Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

DUYÊN ANH, ANH LÀ AI?

Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long như chính ông đã không ngần ngại ký kèm theo bút hiệu của mình. Ông sanh năm 1935 tại Thị xã Thái Bình, nhưng theo lời ông, lại được khai là đẻ ở làng Trường An là quê cha của ông, thuộc huyện Vũ Tiên, Thái Bình. Chính vùng quê hương Thái Bình này đã xuất hiện phẩm tự thuật…

Vùng quê hương đó đã được dựng lại, đẹp hơn bao giờ hết, trong bộ trường thiên tiểu thuyết mang tên Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ
Nhà văn Duyên Anh trước và sau năm 1975

Ông đã theo học nhiều trường. Những năm tiểu học, ông không học hết niên học ở một trường nào vì cứ phải đổi trường theo sự xe dịch của cha. Chỉ có năm lớp Ba (Élémentairei), năm 1942, ông mới được học trọn niên khóa ở trường Phụ Dực. Những ngày ở đây đã để lại nhiều kỷ niệm, những kỷ niệm bàng bạc trong các truyện ngắn đầu tay của ông (Khúc Rẽ Cuộc Đời, Hoa Thiên Lý) trong các tác phẩm tự thuật (Trường Cũ) cũng như trong nhiều tác phẩm viết ở ngôi thứ ba (Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, Tuổi Mười Ba...) Nếu mỗi người viết văn đều đã trải qua một đoạn đời hay một kinh nghiệm nền tảng mai đây không ngừng ám ảnh có thể nói rằng thơ ấu sống trong khung cảnh buồn thiu của tỉnh lỵ chính là hình ảnh đậm đà nhất, thân mật nhất của tác phẩm cũng như của tâm hồn Duyên Anh.

“Năm sau tôi bỏ trường Bà Sơ. Nhưng vừa học trường tiểu học thị xã được hai tháng htì nhà tôi dọn về huyện lỵ Phụ Dực. Huyện lỵ thật nghèo nàn. Quanh thành quan huyện, giây bìm leo kín. Những mái nhà tranh, những ngọn đèn dầu và tiếng trống trên chòi canh buồn làm sao ấy. Ngôi trường huyện của tôi buồn hơn“

Đời sống huyện lỵ thật nghèo nàn và nhất là thật buồn tẻ đã tạo cho ông một bối cảnh, một màu sắc tâm hồn. Đời sống đó, vẻ buồn đó đã dạy cho ông những bài học mơ mộng đầu tiên, những bài học mai đây còn tiếp tục in sâu vào tâm hồn ông, còn tiếp tục bàng bạc trong tác phẩm ông, một cách nào đó, nó mở ra cho ông những cánh cửa, những chân trời. Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ đã cống hiến cho người đọc những trang sách đẹp nhất của Duyên Anh, những trang sách làm sống lại một vùng trời quê hương quen thuộc, một đoạn đời với những giấc mơ và những rung động tuyệt vời của tâm hồn tuổi nhỏ:

“Mùa hạ năm nay thật buồn tẻ. Hoa phưọng vẫn… nhưng màu hoa không rực rỡ. Tại học trò đã nghĩ học trước hè, nghỉ từ tháng ba chết đói. Loài ve sầu rên rỉ mỏi miệng cũng chẳng ai thèm cảm xúc. Có lẽ mùa hạ sang năm sẽ buồn tẻ hơn. Côn hồi tưởng những mùa hè năm xưa mà thương tiếc“

“Hai đứa trẻ mong đợi thầy chúng nó trở về Thái, Thầy chúng, chắc chắn, sẽ chở về những mộng ước ấp đầy những con mắt chúng. Hai đứa trẻ thị xã không muốn âm thầm sống trong cái đai bình thản. Nó muốn thoát ra. Nỗi thèm khát của chúng bộc lộ rõ rệt. Bây giờ mới đúng lúc khung cảnh cảnh buồn nản của tỉnh lỵ không thích hợp với chúng nó“.

Phải chăng đoạn đời đó, vẻ buồn đó đã tạo cho Duyên Anh một ngòi bút thơ mộng ?

Năm 1944 Duyên Anh rời huyện lỵ Phụ Dực, về thị xã Thái Bình.

1945, chứng kiến cảnh chết đói tháng ba Ất Dậu, cảnh Nhật đảo chánh Pháp rồi cuộc tổng khởi nghĩa. Như bao nhiêu đứa trẻ lớn lên trong cao trào cách mạng, Duyên Anh đã là một nhi đồng chống Pháp, biết thù hận Pháp gây chiến ở Nam Bộ và đã tham gia cách mạng một cách hồn nhiên, phấn khởi. Những cuốn chuyện Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy đã làm sống lại giai đoạn lịch sử này với những nhân vật thuộc lứa tuổi của chính Duyên Anh thời bấy giờ (lên 9, lên 10…) đã sống, đã cảm nhận bằng tất cả tâm hồn ngây thơ trong suốt của chúng, như nhà văn Mai Thảo đã nói:

“… Những sự việc của thế giới và xã hội người lớn như đổi dời, cách mạng đói kém, mất mùa, chân phù lính Tàu, và lưỡi lê Nhật, hết thảy đều được nhìn, sống, nhận thức, phán đoán, tiếp thu bằng những trái tim lên mười. Qua cái lăng kính luân lý, đạo đức phơi phới hồn nhiên, trong vắt và đôn hậu nhất của tuổi thơ“.

1946, khi Pháp gây chiến ở Hà Nội, Duyên Anh tản cư về Tiền Hải và theo học trường Huyện.

1947, đậu Sơ học bổ túc và học Thành Chung ở Trình Phố thuộc Kiến Xương (quê hương của Trương Quỳnh Như)

1948, về quê nhà ở Trường An. Trốn nhà đi làm liên lạc viên cho bộ đội một năm. Sau đó lại trở về Trường An.

1959, Pháp chiếm Thái Bình. Hồi cư về thị xã. Chứng kiến cảnh càn quét của lính viễn chinh Pháp. Học trung học Tỉnh.

1952, lên Hà Nội, học Trung học đệ nhị cấp, Duyên Anh học đến năm 1954 thì vào Nam sau khi đã trở về Thái Bình sống ba tháng trong bầu không khí giải phóng tiếp thu. Ông di cư vào Sai gon một mình. Sống vô tích sự tại Nhà Hát Tây. Ông đã ghi lại những ngày này trong Áp Tiểu Thư, những ngày đầy thơ mộng và hồn nhiên của thời mới lớn mặc dù những khó khăn về vật chất. Chính trong giai đoạn này, Duyên Anh bỏ học vì không được ai chu cấp.

Đến giữa năm 1955, ông lên Ban Mê Thuột suốt ngày hạ cây, cưa ngắn, bổ nhỏ, gánh ra thị xã bán để mưu sanh. Nhưng thực ra ông theo đảng Duy Tân lên đó mưu chống chính phủ Ngô Đình Diệm (Ảo vọng tuổi trẻ) chính ông đã từng thú thật về chuyện đi làm “cách mạng” này, là “đói quá theo bừa và một phần cũng vì mơ mộng tuổi vừa lớn mà“, quá nửa năm làm chiến sĩ cách mạng bất đắc dĩ, ông tự thấy không đẹp bằng nhân vật Dũng trong tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, nên bỏ về Saigon, sống nhờ trên kho chứa đồ cũ của hãng dệt ở đại lộ Trần Hưng Đạo, sau đó sống nhờ với một người bạn làm cán bộ chấm công. Ông đã kể lại những ngày này trong hồi ký “Làm Báo“.

“Chúng tôi sống ở ngoại ô Hòa Hưng trong một xóm điếm tồi tệ. Xóm điếm thấp hơn mặt đường cả thước. Lên xuống y hệt leo thang. Căn nhà mướn của một me Tây lụp xụp. Mái lá. Tối ngày chuột khiêu vũ. Cạnh nhà có con lạch chảy ra cống thành phố. Thuở ấy lính viễn chinh Pháp chưa chịu về nước. Xóm điếm tấp nập. Đêm nào cũng xảy ra vụ kiếm tục, bố ráp và lính viễn chinh “chơi lường”. Điếm chạy lính huỳnh huỵch. Điếm chửi lính viễn chinh ồn ào. Đầy rẫy thảm cảnh và nghịch cảnh của một xã hội về chiều… Tôi thương nhất là những đứa trẻ con lai da trắng, da đen. Những đứa trẻ không có quê hương, tổ quốc ấy cũng là những đứa trẻ không có tuổi thơ. Mười tuổi chúng đã biết ghếch cớm “gác cảnh sát, hễ thấy cảnh sát vào xóm là báo động) cho bọn Tú bà. Sống ở xóm điếm, ở cái vũng bùn tối cùng cực, tôi đã nghĩ phải viết một thiên phóng sự nhan đề Xóm Quốc Tế.

Cũng trong khoảng thời gian này, đời sống vật chất đã đưa đẩy Duyên Anh tới nhiều hoàn cảnh nổi trôi, rày đây, mai đó, hết nghề này lại chuyển sang nghề khác để sinh nhai. Hết lang thang với người sơn đông mãi võ, ông nhập đoàn cải lương lưu diễn miền Tây (Mây Mùa Thu). Ông lại trở về Sai gon, làm nghề giữ xe đạp hội chợ. quảng cáo cho đoàn xiếc Woong Bang Phu ở sân bóng Tao Đàn. Dạy học tư gia. Ông đã từng sống dưới chân cầu Tân Thuận với người đồng hương đạp xích lô, sống lẫn lộn trong một xã hội bần cùng nhất với những cảnh bất công ngang trái hàng ngày diễn ra oan nghiệt gấp ngàn lần những cảnh đời trong tiểu thuyết Nguyên Hồng. Chung đụng với đủ hạng người: phu bến tàu, phu xích lô, buôn gánh bán rong, đánh giày, bán báo, ăn cắp, du thủ du thực… ông đã “sống với họ, sống như họ“.

Nếu Duyên Anh chưa viết thiên phóng sự mang tên Xóm Quốc Tế như ông đã từng nghĩ tới, thì chính ông đã viết hơn một cuốn truyện dài mang nặng màu sắc phóng sự xã hội, nói về những cuộc đời, những cảnh sống đầy tối tăm, nghịch cảnh (Luật Hè Phố, Điệu Ru Nước Mắt...) và trên phương diện này nhiều người đã không ngần ngại gọi ông là một nhà văn xã hội. Điều đáng nói ở đây chính là Duyên Anh đã sống, trực tiếp hay gián tiếp những cảnh đời mà ông đã viết.

Để tiếp tục theo dõi những bước chân của Duyên Anh, năm 1957, ông rời Sai gon, rời bỏ “miền bất hạnh không có nổi ánh điện câu để thấy nó hắt hiu, vàng vọt“, ông cùng người bạn xuống Mỹ Tho mở lớp dạy đàn sáo lấy tên là Hương Duyên (Cầu Mơ). Thất bại. Ba tháng sau, trở về Sai gon. Rồi lên Tây Ninh sống nhờ người quen, ngày ngày gánh nước tưới rau giúp bạn để có cơm ăn ở một trại định cư thuộc Trảng Lớn. Hãy nghe ông nhắc lại những ngày sống vô vị đó:

“Ở đây buồn lắm. Xong công tác tưới rau tôi thường ngồi trên cái nắp quan tài của trại hòm đánh cờ tướng giết thì giờ. Mỗi sáng sớm, xe đò về Saigon đều ghé qua, bóp còi inh ỏi. Tiếng còi như xé nát lòng tôi. Tuổi trẻ của tôi đành chôn chân ở một chỗ, nghe nỗi buồn đốt cháy hoa mộng. Đọc Một Chuyến Đi của Nguyễân Tuân tôi phát khóc.“

1958, Duyên Anh lại trở về Ban Mê Thuột. Rồi lại trở về Sai gon sau bốn tháng nằm ở cây số 4. Được đàn anh Duy Dân giới thiệu xuống Hòa Hảo dạy học tại một ngôi trường bán công, mỗi giờ được bốn chục bạc. Dạy được ba tháng bị đàn anh đuổi về vì dám dẫn đám học trò sang Tân Huề ăn thịt bò, thịt chó và đá bóng với học trò. Tội nặng nhất là dám mặc rà rông sang văn phòng lãnh lương. Duyên Anh ra Long Xuyên xin dạy ở Quang Trung. Nhưng rồi việc dạy học cũng không được bền bĩ ở đây. Hết niên khóa ông bỏ về Sai gon, rồi lại lang thang khắp miền Tây và đói dài ở Sai gon. Lại trở về Hòa Hưng sống nhờ gia đình người bạn. Chính trong những ngày này, Duyên Anh đã tập tễnh những bước chân đầu tiên vào cuộc đời làm văn làm báo.

