Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

KHAI NGỘ VỚI THIÊN NHIÊN: BASHÔ VÀ OCTAVIO PAZ

(Awakening to the nature)

Bây giờ, trong thời đại phê bình sinh thái (ecocritical age), đọc lại thơ Bashô, ta cảm thấy như đang thở hít trong một sinh quyển đầy mê diệu. Đó là thứ thơ ca đưa ta vào sâu thẳm thiên nhiên. Không chỉ là thiên nhiên. Đó còn là tâm linh sinh thái, nơi mọi thứ luôn luôn sáng tạo và chuyển hóa, nơi mọi sinh linh bước đi trong ánh sáng của bình đẳng và vô sai biệt, không có chủ nhân và sở hữu chủ, nơi mọi thứ phản chiếu nhau như những hạt châu.
Thi hào Bashô của Nhật Bản

Là nhà thơ, Bashô cảm thấy mình có quyền kêu gọi mọi người trở thành “người bạn của bốn mùa” và “quay về với tạo hóa” để gặp gỡ cái mê diệu và sáng tạo cái mê diệu. Hướng theo con đường thơ ca sâu thẳm của Bashô là tạo nên khả thể cho cuộc “tái mê diệu hiện thực của thế giới này” (a realistic reenchantment of the world)(1), nói theo Patrick H. Dust.

Lắng nghe Matsuo Bashô là lắng nghe những vần thơ của hơn ba thế kỷ trước. Đọc Bashô giữa thế kỷ hai mươi, Octavio Paz, nhà thơ lớn Mexico cho rằng kiệt tác Con đường sâu thẳm (Oku no hosomichi) là cuộc hành hương tâm linh (a spiritual pilgrimage) khi ông tham gia chuyển ngữ nó sang tiếng Tây Ban Nha(2). Bản thân Paz cũng từng sáng tác thơ theo thể renga và haiku (liên ca và haiku) trong phong cách hội tụ và hiện đại.

Cũng như Bashô, thơ Octavio Paz thể hiện hành trình tâm linh và cái đồng cảm vũ trụ rất gần tinh thần “thiên nhân tương cảm” của Đông phương mà ông rất quen thuộc. “Tương cảm và tương ứng chỉ là cách gọi cho nhịp điệu vũ trụ”, Paz đã nói như thế (3). Sự tương cảm đó có thể xem là mặc khải thơ ca (Poetic revelation) một thứ mặc khải không cần tới một quyền lực siêu hình nào, “đó là mặc khải về chính mình mà con người tạo ra cho mình” (4). Đó là mặc khải với thiên nhiên. Vì hiền minh thơ ca cũng là hiền minh thiên nhiên (natural wisdom).

Đó là khi thơ ca học cách sáng tạo và chuyển hóa của bốn mùa, của tứ đại (đất, nước, gió, lửa) trong tĩnh lặng cũng như trong khi đối diện với sự tàn phá thiên nhiên:

“Phản chiếu cái tương thân vũ trụ, thơ ca là biểu tượng của những gì xã hội con người cần hướng tới. Trong khi đối mặt với tàn phá thiên nhiên, thơ ca cống hiến bằng chứng sống động về cái tương thân của các vì sao và các phân tử, của hóa học và ý thức… mỗi bài thơ là một bài học thực tiễn trong hài hòa và tương hợp… Bài thơ hình thành qua cái tương thân của các yếu tố, hình thức và tạo vật của vũ trụ là biểu tượng cho sự tồn sinh trên đời…

Sinh ra từ tưởng tượng của con người, thơ ca có thể chết đi nếu tưởng tượng chết đi hay tàn bại. Nếu con người quên lãng thơ ca, họ lãng quên chính mình, niềm lãng quên con người. Và quay về với hỗn mang nguyên thủy”(5). Paz đã nói như thế.

Và như thế, Paz từ cái nhìn hiện đại, Paz đã vô hình trung kế tục và phóng mở tư tưởng Bashô. Chống lại sự lãng quên thơ ca và lãng quên thiên nhiên, thi hào Nhật Bản kêu gọi “làm bạn với bốn mùa” và “đón nhận thiên nhiên, quay về với tạo hóa”.

Khi lang thang từ Edo đến bờ biển Suma, Bashô tự thấy mình như là một hành giả lang thang theo gió, tựa hồ tấm lụa tả tơi phiêu lãng. Đó là ông tự xếp mình vào hàng ngũ những tâm hồn phong nhã (fuga: phong nhã, hồn thơ, bản thân nghệ thuật thơ ca) như Saigyô của thơ tanka, Sesshu của hội ca, Rikyu của trà đạo và Sôgi của thơ renga. Cảm nghiệm đó Bashô ghi lại trong tác phẩm Oi no kobun (Cập chi tiểu văn: Ghi chép nhỏ trong túi hành hương):

“Một linh hồn đã hoạt hóa tất cả tác phẩm của những người này. Đó là tâm hồn của fuga (phong nhã), kẻ nào ấp ủ nó đều đón nhận thiên nhiên và trở nên người bạn của bốn mùa. Nhìn thấy gì, người ấy đều nhớ đến hoa; nghĩ điều chi người ấy cũng liên tưởng tới trăng. Nếu nhìn vật mà không nhớ hoa là kẻ man rợ, nếu tư tưởng mà không quay về trăng thì có khác chi loài thú. Thế nên tôi kêu gọi: Hãy vượt qua man rợ mà đón nhận tạo hóa, quay về với tạo hóa.”

Đoạn văn lộng lẫy mà uyên áo này cho thấy cái nhìn hiền minh của Bashô về thiên nhiên. Thiên nhiên không đối lập với văn hóa. Chính vì có văn hóa, có nghệ thuật, có hồn thơ (phong nhã) thì con người mới là bạn tình của thiên nhiên. Hơn nữa, tư tưởng Bashô còn sâu hơn những gì mà trích dịch bất toàn trên cho thấy.

Cái tưởng tượng thơ ca của Paz có khác gì với tâm hồn phong nhã của Bashô. Tưởng tượng ấy chết đi thì cũng là phong nhã chết đi.

Kẻ man rợ của Bashô thì khác gì niềm quên lãng con người của Paz.
Cái tương thân vũ trụ của Paz cũng rất gần với bạn bốn mùa của Bashô.

Khỏi phải nói, cả hai nhà thơ lớn đều ca ngợi cái thiên nhân tương cảm, cái sáng tạo và chuyển hóa thể hiện trong con người và thiên nhiên.

Cả hai đều hướng tới sự tồn sinh của con người trong nhịp điệu thiên nhiên, cái không khác với nhịp điệu thơ ca.

Để nói về tính sáng tạo của thiên nhiên, Bashô thường dùng từ zôka (tạo hóa). Cho nên ông nói “quay về với tạo hóa”, tức là quay về với cái huyền diệu của vũ trụ.

Trong kiệt tác Con đường sâu thẳm (Oku no hosomichi), đến thăm Matsushima (Tùng Đảo) tuyệt đẹp, Bashô đã viết: “Tạo hóa thiên công, có bút mực nào, lời thơ nào vẽ nổi và tả xiết đây?”(6).

“Tạo hóa thiên công” (zôka no tenkô) chính là tính sáng tạo huyền diệu mà Bashô muốn bắt chước trong thơ, muốn quay về với cái đó, chơi với nó (zôka zuijun: tạo hóa tùy thuận).

Cũng như thế, Octavio Paz cho rằng thiên nhiên là ngôn ngữ, là thơ ca. Mở ra ngôn ngữ chính là trở về với thiên nhiên (es volver a la naturaleza). Nhưng thiên nhiên ở đây không phải là vật chất hay tâm linh mà là năng lượng, là từ trường, rất gần ý nghĩa sinh thái. “Chúng ta ra khỏi thiên nhiên và trở về với nó” là điều ông nhận thấy khi đọc Lévi-Strauss.

Paz cho rằng vũ trụ có từ tính, là từ trường hóa. Vũ trụ là “một loại nhịp điệu đan dệt thời gian và không gian”.

Đứng trước thiên nhiên và vũ trụ mê diệu như thế, hơn ai hết các nhà thơ muốn cuộc tồn sinh của con người yêu thương nó, kết một khối tình với nó. Như Hồ Xuân Hương cho thấy trong bài thơ tuyệt diệu Đá Ông Chồng Bà Chồng:

Khéo khéo bày trò tạo hóa công
Ông Chồng đã vậy lại Bà Chng
Gan nghĩa giãi ra cùng nhật nguyệt
Khối tình cọ mãi với non sông.

Trò chơi của Tạo hóa thiên công, trò chơi của từ trường mà các nhà thơ nói ở đây là cái kỳ diệu, huyền bí, tinh tế, thiện xảo, công phu, tài hoa, ẩn tú trong sáng tạo và chuyển hóa của tự nhiên.

