấy mình như vỡ”; rồi: Em lật tung ký ức tìm một cái ôm dài/ Chỉ nhìn thấy khoảng trống mênh mông còn sót lại (Nhặt mưa làm nước mắt); và:

Cắn đôi sợi tóc sót lại trên gối
Mới biết mình ảo vọng
Giữa nỗi buồn màu huyết dụ bẻ cong. 

                   (Nỗi buồn màu huyết dụ)
  
Không thể kể hết nỗi niềm trong Nốt lặng của nhà thơ được. Hình như nhà thơ đã và đang trải qua nỗi niềm trước sóng gió cuộc đời mà âm điệu, cấu tứ của những bài thơ cứ canh cánh một nét buồn rong ruổi.

Em hoang vỡ chỗ nằm thiếu bóng anh thao thức
Chiếc chăn bông chẳng ấm nỗi đêm dài

                                        (Cho anh)

Đọc Nốt lặng của Ngô Thuý Nga ta thấy một nỗi ưu tư của người thơ trẻ, như thấy cái vô tư buồn của yêu đương lứa đôi mà nhận cho riêng mình nốt lặng cuộc đời. Nốt lặng của Ngô Thuý Nga là cung trầm của đời sống yêu thương với bút pháp dìu dặt và những cái mới của ngôn ngữ, thi ảnh, làm nên một nét riêng của cô. Nốt lặng cũng nên dừng ở đây vì lẽ đời cần nhiều niềm vui và hạnh phúc và biết cất đi nỗi buồn. Có lẽ mai sau đọc Ngô Thuý Nga, tôi hy vọng niềm vui sẽ được nhân lên bởi những nốt son dịu vợi đang chờ phía trước.

NGUYỄN VŨ QUỲNH
Nguồn: NVTPHCM



TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ KHÁC:


Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

PHAN CÁT CẨN “GOM LẠI TỪNG MẢNH HỒN LÀNG ĐANG VỠ”

Đường nghề và đường nghiệp đang mở ra trước mắt anh. Phong thuỷ và thơ trong anh như cặp tình nhân đang hô ứng và gọi giục…
Nhà thơ Phan Cát Cẩn

Tôi biết Phan Cát Cẩn là một nhà phong thuỷ trước khi biết anh là một nhà thơ. Ấy là vào một sáng xuân Quý Tỵ 2013, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl đến thăm tư gia anh tại thôn Đông Viên xã Đông Quang huyện Ba Vì - Xứ Đoài mây trắng, nơi “đất tụ khí anh hoa”, có núi Ba Vì hùng vĩ mà Nguyễn Trãi gọi là “Núi Tổ của nước Nam ta”, có “Sông Đáy chậm mình qua Phủ Quốc”, có “Mảng thành rêu không cũ giữa tim người”, khắc ghi vào lòng du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan vùng đất “địa linh nhân kiệt” này những ấn tượng sâu đậm không thể phai mờ. Phan Cát Cẩn hối hả và tất bật tiếp khách, bởi không chỉ tiếp đón chúng tôi mà anh còn phải nghe và trả lời những cuộc điện thoại liên tục gọi đến cùng hàng chục vị khách đến tận nhà mời anh đi xem giúp hướng nhà , hướng bếp để khai lộc đầu xuân. Sau những lời chúc phúc ấm áp chân tình với những ly rượu Đông Lâu nồng đậm men quê Xứ Đoài, Phan Cát Cẩn tháp tùng chúng tôi lên đền Thượng chót vót đỉnh núi Ba Vì xin quẻ cầu may. Trong một phút hứng khởi, anh đột nhiên ngẫu hứng đọc bốn câu thơ:

Lên Ba Vì lòng ta tĩnh lại
chơi ván cờ cùng gió núi cùng mây
bỗng thấy một lần ta thanh sạch
bỏ lại dưới kia gót bụi trần.

Sau cái khoát tay chỉ xuống dưới chân núi mịt mù mây trắng và một nụ cười hồn nhiên nở trên môi Phan Cát Cẩn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dịch lại bằng tiếng Anh bốn câu thơ trên cho nhà thơ Mỹ cùng thưởng thức. Bruce cười tít mắt, gật đầu nói bằng tiếng Việt: Hay… Hay!