Đó vào khoảng 1960, Duyên Anh được nhà văn Trúc Sĩ tiến dẫn tới tạp chí Chỉ Đạo của Bộ Quốc Phòng. Sáng tác đầu tiên của Duyên Anh được đăng trên mặt báo này là một bài thơ nhan đề Bà Mẹ Tây Ninh. Tháng sau, Chỉ Đạo đang truyện ngắn Hoa Thiên Lý, sáng tác đầu tiên của ông được viết trong “một đêm mưa mù mịt chân cầu Tân Thuận” trong nỗi “nhớ nhà và thương tiếc tuổi thơ của mình“. Bút hiệu Duyên Anh cũng đã bắt đầu xuất hiện từ truyện ngắn mang hình bóng quá khứ và kỷ niệm đó. Ông có truyện ngắn đăng thường xuyên trên tạp chí Chỉ Đạo. Từ đó những chuyện sau này được gom lại thành tập truyện đầu tay của Duyên Anh với nhan đề Hoa Thiên Lý do nhà Giao Điểm ấn hành. Chi tiết nổi bật nhất trong giai đoạn khởi nghiệp của Duyên Anh có lẽ là sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, lúc bấy giờ làm Chủ bút Chỉ Đạo. Truyện ngắn Con Sáo Của Em Tôi được Nguyễn Mạnh Côn xếp vào “loại truyện đặc biệt” được trả ngót năm ngàn bạc, số tiền nhuận bút được xem là rất cao vào thời đó, năm 1960, và được nhà văn này viết cho một cái “chapeau” nồng hậu. Duyên Anh cho đó là một hân hạnh ông chưa hề mơ tưởng tới. Một sự may mắn. Và:

“Nhờ truyện ngắn Con Sáo Của Em Tôi mà một số độc giả biết đến tôi và dành cho tôi nhiều cảm tình. Lần đầu tiên tôi nhận được bức thư của độc giả. Bức thư không một lời “ái mộ” chỉ vỏn vẹn một giòng ÔNG DUYÊN ANH, TÔI BẮT ĐỀN ÔNG ĐẤY, VÌ CON SÁO CỦA EM TÔI MÀ TẾT NĂM NAY TÔI BUỒN MUỐN KHÓC. Giòng chữ trách móc đó, tôi giữ thật kỹ. Thuở ban đầu mà. Bây giờ nhận được thư độc giả, tôi đọc vẫn còn xao xuyến nhưng không thể xao xuyến như thuở ban đầu“.

Nguyễn Mạnh Côn rời Chỉ Đạo, Duyên Anh bắt đầu viết cho các tờ báo khác: Sinh Lực của ông Lê Văn Thắng, Gió Nam của ông Lại Tư. Ông tiếp tục viết truyện. Sau đó, nhờ sự cất nhắc của ông Nguyễn Bích Liên, giám đốc Tâm Lý Chiến của Tổng Nha Thanh Niên thời bấy giờ, Duyên Anh bắt đầu “làm công chức dể dàng, thua phó đốc sự có vài trăm“. Một lần nữa, Duyên Anh thú thật là mình may mắn. Luôn luôn may mắn. Cũng như sau này, thành công với nghề văn, được liệt vào hàng tác giả có sách bán chạy nhất, ông vẫn thường cho rằng mình may mắn. Thánh cho lộc mà.

1962, Duyên Anh lấy vợ và tiếp tục làm công chức. Được biệt phái trông coi bán tuần báo Chiến Đấu cùng với nhà văn lão thành Tam Lang.

1963, bị trả về nhiệm sở cũ. Cũng năm này tập truyện Hoa Thiên Lý ra đời. Những ngày Phật giáo phát động cuộc đấu tranh, Duyên Anh ngồi ở sở hoàn thành Thằng Vũ, cuốn truyện dài đầu tay cũng là gác phẩm mở đầu cho bộ trường thiên tiểu thuyết Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ.Thằng Vũ được nhà văn Nguyễn Mạnh Côn khen hay và viết cho một bài giới thiệu nồng nhiệt.

1964, Duyên Anh rời bỏ nghề công chức đi làm nhật báo. Ông viết cho Xây Dựng, rồi Sống, Công Luận. Ông viết đủ các mục: Tiểu thuyết, phiếm luật, tường thuật… như ông đã từng kể lại khá tường tận trong hồi ký Làm Báo đăng tải trên Tuổi Ngọc. Ông làm chủ bút tuần báo Con Ong, viết “Article de Fonb” cho báo này và đặc biệt ông đã viết gần hết các trang cho báo này trong những số đầu. Ông làm chủ nhiệm các tờ Người, Búp Bê, Tuổi Ngọc (bộ cũ). Chính trong khoảng thời gian thật sự sống với nghề báo (bên cạnh nghề văn), Duyên Anh đã tạo cho mình tên tuổi qua những truyện dài đăng báo được độc giả nhất là giới trẻ tiếp đón nồng hậu: Ảo Vọng Tuổi Trẻ, Điệu Ru Nước Mắt, Nước Mắt Lưng Tròng (chưa xuất bản), Cầu Mơ, Trường Cũ, Nhà Tôi…Và cũng chính trong khoảng thời gian này, với những thiên phóng sự đầy sự sống sượng, với những bài phiếm luận độc địa ký dưới rất nhiều bút hiệu khác nhau như Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Thập Thành, Nả Cẩu…, Duyên Anh đã gây nhiều sóng gió, đã tạo nhiều tiếng tăm nhưng cũng đồng thời tai tiếng cũng không kém. Độc giả cũng như những người quen biết it’ nhiều với ông vẫn thắc mắc không hiểu tại sao ở ông có thể dung hòa được hai hình ảnh con người hoàn toàn đối nghịch nhau: con người nhà văn luôn ca ngợi tuổi thơ trong sáng, mơ mộng và tình người, và con người nhà báo ngỗ ngáo, độc điạ, bất chấp mọi sự. Về điểm người đọc có thể tìm đến câu trả lời của chính Duyên Anh trong phần “nói chuyện với Duyên Anh” ở những trang sau.

Có lẽ vì muốn chấm dứt những sóng gió cùng những ân oán giang hồ hoặc như ông đã thú thật để khỏi phải tiếp tục “đổ vỡ của mình trong sự nghiệp làm báo, Duyên Anh từ giã nghề báo sau bảy năm vùng vẫy thật lực.

Năm 1971, ông làm chủ nhiệm Tuổi Ngọc, “tuần báo của tuổi vừa lớn“, trông coi nhà xuất bản cùng mang tên Tuổi Ngọc và tiếp tục sự nghiệp nhà văn của mình, sự nghiệp đã mang đến cho ông một sự thành công không chối cãi, đã tạo cho ông một chỗ đứng biệt lập trong văn nghệ miền Nam của những năm 60.

Trên đây là những nét phác họa về cuộc đời của Duyên Anh, căn cứ trên chính những gì do Duyên Anh kể lại một cách trực tiếp hay gián tiếp, qua những bài viết của ông hay qua những câu chuyện của ông. Dĩ nhiên người ta không thể thu gọn một đoạn đời trên một số trang ngắn ngủi. Nhưng thiết tưởng bao nhiêu đó đủ để giới thiệu hình ảnh một đời người. Với nụ cười và nước mắt. Tất cả làm thành chất liệu quí báu cho Tác Phẩm. Đời sống hãy còn dang dở đối với Duyên Anh cũng như Tác Phẩm của nhà văn 37 tuổi này vẫn còn tiếp tục. Vậy thì, đã không thể kết luận về Tác Phẩm, người ta lại càng khó lòng đi tới một câu kết về chính cuộc đời nhà văn. Điều tôi muốn nói ở đây là Duyên Anh đã sống như một cách chuẩn bị cho tác phẩm của mình. Mặc dù như ông vẫn thường tuyên bố, ông coi chuyện viết văn như một sự đùa chơi mà thành công và ông không ấp ủ mộng văn chương từ thiếu thời.

Điều Duyên Anh không chối cãi là ông vẫn sống bằng kỷ niệm và ở mỗi chuyện của ông đều dàn trải ít nhiều kỷ niệm riêng. Sống như một cách chuẩn bị cho tác phẩm của mình. Tôi muốn nói: viết đối với Duyên Anh dường như là một cơ hội để tiếp tục sống, hoàn tất cuộc đời mình hãy còn dang dở ở ngoài những trang sách, ở ngoài những dòng chữ. Trước khi thể hiện những tính cách mơ mộng và lý tưởng trong tác phẩm của ông, Duyên Anh đã từng thể hiện chúng vào cuộc đời của chính ông, một tâm hồn mang nặng căn bệnh của thời thơ ấu, của quá khứ, của kỷ niệm.

Đọc Duyên Anh, tôi luôn có cảm tưởng bắt gặp một hình ảnh, một hứ tiếng nói quen thuộc không ngớt trở về dưới ngòi bút của ông. Phải chăng đó là hình ảnh, là tiếng nói của tâm hồn ông mà chính ông đã không ngừng đánh mất và tìm lại được. Nhà văn không ngớt đồng hóa mình vào chính những nhân vật mình tạo nên. Nhà văn không ngớt viết lại đời mình đồng thời tra hỏi mãi mài không thôi về chính tâm hồn mình. Tôi không có ý khẳng định rằng cuộc đời Duyên Anh đã là một tác phẩm hoặc tác phẩm Duyên Anh là phản ảnh trung thật và trọn vẹn của con người ông. Cuộc đời và tác phẩm Duyên Anh là hai thực thể không ngớt đến gần với nhau và có thể không bao giờ trùng hợp hay tan biến vào với nhau. (Vả chăng điều này có thể chỉ là một ảo tưởng). Trong ý nghĩa đó, cuộc đời không bao giờ là tác phẩm cũng như ngược lại. Nhưng nếu không thay thế cho nhau, chúng vẫn có thể là cơ hội của nhau. Tác phẩm Duyên Anh không ngớt tìm cách thu ngắn khoảng cách với tâm hồn của tác giả, với thế giới kỳ diệu của mộng mơ và kỷ niệm, với nguồn suối khôn cùng không tận đó.

Duyên Anh là một người viết truyện đúng hơn là một người kể truyện. Có lẽ không phải vô tình mà ông đã ghi chú dưới những tựa sách của ông bằng “tập truyện” hay “truyện dài” thay vì tiểu thuyết, đoản văn hay tùy bút. Sự kiện này cho thấy đặc tính nổi bật, sở trường của ngòi bút Duyên Anh thể hiện qua những câu truyện, dài hay ngắn, của ông. Nói cách khác, Duyên Anh đã mặc nhiên chọn lựa cho mình một cách viết và từ đó một thế giới, một vũ trụ. Với ông, dường như viết trước tiên có nghĩa là kể. Viết tức là kể truyện. Viết tức là kể lại một cái gì, nói lên một cái gì cho người đọc. Ông không chú trọng tới vấn đề làm văn. Ông không đặt nặng vấn đề sáng tạo văn chương. Ông không có tham vọng chinh phục người đọc bằng một bút pháp tân kỳ hay quyến rũ.