Trở về ở đây là về với cái linh thiêng của sáng tạo chứ không phải về với đồng quê hay chốn lâm tuyền để hái cúc, trồng lan ở ẩn mà nêu cao tư cách “quân tử”.

Bashô và các nhà thơ chỉ muốn học cái cách mà thiên nhiên hay sinh thái đã sáng tạo. Như Goethe ở Đức đã nói: “Tác phẩm vĩ đại của Nghệ thuật là tác phẩm vĩ đại của Thiên nhiên”.

Thơ ca và nghệ thuật không phản ánh thiên nhiên mà là vận động trong tinh thần sáng tạo của thiên nhiên. Họa sĩ kỳ tài Paul Klee trong thế kỷ hai mươi trong tinh thần đó mà nói với một người bạn đang dạy nghệ thuật:

“Hãy dẫn sinh viên đến Thiên nhiên, vào trong Thiên nhiên! Để họ học cảm nghiệm một nụ hoa hiện thành thế nào, một cái cây mọc thế nào, một con bướm mở cánh thế nào, làm sao cho các bạn ấy sẽ trở nên phong phú, biến đổi, hào hứng như bản thân Thiên nhiên. Đón nhận đường lối sáng tạo tự nhiên mà biến tạo hình thức. Đó là trường học tuyệt nhất.”

Đối với Bashô, Paz cũng như họa sĩ Klee, phải là văn hóa, phải là thơ ca nghệ thuật mới có thể là thiên nhiên, rất khác với quan niệm nhị đối thường có giữa thiên nhiên và văn hóa, cũng như thiên nhiên và con người.

Phê bình sinh thái đương nhiên đồng tình với những nghệ sĩ thượng thặng ấy và dị ứng với loại tư tưởng “làm chủ và sở hữu thiên nhiên” kiểu Descartes.

Con người dường như không muốn hiểu rằng Thiên nhiên làm ra con người chứ làm gì có con người làm ra Thiên nhiên. Và chỉ có thể con người cần Thiên nhiên chứ Thiên nhiên cần chi con người.

Trong thiên nhiên, vai trò của con người không phải là chủ nhân. Đó phải là người bạn như Bashô đòi hỏi, “bạn của bốn mùa”. Đó phải là người tình, như Paz gợi ý.

Tương quan với thiên nhiên như thế có thể là một tương quan mật thiết, sắc dục hay từ tính (a magnetic relationship) nghĩa là thu hút nhau, mơn trớn nhau và có thể xuyên thấm nhau.

Như bài haiku của Bashô về đầm Kisagata:

                Đầm Kisagata
                Nàng Tây Thi nằm ngủ
                Hoa buồn ngủ trong mưa.

                                (Kisagata ya
                                ame ni Seishi ga
                                nebu no hana).

Dưới mưa, đầm Kisagata, nàng Tây Thi và hoa buồn ngủ (hoa hợp hoan) như cùng nhau thiếp ngủ. Cảnh ấy “ngập đầy đôi mắt” nhà thơ, mơn trớn nhà thơ.

Và khổ thơ về quẻ Hằng của Paz:

                Như rừng nằm trong giường lá
                Em nằm ngủ trong giường mưa
                Em hát ca trong giường gió
                Em hôn trong giường những tia lửa ngời.

                                (Como el bosque en su lecho de hojas
                                tú duermes en tu lecho de lluvia
                                tú cantas en tu lecho de viento
                                tú besas en tu lecho de chispas)

Nhà thơ Paz muốn “sờ nắn bằng tư tưởng và suy tư bằng thân xác” và vần thơ trên cho thấy điều đó. Nằm ngủ, hát ca và hôn trong mưa, trong gió, trong lửa. Tư tưởng thật sự biết sờ nắn và thân xác thật sự biết suy tư.

Với Bashô, tiếp xúc và hiểu biết thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận: “Muốn biết cây tùng, hãy đi tới cây tùng”. Đi tới là tiếp xúc, là mơn trớn, là thâm nhập vào sự vật, vào thiên nhiên. Và cảm nghiệm Nước, Đất, Gió, Lửa bên ngoài ta cũng như bên trong ta.

Nước, cổ mẫu đầu tiên, trải nghiệm đầu đời của ta. Lòng mẹ, máu, sữa, mưa, sông, biển, nước mắt,…

Haiku mùa thu của Bashô:

                Chén trăng đầy
                sóng thơm mùi rượu
                biển xanh say.

                                (Sokai no
                                nami sake kusashi
                                kyo no tsuki)

Trăng có thể được dùng làm chén mà múc rượu từ biển mùa thu ngát hương: rượu tình.

Với Paz, thơ ca là nước, nước chảy tràn.

                Cuối cùng hãy là một Lời…
                một giọt nước trên khao khát môi.
                …
                nước, nước cuối cùng trôi,
                lời của người dành cho người.

                                (Ser al fin una Palabra…
                                un poco de agua en unos labios ávidos.
                                …
                                Agua, agua al fin
                                palabra del hombre para el hombre).

Nước kết nối con người với cội nguồn, con người với con người. Nước là thơ ca, là tình yêu cuộc sống.

Đất thì phong nhiêu, là mẹ đất. Theo Paz, mẹ đất luôn luôn trinh nguyên. Nhưng sinh sản vô tận hoa trái trần gian.

Một bài haiku của Bashô trình bày một cuộc chơi: hoa rụng về cội.

                Xuống đất ư
                cánh hoa về cội rễ
                dường như giã từ.

                                (chi ni taore
                                ne ni yori hana no
                                wakare kana)

Bài thơ thuộc mùa xuân cho dù nói về giã từ và cái chết. Vì hoa lại tan mình vào đất, một lúc nào đó lại tái sinh thành hoa mới trên cây. Cây đã nhập hoa trở lại vào thân mình. Vòng luân hồi của sinh thái là thế.

Đất thì lặng lẽ và cây cũng thế. Paz nói lên cái vô ngôn đó trong một bài haiku của mình:

                Cây tần bì
                đêm qua dường sắp nói
                nhưng rồi không nói ra.

                                (Anoche un fresno
                                a punto de decirme
                                algo -callóse)

Có nhiều cách nói. Và không nói cũng là một cách nói. Do đó ta có thể nghe đất và nghe cây. Không thể nghe bài ca im lặng của đất và cây có thể là một cách mất gốc, không còn là hoa của đất.

Đất có thể kết hợp với trời trong mưa và lúc ấy mọi sinh linh trông khác đi, như một bài haiku của Bashô cho thấy:

                Mưa mùa hạ trôi
                kìa chân chim hạc
                ngắn lên lần hồi.

                                (Samidare ni
                                tsuru no ashi
                                mijikaku nareri).

Chân chim hạc ngắn đi khi nước dâng nhưng nói thế mà không phải. Chim hạc biết rõ chân mình, biết bầu trời và nước, biết mùa hạ và mưa theo cách của nó, theo bản năng sinh thái. Chim hạc đứng một mình nhưng đâu phải một mình. Hiện thời, đất, nước và bầu trời làm ra nó.

Thiên nhiên là một thế giới tương tùy và tùy duyên mà sinh khởi, trong đó bất kỳ một sinh thể nào cũng có mặt trong cái khác trong nguyên lý tương tức (interbeing) không có chi ngoại lệ.

Tư tưởng Phật giáo cũng như hiền minh sinh thái nhìn thấy không có gì là biệt lập, một mình.

Một mình không phải là một mình hiện hữu mà là “một mình với”. Con hạc không bất động. Đứng yên là một cách khác, bay với mưa mùa hạ. Cái đứng yên đó là kết tụ ngàn lần đã bay và ngàn lần sẽ bay.

Trước Bashô, Nguyễn Trãi cũng đã có cái nhìn hiền minh này:

                Lẻ có chim bay cùng cá nhảy
                Mới hay kìa nước nọ hư không.

Nhiều thế kỷ trước, thiền sư Nhật Bản Dôgen cũng đã nói trong Chánh Pháp Nhãn Tạng(Shobogenzo):

“Từ nước, cá làm nên đời sống của mình, và từ trời, chim cũng thế. Đời sống ấy chim cá làm ra. Đồng thời đời sống làm ra chim cá. Bởi thế, cá, nước và đời sống, cả ba sáng tạo lẫn nhau”.

Và hình ảnh cánh hạc biển của Nguyễn Du:

                Hải hạc diệc hội vũ
                Bất dữ thế nhân tri.

                                (Biển xanh cánh hạc múa chơi
                                Cần chi hạc múa cho người đời hay.)