Chuyến ngưỡng tâm non Tản lần này cũng giống chuyến ngưỡng tâm non Tản lần đầu tiên cùng nhà thơ Hữu Thỉnh đầu xuân 2008 đem lại cho tôi một cảm giác hết sức thanh tĩnh, tâm hồn an nhiên đến lạ kỳ. Cũng chính vào những giây phút đó, tôi đã dự cảm rằng Phan Cát Cẩn sẽ trở thành một nhà thơ. Quả đúng như vậy, sau khi cho ra đời hai tập thơ liên tục “Bến vắng” và “Những chiều mây cổ tích” năm 2013, năm 2014 anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, thoả một ước nguyện ấp ủ bấy lâu trong lòng. Từ khi trở thành hội viên, thơ Phan Cát Cẩn có một bước chuyển biến mới, ý tứ thơ anh gắn chặt với những bước đi và những kỷ niệm sâu đằm trong cuộc đời anh, bắt đầu có sự lắng đọng đa nghĩa và bớt đi nhiều những kể tả dài dòng. Bằng chứng là mùa thu năm 2014 anh cho ra đời tập thơ “Về đâu chim ngói xanh” và mùa thu năm nay 2015 là tập “Về miền đất sinh thành”còn tươi nguyên màu mực.

Phan Cát Cẩn trở thành nhà phong thuỷ, như tôi được biết, hoàn toàn là một cơ duyên, như là có sự xui khiến của trời đất, do say mê cá nhân, tự mày mò nghiên cứu, tự tìm hiểu học tập qua sách vở. Và anh trở thành một nhà thơ cũng tương tự như vậy. Với anh, thơ và phong thuỷ gắn kết với nhau, bổ khuyết cho nhau. Bởi anh cho rằng cứu cánh của phong thuỷ là đem lại sự hanh thông giữa lòng người và vận khí trời đất; thuận thiên địa, thuận lòng người là chìa khoá chế hung ích cát, dung dưỡng lòng tin, bồi bổ ý chí quyết tâm, khiến con người có thể sống an lạc thanh tĩnh, vượt qua những trắc trở, thậm chí cả tai nạn nguy nan trong đường đời. Còn cứu cánh của thơ không gì khác là bồi bổ tâm hồn, cảm xúc, nhân đạo hoá con người, vĩnh cứu hoá cái đẹp. Như vậy cả thơ và phong thuỷ đều hướng tới cái chân, cái thiện cho con người, vì con người. Với anh, đó là cái đạo của phong thuỷ và cũng là cái đạo của thơ. Cho nên, mỗi khi đến một vùng đất mới, về một vùng quê kiểng, hay xem hướng một căn nhà, một mảnh đất, dự đoán thời gian có thể cải táng một ngôi mộ v.v., chớp được một ý thơ, tứ thơ hay là đêm về anh ngồi cặm cụi làm thơ. Với nghề phong thuỷ và nghiệp thi ca anh đau đáu một nỗi niềm làm được chút gì đó có ích cho con người, cho quê hương, bằng cách “gom lại từng mảnh hồn làng đang vỡ”, khi mà các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá nước nhà đang có nguy cơ mai một, cần được bảo trì, phát huy và phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, lên một tầm vóc mới.

Ý tình trên đây của Phan Cát Cẩn, tôi thấy bộc lộ rõ nét trong tập thơ “Về miền đất sinh thành”. Anh thổ lộ:

Mỗi lần qua cổng làng
lại vấp vào ký ức
những gánh gồng tất tả
những hạt lúa vặn mình trên đôi vai nhọc nhằn
loang mồ hôi muối
cánh đồng - nơi vết rạ đâm thấu vết nứt chân người
vết nứt mặt ruộng như vết dao đâm…

Đó là cái cổng làng mãi mãi vẹn nguyên trong tâm thức, để rồi sau hai mươi năm trở lại khiến anh bừng ngộ và nung nấu một ý chí:

Hai mươi năm trở lại
ngắm mảnh rêu bám hờ năm tháng
ngắm rễ đa cuốn vòng nguyệt quế
vòm cổng cong, khuyết nửa vầng trăng
gom lại
từng mảnh hồn làng đang vỡ…

“Gom lại từng mảnh hồn làng đang vỡ” quyện hoà giữa nghề và nghiệp, trở thành hồn cốt của thơ anh. Với hồn cốt đó, tôi hy vọng anh sẽ mang lại nhiều niềm vui cho đời, nhiều hữu ích cho con người. Chắc chắn sức mạnh ma quái của đồng tiền - “con đĩ nhân loại” như Sêchxpia đã chỉ đích danh không thể làm tha hoá một nhân cách và một tình thơ.
Bìa tập thơ Về miền đất sinh thành của Phan Cát Cẩn

