Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

NGUYỄN QUANG THIỀU MÃI MÃI LÀ ẨN SỐ

Nguyễn Quang Thiều là ai? Câu hỏi ấy cứ mãi ám ảnh tôi. Đã hơn mười lăm năm chơi với anh, càng gần càng hiểu anh thì câu hỏi ấy lại càng ám ảnh tôi, như một ẩn số không bao giờ có lời giải. Ẩn số ngay cả khi tôi cùng nhà thơ Nguyễn Quyến ngồi trà đạo xuyên đêm với Nguyễn Quang Thiều tại ngôi nhà sinh trưởng nên anh ở làng Chùa bên bờ sông Đáy; ngôi nhà và cái làng mà tình yêu, ước mơ và sự hiến dâng của anh dành cho nó cũng là một điều bí ẩn, nhất là từ khi cha mẹ anh cùng ra đi trong vòng một năm: “Thi thoảng tôi thấy khu vườn rực sáng và tôi nhìn thấy cha tôi đang ngồi uống trà dưới vòm lá đào. Nhiều lúc, tôi không nghĩ hình ảnh ấy là của ký ức mà là một hình ảnh của hiện tại. Nó có thật. Và nhiều đêm gần sáng, tôi lại nghe từ căn buồng bên cạnh tiếng mẹ tôi rành rõ gọi tôi lấy cho bà chiếc chậu để bà đi tiểu đêm…”
Hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Phan Hoàng

CÓ LẼ KIẾP TRƯỚC LƯỜI NHÁC QUÁ… VÀ THÈM MỘT LẦN ĐƯỢC NGỦ DẬY MUỘN

Với mọi người một giấc ngủ muộn là chuyện bình thường. Nhưng với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đó là cả một niềm mơ ước. Bởi công việc và công việc cứ mãi cuốn lấy anh.

Chẳng những tôi mà nhiều người cũng ngạc nhiên không hiểu Nguyễn Quang Thiều lấy đâu ra thời gian và năng lượng để làm việc dữ dội đến vậy. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim, tiểu luận và liên tục in sách. Anh cũng không ngừng xuất hiện cùng các bài báo dưới hàng loạt bút danh khác nhau, rồi biên tập, phỏng vấn trực tuyến. Anh còn là một trong những nhà văn đi nước ngoài như “đi chợ”, thường xuyên dự các hội thảo văn học, liên hoan thơ quốc tế,…

Vậy thì thời gian đâu để Nguyễn Quang Thiều làm… chồng và dành cho những riêng tư của mình? Phải chăng anh có bí quyết sắp xếp thời gian nào đó? Trước boăn khoăn của tôi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thổ lộ:

- Đã có nhiều người hỏi tôi câu hỏi này. Quả thực tôi đã sống như một dòng nước chảy xiết chưa một phút chậm lại. Tôi cứ nghĩ có lẽ kiếp trước mình lười nhác quá, rong chơi nhiều quá… cho nên kiếp này phải trả nợ. Đã nhiều lần tôi muốn dừng lại cường độ làm việc như thế nhưng tôi không thể nào làm được. Tôi không có bí quyết gì trong việc sắp xếp thời gian. Tôi chỉ là kẻ có khả năng say mê mọi công việc. Có những việc lúc đầu tôi bắt tay làm như một sự bắt buộc. Nhưng chỉ ngay sau đó, tôi đã làm như một kẻ tự nguyện điên rồ. Tôi không biết như thế có phải là một sai lầm hay không.

Thời gian dành cho riêng tư tôi thực sự không nhiều. Sống ở thành phố hình như tôi không có thời gian cho những riêng tư. Nhưng tôi may mắn có một làng quê cách Hà Nội không xa. Thế là, cuối tuần lái xe về làng, sống gần như một mình trong ngôi nhà của ông bà, cha mẹ tôi. Tôi đi câu, chăm sóc cây cối trong vườn và đêm xuống tôi ngồi trong vườn uống cà phê, lắng nghe mọi âm thanh của khu vườn.

* Chăm sóc cây cối và cũng phải chăm sóc vợ một chút nữa chứ. Tôi mà là vợ anh thì khó lòng sống với một đấng lang quân suốt ngày chỉ biết tới công việc, chữ nghĩa và làng quê. Tôi cũng nghe nói tác giả Sự mất ngủ của lửaluôn ngủ rất ít, đúng không thưa nhà thơ?

- Tất nhiên tôi cũng phải dành thời gian cho vợ con rồi, nhưng không được như ý muốn. Nhiều năm nay, có những buổi tối tôi hạ quyết tâm ngày mai mình sẽ ngủ dậy thật muộn, sau đó sẽ đi uống cà phê rồi tắt điện thoại và chìm vào một cuốn sách hay những trang bản thảo của mình. Vậy mà cho đến lúc này, cái ngày mai ấy vẫn chưa tới. Tôi vẫn như một cậu bé thèm được một ngày ngủ dậy thật muộn.


Ít ngủ nhưng nhìn anh lúc nào cũng rắn chắc, cũng phong độ, kể cũng lạ. Đã ở tuổi “tri thiên mệnh”, anh quan niệm ra sao về thời gian? Anh có chịu áp lực hay nỗi ám ảnh về thời gian?

- Đúng là quan niệm về thời gian đã thay đổi hoàn toàn trong tôi, không phải ở tuổi tri thiên mệnh mà từ nhiều năm trước. Tôi không “định giá” thời gian theo những chiếc kim đồng hồ mà theo những gì chứa đựng trong khoảng thời gian mình đã sống. Mỗi khi ngồi một mình trong khu vườn ở làng Chùa, lòng tôi ngập tràn những ký ức, những sự kiện và những suy tưởng hay những lúc tôi đang sáng tạo là những lúc thời gian chứa trong đó một trữ lượng khổng lồ của những giá trị sống. Tôi đã từng nhiều lần suy nghĩ về cái chết. Hồi còn trẻ, tôi đã từng trực tiếp bốc mộ hoặc chứng kiến công việc bốc mộ những người thân đã mất. Quả thực lúc đó, ý nghĩ về cái chết đã làm tôi hoảng sợ khôn cùng. Nỗi sợ hãi ấy đã bám theo tôi một thời gian rất dài. Nhưng thời gian với những kinh nghiệm sống và những khai mở trí tuệ, tôi đã nhìn cái chết với một tinh thần khác.

* Anh nhìn cái chết với một tinh thần khác, cụ thể…

- Nó làm tôi chắt chiu những giây phút mình sống. Nó làm tôi chia sẻ, cảm thông và nhân ái với con người hơn. Nó làm tôi có thể ngồi cả buổi chiều trong vườn vào một ngày xuân ngắm nhìn vẻ đẹp diệu kỳ của hoa lá và tiếng chim. Nó làm cho tôi khát khao được chết trong một ngày tại khu vườn quanh ngôi nhà ở làng Chùa đầy gió và hương thơm của hoa nguyệt quế. Khi hiểu được điều đó, chúng ta sẽ nhận ra sự kỳ diệu của thời gian chứ không phải nỗi đe doạ của nó.

Tôi tin tinh thần đối với thời gian và cái chết của anh sẽ giúp khai mở cho không ít tâm hồn đang u uẩn. Theo dòng thời gian, cho tới bây giờ những khoảnh khắc nào trong đời mình mà anh thường nhớ tới?

- Đó là những khoảnh khắc tôi được sống với những người thân yêu như bà nội tôi và cha mẹ tôi. Ngôi nhà ở quê tôi đã được sửa sang sạch sẽ và nhiều ánh sáng, nhưng thi thoảng tôi vẫn nhận thấy trong căn buồng nơi bà nội tôi nằm khi đau ốm vì bệnh bại liệt sực nức mùi thuốc Bắc và mùi nước tiểu của người già. Sau khi cha mẹ tôi mất, tôi về quê và nhiều lúc thức suốt đêm trong ngôi nhà này. Thi thoảng tôi thấy khu vườn rực sáng và tôi nhìn thấy cha tôi đang ngồi uống trà dưới vòm lá đào. Nhiều lúc, tôi không nghĩ hình ảnh ấy là của ký ức mà là một hình ảnh của hiện tại. Nó có thật. Và nhiều đêm gần sáng, tôi lại nghe từ căn buồng bên cạnh tiếng mẹ tôi rành rõ gọi tôi lấy cho bà chiếc chậu để bà đi tiểu đêm. Tôi không rõ những hình ảnh kia và giọng nói kia sẽ tồn tại đến khi nào và có hình ảnh nào, âm thanh nào khác có thể chen vào không.

