Nhà văn Nguyên Ngọc
Tạng văn Nguyên Ngọc dường như chỉ phát huy đến tối đa
năng lực và sức hấp dẫn của nó khi ông dùng đến thể ký. Tập ký gần đây nhất
của Nguyên Ngọc, Các bạn tôi trên ấy (NXB Trẻ, 2013), viết về
Tây Nguyên, gợi lên khá nhiều điều cần phải suy ngẫm. Nghĩ lại, và nghĩ tiếp.
Trong số hai mươi tư bài của tập ký, bài Nước mội,
rừng xanh và sự sống là một bài khá lạ. Nguyên Ngọc không đưa người đọc
vào không gian của cao nguyên Nam Trung bộ ngay, mà ông kéo người đọc xuống biển,
đúng hơn là xuống vùng đất mấy trăm cây số ven biển Nam Trung bộ, nơi miên man
những cồn cát lớn, nơi vốn mặc định trong ý nghĩ của rất nhiều người chúng ta
là đất nghèo, nghèo xác nghèo xơ.
Có thật là thế không, có luôn là thế không, khi trong quá
khứ, chính ở vùng đất này đã từng hiện diện một vương quốc Champa cực kỳ thịnh
vượng? Sự thịnh vượng ấy từ đâu mà có? Câu trả lời: từ nước mội. “Nước
mội là nước rỉ ra từ các chân đồi cát, trong veo, mát lạnh, tinh sạch đến mức
có thể bụm vào lòng bàn tay, ngửa cổ uống ngay ngon lành. Ở đây người ta vỡ ruộng
ngay trên cát, các đám ruộng được gọi là “thổ”, những đám thổ trồng đủ các loại
hoa màu. Ở góc thổ bao giờ cũng có một chiếc ao nhỏ, cạn thôi, nhưng quanh năm
lúc nào cũng đầy ắp nước, tát đi lại đầy ngay, cả trong những mùa nắng hạn gay
gắt nhất” (tr.44).
Vậy đó, nước mội giúp người dân xứ cát phát triển sản
xuất nông nghiệp. Nó cũng giúp họ phát triển hoạt động giao thương biển,
khi ít nhất, dù muốn hay không, thương thuyền quốc tế khi qua các cảng biển
ở đây vẫn phải cập bờ để “ăn” nước ngọt. Ngọn nguồn của nước mội ở đâu? “Chính
rừng Tây Nguyên, từ trên Trường Sơn rất xa xôi kia, đêm ngày, hàng triệu triệu
năm nay, như một người Mẹ vĩ đại, bao dung mà tảo tần, hứng lấy tất cả các nguồn
nước của đất trời, cất lấy, để dành, tằn tiện, tuyệt đối không phí mất một giọt
nào, để từng ngày từng ngày chắt chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng
của mình, cho sự sống có thể sinh sôi nảy nở, trường tồn trên dải đất cát trông
chừng rất khắc nghiệt kia” (tr.46). Từ xa đến gần, rốt cuộc rồi Nguyên
Ngọc lại trở về với Tây Nguyên, quê hương tinh thần, vùng yêu (mà cũng là vùng
đau) của mình.
Bằng các trang viết về Tây Nguyên trong tập sách,
Nguyên Ngọc đã làm hiển lộ một Tây Nguyên với tất cả sự huyền ảo, mê đắm, đơn
giản mà minh triết một cách đặc dị của nó. Có thể nói, xuyên qua những biểu
hiện phong phú đến rậm rịt của đời sống, của văn hóa các tộc người Tây Nguyên,
ông đã tìm thấy “yếu tố nền”, có ý nghĩa chi phối mọi dạng thức tồn tại ở nơi
đây. Đó là Rừng. Tây Nguyên chính là rừng. Nguyên Ngọc khẳng định: “Ở
Tây Nguyên, rừng là tất cả, bao trùm. Khởi nguyên là rừng. Chúa dạy: Khởi đầu
là Lời. Ở đây, khởi đầu là Rừng. Nguyên lai là rừng. Rừng là bắt đầu và tận
cùng của mọi thứ trên đời này. Như không gian, như thời gian, vô tận”
(bài Người về Kông Chro, tr.177).