Với Phan Cát Cẩn, “gom lại từng mảnh hồn làng đang vỡ” trước hết là về với “miền đất sinh thành - nơi ta trở về nguồn cội”, để “nhớ ngón chân Giao Chỉ thuở nào / sinh Thánh Tản Viên”, để “mắt hướng về xa / đôi bờ huyền thoại” , đặng nhận ra “bầy ngô trổ cờ một thuở / đò chiều buông neo trong giá buốt / giầy cỏ ấm chân ai chiều đông lạnh”, và để thấy “Núi Tản in bóng sông Đà / đảo Ngọc dập dềnh thương nhớ / những con đường dẫn về hư ảo”. Bởi, chính “miền đất sinh thành” ấy là nơi có mẹ ta “Ráng đỏ cuối ngày / mài lõm con đường sống trâu / mẹ đi-về trong nắng quái/ loang lổ chiều đông / đau nhức lưng còng / khi thời tiết giao mùa / âm thầm cật vấn lòng con”. Ở đó, có quê ngoại ta “Cha già râu ám thuốc lào / Mẹ già nhai trầu bỏm bẻm / mây trắng đầu non mòn mỏi / lối vườn ngập lá vàng rơi”, mà nay trở về ta chỉ thấy “Trời cũ, dòng sông cũng cũ / bao nhiêu gò bãi ngổn ngang / cát sỏi xô nhau thành đống / đâu còn con nước xanh trong”. Những rơi rụng, những mất mát khi trở về mảnh đất nuôi ta khôn lớn thành người, ta không thể không“gom lại”. Và đặc biệt ở đó còn “một thuở em”“Trăng mùa đông trắng bệch / bên đồi chè em xám bạc màu trăng / sông Chảy chở tháng năm / khoác cơn mưa tìm nhau tóc ướt… / mây chiều cánh én nghiêng chao”, để rồi “Nhìn lũ kiến lửa diễu hành bên ngõ / Tôi ngẩn ngơ / Ngày em vu quy…” với bao xa xót ngậm ngùi :“Tôi nhấp em trong ly rượu cặn /Ngoài trời mưa trong bóng / Buồn nao lòng / Buồn đắng đót / Em qua đời tôi như mùa thu”. Đó không chỉ là ký ức mà là văn hoá, là hồn vía nơi ta sinh thành không thể nguôi ngoai, không thể quên lãng. Nghĩa là, chỉ có “gom lại từng mảnh hồn làng” đang rụng rơi trước khắc nghiệt của thời gian, đang bị bào mòn, xâm thực trước sự xuống cấp của văn hoá, đạo đức và lối sống, thì ta mới không đem “bán Phật”, không đem “những niềm tin” ra mà “rao bán”, bởi “liệu có mua về, có cứu rỗi được trái tim lầm lỗi”. Và cũng chỉ có như vậy, ta mới khắc ghi mãi mãi bài học “ Người Việt thưở ấy dại khờ / bị quỷ kế ăn cắp trái tim”, để đời đời kiếp kiếp thấu nhận “Nước giếng Ngọc ngày đêm rửa mặt lịch sử / cho ta nhìn rõ kẻ thù / Hoàng Sa, Trường Sa luôn trong vùng mắt bão”.

Phan Cát Cẩn không còn là một nhà phong thuỷ “chân đất” và một “lều thơ” như xưa, giờ đây anh đã trở thành một thầy phong thủy có không ít học trò muốn kế nghiệp và một nhà thơ thực thụ được tu nghiệp qua một lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Đường nghề và đường nghiệp đang mở ra trước mắt anh. Phong thuỷ và thơ trong anh như cặp tình nhân đang hô ứng và gọi giục. Tôi cầu mong anh gặt hái nhiều thành công hơn nữa. Lẽ nào sau “Về miền đất sinh thành”, anh lại không có những miền thơ mới lắng đọng hơn, chiếm lĩnh được nhiều trái tim độc giả hơn?