Duyên Anh trước tiên (và sau cùng?) chỉ là một nhà văn của những câu truyện được dựng lên, những nhân vật được tạo thành, những tình tiết, những nhân vật được đặt ra và giải quyết. Có lẽ vì nhờ đó mà người đọc có thể đi thẳng vào tác phẩm của ông một cách dể dàng không phải vượt qua những bức rào kiên cố của ngôn ngữ. Ngôn ngữ ở đây chỉ còn là phương tiện tác giả dùng để chuyên chở hay gởi gấm ý tưởng hay rung động của mình tới người đọc. Để nói theo một cách nói bây giờ, ta có thể xem Duyên Anh là một người dùng chữ, một người xử dụng ngôn ngữ như một phương tiện, một công cụ. Rõ ràng quá, ông không viết để thí nghiệm hay tra hỏi ngôn ngữ. Ông viết để kể chuyện đời sống, đời sống trăm mặt, ông bắt gặp dưới mắt, trong tầm tay, cũng là đời sống muôn màu muôn vẻ xuất hiện trong hồi tưởng hay dự tưởng của ông. Hơn là một nhà văn của những câu truyện kể, Duyên Anh đã làm nổi bật tính cách tự thuật trong hầu hết tác phẩm của ông. Đọc Duyên Anh, người ta dể dàng bắt gặp một hình ảnh cố định, bá chủ mà ông vẫn không ngớt trở về đào sâu, hình ảnh của chính ông với những kinh nghiệm ông từng biết tới, sống qua. Truyện ngắn đầu tiên của ông Hoa Thiên Lý là một thiên tự thuật với những rung động và xúc động thật chân thành của một tâm hồn nghiêng về quá khứ. Bước đầu tiên cũng là bước định đoạt. Hẳn Duyên Anh đã tìm thấy con đường của ông ngay trong thử thách đầu tiên đó. Những tác phẩm sau này của ông đã lần lượt mở rộng cái thế giới vừa manh nhau thành hình trong truyện ngắn đầu tay đó. Có thể nói với Duyên Anh, mỗi cuốn sách đều đánh dấu một chặng đường của chính ông. Mỗi cuốn sách nói một cách nào đó, là một phần đời ông đã biết tới, sống qua, một phần đời còn hứ hẹn trở về không ngớt trong hồi tưởng. Và mặc dù ông chưa từng ghi chú cho tác phẩm ông là hồi ký hay tự thuật bao giờ, người ta vẫn có thể đi tới kết luận rằng tác phẩm Duyên Anh đã được xây dựng một phần lớn từ những chất liệu sống. Thật chất của một đời người. Tác phẩm Duyên Anh không là tiểu thuyết, không là một thứ “sản phẩm” thuần túy của trí tưởng tượng. Nó chính là hình ảnh của cuộc đời, và của kinh nghiệm. Quá khứ và kỷ niệm luôn luôn chiếm giữ một địa vị quan trọng trong tác phẩm Duyên Anh. Viết, điều này cũng có nghĩa là hồi tưởng. Viết điều naỳ cũng có nghĩa là nhớ lại chính mình, tra hỏi quá khứ của mình, soi sáng tâm hồn của mình. Ở Duyên Anh dường như không có một khoảng cách khốc liệt giữa cuộc đời và tác phẩm, giữa sống và viết. Trái lại ông đã thể hiện được một sự liên tục, một sự hòa hợp giữa kinh nghiệm sống và kinh nghiệm viết. Ông viết như một cách kéo dài đời sống, kêu gọi đời sống. Ông viết như, một cách nào đó, ông đã sống.

Do đó, tiểu sử Duyên Anh, con người thật của Duyên Anh, tâm hồn của Duyên Anh, tất cả sẽ giúp cho người đọc không ít trong việc tìm hiểu tác phẩm của chính Duyên Anh đã viết trong ám ảnh của những đoạn đời đã mất, trong tình yêu mến quá khứ và kỷ niệm. Trong khắp các tác phẩm Duyên Anh đều bàng bạc những hình ảnh, những chất liệu thật của chính đời sống Duyên Anh. Và người đọc nếu cần, có thể gom góp những hình ảnh, những chất liệu đó thành một tác phẩm duy nhất và tác phẩm đó chính là cuộc đời thật của Duyên Anh vậy. Tác phẩm trường thiên mang tên Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ chỉ là một cái nhìn say đắm gửi về một quá khứ thân yêu đã mất trong đó tác phẩm gặp lại chính mình, gặp lại những tâm hồn tí hon đã từng san sẻ với ông đoản đời kỳ diệu dưới bầu trời kỳ ảo của quê hương Thái Bình. Áo Tiểu Thư, Trường Cũ, Cầu Mơ, Mây Bay Đi, Luật Hè Phố… tất cả đều đánh dấu một đoạn đường, một tâm trạng của chính tác giả. Tất cả đều mang ý nghĩa một cuộc kiểm điểm. Mỗi cuốn sách là một cơ hội để tác giả nhìn lại, sống lại đoạn đời đã mất. Mỗi cuốn sách là một cuộc thăm dò quá khứ, hạch hỏi kỷ niệm. Có thể nói rằng Duyên Anh đã “sống” khá trọn vẹn những cảnh đời hay đoạn đời thể hiện trong tác phẩm của ông.

Hầu hết các nhân vật của Duyên Anh đều thể hiện một đặc tính nền tảng, một mẫu số chung luôn luôn mang họ đến gần với nhau, ràng buộc họ vào nhau. Đó là những con người mơ mộng mà thực tế cuộc đời dù gay gắt đến đâu vẫn không hủy hoại nổi những khát vọng luôn âm ỉ trong tâm hồn họ. Duyên Anh có thể tạo nhiều nhân vật với những lai lịch và tên tuổi khác nhau nhưng ông đã chỉ gán cho họ một tâm hồn, một tiếng nói duy nhất. Muốn soi sáng tâm hồn đó, muốn lắng nghe tiếng nói đó, có lẽ người đọc phải trở về với truyện ngắn đầu tay của Duyên Anh, trở về với câu chuyện đầy quá khứ và kỷ niệm, trở về với “bài học đầu tiên về tình người“, người xưng “tôi” trong truyện. Ở Duyên Anh, cuộc đời và tác phẩm kinh nghiệm sống và chữ nghĩa luôn tìm cách đến gần nhau, bổ túc cho nhau. Chắc chắn không phải là điều tình cờ khi Duyên Anh viết ở ngôi thứ nhất trong rất nhiều tác phẩm của ông. Đọc Duyên Anh tức là một cách nào đó tìm đéen cái “tôi” của Duyên Anh, cái “tôi” mà chính Duyên Anh không ngớt trở về, cái “tôi” không ngừng xuất hiện trên những trang sách của Duyên Anh, một cách lộ liễu hay kín đáo và cùng xuất hiện quen thuộc, tất cả trở nên một vũ trụ thân mật, gần gũi. Ngay trong cách đặt tên cho nhân vật dường như Duyên Anh cũng muốn nhắc nhở người đọc cũng như chính mình, về những cách tên có thật, những “nhân vật” đã từng tham dự vào chính cuộc đời của ông, hay ít ra đó là những cái tên, những nhân vật có thật trước khi là sản phẩm của tưởng tượng. Nói một cách nào đó, Duyên Anh không viết tiểu thuyết, ông tiểu thuyết hóa cuộc đời, hay chính ông đã từng sống thực những đoạn đời thể hiện trên những trang sách của ông. Những Vũ những Côn (trong Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ), những Long (trong Áo Tiểu Thư, Ngày Xưa Còn Bé…), những Hoài (trong Cầu Mơ, Tàn Một Loài Hoa, Quê Hương…) những Định (trong Ngựa Chứng Trong Sân Trường)… tất cả những nhân vật “tiểu thuyết” đó nếu không là những phản ảnh trung thực từ những chất liệu sống thực nhất của cuộc đời tác giả, ít ra đã được xây dựng từ những chất liệu sống thực nhất của cuộc đời đó.

Trừ những tác phẩm đầu tiên, có thể nói Duyên Anh luôn ký tên thật của mình kề bên bút hiệu: Duyên Anh Vũ Mộng Long. Sự kiện tuy nhỏ nhặt nhưng không kém phần hàm xúc. Thông thường các nhà văn hoặc ký bút hiệu hoặc ký tên thật của họ và điều này không hẳn chỉ là một sở thích tình cờ hay đơn giản. Dù muốn dù không, sự lựa chọn giữa bút hiệu và tên thật để ký dưới tác phẩm luôn thể hiện một thái độ rõ rệt: lựa chọn cái này tức là phủ nhật cái kia. Lựa chọn cho mình bút hiệu nhà văn, mặc nhiên bôi xóa tên tuổi thật của mình. Lựa cho mình một bút hiệu nhà văn đương nhiên tự cho mình có hơn một đời sống, hơn một thân phận: ở hẳn con người nhà văn với một tên tuổi riêng có thể không ngó ngàng gì tới con người. Thí dụ: Nhất Linh, tác giả Đoạn Tuyệt, Bướm Trắng có thể không nhất thiết phải dung hòa, trùng hợp khít khao với con người Nguyên Tường Tam, nhà cách mạng. Và người ta không thể độc đoán dùng quan điểm hành động của nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam để soi sáng vũ trụ mộng tưởng, phi thực của nhà văn Nhất Linh, cũng như ngược lại. Bởi hai thân phận có thể khác biệt và nếu cần mâu thuẫn chống đối nhau trong cùng một con người: con người Nhất Linh, Nguyễn Trường Tam (tôi dùng nét gạch ở giữa bút hiệu và tên thật để nói lên một trạng thái chia lìa, theo tôi, có tính cách cần thiết trong một giới hạn nào đó).

Khác với nhiều nhà văn khác, Duyên Anh không ngần ngại ký thêm tên thật của mình ở ngay dưới bút hiệu. Giữa nhà văn và con người thật, không còn mâu thuẫn. Giữa tác phẩm và cuộc đời, không còn chia lìa hay xung đột. Viết tức là dung hòa, là kết hợp thực tế và mộng tưởng, cuộc đời và tác phẩm. Phải chăng ngay từ truyên ngắn đầu tay của mình, Duyên Anh đã từng thể hiện ước muốn đó, kinh nghiệm đó, ước muốn và kinh nghiệm mai đây sẽ còn tiếp tục thể hiện qua từng tác phẩm, qua từng trang sách của ông. Có thể nói rằng thế giới tiểu thuyết hay đúng hơn là thế giới của chínhda trước tiên chính là thế giói làm nên từ những chất liệu sống thực hay người tạo nên nó. Ở đây viết không có nghĩa là rời bỏ, đoạn lìa với đời sống, trái lại đó cũng là một cách tiếp nối đời sống còn dang dở, viết, điều này cũng có nghĩa là sống.

Người đọc khó tính có thể trách Duyên Anh hơi (nếu không nói là quá) dễ dãi trong cách xử dụng ngôn ngữ của mình, trách ông đã không thể hiện một mối ưu tư rõ rệt nào đó về ngôn ngữ hay về tác phẩm, tất cả dường như hãy còn xa lạ đối với ông. Có thể ông thuộc số những nhà văn hạnh phúc, hạnh phúc ngay trong lối viết của mình. Hạnh phúc như những câu chuyện đầy thơ mộng và mơ mộng mà ông đã kể. Hạnh phúc những nhân vật rất bình thường với những mộng ước rất đơn sơ mà ông đã tạo nên. Hạnh phúc như bầu không khí trong sáng thể hiện trên từng trang sách từng dòng chữ của ông.