Cái quan trọng là mọi hiện tượng đời sống sáng tạo lẫn nhau, chứ không có ưu quyền đặc lợi cho riêng cái nào. Đất và nước, đất và trời tương phản mà tương hợp.

Như lời trong sách Thái Căn Đàm: “Nếu chân tính của ta có sức mạnh sáng tạo của bản thân Thiên nhiên tạo hóa thì dù cho đi đâu, ta đều thấy cá nhảy và nhạn bay”.

Đất, trời, nước, chim, cá… và ta thở cùng hơi thở, tương tùy, tương duyên, tương hợp, tương tức,…

Đất tự nó là một sinh thể. Con người không chỉ sống trên đất mà còn là đất. Thế nên Paz viết:

                Chỉ có đất
                mà tôi biết và biết tôi.

                                (Única tierra
                                que conozco y me conoce).

Với Octavio Paz, gió được xem là “hơi thở sáng tạo của đời sống. Gió có thể ném ta ra khỏi chính mình hay ném ta vào chính mình”.

Lang thang trong gió thu gió đông, Bashô cảm thấy:

                Xơ xác dãi dầu
                gió xuyên thân xác
                vào tận hồn sâu.

                                (Nozarashi o
                                kokoro ni kaze no
                                shimu mi kana).

Cùng diễn tả hơi thở dữ dội của gió, đến giữa thế kỷ hai mươi, nữ sĩ Setsuko viết:

                Đất trời
                rung chuyển cùng hơi thở
                bày trận tuyết rơi.

                                (ame-tsuchi no
                                iki aite hagheshi
                                yuki furasu).

Gió vừa sáng tạo vừa tàn phá, vừa là sắc vừa là không, vừa đến vừa đi đồng chơi, vừa chơi vừa chết đồng thời.

Gió thổi mây bay. Nhưng chính là gió bay. Yếu tính của gió là bay và bay và nó có thể giải thoát từ đã đến thơ ca ra khỏi trọng lực, như những vần thơ của Paz cho thấy:

                Thế giới cũ của đá
                cất mình lên và bay

                                (El viejo mundo de las piedras
                                se levanta y vuela).
                …
                Ngày mở bàn tay
                bay ra ba áng mây
                và những vần thơ này.

                                (El día abre la mano
                                tres nubes
                                y estas pocas palabras).

Mây bay gió thổi. Nhưng ngày thật sự mở ra với lửa. Với Paz, thơ ca là “ngôn ngữ của lửa” (lenguaje de incendios) và lửa cũng là tâm linh, như có thể thấy qua vần thơ sau đây của ông:

                linh hồn không sống trong hình thể nào,
                nhưng làm cho mọi hình sắc cháy
                với một ngọn lửa bất diệt huyền linh.

                                 (espíritu que no vive en ninguna forma,
                                mas hace arder todas las formas
                                con un secreto fuego indestructible).

Lời thơ của Bashô trong một đêm mùa xuân ẩn giấu một ánh lửa vô hình của nến, của hương và của u huyền:

                Một đêm mùa xuân
                trong góc Phật đường
                bóng ai quỳ mông lung.

                                (Haru no yo ya
                                komoribito yukashi
                                dô no sumi).

Một hình ảnh lửa có thể nhìn thấy trong nước qua bài haiku khác của Bashô:

                Dòng Mogami ấy
                dìm mặt trời đang cháy
                vào trong biển xanh.

                                (Atsuki hi o
                                umi ni iretari
                                Mogamigawa).

Lửa mặt trời vẫn cháy trong dòng sông ấy, trong biển cả ấy và vẫn cháy trong thơ ca, trong đá, trong cỏ, trong gió, trong đất và trong con người.

Thơ ca đã kết buộc thế giới bên ngoài và thế giới bên trong của con người, ôm ấp đất, nước, gió, lửa bằng tình yêu nồng nàn.

Mỗi ngày của chúng ta được kết dệt bằng vũ điệu của các nguyên tố ấy như lời thơ của Paz:

                Những nguyên tố quấn quít nhau
                đan dệt y trang của một ngày chưa biết.

                                (Los elementos enlazados tejen
                                la vestidura de un día desconocido).

Cái ngày chưa biết đó, cái ẩn giấu đó chính là cái mê diệu mà thiên nhiên mặc khải cho thơ ca, sự mặc khải mà Bashô và Paz lắng nghe không ngừng. Lắng nghe hình sắc và lắng nghe cả hư không. Thơ Bashô:

                Từ cành cao
                hư không rơi xuống
                trong vỏ ve sầu (7).

                                (Kozue yori
                                adani ochi keri
                                semi no kara).

NHẬT CHIÊU
Nguồn: NVTPHCM


Chú thích:

(1) Patrick H. Dust, Editor: Ortega y Gasset and the Question of Modernity, The Prisma Institute, Minneapolis, 1989, p.51
(2) Octavio Paz: Covergences, Trans. Helen Lane. HBJ, New York, 1987, p.248
(3) Octavio Paz: Children of the Mire, Trans. Rachel Phillips, Harvard University Press, Cambridge, 1974, p.63.
(4) Octavio Paz: The Bow and the Lyre, Trans. Ruth Simns, McGraw-Hill, New York, 1975, p.121
(5) Octavio Paz: The other voice, Trans. Helen Lane, HBJ, New York, 1992, p.159,160.
(6) Matsuo Bashô: Oku no hosomichi/ The Narrow Road to Oku, Song ngữ Nhật Anh, Trans. Donald Keene, Kodansha, Tokyo, 1996, p.78,79.
(7) Những trích dịch không đánh số trong bài viết chúng tôi thực hiện khi dựa vào các tài liệu sau đây:
- Jason Wilson: Octavio Paz, A study of his poetics, Cambridge University Press, London, 1979
- The Poems of Octavio Paz, Sách song ngữ Tây Ban Nha – Anh, Trans. E. Weinberger, New Directions, 1998
- Octavio Paz, Selected Poem, Sách song ngữ Tây Ban Nha – Anh, Trans. Tomlinson, Penguin Books, 1979
- Bashô The Complete Haiku, Sách song ngữ Nhật – Anh, Trans. Jane Reichhold.


Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

ĐINH HÙNG – BỨC MẬT MÃ HUYỀN BÍ

Đinh Hùng là một trong những nhà thơ rất tiêu biểu cho trường phái thơ tượng trưng Việt Nam. Đây là nhà thơ mà cuộc đời có nhiều thăng trầm và nhiều nỗi đau. Ngay cả cho đến giờ, dù rất nhiều người thừa nhận tài năng của ông nhưng những vần thơ của ông vẫn ít được độc giả biết đến. Bên cạnh đó, việc giải mã những bài thơ tượng trưng của ông vẫn là một thách thức lớn cho nhiều nhà nghiên cứu, phê bình.
Nhà thơ Đinh Hùng

  1. Những biểu tượng đẹp:

Đinh Hùng viết rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp con người, vẻ đẹp thiên nhiên. Đó không chỉ là vẻ đẹp khiến cho thi sĩ cảm thấy rung động và muốn viết nên những bài thơ ca ngợi như nhiều nhà thơ vẫn thường làm. Vẻ đẹp trong thơ Đinh Hùng có sức mạnh rất ghê gớm. Nó khiến nhà thơ yêu cuồng nhiệt, muốn tan chảy vào đó, hòa vào đó. Đó là vẻ đẹp dù không cần đến chất men cũng khiến người ngắm phải say và điên đảo.

Trước hết, đó là biểu tượng người kỳ nữ:

Ta thường có những buổi sầu ghê gớm
Ở bên em-ôi biển sắc rừng hương!
Em rực rỡ như một ngàn hoa sớm
Em đến đây như đến tự thiên đường

……

Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết
Rộn xuân tình lên bệ ngực thanh tân
……
Hỡi kỳ nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần- ôi sắc đẹp yêu ma
Lúc cuồng si nguyền rủa cả đàn bà
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn

Đinh Hùng đã xây dựng một hình tượng kỳ nữ rất đẹp, rất tinh khiết, thanh cao. Đó là một giai nhân tuyệt sắc tựa như ngàn hoa buổi sớm, như biển sắc rừng hương hay như một thiên sứ đến từ thiên đàng. Nếu sắc đẹp ấy khiến nhà thơ muốn chiếm lĩnh thì cũng chẳng có gì là lạ bởi vì các nhà thơ lãng mạn vẫn thường làm thế:

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

(Mưa xuân – Nguyễn Bính)