MỐI QUAN HỆ THIÊNG LIÊNG BÍ ẨN & ƯỚC NGUYỆN XÂY THƯ VIỆN CHO TRẺ EM LÀNG CHÙA

Thật khó khăn nếu như có năm nào đó tôi phải rời xa làng quê Hoà Đồng ở Phú Yên để ở lại Sài Gòn ăn Tết. Làng Chùa đối với Nguyễn Quang Thiều cũng vậy. Anh không bao giờ rời xa cái Tết cổ truyền làng Chùa thuộc xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ mà nay đã nhập vào Hà Nội, nơi anh đã cất tiếng khóc chào đời ngày 13.02.1957. Đặc biệt, ngay cả bây giờ trên cương vị phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, anh vẫn thường xuyên có mặt ở làng khi có thể, rồi “ông phó chủ tịch hàm ngang thứ trưởng” còn lo tổ chức hội thơ, làm thư ký cho cuộc thi thơ làng Chùa. Ngược lại người làng Chùa cũng rất yêu quý, tự hào và trân trọng đứa con tài hoa và nhân ái của làng.

Tôi đinh ninh là người làng Chùa chắc hẳn Nguyễn Quang Thiều rất mê lễ chùa, nhưng theo anh:

- Tôi khác rất nhiều người, tôi rất ít đi chùa vào mùa xuân và thậm chí vào những mùa khác trong năm. Nếu tôi không gặp may mắn thì tôi cũng không dám kêu ca, trách móc Thần Phật sao không phù hộ độ trì cho tôi. Thời gian này, tôi vẫn chỉ muốn về làng Chùa của mình.

* Cái Tết làng Chùa của anh năm Tân Mão này có gì mới?

- Năm nay, tôi trồng thêm được một cây đào trong vườn mà bạn tôi, một người nông dân, chở từ Sơn La về vì biết tôi thích trồng hoa đào trong vườn. Tôi muốn trở về để ngắm hoa mơ, hoa đào nở trắng khu vườn trong sự yên tĩnh đến tột cùng tinh khiết. Tôi muốn chiêm ngưỡng và hưởng thụ những vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên. Và cũng để có thời gian tạm xa thành phố với cuộc sống ngạt thở và quá nhiều trống rỗng mà tôi cũng là một kẻ ít nhiều đóng góp vào nỗi ngạt thở và sự trống rỗng đó. Và để chiều cuối năm, tôi được lang thang trong gió lạnh và mưa bụi trên cánh đồng cuối làng giữa những ngôi mộ của những người thân đã khuất. Tôi thường ngồi lâu hơn trước mộ mẹ tôi. Tôi muốn được nhìn thấy mẹ tôi một lần nữa. Tôi muốn nghe được chính giọng nói mẹ tôi tha thứ cho những lỗi lầm nào đó của tôi với cuộc đời này. Tôi không bao giờ quên được một đêm trăng khi mẹ tôi còn sống. Đêm ấy mẹ con tôi ngồi bên nhau trong khu vườn đầy trăng và ngào ngạt hương nguyệt quế, mẹ tôi nói: “Khi mẹ mất đi rồi, có còn ai yêu con như mẹ nữa không”. Nhưng cho dù chẳng còn ai yêu tôi nữa thì tình yêu thương của mẹ dành cho tôi đủ giúp tôi không cô độc đến hết đời.

* Đúng vậy, trên cõi đời này không tình yêu thương nào lớn lao hơn tình mẫu tử. Và tôi không tin bất kỳ con người nào có thể sống tình nghĩa nếu họ không phải là người con hiếu thảo. Ngoài những ký ức anh vừa thổ lộ thì làng Chùa còn những bí mật gì có sức hút mãnh liệt đối với anh?

- Mỗi người đều có một mối liên hệ vừa mơ hồ, vừa bí ẩn, vừa thiêng liêng và vừa uy quyền với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thực ra, tôi không thể lý giải được rành mạch mối liên hệ này. Nhưng tôi hiểu mối liên hệ này được tạo dựng lên bởi rất nhiều yếu tố vừa cụ thể vừa mơ hồ: ký ức, kinh nghiệm, phong tục, văn hoá, ẩm thực, thổ ngữ, dòng họ, hàng xóm, những ngôi mộ, con sông, cánh đồng, đình làng, những câu chuyện ma thuở nhỏ, những đầm nước, những năm tháng đói rét, những cơn ốm đau, mối tình thuở học trò, những người đàn bà tắm trần trên bến sông, những phiên chợ, những đám tang, những thôn nữ tóc dài, ngực nở rắn chắc tưởng chỉ chạm kẽ là mang thai, những nhân vật đặc biệt của làng… Tất cả những thứ đó đã dựng lên một không gian sống động và huyền ảo mà chúng ta không thể lớn lên nếu không có một không gian như thế và không thể nào đi ra khỏi không gian đó nếu muốn làm người có chút gì lương thiện.

Anh từng có tuyên ngôn thơ về làng Chùa, đứng ra tổ chức hội thơ thi thơ và quảng bá hết mức cho làng. Anh cũng lặng lẽ giúp đỡ bà con láng giềng nghèo khó của làng. Ngoài cái ước mơ kiếp sau làm “con chó nhỏ” canh giữ “nỗi buồn- báu vật cố hương” như thơ anh viết, thì anh còn những tâm nguyện nào chưa thực hiện được cho làng Chùa?

- Câu hỏi này làm tôi lúng túng và sự xấu hổ bắt đầu xâm chiếm tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ, những gì tôi đã, đang và sẽ làm cho làng Chùa của tôi hình như chẳng hề an ủi được bao nhiêu cho những người nông dân làng Chùa đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả. Tôi không thể có tiền để xây nhà cho tất cả những gia đình ở làng Chùa đang khó khăn, để trợ giúp lệ phí học hành cho con cháu họ, để trợ giá nông sản cho những người nông dân, để xây một trạm y tế điều dưỡng cho những người già đau ốm, để trả lại sự công bằng cho một ai đó, để xây dựng một hệ thống nước sạch cho cả làng… Nhưng là một nhà thơ, tôi muốn cùng những người làng nuôi giữ giấc mơ cho chính làng mình.

Người làng Chùa có nói: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người geo trồng”. Tôi nghĩ, đó là sứ mệnh của mọi nền thơ. Tôi muốn người làng Chùa nhận ra phía sau những đói rét, những mất mát, những thiệt thòi trong đời sống thường nhật của họ có những vẻ đẹp kỳ diệu của đời sống này. Nhiều năm nay, tôi nung nấu tổ chức một Đêm làng Chùa. Đó không phải là một đêm thơ nhưng thơ là lý do chính.

* Anh có thể nói rõ hơn cái ý tưởng Đêm làng Chùa.

- Đêm đó, khi bóng tối buông xuống thì một thế giới của những vẻ đẹp và lòng nhân ái tràn ngập mọi ngôi nhà, mọi lối ngõ… của làng Chùa hiện ra. Rồi sáng sau, khi mặt trời lên, tất cả lại biến mất nhưng những gì hiện ra trong đêm trước đó như một nơi chốn nào đấy của Thiên đường là có thật. Con người phải được nhìn thấy Thiên đường một lần trong chính cuộc sống thế gian của mình cho dù chỉ là trong khoảnh khắc. Để những người nông dân tin rằng: cuộc sống của họ không chỉ là lam lũ và đói nghèo mà vẫn chứa đựng trong đó những điều kỳ diệu.

Tôi cũng đang bàn luận với chính quyền địa phương để tôi có thể xây một thư viện cho trẻ em làng Chùa. Một thư viện nổi trên một đầm sen trắng. Nhưng để làm việc này thì tôi phải có cơ hội thầu được đầm nước kia trong một thời gian mấy chục năm. Nhưng mọi chuyện thủ tục đâu dễ như ta nghĩ.

* Với một dự định tốt đẹp và với một người có mối quan hệ rộng như Nguyễn Quang Thiều mà cũng gặp rắc rối về thủ tục với một cái đầm nhỏ vậy sao?

- Chính tôi cũng tự hỏi: vì sao những người nước ngoài có thể đến Việt Nam thuê đất để kinh doanh làm giàu cho cá nhân họ trong khi tôi muốn bỏ tiền ra xây dựng một cơ sở tri thức và văn hoá cho cộng đồng mình thì lại gặp khó khăn. Nhưng cho dù khó khăn thế nào thì tôi cũng không từ bó ý định đó. Xin anh hãy cầu chúc cho những người làng Chùa và tôi thực hiện được mong ước chân chính đó.

KHÔNG THẤY DẤU HIỆU SỰ PHẢN ĐỐI VÀ TỔNG BIÊN TẬP BÁO VĂN NGHỆ KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ CỦA MỘT CÁ NHÂN

Chẳng những cầu chúc mà tôi tin nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và người làng Chùa sẽ sớm thực hiện được mong ước xây thư viện nổi cho trẻ em làng mình trên đầm sen trắng, cái đầm nhỏ thơ mộng nằm ngay trước mặt ngôi nhà tuổi thơ của chính Nguyễn Quang Thiều.