Nhưng liệu người ta có thể trách Duyên Anh đã lựa chọn một con đường, một lối viết, đã lựa chọn chính tác phẩm của mình. Người ta có thể trách Duyên Anh, Duyên Anh tìm tới chữ nghĩa, văn chương như một cách thể hiện đời sống đúng hơn là thực hiện một đời sống khác làm nên từ sự dung hòa tốt đẹp giữa thực tế và mộng tưởng, giữa kinh nghiệm và ước muốn. Và điều ông thể hiện trước tiên chính là một niềm tin. Tôi nghĩ hẳn Duyên Anh đã phải tin ở chữ nghĩa cũng như tin ở chính đời sống lắm mới có thể tạo nên một giòng truyện phong phú và thống nhất đến như vậy. Tôi không thấy ở tác phẩm Duyên Anh một bóng dáng hoài nghi hay thất vọng nào. ông đã viết cũng như ông đã từng sống, với tất cả tâm hồn trong sáng và mơ mộng của mình. Do đó với trường hợp Duyên Anh, thiết tưởng người ta không thể chỉ tìm hiểu phần tác phẩm mà bỏ quên phần đời sống mà tác giả vốn là yếu tố không thể tách rời, yếu tố quyết định của chính tác phẩm, như chính ông đã gián tiếp nói lên trên các trang sách của ông.

Tác phẩm của Duyên Anh:

Ông đã xuất bản hơn năm mươi tác phẩm văn chương. Năm 1975, bị coi như “một trong mười nhà văn nguy hiểm nhất của Việt Nam”, chế độ mới cấm ông viết lách và bắt giam không xét xử suốt sáu năm qua các nhà tù và trại tập trung.

Ông được tự do nhờ Amnesty International và Pen Club International can thiệp. Vượt biển sang Pháp, ông viết lại và cho xuất bản gần hai mươi tác phẩm, trong đó Un Russe à Saigon và La colline de Fanta do nhà Belfond xuất bản.

Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình Pháp viết nhiều, nói nhiều về ông. Sử gia Piere Chaunu, giáo sư đại học Sorbonne coi Duyên Anh là “nhà thơ lớn, vinh quang của quốc gia”.

Chưa một người Việt Nam nào tạo nổi sự vinh dự cho dân tộc ở tư thế lưu vong như Duyên Anh. Tự tin vào tài năng và sự phấn đấu của chính mình, ông đã bước lên mọi nghịch cảnh, bước qua mọi oan khiên để giành một chỗ đứng trên vũ trụ văn học quốc tế như một tiểu thuyết gia đầy đủ tư cách.

Nhà thơ Hà Huyền Chi nhận xét về tài năng của Duyên Anh : Duyên Anh viết văn, Duyên Anh viết nhạc, Duyên Anh làm thơ. Con người tài hoa ấy đã lưu lại đằng sau hằng hà những dấu ấn của thành tựu ở mọi lãnh vực anh đã kinh qua.

HUỲNH PHAN ANH
Nguồn: duyenanhvumonglong.blogspot.com

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:




Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

NHỮNG CƠN BÃO KÝ TỰ ẤM TRONG THƠ PHAN HOÀNG

Phan Hoàng là một trong những cây bút tiêu biểu cho phong cách thơ trẻ Sài Gòn hiện nay. Anh đã khởi sự theo đuổi những “cơn bão ngôn từ”, “thế giới ký tự mới” từ rất sớm, bắt đầu là tập thơ Tượng tình (1995) rồi đến Hộp đen báo bão (2002). Dòng cảm hứng sáng tạo trẻ trung ấy vẫn tiếp tục tuôn chảy đến tập thơ Chất vấn thói quen (NXB Hội Nhà văn, 2012).
Nhà thơ Phan Hoàng

Trong tập thơ thứ ba này, Phan Hoàng vẫn tiếp tục khai thác những đề tài quen thuộc trong cuộc sống đời thường. Như hình ảnh Mẹ gánh ước mơ, cách thể hiện mới mà vẫn không thiếu vắng yếu tố tình cảm - ngọn lửa sưởi ấm cho thơ:

Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư
mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc
tiếng khóc con thơ
                          mạnh hơn
                                       tiếng gầm đại bác

Trong bài Níu lòng sông Đáy, tác giả đã mở rộng không gian và thời gian sinh tồn khi ký họa chân dung của hai người mẹ Bắc - Nam theo chiều dài lịch sử. Giữa cảnh đất rộng trời cao, họ như cánh cò nhỏ nhoi lặn lội nuôi con trong xã hội loạn lạc, đói nghèo:

Sông Đáy trong mơ vẫn dâng ngang trời
mẹ như cánh chim đêm
mãi mãi hoá thân vào châu thổ

Ngày lót lá, bạn níu lòng sông Đáy
tôi bàng hoàng lội ngược gió sông Ba

Thấu hiểu được công lao to lớn của cha mẹ, biết rõ sự thiệt thòi của thế hệ mình, tác giả đã đặt nhiều hy vọng vào tương lai của con. Tuy nhiên, hàng loạt dấu chấm hỏi trong bài Ốc đảo 318 đã thể hiện sự băn khoăn của tác giả: con người tương lai sẽ hội nhập thế nào trong sân chơi toàn cầu nhưng không ai thấu hiểu ai:

Ốc đảo tràn ngập đức tin của con rồi sẽ
xanh hơn? Thế giới toàn cầu hoá của con rồi sẽ
tình người hơn? Và cả vũ trụ đầy bí ẩn của con rồi sẽ
...???

Trong đoạn thơ trên, tác giả đã sử dụng lối vắt dòng với ba cụm từ “của con rồi sẽ” nằm ở cuối dòng. Đặc biệt, ba dấu hỏi nằm ở cuối bài có tác dụng gợi tưởng, tạo dư âm. Trong thơ Phan Hoàng, ta thường gặp hình thức điệp, như việc lặp cấu trúc câu nghi vấn trong bài Em nóng dần lên:

những đàn chim di cư tìm bầu trời mới
hay chờ chết ?
những đàn cá di cư tìm nguồn nước mới
hay chờ chết ?
những đàn thú di cư tìm cánh rừng mới
hay chờ chết ?

Tác giả cũng thường dùng thủ pháp đảo trật từ để tạo ra cách diễn đạt khác thường nhưng người đọc vẫn hiểu được nghĩa. Như đoạn thơ: “Mượt mà mông / mủm mỉm môi / mơ màng mắt / tình tang ngang dọc” (Bình nguyên bay). Hoặc: “Đúng tôi / đớn đau tôi / thăng hoa tôi” (Văn bản dở dang).
Tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng

Thơ hiện đại thường có xu hướng dựng lên một thế giới mới lạ bằng thủ pháp lắp ghép hình ảnh và câu chữ. Lạc vào thơ Phan Hoàng, ta chứng kiến một thế giới vừa quen vừa lạ. Trong bài Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc, mặt trời không mọc lên ở phương Đông mà mọc từ căn nhà “mái tranh vách đất” quen thuộc ở nông thôn:

Trải qua những dòng sông ngập tràn nước mắt
những cánh rừng cháy trọc xương khô
mặt trời vẫn không ngừng mọc lên
trong ngôi nhà tư duy thân thuộc của mình

Ta cũng cùng tác giả đi dạo, lắng nghe những Tiếng cười trên sông Sài Gòn. Nhưng đó không phải là con sông của thành phố hiện đại mà là một con sông thiêng liêng trong tâm tưởng. Tác giả không dẫn ta đi về phía trước mà lùi lại đằng sau để chiêm nghiệm một vẻ đẹp khác thường của dòng sông cùng với tâm sự của cổ nhân:

Như cánh chim lãng du
sà vào lòng sông tắm gội phục sinh tiền kiếp
tôi thấy mình chấp chới bay ngược
về phía tiếng cười không thanh âm nhập nhoà ánh đuốc

Say sưa đuổi bắt tiếng cười
tôi lạc vào cõi lòng trắc ẩn người xưa?

Nhưng phổ biến hơn cả là sự lắp ghép từ ngữ để tạo ra những sắc thái biểu đạt mới: “Đau những chân trời tư tưởng tật nguyền / Câu thơ neo bờ nước mắt” (Tiếng thì thầm). Hoặc “Rẽ nụ cười tươi nắng ban mai / Bay về nguyên thủy ước mơ không mầm móng hận thù tận thế” (Thèm làm ngọn gió tự do). Bên cạnh những bài làm mới hiện thực, còn có một số bài triết lý về Những cơn bão ký tự mới trong thơ hiện đại:

Cơn bão nổi mạnh dần lên
thế giới ký tự mới mở ra
mỗi hơi thở nồng nàn bạt ngàn tín hiệu

Em cứ ngon giấc hồ nghi giữa mùa hoa cúc
cơn bão nối những ký tự nồng nàn cất tiếng thuỷ tinh

Phan Hoàng cho rằng, thơ của mình chỉ là “những văn bản dở dang / những văn bản vô ngôn / văn bản không khuôn thước / văn bản không văn bản” (Văn bản dở dang). Bởi vậy anh rất ngại viết hoa đầu dòng và dùng dấu chấm cuối câu. Thơ anh chỉ là những “con sóng ký hiệu” xộc xệch đang đợi bạn đọc sắp xếp lại theo cách của mình. Tập thơ Chất vấn thói quen có vẻ như bao gồm những bài thơ vô ngôn nhưng thực ra là đa ngôn. Để thấy được điều đó, các bạn hãy chịu khó cùng tác giả bước sang bờ bên kia văn bản.

TS. PHẠM NGỌC HIỀN
Nguồn: Tản Viên Sơn 3.2014


TRẦN NHÃ THỤY - VÒNG DANH LỢI KHÔNG CƯỠNG NỔI?

Tiểu thuyết “Hát”* của Trần Nhã Thụy viết theo lối giản lược truyện kể, một lối viết hiện đại, đánh dấu sự tiến triển thể loại trong Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV. Mấy năm gần đây, ta có thể thấy một số tiểu thuyết dịch làm nổi bật lối viết này, như “Mở rộng phạm vi đấu tranh” của Houellebeq, “Vô tri” của Kundera, “Lụa” của Barrico, “Tình ơi là tình” của Jelinek, v.v. Mỗi người một vẻ hoàn toàn khác biệt, nhưng tương đồng ở sự phân tích thực tại, được tập trung như những tia sáng soi qua thấu kính, sắc như dao phẫu thuật. Tiểu thuyết “Hát” phân tích sâu một góc thế giới của giai tầng trung lưu đô thị lớn đương thời, xẻ một nhát rạch phơi lộ đến nền móng tâm tư của bọn họ.
Nhà văn Trần Nhã Thụy

Một người đọc nào đấy sẽ có thể tóm lược câu chuyện trong tiểu thuyết “Hát” của Trần Nhã Thụy  như thế này: nhân vật chính tên là Kỷ, một trung niên người Sài Gòn, béo bụng, dư dả và an nhàn, an nhàn đến mức rất nhiều khi phải cố nghĩ xem làm sao cho trôi qua một ngày; Kỷ yêu thích ca trù và từng ra tận vùng Kinh Bắc để học hát; đột ngột một hôm Kỷ bị tai nạn xe máy, bị hai thanh niên cố tình đạp cho ngã văng xuống đường khi anh đang loạng choạng tay lái do  một thanh niên khác nữa dường như đã cố ý quệt vào anh; rồi những người gây tai nạn chạy mất, Kỷ chấn thương sọ não nằm bất tỉnh trong bệnh viện; bên giường bệnh, người tình của Kỷ là Lý, một thiếu phụ còn khá trẻ, suốt ngày trông nom anh và cố hát hết bài này sang bài khác để mong anh tỉnh lại.

Tóm tắt như thế liệu có ổn không? Yên tâm đi. Đấy chính là một thí dụ “nhại” theo cách giản lược trong lối viết của tiểu thuyết này. “Hát” được cấu thành bằng 43 chương ngắn, đánh số thứ tự; trong đó có 5 chương tư liệu tên là “Phụ lục” và một chú thích khá dài về tiểu sử ca sĩ thời danh Đan Trường, gần như một phụ lục nữa. Các chương đều kể theo cách lược giản những diễn biến câu chuyện, gần với văn phong trần thuật báo chí,  làm nổi bật một vài tình tiết hay câu/đoạn thật sự văn học của mỗi chương. Sự đan xen hai văn phong như vậy khá linh hoạt và cho thấy sự cân nhắc tỉ mỉ của người viết.