Thế nhưng Đinh Hùng đã nâng hình tượng của kỳ nữ lên một nấc cao hơn khiến cho cô trở thành biểu tượng của cái đẹp chứ không đơn giản chỉ là hình ảnh của giai nhân. Sắc đẹp ấy vừa khiến nhà thơ muốn gần gũi, chiếm lĩnh vừa làm cho ông phải đứng xa tôn thờ. Nó cứu rỗi tâm hồn ông để ông mãi sống với biểu tượng đẹp ấy: Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết. Nhưng nó cũng làm cho ông phát điên và khát khao được chết dưới cái hôn của người đẹp để cả hai cùng hòa lại làm một:

Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn

Và ông còn khám phá ra một bản chất khác của cái đẹp là cái ác. Đây là điều mà các nhà thơ lãng mạn không hề nói tới bởi lâu nay người ta vẫn quan niệm đẹp là trong sáng, là thánh thiện, là thanh cao. Thế nhưng không phải Đinh Hùng không có lý vì xưa nay bao nhiêu vương triều sụp đổ cũng có sự tham gia của người con gái đẹp. Câu chuyện về Đác Kỷ và Trụ Vương, Bao Tự và vua Kiệt, Phi Yến và Hán Vũ Đế, nàng Tây Thi và vua Ngô Phù Sai, nàng Điêu Thuyền và Đổng Trác, nàng Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng…vẫn còn đó như một minh chứng lịch sử về tai họa do cái đẹp gây ra. Do đó, Đinh Hùng đã gọi kỳ nữ:

Hỡi kỳ nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần- ôi sắc đẹp yêu ma

Cho dù cái ác xuất hiện song hành với cái đẹp, một sắc đẹp ma quái nhưng cái ác ấy vẫn không làm cho nhà thơ run sợ bởi cái đẹp đã thắng thế. Cho dù biết cô gái có lòng tàn ác thì nhà thơ vẫn muốn gần gũi. Cho dù biết rằng sắc đẹp ấy sẽ giết chết mình, nhà thơ vẫn tình nguyện được chết trong đôi môi của người đẹp.

Quả thực, Đinh Hùng đã xây dựng được một biểu tượng người phụ nữ rất đẹp. Nó vừa thực vừa mộng, vừa lung linh, vừa huyền ảo. Đối với ông, biểu tượng ấy có sức mạnh vạn năng khiến ông có lúc tưởng như nó ở trên thiên đường để ông tình nguyện sống mãi và tôn thờ. Tuy nhiên, ở một thời điểm khác, ông lại thấy nó mang hình ảnh của yêu ma để rồi ông lại tình nguyện chết vì nó mà không hề hối tiếc.

Không chỉ dừng lại ở người kỳ nữ, đối với Đinh Hùng, thần chết đôi khi cũng là một biểu tượng của cái đẹp:

Nàng nằm mộng suốt đêm hè dưới nguyệt,
Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao.
Xa nấm mồ, chúng ta cuồng dại hết,
Để yêu tà về khóc dưới non cao.

(Tìm bóng tử thần)

Rõ ràng, khi nhà thơ gán cho Tử thần vẻ đẹp của người con gái, lập tức tử thần trở thành một biểu tượng lung linh, huyền ảo. Thi sĩ không chỉ nhìn thấy vẻ đẹp hình thể của người con gái khi còn sống mà dưới ánh trăng mờ ảo, sắc đẹp ấy trở nên diệu kỳ hơn bao giờ hết. Con người và thiên nhiên chan hòa làm một, cùng vẽ nên một bức tranh tuyệt sắc. Không những thế, thiên nhiên còn say đắm vẻ đẹp của Tử thần: Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao. Và dĩ nhiên Đinh Hùng cũng không thoát khỏi sự quyến rũ đó. Sắc đẹp khiến ông vượt qua nỗi sợ hãi trong lòng để đi đến quyết định táo bạo: yêu Tử thần:

Ta cười suốt một trang thơ,
Gặp hồn em đó còn ngờ yêu ma.
Giáng Tiên đâu? Thế kỷ gian tà,
Dạo chơi bình địa tưởng qua hai tần.
Đi đi, cho hết dương trần,
Ngày mai tìm bóng Tử thần mà yêu!

Có thể thấy, lâu nay nói đến Tử thần là người ta hay nghĩ đến biểu tượng của cái chết, của sự hủy diệt. Do đó, có lẽ chỉ có Đinh Hùng mới tìm thấy ở người sự quyến rũ của cái đẹp, của tình yêu và thậm chí là cả một tâm hồn thanh cao. Bởi vì, những điều nhà thơ chứng kiến trên thực tế, trong cõi thực khiến nhà thơ cảm thấy quá chán nản và thất vọng:

Cây Từ Bi hiện đóa Ác Hoa đầu,
Hồn gặp Hồn, ai biết thiện căn đâu?

Và giờ đây, ông chỉ tin vào những điều ở thế giới bên kia, ở một nơi huyễn hoặc, mộng ảo. Ông thành khẩn van xin nàng tin rằng, cho dù mình khác thế giới với nàng nhưng vẫn giữ tấm lòng trinh bạch:

Xin Thần Nữ tin lòng tôi trinh bạch,
Đốt kỳ thư còn mộng nét văn khôi.

Quả thật, Đinh Hùng đã xây dựng cho mình một biểu tượng tử thần mới, biểu tượng của tình yêu, cái đẹp và sự thanh cao.

Nếu đọc hết những bài thơ của Đinh Hùng, người ta chắc chắn sẽ gán cho ông tên gọi thi sĩ của tình yêu như họ đã từng gọi nhà thơ tình Xuân Diệu. Ông đã dựng nên rất nhiều bức tượng đài về cái đẹp, về tình yêu nhưng có lẽ biểu tượng đẹp nhất, lung linh nhất theo cảm nhận của người viết là biểu tượng con đường tình yêu trong bài: Đường vào tình sử, một biểu tượng được ghép lại từ rất nhiều biểu tượng khác nhau tạo nên một con đường vừa đẹp, vừa buồn, vừa nhuốm màu sử thi, hoài cổ:

Phơi phới thuyền ta vượt bến,
Từ đêm hồng thuỷ ra đi.
Lòng ta dao cắt
Chia đôi
Biên thuỳ,
Dòng máu kinh hoàng chợt tỉnh cơn mê.
Chúng ta đi vào lá hoa Tình Sử,
Hơi thở em hoà sương khói Đường thi.
Anh đọc cho em những dòng cổ tự
Ai Cập và Cổ Ly Hy.
Anh viết cho em bài thơ nho nhỏ
Bài thơ xanh ánh mắt hẹn tình cờ,
Có những chữ Hoa yểu điệu,
Không phải đại danh từ.

Con đường tình yêu này rất dài, rất dài. Nó có hoa, có hương thơm, có âm thanh, có màu sắc. Tất cả là hiện thân của tình yêu. Nhưng tình yêu không chỉ đơn giản vậy:

Chúng ta đến nghe nỗi sầu tinh tú
Những ngôi sao buồn suốt một chu k ỳ
Những đám tinh vân sắp sửa chia ly,
Và sao rụng biếc đôi tay cầu nguyện.
Ôi cặp mắt sáng trăng xưa hò hẹn,
Có nghìn năm quá khứ tiễn nhau đi.

Tình yêu có lúc vui và có lúc buồn. Những lúc buồn, tác giả cảm thấy như vũ trụ này cũng đang tan chảy, cũng thấm màu biệt ly. Và chặng đường đi tìm người yêu là chặng đường mà tác giả phải vượt qua rất nhiều nơi trong trái đất, vượt qua rất nhiều vòng quay của vũ trụ từ quá khứ đến tương lai. Có rất nhiều biểu tượng mà nhà thơ đã bắt gặp trên con đường ấy: lá hoa Tình Sử, bài thơ xanh, chữ Hoa yểu điệu, đôi hồn tình tự, cung đàn hoài vọng, khúc nhạc lang thang,…

Có thể thấy, mỗi người có thể có một cách đi tìm tình yêu của riêng mình. Thế nhưng, cách mà Đinh Hùng đã đi tìm tình yêu quả là rất lạ. Một con đường đầy rẫy những sự hóa thân hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo. Dù sao đi nữa, Đinh Hùng cũng đã xây dựng cho mình một con đường đi đến trái tim đầy thú vị bằng chính sự giao cảm tâm hồn của người đang yêu.

2. Giao cảm với cõi hư vô:

Cũng như các nhà thơ tượng trưng khác, Đinh Hùng cũng có những sự giao cảm bí mật với vũ trụ, với thế giới tâm linh.