Thành phố Hồ Chí Minh, một đêm thu 2015
QUANG HOÀI
___________________________________

Nhà thơ Phan Cát Cẩn tên thật là Phan Văn Cẩn, sinh 1946 tại Đông Viên, Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội. Ông hoạt động văn học từ năm 1992, có bài đăng ở các báo trung ương, địa phương và các báo chuyên ngành văn chương.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản:

Miền hư o - thơ, NXB Hội Nhà văn 2012.
Bến vắng - thơ, NXB Hội Nhà văn 2013.
Những chiều mây cổ tích - thơ, NXB Hội Nhà văn 2013.
Về đâu chim ngói xanh - thơ, NXB Hội Nhà văn 2014.
Về miền đất sinh thành - thơ, NXB Hội Nhà văn 2015.
Mùa lên hương - thơ, NXB Hội Nhà văn 2016.

Nguồn: NVTPHCM



Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

TA ĐÃ LÀM CHI ĐỜI TA - BÚT KÝ CỦA VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Việc tái bản hồi ký của Vũ Hoàng Chương, nguyên Chủ tịch Hội Văn bút của miền Nam Việt Nam, người đã được xưng tụng là thi bá của miền Nam; bên cạnh hồi ký của Anh Thơ, Mộng Tuyết, Tô Hoài, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Quách Tấn, sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn đa chiều về một giai đoạn văn học phát triển rất phong phú nhưng không kém phần phức tạp trước 1945...
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương

Sau năm 1975, trên thị trường sách xuất hiện khá nhiều hồi ký của các nhà văn đã từng sáng tác trước 1945 như Cát bụi chân ai   Chiều chiều  của Tô Hoài, Nửa đêm sực tỉnh của Lưu Trọng Lư, Hồi ký Anh Thơ của Anh Thơ, Núi Mộng gương Hồ của Mộng Tuyết, Hồi ký Quách Tấn của Quách Tấn, Hồi ký song đôi của Huy Cận. Những hồi ký này có sức hấp dẫn đặc biệt, bởi vì ngoài việc đáp ứng được nhu cầu nhận thức lại quá khứ, đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận văn học của người đọc hôm nay, các tác phẩm này còn bộc lộ những cái tôi rất riêng của các nhà văn vốn được bạn đọc mến mộ từ lâu. Từ một cự ly gần, chân dung tự họa của tác giả cũng như những chân dung được họa của các nhà văn khác đã hiện ra sinh động, nhiều chiều kích. Các hồi ký này đã bộc lộ, giải tỏa nhiều ẩn ức; tái hiện không ít những sự thật vì nhiều lý do đã từ lâu bị bỏ quên hoặc khuất lấp. Nhiều số phận, nhiều cảnh đời, nhiều vấn đề phức tạp của quá khứ cũng đã được nhìn nhận lại bằng tư cách của người trong cuộc.

So với các hồi ký nói trên, hồi ký Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương đã xuất hiện trước đó khá lâu (in bởi cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký năm 1974), nhưng vẫn  có giá trị riêng của nó, vẫn có ích cho người đọc hiện nay. Qua hồi ký của Vũ Hoàng Chương, ta có thể hình dung không khí sinh hoạt văn nghệ của một thế hệ nhà văn trước và sau năm 1945, được tác giả tái hiện sống động đến từng chi tiết. Bằng một văn phong giàu cảm xúc, mang ít nhiều chất cổ phong, chân dung tự họa của Vũ Hoàng Chương cũng như nhiều khuôn mặt văn nghệ khác và những người đã đi qua đời ông hiện ra rất sinh động. Qua những hồi đoạn có phần như đứt nối, lắp ghép, lần lượt chân dung các nhà văn khác hiện ra với một khoảng cách rất gần, rất cụ thể trong dáng điệu, giọng nói: Đố Đức Thu, Nguyễn Bính, Thế Lữ, Lê Trọng Quỹ, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chu Ngọc, Vũ Trọng Can, Phan Khôi, Đông Hồ…Những chuyền giang hồ vặt cùng Đỗ Đức Thu, Thế Lữ, Tô Hoài, Lê Trọng Quỹ rồi Nguyễn Bính, Tô Hoài; những lần đi hát cô đầu cùng với Chu Ngọc, Vũ Trọng Can, Nguyễn Bính; những ngày dạy học ở Hải Phòng, dẫn đến việc thành lập ban kịch Thăng Long cùng với Chu Ngọc, Nguyễn Bính; những ngày tản cư trong kháng chiến chống Pháp; những ngày hồi cư về Hà Nội; những ngày vào miền Nam sau 1954; những bóng hồng trong đời Vũ Hoàng Chương, từ Mây, Liên, Tố, Khanh… đến Oanh (tức Đinh Thục Oanh), người bạn đời đã đồng hành, chia sẻ ngọt bùi, đắng cay với ông đến cuối cuộc đời. Qua Ta đã làm chi đời ta, chúng ta còn có thể phát hiện xuất xứ nhiều tác phẩm của “nhà thơ say”, như tập thơ Mây và kịch thơ Vân muội ra đời là từ “tình hận” với cô Mây ở làng Dương Ổ, bài thơ Trả ta sông núi chính là khai từ cho vở kịch Nguyễn Thái Học, bài Thiên đường lại mở là viết cho những ngày đầu hạnh phúc ở bên Oanh…