Chẳng hạn, ở chương số 30, một đoạn trần thuật – “Rời khỏi khách sạn, Kỷ vào một quán phở gọi tô tái bò viên. Tô phở nóng bốc khói. Mồ hôi Kỷ vã ra như tắm. Kỷ lại nghĩ đến Lý. Không hiểu sao từ khi đưa Xuân Nương về khách sạn, Kỷ bỗng nghĩ đến Lý,” – chen vào một mệnh đề hình ảnh gây liên tưởng và rung động sâu xa – “,không phải với toàn bộ tâm trí, nhưng từ tâm trí, những cái rễ như bò nhanh ra, túa đi tìm.

Và ở đoạn văn ba câu rất ngắn kết chương này, câu văn cuối đem lại một liên tưởng đầy hàm ngụ: “Thân hình Kỷ bập bềnh trong bồn nước. Và nước vẫn cứ chảy tràn ra ngoài sàn. Có biết bao là nước đã chảy đi trong cái đêm đó.”– Đây là một ẩn dụ khá quen về thời gian chảy trôi và biến chuyển sự đời, như người ta, rằng “bao nhiêu nước đã chảy qua dưới chân cầu.” Ẩn dụ này soi sáng đoạn văn, và rộng ra là soi sáng cả chương sách. Nó cũng như rất tự nhiên bật ra, tương hợp với một đặc tính của nhân vật Kỷ, đã được mô tả ngay từ đầu sách: anh ta thích những mặt nước đầy tràn.

Những tình tiết và câu/đoạn như thế khiến cho cấu trúc kể-giản lược qua các chương ngắn của tiểu thuyết này giàu tính “ý tại ngôn ngoại” và phong phú về nhịp điệu hành văn. Hai phẩm chất này khiến lối viết giản lược trở nên cân bằng: câu chuyện được kể với ít tình tiết hơn, ít chi tiết hơn, nhưng tăng cường sức tạo sinh nhiều tầng lớp về ý nghĩa bởi trần thuật thiên về tính hành động và hình ảnh.

Lối kể khách quan, thông qua mô tả hành động, mô tả các mối quan hệ xã hội và riêng tư,với rất ít bình luận trữ tình hay độc thoại, giúp bộc lộ đời sống nội tâm các nhân vật một cách sinh động, phức tạp và mâu thuẫn, nhất là với Kỷ - nhân vật chính của tiểu thuyết này.
Bìa tiểu thuyết “Hát” của Trần Nhã Thụy

Nhân vật Kỷ hiện lên là một dân trung lưu đô thị hiện đại: dư dật về tiền nong, có tay nghề chuyên nghiệp, độc thân, có “gu” về thẩm mỹ, hưởng thụ tiện nghi trong tình dục và trong những liên hệ thời thượng xã hội. Tất cả những đặc điểm tính cách bề ngoài đó lại mâu thuẫn với nhịp sống trì trệ, tâm thế bất an thường xuyên, bơ vơ lạc lõng và thất vọng sâu xa của nhân vật này. Toàn bộ được mô tả chủ yếu qua các hành xử của nhân vật, chứ không qua kiểu lời kể thuyết minh. Chẳng hạn, nhân vật Kỷ được mô tả mỗi lần một khác trong những cuộc ghé thăm gia đình – ba má và các anh trai chị dâu của anh ta, ở một khu phố khác cùng trong thành phố. Mối liên hệ gia đình sum vầy đầm ấm, đầy kỷ niệm cứ thưa vắng, đứt dần sau mỗi lượt. Hình ảnh Kỷ qua mỗi lần ghé nhà ngày càng cô độc, bị bỏ rơi, xa vắng, gây một ấn tượng về cảm giác bất an tăng dần.

Cảm giác bất an cũng được nhấn mạnh ngay từ mấy chương đầu, ở đoạn văn kết chương số 6, lần đầu mô tả ảo giác(sẽ còn lặp lại) của Kỷ về tiếng gõ cửa “mỗi lúc một to, có vẻ gấp gáp.” Đoạn mô tả này thật xuất sắc, xuất lộ mối căng thẳng tăng vọt trong giây lát, như một trực giác và đầy tính biểu tượng.

Và ngay đoạn văn trước đó, mô tả Kỷ nằm sấp trên giường trăn trở “như một con cá mắc cạn,”rồi ư ư hát trong họng – “Cái hơi trong của ca trù này không phát ra ngoài, chỉ đủ cho mình Kỷ nghe, đủ chuyển lên não giúp cho Kỷ thoát khỏi cơ chế thực vật,…” – là một cảnh mang tính dự báo về cái tai họa chung cuộc sẽ đến với nhân vật này: rất có thể anh ta sẽ sống đời thực vật. Đồng thời, chi tiết đó cũng phác họa một trong những ý nghĩa của “Hát”: cái nội tâm, cái tâm thức là một bài hát, là tiếng hát, không mô tả được, chỉ có thể hát lên được; và rộng ra thì đời người chỉ như một âm thanh dai dẳng, lạ lùng, khó hiểu nữa, vừa ngắn vừa dài, nghe như là hát.

Cái bài-hát-đời-người đó với nhân vật Kỷ chứa đầy mâu thuẫn: anh ta luôn luôn hành động để cố thoát khỏi cảnh an nhàn thụ động mà biểu trưng là cái bụng phệ cứ phệ mãi ra; anh ta sớm bị mặc cảm về tình dục nhưng lại trở nên rất từng trải về đàn bà; anh ta làm những việc không vụ lợi nhưng gặt hái tiếng xấu, bị chửi rủa, bị ám hại vì những người bám lấy vòng danh lợi; anh ta nâng niu một biểu trưng cái đẹp ở cô đào ca trù trẻ là nhân vật Xuân Nương để rồi phải đối mặt cảnh cô gái bị bắt cóc, bị hãm hiếp, gọi điện cầu cứu và rốt cục dẫn anh ta vào tai họa.

Nhân vật Kỷ được mô tả vốn có năng khiếu âm nhạc và thích hát, và ca khúc ưa thích nhất của Kỷ là bài “Hotel California” của nhóm rock “Eagle.” Không ngẫu nhiên mà chương “Phụ lục 3” dài nhất dành riêng để giới thiệu về ca khúc này, với trọn vẹn phần lời bằng tiếng Anh của nó. Có thể thấy qua suốt các cảnh và người trong “Hát”, đối với nhân vật Kỷ, đô thành Sài Gòn và rộng ra cuộc đời anh ta, xứ sở này, là một “Hotel California” dường như tuyệt đỉnh đẹp tươi quyến rũ, mở rộng chào đón tất cả, nhưng “We are programmed to receive. You can checkout any time you like, but you can never leave!” –“Chúng ta bị định phận được đón vào. Anh có thể trả phòng bất cứ lúc nào anh muốn, nhưng anh sẽ không bao giờ được ra đi!”

Có vẻ nhân vật Kỷ đã muốn “trả phòng” ngay từ đầu câu chuyện tiểu thuyết này: anh ta tìm học ca trù, gần gũi cái đẹp ở ngay đất phát tích cái đẹp ấy, như một lối hành hương; anh ta tự nguyện quyên góp cho một dự án “chém gió” của nhân vật Sinh để khỏi bị cuốn vào vòng danh lợi bịp bợm của gã bạn hờ này; anh ta muốn lập gia đình với người yêu cũ để được trọn vẹn sống trong tình yêu thật sự; … nhưng Kỷ đã không thể “ra đi” khỏi quãng đời thất vọng và bất an của mình. Và trong chuỗi khát khao hành động, lên tới đỉnh điểm khi tìm cứu Xuân Nương, nhân vật Kỷ có lẽ đã rơi vào một phòng trong cái “Hotel California” mà thật sự, đủ cả nghĩa đen nghĩa bóng, không thể ra khỏi nữa, trừ khi anh ta chết.

Đấy quả là một cái kết trọn, đầy âm vang, của cuốn tiểu thuyết này.

NGUYỄN CHÍ HOAN
Theo Văn Nghệ

__________
* “Hát”, tiểu thuyết, Trần Nhã Thụy, Phương Nam & Nxb Hội Nhà văn 2014.


TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:



NHÂN ĐỌC TRƯỜNG CA CỦA PHẠM CÔNG TRỨ

Nhân một hôm rỗi rãi, nghĩ đến hắn, đến thằng Trứ thân tình của mình, tôi dò vào mạng tìm chơi thì sau Lời thề cỏ may… hiện ra trường ca Phạm Công Trứ: Làng phố giao duyên. Tôi đọc say sưa và cũng bất ngờ về tính chất và quy mô của nó, một trường ca nếu in ra đến cả trăm trang với đủ các thể loại thơ…
Nhà thơ Phạm Công Trứ

Tôi và hắn đã chơi với nhau gần 40 năm, thời gian khá dài và trải qua đầy đủ thăng trầm của cuộc sống. Chúng tôi gặp nhau ở chiến trường B, nhập ngũ ở 2 đơn vị khác nhau nhưng khi vào chiến trường lại cùng một đơn vị. Khi đó tôi là sinh viên xịn (nhập ngũ từ trường đại học) còn hắn là “sinh viên rởm” (mới có giấy gọi nhập trường), nhưng cách đây gần 40 năm mà lại ở chiến trường thì như thế đã được gọi là trí thức thực thụ rồi. Vì là trí thức nên tuy không qua đào tạo gì tôi vẫn được phân là cán bộ kỹ thuật của đại đội cầu dã chiến thuộc đơn vị công binh Đoàn 559, còn hắn vẫn là một anh lính như bao người lính trong chiến tranh phải lăn lộn với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm tại chiến trường thì kể cũng tội cho hắn. Nhưng chiến tranh mà, âu cũng là số hắn.

Những lúc rỗi rãi hay sau bữa cơm chiều chúng tôi thường gặp nhau, địa điểm lý tưởng nhất là bên bờ sông Dakrong, nơi có những tảng đá lớn nhẵn nhụi có thể vừa làm ghế vừa làm giường. Thôi thì đủ thứ chuyện, hắn vốn lì xì ít nói nhưng khi đã vào mạch vào luồng thì hắn cũng nói hết cả phần người khác. Dù hơn mấy tuổi nhưng hắn chỉ gọi tôi là bác hoặc gọi “người” và xưng tên, cái từ người trong văn viết thì có khác nhau: viết thường theo cách gọi thân mật và viết hoa trong cách gọi kính trọng, nhưng trong văn nói chỉ là một, theo cách hiểu của tôi thì hắn gọi theo nghĩa viết thường là chính, chủ yếu là đùa bỡn và khích nhau.

Bản tính hắn là thế, thích đùa, châm chọc người khác và châm chọc cả chính mình, hắn tự phác hoạ chân tướng (Dáng đi có lỗi với đời/ Cái đầu cúi xuống thay lời chào duyên) và (Quần áo cực lôi thôiGiọng lưỡi hơi chất chưởng). Từ khi còn trong quân ngũ đến mãi sau này, mỗi lần gặp nhau, hắn lại lấy lời anh Giáo Thứ (trong Sống Mòn của Nam Cao) để tự giễu mình: Đời hắn nghèo, hắn khổ. Hắn như con ngựa gầy kéo xe lên dốc, vừa qua cái dốc này lại thấy dốc khác cao hơn. Rồi bạn bè y sẽ khinh y, vợ con y cũng khinh y và chính y lại càng khinh y hơn. Y chết mà chưa sống, chết ngay trong sự sống…) rồi hắn cười khềnh khệch. Có lẽ quả thế thật, tuy chẳng phải là trưởng, không khoẻ mạnh tài ba tháo vát nhưng hắn vẫn là trụ cột, phải gồng gánh giang sơn gia đình về cả mặt vật chất lẫn tinh thần bằng thân hình gầy còm ấy.

