Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

NHÀ VĂN LÀM NGHỀ GÌ?

Nhà văn làm nghề gì? Câu hỏi đặt ra có vẻ hơi lạ tai, nhưng lại không mâu thuẫn chút nào hết. Đa số các nhà văn, nghề chính của họ không phải là viết văn, mà là một nghề hoàn toàn khác, hoặc trước khi đến với văn chương, họ đã làm vô số những nghề rất xa với việc viết.
Từ trái qua: Các nhà văn Gacía Márquez, Haruki Murakami và Coetzee.

Raymond Carver là một tác giả truyện ngắn lừng danh của nước Mỹ. Trước khi đến với văn chương và trong giai đoạn đầu, Raymond Carver làm bảo vệ cho một bệnh viện. Nhà văn quá nghèo, lúc nào cũng trong tình trạng thất nghiệp, kiếm được một chân bảo vệ bệnh viện là đã sung sướng nhất đời. Vì làm bảo vệ theo ca, những lúc rảnh rỗi, ông liền tranh thủ viết.

Vừa  gác đêm, vừa nuôi mộng văn chương nhưng Raymond Carver đã nhanh chóng thành công. Khi có người hỏi sao ông không viết tiểu thuyết mà chỉ viết truyện ngắn, Raymond Carver đã trả lời rằng, ông quá nghèo và đâu có nhiều thời gian.

Với truyện ngắn, ông có thể quay vòng nhanh, viết xong đăng báo có tiền nuôi gia đình ngay, chứ đợi hoàn thành một cuốn tiểu thuyết thì sẽ... chết đói! Và cứ nghĩ mà xem, với một anh bảo vệ bệnh viện thì lấy đâu ra thời gian để viết một cuốn sách thật dài, truyện ngắn là thể loại nhà văn canh tác phù hợp trong bối cảnh ấy.

Nhà văn Haruki Murakami, người Nhật Bản, trước khi viết văn đã từng làm chủ một quán bar chuyên chơi nhạc jazz, điều này giải thích cho việc trong các tác phẩm của Murakami có rất nhiều âm nhạc và tác giả thường cho nhân vật nghe một bản nhạc gì đó, ưa thích là nhạc jazz. Có lẽ dấu ấn của một thời làm một công việc khá xa lạ với văn chương đã giúp ích cho Murakami. Những đoạn ông miêu tả quán bar trong các tiểu thuyết mang nhiều dấu ấn kinh nghiệm và cảm xúc của một thời kinh doanh của ông.

Có lẽ làm báo là công việc gần gũi với văn chương nhất của các nhà văn. Gacía Márquez làm báo trong nhiều năm và là một tay cự phách. Ông là cây bút viết phóng sự nổi tiếng và từng làm phóng viên thường trú ở nước ngoài cho nhiều tờ báo, trong đó có hãng thông tấn Prensa Latina của Cu Ba và trở thành bạn thân của Fidel Castro.

Hemingway làm phóng viên cho một báo địa phương, tờ The Kansas City Star. Dù thời gian làm cho tờ báo này rất ngắn nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến văn phong của Hemingway trong suốt sự nghiệp của ông. Nếu ai đã từng đọc các tác phẩm nổi tiếng của Hemingway như “Giã từ vũ khí”, “Chuông nguyện hồn ai”, “Ông già và biển cả”... sẽ nhận thấy văn Hemingway thường là các câu ngắn, mở đầu cũng ngắn, ưa dùng thứ tiếng Anh ấn tượng, là một phong cách rất gần gũi với báo chí. Lừng lẫy ở sự nghiệp văn chương với giải Nobel năm 1954, Hemingway còn được vinh danh là nhà báo giỏi nhất trong 100 năm của tờ The Kansas City Star.

Ở Việt Nam, rất nhiều nhà văn đồng thời là các nhà báo. Thời tiền chiến, các nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Ngô Tất Tố... đồng thời cũng là các nhà báo lừng danh. Vũ Trọng Phụng được phong danh hiệu “ông vua phóng sự đất Bắc” với những bài viết đi sâu vào tìm hiểu đời sống nghèo khó của người dân đô thị.

Ngoài một sự nghiệp văn chương với những tác phẩm lừng danh như các tiểu thuyết “Số đỏ”, “Giông tố”... gia sản báo chí của Vũ Trọng Phụng cũng rất đáng kể với các tập phóng sự “Cạm bẫy người”, “Kĩ nghệ lấy Tây”, “Cơm thầy cơm cô”...

Còn Vũ Bằng vừa viết văn, vừa là phóng viên kiêm ông chủ của nhiều tờ báo có tiếng. Ông yêu những tờ báo của mình đến mức, khi không có giấy in báo, Vũ Bằng đã về nhà mẹ, nài nỉ bà cho vay tiền mua giấy để in báo. Với sự đam mê và năng nổ, cùng với tài năng, Vũ Bằng đã trở thành một trong những nhà báo xuất sắc và năng động nhất của báo chí Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Về nghề báo, ông có một tập hồi kí rất có giá trị: “Bốn mươi năm nói láo”.

Ngô Tất Tố xuất thân là một nhà Nho nhưng ông viết báo cho rất nhiều tờ báo khác nhau và đã viết hàng nghìn bài báo, nổi trội nhất là mảng tiểu phẩm và phóng sự với gần 30 bút danh, có người nói là hàng trăm bút danh, điều đó đã cho thấy sức làm việc, sức viết đáng nể của tác giả “Tắt đèn”, “Lều chõng...”.

Đến sau này, thời chiến tranh, các nhà văn đồng thời là nhà báo, chiến sĩ cũng không hiếm. Nhà văn Nguyễn Thi khi công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã xung phong vào Nam chiến đấu và trở thành phóng viên chiến trường. Ông đã hi sinh khi cùng với một cánh quân tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Nằm trong vùng chiến tranh, những tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Thi mang âm hưởng bi tráng và hào hùng của trận mạc và hậu phương đánh giặc như “Người mẹ cầm súng”.

Nhà văn Dương Thị Xuân Quý cũng từng là phóng viên chiến trường. Từ báo Phụ nữ Việt Nam, bà vào chiến trường và trở thành phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Dương Thị Xuân Quý hi sinh năm 1969 trong một trận càn của địch ở Quảng Nam. Danh sách các nhà văn đồng thời là các nhà báo rất dài, có thể kể thêm các gương mặt đương đại như Nguyễn Quang Thiều, Sương Nguyệt Minh...

Số nhà văn xuất thân từ nghề dạy học hoặc vẫn đang là giáo viên dạy học cũng không ít. Coetzee, nhà văn người Nam Phi đoạt giải Nobel năm 2003, nổi tiếng với những tiểu thuyết “Ruồng bỏ”, “Thời đại và cuộc đời của Micheal K”, “Đợi bọn mọi”... vốn là một giảng viên đại học nhiều trường danh tiếng. Philip Roth, một nhà văn lớn của nước Mỹ, tác giả của các tiểu thuyết “Người phàm”, “Vết nhơ của người”, “Báo ứng”... cũng là một giáo sư đại học.

Ở Việt Nam, những nhà văn xuất thân từ nghề giáo còn nhiều gấp bội. Nam Cao nguyên là một “giáo khổ trường tư” và những trang viết về những anh giáo nghèo xuất hiện trong nhiều tác phẩm của nhà văn, vừa khái quát chung về giới trí thức, văn nghệ sĩ nghèo khi đó, vừa mang những nét riêng của chính cuộc đời dạy học, viết văn của tác giả, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như “Sống mòn”, “Đời thừa”...

Ma Văn Kháng nguyên là giáo viên dạy học ở Lào Cai và nhờ “văn hay chữ tốt”, đã có thời gian ông làm thư kí cho Bí thư Tỉnh ủy. Và cũng giống như Nam Cao, quãng đời dạy học này đã ghi dấu trong nhiều tác phẩm của ông. Nguyễn Huy Thiệp cũng từng là giáo viên dạy lịch sử ở Sơn La. Y Ban làm giáo viên trường Y và còn rất nhiều những nhà giáo kiêm nhà văn khác.

Nghề báo, nghề văn có thể khá gần gũi với văn chương với những khuôn mặt kể trên, nhưng cũng có những người xuất thân từ những công việc rất khác xa. Tạ Duy Anh từng là công nhân Nhà máy Thủy điện Sông Đà; Dương Hướng là cán bộ Hải quan; Hồ Anh Thái là nhà ngoại giao; Nguyễn Trí là dân giang hồ...

Quay trở lại việc đặt vấn đề ở đầu bài, tại sao các nhà văn thường làm một công việc chính và viết văn thường là nghề tay trái của họ, hoặc trải qua rất nhiều công việc họ mới trở thành nhà văn. Viết văn là nghề rất riêng biệt, hầu như không thể đào tạo được, mặc dù có những khóa học cho sự viết, nhưng đó chỉ là những hỗ trợ cần thiết chứ không có gì đảm bảo và thực tế đã chứng minh: không phải đi học viết văn là có thể trở thành nhà văn.

Có rất nhiều nhà văn chưa từng qua một trường lớp hay khóa đào tạo nào, họ viết như một năng khiếu bẩm sinh cùng với sự rèn luyện và tự học của bản thân. Đặc trưng của sự viết là không phải chỉ có cảm xúc, năng khiếu là viết được, nó còn đòi hỏi rất nhiều vốn sống, sự trải nghiệm, quan sát, đọc và suy ngẫm... Cho nên một người nào đó vốn sống càng nhiều, sự trải nghiệm càng lớn và khả năng suy nghĩ phát hiện tốt thì càng có nhiều khả năng trở thành một nhà văn.