Việc tái bản hồi ký của Vũ Hoàng Chương, nguyên Chủ tịch Hội Văn bút của miền Nam Việt Nam, người đã được xưng tụng là thi bá của miền Nam; bên cạnh hồi ký của Anh Thơ, Mộng Tuyết, Tô Hoài, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Quách Tấn, sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn đa chiều về một giai đoạn văn học phát triển rất phong phú nhưng không kém phần phức tạp trước 1945, về một thế hệ nhà văn vàng sau này khó có thể tìm lại. Đặc biệt là qua hồi ký này, ta hiểu thêm về sinh hoạt văn nghệ của Hà Nội trong giai đoạn 1945- 1954, một mảng văn học đến giờ vẫn còn chưa dược nghiên cứu thấu đáo. Nghiền ngẫm hồi ký của Vũ Hoàng Chương và các nhà văn cùng thời, ta thấy đó không chỉ là tiếng nói của những cá nhân, tiếng nói của một thời đã qua, mà còn từ những bài học cụ thể đó, chúng ta có thể suy nghĩ về nhiều vấn đề cho hôm nay, từ sức mạnh của văn chương, trách nhiệm của nhà văn, đến những suy nghĩ về tình bạn và tình yêu, gia đình và xã hội, chiến tranh và hòa bình.

PGS.TS. VÕ VĂN NHƠN
(Lời giới thiệu tập bút ký Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương)




Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

HUỲNH PHAN ANH: "THƠ HIỆN HỮU CHỐNG LẠI THƠ"

“Thơ không là kinh nghiệm. Thơ là sự chờ đợi của kinh nghiệm. Làm thơ, nói về thơ… là tìm tới kinh nghiệm thơ..."
Nhà phê bình Huỳnh Phan Anh

Kể từ khi được ấn hành trong tập tiểu luận “Văn chương và kinh nghiệm hư vô” (xuất bản năm 1968) đến nay, Thơ hiện hữu chống lại thơ của ông Huỳnh Phan Anh vẫn còn là nỗi ám ảnh, day dứt đối với những ai đã làm thơ, đang làm thơ, hay nuôi ý định sẽ làm thơ, và cho những ai muốn định nghĩa, cắt nghĩa về thơ. Ông Huỳnh Phan Anh cùng tiểu luận của ông đã rất đúng khi cho rằng, bất cứ ai trong chúng ta đang ra sức khẳng định thơ là thế này hay thơ là thế khác, hoặc suy tư về thơ hay, thơ dở thì cũng đều là mang thơ ra để phủ nhận chính thơ, là thơ chống thơ theo nghĩa bản chất. Ứng với suy tư ấy của ông Huỳnh Phan Anh trong thực tiễn phê bình thơ ngày hôm nay, ta thấy, mọi sự phân định thơ dở thơ hay, thơ ngoại biên hay thơ trung tâm, thơ “rác” hay thơ “linh thiêng” đều là những cách thức suy diễn chống lại bản chất của thơ. Bởi vì “thơ” là miền im lặng, và cũng là vì, thi sĩ khi làm thơ thường không định nghĩa thơ phải thế này hay thơ phải thế kia.