Một không gian rừng, một thực thể rừng kỳ lạ và kỳ diệu.
Nó tỏa ra một sức hút, một sức ám đến không thể cưỡng lại được đối với con người.
Rải suốt các bài ký, Nguyên Ngọc đã kể cho ta biết, một cách thật thú vị,
về nhiều con người bị rừng Tây Nguyên “ám” như thế nào: Nhạc sỹ Y Yơn, nghệ sỹ
múa Giang Nga, họa sỹ Su Man, một ông phó tư lệnh quân khu người Hre, rồi Hruck
– con trai anh hùng Đinh Núp v.v… toàn những người đang công
tác sinh sống yên lành bình thường giữa cộng đồng, bỗng chốc biến mất.
Họ “về rừng”, về chỉ để lang thang trong rừng vài ngày, rồi trở lại.
Thậm chí có những con người vốn sinh ra và trưởng
thành trong một không gian xã hội khác hẳn, khi đến với rừng Tây Nguyên, lập tức
bị chiếm lĩnh hoàn toàn, họ sống trong rừng Tây Nguyên như những người Tây
Nguyên suốt hàng chục năm trời. Đó là trường hợp của các nhà dân tộc học
Jacques Dournes (tác giả cuốn P’tao, một lý thuyết về quyền lực ở người
J’rai Đông Dương) và Georges Condominas (tác giả cuốn Chúng tôi ăn
rừng) – những “ông Tây” đã yêu Tây Nguyên và đã thực sự “sống Tây
Nguyên”. Nhưng như vậy thì mới chỉ là sự ghi nhận rừng Tây Nguyên ở bề mặt,
ở lớp vỏ. Một người gắn bó với Tây Nguyên hơn nửa cuộc đời - cũng là người,
nói như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, “đi rất rộng trong văn hóa,
đi rất sát với cuộc sống, với nhân dân, và đi rất sâu trong tư duy” -
như Nguyên Ngọc, ắt sẽ còn phát hiện từ đó nhiều điều hơn thế nữa.
Rừng là sức hút và rừng cũng là sức đẩy. Rừng là đam mê
và rừng cũng là nỗi sợ. Nếu như tôi không nhầm, có lẽ Nguyên Ngọc là người
đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến lúc này nhận ra rằng: “Con người Tây
Nguyên là con người sống rất chông chênh, trên một ranh giới mong manh,
bên này là rừng bên kia là xã hội. Họ luôn bị níu kéo giữa hai bên… Tây Nguyên
chính là thế chông chênh kia, một thế chông chênh bền vững, một thế bền vững
chông chênh” (bài Các bạn tôi ở trên ấy, tr.72).
Cái thế chông chênh ấy lý giải tại sao người Tây Nguyên,
vẫn phải sống ở làng, nhưng lại có những lúc bất chợt tan biến mất vào rừng,
lang thang vô định trong rừng, như một thôi thúc tự thân, không thể không thỏa
mãn, cho dẫu họ luôn ám ảnh nỗi sợ bị sảy chân, bị rơi tõm vào cái âm u hoang
dã của rừng.
Cái thế chông chênh ấy lý giải tại sao vào mùa Ninh
Nông hàng năm, khi lúa đã gặt xong, mọi cư dân trong làng người Xơ Đăng lại
bỏ tất cả nhà cửa, vật dụng, quần áo mà vào thật sâu trong rừng mươi ngày, nửa
tháng, hái lượm tìm cái ăn, cọ đá vào nhau để làm ra lửa, dùng cái cây mà ném
con thú… như người nguyên thủy, và năm nào cũng vậy.
Cái thế chông chênh ấy cũng lý giải tại sao đi giữa
rừng Tây Nguyên, thỉnh thoảng ta lại bắt gặp một khoảnh đất lạ, mang dấu vết của
một nơi từng là làng: mấy cây mít, xoài, vài bụi ớt hiểm, mấy cây cà đắng, dăm
cột nhà cháy… Người Gia Rai gọi đó là rngol, “Rngol là một khoảnh nhỏ con
người đã mượn của rừng để thuần hóa làm làng, plei, làm văn hóa, nay lại trả về
cho rừng, và hoang dã đang chiếm lại, rất nhanh. Cũng có thể một hôm nào đó con
người lại đến đây, lại mượn thêm lần nữa, thuần hóa cho mình một đoạn khúc nào
đó, rồi lại trả, cho thành rngol, rồi lại mượn, làm plei, và lại trả…”
(bài Akhan, mùa xuân, tr.248).