Hắn là con người yếm khí, luôn ca cẩm buồn phiền và luôn miệng kêu ốm đau, mệt mỏi. Theo hắn thì hắn bị đủ mọi thứ bệnh từ gầm gan đến lá lách. Có lần bực tôi bảo: Mấy chục năm rồi lúc nào cùng thấy kêu ốm đau, bệnh tật mà chưa chết vẫn cứ sống nhăn răng ra đấy thôi - thì hắn lại xua tay: bác không biết, không hiểu đấy thôi chứ có sướng như bác đâu (ý hắn nói là về sức khoẻ). Gần đây hắn kêu ngứa, dị ứng sưng xỉa hết cả mặt mày, khổ lắm: thuốc đông, tây, nam, bắc uống hết mà không khỏi. Tôi động viên: bệnh ấy như viên sỏi chui trong giày, rất bực bội khó chịu nhưng không làm chết người đâu mà sợ. Hắn lại xua tay ra điều bác không thông cảm.

Hắn kêu khổ nhiều nhưng không phải là không có sướng. Ấy là khi hắn thăng hoa, Tễu cũng đi tây (Ai ngờ dân dã lên ngôi/ Thế rồi Tễu cũng được ngồi máy bay). Hắn sang Liên Xô (cũ) nghiên cứu sinh về Luật. Khi đó tôi cũng đang nghiên cứu tại Đông Đức, chúng tôi thường thư từ cho nhau, hò hẹn sang thăm nhau nhưng cũng chỉ dừng lại ở hò hẹn. Thời đó, sau tập thơ “Lời thề cỏ may (I)” thì hắn đã có tiếng, đã có thương hiệu trên văn đàn nên ở Kiev, Ucraina, hắn cũng hay viết thơ gửi tạp chí Quê Hương của Đại sứ quán ta ở Matxcơva và gửi cho tôi. Hắn viết về nước Nga thời tan rã mà não ruột (Một đời đắp đắp, xây xây/ Đến khi phá bỏ nửa ngày là xong/ Nhìn Nam Bắc, hỏi Tây Đông/ Bây giờ có đáng buồn không... bây giờ). Hắn kêu, hắn khóc cho Liên Xô tan rã. Hắn viết về người Việt sinh sống tại đây (Chiều nay tuyết xuống bông to/ Trẻ con bốc tuyết bày trò ném nhau/ Có người mẹ trẻ Á châu/ Ngồi sau cửa kính, thầm lau mắt mình). Sau này về Việt Nam, gặp một người đã sống ở nước Nga cùng thời với hắn nói rằng: chúng em rất thích thơ anh Trứ, cuối tuần là chờ mua tạp chí để đọc thơ anh ấy.

Trong trường ca hắn có nhắc đến những mối tình thời con trẻ của hắn. Tôi cho rằng đó chỉ là trong thơ và hắn cũng tự đề cao, đánh bóng mình thôi, như là: Làng này khối đứa phải lòng mình đây (Nguyễn Bính). Còn thực tế hắn có 2 mối tình. Mối tình trong Lời thề cỏ may, hắn không nói cụ thể nhưng thời còn yêu nhau hắn đã kể tôi nghe, về cô hàng xóm, nhưng chỉ là đoạn kết, đoạn chia tay, đoạn ngồi gỡ lời thề cỏ may. Bây giờ  nhắc lại hắn cũng thấy tiếc, không biết có tiếc thật hay theo kiểu: con cá mất là con cá to.

Đến khi đã thành ông giáo danh tiếng của một trường đại học, hắn đem lòng yêu một cô sinh viên. Bản chất nhút nhát, tuy yêu học sinh nhưng hắn cũng không dám tỏ tình, hắn có quà ngày 8-3 nhưng rồi: Cứ giờ chơi, mang đến lại mang về mà cũng không đưa được. Tuy yêu đấy, là thầy đấy nhưng hắn vẫn thấy tự ti, thấy mình lép vế (Em mười chín tuổi xinh tươi/ Tôi trầm tư của ba mươi mất rồi/ Chắc gì em đã hiểu tôi / Chắc gì tôi đã là người em mơ?). Đến bây giờ ở tuổi “tri thiên mệnh” hắn mới thổ lộ, theo kiểu TAS được quyền công bố (Mối tình sét đánh/ Thày phải lòng trò/ Tình về xứ Nghệ/ Còn mấy câuthơ). Đúng là hắn mới phải lòng chứ chưa phải tình yêu.

Dài dòng những dòng trên theo kiểu người già hay nhắc về quá khứ, và với tôi còn có chút vụ lợi theo nghĩa: thấy người sang bắt quàng làm họ để đánh bóng mình.

Nhân một hôm rỗi rãi, nghĩ đến hắn, đến thằng Trứ thân tình của mình, tôi dò vào mạng tìm chơi thì sau Lời thề cỏ may… hiện ra trường ca Phạm Công Trứ: Làng phố giao duyên.Tôi đọc say sưa và cũng bất ngờ về tính chất và quy mô của nó, một trường ca nếu in ra đến cả trăm trang với đủ các thể loại thơ, từ lục bát - là sở trường của hắn, đến thơ tự do, thơ 4 chữ, 7 chữ... Về chất lượng thì như người đời đánh giá: thơ tình lục bát thì hắn ngồi chiếu dưới của cụ Nguyễn Bính, về thơ trí tuệ thì hắn lại ngồi chiếu dưới cụ Chế Lan Viên. Khổ cho thân hắn luôn ngồi chiếu dưới, hắn nhận là tự số hắn thế:

                     “Mệnh” với  “tuổi” như nước với lửa
                      Ngũ hành gọi là tương khắc, hỡi ôi!
                     Tử vi phán: tiền vận coi như vứt bỏ

Tôi gọi điện ngay cho hắn, vừa để khen thơ vừa có ý trách sao không thông báo (vì cách đây mươi ngày hắn đến chỗ tôi). Nghe xong hắn ngạc nhiên:

- Sao bác biết!
- Bác vừa đọc trên mạng.

- Thôi chết rồi, em cũng không biết, em có đưa lên đâu. Chắc gửi cho mấy thằng bạn, đứa nào hứng chí đưa lên. Để em phải điều tra.

- Thôi chuyện đó hậu bàn, nhưng có 2 ý mà bác cho là thiếu sót.
- Người cứ dạy!

- Đây là trường ca về cả cuộc đời của chú, cái thời đi bộ đội vinh quang và tự hào thế sao không thấy chú đưa vào?

- Nếu đưa vào sẽ lạc đề bác ạ. Đây là “Làng Phố giao duyên thôi”. Đoạn bộ đội sẽ có dịp khác.

- Thôi nghe vậy, nhưng thơ phú gì viết có đoạn thực đến thô thiển, trần tục và vi phạm quan điểm nữa. Thời nay cởi mở và tự do báo chí chứ như trước kia có thể nâng thành quan điểm, bỏ tù đấy.

- Chỗ nào mà bác phê dữ thế?

- Nghe đây (Mười năm lao động quang vinh/ Không bằng chó giống  xuất tinh một lần) . (Hắn muốn so sánh tiền thưởng cho 10 năm lao động xuất sắc, với chó giống Nhật thời hoàng kim đi bán giống).

- Khó nghe nhưng mà đúng và hay phải không bác. Nếu không hay làm sao bác thuộc ngay. Tuy nhiên, đó lại là trích thơ của người khác! Thôi để gửi đền cho bác Phồn thi 3vậy.

Và hắn cười khềnh khệch. Thật lộn ruột. Thôi đành bỏ qua vậy, nói thêm tốn tiền điện thoại.

Trong trường ca: Đầu tiên là hắn viết về quê hương Hải Hậu của hắn, đọc xong tôi mới thấy rằng hắn rất am hiểu lịch sử quê hương, hắn kể tên, giải thích, triết tự… như là một bậc cao niên về địa lý, lịch sử, chính trị. Hắn hiểu con người, quen thổ nhưỡng, biết đặc sản các vùng miền quê hắn, có thể xem như là một dư địa chí bằng thơ về Hải Hậu.

Dưới ngòi bút của hắn, hiện về nguyên một vùng nông thôn xưa còn sơ khai, hoang dã và cũng đầy đặc sản cho bọn trẻ chăn trâu như chúng tôi thời đó, tuy đói cơm nhưng miệng lúc nào cũng ướt. Bây giờ tôi, thế hệ chúng tôi, những gã nhà quê ra tỉnh dù đã bạc đầu nhưng đọc lại nghĩ lại mà nuối tiếc, thèm thuồng để: Ước gì trở lại ngày xưa…cái thời như hắn viết: Tắm truồng thú của trẻ quê / Ra phố là hết đam mê tắm truồng.

Hắn viết về tuổi thơ, tuổi học trò của hắn làm gợi nhớ về tuổi thơ của mình và tôi đâm ghen với hắn. Cũng trải qua tuổi thơ ở một vùng quê như hắn, có thể còn nghịch ngợm hơn hắn mà sao không nhớ hết không thể kể hết được như hắn. Hắn nhớ từ những con côn trùng: con Giun, con Dế, bọ Xít, Cánh Cam…đến các loài chim cò, động vật (Chim Sẻ lau chau, chim Sâu loách choánh) đến rắn Ráo, Thằn Lằn, con Lươm, con Rạm và rồi cây cỏ: cỏ Lăn, cỏ Lác, cỏ Gà, Chân Chim, Chân Vịt…(Cỏ may xiên một mũi  kim/ Chân vịt mỏng mảnh, chân chim loè xoè/ Cỏ lăn, cỏ lác, cỏ le/ Khoẻ như cỏ gấu lại e cỏ gừng...).
               
Về cây cỏ thì có thể gọi hắn là kỳ tài. Đến như cụ Nguyễn Bính - nhà thơ của thôn quê cũng chỉ nhắc đến cái dậu mồng tơi xanh rờn, cái mà người Việt Nam ai cũng đã ăn, đã biết. Còn hắn trong vô vàn sinh vật được kể đến trong thơ thì Cỏ May (Không sắc lại cũng không hương/ Chân cắm xuống đất, ngọn dương lên trời) là lạ nhất. Rất nhiều người nếu không từng sống ở thôn quê thì không thể biết, thế mà trong thơ hắn Cỏ May  như nhân vật trung tâm, như linh hồn cho thơ hắn. Chả thế mà hắn có bài thơ nổi tiếng Lời thề cỏ may, thấy vẫn chưa đủ nên hắn nâng lên thành tập thơ: Cỏ may thi tập - biết đâu hắn còn nghĩ đến Tuyển tập hay tổng tập: Lời thề cỏ may. Không hiểu sao hắn lại có thể gắn bó, có đủ cảm hứng để thổi hồn cho Cỏ May, một cây cỏ bé tẹo cứ bám vào quần các cặp tình nhân đến bực mình (Gái làng có tiếng chính chuyên/ Sáng ngồi gỡ cỏ bắt đền tình nhân) thế mà vào thơ hắn, bàn tay của phù thuỷ, Cỏ May cũng trở nên đẹp như một cô gái tuổi dậy thì, kín đáo, e thẹn vẫy chào (Nở mà chẳng toét miệng ra/ Cứ phơ phớt nhọn như là mũi kim).Và mãi sau này trong nghiệp thơ của hắn thì Cỏ May vẫn phảng phất hiện ra như niềm đam mê không dễ gì dứt bỏ.

Nhưng nghĩ lại, mình tự an ủi, biết đâu hắn cũng quê như mình, nhưng để viết thơ hắn phải về quê đi thực tế, tìm tòi, dò hỏi lại và biết đâu… trong buổi cơ chế thị trường này hắn có thể chi ra khoản tiền (rất nhỏ so với hắn) để nhờ một thằng bạn ở quê (mà bây giờ đã là một lão nông) thu lượm và ghi chép lại cho hắn. Có thể chứ… thấy hợp lý, nhẹ cả người (!).