Thơ cũng như người làm ra nó là một cõi im lặng và hồn nhiên với chính nó. Nó hướng về hiện hữu để hỏi và chiêm nghiệm về hiện hữu, chứ không phải là hướng về hiện hữu rồi quay trở lại nghi vấn về sự tồn tại của mình. Người thơ cất bút làm thơ như một thoáng nghiệm sinh, phiêu lưu cùng hiện hữu, để hiện hữu ấy qua thơ có thể tự lý giải về sự có mặt của mình trong cõi đời. Do đó cách tốt nhất để chúng ta hỏi về thơ là hãy im lặng trước thơ, để nó tự trôi chảy theo ý nghĩ và tuôn trào theo con tim đến với cuộc đời nhiều đau khổ; hướng con người tới sự xoa dịu êm ái của ngôn từ như ông Huỳnh Phan Anh từng thông điệp tới các thi sĩ và thế giới thơ của họ, rằng, “đừng tìm những cuộc hóa thân đâu xa xôi. Hãy nhìn trở lại con người, và bắt đầu bằng cái nhìn nó gửi lên sự vật, những cảm xúc của nó, những mơ mộng của nó, những niềm tin của nó, để thấy sự thay đổi cả một thời đại. Có thể chúng ta bi thảm vì, nói một cách đơn giản, chúng ta đã đánh mất thơ ngây. Và bi thảm hơn, chúng ta không thấy điều đó” (Huỳnh Phan Anh - Thơ hiện hữu chống lại thơ).

Nếu như trong phần 1 của tiểu luận Thơ hiện hữu chống lại thơ, ông Huỳnh Phan Anh đã chỉ ra đặc trưng mơ mộng từ căn tính thơ, rằng, thơ là một hiện hữu không thể cắt nghĩa, không thể khái niệm và không thể ban bố thang bậc xác định thế nào là thơ, thì tới phần 2 của tiểu luận, tác giả của nó đặt thơ vào một vị trí chơi chữ nửa như bông đùa nửa như mời gọi những nhà phê bình thơ nóng tính hạ bút phê phán mình.

Thơ có chân lý không? Một câu hỏi đau đầu cho những nhà bình luận. Câu hỏi ấy đặt ra có nguy cơ lật nhào những quy ước “thang bậc lý luận” cho các ý niệm thơ hay, thơ dở. Và bởi vì thơ là một hiện hữu im lặng, cho nên ngôn ngữ dẫu có trác tuyệt, diệu vợi như thế nào thì nó cũng không thể giải phóng tuyệt đối bản chất mơ mộng, phiêu bồng của tâm hồn người làm ra nó. Cũng bởi lẽ, ngôn ngữ là phúng dụ của nghĩa, nó mang bản chất siêu hình học như cuộc vượt biên, trốn chạy đầy mơ hồ trước thực tiễn sống của thi nhân, cho nên mọi chân lý đặt ra với thơ cũng đều là hành động chống lại chân lý thơ. Ông Huỳnh Phan Anh với kinh nghiệm phản tư triết học đã đặt thơ vào tình thế chống lại những nhà phê bình thơ, chống lại thói quen thẩm định thơ cảm tính, chống lại một hệ thống giáo điều thơ theo kiểu luân lý, thơ hay phải thế này, thơ hay phải thế kia.

Thơ cũng giống như người làm thơ chẳng thể nào chỉ gói gọn tâm hồn mình trong sự nghèo nàn của ngôn ngữ cộng đồng, nó vượt thoát những giới hạn luật lệ khiến thi nhân phải ngột thở, để oằn mình vươn tới cái khác, cái bên ngoài, cái phóng khoáng của tưởng tượng. Người thơ với tâm hồn thơ phiêu bồng, khi thì cưỡi trăng, lúc thì hạ thủy, đêm xuống bầu bạn cùng mây gió, chẳng thể đậu yên một chỗ như con thuyền trước bóng thì làm gì có chân lý chuẩn mực của thơ. Chân lý của thơ là sự im lặng. Cõi lòng thi nhân là cõi lòng không thể dàn trải trong giới hạn của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ chỉ là cái cớ để những tâm hồn đồng điệu sát lại gần nhau trong sự im lặng bất tận của tâm hồn. Sự im lặng ấy sẽ đốt cháy tâm thức của họ thành cuộc phản kháng chống lại hiện hữu theo nghĩa mời gọi, rủ rê những ngọn lửa khác bên ngoài đang đi tìm “bóng lửa” của mình. Cuộc đoàn viên, tụ họp của những bóng lửa ấy sẽ mở ra viễn tượng bùng cháy bất tận của ngọn lửa thơ, sẵn sàng thiêu đốt mọi giới hạn, mọi quy tắc áp đặt lên bản chất phóng khoáng, tự do của thơ và người thơ: “lời nói thơ, ngôn ngữ thơ, là bí ẩn là bóng tối, nó chỉ hứa hẹn, mời gọi mà không bao giờ là sự thật nền tảng, chân lý sau cùng, vật thể đích thực. Cho nên thơ không khẳng định cái ở đó. Thơ khẳng định cái ở ngoài, ngoài lời nói, ngoài ngôn ngữ. Cho nên sự khẳng định thơ không quá rõ ràng, sáng sủa cố định như một mệnh đề luân lý hay một phương trình toán học” (Huỳnh Phan Anh - Thơ hiện hữu chống lại thơ).