Chuyện làng quan trọng. Chuyện “quốc gia đại sự” càng quan trọng, nhất làkể từ khi Nguyễn Quang Thiều trúng cử ban chấp hành và trở thành phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bằng niềm tin và hy vọng của đông đảo hội viên. Tôi hỏi:

* Thưa “ông” phó chủ tịch, cho tới bây giờ anh tự cảm thấy mình đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm hy vọng của hội viên? Có việc nào anh được Hội giao mà chưa thể thực hiện?

- Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8 mới bắt đầu hoạt động, cũng đã vạch ra được lộ trình hoạt động cho nhiệm kỳ này và đã triển khai được một số công việc có ý nghĩa. Hơn nữa, trong cách nhìn của tôi, thời gian qua rất cần thiết cho các uỷ viên BCH hiểu nhau. Phải hiểu nhau thì mới có thể làm việc được một cách hiệu quả.

Nếu các hội viên đặt niềm tin vào cá nhân tôi 100 thì tôi mới làm được 1. Nhưng hãy cho cá nhân tôi nói riêng và cho BCH nói chung thời gian. Có một điều tôi biết rất rõ là: từ khi tham gia BCH thì tôi mất đi thời gian cho riêng tôi, mất đi ít nhiều một số quan hệ, phải đọc, phải nghe những gì mà một số người viết và nói về tôi rất hài hước, thi thoảng lại phải đọc một vài tin nhắn hay thư nặc danh ít thiện chí cho dù không liên quan đến cá nhân mình. Mới đây, tôi nói với một nhà văn là nếu tất cả các hội viên có thể lần lượt tham gia BCH thì chắc họ sẽ chia sẻ với chúng tôi hơn. Nhưng nói chung công việc của BCH bước đầu là khá thuận lợi.

Giả sử có bạn yêu văn học hỏi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rằng: Hội Nhà văn Việt Nam có vị trí và vai trò ra sao đối với đời sống sáng tạo văn học hiện nay, anh giải thích thế nào?

- Chức năng của Hội Nhà văn Việt Namlà tạo ra một không gian sáng tạo cho các nhà văn là hội viên và chưa hoặc không là hội viên. Nghĩa là Hội Nhà văn Việt Namphải tạo ra một môi trường sạch cho sự sáng tạo, làm cho những giá trị sáng tạo văn học và tinh thần của các tác phẩm văn học có khả năng lan toả ngày càng sâu rộng trong đời sống xã hội. Như vậy, Hội phải tôn trọng cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn và tôn vinh, bảo vệ những giá trị của các tác phẩm một cách cao nhất. 

Tôi hiểu cái “môi trường sạch” ấy anh cùng BCH mới bắt đầu thực sự gầy dựng và người quan tâm còn phải chờ đợi. Nếu không có gì bí mật, anh có thể cho biết sự đổi mới về hoạt động của BCH Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay so với trước đây? Ý kiến tranh luận lẫn công việc của từng thành viên BCH đã thực sự dân chủ và hiệu quả?

- Ban Chấp hành Hội mới hoạt động được mấy tháng. Nhưng một điều mà cá nhân tôi nhận thấy là không khí dân chủ được thể hiện rõ ràng và có ít nhiều hiệu quả. Tôi mong không khí dân chủ trong mọi công việc của BCH được duy trì và phát huy. Có một lý do thật đơn giản là khi BCH làm việc vì lợi ích chung của Hội một cách thực sự thì không cần kêu gọi dân chủ mà dân chủ vẫn hiển hiện và BCH sẽ tìm được tiếng nói chung. Sức mạnh của BCH không phụ thuộc về số lượng mà phụ thuộc vào sự đoàn kết và sáng tạo trong công việc. Nếu 15 uỷ viên BCH không đoàn kết thì hiệu quả công việc còn tồi tệ hơn một BCH chỉ có 5 hoặc 7 uỷ viên không đoàn kết. 

Một sự thật mà tôi muốn nói là BCH khoá 8 đang phát huy khả năng đối thoại và tranh luận trong công việc nhưng nó không thấy dấu hiệu của sự phản đối lẫn nhau. Chúng tôi đang làm việc với sự tôn trọng và lắng nghe nhau. Và tôi muốn không khí này sẽ tiếp tục và có chất lượng hơn.

Nhiều hội viên từng ước muốn Nguyễn Quang Thiều sẽ về đứng đầu tuần báo Văn Nghệ, nhưng cho tới nay điều ấy vẫn chưa thể thành hiện thực. Anh có suy nghĩ gì trước nguyện vọng của hội viên? Và nếu trở thành tổng biên tập báo Văn Nghệ, anh có tin rằng mình sẽ làm thay đổi theo chiều hướng tích cực tờ báo này không?

- Trước hết, tôi có thể nói rằng nguyện vọng của nhiều hội viên về sự khởi sắc của báo Văn Nghệ là chính đáng. Đó là hiện thực mà chúng ta phải thừa nhận. Việc cải tổ báo Văn Nghệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của BCH. Còn việc ai làm tổng biên tập tờ báo này là việc xét cho cùng rất đơn giản. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tổng biên tập báo Văn Nghệ không phải vấn đề của một cá nhân mà là vấn đề của một tờ báo, của Hội Nhà văn Việt Nam. Khi chúng ta thấu hiểu điều này thì mọi chuyện sẽ dễ dàng rất nhiều.

Ai làm tổng biên tập báo Văn Nghệ cũng sẽ phải đưa tờ báo đi theo chiều hướng tích cực, thể hiện sống động nhất, phong phú nhất và đa dạng nhất đời sống văn học nước nhà. Đó phải là tờ báo của mọi giá trị sáng tạo và thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn vì tự do của con người và vì dân tộc này. Chắc chắn không ai làm ngược lại cả. Còn cá nhân mình, tôi đang làm việc trong một tổ chức mà tôi tự nguyện chấp nhận. Vì vậy, tôi sẽ làm hết sức mình ở bất cứ công việc nào mà BCH phân công cho dù sự phân công đó không phải là sự lựa chọn của tôi. Ý thích cá nhân và công việc của tập thể thường khác biệt. Nhưng năng lực và sở trường của mỗi uỷ viên BCH thì phải được xem xét một cách nghiêm cẩn để phục vụ sự phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam một cách có hiệu quả nhất.

THƠ PHẢI LÀM MỚI LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ CŨ VÀ LÀM SỐNG LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ CHẾT

Nguyễn Quang Thiều là một tài năng có nội lực mạnh mẽ và giàu cá tính sáng tạo. Đọc thơ, văn hay những bài báo của anh, dù dưới bút danh nào người đọc cũng dễ nhận ra, vì nó có sức hút riêng, hiện đại, sâu sắc, nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, đối với tôi, Nguyễn Quang Thiều trước hết và sau chót đã và vẫn là một nhà thơ cách tân hàng đầu của thi ca Việt đương đại.

Những ngày cuối năm 2010, Nguyễn Quang Thiều đã ra mắt tập Châu thổ - thơ tuyển lần thứ nhất từ sáu tập thơ đã xuất bản của anh: Ngôi nhà 17 tuổi(1990), Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người đàn bà gánh nước sông(1995), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999) và Cây ánh sáng (2009). Thơ Nguyễn Quang Thiều khó đọc khó nắm bắt nếu như không đọc lại nhiều lần. Và giống như để được tiếp cận một người đẹp khó tính, để leo lên được ngọn núi cao bềnh bồng mây trắng, càng khó tôi càng muốn tiếp cận, càng khó tôi càng thích leo… và luôn ở tư thế leo lại từ đầu.

    Tất nhiên, có những văn bản đọc một lần chẳng ai đủ can đảm đọc lại lần thứ hai. Nó trôi tuồn tuột. Nhưng có những văn bản càng đọc càng mở ra cho chúng ta nhiều chiều kích của trí tưởng tượng. Thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều đã mở ra nhiều chiều kích như vậy. Một thế giới tín hiệu không lối mòn, không lặp lại. Một không gian xúc cảm khác lạ. Không ít lần tôi dò theo từng bước “chuyển động” rồi “chuyển dịch” của thế giới thơ anh để khám phá không gian mới của cái đẹp đau buồn tuyệt vọng lẫn hy vọng, của giấc mơ bị huỷ diệt và đang sinh sôi, của những sinh linh hẩm hiu vô danh bị vùi lấp và đang tái sinh… để rồi nhiều khi giật mình tôi thấy chính tôi cũng ẩn hiện trong không gian thơ đa chiều chông chênh hư thực ấy.