Các nhà văn Việt Nam, do điều kiện đặc thù, có một thời gian rất dài đất nước trải qua chiến tranh nên có nhiều người xuất thân từ quân ngũ và tác phẩm của họ thấm đẫm một không khí của thời chiến và những dư âm của nó. Những nhà văn từng là người lính có thể liệt kê một danh sách rất dài, một số nhân vật tiêu biểu có thể kể tên như Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Chu Lai, Khuất Quang Thụy...

Nghề giáo, nghề báo, biên tập viên trong xã hội đương đại là một nghề gần gũi với việc viết văn. Ở nghề giáo, người viết có một môi trường tiếp xúc nhiều với chữ nghĩa và thường được khơi gợi những lí tưởng, ý tưởng về tuổi trẻ, cuộc sống và những trăn trở con người. Theo quan sát của tôi, số những người viết văn ở Việt Nam xuất thân từ nghề giáo hoặc đương kim giáo viên có một con số vượt trội.

Nghề báo thì có những đặc thù riêng, ngoài điểm tương đồng rất lớn là viết, nghề báo có một lợi thế là có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với sự kiện, nhân vật ngoài xã hội, một nguồn tài nguyên dồi dào cho sự viết và sáng tạo. Nhà báo có thể khai thác những nhân vật, sự kiện ngay cho một bài báo, phóng sự nóng hổi và ở những quãng trầm lắng hơn, sử dụng nó cho những trang văn của mình.

Còn biên tập viên văn học, những người vừa hội đủ yếu tố của chữ nghĩa, vừa được làm trực tiếp với đối tượng văn chương, sự tích lũy kinh nghiệm, niềm cảm hứng từ các tác phẩm sẽ rất dễ thôi thúc họ viết.

Viết văn là một quá trình nhọc nhằn và đòi hỏi nhiều điều kiện tự thân nếu người viết muốn tạo ra những tác phẩm giá trị. Dù làm nghề gì, xa lạ hoặc gần gũi với văn chương đều đòi hỏi một niềm đam mê, sáng tạo và nỗ lực thực sự. Con đường và cách thức đến với văn chương có thể khác nhau, nhưng điểm chung là người viết đều muốn sáng tạo ra những sản phẩm tinh thần có giá trị từ sự lao động, quan sát, suy ngẫm và trăn trở về cuộc sống của mình.

UÔNG TRIỀU
Theo VNCA



Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

XUÂN QUỲNH - LƯU QUANG VŨ: BẢN LỀ CÁNH CỬA HUYỀN THOẠI

Những bài thơ, vở kịch của họ đã không còn là những tác phẩm đơn lẻ. Chúng trở thành một bảo tàng, về một giai đoạn sôi động, khi đất nước bước ra từ cuộc chiến tranh và cho thấy diện mạo mới của xã hội hậu chiến.

29-8-2019 – Hơn 30 năm sau ngày mất vì vụ tai nạn gây chấn động, đôi thi ca kịch nghệ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ vẫn tiếp tục tạo ra một lực hấp dẫn cho người yêu văn chương, nghệ thuật. Những bài thơ, vở kịch của họ đã không còn thuần túy là những tác phẩm đơn lẻ. Chúng đã trở thành một bảo tàng, về một giai đoạn sôi động, khi đất nước bước ra từ cuộc chiến tranh và cho thấy diện mạo mới của xã hội hậu chiến.
Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.
 nh tư liệu gia đình

Bản thân Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ cũng trở thành biểu tượng cho đời sống tinh thần thời bao cấp. Sự ra đi của họ đúng thời điểm đất nước bắt đầu bước vào đổi mới, giống như một cặp bản lề cho cánh cửa mở vào hiện tại của chúng ta. Ánh hào quang của họ, qua bốn thập niên, gợi đến một huyền thoại trọn vẹn của thời bao cấp.

Đại cảnh và hậu trường

Vào giai đoạn hoàng kim của sân khấu kịch nói thời bao cấp, Lưu Quang Vũ đã tạo ra hào quang của mình bằng khoảng 50 kịch bản sân khấu thuộc các loại hình kịch nói, chèo, cải lương. Chỉ trong vòng 10 năm, các vở kịch của Lưu Quang Vũ trở thành diễn đàn xã hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo các giai tầng. Chúng cung cấp một không gian chắt lọc hiện thực đời sống, như các vở Lời nói dối cuối cùng, Điều không thể mất, Tôi và chúng ta… nhưng cũng không thiếu chất thơ bay bổng, thậm chí chứa đầy sự tưởng tượng như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Chết cho điều chưa có… Sự sáng rực ấy chấm dứt đột ngột bằng sự ra đi, tạo ra một huyền thoại về định mệnh, như để đáp ứng quan niệm “chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Ở góc độ người bạn đời, Xuân Quỳnh bổ trợ vào hào quang của Lưu Quang Vũ khía cạnh người đồng hành, tri kỷ. Những câu thơ của Xuân Quỳnh giống như các trang nhật ký mang tính chất “câu chuyện hậu trường” cho những lớp diễn sân khấu đại cảnh của Lưu Quang Vũ, tạo ra cảm giác hoàn chỉnh về đời sống một gia đình nghệ thuật. Dù trước khi đến với Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đã có những nàng thơ, những tình yêu và “câu chuyện nhỏ” trong những tập thơ đã và chưa được in vào lúc ấy, trong nhiều năm, chân dung Lưu Quang Vũ được mặc nhiên như một mảng dương bên cạnh phần nữ tính của một trái tim “làm sống lại những hồng cầu đã chết” (Tự hát – Xuân Quỳnh). Hai nửa chân dung được xã hội lúc ấy đóng khung thành những huyền thoại công dân và huyền thoại nghệ sĩ.

Những vở kịch và câu thơ nhân hậu thời chiến của họ khắc khoải một ý thức công dân. Chính Lưu Quang Vũ, trong các vở kịch của mình, lại tỏ ra trung thành hơn hết với những định đề về chủ nghĩa dân tộc, về bản sắc Việt Nam được thế hệ cha ông mới tạo ra vào đầu thế kỷ XX. Nhà soạn kịch viết ra các kịch bản đề tài lịch sử theo kiểu sử thi, cài cắm các thông điệp chính trị chính thống trong hoàn cảnh đất nước hậu chiến vẫn ngổn ngang xây dựng và hai cuộc chiến tranh biên giới. Ông hoài vọng quá khứ đầy lãng mạn qua các vở Ngọc Hân công chúa, Sống mãi tuổi 17, Chết cho điều chưa có.

Lưu Quang Vũ không tìm kiếm hiện thực tuyệt đối. Xét cho cùng, ông vẫn nằm trong hệ mỹ cảm của chủ nghĩa lãng mạn mang màu sắc công xã. Điều này cũng dễ dàng nhận thấy trong những bài thơ về thiên chức phụ nữ của Xuân Quỳnh. Dường như các bài thơ đều tràn ngập nỗi băn khoăn, những câu hỏi tác giả tự đặt ra cho bản thân, kiểu “Trái tim buồn sau lần áo mỏng/ Từng đập vì anh qua những trang thơ” (Thời gian trắng), vẫn trau chuốt một thẩm mỹ song trùng.

Sức mạnh của hoài niệm

Bên cạnh các vở kịch chính luận chất chứa những câu thoại mạnh bạo, đậm gắt tính thế sự, kiểu “Chúng ta đã qua thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và bước vào thời kỳ đồ đểu” (Ông không phải là bố tôi), “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Đầy tớ mà không tốt thì nhân dân sẽ thay đầy tớ khác (Lời thề thứ 9) – không khỏi khiến người xem giật mình vì sự thẳng thắn đến quyết liệt – Lưu Quang Vũ tìm lại nguồn cội dân gian cả Việt Nam lẫn phương Đông, như một cách tung hứng các thông điệp trào phúng hoặc có tính ngụ ngôn như Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Nàng Sita; Ông vua hóa hổ…

Có độ lùi thời gian, những chất liệu dân gian lại tỏ ra có sức sống hơn cả. Chúng thể hiện dấu vết của những huyền thoại cộng đồng, bên dưới những phát lộ bề mặt dễ thấy. Người ta chợt nhớ, Lưu Quang Vũ là con của nhà thơ Lưu Quang Thuận – người từng có mặt trong phong trào Thơ Mới, cũng là một phong trào mang dáng vẻ huyền thoại của thời thuộc địa. Tuy nhiên, dấu vết giải thuộc địa lại không diễn ra trực tiếp ở Lưu Quang Vũ, mà đến thơ và kịch của tác giả này, tâm thế hiện đại nổi bật, khiến chúng đĩnh đạc tuyên ngôn một tư cách độc lập. Tứ thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ” (Tiếng Việt) từng gây tranh cãi về dị bản ở chữ “như bùn”, lại chính là một cảm thức về “nhãn tự”, dưới cái vỏ vừa mịn màng vừa thô ráp, được khởi từ thơ kháng chiến chống Pháp, đến Lưu Quang Vũ, đã thành một tư duy mang dáng dấp triết lý thế hệ.

Những bài thơ tình của Lưu Quang Vũ viết về “những người đàn bà không có tên” hay những góc đô thị hoang vu “viển vông cay đắng u buồn”, sóng đôi với những đô thị “Đường cuốn bụi bờ đê tràn ngập gió/ Những phố phường lầm lụi với lo toan” của Xuân Quỳnh, thực tế đang cung cấp một phông cảnh cho sự hoài niệm của độc giả hôm nay về Hà Nội gần nửa thế kỷ trước.

Dường như những câu thơ sẽ đọng lại ở những cuốn sổ thơ nho nhỏ, ở những trí nhớ thầm thì, những vở kịch sẽ khó còn tạo ra độ phủ dụ ma mị thuở nào khi cạnh tranh với các thể loại khác hiện nay. Nhưng các huyền thoại là gì, nếu chẳng phải chúng luôn được bồi đắp bằng một nỗi khao khát nồng nhiệt tự thân, “trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng”?