Chợ quê trong thơ hắn tất nhiên không hay không chuyên nghiệp bằng Chợ Tết của cụ Đoàn Văn Cừ  (khổ thân hắn vẫn ngồi chiếu dưới) nhưng hắn biết hàng chục chợ, chợ nào cũng thật ồn ào, sinh động với đủ các mặt hàng , đặc sản quê hương (Mớ cá, mớ tôm, xâu ếch, giỏ cua/ Sọt bưởi, sọt bòng, thúng na, rổ khế/ Hàng thóc, hàng gạo chỗ khảo chỗ đong/ Hàng lợn, hàng gà lồng to lồng bé). Nhưng có điều tôi ngộ ra rằng, hắn nói về chợ để nhớ, để kể về công lao mẹ hắn - người mẹ vì kế sinh nhai đã thành bà hàng xáo - vất vả , tảo tần chạy chợ nuôi một đàn con và trong tâm hồn ngây thơ, đói khát của hắn khi đó thì chút quà của mẹ đi chợ về cũng không kém phần quan trọng, vẫn  sống  trong ký  ức  hắn  tới  bây giờ (Quà cho con sang thì bánh đúc, bánh đa/ Mèng thì cũng là quả bỏng, gióng mía).

Như bao người dân khác, bây giờ kinh tế phát triển, có bát ăn, bát để người ta bắt đầu hoài cổ, tìm lại gốc gác gia phả, nhận họ nhận hàng và xây lăng tẩm cho họ trưởng, họ ngành…Hắn cũng tìm về quá khứ, lục tìm gia phả, tộc phả, tổ tông. Dù xa xôi và cũng còn trong “tương truyền”, hắn cũng có quyền tự hào về tổ tiên họ Phạm nhà hắn. Gia đình hắn, là điển hình về một gia đình Việt Nam đầu thế kỷ 20, đầy hy sinh, gian khổ nhưng rực lửa anh hùng mà bậc ông cha hắn cũng đáng là một tấm gương về tinh thần và ý chí của người nông dân Viêt Nam. Nhưng hắn viết về cái đó không chỉ là hoài cổ, là giới thiệu tổ tông mình mà điều mà hắn hướng tới là cho con cháu, những lớp người kế tiếp nhớ về tổ tông mà sống cho xứng đáng. Cứ nghe hắn dạy con (Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu/ Người ta nguồn gốc từ đâu/ Có tổ tiên trước rồi sau có mình...) . Đây chính là cái cốt lõi, cái trường tồn trong phạm vi hẹp là của 1 gia đình và trong phạm vi rộng là của 1 quốc gia.

Hắn, nhà quê ra tỉnh (Nhà quê khí huyết tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân), trở thành nhà Văn, nhà Giáo, nhà Báo, nhà Thơ nhưng trong sâu thẳm, từ hình hài đến cách nghĩ hắn vẫn là một đứa con của nông thôn Việt Nam và khi lìa bỏ cõi đời hắn cũng muốn trở về với đất, thành cây Cỏ May mọc trên đất quê hương (Cuối cùng thì đất lên ngôi/ Tôi hoá thành cỏ hát lời hư vô).

Phần 2 của trường ca, hắn viết về phố, về Hà Nội với đầy đủ những thay đổi, thăng trầm, về con người và cảnh sắc Hà Nội. Tài hoa của hắn, cũng như khi viết về nông thôn, lại nở rộ như một nhà Hà Nội học trong thơ. Tôi mạo muội nói thế, nói hay cho hắn, còn thực sự thế nào thì phải để các nhà Hà Nội học thực thụ, hoặc chí ít cũng là dân Tràng An nhận xét và đánh giá.  

Hà Nội, 12.12.2009
NGÔ MẠNH TUẤN
Theo NVTPHCM

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:




Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

“NGƯỜI ĐÀN BÀ QUA HAI MÙA TÓC” VÀ TÂM THỨC HIỆN SINH TRONG THƠ ANH HỒNG

Phải chăng tâm thức hiện sinh trong cõi thơ Anh Hồng ở tập thơ Người đàn bà qua hai mùa tóc cũng chính là một trong những phẩm tính của thơ ca còn lại với thời gian và cuộc sống...

Nhà thơ Bùi Giáng, một trong những “quái kiệt” của văn chương miền Nam trước 1975 đã xem thơ là thế giới của mộng tưởng, của nhiệm mầu, của ám ảnh vô thức và tâm linh khi ông cho rằng: “Cõi thơ là cõi bồng phiêu”. Vì vậy, người làm thơ tất nhiên phải “phiêu bồng” trong cõi mơ tưởng ấy thì mới có thể sáng tạo nên thế giới thơ cho riêng mình, nếu không chỉ là sự tái tạo ra một sản phẩm tương tự như thơ chứ không phải là thơ, điều mà hiện nay đang tràn ngập ngổn ngang trong đời sống văn học, làm cho người đọc quay lưng với thơ. Và như vậy, vô hình trung giá trị của thơ đã bị hạ thấp, biến thành một món hàng ế ẩm trong siêu thị văn học của đời sống hiện đại.
Nhà thơ Anh Hồng (Cao Thị Hồng)

Rất may, thơ Anh Hồng không rơi vào bi kịch ấy và thật sự là một giá trị khi chị biết tạo cho mình cõi thơ riêng – một điều rất cần cho sự sáng tạo văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Bởi, nếu không sáng tạo được cõi riêng cho mình thì nhà thơ sẽ tự đào huyệt chôn mình trong nghĩa trang thơ. Đọc Người đàn bà qua hai mùa tóc (Nxb. Hội Nhà văn, 2014) của Anh Hồng, cái cõi riêng ấy đã hiện hữu trong thơ chị như một tâm thức hiện sinh với những câu hỏi về thân phận, về hiện hữu, về bản thể, về nỗi cô đơn phận người mà không phải sống ở đời ai cũng ý thức về điều ấy. Bài thơ mở đầu như một tuyên ngôn mang tâm thức hiện sinh ám ảnh suốt tập thơ.

Từng mảnh Tôi
Từng mảnh Tôi
Tan vỡ
Chơi vơi
Tìm nơi náu mình
Trên ngọn cỏ...
...
Mặt đất lè tè
Ngọn cỏ thấp
Từng mảnh Tôi
Lặng lẽ...
Tìm Tôi...

      (Mở)
      
Việc trăn trở về sự hiện hữu của bản thể trong thơ Anh Hồng không phải là điều mới lạ. Bởi đây là vấn đề nhân loại luôn khát khao kiếm tìm và lý giải từ nhiều điểm nhìn triết học khác nhau. Và trong thơ vấn đề bản thể luận cũng được  nhiều thi nhân đề cập đến như một tâm thức hiện sinh. Nhà thơ Chế Lan Viên, trong Điêu tàn đã từng tự vấn: “Ai bảo giùm: Ta có, có ta không?”... Nhưng Anh Hồng lại tìm cho mình một cách thể hiện riêng về tâm thức hiện sinh. Nhà thơ không những đi tìm cái “Tôi hiện hữu” mà còn đi tìm từng “mảnh vỡ” của cái “Tôi” ấy. Và những mảnh vỡ của cái “Tôi” này đã hóa thân vào những phận người chảy dài trong dòng sông cuộc đời mà thi nhân trải nghiệm được thể hiện khá sâu sắc ở các bài thơ: Khúc ca về những dấu chân; Đêm Mường Bi, lắng nghe; Tương phản; Giọt nước mắt từ kinh Vu Lan; Ám ảnh; Đêm Lào Cai; Chiều đông, đồng Phú Thọ; Mảnh vỡ... mà khi đọc lên ta không khỏi thấy đắng chát cõi lòng.

... Muôn dấu chân đi, về...
Dấu chân in hoa lên đá
Dấu chân lấp lóa biển khơi
Dấu chân mang tiểu sử một kiếp người
Dấu chân lung linh hào quang huyền thoại...
Nội ơi!
Dấu chân nào của nội
Trong đêm biển cả tan hoang...
Chỉ có dấu chân đi không thấy dấu chân về?

                  (Khúc ca về những dấu chân)

Đó là niềm khắc khoải khôn nguôi về thân phận con người với những nỗi nhọc nhằn như một định mệnh có từ thuở hồng hoang của nhân loại được nhà thơ cảm nhận một cách tinh tế với sự thấu thị của một tâm thức hiện sinh.

Đêm Mường Bi
...
Nghe văng vẳng nỗi buồn lạc về từ miền cổ tích
Hoang hoải một cánh rừng
In dấu lên cái nhìn của Mẹ
Hằn vết trong khóe mắt của Cha...
...
Cuộc sinh nở chưa tròn...
Ôi! Những kiếp người dằng dặc mưu sinh...

                 (Đêm Mường Bi, lắng nghe)

Đó là hình ảnh những người chồng mất tích giữa biển khơi để lại trên cõi đời khốn khổ này những người vợ, những đứa con mà cuộc đời cũng tròng trành trong biển khổ của cuộc mưu sinh mặn đắng:

Ám ảnh
Một trưa nắng lửa
Hậu Lộc xứ Thanh
Những người chồng mãi mãi chìm sâu dưới đáy đại dương sau cuồng phong của biển
Những người vợ trên đầu trắng khăn tang
Quỳ gối trần trên lưng cát bỏng
Nạo vét mấy con ngao
Lũ trẻ con tóc cháy khét, mũi dãi chảy lòng thòng
Ráo cổ họng rao bán mấy bánh đa, vài gói bim bim kẹo lạc
Đôi mắt chúng đong đầy màu mưa nắng
Mây trời âm u
Ánh nhìn trẻ con già như biển cả
Trước những đồng xu lẻ leng keng...

                             (Ám ảnh)
Đó còn là hình ảnh những đứa trẻ H’Mông khốn khổ trên đỉnh Mãpìlèng đang vật lộn với thiên nhiên đầy khắc nghiệt của núi rừng để tồn tại mà dẫu có giàu tưởng tượng đến mấy chúng ta cũng không thể nghĩ rằng điều đó vẫn đang hiện hữu trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay!?

Chúng cởi trần giữa hai đợt lạnh tái tê buốt giá
Chân trần chạy trên đá tai mèo sắc nhọn
                                                    máu tươi rớt dưới chân ngô.
        hay hình ảnh những người đàn ông Phù Lá
Hoàng hôn phủ đầy ánh mắt
Héo hắt nụ cười...
              Cả đời không bao giờ bước chân rời khỏi hẻm núi  cheo leo...

                                                             (Ám ảnh)

Những mảnh đời bất hạnh ấy luôn là niềm khắc khoải, ám ảnh tâm thức nhà thơ trong từng sát na của hiện hữu. Đó cũng là nỗi đau bất tận luôn dằng xé, cào cấu tâm hồn người viết, nỗi đau như giông bão triền miên tràn về mà khi đọc lên, ta không khỏi se sắt cõi lòng:

Giông tố quất vào hồn tôi mỗi chiều, mỗi đêm mỗi sáng,
Mỗi sáng, mỗi chiều, mỗi tối, mỗi đêm đêm...

                                                     (Ám ảnh)

Nhưng có lẽ cái ám ảnh thường trực nhất, bao trùm nhất của tâm thức hiện sinh tạo thành cõi riêng trong thơ Anh Hồng đó chính là thân phận của Người đàn bà với những cơ cực, những khổ đau, những vui buồn, những đam mê và khát vọng, điều mà Nguyễn Du đã khái quát trong Truyện Kiều nổi tiếng:

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
       
Và chính điều này đã góp phần lý giải vì sao Anh Hồng lại lấy tựa đề cho tập thơ của mình là Người đàn bà qua hai mùa tóc.

Tôi rất ấn tượng với tên của tập thơ. Theo cảm thức thông thường để đếm bước đi của thời gian, người ta nói đến bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông chứ có bao giờ dùng “mùa tóc” để chỉ bước đi của thời gian!? Thế mà ở đây, bằng sự nghiệm sinh và sự cảm nhận tinh tế của Người đàn bà, Anh Hồng đã lạ hóa khái niệm về thời gian qua hình ảnh thơ đầy tính độc sáng: “Người đàn bà qua hai mùa tóc”. Mùa tóc ở đây không chỉ đơn thuần mang ý niệm thời gian mà còn chứa trong đó biết bao vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau của số phận con người...