Khi miếu Đường kia phá bỏ rồi
Ta đi về những hướng sao rơi
Lạc loài theo hướng chân cầm thú
Từng vệt dương sa mọc khắp người

Rồi những đêm sâu bỗng hiện về
Vượn lâm tuyền, khóc rợn trăng khuya
Đâu đây u uất hồn sơ cổ
Từng bóng ma rừng theo bước đi

(Những hướng sao rơi)

Như vậy, thời gian và không gian trong thơ ông đã hòa lại làm một. Con người và vũ trụ, linh hồn không có sự phân biệt. Chính những cảm xúc cuồn cuộn trong lòng đã làm cho sự giao cảm của nhà thơ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết:

Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ
Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe
Thèm ăn một chút hoa man dại
Rồi ngủ như loài muôn thú kia

(Những hướng sao rơi)

Nỗi khát khao giao cảm, khát khao hòa mình với thế giới tâm linh, với vũ trụ làm cho các câu thơ mang màu sắc sử thi, huyền hoặc:

Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly
Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ
Bên thành quách ta ra tay tàn phá
Giữa hoan lạc của lâu đài, tình tạ
Ta thản nhiên đi trở lại núi rừng
Một mặt trời đẫm máu phía sau lưng"

(Bài ca man rợ)

Rõ ràng, nhà thơ muốn phá bỏ hết những trói buộc xung quanh mình, muốn hét thật to trong vũ trụ, muốn giải phóng cái tôi để làm những gì mình muốn, mặc sức yêu và mặc sức điên cuồng. Ông muốn xóa bỏ khoảng cách giữa mình và vũ trụ.

Có lẽ Đinh Hùng đã yêu vũ trụ, yêu thế giới tự nhiên và yêu cái đẹp trên cả mức mong muốn chiếm hữu. Ông viết về chúng như một thứ tôn giáo để tôn thờ, để khám phá bằng sự hòa hợp tâm linh. Chỉ có như thế mới mong thỏa mãn được những khát khao cháy bỏng trong tâm hồn tác giả:

Trời cuối thu rồi em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu…"

(Gửi người dưới mộ)

Ở Đinh Hùng, cái chết chẳng có gì đáng sợ cả bởi ông có thể đi qua đi lại trên ranh giới giữa sự sống và cái chết. Chẳng gì có thể ngăn cản ông thực hiện mong muốn của mình:

Ta hát bài kinh, thoảng dã hương
Từng đêm chiêu niệm bắt hồn nàng
Lời ra cửa biển tìm sao rụng
Rỏ xuống mộ em giọt lệ thương…"

(Màu sương linh giác)

Có thể nói rằng, những câu thơ, những bài thơ thể hiện sự giao cảm một cách đầy bí ẩn của nhà thơ với thế giới tâm linh, thế giới mộng ảo đã chứng tỏ một điều rằng, trên đời này, chẳng có gì có thể làm cho con người cảm thấy sợ hãi kể cả cái chết. Tâm hồn con người luôn luôn có một sức mạnh và một phép màu nhiệm hết sức kỳ lạ trong vũ trụ. Nó có thể thỏa sức tung hoành làm những gì nó muốn, nó có thể xóa nhòa ranh giới giữa thời gian và không gian, có thể xóa nhòa giữa sự sống và cái chết. Điều đặc biệt nhất, nó có thể khám phá được cả những nơi u tối nhất, kỳ ảo nhất của vũ trụ mà không cần nhờ đến những khám phá khoa học.

3. Tắm mình trong những nốt nhạc thơm:

Từ nhạc luôn luôn có một vị trí quan trọng trong thơ tượng trưng và Đinh Hùng đã không quên điều đó. Những câu thơ của ông được sắp xếp chặt chẽ tạo thành hiệu ứng của một bản tình ca ngọt ngào khiến người đọc cảm thấy như đang đắm mình trong một bản nhạc chứ không phải là một bài thơ:

Giữa hư không tìm lại vết chân Người,
Ôi xứ Đạo có bao mùa tình tự?
Trong bản hát thiêng
Của bầy thanh nữ,
Có ai về ngự,
Giữa lòng thuyền quyên?
Trong mộng trần duyên
Của hồn thiên cổ,
Có ai vào ngủ
Một giấc cô miên?
Trời ơi! Đây nguyệt vô biên
Trong lòng người đẹp nằm quên dưới mồ!
Ta cười suốt một trang thơ,
Gặp hồn em đó còn ngờ yêu ma.

(Tìm bóng tử thần)

Bằng cách kết hợp giữa thơ lục bát dân tộc và thơ mới cùng cách gieo vần chân hiệu quả, Đinh Hùng đã mang đến cho người đọc một bản nhạc thực sự êm ái, sâu lắng. Điều này đã góp phần tăng hiệu quả nghệ thuật cho bài thơ, đưa người đọc đắm mình vào chốn hư hư thực thực.

Trong một bài thơ khác, nhà thơ học tập cách sáng tác thơ văn xuôi của Boudelaire để nói lên nỗi lòng của mình:

Lũ chúng ta:

Mấy kẻ không nhà, tưởng dành bạc đức với nhân tình nên mê tràn tâm sự, có buổi vò nhung xé lụa, chưa mời giăng một tiệc đà nhắc giọng Lưu Linh;

Từng giờ thoát tục, đã quyết vô tâm cùng thể phách thì đốt trọn tinh anh, đòi phen khóc nhạc, cười hoa, chẳng luyến mộng mười năm cũng nổi tình Đỗ Mục.
                                                                                              (Thần tụng)

Rõ ràng, cái tạo nên tính nhạc cho kiểu thơ văn xuôi ở đây là phép đối. Phép đối đã làm cho hai câu thơ song hành tạo âm hưởng. Thơ xuôi làm cho nhịp điệu hùng hồn, đanh thép, góp phần tăng thêm khí phách cho lời thơ.

Ở trong bài Đường vào tình sử, nhà thơ sử dụng nhiều tiết tấu khác nhau khá hiệu quả, đặc biệt là tiết tấu vắt dòng, câu gãy:

Phơi phới thuyền ta vượt bến,
Từ đêm hồng thuỷ ra đi.
Lòng ta dao cắt
Chia đôi
Biên thuỳ,
Dòng máu kinh hoàng chợt tỉnh cơn mê.

Sự thay đổi nhịp điệu đột ngột trong những câu thơ này tạo hiệu quả cho người nghe như chính họ đang cùng nhà thơ ngồi trên con thuyền vượt sóng. Thỉnh thoảng, chính họ cũng nghe thấy sóng lòng trong chính nhà thơ.

Cho dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây thì âm nhạc dân tộc vẫn chảy trong hồn thơ Đinh Hùng khiến những câu thơ của ông trở nên mượt mà như những bài dân ca, ngâm khúc. Ông đã sử dụng rất hiệu quả thể thơ lục bát và song thất lục bát của dân tộc. Trở lại bài thơ Thần tụng, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:

Hồn lại đặt cơn mê cơn tỉnh,
Hồn lại bầy đêm quạnh đêm vui.
Hồn xui rượu nói lên lời,
Khói dâng thành ý, nhạc cười ra hoa.
Hồn bắt ai tiêu ma ngày tháng,
Hồn giúp ai quên lãng hình hài.
Hồn từ siêu thoát phàm thai,
Sầu trong tà dục, vui ngoài thiện tâm.
Hồn ở khắp sơn lâm, hồ hải,
Hồn sống trùm hiện tại, tương lai.
Mênh mang một tiếng cười dài,
Hồn lay bốn vách Dạ Đài cho tan.

Có thể thấy, Đinh Hùng chịu sự ảnh hưởng rất rõ từ các nhà thơ tượng trưng Pháp như Boudelaire, Rimbaud…Những biểu tượng, những sự khát khao giao cảm hay những từ nhạc trong thơ ông đều mang dáng dấp của thi pháp thơ tượng trưng Pháp. Bên cạnh đó, những vần thơ của ông còn mang dáng dấp của chủ nghĩa siêu thực. Tuy nhiên, cái làm nên vẻ đẹp của thơ Đinh Hùng là ở cách phối âm của những câu thơ gãy khúc với thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát.

Cho đến bây giờ, với nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, Đinh Hùng vẫn là một bức mật mã đầy bí ẩn. Muốn tìm được chiếc chìa khóa cho bức mật mã này thì phải đọc đi đọc lại những tập thơ của ông, nhập tâm cùng ông, thả hồn theo những bài nhạc của ông mới hy vọng có thể thẩm thấu từ từ từng nét từng chữ trong bức mật mã diệu huyền.

ĐÀO LÊ NA
ĐH KHXH&NV TPHCM



PHÍA SAU SỰ DỊU DÀNG LẶNG LẼ CỦA GIA HOÀ

Đọc vài ba cái tạp bút của chị tôi đã sớm thấy mình đang đâm đầu vô một bức tường bởi viết làm sao cho hết những cái tinh tế mà dày dặn của Trương Gia Hoà. Tôi hiểu mình sẽ không đủ tính từ và cũng không đủ chữ để nói hết được ý cũng như lòng của chị. Nếu có một thứ may ra có thể đó là tình yêu. Không phải tình yêu trong sách của chị mà tình yêu của tôi - một người đọc - dành cho chị.
Nhà thơ Trương Gia Hoà

Gia Hòa lặng lẽ, nhưng lại là một người hài hước, lạ thay.