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

ĐỌC BÀI KHÁC:



Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC SINH THÁI NGA

Quan hệ giữa con người và tự nhiên luôn là một trong những chủ đề quan trọng nhất của văn học Nga. Văn học sinh thái Nga trải qua ba giai đoạn phát triển mạnh mẽ, bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn manh nha của văn học Nga, cho đến nửa đầu thế kỷ 19 của chủ nghĩa lãng mạn và thời kỳ nửa sau thế kỷ 20.
Thi hào Nga Puskin

Trong những tác phẩm văn học cổ, ảnh hưởng rộng nhất là tác phẩm “Tráng sĩ ca”, nhân vật chính là người văn võ song toàn, người thường không thể sánh kịp. Nhân vật chính của “Tráng sĩ ca” có năng lực kết nối vạn vật, có năng lực hóa thân thành các sự vật khác nhau, điều này rất giống với quan niệm vạn vật nhất thể của văn học đương đại. Sự ra đời của dũng sĩ Volkh có liên quan mật thiết tới rắn thần, trong đêm có thể biến thành sói xám bắt dã thú, có thể biến thành ngựa nửa đêm lẻn vào doanh trại của kẻ địch đển thăm dò thực hư, có thể biến thành chim cắt bay vào cửa sổ dò nghe cuộc trò chuyện của vua và hoàng hậu, có thể hóa thành chồn sóc bí mật luồn vào kho vũ khí của kẻ địch, phá hoại vũ khí của chúng.

“Cuộc viễn chinh của binh đoàn Igor” là tác phẩm văn học cổ điển khuyết danh xuất sắc nhất của Nga, trong đó, thế giới tự nhiên tràn đầy sự sống, là bạn của những người lương thiện. Trước khi xuất chinh, “Mây đen bay lên từ mặt biển, che khuất bốn mặt trời”, đây dường như là tín hiệu cảnh báo của tự nhiên. Theo sử sách ghi lại, nhật thực phát sinh ngay sau khi xuất chinh, tác giả đã thay đổi thời gian diễn ra của sự kiện, vừa làm nổi bật khí phách anh hùng của nhân vật chính, cũng thể hiện quan hệ mật thiết của thế giới tự nhiên và người dân Nga. Sau khi xuất chinh, Igor bị bắt làm tù binh, được sự trợ giúp của một vị phu nhân để chốn thoát về nhà, nhưng tác giả đã chen vào hình ảnh vợ Igor, Yaroslavna vào sáng sớm đứng trên tường thành, cầu nguyện cho chồng, và đã được thế giới tự nhiên ban ơn, cuối cùng thì Igor cũng thoát hiểm và trở về nhà.nTư tưởng sinh thái trong văn học Nga không phải chủ động manh nha, mà là sự phản ánh bị động của phái yếu, nhưng tựu chung lại cũng là sự phản ánh quan hệ cộng sinh giữa con người và tự nhiên.

Tư tưởng văn học sinh thái lãng mạn bắt nguồn từ thế kỷ thứ 19 trong tác phẩm của văn hào Pháp Rousseau, được mệnh danh là cha đẻ của chủ nghĩa lãng mạn, là một chuyên gia có tư tưởng “xanh”. Ông chủ trương đời sống vật chất được đơn giản hóa, còn đời sống tinh thần thì phong phú vô hạn, kêu gọi con người trở về với tự nhiên. Quan niệm trở về với tự nhiên của Rousseau được kế tục và phát huy, các tác giả thiên về mô tả phong cảnh tự nhiên, đem tư tưởng ký thác vào tự nhiên, dùng vẻ đẹp của tự nhiên để phản ánh những xấu xa của xã hội, coi tự nhiên là vườn hoa tinh thần của loài người. Nếu như trong văn học nguyên thủy, con người bị động trước tự nhiên, thì tới thời kỳ lãng mạn, con người trở về với tự nhiên bằng trạng thái chủ động hơn.

Người đặt nền móng cho chủ nghĩa lãng mạn hồi thế kỷ thứ 19 là Puskin. Trong thơ của mình, Puskin phục dựng lại hình ảnh chán bỏ văn minh, khát vọng trở về với tự nhiên của nhân vật chính. Trong “The Prisoner of the Caucasus” và “The Gypsies”, nhân vật chính là người văn minh chốn bỏ giới thượng lưu, phương thức bỏ chốn chính là du ngoạn, sau này bị người trong núi bắt làm tù binh. Nhân vật chính luôn coi mình ở địa vị người đứng ngoài, đeo gông cùm mà nhìn nhận về nhân sinh. Nhân vật chính không chấp nhận tình yêu của cô thôn nữ, cảnh cô thôn nữ bị đuối nước làm cho trái tim anh trào dâng cảm xúc, nhưng cũng không làm lay động điều gì. Trong The Gypsies, Aleko là một tội phạm bị truy nã, gia nhập đội ngũ của những người Gypsies, lấy người con gái Gypsies làm vợ, theo bộ lạc lang thang khắp nơi, tham gia diễn xuất. Nhìn từ bên ngoài, nhân vật triệt để là một người tự nhiên, nhưng trong thâm tâm chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi xã hội văn minh. Điều này khiến anh ta giết chết người vợ theo đuổi tự do tuyệt đối, cắt đứt mối liên hệ của mình với người tự nhiên.

Văn học Nga thế kỷ 19 xuất hiện nhiều nhà thơ ca ngợi tự nhiên, bảy tỏ tình cảm lãng mạn, trong đó Fedor Ivanovich Tyutchev là một nhà thơ kiệt xuất. Tác phẩm thơ của ông mô tả tự nhiên một cách sinh động, tao nhã, đem tình cảm ký gửi vào tự nhiên. Trong đó có những câu thơ như cảnh báo trước về sự phá hoại tự nhiên của con người, nhà thơ coi thế giới tự nhiên bình lặng ẩn chứa sự phán quyết của tự nhiên.

Thế kỷ 20, ý thức sinh thái trong văn học hiện đại Nga là tự giác và rõ ràng, là nơi hội tụ của nỗi đau tinh thần, là ánh sáng triết xạ của tinh thần và lý trí.

Trong tác phẩm của Prishvin, là sự âu lo cho vận mệnh của tự nhiên, bị phá hoại không chỉ là tự nhiên, mà chính tinh thần, đạo đức, thẩm mỹ của con người cũng bị bào mòn. Tác phẩm “Bốn mùa-Lịch thiên nhiên” tràn đầy niềm vui, ánh sáng và tình yêu đối với sự sống. Tiểu thuyết “Nhân sâm” của ông mô tả cảnh sắc tươi đẹp của chốn núi rừng phương Bắc, dùng hình tượng nhân sâm để đại diện cho sức sống mãnh liệt của tự nhiên, ca ngợi sức sáng tạo của con người, có suy nghĩ mang tính triết lý đối với quan hệ của con người và tự nhiên.

“Vĩnh biệt Matyora” có khuynh hướng chống lại văn minh công nghiệp, nhưng Rasputin lo âu sự xung đột giữa xu hướng tiến bộ và truyền thống, giữa cái mới và cái cũ, đồng thời tạo dựng nên hình ảnh của “Vua Cây”. Con người tìm mọi cách để phá hủy Vua Cây, nhưng không làm nó đổ xuống được. Trong cuộc đối đầu với tự nhiên, thắng lợi cuối cùng luôn luôn thuộc về tự nhiên. Matyora trong tiếng Nga có nghĩa là mẹ. Trong quan niệm về sinh thái của Rasputin, con người giống như bào thai nằm trong tử cung của mẹ, mọi hành động làm tổn thương đến mẹ chỉ có thể là tự diệt vong. Cuốn sách có thể coi như “Vĩnh biệt tự nhiên”. Rasputin lấy hình ảnh cuồn cuộn chảy của sông Angara tượng trưng cho bước chân tiến bộ của lịch sử loài người, con người không ngừng lấy văn minh mới để thay vào văn minh cũ, mỗi lần thay đổi như vậy làm cho con người càng trở nên siêu nhiên.

Con người và tự nhiên là chủ đề chưa từng bị phai nhạt, quan hệ giữa con người và tự nhiên liên tục có những thay đổi nhỏ, thái độ của con người đối với tự nhiên từng trải qua nhiều cung bậc, đó là sự bị động, sự tôn trọng và phụ thuộc, cũng có lúc chủ động ca ngợi, trở về với thiên nhiên. Hiện nay, các nhà văn hy vọng từ bỏ chủ nghĩa duy con người, thiết lập quan niệm mới, cho rằng cả sinh quyển có chung một lợi ích. Trong con mắt các nhà văn Nga, “Con người và tự nhiên” được diễn tả chính xác hơn là “Tự nhiên và con người”.

Tiểu luận của VŨ MINH THANH, PHẠM HUY QUỲNH (dịch)
Nguồn: QĐND


Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

DANH NHÂN ĐÀO TẤN: MỘT ĐỜI KHÔNG ÍT THĂNG TRẦM...

Đào Tấn (1845 - 1907) - Danh nhân Văn hoá, nhà thơ, soạn giả tuồng nổi tiếng, ông quan triều Nguyễn tận trung với nước, tận hiếu với dân - đã đi vào cõi vĩnh hằng cách đây hơn một trăm năm...

Năm ông qua đời, cha tôi tuy mới lên 5 tuổi nhưng đã được xem nhiều tích tuồng của Đào Tấn. Sau này lớn lên, là một nghệ sĩ tuồng, ông rất kính trọng tên tuổi và tài năng lớn lao của nghệ nhân Đào Tấn.

Người dân xứ Nghệ chúng tôi, trong đó có các nghệ sĩ tuồng truyền thống, rất tự hào vì đã theo bước chân cụ Đào, gìn giữ lấy nghệ thuật tuồng mà Đào Tấn đã xây dựng, phát triển trên mảnh đất hát phường vải, hát ví, giặm, ca trù... nổi tiếng.