Cứ thế, trên thực địa Tây Nguyên của mối quan hệ rừng,
đại diện cho tự nhiên, và người, đại diện cho văn hóa, Nguyên Ngọc đã tiến
tới một nhận thức mang tính biện chứng về quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên: “Văn
hóa là sự cố gắng bứt ra của con người khỏi tự nhiên, bứt ra nhưng vẫn cứ phải
dính liền, không chìm nghỉm trong ấy nhưng vẫn còn phải nhúng rễ rất sâu trong ấy,
nếu không muốn khô khốc, cằn cỗi, chết rụi” (bài Các bạn tôi ở trên
ấy, tr.72). Đây là một nhận thức quan trọng, theo tôi, quan trọng đến mức
nó có thể và cần phải trở thành kim chỉ nam cho một định hướng phát
triển bền vững về mọi mặt ở Tây Nguyên, và không phải chỉ ở Tây Nguyên.
Trước hết, nó giúp ta hiểu rằng với con người thì tự
nhiên chính là bào thai mẹ, là nguồn dưỡng chất, là cái Gốc. Cái cách mà chúng
ta đã và đang làm với rừng Tây Nguyên – chặt và đào, hùng hục khai
thác, tàn phá rừng đến cùng kiệt – không gì khác hơn, chính là hành động triệt
hạ cái Gốc kia. Khô hạn và lũ lụt từ đấy mà ra. Và con người Tây Nguyên, khi
không còn rừng nữa, còn có chỗ nào để họ thỉnh thoảng tan biến vào, tự làm mới
lại tâm hồn mình bằng cách tắm gội trong ngọn nguồn nguyên thủy?
Còn có không gian nào để từ đó những lễ và hội, những nhà
rông nhà dài, những đêm akhan miên man, những ché rượu cần, những cồng và
chiêng, những cuộc diễn tấu Klong Put tự nhiên và đầy ngẫu hứng… tồn tại, vận
hành trong một thể thống nhất, hữu cơ? Không ít lần Nguyên Ngọc đã lo
sợ: “Tây Nguyên đang mất gần sạch rừng xanh rồi. Đại ngàn thì tuyệt đối
không còn. Tất cả đang trống trơn, phơi ra đỏ ngầu đất trơ khô cháy. Con người ở
đấy rồi sẽ ra sao đây? Thú thật, tôi chưa biết, chỉ lo sợ. Rất lo sợ”
(bài Tây Nguyên, mùa lễ hội, tr.270).
Thứ hai, nhận thức trên sẽ giúp ta hiểu đúng về đặc điểm
của văn hóa tộc người, tránh được những ngộ nhận, nhờ thế, không ứng xử sai và
không dẫm phải vết xe đổ của sự áp đặt văn hóa. Trong tập bút ký này, Nguyên Ngọc
đã nêu nhiều dẫn chứng chứng minh điều đó. Người ta xúc phạm đến người Tây
Nguyên khi “cả gan” hỏi mua hoặc đặt làm tượng nhà mồ chỉ vì không hiểu rằng
tượng nhà mồ không phải thứ làm ra để bán, người chế tác tượng (có thể là bất kỳ
ai) không hề nghĩ mình là nghệ sỹ đang sáng tạo nghệ thuật, anh ta thậm chí còn
không có chủ định làm ra pho tượng nữa kia. “Ở Tây Nguyên không có người nghệ
sỹ chuyên nghiệp. Người ta không làm nghề nghệ thuật. Nghệ thuật tuyệt đối
không phải một nghề. Nghệ thuật là đời sống, cách sống, thế thôi. Là hơi thở,
là không khí… Ở Tây Nguyên, vậy đó, người ta làm nghệ thuật vì chẳng đừng được.