Có một điều từ lâu tôi muốn hỏi Nguyễn Quang Thiều mà bây giờ mới có dịp: Ý thức cách tân thơ đến với anh từ khi nào? Và ý thức ấy xuất phát từ nhu cầu nội tại hay do hoàn cảnh khách quan? Anh cho biết:

- Tôi không gọi ra một cách chính xác được là lúc nào mình phải viết khác đi. Nhưng có lẽ là sau tập thơ đầu tay Ngôi nhà 17 tuổi xuất bản năm 1990. Tập thơ này đã lọt vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 cùng 3 tập khác. Nhưng tôi đã thực sự không muốn tập thơ đó được giải. Vì sao? Vì nó không hoàn toàn là tôi. Có một phần của ai đó trong những bài thơ tôi viết ra. Tôi nhận thấy lối viết đó đã ít nhiều đi lại lối đi của một số nhà thơ trước đó. Hơn nữa, tôi nhận thấy con người thực sự của tôi vẫn đang đứng sau những bài thơ kia. Có lẽ tôi không ý thức rõ ràng sự cách tân mà chỉ muốn là chính tôi. Và ngay sau đó hai năm, tập thơ Sự mất ngủ của lửara đời. Đó là giọng nói của chính tôi, là thế giới ngôn từ và hình ảnh của tôi, là tất cả những gì mà tôi muốn phơi bày và tưởng tượng…

Với nhiều người, thơ Nguyễn Quang Thiều rậm lời, khó hiểu. Đó có phải là chủ ý của anh?

- Tôi đã từng làm những bài thơ rất ngắn không khó khăn gì. Nhưng ngắn hay dài, khó hiểu hay dễ hiểu không phải những phẩm tính của thơ. Thơ ca không chọn lựa một hình thức riêng biệt nào để sinh ra. Thơ ca chứa đựng trong mọi hành động sống và mọi ngôn từ. Những gì tôi viết ra là thế giới của tôi. Thế giới đó có nhiều điều không giống thế giới của người khác. Nhưng đó lại là điều chúng ta đợi chờ ở một nhà thơ. Tôi biết, nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu thơ Mỹ mỗi năm chọn một tờ báo để đặt một câu hỏi: Thơ ca Mỹ đang sống hay đã chết? Một trong những cảnh báo của họ là: nếu mang thơ của nhiều nhà thơ Mỹ cùng in vào một tập và lấy tên một tác giả thì cũng không ai nhận ra. Đó chính là sự giống nhau. Hay nói cách khác đó là sự sáo mòn trong sáng tạo của các nhà thơ. Khi nhà thơ không dựng lên được thế giới riêng biệt của anh ta hay không xác lập được chân dung thơ ca của anh ta thì nghĩa là anh ta đã chết.

Anh từng có nhiều tuyên ngôn, định nghĩa, phát biểu về thơ. Đến giờ nếu có một tuyên ngôn thơ tâm đắc nhất của anh, đó là câu nào?

- Thơ hãy làm mới lại những gì đã cũ và làm sống lại những gì đã chết.

* Điều quan trọng nhất và điều tệ hại nhất của thơ, theo anh là gì?

- Điều quan trọng nhất của thơ là tạo ra sự ám ảnh và điều tệ hại nhất là thiếu trí tưởng tượng.

Không chỉ hướng về cái đẹp, với những giấc mơ nhân bản, thơ anh còn đầy những dự cảm, cảnh báo, thức tỉnh về sự đồi bại, suy tàn, huỷ diệt cái đẹp của cuộc sống này do chính con người gây ra. Tôi có cảm giác anh tin vào sức mạnh của cái đẹp, của thi ca sẽ cứu rỗi thế giới này, mà trước hết là cứu… chính anh?

- Tôi viết rất nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim, tiểu luận, báo chí… Nhưng thơ ca là nơi duy nhất để tôi giải phóng tôi và để tôi trú ẩn. Một điều tôi muốn nói đến là: có thể những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được thế giới nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế giới.

Một lần, có một đôi vợ chồng làm doanh nghiệp nói với tôi, họ không hề có nhu cầu đọc thơ và thơ ca không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ. Tôi hỏi họ với một số câu hỏi như:

   + Có lúc nào anh chị muốn ngồi một mình ở một nơi tĩnh lặng và nhớ về những năm tháng đẹp đẽ đã đi qua không?

   + Có lúc nào anh chị đang đi trên đường bỗng thầm kêu lên khi nhìn thấy những bông hoa vừa nở không?

   + Có lúc nào anh chị cảm thấy trống rỗng và muốn chia sẻ với một người bạn không?

   + Anh chị mang cảm giác gì khi nắm bàn tay mẹ mình lúc bà đang nằm thở trên giường bệnh?

   +  Anh chị mang cảm giác gì khi thức dậy thấy một ban mai rực rỡ trong khu vườn trước nhà?

Câu trả lời của họ đều tuyệt vời. Và tôi nói với họ rằng tất cả những điều đó chính là thi ca. Còn nhà thơ chỉ là người cố gắng văn bản hoá những khoảnh khắc đó mà ta gọi là bài thơ cho dù quá nhiều những cố gắng của các nhà thơ đều rơi vào thất bại. Năm 2007, tôi tham dự Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ 20 tại thành phố Medellin, Colombia. Đó là một đất nước yêu thơ ngoài trí tưởng tượng của tôi. Đêm khai mạc liên hoan thơ, hơn 2000 người ngồi dưới trời mưa trong suốt hơn 4 giờ để nghe các nhà thơ đọc thơ mà hầu như không có ai bỏ về. Chúng ta đều biết Colombia có những vấn nạn như bạo lực, ma tuý, mại dâm. Vì thế tôi hỏi một nhà thơ Colombia là sứ mệnh của thơ ca như thế nào đối với xã hội Colombia. Ông nói: “Hãy cho rằng xã hội Colombia như một con phố, dãy phố bên này là nhà thơ và bạn đọc, dãy phố biên kia là bạo lực, ma tuý, mại dâm. Các nhà thơ khó có thể chiếm được dãy phố bên kia nhưng họ phải giữ cho dãy phố bên này trong sạch”.

Thơ ca từ khi xuất hiện đến nay không hề thay đổi sứ mệnh của nó. Chỉ có các nhà thơ đã thay đổi và lạc đường mà thôi.

BÁO ĐỘNG VỀ CÁCH HÀNH XỬ ĐỐI VỚI THƠ VIỆT VÀ HOANG MANG VỀ “NHAN SẮC” CỦA MÌNH

Anh đọc nhiều, đi nhiều, luôn tiếp cận thông tin về thi ca thế giới. Theo anh thơ Việt đương đại hiện đứng ở đâu trong nền thơ thế giới?

- Tôi không có cơ hội đọc tất cả thơ của các nền thơ trên thế giới. Nhưng tôi có thể nói nền thơ Việt Nam là một nền thơ đáng được trân trọng trên thế giới. Nhưng vấn đề đáng báo động nhất trong đời sống thơ ca ở nước ta là hành xử của con người chúng ta đối với thơ ca. Con người ở đây bao gồm cả nhà thơ và những người liên quan đến nó. Không ít các nhà thơ lo sợ rằng người ta đang lãng quên thơ. Không phải thế. Chúng ta phải nói chính xác về vấn đề này. Đó là, người ta đang rẽ sang một lối khác, một lối không dẫn tâm hồn họ đến với vương quốc của thơ ca. Nghĩa là, họ không đi trên con đường dẫn đến một tinh thần sống mà đi một con đường khác.

Đến hẹn lại lên, cứ vào Nguyên tiêu là diễn ra Ngày Thơ Việt Nam. Không kể đến chức trách, với tư cách một nhà thơ, hỏi thật anh hướng về lễ hội thơ này bằng tâm thế ra sao?

- Ngày Thơ Việt Nam là một sự kiện văn hoá. Ở đó, không phải chúng ta (nhà thơ và bạn đọc) đến để xem ngày thơ năm nay có “chiêu” gì độc trong việc tổ chức hay không hoặc xem sân “thơ trẻ” có lấn át được sân “thơ già” hay không. Mà chúng ta đến đó phải với tâm thế đang hướng về Cái đẹp. Công việc sáng tạo của nhà thơ có thể diễn ra trong một căn phòng không ai chứng kiến và đầy cô độc. Nhưng ngày thơ hay một hoạt động tương tự là một hành xử văn hoá của chúng ta đối với cái đẹp. Mục đích của ngày thơ hay của những sự kiện văn hoá khác phải tạo lên những sự kiện tâm hồn cho con người. Nó phải làm cho cái đẹp lan toả vào đời sống xã hội cho dù rất chậm và rất mơ hồ.