Và nghệ thuật hát bội Bình Định, nhờ công lao của cụ Đào, đã thăng hoa rực rỡ, đạt tới những đỉnh cao chói lọi với thời gian mười năm, ở chính trên mảnh đất quê hương Lam Hồng địa linh nhân kiệt...
Danh nhân Đào Tấn

Đào Tấn đã làm quan dưới triều Nguyễn hơn 30 năm. Ngoài hơn 2 năm đi làm Tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình) và một thời gian ngắn làm Tổng đốc Nam Ngãi; ông sống ở Kinh thành Huế gần 18 năm với các chức vụ Hiệu thư, Phủ doãn Thừa Thiên, bốn lần làm Thượng thư các bộ Lễ, Hình, Binh và sống ở An - Tĩnh (tức Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay) hơn 10 năm; với hai lần làm Tổng đốc từ 1889 đến 1894 và 1898 đến 1902. Như vậy là, ngoài quê hương Bình Định; có thể nói, Kinh thành Huế và vùng đất An - Tĩnh có vị trí hết sức quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo của nhà thơ, nhà hoạt động Tuồng kiệt xuất Đào Tấn.

Tại Kinh thành Huế và thành Vinh (thủ phủ An - Tĩnh), hoạt động nghệ thuật của hậu tổ tuồng Đào Tấn chủ yếu diễn ra tại hai rạp hát “Duyệt Thị Đường” (rạp hát của triều Nguyễn trong Đại Nội được hình thành từ đời vua Minh Mạng); còn rạp “Như Thị Quan” là rạp hát của riêng Đào Tấn cho dựng trong dinh Tổng đốc An - Tĩnh , từ khi ông đến nhậm chức. Phải nói rằng, từ “Duyệt Thị Đường” đến “Như Thị Quan” là cả một cuộc cách mạng trong thế giới quan, nhân sinh quan và trong nghệ thuật tuồng hát Đào Tấn…

Thế rồi, trên cương vị Phủ doãn Thừa Thiên - ông quan tưởng chừng chỉ biết làm thơ, hát bội này - đã thế vua hành đạo, dùng thượng phương bảo kiếm do Thành Thái trao, xử chém Bồi Ba, một tên tay sai thân tín của Khâm sứ Pháp và Nguyễn Thân; gây nhiều tội ác với dân lành vùng Đông Ba, An Cựu ở Huế. Vì thế, Khâm sứ và Nguyễn Thân ép vua Thành Thái điều Đào Tấn ra làm Tổng đốc An - Tĩnh, hòng mượn tay phong trào Cần vương xứ Nghệ trừ khử ông tại vùng đất nóng bỏng này.

Rời chốn kinh kỳ, nơi ông đã sống hơn 15 năm, đã thành danh một vị quan thanh liêm, cương trực; được triều đình ban tặng các chữ vàng “Thanh - Thận - Cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần) và “Bất úy cường ngự” (Không sợ uy vua); một nhà biện tuồng được vua bút phê là “Kỹ thuật thần diệu”; để đến với một vùng đất được coi là hết sức dữ dằn, nghèo kiết, lại bị tàn phá kiệt quệ trong loạn lạc là An - Tĩnh.

Đối với nhiều quan lại đương thời, có lẽ đó là một sự đày ải khủng khiếp, nhưng với Đào Tấn, đây lại là một niềm vui, một sự giải thoát lớn, để ông bắt đầu những sáng tạo nghệ thuật mới.

Trước khi ra tựu nhiệm ở An - Tĩnh, Đào Tấn đã là một nhà soạn tuồng nổi tiếng. Từ ngày bước vào cửa quan, Đào Tấn may mắn được ăn lộc vua để làm việc soạn tuồng, một công việc mà ông rất say mê. Hơn mười năm ở trong cung với ông vua mê hát bội Tự Đức, Đào Tấn đã viết được nhiều bộ tuồng như “Đãng khấu”, “Bình địch”, “Tứ quốc lai vương”, “Tam bảo thái giám thủ bửu”, “Quần trân hiến thụy”; hàng chục pho tuồng dựa theo truyện Tàu và 36 hồi chót của “Vạn bửu trình tường” từng được Tự Đức bút phê “kỹ thuật thần diệu”.

Nhưng trừ vở “Tân Dã đồn” hay thường gọi là “Từ Thứ qui Tào” do ông “lén vua” viết để ký thác tâm sự, còn lại đều là những vở theo phụng sắc mà viết, có thể rất hay nhưng chưa phải là những gì tâm đắc nhất của ông. Khác với vua quan nho sĩ đương thời, hầu hết coi tuồng hát là trò mua vui, là nghề “xướng ca vô loại”, Đào Tấn hết sức đề cao vai trò và sức mạnh của tuồng hát.
Trích đoạn tuồng “Đào Tấn” nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của ông.

Theo ông “Muốn làm mới mẻ dân trong một nước, không thể không làm hưng thịnh Tuồng hát. Do đó, muốn làm mới mẻ đạo đức... muốn làm mới mẻ tôn giáo... muốn làm hưng thịnh nghề học thì phải làm mới mẻ Tuồng hát. Đó là Tuồng hát chi phối con đường của người ta vậy”, và “Sức mạnh của Tuồng hát như thuỷ ngân chảy xuống đất, không có lỗ nào là không vượt qua.

Có thể nói là vĩ đại”… Thời đó, có những bậc thức giả coi “Truyện Kiều” của đại thi hào nguyễn Du là “dâm thư”, thì Đào Tấn lại hết sức ca ngợi: “Nguyễn hầu soạn Đoạn trường tân thanh hay vượt xưa nay, trong đó Vương Thuý Kiều há không phải là người đẹp trên đời không ai sánh kịp sao?”.

Và ông muốn nhà soạn tuồng cũng phải học Nguyễn Du “dùng bút mực tỏ rõ thảm cảnh của kỹ nữ, để làm đòn đánh đau vào sự tàn nhẫn độc ác của chính trị đương thời”. Đào Tấn muốn tuồng hát không chỉ là vật sở hữu của số ít người biết chữ, thông thạo văn chương mà còn phải là ngũ kinh, tứ thư của đông đảo quần chúng cần lao, thất học...

Những quan niệm có tính chất cách mạng về tuồng hát trên đây của Đào Tấn khó có thể thực hiện được trong tuồng hát nô lệ ở cung cấm, trước những khán giả là vua quan, thư lại, hoàng gia, với những uý kỵ hà khắc, với “cánh cửa ngục văn tự” lúc nào cũng sẵn sàng mở ra, với “lưỡi gươm văn tự” lúc nào cũng sẵn sàng kề cổ…

Vì thế, chỉ khi được rời khỏi kinh thành và bắt đầu nhậm chức Tổng đốc An - Tĩnh, thoát được vòng cương toả của triều đình, một mình thống lĩnh một cõi, ông quan yêu nước Đào Tấn, nghệ sĩ tuồng Đào Tấn mới có cơ hội thực hiện những tâm đắc đó.

Ngay khi đến Hoan Thành năm 1889, Đào Tấn đã cho dựng  rạp hát bội mang tên “Như Thị Quan”, bên cạnh đó là trường dạy hát bội mang tên “Học bộ đình”. Ông tận dụng gần như tất cả biên chế của nhân viên và lính tráng phục dịch dinh Tổng đốc, tập hợp về đây những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng nhất của đất tuồng Bình Định và của An - Tĩnh, cùng nhau tập luyện và biểu diễn tuồng.

Từ “Duyệt Thị Đường” ở Đại Nội đến “Như Thị Quan” ở thành Vinh, đã báo hiệu một sự thay đổi có tính chất cách mạng của tuồng hát Đào Tấn. Và mười năm trên đất Hồng Lam, tại “Như Thị Quan”, với sự xuất hiện của hàng loạt vở diễn khác hẳn về chất so với những tác phẩm trước đó như “Khuê các anh hùng”, “Sơn Hậu”, “Cổ thành”, “Trầm hương các”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Diễn võ đình”, “Hộ sanh đàn”... cuộc “làm mới Tuồng hát” mà Đào Tấn hằng  ấp ủ bấy lâu đã diễn ra rất mạnh mẽ.

Trước hết, các vở diễn trên, dù về đề tài vẫn mượn tích Tàu, nhưng hoàn cảnh, nhân vật thì đã hoàn toàn Việt Nam; và tất cả đều nóng bỏng ý nghĩa thế sự, mang đậm tính chất chỉ trích, điều trước đây Đào Tấn đã không thể làm được ở tuồng cung cấm. Nếu “Trầm hương các” vạch mặt chỉ tên sự thối nát, thảm hại tột cùng của các bậc thiên tử, thì “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan” với tiếng kêu thấu trời xanh của Hoàng Phi Hổ -“Cái chí trung quân nát vụn rồi”- đã chính thức đào huyệt chôn sâu cái tư tưởng trung quân lỗi thời còn ẩn náu đâu đó.

Và cuối cùng, với “Diễn võ đình” và “Hộ sanh đàn”, Đào Tấn đã mạnh dạn trao hy vọng, niềm tin cứu nước, cứu dân vào những người hiện đang bị đặt ngoài vòng pháp luật ở trên núi cao hoặc đang phải tha hương: Triệu Khánh Sanh và Tiết Cương; những người anh hùng đang phải vay rất nhiều nợ gian nan mà Đào Tấn từng nói rằng, đó là hình ảnh của các chí sĩ xứ Nghệ - Phan Bội Châu và Phan Đình Phùng - trên sân khấu của ông...

Đã trên một thế kỷ từ ngày Đào Tấn đi xa - nhưng một  nghệ sĩ lớn mà cuộc đời đã trải qua không ít thăng trầm đó - đã trở thành niềm tự hào của Bình Định quê hương ông; cũng như của xứ Nghệ và của cả dân tộc Việt Nam, trong lịch sử hình thành và phát triển nền sân khấu truyền thống dân tộc!

LÊ HUY QUANG
Nguồn: VNCA

ĐỌC BÀI KHÁC:

·         TIA NẮNG THU BỒN…




Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

NGUYỄN QUANG SÁNG VÀ NHỮNG BÀI HỌC VĂN CHƯƠNG

Hy sinh từng ngày trong cuộc sống để giữ gìn nhân cách, để bám giữ và tiến vượt lên trong nghề là điều không dễ, đòi hỏi một tầm nhìn lớn, can đảm lớn. Nguyễn Quang Sáng đã trọn đời cùng nghề viết văn, trọn đời là một chiến sĩ, một người dân yêu nước, một Tài tử Nam Bộ...
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sau khi hưởng trọn cái Tết lần thứ 82 của mình, đã chọn đêm trước hôm rằm - Rằm tháng Giêng Giáp Ngọ để nhẹ bước tiên du vào miền tịch diệt.

Trong nỗi đau buồn gần như đến tận cùng, con trai nhà văn, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng viết: "Kết thúc một chặng đường. Ba tôi - nhà văn Nguyễn Quang Sáng - đã chia tay gia đình tôi. Ba đến nơi gặp những bạn bè thân - chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc... Chúc ba vui vẻ nơi ấy! Má và các con yêu ba! Cảm ơn thượng đế cho con được là con của ba".

Người ta nói "cái quan định luận", nghĩa là đóng nắp quan tài xong mới có thể bàn được về người đó. Song, với nhiều người có thể "định luận" ngay khi còn sống. Với hàng chục truyện ngắn và tiểu thuyết, hàng chục kịch bản điện ảnh đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt hai - 2000), ông được đánh giá là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại. Riêng tôi muốn gọi ông là "Nhà văn Nam Bộ" không chỉ bởi tác phẩm của ông lấy bối cảnh Nam Bộ, giọng điệu Nam Bộ, "không có cái nhàn nhạt chữ nghĩa dùng cho miền nào cũng được - Tô Hoài", mà các tác phẩm ấy còn mang đậm tính cách Nam Bộ: đã yêu thích cái gì, tin tưởng cái gì, thì tin, yêu đến tận cùng.

Tôi được gặp Nguyễn Quang Sáng không nhiều, chủ yếu trong các kỳ đại hội (ÐH) Hội Nhà văn. Trước đây, tôi thường đứng xa xa với thái độ "kính nhi viễn chi", có hỏi han điều gì cũng thưa gửi rón rén nên ông cũng không cởi mở nhiều. Tính ông càng về già càng lặng lẽ. Nhưng trong kỳ ÐH VIII Hội Nhà văn Việt Nam (2010) tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông bỗng gần gũi hơn. Hai chú cháu còn chụp ảnh chung với nhau, nói chuyện nhiều hơn về người và nghề cầm bút. Nghe tin ông mất, hình ảnh một già Sáng đeo túi chéo, chầm chậm, lặng lẽ dọc hành lang hội trường, đôi mắt đắm ướt tình người bỗng long lanh khi gặp ai đó nhưng rồi cũng bất chợt xa xăm lại hiện lên trong tôi một cách rõ rệt, nao lòng! Tôi tự trách mình đã thật khờ khạo khi không biết cách gần ông thêm nữa, để được nghe từ ông những điều không dễ có trong đời. Mỗi nghệ sĩ lớn là một thế giới kỳ diệu, độc đáo. Tác phẩm của họ làm giàu hồn ta; gần bên họ được sáng trí ta. Tôi đã được gặp nhiều nghệ sĩ lớn, đã được bước trong những thế giới kỳ diệu đó, mà khi họ còn sống, đâu đã biết hết giá trị, nên bây giờ tiếc nuối khôn nguôi. Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Xuân Diệu, Huy Cận, Quang Dũng, Nguyên Hồng, Nguyễn Ðình Thi, Nguyễn Tuân, Lưu Quang Vũ, Hữu Loan, Phạm Tiến Duật, Hoàng Cầm... Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, cái họ mang đi còn nhiều hơn rất nhiều cái họ để lại cho đời!

Nguyễn Quang Sáng (từng lấy bút danh là Nguyễn Sáng, sau để tránh trùng tên với danh họa Nguyễn Sáng nên lại dùng tên Nguyễn Quang Sáng), cầm bút từ năm 1952. Truyện ngắn đầu tiên được in là Con chim vàng (Báo Văn nghệ, 1956), và trở thành hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Năm 1959, ông giật hai giải truyện ngắn Ông Năm Hạng của Báo Thống Nhất và Tư Quắn của Văn nghệ quân đội. Ấn tượng nhất trong thời kỳ đầu ấy là Ðất lửa, cuốn tiểu thuyết đậm chất Nam Bộ và chất điện ảnh viết về quê hương ông những ngày chống Pháp. Các giải thưởng khác là Mùa gió chướng (Kịch bản phim, Bông sen bạc Liên hoan phim (LHP) toàn quốc 1980); Cánh đồng hoang (Kịch bản phim, Bông sen vàng LHP toàn quốc 1980, Huy chương vàng LHP quốc tế Mát-xcơ-va 1981); Dòng sông thơ ấu (Giải thưởng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (HNV) 1985); Con mèo của Fujita (Giải thưởng HNV 1993)...

Viết trong Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại (2007), Nguyễn Quang Sáng tự vấn rằng, mình có nhiều chục năm cầm bút, nhiều giải thưởng nhưng vẫn luôn tự hỏi "mình đã thật là nhà văn hay chưa"? Ðó là một tự vấn nghiêm khắc và ông nói rằng, bằng tác phẩm, ông đã, đang và sẽ trả lời điều đó.

Ông đã là nhà văn hay chưa? Xin thưa với hương hồn ông, chỉ với Chiếc lược ngà và Cánh đồng hoang, ông đã là một nhà văn lớn, ảnh hưởng của ông đã vượt khỏi biên giới nước nhà. Chiếc lược ngà được viết năm 1966, nhanh chóng được đưa vào giáo khoa và làm xúc động bao thế hệ học trò. Cánh đồng hoang (công chiếu lần đầu ngày 30-4-1979) với kịch bản của Nguyễn Quang Sáng, với đạo diễn tài năng Hồng Sến, âm nhạc Trịnh Công Sơn, diễn viên Lâm Tới, Thúy An, đã trở thành bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.

Có người nói Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Nam Bộ biết kể chuyện một cách giản dị và xúc động. Tôi đặc biệt thích lối văn kể chuyện giản dị ấy mà chỉ người dân thường hoặc tài năng lớn mới có thể làm được. Nhưng những chi tiết đắt giá, sự bất ngờ dồn dập, sự khái quát thần diệu, chất điện ảnh và đặc trưng Nam Bộ đến từng dáng điệu, lời thoại là những đặc điểm khác làm nên phong cách của Nguyễn Quang Sáng.

Tôi đã học được ở ông những bài học văn chương quý giá. Trong nhiều bàn trà cũng như trong diễn đàn chính thức, Nguyễn Quang Sáng là người đồng tình với quan điểm, nghệ thuật muốn có "tính" gì cũng được, nhưng phải có "tính hay". Ông không phản đối các nhà lý luận khi nói về chân, thiện, mỹ; về chuyện đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc nhưng lại có cách nghĩ riêng rất thú vị. Theo ông, nhà văn nước ngoài không viết theo nhu cầu của bạn đọc Việt Nam nhưng ta đọc vẫn thấy hay. Văn chương có ba ràng buộc, cũng là ba phẩm chất: Buồn - Ðau và Ðẹp. Làm thế nào để hay? Ông nói, tác phẩm như lời ru của lòng mẹ, cứ thế mà hay. Ông nói thêm, phải viết cái gì thật tự nhiên, thật sâu trong lòng mình, viết cái mình rành thì trúng, cái mình không rành thì trật, trước sau gì cũng hỏng.

Theo cách nghĩ học trò, có lần tôi từng hỏi ông về lý tưởng, quan niệm thẩm mỹ; vai trò của nó đối với sáng tạo tác phẩm, ông hơi ngơ ngác rồi nói: "Chú cứ coi cuộc đời tui thì biết"! Cuộc đời ông là gì? Là một Nguyễn Quang Sáng chiến sĩ rồi sau đó mới là một Nguyễn Quang Sáng nhà văn. Ông sinh năm 1932 tại thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang trong một gia đình giàu có. Ba má ông có tiệm vàng và xe hơi. Yêu lý tưởng, yêu sự tốt đẹp của cách mạng, năm 1946 ông xung phong vào bộ đội, rồi tập kết ra bắc năm 1954 với quân hàm chuẩn úy. Từ đó ông chuyển ngành sang Ðài Tiếng nói Việt Nam rồi các cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1966, ông tình nguyện vào chiến trường để đấu tranh thống nhất nước nhà bằng cây súng và ngòi bút, để được sống giữa những người thân yêu, giữa xóm làng và bưng biền thân thuộc, dù biết rằng cái sự dấn thân ấy chính là dấn thân đến cái chết bất cứ lúc nào. Cho đến năm 1972 ông mới ra Bắc, và sau năm 1975, ông về ở hẳn miền Nam, bên cạnh chức vụ Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, ông làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh trong nhiều khóa, góp phần đặc biệt to lớn trong việc xây dựng phong trào văn nghệ ở thành phố mang tên Bác nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những ngày đầu giải phóng.