Người đàn bà qua hai mùa tóc
Đôi mắt nâu mang theo ánh nhìn của biển chiều đông
Giông bão lật tung những giấc mơ chở đầy màu tro của đất
Với tay, không kịp túm lại chút mong manh còn lại
Mặt trời lẫn vào đêm...
Người đàn bà tự dắt mình bước qua định mệnh
Từng nhích nhích hao mòn
Từng ngón gầy xanh xao mỗi ngày bừng giấc mơ lạ lùng mê hoặc...
Ngỡ chạm búp non...

                     (Người đàn bà – những giấc mơ)
  
Và đây là cảm hứng chủ đạo, bao trùm tâm cảm thi nhân, quán chiếu trong cả tập thơ làm nên một cõi riêng trong thơ Anh Hồng như một ám ảnh của tâm thức hiện sinh. Vì vậy, trong tập thơ có nhiều bài nói về cuộc sống của Người đàn bà với những cảnh đời, những số phận, những vui buồn, những đam mê và khát vọng khác nhau... Đó là các bài thơ Tương phản; Thèm; Lời muốn nói; Những dòng tin để lại; Người đàn bà – những giấc mơ; Người đàn bà trên cao nguyên đá; Người đàn bà với trò chơi tiếp sức; Tình yêu; Nguồn sống; Giấc ngủ của em anh cất giấu nơi  đâu?; Người đàn bà ngồi bên ô của sổ; Ghép chữ... Và mỗi bài thơ như có một mảnh vỡ của cái “Tôi” thi nhân tan hòa trong đó. Vì vậy, cái nhìn của Anh Hồng về số phận những Người đàn bà trong thơ là cái nhìn sẻ chia, đồng cảm, đồng điệu trước những bất hạnh mà họ gánh chịu... mà khi đọc lên lòng ta không khỏi quặn thắt một nỗi niềm trắc ẩn.

Nhẫn nại bước chân đi, về
Người đàn bà xóm Bến
Gò lưng kéo những chuyến hàng thuê
......
Người đàn bà – chiếc áo không màu – chiếc xe cũ nát.
Chìm lấp giữa những âm thanh xanh đỏ phố phường
.....
Đôi vai mỏng run run làn áo mỏng
Bóng xiêu xiêu đổ về phía mặt trời

                              (Tương phản)

Người đọc bắt gặp trong thơ Anh Hồng hình ảnh Người đàn bà H’Mông trên cao nguyên đá đang lặng lẽ âm thầm oằn lưng gánh “lũ ống, mưa rừng” và “ nắng hạ sém da, rét đông tê tái” với bao hiểm nguy để gieo mầm sự sống. Chính họ là những người đã truyền lửa cho cuộc đời nối tiếp cuộc đời ở một vùng núi cao, xa mờ, hoang sơ với thiên nhiên nghiệt ngã. Nếu không có một sự thấu cảm thì nhà thơ không thể nào viết được những câu thơ đầy ám gợi...

Người đàn bà H Mông lặng lẽ âm thầm
Đếm từng hạt đất màu treo trên từng kẻ đá
 .....
Người đàn bà H Mông
Nhẫn nại...
âm thầm...
nâng niu từng hạt đất...
Chắt chiu mầm sống
lớn lên...

         (Người đàn bà trên cao nguyên đá)
      
Hay hình ảnh Người đàn bà đang đánh đu cuộc đời với những đỏ đen của “trò chơi số phận” mà Anh Hồng đã khái quát thật tinh tế và đầy chất nhân văn qua “trò chơi tiếp sức” trên truyền hình mà nếu không có tấm lòng cảm thương trước những được mất của phận người thì không thể nào nhận ra điều bi kịch ấy.

Người đàn bà đôi vai mỏng như lá lúa
Đánh cuộc
Thảng thốt
 Với từng nhấc tay
Trắng đỏ trắng đỏ...
 Ba đứa con thơ bệnh tật giày vò
Đang chờ mẹ
Với trò chơi Tiếp sức
Để chơi tiếp
Trò chơi số phận
Nghiệt ngã... mông lung

      (Người đàn bà với trò chơi Tiếp sức)

Tuy nhiên cái tâm thức hiện sinh làm nên cõi riêng trong thơ Anh Hồng không chỉ dừng lại ở những nỗi đau với những vất vả lo toan từ cuộc sống thường ngày của Người đàn bà mà ẩn sâu trong đó còn có nỗi cô đơn thân phận với những đam mê cháy bỏng trong tình yêu mà chúng ta thường bắt gặp trong thơ Nữ Việt hiện đại với những gương mặt tiêu biểu như: Vy Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Cát Du, Đoàn Ngọc Thu, Ngô Thị Hạnh... Và cũng như trong thơ của các nhà thơ Nữ Việt hiện đại dấu ấn của thuyết “Nữ quyền luận” cũng hiện rõ trong thơ Anh Hồng. Phải chăng, chính cảm thức “Nữ quyền” này đã giúp Anh Hồng nói riêng và các nhà thơ Nữ hiện đại Việt Nam nói chung có thể vượt qua những rào cản đạo đức khắc nghiệt của một thời để nói lên những “khát vọng thành thực” (từ dùng của Hoài Thanh- TM) từ bản thể của mình.

Nhà thơ Vi Thùy Linh đã từng xác quyết trong thơ mình cái khát vọng sống và yêu của người phụ nữ thật mãnh liệt:

Khu vườn ắng lại chỉ còn anh và em
Khởi đầu phận sự thiêng liêng
Những cặp chân khóa chặt nhau khước từ chân lý

                      (Anh sẽ ru em ngủ - Đồng tử)

Đây cũng chính là những biểu hiện mạnh mẽ nhất tâm thức hiện sinh trong cõi thơ Anh Hồng với bao khát vọng kiếm tìm vốn là một yếu tính của tình yêu.

Tìm đâu, tìm đâu
Không – Cô – Đơn ?
Cô đơn  nhảy múa điên cuồng
Muốn thiêu ta thành tro bụi
Chỉ muốn bay lên
Bay lên... thăm thẳm... bay lên...

                     (Trạng thái)

Và chính trong trạng thái cô đơn đến rợn ngợp này đã làm bùng cháy những khát vọng yêu đương đầy nhục cảm nhưng rất nhân bản của con người. Vì vậy, khát vọng ái ân ấy không hề tầm thường mà chứa đựng một giá trị nhân văn sâu sắc. Nó như một thông điệp tình yêu vừa thực lại vừa mộng.

Thèm một cái ôm ghì siết của anh
Để phiêu diêu vào cõi thiên đường
Của Eva và A Đam
Thèm anh ở trong em thăm thẳm
Thiêu đốt tận cùng bằng ngọn lửa
Ăn cắp của thần Dớt trên đỉnh Olympus
Nếu một ngày...
Không còn thèm gì nữa
Có nên quẳng đời vào Recycle Bin ???

                                     (Thèm)
      
Vâng! Con người có rất nhiều thèm khát. Nhưng vấn đề là ta có dám nói ra những thèm khát của mình một cách thành thật hay không, hay cứ che đậy những thèm khát ấy dưới những mặt nạ đạo đức để rồi thực hiện nó trong bóng tối!? Thơ Anh Hồng đã nói lên rất thành thực nỗi khát khao của Người đàn bà trong cuộc sống. Bởi hơn ai hết Anh Hồng đã ý thức rất sâu sắc về sự mỏng manh và hư hao của kiếp người trong cuộc đời mà sự hư hao ấy ở Người đàn bà lại càng vô cùng cay nghiệt và đớn đau.

... Nửa yêu thương dành lại cho mình
Là chiếc bóng chập chờn trong hoang hoải
Lặng  lẽ quỳ giữa hai mùa tóc
Em bối rối ... giật mình
Tro hoa hồng lả tả trắng không gian...

                  (Dành lại cho mình)

Triết gia Heraclite đã xác quyết: “không ai có thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”. Và cuộc đời mỗi người không thể sống hai lần. Vì vậy, khi con người ý thức về sự hiện hữu của mình trên cõi đời thì sẽ trân quí hơn cuộc sống và khi đó mọi cái đi qua đời mình đều trở thành những giá trị. Điều này ta cũng bắt gặp trong thơ Anh Hồng khi nhà thơ ý thức rằng sự hiện hữu của thân phận cũng vô cùng mong manh và hư ảo và những gì đi qua trong cuộc đời rồi cũng hư hao theo năm tháng  của kiếp phù sinh.

Qua đi, qua đi những khoảnh khắc mong manh như lá
Qua đi, qua đi những ánh chớp vui, buồn...
Để một ngày chợt ngắm vầng trăng khuyết
Biết hao gầy thao thức giấc chiêm bao...
Để một ngày lặng nghe lòng buốt xót
Hiểu cát cũng buồn nếu không biển mênh mông...

                                         (Để một ngày)

Chính vì ý thức qui luật của hiện hữu trong cuộc đời hư ảo với một tâm thức hiện sinh mạnh mẽ nên khát vọng của người đàn bà trong thơ Anh Hồng nhiều khi cũng bùng nổ những cảm xúc mãnh liệt mà nhà thơ gọi đó là những “nguồn sống”. Bởi lẽ, nếu không có những đam mê rất Người này liệu cuộc sống sẽ còn có ý nghĩa gì? Và lúc đó con người sẽ tự cật vấn là mình đang tồn tại hay đang sống!? Bởi nói như Phạm Công Thiện:“Thơ làm tôi sống lại – Thơ giải thoát tôi ra khỏi vòng tù hãm nhọc nhằn của cuộc sống. Thơ đặt tôi trước cuộc sống.”(1)
           
Rất muốn
Mỗi khi trong em cảm giác sắp nổ tung thành muôn mảnh
Được gục đầu vào anh chỉ thoáng chút thôi...
Nhắm mắt
Hít mùi nồng nàn quen thuộc
Ôm bờ vai anh
Và thấy mình phiêu diêu, phiêu diêu...
...
Bờ vai anh
Nồng nàn, hăng hắc
Rất - đàn - ông
Đã mang đến cho em
Nguồn sống

   (Nguồn sống)
      
Và khát vọng tình yêu đó không chỉ là “nguồn sống” mà còn là nội lực làm nên sức mạnh giúp Người đàn bà vượt lên những muộn phiền, những đớn đau của thân phận để được sống đúng nghĩa với hai tiếng Con Người:

Siết chặt thân thể nhau trong vòng tay êm ái
Đêm choàng áo dịu dàng
Anh hút chặt em vào miền quên lãng
Gột rửa ưu phiền
Chỉ còn lại
Tiếng thì thầm mộng mị như nhung
Em!
Anh!
Em!!!!!!

             ( Tình yêu)
        
Như vậy, tâm thức hiện sinh trong thơ Anh Hồng không chỉ thể hiện những vật vã, đau đớn của con người trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn với bao thân phận nổi chìm mà còn bộc lộ rõ khát vọng cháy bỏng, đê mê trong tình yêu, chạm vào những điều sâu kín nhất trong bản thể con người. Đây chính là những giá trị nhân bản là yếu tính làm nên tâm thức hiện sinh trong tập thơ Người đàn bà qua hai mùa tóc của Anh Hồng. Bởi theo sự xác quyết của Cyprian Norwid: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái... không còn gì khác”.

Phải chăng tâm thức hiện sinh trong cõi thơ Anh Hồng ở tập thơ Người đàn bà qua hai mùa tóc cũng chính là một trong những phẩm tính của thơ ca còn lại với thời gian và cuộc sống...
                    
        Xóm Đình An Nhơn, 11.2014
TRẦN HOÀI ANH
Theo NVTPHCM 

____________
 (1)Phạm Công Thiện Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Nxb. An Tiêm SG. 1970, tr. 217.


TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:



BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...