Tôi từng tiếp xúc nhiều người đẹp yêu thơ yêu văn Nguyễn Quang Thiều. Mà phụ nữ đã yêu văn thì cũng có thể… yêu nhà văn. Có chị nói rằng anh Thiều nội lực con chữ mạnh, nên nội lực con người chắc cũng mạnh lắm đây, nhìn gương mặt và hàm râu đã thấy hấp lực. Có cô thì ái ngại rằng ông Thiều lùn, lưng hơi gù, mà “xuất chữ” nhiều cỡ đó, giờ còn “vướng” thêm chuyện “quan văn” thì còn thì giờ và sức lực đâu mà yêu với đương, mà “làm” với “ăn”. Nghe phụ nữ nói vậy, tôi cũng đâm hoang mang cho anh. Còn anh thì thế nào?

- Còn tôi thì đang hoang mang không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào. Nhưng “chuyện” này luôn luôn là bí mật mà chỉ hé lộ cho hai người biết thôi. Tôi sẽ đợi một người nào đó để hé lộ bí mật ấy.

Anh hãy thử hình dung mười năm nữa, sự nghiệp và con người Nguyễn Quang Thiều sẽ như thế nào?

- Tôi không biết sự nghiệp của tôi như thế nào. Nhưng con người thì có thể hình dung đôi chút. Mười năm nữa tôi sẽ 64 tuổi. Tóc rụng nhiều hơn, râu bạc nhiều hơn, lưng gù nhiều hơn, sai lầm nhiều hơn… và chắc sẽ không có ai thèm hỏi như câu hỏi ở trên anh hỏi tôi nữa. Lúc đó có muốn trả lời thật ngay lập tức cũng không được.

***

64 tuổi với con người hiện đại chưa phải là già, vẫn còn đủ sức cho mọi mơ ước đời mình, cả làm nguyên thủ quốc gia hay bắt đầu tập làm thi sĩ. Đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, như anh nói, hình thể sẽ thay đổi và sự sai lầm có thể nhiều hơn, nhưng về sức làm việc và sáng tạo thì tôi tin anh sẽ còn mạnh mẽ hơn, khát khao hơn. Và đó cũng là lúc mà tôi hình dung thi sĩ đầy ẩn số Nguyễn Quang Thiều sẽ trên đường trở về hẳn với làng Chùa như thơ anh dự cảm trong bài Lễ tạ nổi tiếng:

Con đường
Con đường
Con đường
Dắt ta về hồ nước cũ

Phăng phắc một lá sen già
Đợi ta trên miền nước lặng
Hỡi người hái hoa kiếp trước
Kiếp này có hoá bình không?

Phải đào ba tấc đất sâu
Mới tìm được người uống rượu?
Phải lên đến bảy tầng trời
Mới tìm được người hầu chuyện?

Ngẩng mặt một vầng mây đỏ
Nổ vang tiếng sấm của trời
Cúi đầu một miền cỏ trắng
Nở xoè bên cõi sen tươi

Ra đi từ hồ nước cũ
Con đường
                Con đường
                                 Con đường

PHAN HOÀNG
Nguồn: Đương Thời 2011


Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

VĂN CHƯƠNG VIỆT VÀ KHỦNG HOẢNG MANG TÍNH NHÂN LOẠI

Vẫn quá sớm để nói đến việc khủng hoảng văn chương. Vì cứ mỗi lần giới phê bình lên tiếng thì văn chương tự khắc có lối mở, thoát hiểm ngoạn mục, khiến mọi chỉ trích trở thành khôi hài. Cuộc khủng hoảng tiểu thuyết Mới Mới vào thập niên 1950 là một minh chứng.
GS. TS Lê Huy Bắc

Thêm nữa, đòi hỏi văn chương ngay lập tức sản sinh ra kiệt tác là điều không thể. Phải mất cả thập kỉ, thậm chí là vài thập kỉ, nhân loại sáu tỉ người mới có thể đón đọc được một vài tác phẩm thực sự có giá trị. Qua thời gian, số còn lại chỉ là một vài đại diện tiêu biểu nhất mà thôi. Chẳng hạn thời Phục hưng bây giờ còn lại gì ngoài Don Quixote, Hamlet và vài ba cái tên khác?

Như thế, sự khủng hoảng văn chương xem ra là của mọi thời. Thời nào cũng có và bằng cách nào đó thời nào văn chương cũng sống lại, mạnh mẽ hơn xưa. Vấn đề đặt ra là, ngày nay người ta viết văn như thế nào và người đọc cần loại văn chương nào. Câu trả lời đâu dễ. Khảo sát tình hình xuất bản Việt những năm gần đây, ta thấy, hầu như chẳng có sự đổi mới lớn lao nào. Vẫn đa phần là những cây bút cũ với lối viết thì chẳng thể nào cũ hơn. Theo cách, có một cốt truyện, một cảm hứng thường trực, nhà văn miệt mài gõ bàn phím để cho câu chữ dày lên thành tác phẩm. Chưa có nhiều động thái mang dấu hiệu thực sự của cuộc cách tân văn chương. Trong khoảng mười năm trở lại đây, văn chương Việt như thể vẫn giẫm chân tại chỗ, với nhịp điệu “bước đều bước” nhưng không nhúc nhích lấy một li. Những cái bóng Tố Hữu, Lê Đạt, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Vũ… dần chìm khuất mà chẳng thấy hậu sinh nào nổi lên.

Việt đã vậy mà thế giới cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Rải rác vẫn xuất hiện vài gương mặt có những nỗ lực nhất định để nói được tiếng nói của văn chương thời đại. Chẳng hạn, Nhật có hai đại diện đang sung sức. Đó là Haruki Murakami và Banana Yoshimoto. Họ viết hay, hấp dẫn. Tác phẩm của họ được dịch ra hàng chục thứ tiếng và được tiêu thụ hàng triệu bản… Tuy nhiên, đọc kĩ thì thấy họ vẫn chỉ là hạng hai so với bậc tiền bối Yasunary Kawabata. Tương tự, sau bộ tứ lừng danh John Updike, Don DeLillo, Thomas Pinchon và Philip Roth thì Hoa Kì vẫn chưa xuất hiện gương mặt nào khả dĩ để “đánh bật” các bậc tiền bối kia. Xem ra thì cái thời khủng hoảng văn chương đã đến thực sự rồi.

Khủng hoảng văn chương còn có thể kiểm chứng qua khủng hoảng giải thưởng. Theo dõi giải Nobel văn học hai năm lại đây ta thấy sự biến diễn ra rất rõ. Cả hai lần trao giải, một cho tác phẩm phóng sự và một cho tác phẩm nhạc được biện minh khôi hài là chất thơ trong nhạc.

Nobel 2016 được dành cho Bob Dylan. Đây là vinh quang trái khoáy mà ngay đến cả nằm mơ Dylan cũng chẳng thể nào tưởng tượng nổi. Buồn cười hơn là ngay sau đó, không biết vô tình hay cố ý, rất nhiều tờ báo giật tít “Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan giành giải Nobel văn học 2016”. Rõ ràng, suốt đời Dylan chỉ có ca hát, ông đâu có dính dáng gì đến văn chương. Biết mình nhận được vinh quang đó, Dylan lúng túng mãi thời gian sau mới chấp nhận giải thưởng.

Việc trao Nobel cho người thiên về phóng sự và một nhạc sĩ chính hiệu đã phần nào chỉ ra sự khủng hoảng lớn lao trong sáng tác văn chương. Các tác phẩm vẫn không ngừng được viết ra, các giải thưởng vẫn không ngừng trao không có nghĩa văn chương vẫn trên hành trình gặt hái thành tựu. Xét về mặt nào đó, chính các giải thưởng cũng góp phần tạo nên khủng hoảng.

Vẫn chuyện Bob Dylan, thông thường, một người đầu óc bình thường thì chẳng thể nào xem âm nhạc là văn chương được và chẳng có ai rồ đến mức gọi âm nhạc là văn chương. Nhưng ngẫm kĩ thì hành động đó ít nhiều cũng có cái lí của nó. Việc trao giải Nobel này hướng đến cái đích là mở rộng ranh giới văn chương, không đóng kín văn chương trong các thể loại đã được định hình đông cứng mà cánh lí thuyết phê bình phân chia bấy lâu. Như thế đã rõ, các vị Hàn lâm viện đó nhận thức được sự khủng hoảng.

Thử nhìn lại các giải thưởng Việt được trao những năm gần đây cũng có diễn biến gần như vậy. Ta thấy có hai cách thức được tiến hành, hoặc là “so bó đũa chọn cột cờ”, xem cái nào khả dĩ nhất thì trao thưởng; hoặc là “hồi cố” tặng cho những tác phẩm đã ra đời trước đây. Tình thực mà nói, ngay cả người đứng ra tặng hay ngay chính người được tặng, đa phần đều biết rõ có gì đấy chưa được ổn, bởi lẽ những tác phẩm đoạt giải đó phần nhiều đâu có giá trị cao về mặt tư tưởng lẫn nghệ thuật, đâu có mấy người đọc và bị lãng quên ngay sau khi giải được trao.