Những tác phẩm lớn của ông chủ yếu được hình thành trong những ngày "xáp vô" trong cuộc chiến đấu lớn của bộ đội và nhân dân ta ở miền Nam; nhặt được những "hạt vàng" từ cuộc sống. Năm 1966, nhà văn chợt thấy và "găm" vào đầu cảnh trực thăng Mỹ - ngụy bắn người dân ở Ðồng Tháp Mười mùa nước nổi; người lớn thì lặn sâu xuống khi bị bắn. Trẻ em thì cho vào túi ni-lông, người lớn lặn phải kéo theo... Ðó cũng là một trong những chi tiết nói lên sự ác liệt đến tận cùng của chiến tranh. Chi tiết đó, đến hơn mười năm sau mới được viết thành kịch bản phim Cánh đồng hoang. Cánh đồng hoang là bộ phim có tính khái quát cao. Cuộc đọ sức giữa một bên là vợ chồng Ba Ðô và đứa con nhỏ mới sinh trơ trọi giữa mùa nước nổi mênh mông và một bên là trực thăng Mỹ đầy hỏa lực săn đuổi rát rạt. Căng thẳng từng giây một khi kẻ thù quyết sát hại và nhân văn từng giây một khi con người Việt Nam quyết bảo vệ sự sống đến cùng. Kết cục, Ba Ðô chết nhưng bất ngờ, bằng khẩu súng trường, lòng căm thù, cái kỳ diệu của sự sống, vợ Ba Ðô đã nhặt lấy súng của chồng và bắn rớt chiếc trực thăng. Từ túi áo của viên phi công Mỹ, rơi ra tấm ảnh vợ con hắn, một chi tiết đầy hàm nghĩa, đẩy tác phẩm lên một tầm cao nữa trong tố cáo chiến tranh, trong giá trị nhân văn; một kết thúc mở để cả đời sau còn suy nghĩ...

Nếu truyện ngắn Chiếc lược ngà chỉ viết trong một đêm, thì kịch bản này cũng chỉ viết trong một tuần, bắt đầu từ đêm 18-12-1978, đêm nhà văn đưa vợ đi đẻ. Người con ấy chính là đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng bây giờ. Cả hai đứa con được sinh hạ trong những ngày ấy đều nổi tiếng.

Phải rành và chín trong nghề văn là vậy. Nhưng cái điều sâu xa hơn mà tôi cảm nhận được là, nhà văn sẽ không viết được gì nên hồn nếu không gắn bó với cuộc sống, biết "mò lặn" mà tìm "quặng quý" trong đời. Và phải học, tự học suốt đời. Tôi là "cậu ấm" - ông nói, nhưng chỉ học đến lớp bảy. Ði theo cách mạng, được học thêm văn hóa. Rồi mình lại tự học. Năm 1963, đạo diễn Mai Lộc nói văn tôi có chất điện ảnh. Hồi đó tôi chưa ý thức hết. Sau này được đặt hàng viết kịch bản phim, tôi mới chăm chú đi rạp xem. Hết ngày này sang ngày khác. Hết phim này sang phim khác. Tự cắt nghĩa sao trường đoạn ấy nó hay, nó xúc động. Cứ học lỏm thế thôi, nhưng mà học thật, tin thật...

Và điều cốt yếu nhất là phải biết hy sinh. Hy sinh tính mạng là mất mát lớn nhất, nhưng lựa chọn nó không phải là khó khăn nhất. Hy sinh từng ngày trong cuộc sống để giữ gìn nhân cách, để bám giữ và tiến vượt lên trong nghề là điều không dễ, đòi hỏi một tầm nhìn lớn, can đảm lớn. Nguyễn Quang Sáng đã trọn đời cùng nghề viết văn, trọn đời là một chiến sĩ, một người dân yêu nước, một Tài tử Nam Bộ...

NGUYỄN SĨ ÐẠI
Nguồn: Nhân Dân

ĐỌC BÀI KHÁC:

·         TIA NẮNG THU BỒN…


VĂN NGUYÊN LƯƠNG KHỞI TỪ SÓNG CHỮ SÔNG QUÊ

Là con của một gia đình nông dân nghèo miền Trung, Văn Nguyên Lương vượt khó học hành và trên con đường gập ghềnh trắc trở mưu sinh anh lấy thơ làm điểm tựa giải tỏa nỗi lòng: “Nhóm ngọn lửa vui bằng củi ưu phiền/ Luôn nở nụ cười trong cơn bão tố” (Nốt trầm). Tập thơ Sóng chữ sông quê của anh do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 9/2017 là nỗ lực sáng tạo đáng ghi nhận.
Nhà thơ trẻ Văn Nguyên Lương

Hành nghề giáo dục khoa học tự nhiên nhưng Văn Nguyên Lương lại rất yêu văn chương và có năng khiếu sáng tác thơ. Đó cũng là lẽ thường tình của một người con sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống thi ca Quảng Ngãi. Ký ức tuổi thơ, nỗi nhớ quê nhà, kỷ niệm tình đầu cùng nỗi truân chuyên khắc khoải trên hành trình phiêu bạt, sự đồng cảm với những số phận bất hạnh là nguồn cảm hứng cho những tứ thơ đầu tiên của Văn Nguyên Lương, đồng thời cũng phát lộ một con đường thơ mới, tâm huyết, có ý thức sáng tạo với những tín hiệu đáng chờ đợi.

Dần dần bước qua những vần thơ nên vần nên điệu, với vốn văn hóa căn bản của một người chịu khó học và đọc, Văn Nguyên Lương tự tin tạo dựng một không gian thơ riêng mình trên cơ sở tiếp nối có chọn lọc tinh thần thi ca của những người đi trước. Trong bài thơ Nơi tôi sinh ra, anh giới thiệu về mình:

“Tôi mở mắt đón ánh sáng cuộc đời
Phía ngọn núi Đồi say nồng giấc ngủ
Dòng sông Thoa chảy dọc tiếng Quảng thiết tha
Hàng cau vẫy tay ngoài ngõ
Bầy chim sẻ ríu rít rủ nhau về làm tổ
Bóng dừa nghiêng nghiêng rơi tiếng chìa vôi”

Lời thơ gần gũi chân thành mà sâu lắng, tinh tế bằng sự kết hợp, liên tưởng hàng loạt thi ảnh giàu sức gợi cảm. Không thấm đẫm hồn quê, tình quê và khả năng biến hóa ngôn từ thì khó mà viết được những câu thơ sinh động như vậy. Tình yêu quê hương sâu nặng trong thơ anh còn thể hiện qua hình ảnh “ngọn đèn dầu thức thâu đêm” của mẹ, “tiếng bài chòi ngoại hát” thay lời ru, dòng sông trăng “gặp nhau trong nỗi nhớ quê” với chị, tiếng ve khóc cười “giục cánh phượng rơi ngời ánh lửa”, “chùm hoa khế ủ hương” vỡ òa kỷ niệm, “ngồi đếm lá nhớ cố hương” những chiều gió lùa… và từ đó anh đi tìm lại bản thể chính mình, với bao Câu hỏi không lời:

“Ai mang tơ buộc loạn tim mình
Câu hỏi gửi trời xanh, biển thẳm
Thanh âm vút lên lúc trầm lúc bổng
Rơi xuống hố thẳm khôn cùng ...
Ai giải giùm ta,
Câu hỏi không lời...”
Tập thơ Sóng chữ sông quê của Văn Nguyên Lương

Tự hỏi rồi tự âm thầm suy ngẫm, mạnh mẽ vươn lên như “loài cây lớn theo chiều thẳng đứng” giữa bầu trời đôi khi “khô héo niềm tin” vì những điều phi lý, như trong bài Tìm anh viết:

“Vắt kiệt giọt sữa cuối cùng
Mẹ mớm tôi tiếng khóc
Mớm cả tiếng cười trong bão táp mưa sa
Tôi như loài cây lớn theo chiều thẳng đứng
Vươn giữa bầu trời học triết lý đường cong
Học cả những điều phi lý...”

Với một người trẻ thì tình yêu lứa đôi bao giờ cũng chiếm lĩnh tâm hồn. Trong tập thơ đầu tay của Văn Nguyên Lương, thơ tình cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo kể từ khi anh Vấp tình: “Từ độ vấp ánh mắt em/ Anh chơi vơi giữa cuộc đời mộng mị/ Đắp nỗi nhớ lên giấc ngủ/ Gối đầu về phía không em”. Anh ngơ ngác phát hiện ở người yêu “Ánh mắt dài như sợi chỉ/ Khâu nỗi buồn anh hóa kiếp” để rồi:

“Chợt ngày tím biếc bằng lăng
Đỏ bói chùm phượng vĩ
Chú ve non thức tiếng dậy thì
Giục chúng mình hẹn ước”

               (Bức thư tình đầu)

Hẹn ước rồi lỗi hẹn là câu chuyện muôn thuở của tình yêu. Và có khi vì chuyện lận đận áo cơm đành Lỗi hẹn mà phải trả giá: “Ngày anh về/ Đồi chè xanh tàn úa bên đường/ Em tươi cười trong vòng tay người khác”. Cuống cuồng yêu thương, hờn giận, cách xa, nhớ nhung chia tay, trả giá, đau khổ là lẽ thường tình của những lứa đôi trong cuộc đời này. Và chính sự trong sự khổ đau mà thơ tình đã cất lên tiếng nói, dù biết tình yêu muôn đời là nghịch lý “Biết không còn gì/ Sao vẫn vấp/ Tình ơi…” (Vấp tình).