Qua phần 1 và phần 2 của Thơ hiện hữu chống lại thơ, chúng ta thấy, cốt tủy trong lý luận của ông Huỳnh Phan Anh nằm ở “cái im lặng” của thơ, từ sự khai minh ý nghĩa của việc nên định nghĩa về thơ (Câu hỏi về thơ - phần 1) như thế nào?, cho đến Khẳng định của thơ (phần 2) là một sự vận động tĩnh lặng trong cái cõi thơ siêu việt. Giờ đây, trong phần 3 này, ông Huỳnh Phan Anh không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngưỡng, nghi vấn, khẳng định cái cõi im lặng ấy, mà còn là cảm giác vượt thoát khỏi chính ý niệm về sự im lặng. Một sự im lặng dường như tuyệt đối trước thể tính của thơ. Và cũng có lẽ vì, khởi thủy của thơ vốn là một miền im lặng thuộc về cõi riêng của thi sĩ, cho nên mọi sự bàn luận về thơ từ ngàn năm nay của loài người đều là những cách thức chống lại cái nguyên khởi mơ mộng ấy của thơ, là chống lại vận mệnh thơ, chống lại sự hiện hữu của thơ và người thơ.

Và có lẽ chính vì thơ là một cõi siêu việt không thể giải quyết được bằng lời, cho nên, chân lý của thơ là chân lý của suy niệm và cảm nghiệm hơn là giải thích và chứng minh. Và vì bản thân thi nhân khi Hắn khai mở ý niệm về thơ thì cũng là lúc Hắn tự đẩy mình vào những giới hạn của thơ, bởi lẽ, mọi ý niệm đều là những cách thức mô tả dựa trên các biểu tượng có giới hạn chứ không phải là một cuộc chuyển động toàn diện về tâm thức.

Thơ trong quan niệm của ông Huỳnh Phan Anh, theo đó không phải là kết quả của kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn sống trải, mà là một dự phóng đón đầu và chỉ đạo kinh nghiệm sống trải của thi nhân - điều mà ông gọi là “sự chờ đợi của kinh nghiệm”. Vì vậy mà, đa phần thi nhân đều là những người sống không theo quy luật thường nghiệm. Họ có chút lập dị của kẻ coi thế giới hữu hình chỉ là cõi tạm, mơ mộng, phiêu bồng, lấy trăng mây gió núi làm bạn đường. Tư tưởng của họ là tư tưởng của một kẻ không tuân theo bất cứ tư tưởng nào, lối sống của họ là lối sống của kẻ không theo thước đo chuẩn mực. Cách nghĩ, cách làm của họ không phục vụ hay làm vui lòng bất cứ ai hoặc bất cứ giai tầng xã hội nào. Có lẽ vì họ là những người tự sáng tạo ra lối sống của mình, tự mình làm nên kinh nghiệm sống và tự mình gánh vác các chuẩn mực do mình đề ra, thế nên, thơ là cõi lặng của chỉ riêng thi sĩ làm ra nó. Nó không lẫn, không hòa, không trộn vào làm một với bất cứ thi phẩm nào và của bất cứ thi nhân nào bên ngoài nó. Nó là miền im lặng của chính nó và của người làm ra nó, đúng như ông Huỳnh Phan Anh quan niệm: “Thơ không là kinh nghiệm. Thơ là sự chờ đợi của kinh nghiệm. Làm thơ, nói về thơ… là tìm tới kinh nghiệm thơ. Như vậy trong chính danh của lời nói, trong chính danh của thơ, người ta phải nhìn nhận một điều: Không được phép nói về thơ. Niềm im lặng của thơ biến mọi lời nói, mọi lời thuyết giảng hay chú giải về thơ thành thừa thãi, ngụy biện ngây ngô” (Huỳnh Phan Anh - Thơ hiện hữu chống lại thơ).

NGÔ HƯƠNG GIANG
Nguồn: VHQN

__________________________

Trích dẫn từ nguồn: Huỳnh Phan Anh, Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Hoàng Đông Phương xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.93-115



BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...