Vì một khao khát tự bộc lộ, tự biểu hiện, tự bóc mình ra, đột ngột ập đến,
không cưỡng lại nổi” (bài Tượng gỗ rừng già, tr.33, 34,
35).
Người ta đã vô duyên, đã phí tiền của công sức khi
làm và “đem cho” làng Tây Nguyên cái nhà rông đúng kiểu truyền thống, vì
không hiểu rằng nhà rông phải do tự làng làm lấy, sống đời sống của làng, nó
chính là linh hồn của làng. “Một cái nhà rông đem cho, dù người cho là ai,
dù với thiện chí chân thành đến bao nhiêu và đẹp đẽ đến mấy, sao chép giỏi đến
mấy kiểu nhà rông đúng nhất, cổ xưa nhất, vẫn là một ngoại vật, một dị vật
trong đời sống của làng” (bài Nhà rông, hồn của làng, tr.57).
Cuối cùng, quan trọng hơn cả, nhận thức trên sẽ giúp
ta hiểu đúng giá trị của văn hóa tộc người, từ đó tránh được sự kỳ thị
(công khai hoặc ngấm ngầm) về văn hóa. Còn nhớ, vào những năm năm mươi của thế
kỷ XX, trong một hội thảo quốc tế về chống phân biệt chủng tộc, nhà dân tộc học
lừng danh thế giới Claude Levy Strauss trình bày một bản báo cáo có tên Lịch
sử và chủng tộc (đã có bản dịch tiếng Việt, của Huyền Giang) trong đó
ông nhấn mạnh: không có những nền văn hóa tộc người cao hơn hay thấp hơn, mà chỉ
có những nền văn hóa tộc người khác nhau.
Đọc tập bút ký của Nguyên Ngọc, thấy rõ ràng văn hóa Tây
Nguyên là một nền văn hóa khác biệt, và là một sự khác biệt cần phải, rất đáng
được trân trọng, cho dẫu đó là sự khác biệt của một thiểu số. Có thể nói,
Nguyên Ngọc đã trầm mình vào nó, quan sát, cảm nhận, đánh giá nó với tư cách của
một người bên trong chứ không phải một người ở bên ngoài hay ở bên trên. Bởi
thế, dễ hiểu tại sao ông đã viết, với đầy sự tự hào về vẻ đẹp của nhà rông Tây
Nguyên, vẻ thanh nhã cao quý của già làng Tây Nguyên trong đêm kể sử thi.
Bởi thế, dễ hiểu tại sao ông đã viết, rất say sưa và
đầy sự đồng cảm, về bản tính thích đi lang thang vô định của người Tây Nguyên,
quan niệm của họ về cái sống và cái chết, đàn ông và đàn bà, hôn nhân và tình dục,
làm và chơi, tích lũy và đem cho v.v… Phải đắm đuối với Tây Nguyên đến thế
(đắm đuối nhưng tỉnh táo!) ông mới có thể làm được một sự liên hệ thú vị giữa
lễ thổi tai với rượu cần, và nhận ra ở đó một triết lý:
“Nhớ và quên, ngẫm mà xem, phải chăng nói cho cùng đó
là hai lẽ sinh tồn tuy hai mà một, hai mặt chủ yếu không thể tách rời của công
cuộc làm người ở đời. Không biết nhớ thì hiển nhiên không thể là con người rồi.
Song sống mà không biết quên, không có những lúc biết quên đi đến mức “nẻ cả lỗ
tai” thì cũng chẳng thể nào sống nổi trên cõi nhân gian biết mấy khổ đau, quá
phức tạp và nhiêu khê này. Cuộc đời này, phải chăng lắm lúc cũng đáng quên biết
bao nhiêu, quên phứt đi cho rảnh, cho rồi, mà ngẫm cho cùng cũng lại đáng sống
để mà nhớ lấy biết bao nhiêu” (bài Lễ thổi tai và rượu cần,
tr.314).
Đó là minh triết mà Nguyên Ngọc nhận được từ văn hóa Tây
Nguyên. Minh triết của rừng.
HOÀI NAM
Theo Người Đô Thị
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét