Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

NHƯ QUỲNH DE PRELLE - “SONG TỬ” VÀ NHỮNG CƠN RUNG-CHẤN-TÌNH CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ THƠ

Người đọc từng biết đến Như Quỳnh de Prelle với tư cách là một nhà làm phim, một giọng thơ tinh tế, sâu sắc và không kém phần nổi loạn. Thơ của chị đăng tải nhiều trên các diễn đàn trong nước và ngoài nước. Chị xem không gian internet là sân chơi của thi ca. Chỉ đến khi Song Tử ra đời, người đọc mới có cơ hội nắm bắt những cảm quan thẫm mỹ cũng như sức hấp dẫn, lôi cuốn của ngôn từ trong thơ chị.
Nhà thơ Như Quỳnh de Prelle

Song Tử là tập thơ chị viết dành cho những tưởng tượng của thi ca, thể hiện những tình cảm và sẻ chia cùng anh. Ở đó, tình yêu của người đàn bà thơ với anh - Song Tử, được cài bện trong tình yêu thi ca, tình yêu con người, quê hương, cuộc sống... Anh - Song Tử, là một hằng số vô cùng khơi mãi những thương yêu bất tận. Anh - Song Tử cũng là một hình tượng nghệ thuật ẩn chứa những suy tư vừa kín đáo vừa táo bạo về thế giới của chị.

Những câu thơ Như Quỳnh de Prelle viết như những lời tâm sự, thủ thỉ, tâm tình với anh về tình yêu, về thơ ca, về cuộc sống. Ở đó, chị bày tỏ tình yêu tha thiết, thủy chung, mãnh liệt, bỏng cháy và luôn tìm về sự hài hòa cả về tinh thần lẫn thể xác, khát chờ một hạnh phúc vĩnh hằng, một tổ ấm vẹn toàn. Anh chính là mạch sống đời thơ chị. Chị biết cách nhen nhóm và gìn giữ tình yêu với sự chăm chút đáng quý: “yêu anh yêu anh từng nhịp đập từng nhịp từng nhịp”. Với chị, yêu là phải bùng cháy cảm xúc để tỏ lòng với người mình yêu. Do vậy, sự gắn bó, khăng khít giữa hai người tình không chỉ đo bằng chiều dài của thời gian mà còn được mở rộng biên độ yêu, không gian yêu. Đâu chỉ hiện tại, mà ngay cả cõi mơ, tình yêu ấy vẫn nảy nở, đằm sâu: “Em đợi anh/ Yêu anh/ từng ngày từng ngày một/ như hơi thở/ như những hẹn hò trong mơ/ như những thảng thốt/ bất ngờ” (Anh. Tiếng Việt và quê hương). Yêu như là nhịp thở của nhau và đến khi tràn sang cả cõi mơ thì sức mạnh của tình yêu, nỗi khát hòa nhập được đẩy lên cao hơn.  

So sánh là một trong những phương thức tăng thêm vẻ đẹp của diễn ngôn, của hình tượng được nói đến cũng như gửi gắm nỗi niềm, triết luận của tác giả về cuộc thế. Cấu trúc so sánh được Như Quỳnh de Prelle sử dụng khá nhiều. Khảo sát tập Song Tử, chúng tôi thấy cấu trúc anh là (A + là + B) xuất hiện 23 lần/81 bài thơ. Hình tượng anh trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt trong thơ chị:

Song Tử duy nhất của em
anh của em
anh là Tổ quốc của em
trên địa cầu hôm nay

  (Anh. Tiếng Việt và quê hương)

Yêu và nhân niềm tin yêu mỗi ngày bằng gia vị riêng nhưng tất yếu không thể thiếu gia vị của lòng trân quý người tình. Cách so sánh đối tượng cụ thể với đối tượng trừu tượng, mang tính biểu tượng cao, thiêng liêng ở đoạn thơ này là một phát hiện thú vị của chị. Việc lặp lại các từ "của em" góp phần khẳng định tính sở hữu cũng như nhấn mạnh tình yêu bất diệt của người đàn bà thơ đối với anh. Đoạn thơ khác, yếu tố khẳng định đi kèm với các hình ảnh được so sánh xuất hiện liên tục: anh là một cánh rừng màu xanh của em/ là ngôi nhà diệp lục tưởng tượng của em/ là Song Tử/ cho em hẹn hò/ anh là không khí/ cho em thở/ cho màu xanh định mệnh của em/ cho sự thất thường của em/ trong sâu thẳm (Thêm một trái tim ở bên). Người đàn bà thơ biết nêm nếm đúng khẩu vị yêu, muốn khám phá kiệt cùng thế giới tâm hồn của anh. Anh được ví với mọi chiều kích của vũ trụ, xuyên qua lưới thời gian, là ngọn gió thơm mát, là những gì tinh khôi,… trong trái tim người đàn bà thơ. Mỗi cấu trúc thơ mở ra một cánh cửa tình. Cấu trúc anh - cánh rừng: không gian mênh mông ngập tràn sức sống. Anh - ngôi nhà diệp lục: gợi không gian gia đình ấm cúng, đoàn tụ. Anh - Song Tử: mẫu người đàn ông tuyệt vời. Anh - không khí: sự cần thiết để duy trì tình yêu và cuộc sống. Sự bó hẹp dần về không gian ở đoạn thơ trên chính là sự rút ngắn khoảng cách giữa hai người tình. Nỗi khát tình, khát hòa nhịp lòng của người đàn bà thơ đối với anh xuyên suốt, nồng nàn và ngày một lớn thêm.

 “Song Tử” là “những con chữ của tình yêu”, là “mùa em dành cho anh tình yêu bất tận/ sự ân cần và hân hoan” (Bài thơ viết trong vườn). Người đàn bà thơ xem mình là nước. Anh là rừng. Nguồn nước chảy và thấm vào đất, vào rừng những mạch nguồn của tình yêu. Nguồn nước ấy mang đến sự thanh khiết, hòa hợp và sinh sôi nảy nở. Nguồn nước thanh khiết này sẽ tưới tắm, xoa dịu tâm hồn anh. Và cũng là hình ảnh tượng trưng nguồn thụ tinh cho một tình yêu đẹp, luôn chuyển dịch, vận động để tái sinh: “Hơn bao giờ hết, lúc này nàng nhận ra nàng yêu anh biết bao, cần anh biết bao, nàng tiếp tục yêu và yêu yêu như nước quấn quanh rừng, như những mạch ngầm của dòng chảy không tách rời mặt đất kia… nàng là nước, là người đàn bà mang nước để yêu anh như nguồn nước mẹ” (Song Tử). Mạch tình ấy không đơn thuần chỉ là sự hiện hữu qua những hành động (yêu) mà còn như nguồn nước mẹ thấm sâu, lan rộng khắp (quấn quanh, không tách rời). Trên nền gắn kết nàng-anh, nước-rừng, tình yêu nảy sinh, bình dị, son sắt, ngọt lịm, tràn trề, không bao giờ vơi, không bao giờ ngưng.

Nước trong thơ Như Quỳnh de Prelle còn mang biểu tượng phái sinh. Nước tăng thêm sự đủ đầy, thanh nhã cho không gian của tình yêu và vẻ đẹp tâm hồn:

Bảo Bình của anh là em
em chỉ có một Song Tử là anh
trời đất mang anh đến cho em
vũ trụ chuyển hoá anh cho em
một người mang nước có anh
và yêu anh

anh là cánh rừng
em là những dòng nước
chúng ta bao quanh nhau
nước từ trong lòng sâu của đất
nuôi dưỡng mạch nguồn cho rễ của cây
anh chở che em
bằng màu xanh diệp lục
sự chuyển đổi của thời gian
bằng tình yêu
lặng im lặng im
không cần nói bằng lời

     (Song Tử của em)

Ở đoạn thơ trên, cặp đôi cánh rừng-dòng nước bổ sung, tương hỗ mang ý nghĩa thanh tẩy, nhen lên những mầm sống tươi mới, hồi sinh tâm hồn, kết hoa trái tình yêu. Trên tinh thần ấy, nước còn là biểu tượng của vẻ đẹp thiên tính nữ, mềm mại, trong sáng, nảy sinh sự sống mới; là chất kết dính, là sự hòa quyện tuyệt vời giữa cung Bảo Bình và cung Song Tử. Sự chuyển hóa dòng nước tình yêu mát lành từ em sang anh, từ Bảo Bình sang Song Tử và ngược lại, là một quá trình xuyên thấm và bồi đắp liên tục giữa hai trái tim đồng điệu, sống hết mình vì tình yêu. Yêu là phải tự tin, tự thổ lộ với người tình bằng trái tim nồng nàn và rất đỗi ấm áp, mến thương của mình. Vì vậy, tiếng nói thơ chị lúc nào cũng mong mỏi "tìm kiếm sự vẹn nguyên ngay cả khi cái chết cận kề". Quyết tâm đó đã xác tín tiếng nói tự chủ, cá tính nữ trong hành trình tìm sự trọn vẹn tình yêu của người đàn bà thơ.

Khi yêu, ai cũng muốn thấu trọn trái tim người tình. Vì vậy, chị còn đặt ra những giả thiết, lật lại vấn đề: "Em cũng không có cơn mưa nào cho anhnên em thấy anh là giọt nước cho em uống anh trong cơ thể em (Em và anh). Anh là giọt nước tinh khiết bù đắp nguồn sống cho em. Sự luân chuyển, thay đổi vị trí giữa người cho và người nhận, Như Quỳnh de Prelle đã chứng minh sức sống mãnh liệt của tình yêu giữa người đàn bà thơ và anh không bao giờ khô cạn, mãi mãi xanh tươi, quyến dụ suốt mùa yêu. Hơn nữa, khi yêu, người ta luôn có nhu cầu làm mới, nhen lửa tình yêu mỗi ngày. Nhưng nhu cầu nắm bắt, hiểu hết người mình yêu là một hành trình vô tận. Chừng nào còn nhu cầu kiếm tìm tình yêu thì tình yêu còn tồn tại. Người đàn bà ấy không để tình yêu nguội lạnh như lớp tro buồn, hoang hoải: “Em muốn yêu anh lại từ/ hôm nay như một ngày mới/ đang đến, mở mắt ra em/ nhìn thấy anh ở bên và/ có anh trên khắp mọi nơi/ em đến, em đi, ngồi lại”(Người yêu dấu ơi)Chị biết nhân thêm tình yêu và làm mới tình yêu mỗi ngày, biết hòa nhập, đồng điệu với người mình yêu để tôn vinh sự thủy chung và thiêng liêng của tình yêu. Ý thức này một mặt khẳng định tình yêu bền vững, vĩnh cửu của người đàn bà thơ với anh - Song Tử, không gì có thể chia cắt được, mặt khác, hướng con người đến sự trọn vẹn, đến những giá trị tốt đẹp hơn.

Người đàn bà thơ đa cảm, đa tình nhưng không yếu đuối, ngược lại, rất cứng cỏi, bản lĩnh, đầy cá tính. Nỗi khát yêu đôi khi được dồn đẩy, vỡ ra và bứt phá. Nó làm nên lớp sóng yêu dào dạt, chuỗi thanh âm nhục cảm táo bạo cho tập thơ: “anh là thời gian không gian của em/ anh là chú chim non gọi em buổi sáng/ dặn em đi ngủ lúc đêm khuya/ anh là con tinh trùng vô hình/ quẫy đạp em/ sinh sôi/ anh nằm trên ngón tay em/ lặng im lặng im”(Anh đến từ đâu). Đoạn thơ này, yếu tố được so sánh phát huy hiệu lực cao, tăng dần mức độ tình cảm và dừng lại ở hình ảnh nhục thể, hoan lạc, táo bạo. Những cuồng nhiệt của tình yêu, niềm hạnh phúc vô biên tràn ngập thời gian và không gian. Một tình yêu viên mãn. Một sự kết nối tuyệt đích. Ở bài thơ "Thư viết cho người yêu", những từ ngữ đan phối, duỗi theo cơ chế tăng tiến cảm xúc như thèm, muốn, nuốt, hôn, uống, túm, ăn,... dội thẳng vào tâm trí người đọc: “lên cơn nhớ anh thèm anh bất tận/ em muốn được ăn cái lưỡi của anh/ hàm răng của anh/ ăn cả đôi bàn tay dài trắng muốt/ nuốt cả những ngón tay những móng tay sạch sẽ/ em ăn cả cơ thể của anh/ trên ngực anh em gối đầu/ và hôn vào chiếc rốn năng lượng/ em sẽ làm gì tiếp theo/ làm gì nào/ anh yêu ơi// lên cơn nhớ anh thèm anh bất tận/ mùa xuân ngọt lành/ em uống từng giọt từng giọt mồ hôi/ trên 2 cơ thể chúng ta/ em túm từng lọn tóc từng lọn tóc/ khô ơi là khô nước mắt em trào dâng/ ướt đẫm người anh/ em muốn được ăn anh toàn phần/ uống anh từng nụ hôn/ từng giọt nước mắt/ từng giọt mồ hôi/ từng giọt yêu đương từng giọt từng giọt// em đang yêu anh/ yêu anh”. Chúng ta thấy nhịp thơ đoạn này tương đồng với tốc độ cảm xúc tạo nên hiệu ứng nhạc tính của những con chữ và hiệu ứng nhạc lòng của hai người tình. Tất cả níu vào nhau, đan vào nhau theo một chỉnh thể thống nhất và cao trào. Đôi khi lời tình yêu chỉ là những thanh âm chân thật, tự nhiên nhưng vẫn khiến người đọc mê say trong miền nóng ấm của sự giao hòa: Anh che chở em tha thứ em theo nhịp đập từng hồi từng hồi và ngưng lại trên cơ thể mềm mại của em// Em lại chui vào anh nồng nàn tha thiết yêu đương// Có những lúc như thế, chúng ta vỡ ra những những thuỷ tinh và trong veo như những giọt nước mắt không màu đầy ánh sáng của tình yêu và bao dung// Em đang yêu anh yêu anh, Song Tử của em (Chúng ta là một). Đoạn thơ không khai thác rõ những hoạt động tính dục mà chỉ xoáy vào cảm xúc nhục thể bằng ngôn ngữ tinh tế, giản dị, cho thấy cái nhìn đa chiều của Như Quỳnh de Prelle khi nói về say đắm của tình yêu. Dù cảm xúc ào ạt, cháy bỏng hay dịu dàng, kín đáo nhưng có thể nói không một khoảng cách, ranh giới nào chia lìa được hai người tình. Cấu trúc dạng thơ văn xuôi ở đây trải dài như mở rộng thêm biên độ của tình yêu, của cảm xúc trong cơ chế vận động của những thanh âm tha thiết, mê say (che chở, ngưng lại, chui vào, vỡ ra). Nếu thơ tình yêu Vi Thùy Linh được giải tỏa bằng những cơn xúc cảm bạo dạn, được dệt bằng “những trận bạo động chữ” thì thơ Như Quỳnh de Prelle lại có cái riêng khác. Sự mơn trớn, tận hiến được đẩy đến cao trào nhưng vẫn hết sức tinh tế, chừng mực, vẫn giữ được sự dịu dàng, nữ tính của giới thứ hai. Đó là một cơn khát thèm vừa có sự nhã nhặn vừa có sự quyết liệt, vừa khơi gợi vừa kiềm chế được bản năng của người đàn bà đang yêu.

Cô đơn “thuộc phạm trù cái đẹp”, là cú hích sáng tạo đối với người nghệ sĩ. Chọn con đường thơ ca, nghĩa là họ đã chọn cho mình một lối đi riêng khác, thậm chí chịu số phận của kẻ bên lề, phải chịu sự đày ải và những va đập buốt nhói của cuộc sống. Đây là vận mệnh chung của những kẻ dấn thân vào mê lộ đày ải, sống chết vì nghệ thuật. Đây cũng là cảm thức chủ đạo, xuyên suốt chặng đường đến với thi ca của họ. Vận mệnh ấy cũng vin vào Như Quỳnh de Prelle. Bên cạnh những nghiệm sinh về tình yêu, thơ chị cũng viết nhiều về nỗi cô đơn. Chị cô đơn đến nỗi chốn nào cũng không tìm được sự đồng cảm, sẻ chia. Nỗi đơn độc như sợi dây định mệnh đeo bám, vấn vít thơ chị: “nàng lại cô độc/ lại như xưa/ trong những nơi nàng đến nàng qua và ngồi lại/ chả còn ai mong đợi nàng/ đọc nàng nữa/ chả còn ai còn ai” (Nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng). Khi đối diện với nỗi cô đơn, lạc lõng, thơ chị càng đẫm sâu vào nỗi buồn. Nỗi buồn đan từ lớp này sang lớp khác, ken chật con chữ. Chị sắp xếp và đo độ bền chặt từng nỗi buồn của chính mình: …buồn không ngớt; nỗi buồn lặn sâu cào xới những rạn nứt; thấm vào da thịt dòng máu nhiệt đới buồn; em chôn những nỗi buồn vào đá nghìn năm nguyên vẹn; nỗi buồn thời này chất chứa từ bao đời, từ quá khứ, từ hiện tại và tương lai chỉ là hy vọng hão huyền cho sự ảo tưởng khốn cùng,… Tại sao nỗi buồn trong thơ chị rậm đặc, dai dẳng và day dứt như thế? Phải chăng những bất trắc của cuộc sống đập dội, dồn đẩy chị đến mức phải bung ra, vỡ ra cả trái lòng mình? Phải chăng nỗi buồn này sẽ là chìa khóa để chúng ta giải mã, thấu hiểu và đồng cảm với chị qua những ẩn ức đang bật dậy, qua sự tuôn chảy của xúc cảm, của những ký tự đầy biến hóa?

Bản chất của cuộc sống là sự va chạm giữa các mặt đối lập. Con người bị ném trong guồng quay ấy, hệ lụy, cũng chứa nhiều mặt thuận nghịch. Thơ Như Quỳnh de Prelle sử dụng nhiều cặp tương phản, đối lập (được - mất, ánh sáng - bóng tối, chân thành - dối trá, thực - ảo, hạnh phúc - khổ đau,...). Những cặp đối nghịch này xây dựng nên sự đa dạng của gương mặt thế giới và làm rõ tâm thế người đàn bà thơ - hoang mang, chứa đầy mâu thuẫn:

có lúc nàng hạnh phúc
trên tay với những bó hoa hồng
có lúc nàng tuyệt vọng như một đám tang suốt bốn mùa
có lúc nàng nhẹ dạ ngô nghê trao gửi không hề hấn tiếc chi
có lúc nàng tin
tin vào ngọn cỏ
tin vào sự an nhiên
tin vào sự cô độc
tin vào sự kiếm tìm

   (Tuyệt vọng tháng 5)
Tập thơ Song Tử của Như Quỳnh de Prelle (NXB Thuận Hoá)

Vậy nguyên nhân gây nên sự hoang mang có phải từ chủ thể? Như Quỳnh de Prelle lý giải: "chuyện gì cũng hoang mang/ vô vọng/ tình yêu vô vọng/ dân tộc vô vọng/ cái chết vô vọng/ niềm tin ở đâu/ ở đâu"? (Tuyệt vọng tháng 5). Thì ra, trong xã hội này, mọi thứ đều vô vọng. Con người mất hết niềm tin. Nỗi niềm chát đắng, đau buồn của con người không bao giờ nguôi ngoai: trong căn nhà cổ/ em nhìn thấy tổ tiên loài người buồn bã/ như những cơn hen kéo dài/ đậm đặc thuốc men (24h một ngày và 24h/s). Hay một đoạn thơ khác, cuộc đời quá dày đặc buồn đau, con người cứ quẫy cựa mãi cũng không giải thoát được: buồn trái tim hẹpbuồn lý trí ác ônbuồn cả cuộc đờichả vui hết ngàykhi vẫn còn thứckhi vẫn còn nhịp đập (Nỗi buồn tháng 4). Cuộc đời mà chị tái hiện, cái tình người quá đỗi mong manh. Bởi tình yêu cao quý mà tạo hóa ban tặng đâu thể nảy mầm trên cái nền xám xịt này? Vì lẽ đó, chị cho rằng, nơi “cõi thế mù loà dang dở”, tình yêu thương bao giờ cũng là của hiếm:

cuống cuồng yêu đương
cuống cuồng hẹn hò
cuống cuồng hờn giận
cuống cuồng điên rồ
cuống cuồng giao hợp
tình yêu thì hiếm hoi
loài người luôn đói khát sự yêu thương ân cần

                  (Cuống cuồng yêu)

Đến đây, chúng ta đã hiểu vì sao thơ chị viết nhiều về nỗi buồn (58 từ buồn/81 bài thơ). Những nỗi buồn của chị ám ảnh từ ngàn xưa cho đến bây giờ. Nỗi buồn luôn thường trực trong Song Tử, đúng như cách gọi tên của chị: những khúc niệm sinh buồn”. Dấn sâu vào nỗi buồn đau, cô đơn, chúng tôi thấy thơ Như Quỳnh de Prelle càng sắc, càng chân thực, mang đến luồng gió mới trong cách nhìn nhận, đánh giá cuộc thế. Chị chấp nhận cơn đớn đau như một phần của cơ thể trong cuộc nghiệm chứng những bất ổn. Đó là nguyên do để người đàn bà trong thơ chị muốn "ăn cả vạn vật trên thế giới", chào đón cuộc sống bằng con đường khác: nàng muốn ăn cả những lời nói thối tha/ những định kiến/ chả bao giờ đổi thay lịch sử/ những thấp hèn ti tiệnnàng sẽ chết hay tiếp tục tồn tại/ trong thế giới này// sau khi người ta đọc và ăn những bài thơ của nàng bằng mắt, ý nghĩ/ bằng cách nào đó/ nàng tiếp tục viết/ ăn cả loài người/ bằng ngòi bút/ trên bàn phím/ trong khuôn hình màn hình của chiếc Macbook E (Nàng thơ). Nuốt vào cuống họng những mặt trái của xã hội rồi thực hiện theo chu trình nhào nặn của riêng chị là hành động khá táo bạo. Mong mỏi đổi thay ấy minh chứng trách nhiệm và lương tâm rất nhân bản của người nghệ sĩ. Từ chu trình ăn, uống, sa thải của người đàn bà thơ, chúng ta thấy rõ bản lĩnh mạnh mẽ của chị trước mặt trái của xã hội. Chị còn cho rằng:“trong thế giới loài người/ trong đồng loại của mình/ tôi nên biết nhiều hơn/ chia sẻ nhiều hơn/ gặp gỡ nhiều hơn/ viết nhiều hơn/ để được tồn tại/ được sống/ trải nghiệm/ để được mất mát/ đớn đau” (Cuộc thế)Hành động dấn thấn, nhập cuộc, dâng hiến tận cùng vào bể đời này của chị thật đáng quý, thể hiện bản lĩnh và tâm hồn của người nghệ sĩ sống hết mình, cháy kiệt cùng cảm xúc vì thơ vì đời. Thì ra, nỗi đau, nỗi cô đơn đôi khi lại là cơn chấn động đáng quý để kích hoạt trái tim của người nghệ sĩ.

Tồn tại trong bầu sinh quyển mà mọi giá trị chuẩn mực của đời sống đều có nguy cơ viêm nhiễm, lệch chuẩn, liệu con người có thể thoát khỏi nỗi cô đơn, tìm kiếm tự do, hạnh phúc cho chính mình được không? Và khi mọi giá trị bị đổ vỡ, mất hết điểm tựa, việc con người rơi vào trạng thái cô đơn, cảm thấy lạc loài, lẻ loi, rỗng không là tất yếu, là đương nhiên. Lúc này, con người buộc phải chấp nhận sống chung với cõi thế khủng hoảng, hỗn mang. Vấn đề, trước những hỗn mang ấy, chúng ta phản ứng và thanh lọc như thế nào? Như Quỳnh de Prelle không chạy trốn. Chị vạch ra những mặt nạ, những vết mủ ý nghĩ, những định kiến cổ hủ... đang tồn tại, bức tử tự do: tự do của nàng là tự thân nàng/ nàng sinh ra ở một thế hệ khác, thế kỷ khác/ sống một thế giới tưởng tượng khác/ của riêng nàng/ đừng áp đặt lịch sử và không gian với nàng/ nàng bên ngoài tất cả/ nàng chưa bao giờ phải chết đói/ chưa bao giờ phải hấp hối/ đừng nhìn nàng như những định kiến hẹp hòi những tham vọng tối mù/ của những kẻ tầm thường (Nàng thơ). Chị hiểu tự do không nằm ở đâu cả mà nó nằm ngay ở cách đặt vấn đề và xử lý của chính bản thân. Thể hiện tâm trạng cô đơn, lạc lõng, vô vọng, không thể bắt nhịp với cuộc sống một mặt giúp chị cất lên tiếng nói phản kháng, gửi gắm nỗi bất hòa, mặt khác thể hiện ý thức, sự lựa chọn hoàn toàn chủ động của người cầm bút. Vậy, Như Quỳnh de Prelle lựa chọn cô đơn, đón nhận cô đơn để giữ cái tôi, giữ bản ngã không bị “nhào trộn” cũng là giải pháp kiếm tìm tự do cho chính mình và thực hiện quyền năng hiện sinh cho thơ ca đấy thôi: “được sống trong một khoảnh khắc hiện sinh có thật, đó là nàng thơ và quyền năng của nàng thơ”(Thi ca hiện sinh). Càng rơi vào cô đơn, con người ta càng muốn giải thoát, vùng vẫy. Và nhất là khi chúng ta làm chủ được nỗi cô đơn thì nỗi khát khỏa lấp càng mãnh liệt.

Lẽ thường, khi không giải tỏa được những dồn nén, ẩn ức, con người dễ rơi vào trạng thái hoang mang, nghi hồ, thiếu hụt niềm tin, thậm chí nghĩ đến cái chết để giải thoát. Tâm hồn người đàn bà trong thơ chị cũng rơi vào trạng thái chông chênh, bất an, luôn có sự giằng xé giữa bản năng sống và bản năng chết: “nàng sẽ chết hay tiếp tục tồn tại”. Nhưng người đàn bà thơ không bỏ cuộc, không xem cái chết là giải pháp giải thoát bi thương cuộc đời bởi chị luôn biết cách tự đấu tranh với hiện thực, phủ nhận hiện thực. Do đó, cái chết cũng là một hình tượng nghệ thuật, bộc lộ thái độ của chị trước những vấn nạn cuộc sống. Cái chết được chị nhắc đến đâu phải là cái chết u buồn, chấm dứt, đoạn tuyệt với cõi này mà là chết để cứu chuộc, hồi sinh, mở ra những trang đời mớiChúng tôi thống kê, có 56 từ chết xuất hiện (trong tổng số 81 bài). Một tỉ lệ khá cao. Điều này lý giải vì sao những âu lo, bức bối đang chất chứa, thậm chí có xu hướng chồng lấn trong thơ chị. Những phức tạp, ngột ngạt của cuộc sống và phận người đắng đót được chị nhìn nhận dưới con mắt dạt dào tình yêu thương và trần tình bằng cả tấm lòng ấm áp, hi vọng. Chúng tôi xem lời trần tình này là sự đối thoại nhiều chiều và rất thành công của chị: người đàn bà thơ - anh (tình yêu và thi ca) - cuộc thế (đời sống và thân phận).

Cuộc sống trong thơ chị đang ở thì chưa hoàn tất. Mọi dữ liệu đều dở dang, tàn lụi. Đưa ra những "siêu thị mặt" (tên một bài thơ của Trần Quang Quý) như trên, chị muốn phán xét và sắp xếp, hoàn thiện thế giới theo một chu trình nhân ái. Trước những “lời nói thối tha”,những “thấp hèn ti tiện” của thực tại, chị nghĩ loài người cần có lúc chết đi, để hồi sinh, để vận vào đó chiếc áo mới, “lành lặn” hơn:    

có lúc loài người phải chết đi để được tồn tại
trong ý niệm của chúng ta, trở về cái hoang dại thủa xa xưa hay đôi lúc là một loài động vật tự nhiên trong ý thức thoát khỏi các khái niệm và tư tưởng, con người tự do và lành lặn hơn dù có khi muốn giết cái gì đó, ai đó trong tưởng tượng, như giết một lời nói, một ý nghĩ của thú hoang

       (Mặt trời dưới bóng olive già)

Thi sĩ vốn là người sinh ra đã mang nợ với trần gian, là kẻ chịu lưu đày giữa biển đời biển chữ. Họ hiểu và cảm nhận được những gì xảy ra xung quanh và hơn cả là họ hiểu được thực trạng của mình. Mâu thuẫn giữa cái tôi bản thân đời thường với cái tôi sáng tạo giúp người nghệ sĩ nhận ra chính mình, nhận ra cái bản ngã biệt lạ, riêng khác của mình. Vậy việc Như Quỳnh de Prelle đi tìm cái chết cho bản thân giữa sự tươi ròng của không gian và vĩnh cửu của thời gian nghĩa là chị đang bộc lộ khao khát được sống ở một thế giới khác, sáng và đẹp hơn: “và tôi đi tìm cái chết của tôi/ trong sự sống/ trong những tái sinh/ nảy mầm/ trong mảnh vườn/ trên ban công/ bốn mùa nắng mưa/ bão táp” (Tôi. Đi. Đến. Nằm xuống). Quan niệm cái chết như là sự tẩy trần, hồi sinh, chị thấy mình cần phải tiếp tục sứ mệnh kẻ cầm bút: viết nhiều hơn/ để được tồn tại/ được sống/ trải nghiệm/ để được mất mát/ đớn đau (Cuộc thế). Theo chúng tôi, những cảm xúc trực hiện, những diễn ngôn không hề đắn đo, do dự, quả quyết tham dự vào mê lộ thế cuộc này của chị đã xây nên tầng quặng tư duy triết luận và cơn rung-chấn-tình cho tập thơ.

Sự chuyển dịch, song song tồn tại giữa sống và chết, giữa ma trận hợp âm thanh thản - day dứt, nhẹ nhàng - gay gắt, hi vọng - thất vọng, vui - buồn, giữa trò chơi sấp ngửa, trắng đen chữ nghĩa trong thơ Như Quỳnh de Prelle là một chặng đường không bao giờ về đích, không bao giờ dừng lại. Những hợp âm ấy là kết quả của sự bung vỡ nội tâm, của nỗi xót xa trước hiện thực vô cảm, trống rỗng, nhàm chán. Ở cái ngưỡng chênh vênh, thơ chị đã đưa đến tiếng nói khác biệt và đầy cuốn hút.
               
Tâm thức lưu đày cũng là một biểu hiện của sự cô đơn. Tâm thức ấy là tự thân, là máu chảy trong mỗi chữ, mỗi câu thơ. Đọc thơ Như Quỳnh de Prelle, tâm thức cô đơn, lưu đày được hiện diện qua những vần thơ da diết nhớ, khát khao trở về, ăm ắp nỗi buồn tha hương “của người đàn bà ngoài 30 yêu thêm lần nữa/ lần nữa giữa lúc hoang mang/ giữa lúc tột cùng hạnh phúc/ tuyệt vọng” (Thư tháng 6). Sự thiếu hụt một tiếng nói, một bàn tay, một món ăn,... cũng đủ làm trái tim chị tê tái, nhức buốt. Người đàn bà thơ không đòi hỏi nhiều, chỉ cần 1s để nhen ấm bình minh lòng “giữa mùa đông Châu Âu” mà thôi: “sống nửa đời người nhận ra/ giao thừa tái sinh nhân loại/ trong 1s/ được là người An Nam 100 phần trăm/ nguyên sơ/ 1s không hoà nhập thế giới/ tự kỷ trong hình khối của nước mắt trong veo/ 1s để giữ lại dòng máu vẹn nguyên/ 1s là quê cha đất tổ/ là nén hương không khói nhang/ cho một linh hồn còn sống” (Giao thừa 16)Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng yêu thương bỏng nhói như dồn tất cả về đây. Nỗi nhớ cố hương thêm vời vợi, da diết. Mảnh vườn phơi phới mật yêu chị dành cho anh cũng được hòa quyện, đan cài với tình quê. Chị chăm chút tình yêu như lòng say mê, nâng niu từng cọng lá, cành hoa của người làm vườn. Cả hương quê, mùi quê được “cày xới” trên mảnh vườn đong đầy tình yêu của chị: Em trồng rau muống để nhớ tuổi thơ/ em từng làm luống trước nhà/ những hàng rau xanh mát// Em trồng rau mồng tơi để nhớ mẹ già/ và bát canh cua mùa hạ/ mỗi mùa tháng 5 xưa// Em trồng rau dền đỏ để nhớ bà/ và nồi cá kho niêu đất/ ở vùng biển đầy cói xanh// Em trồng cây chanh nhỏ để món thịt gà/ không cô độc trên bàn ăn ngày tết (Vườn treo trên mây). Những ký ức của tuổi thơ, những tình cảm ấm nồng với mẹ, với bà được tái hiện thông qua các hình ảnh rất gần gụi, thân thiết, chan chứa yêu thương. Không khí rộn ràng của tết là khoảng lặng đẹp nhất để người con xa quê hơn nửa vòng trái đất được trở về đầm ấm với gia đình, được an ủi phần nào trong cái giá lạnh của mùa đông nơi phương xa. Cũng chung cảm thức ngóng vọng cố hương ấy, ở một bài thơ khác, tình cảm được đẩy cao hơn khi chị nhìn thấy “một quê hương đầy màu xanh biếc từ chính cõi tâm hồn mình: “buổi sáng thứ 7 làm tôi nhớ chợ quê ngoại/ trong những ký ức xa xưa còn nguyên/ đôi lúc tôi mở ra/ để nhìn thấy một khuôn hình nhẹ nhàng trôi qua trôi lại/ một quê hương đầy màu xanh biếc/ chứa đựng những tần tảo yêu thương vẹn nguyên/ những lần chờ mẹ về cuối tuần/ trên những con đường chúng tôi đếm khoảng cách xa gần bằng những cây cột điện" (Thứ 7 của tháng 7). Ở đây, chúng ta thấy, cảm thức lưu đày không hề rơi vào trạng thái buồn đau, chán nãn, bất lực. Theo chúng tôi, chính chị đã lấy ký ức tươi đẹp để nhen nhánh lửa lòng, xua tan cảm giác lạc lõng, bơ vơ nơi đất khách quê người. Cảm thức về quê hương, nhờ vậy, thêm phần khác lạ, khẳng định, minh chứng được bản lĩnh, nhân cách cao đẹp của Như Quỳnh de Prelle. Và mấy ai đủ tình, đủ sâu sắc, bản lĩnh để có được ý tưởng trồng cả quê hương như chị: 

Em trồng bí ngô để nhớ mùa tỏi thơm lừng bên bếp
Em trồng cả quê hương xa xôi trên vườn treo cùng mây gió
và mặt trời ánh trăng chan chứa tình yêu
Em trồng cho anh cả tình yêu đất đai quê hương cày xới mặn mà

                                      (Vườn treo trên mây)

Khoảng cách và sự chia cắt không làm Như Quỳnh de Prelle đánh mất góc quê tha thiết và thiêng liêng. Dù ở đâu, chị vẫn làm chủ trái tim mình, tìm về cội nguồn dân tộc. Có thể nói, trong thơ Như Quỳnh de Prelle, cảm thức lưu đày không phản ánh trạng thái yếu đuối, ủy mị, bởi vì, tình quê không bao giờ bị bật gốc, không bao giờ có thể xóa bỏ. Tình cảm ấy đã làm nên vẻ đẹp hiện sinh cho tập Song Tử.
               
Song Tử của Như Quỳnh de Prelle tẩy chay mọi ngụy biện và giả tạo. Cứ tuôn chảy, trào sôi tự nhiên như nguồn nước tinh khiết được cất lên từ lòng đất. Đối với Như Quỳnh de Prelle, thơ không đơn giản là cuộc chơi của chữ nghĩa, làm đỏm dáng, kênh kiệu câu chữ mà cái chính thơ chị ngoài việc giải tỏa những dồn nén, ở đó, còn là tiếng nói thiết thực về những đau buồn, những đổ vỡ, trầm luân của thế cuộc. Để chuyển tải ý tưởng và cảm xúc đó, chị rất chú ý đến việc giữ gìn và cách tân thơ ca. Thời đại bàn phím, theo chị, con người hầu hết đánh mất dòng chảy cảm xúc bản năng, tự nhiên khi sắp đặt mọi thứ theo một lộ trình có sẵn, “nhân tạo”: “Những bài thơ nhân tạo được sinh ra từ những tình yêu nhân tạo, thời tiết nhân tạo và không gian sống nhân tạo, cả những cơn ốm nhân tạo để lọc bỏ những cạn bã của một đời sống dư thừa mùi của máy móc và thông tin" (Thơ nhân tạo). Như thế, sự xuất hiện những bài thơ nhân tạo báo động sự biến nhịp, lỗi nhịp của tình người, của đời sống. Ý thức được hậu quả ấy, chị không cho phép ngôn từ thơ mình “sinh ra từ những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ của ngôn từ/ độn chữ/ edit mông,/ sửa vú/ kéo dài chân ra/ để dự thi trình diễn/ giả dối/ sinh ra trong cơ hội rủi may/ trong những giọt nước mắt dối lừa/ sự hư danh/ tủn mủn và tắt mắt/ cửa quyền/ quyền của tài năng/ quyền của danh tiếng/ quyền coi thường người khác/ sống dựa vào hơi danh quá khứ lối mòn” (Thi ca và loài người). Trên con đường gánh vác cây thánh giá chữ đầy nhọc nhằn, quan niệm về lao động nghệ thuật của chị thật đáng được chúng ta ngưỡng mộ:

vươn mình lên nghiến những câu thơ
nhạt như khói bay
để bùng lên khát vọng
yêu quê hương
thứ tình yêu màu mè
khoe mẽ
chả có rung động đớn đau nào
nhớ nhung như giả vờ
khốn khổ
tha lương

    (Chào tháng 3 và những cái chết trong tưởng tượng)

Chị luôn vươn lên, sẵn sàng vứt bỏ những tẻ nhạt, tầm thường để sống hết mình với thơ. Hành động nghiến này rất cần thiết cho sự sống còn của nghệ thuật chân chính. Bởi, tình yêu và niềm đam mê con chữ phải xuất phát từ sâu thẳm cõi lòng chứ không phải chỉ để phô trương, cờ biểu rộn ràng. Phải đập vỡ sự nhạt nhẽo, giả tạo bên trong mới mong kiếm tìm được những rung động đích thực.

Ẩn sau mỗi bài thơ của chị là một hệ thống hình ảnh ẩn dụ, đầy tính biểu tượng, mang tính khái quát cao. Ngôn ngữ, hình ảnh thơ khác lạ, độc đáo cứ thế ngồn ngộn quẫy đạp, bứt phá, vượt qua những gò bó của câu chữ, gợi vẫy nhiều hứng thú. Đặc trưng giản nở của thơ văn xuôi còn giúp chị bung phá cảm xúc và tình ý, giải phóng những chật chội của hiện thực đời sống. Khi chị viết về nỗi buồn, có lúc như một ngọn gió chiều nhẹ nhàng lướt qua, có lúc trào sôi quấy đảo cả bầu trời, có lúc quánh đặc, chà đi xát lại, tê tái. Giải tỏa về nỗi buồn dấm dứ, dai dẳng, chị có cách nói khá ấn tượng: “nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng”. Làm sao cạo/xóa/tẩy hết nỗi buồn về thế cuộc khi chúng tạo sinh quá dày đặc: “nàng đi vòng quanh thành phố nhỏ bên những ngôi nhà cổ xưa hàng trăm năm/ sao mà thấy cuộc đời buồn bã/ loài người sống thật ngắn ngủi cho những cơn đau/ cơn đau tình ái/ cơn đau bệnh đời/ cơn đau của cái chết/ của những sai lầm oán hận/ của đường đi phải hay trái trước con đường về nhà/ nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng/ sự đớn đau đang héo mòn của nàng/ tình yêu mồ côi của nàng” (Nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng). Không gian trần thế tối tăm, đặt con người trước những thử thách, phải tự vùng vẫy, tự đấu tranh để tìm lối thoát. Cho nên, nỗi đau đời,  nỗi buồn của người đàn bà thơ cứ dấm dẳng trong thơ chị. Chúng tôi xem đó là nỗi buồn đẹp, trong sáng, kiêu sa, không bị che phủ bởi các quầng mây đen như chị đã tuyên ngôn: “nàng thơ, một hình hài cụ thể của một người đàn bà An Nam bình thường. thi ca của cô ấy kết nối những con người cô độc, chạm vào cõi lòng đang chơi với, đang kiếm tìm mơ hồ để tiếp tục được sống, được ngẩng đầu lên” (Thi ca hiện sinh).
               
Những băn khoăn, trăn trở của Như Quỳnh de Prelle về nỗi buồn, cái chết, cuộc thế,... trong tập “Song Tử” bật lên sự sâu sắc và tinh nhạy của một cái tôi đa diện. Xuất phát từ điểm nhìn của người đàn bà thơ đang yêu nên mọi cảm xúc đều được đẩy đến tận cùng. Ngay cả cái thế giới bừa bộn kia cũng bị bóc tách theo cơ chế vận hành của tình yêu. Tình yêu nối kết người với người nhưng tình yêu cũng làm nên lớp ngôn từ hiện sinh để xóa bỏ, chọc thủng những ý nghĩ nhơ nhớp, đen tối. Nghiệm sinh mọi thứ qua hình tượng nghệ thuật - anh - Song Tử, chị đã tưới lên mùa Song Tử sự tươi mới, mạnh bạo nhưng vẫn hết sức chân thành, đậm tính nữ.
               
Cày ải tư duy và gieo chữ trên cánh đồng nào, Như Quỳnh de Prelle cũng thể hiện sự cởi mở và táo bạo. Khát vọng giãi bày yêu đương của chị hết sức nhân văn. Nó chứng tỏ bản lĩnh cũng như cá tính nữ của chị. Hành trình đi tìm bản thể, hạnh phúc, sự tự do của chị không dừng lại ở một không gian thời gian nào, mà luôn chuyển động. Nếu xem “Thơ vừa là chỗ dừng chân vừa là cuộc hành trình” (R.Gamzatôp) thì chúng tôi xem sự chuyển động tình cảm, sự chuyển động ngôn từ trong tập “Song Tử” của Như Quỳnh de Prelle như một một dòng sông đầy ma mị, luôn ẩn chứa các lớp sóng ngầm, miết mải bồi đắp nên những hình tượng thơ đẹp, mang tính nghệ thuật cao. Với một lối viết đầy cảm xúc, đầy lý trí và đầy ắp phù sa chữ nghĩa như thế, thơ chị không hề mòn vẹt, nhàm chán. Chúng tôi tin, dòng sông thơ của chị không bao giờ đứng yên, luôn vươn tới, khám phá và tận hiến vùng đất mới.

20.12.2016
HOÀNG THỤY ANH
Theo NVTPHCM


Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

NHÀ THƠ TRẦN HUIỀN ÂN: CÓ PHẢI CUỐI ĐỜI LÀ… VẬY VẬY!?

Hơn 40 năm từ khi nghe bài thơ Thuyền giấy của ông, được đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn (cũ), vẫn không thể quên nét trong trẻo này: “Bàn tay bé em thả con thuyền giấy / Xếp vụng về góc giấy chực xòe ra / Không có gió nên thuyền trôi rất nhẹ / Em dõi theo và hát khẽ : dô ta”. Bốn mươi năm, những câu thơ như thế không mờ mà lại càng thêm nét đằm thắm, pha một chút bùi ngùi. Bởi vì, thế giới thơ của Trần Huiền Ân là một thế giới đã mất - đang mất, đối với tất cả chúng ta…
Nhà thơ Trần Huiền Ân

Từ bài thơ đầu tiên in báo vào năm 1957 đến nay, đã 55 năm Trần Huiền Ân (T.H.Â) gắn bó cùng chữ nghĩa. Với nhiều thơ và truyện ngắn đã in báo, với hai tập thơ, hai tập truyện ngắn và 11 tác phẩm biên khảo (trong đó, 10 năm liền được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), sẽ phải “gọi tên” ông là gì? Trong một số bài viết, ông được gọi là nhà Phú Yên học, không biết có phải do căn cứ vào số lượng đầu sách của ông trong lĩnh vực này? (Nhân thể, xin được nói “lạc đề” về cái chữ “học” này). Cách gọi mang tính chất…cổ vũ như thế (về mặt tình cảm thì có thể tạm chấp nhận) dường như đã dẫn đến sự… lạm phát: Quảng Nam học, Huế học, Hà Nội học, Kontum học…; trong khi về mặt học thuật, có lẽ… “chưa nên” chấp nhận (?). T.H. chỉ nhận mình là một nhà giáo viết văn. Thiết nghĩ, đây là nét đáng quý trong phẩm chất của ông: sự khiêm tốn đúng mực do đã đi qua bao nhiêu trải nghiệm để “thấm tận” những giá trị hư ảo và những giá trị thực của cuộc đời,

***

Trong “Lời nói đầu” của tập sách Đất trời Phú Yên, T.H. cho rằng, ông không viết địa chí theo qui phạm thông thường mà “chỉ ghi lại những gì mình tìm hiểu được… Chuyện gì biết nhiều thì nói nhiều, biết ít thì nói ít”. Nhận xét về tác phẩm biên khảo này, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã nhắc lại lời của cố GS Trần Quốc Vượng vào năm 1996 khi đánh giá công trình: “Trong nghề nghiên cứu của chúng ta, để viết được một, phải biết mười hay hơn thế nữa… Công trình này phải là kết quả của nhiều năm tháng điền dã, đọc tư liệu cổ kim đông tây, của một tư duy tổng hợp liên ngành và chắc chắn không thể thiếu một tình yêu sâu đậm đối với quê hương ruột thịt”. Nhận xét này cũng là kết luận của Hội đồng khoa học khi xét trao giải nhì cho công trình này.

Dù không nhận mình là nhà biên khảo chuyên nghiệp về Phú Yên, nhưng các đoàn làm phim tư liệu và những ai muốn tìm hiểu về địa phương này đều đến gặp ông để nhờ tham vấn và hướng dẫn tiếp cận thực tế. Tất nhiên có nhiều “lai do” đưa T.H. đến với lĩnh vực này, có phần bởi tình cờ, một phần có duyên cớ, nhưng sâu xa, điều này phải xuất phát từ tình yêu, để rồi lại trở thành một phương cách tìm ra lẽ sống cho mình: “Sưu tầm, nghiên cứu là để tìm hiểu xem người xưa sống thế nào, suy nghĩ thế nào”.

Với sáu công trình biên khảo đã xuất bản và 19 tác phẩm nghiên cứu đã hoàn chỉnh (chưa in) về đất và người Phú Yên, hẳn nhiên, T.H. đã xây được nền móng vững chắc cho những người đi sau ông trong lĩnh vực này. Chợt nhớ câu thơ của Đỗ Phủ mô tả công tích của một người có công với bản quán mình: “Vô nhân lập bi kiệt / Duy hữu ấp nhân tri” (Không có ai lập bia để thờ ông ấy / Nhưng người trong làng xóm đều biết cả). Thiết nghĩ, cái từ “ấp nhân” ấy, với trường hợp T.H.Â, không chỉ giới hạn trong tỉnh Phú Yên, mà đã được mở rộng hơn nhiều, trong mối quan hệ giũa những đặc điểm của một địa phương đối với cả nước, trong lĩnh vực địa chí học.

***

Nhưng trước khi đến với công việc nghiên cứu, T.H. viết song song cả thơ và truyện. Từ truyện ngắn đầu tiên có nhan đề Dáng dấp in trên báo Văn Nghệ Tiền Phong, mãi đến 40 năm sau, ông mới in thành tập đầu tiên (Tiếng hát nhân ngư - 1997). Ở tập truyện này, “có những truyện thích mà phải bỏ ra, thay vào những truyện không được như ý”. Trong mảng truyện viết trước năm 1975, ở nhiều truyện, sự kiện và tình tiết lấy bối cảnh là đất và người của huyện miền núi Sơn Hòa thân thương của tác giả. Ở một số truyện ngắn khác có tính chất phê phán thực trạng xã hội miền Nam, (cũng được viết trong giai đoạn này), cách miêu tả hiện thực dưới nhiều góc nhìn khác nhau nhằm tạo nên sự đa dạng được nhà văn chọn làm “chỗ dựa” đã được phát triển hơn nữa trên những trang viết trong khoảng 30 năm trở lại đây. Phải chăng, vì vậy mà nhà thơ Thanh Quế đã cho rằng, ông thích văn xuôi hơn là thơ của T.H.Â. Còn nhà văn tiêu biểu của Phú Yên là Võ Hồng thì nhận xét về văn xuôi của T.H. là “bình dị, viết không hoa hòe tô điểm nên người đọc tin đây là chuyện thật. Kỹ thuật quan sát, ghi nhận, nghệ thuật chọn chữ đặt câu có thể làm mẫu cho học sinh”. Đọc hai tập truyện của ông gửi tặng, tôi nghĩ, ông đã khắc họa đậm nét đôi phần lịch sử, huyền sử, phong tục một thời của tỉnh Phú Yên bằng tình - yêu - điềm - đạm của một nhà thơ.

***

Nhưng tôi vẫn cho rằng, sự nghiệp của ông chính là ở Thơ. Hơn 40 năm từ khi nghe bài thơ “Thuyền giấy” của ông, được đọc trên đài phát thanh Sài Gòn (cũ), vẫn không thể quên nét trong trẻo này: “Bàn tay bé em thả con thuyền giấy / Xếp vụng về góc giấy chực xòe ra / Không có gió nên thuyền trôi rất nhẹ / Em dõi theo và hát khẽ : dô ta”. Bốn mươi năm, những câu thơ như thế không mờ mà lại càng thêm nét đằm thắm, pha một chút bùi ngùi. Bởi vì, thế giới thơ của T.H. là một thế giới đã mất - đang mất, đối với tất cả chúng ta. Những hình ảnh, những con người của Phú Yên trong thơ ông cũng là những gì của một nông thôn Việt đang dần dần lùi xa trong ký ức. Cái vốn hiểu biết về văn hóa nông thôn, tâm hồn mơ - mộng - cổ - điển và ít nhiều nỗi thất vọng của con người trong một đời sống ngày càng hiện đại đã tạo nên cái “hợp chất” để làm thành giọng thơ riêng. “Em nhớ. . . chiều chiều vây quanh giếng Trạm / bàn tay tròn cô gái vuốt dây gàu / chuỗi khúc khích bỗng nhiên dừng - cả đám / ngơ ngác nhìn - vườn rớt chiếc mo cau”.

Cái thế giới có nhiều tiếng động của quá khứ ấy, giờ đây, còn chăng chỉ là những “giọng Mường xa lạ” giữa xô bồ của mênh mông phố người. Thanh âm trong thơ T.H. là những tiếng vọng của cuộc đời đã được chưng cất qua tâm thức thi sĩ để trở thành một thực thể song trùng: Đời đục - Thơ trong. Như thế, Thơ đã vượt khỏi phạm trù nghệ thuật để trở thành mục tiêu lý tưởng của con người. Lý tưởng ấy chỉ có thể được nhận biết sau khi đã “chạm mặt” với hư vô. Để làm gì, nếu không là để trở lại với phận làm người trong niềm - đau - vinh - dự: “Tiếng vượn hú sầu thấu động tầng mây / Ba tiếng vừa nghe đủ sa nước mắt”. Ấy là chỗ “vậy vậy” của cuộc đời: “Và mỗi buổi chiều, chân guốc gỗ / Tay cắp sau lưng dạo chợ tàn / Ơ, cuối cuộc đời là vậy vậy / Dãy lều trống vắng nắng dần tan”. Nhưng, đó cũng chính là niềm vui thầm lặng trong nỗi cô đơn muôn đời của thi sĩ. Chính vì hạnh phúc này mà con người đã sống và không ngừng vượt qua chính mình. Cho nên, sẽ không có gì lạ khi hầu hết những nghệ sĩ chân chính, về cuối đời, đều nhận ra rằng, cuộc sống, ở đâu và vào thời nào cũng không khác nhau.

Nguyễn Du thì “mua vui cũng được một vài trống canh; Bùi Giáng thì nói “vui thôi mà”; T.H. thì “sống như là để giỡn chơi”… Nhưng tất cả đều có chung một tình yêu: “Cuộc đời ơi hỡi thương nhau lắm”. Đấy là hạnh phúc, đồng thời là sự bất hạnh của thi sĩ, hạng người luôn luôn bất hòa với đời sống trong một mối liên hệ gần - gụi -  chia - xa.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
Theo NVTPHCM


ĐỌC TRUYỆN NGẮN ĐỖ BÍCH THUÝ

Tôi xin kể bạn nghe một câu chuyện tình lãng mạn của đôi trai gái quê ở dưới xuôi, vùng đất chiêm khê mùa thối Nam Hà. Họ vừa đến tuổi trăng tròn, vừa mới yêu nhau thì chàng trai nghe theo tiếng gọi của đoàn thể lên đường tòng quân đánh Pháp.
Nhà văn Đỗ Bích Thuý

Sau khi thắng trận Điện Biên lẫy lừng, chàng trai ấy về quê lấy vợ. Thời cuộc đã đổi thay, một lần nữa chàng trai lại nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ chức, đã đưa nàng cùng xung phong lên miền núi "vời vợi nghìn trùng" xây dựng quê hương mới tại vùng đất này, đôi vợ chồng trẻ đã sinh hạ được ba người con, hai trai một gái. Cô con gái út èo uột, mẹ thì thiếu sữa, con thì đêm đêm khóc ngằn ngặt "dạ đề", còn người cha thì vì mải mê công tác, suốt ngày, suốt tháng, suốt năm trên đường rừng chở gỗ về xuôi, chở muối gạo từ xuôi lên núi...

Tiếng khóc của cô bé còi cọc ấy lan vào rừng núi, đến với bản làng người Mông và những bà mẹ trẻ người Mông đã vào Lâm trường cho cô bé bú. Cô bé lớn lên trong vòng tay của chi đoàn lâm trường, với dòng sữa của những bà mẹ Mông nơi núi rừng thâm u yêu dấu kia, và sau đó cô được cắp sách đến trường. Cô nói được tiếng địa phương, ăn được mèn mén (tất nhiên) và, cô đã ăn được cả cái văn hoá vùng cao từ thuở lọt lòng để đến bây giờ chúng ta có được cô: ấy là nhà văn Đỗ Bích Thuý.

Đó không phải là sự ngẫu nhiên.

Thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt, vì thời thế, thế thời phải thế.