Vấn đề đặt ra là nguyên nhân nào làm suy yếu văn chương đến thế. Hào quang văn chương nhân loại rực rỡ vào thời Hi Lạp cổ đại hoặc gần hơn là vào thời của chủ nghĩa lãng mạn. Lúc đó, con người tôn vinh những giá trị tinh thần, đặc biệt là lối tư duy khai phóng, tưởng tượng bay bổng lạ thường, trên cái nền nhân văn thấm đẫm tình người, tình yêu thương nhân loại tha thiết. Văn chương lấy thiên chức hướng thiện, giam cấm thô lỗ, cục cằn, làm giàu đời sống tâm hồn, phóng thích kí ức… làm nguyên tắc tối thượng để sống còn. Người Hi Lạp có một nền văn chương trác tuyệt vì nó được tôn vinh như là đỉnh cao tri thức, đạo đức và xúc cảm của con người. Con người có thể sống chết vì văn chương. Thơ và kịch rất được đề cao. Đặc biệt, khi một tác giả kịch đoạt giải nhất trong năm thì người đó được tôn vinh hơn cả một vị quân vương. Tương tự, Victor Hugo cũng rất được sùng bái lúc sống. Cả triệu người háo hức đợi ngày tác phẩm của ông được ấn hành. Ngay đến khi chết, người tham dự đám tang ông đông hàng triệu.

Trong khoảng năm mươi năm trở lại đây, nhân loại đâu còn truyền thống tôn vinh văn học đến mức thần thánh. Vẫn xuất hiện nhà văn giỏi, cỡ như Gabriel Garcia Marquez, nhưng ông đâu được sùng bái như Tổng thống Vladimir Putin, Bill Clinton hay ông chủ Microsoft Bill Gates. Vị thế của văn chương vì thế ngày càng xuống cấp. Mối quan tâm của con người giờ đây thiên hẳn sang vật chất và địa vị xã hội. Càng nhiều tiền và quyền lực càng lớn thì càng được đánh giá cao. Hằng năm, người ta miệt mài thống kê có bao nhiêu tỉ phú dollar, ai là người đứng đầu thị trường chứng khoán, chứ mấy ai đi làm thống kê là có bao nhiêu nhà văn nổi tiếng và nhà văn nào là nổi tiếng nhất đâu. Những giá trị tinh thần bị lãng quên đã khiến văn chương ngày càng rơi vào nỗi bi đát.

Gắn với vật chất là các giá trị công nghệ. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang thu hút hầu hết chất xám của nhân loại vào cuộc chạy đua bất tận về những thành tựu khoa học kĩ thuật. Tiện ích của cách mạng công nghệ thì miễn bàn, nhưng nhiều người lẽ ra đã trở thành nhà văn vĩ đại lại hóa kĩ sư quèn. Ngược lại, có ai đó chẳng thể thành kĩ sư cơ khí bèn chuyển hướng sang sáng tác văn chương, trở thành nhà văn bất đắc dĩ. Sự khủng hoảng nhân loại từ khía cạnh này quả là vượt qua cả giới hạn văn chương. Ngày nay, con người dường như chẳng biết mình là ai, hành động vì lẽ gì mà cứ như những con thiêu thân lao đầu vào những cám dỗ nhất thời để mất đi những giá trị bền vững cao quý.

Muôn đời văn chương cũng đều vì con người. Văn chương luôn đảm trách việc giáo huấn người. Nhưng nếu lộ liễu thì sẽ khó có sức thuyết phục. Văn chương nói theo cách đặc thù, có thể từ nỗi đau để cảm hóa, có thể từ sự mỉa mai để thức tỉnh, có thể từ tiếng cười để tống tiễn những thói tật; văn chương nói lời yêu thương, cảm thông, tha thứ và nghiêm cấm thù hằn… Trên tất cả, văn chương cần vượt qua được sự khủng hoảng của chính nó.

Đỉnh cao của văn chương hiện đại Việt có thể nằm ở thời 1930-1945, có thể ở thời sau 1986 và có thể ở thời nào đó trong tương lai. Điểm lại những mốc này để thấy, đã có những khủng hoảng và văn chương Việt đã vượt qua tuy thành tựu có được không thực sự nhiều. Cũng bị cuốn vào những cám dỗ vật chất và cách mạng 4.0, có lẽ những phần tử tinh túy nhất cho trí tuệ Việt cũng đã nhao vào đó hoặc những nơi mà người ta thấy có thể đảm bảo được công việc và cuộc sống. Bằng chứng dễ nhận thấy nhất của chuyện này là khoảng mười năm trở lại đây, học sinh khối C (thiên về môn văn) đa số những người giỏi đều chọn vào các ngành quân đội và công an, những ngành hầu như chẳng sử dụng nhiều trí tưởng tượng bay bổng, không cần nhiều ngôn từ hoa mĩ, nhưng lại đảm bảo cho họ một cuộc sống tương lai khả dĩ hơn là theo đuổi nghiệp văn đầy bất trắc. Gần như rất hiếm nhà văn Việt có thể sống bằng nghề.

Mỗi thời đại dường như đều lưu tồn hai xu hướng văn học chính. Một dòng mang tính xu thời (có thể gọi là văn học định chế), một dòng phục vụ cho sự tiến hóa (có thể gọi là văn chương khai phóng). Nhà văn xu thời thì thường được hưởng nhiều quyền lợi hơn từ công chúng bình dân và thậm chí là từ giới cầm quyền. Nhà văn khai phóng thì lầm lũi đi trên con đường đơn độc của sáng tạo nghệ thuật, có thể bị hắt hủi, chê bai, nhưng chính họ mới có thể tạo ra sự thay đổi thẩm mĩ. Cá biệt, có số ít nằm giữa hai nhóm này, họ là những kẻ trung dung, sáng tạo vừa phải và xu thời cũng vừa phải. Cả ba hướng sáng tác này đều có “cái dụng” nhất định của nó. Trong nền văn học Mĩ đương đại, Stephen King là một nhà văn định chế. Ông này không có những cách tân làm thay đổi bộ mặt văn học Mĩ nhưng với lối kể kinh dị, ma quái rất truyền thống Mĩ của mình, King đã hớp hồn hàng chục triệu độc giả không chỉ ở trong nước mà còn cả ngoài nước, tạo nên “cơn cuồng King”. King chính là nhà văn phục vụ lợi ích đám đông trước mắt, được đám đông tung hô, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng giá trị văn chương đích thực thì chẳng đáng trông cậy.

Những sáng tác kiểu này cũng là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng văn chương. Bề ngoài thì được nhiệt liệt hoan hô, nhưng ai cũng biết đấy chỉ là thứ văn chương giải trí tầm phào, rất ít, nếu không muốn nói là không có người tìm đọc lần thứ hai. Loại văn chương “đọc một lần vứt xó” thường chiếm tỉ lệ rất lớn trên văn đàn. Chúng tồn tại là nhờ các định chế thẩm mĩ nông cạn đã thành nếp, lười tư duy của người đọc, hoặc khác đi là nhờ nhu cầu giải trí tức thời của con người. Một khi tiêu khiển xong thì chẳng còn ai đoái hoài đến. Trong khi đó, văn chương chân chính thì không bao giờ là “tiêu khiển”, “vứt xó”. Nó là nỗi đau hay hạnh phúc cứ đeo riết lấy hồn người dài lâu.

Xem ra thì mọi phân tích hay định giá, phân hạng văn chương đều có chỗ bất cập. Những gì được nói đến ở trên chỉ là sự phân giải cho rõ ý chứ thực tế thì phức tạp hơn nhiều. Trở lại với mối quan ngại về cái gọi là “văn chương lâm nguy” (chữ của Todorov) của người Việt, ta thấy nổi lên vấn đề là chúng ta hầu như ít có tác phẩm xuất sắc khoảng mười năm trở lại đây. Tình thế này đòi hỏi cánh sáng tác ngôn từ cần nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên, sáng tạo văn chương là chuyện thiên mệnh. Không ai có thể dạy nhà văn viết như thế nào và không phải cứ muốn làm nhà văn thì có thể trở thành nhà văn. Khi viết, nhà văn hoàn toàn không thể đoạn tuyệt với cái bóng của chính anh ta. Tài năng của nhà văn được ghi nhận ở chỗ anh ta có thể vượt thoát hoặc thoát được bao xa dấu ấn văn hóa đã định thành quán tính trong cách nghĩ, anh ta có đổ chút mồ hôi nào để vật lộn với chính cái bóng quái ác đó hay không. Văn chương chân chính ra đời trên những lối rẽ. Càng nhiều lối rẽ, càng nhiều mê lộ, tác phẩm đó càng thu hút sự giải mã bất tận từ phía người đọc. Mọi sự đơn giản đều giết chết văn chương.