Văn của chị cũng vậy lặng lẽ mà duyên dáng. Đâu đó trong từng câu chữ có cái gì cứ dắt người ta đi. Quá khứ, tương lai, hiện tại... những câu chuyện tùy dòng thời sự. Những câu chuyện tưởng như không có gì để nói, qua ngón tay chỉ của Gia Hòa, ta chợt thấy sự cạn cợt của mình. Nhưng không vì điều đó mà ta mặc cảm. Ngược lại còn thấy thú vị, thấy biết ơn (không lớn lao đâu) vì hình như tác giả vừa cho ta một cái giật mình. Giản dị thôi, như là câu hỏi cũng là tên của một bài viết: Phụ nữ thì ngồi ở đâu? Thú vị ngay từ cách đặt vấn đề cho đến cách tiếp cận nhẩn nha. Để rồi ta nhận ra sự vô tâm của mình, để rồi ta bối rối tự hỏi "chỗ của mình ở đâu". Để rồi ta nhận ra một điều đơn giản lắm: "chỗ của một người phụ nữ, không thể tính bằng thời lượng họ ngồi nơi đó. Chỗ của một người phụ nữ, phải là nơi mà khi ở đó, từng phút giây trôi qua trong tâm khảm họ, là nhẹ nhàng!".

Không thể nói hết cái tinh tế và nữ tính trong góc nhìn của chị. Một cái tin điện đã về với người dân đảo Lý sơn, ai cũng có thể bỏ qua cái tin ấy, bởi nó không phải là chuyện của mình. Nếu có người nào đó để tâm, hẳn là một các tặc lưỡi, chà vậy bao lâu nay người ta sống ra sao? Nhưng Gia Hòa đã dẫn ta đi theo lối khác, để chợt thấy lại cả một trời ấu thơ: thuở theo ông làm các loại đèn, thuở học bài bên ngọn đèn hột vịt, anh em chơi trò ăn lửa, thời của bình ăc quy... câu chuyện về sự phụ thuộc, mâu thuẫn muôn đời về sự yếu ớt và mạnh mẽ... Nhưng trên hết là những một câu chuyện. Chuyện người cậu từ nước ngoài về chịu tang mẹ, đêm lệch giờ không ngủ được, một mình lục lọi trong kho tìm chai rượu đẹp nhất làm một cây đèn dầu để trên bàn thờ mẹ. Chỉ một hình ảnh đó thôi, đủ biết quá khứ mạnh mẽ đến thế nào, tình cảm chảy trong lòng ta ra sao? Ai biết được cho đến khi có một điều gì đó nho nhỏ thắp lên.

Lạ là giữa những điều u hoài, nhung nhớ ấy lâu lâu người ta lại phá lên cười vì một câu tưng từng hài hài: giữa cái nhớ nhung những ngọn đèn không tắt, bật cười vì một câu của chị khi nói về điện: Điện làm ba nén nhang thắp suốt bốn mùa. Điện làm tỏa hào quang những nhân vật vốn đã rất nhiều hào quang. Điện năng là quyền năng. Ông mặt trời nhiều khi cũng nhíu mày: “Tao cũng nể mày ghê á điện!”

Vậy đó đang từ một câu chuyện đậm mùi hoang liêu cô tịch, tâm linh với một chuỗi dằng dai những kỷ niệm, thoắt cái thấy chị thoát ra kể tỉnh queo một chuyện cười (ra nước mắt). Vâng tôi đã có mặt là một câu chuyện như vậy. Tác giả dẫn ta đi bằng sự ngậm ngùi của chiếc ghế trống dành cho người ông của mình mỗi khi cả nhà cùng coi Tây du ký. Bằng tình yêu của bà, tình yêu của cháu, của gia đình,"ông có mặt, bất chấp cách chia của đất trời, của âm dương sinh tử".
 Tập tản văn Đêm nay con có mơ không? của Trương Gia Hoà

Tác giả thủ thỉ: "khi chúng ta yêu ai người đó luôn có mặt, bằng kiểu này hay kiểu khác, luôn luôn". Và ngay liền sau đó là những sự có mặt làm người ta nửa cười nửa mếu: sự có mặt khá là lố bịch, vi phạm không gian riêng tư của người khác (thậm chí là vợ chồng cũng cần phải giữ gìn sự riêng tư của mỗi người), sự có mặt rất không văn hóa, sự có mặt độc ác, ảnh hưởng đến bình an của người khác, sự có mặt hèn nhát...

Đó là sự duyên dáng thú vị khi đọc Gia Hòa.

Đọc Gia Hòa, không hiểu phía sau sự dịu dàng lặng lẽ vén khéo ấy, chị chứa bao nhiêu câu chuyện trong lòng mình. Lúc vui lúc buồn, lúc nhớ lúc thương, cả lúc mỉa mai và châm biếm... những câu chuyện, những con người cứ làm người khác nhung nhớ. Thậm chí là ám ảnh. Như người ông thợ mộc của chị, sản phẩm, tôi thích nghĩ đó là tác phẩm, cuối cùng ông làm là... hai chiếc áo quan dành cho ông và bà. Đó là gì nếu không phải tình yêu - tình yêu của hai giọt sương già - tên một tạp văn khác trong tập của chị.

Nhiều năm trước có một người kể cho tôi nghe có một cậu bé gom hết tiếng phong linh vào một chiếc hộp và cậu ấy cứ sợ một ngày chiếc hộp vỡ toang vì chất chứa.

Những câu chuyện của Gia Hòa làm tôi nhớ đến cậu bé chất âm thanh của những chiếc phong linh vào chiếc hộp. Một ngày chiếc hộp vỡ thật và những âm thanh cứ lấp lánh leng keng bay lên trời...

Gia Hòa cũng chất câu chuyện của mình cũng trong một chiếc hộp hình tim. Và dành cả đời để ngắm nghía lắng nghe nó. Chị đã chọn một ngày mở chiếc hộp ấy ra bằng cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay. Để bạn có thể lắng nghe những âm thanh lấp lánh ấy cùng chị.

Chị phải kể với bạn đọc thôi... vì làm sao giấu được âm thanh!

TRẦN LÊ SƠN Ý
(Lời tựa tập Đêm nay con có mơ không?)

_______________________________

Nhà thơ Trương Gia Hoà sinh ngày 13 tháng 5 năm 1975, quê quán ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - báo chí Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Trương Gia Hoà từng làm việc ở Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, báo Sài Gòn Tiếp Thị, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010.

Tác phẩm đã xuất bản:

Sài Gòn thềm xưa nắng rụng (tạp văn), NXB Văn Hoá Văn Nghệ 2017
Đêm nay con có mơ không? (tạp văn), NXB Văn Hoá Văn Nghệ 2017
Sóng sánh mẹ và anh (thơ), NXB Văn Nghệ 2005

Giải thưởng văn học:

Tặng thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 cho tập Đêm nay con có mơ không? 

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

PHẠM CÔNG THIỆN & Ý THỨC MỚI

Bài dịch dưới đây là Lời nói đầu trong tác phẩm Ý thức mới - Phạm Công Thiện, Tư tưởng gia Việt Nam của tác giả Nohira Munehiro. Sách dày 350 trang, do Iwanami Shoten xuất bản tháng 6.2009, và năm 2010 tác phẩm này được nhận giải thưởng của Hội Sử học Đông Nam Á của Nhật Bản. Tác giả Nohira có nhiều năm đọc sách Phạm Công Thiện và khi viết tác phẩm đã sang tận Mỹ để gặp gỡ ông. Đây cũng chính là luận án đệ trình Tiến sĩ tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Xin cảm ơn dịch giả Nguyễn Tiên Yên và trân trọng giới thiệu bản dịch đến bạn đọc tham khảo, để hiểu thêm về một nhân vật đã sống và sáng tạo trong một giai đoạn lịch sử biến động ở miền Nam nước ta.
Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện

LỜI NÓI ĐẦU

Sách này sẽ cố gắng giới thiệu đến người đọc tiếng Nhật về nhân vật Phạm Công Thiện (1941-[2011]) - một tư tưởng gia, một thi sĩ đã xuất hiện tại Nam Việt Nam (tức Việt Nam Cộng hoà) thời chiến tranh Việt Nam, cũng như muốn làm sáng tỏ tư tưởng được cho là khó hiểu trong các tác phẩm của ông.