Như nhiều người trẻ yêu văn chương khác, Văn Nguyên Lương đầu tiên đến với thơ như trò chơi giải trí giải tỏa những u uẩn nỗi tình. Nhưng càng dấn thân vào thế giới thi ca kỳ diệu, anh càng phát hiện vẻ đẹp của thơ và năng lực tiềm ẩn chính mình. Bây giờ thì với Văn Nguyên Lương thơ không còn là trò chơi giản đơn như thả diều, bắn bi, nhảy lò cò của tuổi thơ mà là trò chơi “trời cho” đầy đam mê sáng tạo “đất hứa” chữ nghĩa: “Ta đi tìm vùng đất hứa đời ta/ Chở nắng gió bao mùa cày ải/ Sinh sôi.../ Câu thơ ngập nắng vàng tươi” (An nhiên). Anh cũng hy vọng hành trình thơ của mình, mà khởi đầu là Sóng chữ sông quê, sẽ chạm được “bờ vui” tri âm bằng “tay chèo tràn đầy sinh lực” vượt biển đời cam go thử thách với ước mơ “bừng lên hương sắc tình người”: “Chở đôi thúng chữ/ Vượt biển vô thường/ Cơm áo nửa đường rơi/ Từ bến sông mơ ước/ Ngọn nồm ý chí thổi lộng cánh buồm” (Sóng chữ).

Khởi từ Sóng chữ sông quê, hành trình dấn thân và đam mê của Văn Nguyên Lương hy vọng sẽ còn mang lại nhiều mới lạ khi anh hòa nhập vào biển đời thi ca mênh mông và quyến rũ.

PHAN HOÀNG
(Lời tựa tập thơ Sóng chữ sông quê)



Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

TRẦN VŨ MAI - QUYẾT LIỆT VÀ MẠNH MẼ

Hằng năm, cứ đến ngày 19 tháng Giêng, ngày nhà thơ Trần Vũ Mai qua đời, là nhóm bạn bè chúng tôi lại nhớ đến anh, một nhà thơ, một người bạn, một hồn thơ quyết liệt và lặng lẽ đến kỳ lạ.
Nhà thơ Trần Vũ Mai

Vào chiến trường miền Nam từ tháng 4 năm 1971, đã từng “nằm vùng” rất lâu ở cực Nam Trung Bộ, nơi chiến trường nổi tiếng là “đói và chết chóc”, hồi đó gọi là T6 mà anh em chúng tôi vẫn đùa là “ 6 tấm”, nó là cái gì thì ai cũng biết rồi. Trần Vũ Mai đã tham gia nhiều chiến dịch, trải qua nhiều trận đánh cùng với bộ đội và du kích, đã chất chứa trong lòng mình, trong ký ức mình bao nhiêu là số phận những con người trong chiến tranh mà anh mong sẽ có ngày mình viết lại được. Không để làm gì, chỉ để trả ơn trả nghĩa với đồng đội, đồng bào đã bảo bọc mình những tháng năm gian khổ và cay đắng.

Hòa bình, là dịp may cho những người có tài năng văn học đã sống sót qua chiến tranh như Trần Vũ Mai. Anh háo hức, ngược xuôi, đi và viết, đi và nghĩ, đi và yêu. Nhưng vốn là một chàng trai vừa bản lĩnh, mạnh mẽ nhưng lại vừa đầy những thương cảm, yếu đuối, Trần Vũ Mai đã chọn Trần Mai Ninh và Hemingway làm thần tượng - hai nhà thơ nhà văn cũng đầy những phức cảm giống như anh.

Là một người từng trải nhưng có tâm hồn ngây thơ và thánh thiện của một đứa trẻ, Trần Vũ Mai đã tin yêu là hết mình. Nhưng khi thất vọng thì cũng thật khó gỡ. Anh đã thất vọng vì mọi điều không tốt đẹp như anh nghĩ, như anh tin, như anh kỳ vọng. Sau chiến tranh, rất nhiều cái xấu, nhiều người không tốt đã xuất hiện, và họ đã nhiều lần khiến Trần Vũ Mai phải thảng thốt kêu lên: “Ơ, sao lại thế này?” Thì nó là thế, biết làm sao!  

Bây giờ, không phải nhiều người biết đến Trần Vũ Mai và thơ anh, mặc dù theo tôi, anh là một trong những nhà thơ tài năng và bản lĩnh vượt trội của thế hệ thơ chống Mỹ. Cơ sự cho cái thiếu “duyên nổi tiếng” này là ở chỗ Trần Vũ Mai lúc sinh thời không bao giờ thèm “PR” cho thơ mình. Anh cố ý tránh xa những nơi có thể đọc thơ hay quảng bá thơ, nhất là thơ của anh. Công tác ở Nhà Xuất bản Tác Phẩm Mới (tức Nxb Hội Nhà Văn sau này) nhưng Trần Vũ Mai không hề “nhân dịp” đó để công bố bất cứ tập thơ nào của mình ở Nhà xuất bản “nhà” này. Và hình như anh cũng hơi thờ ơ với sự công bố tác phẩm của mình ở những nơi khác. Mai làm việc quá nghiêm cẩn, anh trăn trở với từng con chữ, nhưng hình như anh chỉ làm thơ cho… mình đọc là chính, như kiểu anh ghi nhật ký. Trong số những nhà văn trẻ hồi ấy đi chiến trường, thì Trần Vũ Mai là người chăm ghi nhật ký nhất. Nhiều đoạn nhật ký của anh được công bố sau khi anh mất (Mai mất năm 1991) mang tính văn học rất cao, vì được anh viết rất kỹ.

Trường ca Ở làng Phước Hậu của anh được thai nghén và viết từ một ngôi làng ở Phú Yên. Lúc đầu nó có tên là Cảm giác lạc quan, nhưng về sau nhà văn Nguyễn Chí Trung, người thủ trưởng đầy quả cảm trong chiến đấu mà Mai rất quí trọng, đã gợi ý anh nên đổi tên là Ở làng Phước Hậu cho nó… dễ hiểu. Có lẽ ông Trung thấy cái tên Cảm giác lạc quan này tuy hay và lạ nhưng hơi… ngài ngại thế nào ấy (?). Thôi thì lấy tên Ở làng Phước Hậu có vẻ “người thật việc thật” cho nó... lành. Tôi nghĩ, chính cú “thay tên đổi họ” ấy đã khiến trường ca này, một trong những trường ca rất hay về cuộc chiến tranh chống Mỹ, có một số phận hơi khuất lấp. Đó là điều rất đáng tiếc.

Có thể giải mã cái tên ban đầu Cảm giác lạc quan của trường ca này, khi cái lạc quan ngay sau giải phóng mới chỉ là “cảm giác”. Điều đó hoàn toàn đúng, và là một người từng ở chiến trường Nam Bộ ngót 5 năm, tôi chứng thực điều ấy.  Khi lạc quan mới chỉ là cảm giác, thì từ lạc quan tới bi quan lại là một khoảng ngắn. Ai đã từng đi kháng chiến, đã từng sống sau chiến tranh ở Việt Nam đều thấu hiểu điều này… Nhưng có lẽ Trần Vũ Mai cố gắng để không tin như vậy. Nhưng rồi thực tế đã buộc anh nghĩ khác. Anh chọn cho mình sự “giải thoát tạm thời” bằng cách… uống rượu, và chọn giải pháp căn cơ hơn là ghi nhật ký. Và viết những bài thơ, viết cả một trường ca mới Nàng chim Lạc mà anh cất trong ngăn kéo để chơi.

Tôi ít thấy một nhà thơ nào mà coi danh vọng “không là cái đinh gì” như Trần Vũ Mai. Nhớ ngày mới giải phóng, giữa Sài Gòn tôi gặp lại Trần Vũ Mai khi anh theo quân đoàn 2 đánh vào Sài Gòn. Mai đi xe jeep, rủ tôi vào nhà hàng Thanh Thế uống rượu tây. Trông anh giống hệt Hemingway khi ông chiến đấu ở Tây Ban Nha trong nội chiến. Mà đúng là trong đời, Mai chỉ thần tượng có hai người: một là Trần Mai Ninh, và hai là Hemingway. Đều là hai nhà thơ nhà văn ưa mạo hiểm và sống lãng tử. Trần Vũ Mai cũng vậy. Anh đã mạo hiểm trong chiến tranh. Và mạo hiểm cả trong hòa bình. Ngay cái chết của anh cũng mơ hồ và bí ẩn như cái chết của Trần Mai Ninh và Hemingway. Dù là chết trong hòa bình.

Trần Vũ Mai có hai bài thơ viết trước và sau khi đã ở chiến trường gây được ấn tượng rất mạnh đối với tôi và nhiều anh chị em làm thơ khác cùng thế hệ, đó là bài thơ Thành phố nghiêng mình viết ở Nha Trang tháng 4 năm 1975, và bài thơ Thảm cỏ bờ sông Hồng viết đầu năm 1971 trước khi rời Hà Nội vào chiến trường Cực Nam Trung Bộ. Rồi tôi đọc và tìm thêm một bài thơ nữa mà tôi rất thích, vì nó bộc lộ được những yêu thương, dằn xé và đau buồn của Trần Vũ Mai, đó là bài thơ Tự khúc viết tháng 9 năm 1978.
Từ phải sang, các nhà văn Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Dương Đức Quảng, Nguyễn Khắc Phục tại chiến trường khu V.

Bây giờ, đọc lại bài thơ Thảm cỏ bờ sông Hồng, bài thơ Trần Vũ Mai viết đầu năm 1971, trước khi rời Hà Nội vào chiến trường khu Năm cùng anh chị em trong lớp viết văn trẻ đặc biệt của Hội nhà văn Việt Nam, bài thơ vừa dịu dàng vừa mãnh liệt, vừa hồn nhiên vừa kiêu hãnh, tôi lại càng tiếc cho một tài năng thơ đã sớm bị cắt ngang mạch sáng tạo. Vào một lúc tĩnh tâm nào đó, có lẽ chúng ta nên đọc lại bài thơ này để có cảm nhận sâu hơn về một thế hệ đã dấn thân vào chiến trường những tháng năm ác liệt nhất.