Cần phân biệt giữa sự phức tạp làm đỏm và sự đơn giản trí tuệ, minh triết. Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn hay nhiều truyện ngắn của Phan Việt được viết theo lối tối giản. Những tác phẩm văn học này khước từ sự “khua môi múa mép” ngôn từ bề mặt. Nhà văn tôn sùng sự giản đơn đến tận cùng. Nhưng cái sự giản đơn đó đâu hề đơn giản bởi mỗi chi tiết nhỏ nhoi của tác phẩm đều ẩn chứa trong nó những giá trị nhân văn sâu thẳm, có thể mở hướng mê lộ vào nhiều nẻo khuất tâm hồn.

Chủ nghĩa tối giản trong văn học có thể xem là điểm nối giữa văn chương và báo chí. Ngày nay, nhân loại đang tiến dần đến cách viết dung hòa đó, được định danh là thể văn báo chí (Journalism). Nó pha trộn lối viết hư cấu truyền thống với bút kí, hồi kí, phóng sự, du kí, phỏng vấn… trong một câu chuyện nửa thật nửa hư. Vì lẽ này mà Nobel văn chương năm 2015 được trao cho nữ nhà văn - nhà báo Svetlana Alexievich với “lối viết văn phức điệu”, nơi tính báo chí chi phối mạnh lối tư duy hư cấu của nữ văn sĩ.

Văn chương Việt cũng bắt kịp xu hướng báo hóa. Gần đây, các tác phẩm tùy bút được xuất hiện nhan nhản trên các quầy sách. Có lẽ cần có tên gọi mới cho loại hình văn xuôi này, bởi chúng không hẳn là tùy bút như quan niệm bấy nay. Nếu không thì đơn giản, ta có thể gọi đó là truyện, nhấn mạnh đặc trưng kể về sự kiện xen bộc lộ cảm xúc... Lối viết này có triển vọng là sẽ khai sinh ra một dạng văn chương mới. Đặc điểm của nó là vừa thực vừa ảo, vừa hư cấu vừa phi hư cấu, vừa ghi chép vừa bịa đặt…

Văn chương cũng như con người, nhiều khát vọng nhưng ít khi thành hiện thực. Vậy nên, ngay cho dù phải thất bại thì giá trị của nó cũng cứ được ghi nhận ở chỗ khao khát cống hiến chút gì đó cho đời. Ta hãy cùng hi vọng về những áng văn khổng lồ Việt trong một tương lai không xa.

 LÊ HUY BẮC

_______________

Đây là tham luận của GS. TS Lê Huy Bắc tại Hội thảo toàn quốc Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: thực trạng và định hướng phát triển do Hội đồng Lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Quảng Ninh ngày 5.12.2017.

Nguồn: VNQĐ

NHÀ THƠ NGUYÊN SA VÀ SỰ THAY ĐỔI CẢM NHẬN THI CA VIỆT NAM

Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1956 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại.

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung 
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa

…..

Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng”

Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1956 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại, thơ Nguyên Sa đã góp phần làm bản hòa tấu đa âm của thi ca Việt Nam thêm những rung động lạ lẫm cuốn hút người đọc mà Thơ Mới tỏ ra không còn đủ sức hấp dẫn như lúc khởi đầu.
Nhà thơ Nguyên Sa

Thơ Nguyên Sa nhanh chóng tràn vào từng lớp học, nơi trái tim học trò đập những nhịp điệu đầu tiên của tình yêu. Nguyên Sa yêu và chia sẻ cách yêu của mình qua kinh nghiệm một chàng trai có những thời khắc tuyệt vời tại Pháp, thủ đô của tình yêu trai gái, thủ đô của những giòng thơ trác tuyệt từng một thời là bệ phóng cho hàng trăm thi tài thế giới.

Nguyên Sa đem cái hồn phách của Châu Âu tái sinh sau khi thế chiến thứ II chấm dứt về Sài Gòn và nhanh chóng chiếm trọn sự cổ vũ nồng nhiệt của sinh viên học sinh. Ông đem ánh đèn vàng Paris nơi có những nhà ga là nguồn cảm hứng vô tận cho những cuộc chia tay. Ông mang theo hơi hám của sông Seine của nhà thờ Notre Dame về lại Sài Gòn nơi mà nhiều thế hệ thanh niên chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.

Về tới Sài Gòn ông lại hỏi thăm Paris. “Paris có gì lạ không em?” Hỏi nhưng ông biết Paris vẫn thế, vẫn những quán café nho nhỏ xinh xinh trên đường phố Montmartre thuộc quận 18 của Paris. Vẫn giòng sông Seine cuốn hút gợi tình. Câu hỏi của Nguyên Sa về Paris đã làm thanh niên học sinh Sài Gòn thổn thức như chính họ đã từng ở Paris nay về lại quê hương mà lòng không tránh được nhớ nhung một thuở.

Thanh niên Sài Gòn nhớ cái mà họ chưa từng trải nghiệm qua thơ Nguyên Sa. Bắt đầu từ đây ông bước vào lãnh thổ khép kín của nhiều người. Ông cùng với họ thở hơi thở thi ca bằng những ngôn từ mới, rất mới, cho tới bây giờ sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn mới tinh. Paris có gì lạ không em?

Paris có gì lạ không em ?

“Paris có gì lạ không em ?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em ?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em ?
….

Anh sẽ chép thơ trên thời gian
Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen
Vì em hay một vừng trăng sáng
Đã đắm trong lòng cặp mắt em?”

Paris không những là kinh đô của ánh sáng mà nó còn là thủ phủ của tình yêu. Có lẽ yếu tố tình yêu của Paris dính liền với lứa tuổi học trò Việt Nam thời đó. Thời của những trang lưu bút, những cánh hoa ép vào trong vở học, những hò hẹn ngây thơ và đầy tiếng ve, xác phượng là khoảng thời gian đẹp nhất trong một đời người. Trong lứa tuổi ấy tình yêu bắt đầu với những giai điệu mong manh và huyền ảo nhất.

Nguyên Sa nói đó là sự cần thiết, là điều không thể thiếu của con người. Xác quyết ấy của Nguyên Sa nhanh chóng được giới trẻ gật đầu thừa nhận, và vì thế, thơ ông từ đó có mặt trong lưu bút, trong sân trường thời trẻ dại và ngay cả sau này khi họ đã thành gia thất.

Cần thiết

“Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
Những lúc em cười trong đêm khuya


Lấy ai nhìn những đường răng em trắng
Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
Lúc sương mờ ai thở để sương tan
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc...”



Thơ Nguyên Sa không những trau chuốt về ngôn ngữ nó còn lấn sâu tới một vùng khác đầy hấp dẫn nhưng cũng rất nguy hiểm đối với thể loại văn học dễ làm nhưng khó hay và nhất là khó nổi tiếng: thơ tự do.

Trước đây hơn nửa thế kỷ, một câu thơ đẹp sẽ bị quay lưng khi nó thể hiện hình ảnh, ý tưởng có vẻ “nhạy cảm” đối với người yêu thơ. Trong mỗi cá nhân có thể không giống nhau cách chia sẻ một bài thơ hay nhưng rất giống nhau khi nhìn thấy một câu thơ kỳ khôi, vượt lên trên cảm nhận bình thường của thi ca.

Cảm giác đó vẫn còn đầy đối với người đọc thơ đương đại vậy mà Nguyên Sa làm cho người đọc thơ ông cách đây hơn nửa thế kỷ phải mỉm cười, dù cách so sánh của ông lập dị đến nỗi không ai có thể nghĩ tới. Trong một bài thơ có tên người yêu và cũng là vợ ông sau này, ông viết:

Nga

“Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!...”
…..

Hình ảnh đôi mắt cá ươn thật sự gây thích thú cho sinh viên học sinh Việt Nam ngay cả cái mùi không dễ chịu của nó cũng làm họ ngây ngất. Ẩn dụ của Nguyên Sa làm học trò tròn mắt và người lớn mỉm cười. Từ đôi mắt cá ươn, đỏ lên sự nhớ nhung, cho tới cách mà hai con chó ốm quấn quýt nhau đã nâng Nguyên Sa lên bệ của thần tượng trong lòng họ:

“Em nhớ không, anh đã van em đừng buồn
Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối
Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu
Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau
Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm!...
…….

Em đã khóc, anh đã khóc và chúng mình đã khóc
Bước chân lê trên những hè phố không quen
Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai con chim
Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưới, lễ xin
Và em nhớ không, chúng mình đã hỏi nhau:
Tại sao phải làm lễ tơ hồng
Tại sao phải nhờ người ta buộc chỉ vào chân
Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh
Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em
Người ta làm thế nào cắt được
Bốn bàn tay chim khuyên!...”