Phạm Công Thiện là một trí thức Phật giáo đại biểu cho Nam Việt Nam thời chiến tranh Việt Nam. Từ khoảng giữa thập niên 1960 trở đi, khi những trước tác của ông liên tục xuất bản, thì tiếng tăm ông lan rộng đến mức trở thành một hiện tượng thịnh hành với tên gọi hiện tượng Phạm Công Thiện, thậm chí còn được tôn sùng như thần tượng của giới trẻ đang sống trong tuyệt vọng chiến tranh(1). Thế nhưng đột nhiên ông mất tích khỏi Việt Nam vào năm 1970. Có thi sĩ gọi ông là ngôi sao băng(2).

Về một Phạm Công Thiện như ngôi sao băng đột ngột xuất hiện ở Việt Nam, xé toang đêm tối của thời đại chiến tranh rồi bất ngờ biến mất, hầu như không được biết đến ngoài lãnh thổ Việt Nam, và ngay ở Việt Nam hiện tại cũng chưa có được một đánh giá nghiêm cẩn(3). Tuy nhiên, theo như tôi thấy, ông không những mười phần xứng đáng để nghiên cứu lại như là nhân vật đã cật vấn rất căn nguyên về địa ngục chiến tranh Việt Nam ngay tại đất nước đương sự, mà tôi cho rằng tư tưởng ông đưa ra chứa đầy tính trọng yếu không thể nào bỏ qua được đối với chúng ta những kẻ đang sống trong thế giới hôm nay mà toàn thể địa cầu đã bị phủ kín bởi tri thức cận đại và khoa học kỹ thuật có nguồn gốc từ Tây phương. Cho nên, lẽ thường, tôi phải giới thiệu ông qua cách giải thích của riêng mình đối với tư tưởng nan giải của ông.

Điều trọng yếu cần phải quan tâm khi nghiên cứu tư tưởng Phạm Công Thiện đó chính là những tác phẩm mà ông đã viết, còn mấy thứ như kinh nghiệm từng trải, quá trình học tập hay công ăn việc làm chỉ dừng ở mức yếu tố thứ yếu. Tuy nhiên, với một nhân vật có thể nói gần như vô danh tại Nhật Bản, dầu sao chăng nữa trước tiên hết, tôi muốn giới thiệu thật đơn giản coi Phạm Công Thiện là nhân vật như thế nào. Để vậy, có lẽ phương pháp tốt nhất là trích dẫn nguyên văn mấy lời tự giới thiệu bản thân rất khác thường do chính ông viết vào những năm giữa tuổi 20. Trong thi tập Ngày Sanh của Rắn xuất bản năm 1966, bài tự giới thiệu được viết như sau:

Sinh vào năm rắn, bên dòng sông Cửu long, vì tranh luận học vấn với giáo sư, nên bỏ học trường lúc 13 tuổi, viết sách lúc 14 tuổi; làm giáo sư sinh ngữ từ lúc 16 tuổi đến 20 tuổi tại những trường ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Lạt, Nha Trang; quyển sách khảo luận đầu tiên được xuất bản vào lúc 16 tuổi(4), viết quyển Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học vào lúc 20 tuổi; học triết lý tại trường đại học Yale, đệ trình tiểu luận Ý niệm về chân lý trong tư tưởng Platon và Heidegger tại hội thảo triết lý ở Yale; tiếp tục học triết lý tại trường đại học Columbia, khinh bỉ giáo sư và bỏ học bổng của Viện Giáo dục Quốc tế, bị viện mời đi gặp bác sĩ phân tâm học, được mời khéo vào nhà thương điên, lại tranh luận với bác sĩ phân tâm học về giá trị và giới hạn của phân tâm học hiện đại, chỉ trích đời sống nông cạn của Mỹ quốc, sống lang thang lây lất ở xóm nghệ sĩ Greenwich Village tại New York; đã gặp Henry Miller, tại Pacific Palisades ở California, được Henry Miller nhận là Rimbaud lại ở thế kỷ XX, sau đó được một văn sĩ Do thái cho tiền để trốn qua Paris không giấy tờ, không hành lý, sống bơ phờ ở Bretagne, học văn chương tại trường đại học Rennes, khinh bỉ giáo sư, rồi lại bỏ đi và sống lang thang lây lất khắp hang cùng ngỏ hẻm ở Paris, làm clochard đi ăn mày, ngủ dưới cầu, ngủ trên vỉa hè, đói lạnh long đong và bỏ làm luận án tiến sĩ tại Pháp, được Henry Miller gửi tiền nuôi sống và được Henry Miller cho tiền rời bỏ Paris để sống lang thang giang hồ tại Thụy sĩ, Ý Đại Lợi, Ba Tư, Hy Lạp,Thái Lan, vân vân. Lúc ở Paris thì nhập bọn với nhóm nghệ sĩ trẻ ở Popoff, la cà vất vưởng ở xóm Saint Séverin và Saint Germain des Prés, đã gặp Krishnamurti hai lần tại Square Rapp. Hiện đang sống chờ đợi điên và chờ đợi chết, triệt để đứng ngoài tất cả ý thức hệ chính trị, đứng ngoài mọi sự tranh chấp tôn giáo, khinh bỉ tất cả văn hóa nhân loại, thù ghét tất cả mọi tổ chức xã hội, vô cùng kiêu hãnh, chỉ đi một mình và tự nhận là thiên tài độc nhất của Việt Nam.

Thật đúng với những gì tôi đã cảm nhận từ đoạn văn trên, Phạm Công Thiện - hay hậu thân của Rimbaud - là người nổi tiếng có lời nói hành vi cực kỳ quá khích ở Nam Việt Nam nửa sau thập niên 1960. Không chừng chính từ mấy câu tự giới thiệu này mà ông bị mang ấn tượng phải chăng đây chỉ là một nhân vật ma mãnh tự xưng thiên tài, rồi thì nói năng ba hoa, liều lĩnh chống đối quyền uy. Có điều, tất cả không gì khác ngoài ngộ nhận.

Từ thủa thiếu thời Phạm Công Thiện đã đọc thông hiểu một lượng khổng lồ sách vở cổ kim Đông Tây bằng nguyên ngữ, và có dáng vẻ bác học đến nỗi người trong thiên hạ phải gọi là thần đồng, là thiên tài. Nhưng đâu chỉ dừng lại ở bấy nhiêu đó. Ông còn đấu tay đôi với tư tưởng của Nietzsche, Heidegger, Henry Miller, Suzuki Daisetz, Long Thụ; ông lại mạo hiểm phá hoại nền tảng suy tư siêu hình học Tây phương – nơi khởi nguồn của chiến tranh cận đại cũng như phân tâm học; ở chỗ tận cùng của ý thức và tồn tại ông tìm thấy tư tưởng hố thẳm cần phải đối chọi với địa ngục (naraka) của thời đại chính là chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, giống như Henry Miller, sự minh tuệ của ông luôn gắn liền với đời người. Ông không bị cầm tù trong ‘vọng niệm’ như là ‘thường thức’ và ‘tập quán’ - những thứ do thế giới ngôn ngữ hiện tại tạo ra đã trói buộc đời sống con người, ông đốt cháy đời sống tự do của mình, ông sống y nguyên như vốn có. Đoạn tự giới thiệu trên đã bày tỏ chân thật điều đó.

Như chính ông cũng đã ý thức được bản thân “chỉ đi một mình”, trong lòng thét gào rất chính trực và cực cùng cô độc bất chấp bị thế gian cự tuyệt không chút đồng cảm. Vậy thì cái tư tưởng đó thật sự là như thế nào? Bắt đầu từ đây, tôi sẽ đuổi theo quỹ đạo của ngôi sao băng này.

Cấu thành của sách

Đoạn văn tự giới thiệu của Phạm Công Thiện dừng lại ở những ghi chép cho đến giữa tuổi hai mươi khi tập thơ được xuất bản, nhưng ở Chương Mở đầu, một lần nữa, tôi sẽ hết sức tóm tắt theo trình tự thời gian và muốn giới thiệu thật đơn giản về cuộc đời phiêu bạt từ lúc mới sinh cho đến tận hiện tại của ông(5), chủ yếu dựa trên những gì ông đã viết trong các trước tác của mình.