THẢM CỎ BỜ SÔNG HỒNG

Buổi sớm
gương mặt em như xa vắng
anh đi những phố hè tìm mọi mảnh đường quen
lổ đổ tinh mơ rêu phủ
đường cong xa vời
gạch lửa phơi đỏ thắm

Đã từng mưa ở đây
Nắng đã từng trắng
mảnh tường tươi này
anh thuộc lòng dấu cũ em qua

Bữa ấy chúng mình đi trong đêm lửa đạn sông Hồng
mưa lũ
tay em lạnh mà không run sợ
anh nghĩ ngày mai còn trời đạn ấy
mặt anh thì xạm cháy
nhưng ngày mai ơi
chớ vắng bàn tay em
trên đôi vai người lính của ta cứng cỏi từ năm vào cuộc
ngày mai ơi
Hà Nội không phai
suốt một ngày bầu trời thăm thẳm
nhớ riêng em
tôi nhớ những gì tôi chưa có được
thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ
màu cẩm thạch nghiêng chào giã biệt
nếu ta có lỗi với em
cũng vì ta muốn mình không có lỗi
trước mặt em còn được tươi cười
giọng vang và trẻ mãi
bao giờ ta cũng chỉ là ta thôi

Cùng với những gì ta mến yêu sầu tư mộng tưởng
thảm cỏ bờ sông Hồng phủ bọc trái tim
nơi sâu kín ấy cũng đã bị đạn bom chạm tới
những tròng mắt đảo điên để ý đến ta rồi
đừng buồn em nhé, bây giờ
hồi em buồn nhớ
anh còn buồn hơn

Em
nhỏ bé mà trắng tinh
trước mặt thảm cỏ dòng sông
cầm tay một bông đại đóa
em ạ, chớ buồn
anh vào cực Nam đây.

(Hà Nội, 3/1971)

Nhưng một bài thơ có thể coi là “Tuyên ngôn Thơ” của riêng Trần Vũ Mai, được anh viết ngay sau ngày kết thúc chiến tranh, bài thơ Thành phố nghiêng mình viết về Nha Trang, có gắn với Tuy Hòa, nơi Trần Vũ Mai từng nằm hầm bí mật những năm tháng chiến tranh, lại cho tôi một ấn tượng choáng ngợp khi lần đầu tôi được đọc bài thơ này in trên tờ Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (cái tên tôi nhớ không rõ lắm) vào tháng 6 năm 1975 ở Đà Nẵng. Đây là bài thơ đầy yêu thương của nhà thơ Trần Vũ Mai và đầy chất thép của người lính Việt Cộng Trần Vũ Mai. Đúng như Xuân Diệu viết “Yêu và căm hai đợt sóng ào ào”, bài thơ của Trần Vũ Mai khởi đi một mạch, như tác giả đã viết nó trong cơn xuất thần, chất chứa bao điều muốn nói. Tôi nghĩ, thành phố Nha Trang, dù bây giờ có đổi khác thế nào, thì vẫn là thành phố dưới chính thể này, và nên coi bài thơ Thành phố nghiêng mình của Trần Vũ Mai như một bảo vật văn hóa của thành phố mình. Không phải thành phố nào ở Việt Nam cũng có được một bài thơ như thế đâu.

THÀNH PHỐ NGHIÊNG MÌNH

Đến năm ấy chúng xây thành dựng lên cửa sắt
Khai trương một thời xích xiềng roi vọt
Ôi, Nha Trang, người bỗng hóa ngục tù

Lúc bấy giờ
Nha Trang
Những mẹ già dắt tôi qua đường tối
Có những trái mìn quân thù giấu lại
Bay khát thèm máu của ta chăng!

Lúc bấy giờ gió cũng lặng yên
Thời gian khó, giấc mơ tôi kỳ diệu
Làm sao cho một sáng đứng lên
Để ánh ngày soi tỏ mặt tỏ tên
Những mẹ già dắt tôi qua đường tối
Hết đêm này đêm nọ chẳng hề ngơi
Lúc bấy giờ
Tôi vẫn sống, em vừa ngã xuống
Máu em thấm nơi cửa hầm đỏ đất
Tôi nhìn trời có nghĩa gì đâu
Đôi cuộn mây hồng hay ánh trăng sao
Em thường nói, rồi chúng mình trẻ mãi
Tôi cầm khẩu súng em, lắng nghe lần cuối
Đêm vượt đường chim dậy hót cho em

Rồi tôi đi qua mấy cánh rừng
Vượt mấy dòng sông trải nhiều trận đánh
Lòng nông nổi nhớ em như biển
Như thiếu muối và thương nhớ biển
Trong trái tim mình lấp lánh cả đời em

Tôi qua mấy chục cánh rừng
Có đêm chợp ngủ bên dòng Đak Suk
Súng để gối đầu chân thì gối dép
Nghe ngọn gió nào cũng như gió Nha Trang
Từ Buôn Mê Thuột gợi lòng
Cứ nhìn về phía biển
Biết nói gì, biết nói làm sao!
Ở Tuy Hòa khi tiếng hát ngân cao
Hát ca ngợi tháng ngày vĩ đại
Quân đoàn đi như sóng cuộn trên đường
Vượt núi non, qua những cánh đồng
Qua những sân nhà, những ngọn cờ Tổ quốc
Ôi, ngày hôm nay chúng ta có được
Cả đoàn quân rực rỡ ánh ban mai
Như bờ biển sóng vun như những luống cày
Tôi ngoảnh lại
Tuy Hòa rung mềm mại
Tuy Hòa vui trong gió thổi
Lúc bấy giờ
Lúc ấy
Hỡi Nha Trang!

Lúc bấy giờ
Nha Trang
Nha Trang ngục tù hóa thành chợ búa
Chợ cháy ra tro, chúng ngả nghiêng cười
Thằng đại tá một đêm tháo thạy
Trong nhà tắm mảnh cờ vàng chết đói
Súng và hoa cả xác chết ngoài sông
Những con tàu đổ người xuống biển
Ngày giam trong khóa xích
Đàn chó hoang rên rỉ cuối đường

Lúc bấy giờ
Nha Trang
Những người phá thành phá vây đã tới
Nha Trang nghiêng mình
Manh áo Mỹ bạc màu rơi xuống biển
Những em gái cầm chổi ra đường
Hốt rác đầu mũ lính
Thành phố hiện ra cùng ánh cờ sao
Tưởng như thế cuộc đời vô tận mãi
Bao hạnh phúc nở ra nhiều hoa trái
Vâng, cho dù như thế các anh ơi
Nếu kẻ thù đã chết
Thì tội ác bay vẫn còn ở Nha Trang
Ghi trên nét mặt, khắc giữa lòng đường
Đây lời nhắn đã thấm vào ngọn lửa
Của người hy sinh những trận phá thành

Hạnh phúc sẽ kéo dài vô tận
Là cây lá dần xanh trở lại
Là những tường nhà Nha Trang không còn dấu đạn xuyên
Là đất đai, biển cả, khoảng không
(trừ đi những phần kia còn chất độc)
Là vẻ đẹp người hôm nay ca hát
Là đồng hoang trở lại những mùa vui
Chiều buông xuống chan hòa trời biển
Là đứa con tôi mai mốt ra đời

Từ lâu lắm
Nếu kẻ thù đã chết
Thì tội ác bay vẫn còn ở Nha Trang

Tôi tìm mẹ tôi trên mỗi đoạn đường
Mìn xếp đống góc sân nhà mẹ
Ồ, ánh ngày sao mà sáng thế
Mẹ già ơi, con muốn khóc, lòng con
Lòng con chẳng biết nói sao nữa, mẹ
Khi mẹ kể cùng con và thành phố nghiêng mình

(Nha Trang tháng 4/1975)

Và bài thơ thứ ba, bài Tự khúc viết ở Hà Nội năm 1978, khi Trần Vũ Mai đã buồn nhiều hơn vui. Khi anh đã, như người Mỹ sau chiến tranh thường nói, mắc vào “hội chứng thời hậu chiến”. Tôi không biết những người lính Mỹ mắc phải hội chứng này ra sao, nhưng với thi sĩ Việt Nam và người lính Việt Cộng Trần Vũ Mai, thì đây là một hội chứng khốc liệt. Chúng ta đọc bài thơ Tự khúc và tự cảm nhận điều đó. Bài thơ này Trần Vũ Mai viết cho riêng mình, nhưng đã nói được rất nhiều cho những người lính cũ, người kháng chiến cũ chúng tôi. Không nguôi yêu thương, nhưng không thể dứt đau buồn. Và đúng như một câu trong bài thơ, nhiều lúc như rơi vào “vô vọng”.

TỰ KHÚC

Lúc bình minh mà vắng cả sắc màu
anh nằm xuống nhìn lên kia vô vọng
anh đã hét trong phòng im cửa đóng
lúc thương người lại giận chính mình thôi
đêm lúc lặng thinh nghe vắng vẻ cuối trời
ai chẳng đến với anh như thế cả
chắc vì em nên gió chiều rực rỡ
nửa khuya rồi mưa lạnh thấm hai ta

đường vẫn cũ xưa trời thẳm vẫn cao xa
có chăng mới là giọng em hát đó
có chăng mới tiếng cười em nho nhỏ
vỡ tan dần trong thầm lắng lòng anh
ôi chim xa của đôi cánh ân tình
của tiếng hót làm vui làm đau đớn
của tĩnh mịch ngẩng trông lên cao thẳm
của tình yêu trời đất đã ban cho
sóng biển vừa gieo hai ta lên bờ
không tất cả có lẽ phải thế
không thể khác chắc sẽ là phải thế
mang nỗi sầu tha thiết nhớ em yêu

(9/1978)

THANH THẢO
Nguồn: Văn Nghệ, 31/2019

ĐỌC BÀI KHÁC:

·         TIA NẮNG THU BỒN…


BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...