“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, áo nàng xanh tôi mến là sân trường” Có lẽ là hai câu thơ làm thành tên tuổi Nguyên Sa. Cảm xúc ngây ngô của chàng thanh niên trong lứa tuổi 16 nói với em, một cô học trò 13 tuổi. Những lời lẽ nếu xuất hiện hôm nay có lẽ cuộc đời sẽ giảm bớt biết bao nhiêu bụi bặm của thời đại.

Em Mười ba tuổi của thời Nguyên Sa rất nguyên sơ và thánh thiện. Chàng thư sinh Nguyên Sa không hề dám tơ tưởng vóc hình em mà chỉ dám chạm đến nhè nhẹ một màu áo, một sân cỏ nơi em bước qua. Đẹp và lãng mạn đến thế là cùng.

Tuổi 13

“Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ...
Tôi phải dỗ như là... tôi đã nhớn
……
Và đôi mắt nhìn tôi ngập ngừng chim sẻ
Đôi mắt nhìn trời nhè nhẹ mây nghiêng
Tôi biết nói gì? Cả trăm phút đều thiêng
Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng

Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám... quay đi
Cả những giờ bên lớp học, trường thi
Tà áo khuất thì thầm: "chưa phải lúc..."

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím...”

Trở về Việt Nam trong hoàn cảnh miền Nam đang hít thở bầu không khí chính trị mới, Nguyên Sa đóng góp vào nền văn học Việt Nam trên nhiều lãnh vực. Ngoài thơ, ông còn là một nhà báo, một cây viết phê bình văn học, một nhà lý luận và còn là một nhà giáo dục.

Là Hiệu trưởng trường Văn Học, dạy môn Triết tại trường Chu Văn An cũng như đại học Văn Khoa và nhiều trường trung học nổi tiếng khác tại Sài Gòn như Văn Lang, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền, Nguyễn Bá Tòng… ông có cơ hội tiếp cận với học sinh, sinh viên và để lại trong lòng nhiều lớp người ký ức đẹp đẽ khi theo học thầy Trần Bích Lan, tức nhà thơ Nguyên Sa.

Nguyên Sa, Hạt cát nguyên sơ ấy đã theo chân học trò và người yêu thơ ông góp vào hành trang của họ những luận lý Tây phương cũng như cảm nhận cái đẹp với ý thức hoàn toàn vượt ra khỏi sự cũ kỷ nhàm chán của một nền Hán học vẫn đậm đặc trong xã hội. Thầy Trần Bích Lan không giảng bài mà ông thầm thì với học trò của ông những vần thơ tuyệt đẹp để từ đó nhiều người nhận ra rằng thơ có khả năng mở sáng trí tuệ chứ không chỉ là giai điệu hay những nỗi buồn, niềm vui bình thường của con người.

Giống như hầu hết văn thi sĩ miền Nam, thơ Nguyên Sa trong những năm chiến tranh có thay đổi tuy không lớn và máu lửa như nhiều nhà thơ khác. Trong những bài thơ mang tính thời cuộc ấy vẫn thoang thoảng cá tính Nguyên Sa, một thiên sứ tình yêu, một cung bậc mới trong cảm nhận văn học.

Nguyên Sa đốt lên ngọn lửa trong “Bài hát Cửu Long” nhưng không phải là lửa chống quân thù mà là lửa soi đường cho thanh niên, lửa tin yêu của những chàng trai cô gái hội tụ bên nhau trước vận mệnh mới của dân tộc.

Bài hát Cửu Long

“Có gì đâu em: có một đoàn người
Có một đoàn người góp sức góp vai
Cùng rủ nhau về góp một thành hai
Những bước chân góp đi làm đến!
Họ không dại khờ: góp trăng làm nến!
Chỉ những miệng cười góp lạ thành quen

Góp những giọng hò làm trống ngũ liên
Góp những bàn tay dựng thành đại hội
Cánh tay chắp cánh tay cho dài thêm nửa với
Gạo quanh nồi góp lại bữa cơm chung
Họ cùng đi cùng góp tháng, góp năm...
Để sáng ngày mai làm sông làm biển

Có gì đâu, có một đoàn người
Bên bờ Cửu Long gõ nhịp
Cả giòng sông gõ nhịp vịn bờ sông
Họ rủ nhau về sương gió vui chung
Dù có phút nước mắt chạy quanh
Hay miệng cười hớn hở
Vẫn bát gạo Hậu Giang, vẫn nụ cười huynh đệ
Mắt nghẹn ngào sáng tỏ nắng phương Nam
Màu nắng vàng không màu nhiệm hào quang
Nhưng dù má bừng lửa cháy
Trán đổ mồ hôi
Họ cùng không đóng cửa mừng vui
Những bàn tay ngượng ngập díu môi cười
Không phải khóc
Một đời người tầm gửi”

…..

Thủy chung Nguyên Sa vẫn yêu tận tình con người, yêu như trai gái yêu nhau, như những cặp tình nhân bất tử. Có lần ông giật mình khi nhìn lại chung quanh và chính bản thân để rồi thở dài cho đời người sao quá nhiều cay đắng, đặc biệt những con người trong thế hệ bị bộ máy chiến tranh bào mòn, nghiến nát:

Bây giờ

“Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt
Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát
Lúc xòe ra chẳng có một âm thừa

Cửa địa ngục ở hai bên lồng ngực
Phải vác theo trăm tuổi đường dài
Nên có gửi cho ai vài giọng nói
Cũng nghe buồn da diết chạy trên môi

Hai mắt rỗng phải che bằng khói thuốc
Chúng tôi nằm run sợ cả chiêm bao
Mỗi buổi sáng mặt trời làm sấm sét
Nên nhìn đêm mở cửa chẳng đi vào”

Nhà thơ của chúng ta cuối cùng rồi cũng không ra khỏi chiếc vòng tròn tự vấn. Trong bài thơ Sám hối, cái tựa trước tiên gây cảm giác tê tái và lạnh căm, nhưng qua bài thơ này Nguyên Sa phủ trùm lên nó thứ ánh sáng tái sinh của sự tận hiến. Chàng trai xưng tội với một người đàn bà, biểu tượng lòng thành mà một đời chàng trân trọng.

Chàng không sám hối điều chàng đã làm cho nàng. Những điều mà chàng thốt ra thật khó hình dung, diễn đạt lại vì thế cái cảm giác ăn năn, tự trách vẫn bồng bềnh trong bài thơ khiến chúng ta không thể hiểu tại sao.

Bài thơ này có lẽ mang tính triết học đậm đặc nhất trong toàn bộ cuộc đời làm thơ của ông. Sám hối, trở về với nguyên ủy sự sống. Vòng quay bất tận của tái sinh hay sự trở về gục đầu vào lòng người nữ vẫn luôn là đớn đau bất tận của nhân loại.

Sám hối

“Khi nắng mở cửa một bầu trời nạm bạc,
anh sẽ trở về trên con đường không có mùi cỏ ải
mà chỉ có nắng vàng hanh.

Anh sẽ trở lại bên em - mà cúi đầu - mà quỳ gối -
mà nghe rụng trong lòng ánh sáng hành tinh.

Anh sẽ quỳ gối bên em nhưng không dám nói chuyện trần gian.

Anh không dám kể lể dài dòng như một người giang hồ
nói với người giang hồ về những chuyện quê hương.

Anh chỉ dám dâng em chút ít đớn đau với nỗi niềm sám hối.

Nỗi niềm của một kiếp người đã nhiều tháng ngày ngồi trong ngõ tối.
……
Anh không dám nhắc đến cuộc đời xa cũ.
E sợ rằng lời lẽ chua cay sẽ biến thành bốn con ngựa già
kéo linh hồn anh chạy về bốn phía chân trời
trong những ngày giá lạnh.

Anh cũng không dám khóc. Nước mắt em ơi, đã đóng đinh
vào lòng bàn tay anh và linh hồn dớm máu...

Anh chỉ ngồi nhìn sao khuya rung động.
Nghe bờ môi tát cạn nhưng hơi thở yếu dần.”

Nhắc đến Nguyên Sa người yêu thơ ông vẫn tưởng nhà thơ đang rong chơi đâu đó vì ngôn ngữ vẫn sát với khung cảnh thường nhật hôm nay. Mặc dù nhà thơ đã từ trần vào ngày 8 tháng Tư năm 1998, cách đây đã mười sáu năm, nhưng thơ ông vẫn được nhiều người nhắc tới như xưa, đặc biệt trong hoàn cảnh tình yêu tuổi học trò ngày một biến mất để thay vào đó là những trò chơi tình cảm nhục dục của thanh niên trong thời đại mới.

Mỗi tiếng thở dài tiếc nuối quá khứ là một câu thơ của Nguyên Sa. Mỗi câu thơ của ông có khả năng làm mới tâm hồn để biết rằng trong bất cứ thời đại nào nhịp đập tình yêu vẫn là suối nguồn sự sống.

MẶC LÂM
Theo RFA

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:



BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...