Chương Mở đầu giới thiệu cuộc đời ông đầy những thăng trầm, chỉ bấy nhiêu đó cũng thú vị lắm rồi, nhưng điểm mấu chốt của sách này nói chung không gì ngoài đương đầu với sự khó hiểu, và làm sáng tỏ tư tưởng của ông mà hầu như đã không được đặt thành vấn đề đích đáng. Có điều, chính vì tư tưởng của ông triển khai trên tiền đề là phải thông bác từng chữ Đông Tây kim cổ, vì thế nếu không có một tri thức tiền đề cỡ đó thì chắc chắn sẽ cảm thấy khó hiểu. Hơn nữa thuật ngữ mà ông sử dụng, ví dụ như thuật ngữ chủ yếu là Tính chẳng hạn, thoạt nhìn có vẻ đơn thuần nhưng thực ra bên trong ẩn chứa ý nghĩa độc đáo hoàn toàn khác với thông thường. Sẽ rất khó thâm nhập vào tư tưởng của ông nếu như không hiểu được những thuật ngữ như vậy có ý nghĩa ra sao, dù xét trên bề mặt hay xét về hình thức đi nữa, cho nên ngay từ đầu nhất thiết phải nát óc với những thuật ngữ độc đáo của ông coi chúng mang ý nghĩa là gì. Vì thế, Chương Một sẽ lấy vấn đề ‘ông đã suy nghĩ về chiến tranh Việt Nam như thế nào’ làm manh mối để giải thích về ý nghĩa của thuật ngữ chủ yếu Tính mà ông sử dụng. Sau đó, sẽ khảo sát xoay quanh sự lãnh hội của ông về ‘tư tưởng Heidegger’ và ‘Thiền’– là hai thứ đã làm tiền đề nghĩ ra thuật ngữ đó.

Chương Hai lấy trục chính là thuật ngữ Tính và Việt, tôi chọn ra Im lặng Hố thẳm tác phẩm đại biểu của nửa sau thập niên 1960 đã đề xuất tư tưởng Việt Nam độc đáo ở thời đại chiến tranh Việt Nam, và cố gắng đọc hiểu trước tác nan giải này. Ngoài Tính và Việt vừa nói, còn tiến hành khảo sát chú trọng vào những cụm từ hay danh từ riêng mà tôi cho là tối quan trọng trong trước tác này như Im lặng Hố thẳm cũng là tên của trước tác; như Dịch hoá pháp – chữ mà Phạm Công Thiện chọn làm dịch ngữ cho ‘Dialektik’ của Long Thụ đối kháng lại Biện chứng pháp; và như Không Lộ – cũng là tên của một Thiền sư Việt Nam thời xưa. Ngoài ra, từ Chương Hai trở đi sẽ tích cực sử dụng Lý luận Phân tiết Ý nghĩa Ngôn ngữ của Giáo sư Izutsu Toshihiko để cố gắng làm rõ ràng thêm về ‘tư tưởng của Phạm Công Thiện đã coi thuật ngữ Tính đóng vai trò trung tâm’.

Chương Ba sẽ luận về, ‘tính liên quan tư tưởng giữa Henry Miller, Heidegger và Phật giáo mà Phạm Công Thiện đã tìm ra’, và, ‘sự hình thành tư tưởng độc đáo của Phạm Công Thiện khởi từ đó’. Cụ thể trước hết, liên quan đến Thư ngỏ gửi Henry Miller tố cáo trạng huống chiến tranh Việt Nam, sẽ khảo sát về vấn đề nguyên do tại sao Phạm Công Thiện đã hỏi Miller câu hỏi tồn tại luận còn nặng ảnh hưởng của Heidegger. Tiếp theo, căn cứ trên tư tưởng của Heidegger và Miller mà truy tìm chân ý của mệnh đề táo bạo của Phạm Công Thiện Sein của Heidegger chính là Cunt của Miller. Rồi khảo sát tư tưởng Việt Nam của Cái và Con – mà Phạm Công Thiện đã đề xướng – nghĩa là như thế nào, dĩ nhiên có liên quan mật thiết đến ý nghĩa của mệnh đề trên, nhưng ở đây ông đã lựa chọn Cái và Con gần gũi hơn trong tiếng Việt.

Từ những khảo sát về tư tưởng của Phạm Công Thiện cho đến đây, Chương Bốn chuyển sang khảo sát đặt trọng điểm vào sáng tác của ông. Tôi sẽ chọn ra những sáng tác cụ thể của ông – người coi mình không phải tư tưởng gia cũng chẳng phải triết gia mà là một thi sĩ, và suy nghĩ xem có thể tìm thấy tư tưởng gì ở đó, thêm thay đối với ông thơ và nhà thơ mang ý nghĩa gì? Trước hết, Phạm Công Thiện là người đã phê phán Siêu hình học Tây phương như là nguyên nhân căn bản của chiến tranh Việt nam, như vậy ông đối chọi như thế nào đối với Tự ngã cận đại được hình thành ở nửa đầu thế kỷ XX trong văn học Việt Nam thông qua thuộc địa hóa của thực dân Pháp, đó là ‘khảo sát phương diện phá hoại trong tác phẩm của ông’ đặt trọng tâm vào tác phẩm Mặt trời không bao giờ có thực. Kế tiếp, Phạm Công Thiện đã lý giải như thế nào về mối quan hệ giữa làm thơ và quê hương để rồi biến nó thành tác phẩm, đó là ‘khảo sát phương diện sáng tạo trong tác phẩm của ông’. Rồi ngược về tận nguồn cơn làm thơ mà đối với ông được gọi là Thơ hay Nguồn Trong Trẻo viết hoa, để từ đó nhìn xem thi nhân làm thơ và tư tưởng về quê hương như thế nào bằng tiếng mẹ đẻ, nhờ đó mới suy nghĩ về quan hệ tính căn nguyên của ‘ngôn ngữ’, ‘thế giới’ và ‘thi nhân’.

Ở Chương Kết thúc sẽ nhìn lại những khảo sát từ đầu, chỉ ra cho thấy bước đi của cuộc đời Phạm Công Thiện, là bước đi hướng về chỗ đồng nhất – hiện đang tiềm phục có thể siêu việt thời đại cũng như hai bờ Đông - Tây, nó hình như được đánh dấu nghĩa là Tâm cũng là Nguồn Trong Trẻo; và là sự mạo hiểm mà con người hiện đại hướng về chỗ bên trong bản thân mình vẫn đang chưa biết.

NOHIRA MUNEHIRO
NGUYỄN TIÊN YÊN dịch
Theo NVTPHCM 


____________________

(1) Trần Tuấn Kiệt đã viết như sau về mối quan hệ giữa trước tác của Phạm Công Thiện với giới trẻ trong chiến tranh Việt Nam. “Ý thức Bùng VỡÝ thức Mới đầy phẫn nộ, cuồng bạo của Phạm công Thiện được tuổi trẻ đón nhận ồ ạt, ấy cũng vì tâm hồn người trai trẻ trong sóng gió muốn nương vào chiếc bè gỗ trên sóng gió mà đỡ bớt chới với trong Mê cung địa ngục.” (Trần Tuấn Kiệt, Tác giả tác phẩm, Đời sống và tác phẩm các văn nghệ sĩ Việt Nam, Sài Gòn, 1973, tr. 26–27).

(2) Lời mô tả Phạm Công Thiện của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Nhà văn Mai Thảo ghi như sau trong hồi tưởng của ông:

“Tôi nhớ bấy giờ là cuối năm 1970. Phạm Công Thiện, trong tư cách Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, lên đường đi Âu châu dự một hội nghị đại học quốc tế rồi đi luôn không bao giờ còn trở về Việt Nam nữa. Hết thảy chúng tôi đều sững sờ, khó hiểu. Riêng Thanh Tâm Tuyền không. Bảo tôi: “Anh phải nhìn thấy sớm muộn rồi Phạm Công Thiện cũng phải một lần bỏ đi như thế, đi hẳn thật xa, mất tích. Có như vậy mới đúng là Phạm Công Thiện. Chúng ta ít nhiều là những định tinh. Hắn hơn là một hành tinh. Hắn là một ngôi sao băng”.

(Mai Thảo, Chân dung: mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, Văn Khoa xuất bản, California, 1985, tr. 146–147).

(3) Hiện tại trên homepage talawas – một diễn đàn văn hóa tư tưởng nghệ thuật của Việt Nam hiện đại do nhà văn Phạm Thị Hoài sống ở Đức chủ trương, có đăng tải một số tác phẩm xuất bản trước đây tại Nam Việt Nam của Phạm Công Thiện như Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết họcMặt trời Không bao giờ Có ThựcHố thẳm Tư tưởngIm lặng Hố thẳm, các bản dịch Heidegger Triết lý là gì?Về Thể tính của Chân lý đã được số hóa từ năm 2006. Có thể duyệt xem tại địa chỉ http://www.talawas.org/.

(4) (nd) Tác giả bỏ sót không dịch câu này.

(5) (nd) Chú ý hiện tại ở đây là tính đến thời điểm sách này được xuất bản vào tháng 6 năm 2009, tức khoảng 2 năm trước khi Phạm Công Thiện qua đời tại Mỹ.



BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...