Tôi được đọc những truyện ngắn đầu tiên của Đỗ Bích Thuý khi cô còn học ở trường báo chí gửi tới dự thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà hồi đó tôi là biên tập viên, là thành viên ban sơ khảo. Hình như đó là hai cái truyện đầu tiên của Đỗ Bích Thuý, và cũng là hai truyện cuối cùng của cuộc thi: “Sau những mùa trăng” và "Đêm cá nổi”. Chùm truyện gửi tới sau cùng ấy đã chinh phục ban chung khảo ở "phút 89", khi mà giải nhất "suýt nữa" đã thuộc về chàng trung uý trẻ Nguyễn Đình Tú có văn phong chỉn chu sạch sẽ...

"Sau những mùa trăng" là câu chuyện tình đặc sắc giàu chất lãng mạn, thơ mộng mà cũng quyết liệt của đôi trai gái người Mông. Không phải của đôi trai gái mà là của những người con trai những người con gái Mông bản Vần Chải. Cuộc sống và tình yêu của họ được tác giả là người trong cuộc cùng chia sẻ, tạo cho người đọc cùng ùa vào sống chung một không gian văn hoá Mông hết sức đáng yêu, hết sức gần gũi, thân thuộc, cùng các nhân vật và cùng tác giả nhập cuộc với những gì đã và đang diễn ra trên nương, ngoài bến sông, dưới chân vách đá, cùng quả còn ngày hội, tiếng khèn lá đêm trăng, tiếng ngựa hí, tiếng quẫy của cá vật đẻ, đêm rừng đá, rừng cây, đêm bên khung cửi dệt vải và tiếng xay lúa ù ù của người chị dâu goá chồng, cảnh sinh hoạt của người Mông trong những căn nhà tường chình đất bao đời trong thung lũng đá...

Đỗ Bích Thuý có khả năng viết truyện về cảnh sinh hoạt truyền thống của người miền cao một cách tài tình. Không truyện nào là không kể về cách sống, lối sinh hoạt, nết ăn nết ở và cả cảnh sinh hoạt lễ hội, phong tục tập quán. Truyện nào cũng hay cũng mới, cũng lạ mặc dù tác giả không hề cố ý đưa vào những chi tiết lạ. Thế mà đọc đến đâu ta cũng sững sờ và bị chinh phục bởi những chi tiết rất đặc sắc chỉ người miền cao mới có. Con bìm bịp uống rượu cùng lão già say thuốc phiện. Đêm nào hai "nhân vật" ấy cũng cùng uống cùng hút và cùng say... Chàng trai si tình đêm đêm ngồi trên phiến đá gần nhà cô gái đợi trăng lên. Trăng lên cùng với tiếng khèn lá, một đêm, hai đêm, ba bốn năm đêm, bảy đêm... chín đếm. Lá chất lên đầy phiến đá mà người tình vẫn không ra khỏi nhà... Thú thực đọc xong tôi cứ ngẩn ngơ vì sự tinh tế và vẻ đẹp "hoành tráng" của đêm miền cao, của cái sự yêu đương gian truân mà quyến rũ, của sự vật mình sinh nở của thiên nhiên, của tình yêu thiên nhiên, tình cảm sâu nặng đầy huyền hoặc của những con người bình dị. Dường như họ chính là hiện thân của thiên nhiên. Thiên nhiên và con người hoà quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp thần kỳ. Đỗ Bích Thuý viết về mình, về chính cái sự trở về của mình.

"Nửa đếm. Tôi giật mình tỉnh dậy mới biết là mình mơ. Tôi cảm thấy có ai đó mơn man những ngón tay mềm lên mặt mình. Ra là ánh trăng. Trăng cuối tháng lên muộn, mới đang chỉ lấp ló trên đỉnh Thúng Khiếu, lọt những tia sáng ngả xanh trên vách nứa. Gió vẫn rít lên khe khẽ, trăng càng sáng thì trời càng thêm lạnh. Mùi thuốc nam còn tươi bà tôi đem phơi sương bay vào dễ chịu….

Giữa sân, bếp lửa vẫn còn ấm sực nhờ hai gộc củi chụm vào nhau đang ngun ngún cháy không thành ngọn. Trong gia đình người Tày lửa không bao giờ được tắt. Khi nào bếp không có lửa ắt là điềm gở. Người già chọn con dâu, chỉ cần nhìn cách chụm lửa, cách đun bếp là đủ biết có khéo có đảm hay không" …

Rồi:

“… Ở rừng, mùa mưa thường đến sớm. Trên này mưa chán chê rồi mà dưới xuôi có khi vẫn còn khô hạn. Trước mùa mưa, cua bò lổm ngổm từ suối lên, sáng ra thấy cua bậu kín cả chân cầu thang, ấy là lúc ngô lúa, đậu lạc phải mau mau mang về. Biết vậy mà hầu như năm nào cũng có những thửa ruộng chưa kịp thu hoạch chỉ vì con lũ tràn về nhanh quá…” (Đêm cá nổi).

Những đoạn văn hay như thế, giản dị như thế tràn ngập trong tập truyện ngắn "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thuý.

Với Đỗ Bích Thuý truyện ngắn không nệ đề tài. Tôi ngỡ ngàng khi đọc xong truyện ngắn "Cột đá treo người" viết về thời trước cách mạng, thời mà các lý trưởng là trung tâm của làng quê Việt Nam, kể cả miền xuôi lẫn miền ngược. Không phải bằng cốt truyện éo le hai anh em sinh đôi ở bản nọ, con một nông dân truyền đời nợ nhà lý trưởng, phải làm con ở gán nợ, rồi cùng yêu một nàng May hay Mảy nào đó, rồi anh một ngả, em một nơi... Đây là câu chuyện kể về cây cột đá có thật ở Đồng Văn, về một anh Vàng, anh Sàng ở trong bản người Mông có thật. Họ chỉ cần làm trái ý lý trưởng là bị hắn đem treo lên cột đá cho quạ rỉa! Trời ạ! Thân phận con người không bằng con vật… Vậy muốn làm người thì phải vùng lên thôi. Và nếu vùng lên không được thì phải trốn vào rừng làm phỉ. Vâng. Làm thổ phỉ! Câu chuyện được Đỗ Bích Thuý dựng lại không bằng sự gồng mình ôn nghèo kể khổ, không bằng nỗi uất ức hận thù. Nó được viết ra, kể ra như nó đang diễn ra. Nặng nề. Kinh khiếp. Như cái thời đen tối kinh khiếp ấy vừa diễn ra vậy.

Tôi có cảm giác Đỗ Bích Thúy còn quá nhiều điều để viết về miền rẻo cao xa xôi nhưng gần gũi, tuyệt vời đẹp ấy của đất nước ta. Tôi cũng là người mê viết truyện ngắn và mê cao nguyên đá kỳ vĩ Hà Giang, nhưng đọc truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, tôi thực sự ngả mũ... chào thua! Dẫu đây mới chỉ là mở đầu. Một mở đầu mơ ước của một nhà văn.

Cùng với Nguyễn Ngọc Tư ở Nam bộ, viết về vùng quê Nam bộ. Ở miền cao cực Bắc, Đỗ Bích Thúy xuất hiện với hàng loạt truyện ngắn viết về miền cao Hà Giang. Truyện nào của Đỗ Bích Thuý cũng đem đến cho ta một cảm giác mới, một vẻ đẹp mới, giàu bản sắc của một vùng đất văn hoả vừa huyền hoặc vừa rất cuộc đời.

TRUNG TRUNG ĐỈNH
Nguồn: NVTPHCM


NHÀ VĂN SƠN NAM KỂ CHUYỆN CƯỜI

Lật lại sổ tay, tìm vài tư liệu viết cho TTC Xuân 2015, tôi chợt nhớ lại những ngày tháng đã từng “thọ giáo” Sơn Nam. Qua đó, đã có không ít lần nghe ông kể chuyện hài hước, vui nhộn.
Nhà văn Sơn Nam

Ngày xưa, thời khẩn hoang ở Cà Mau tính tình người dân đôn hậu, chất phác lắm. Bà con sống nghĩa tình, “sớm hôm tắt lửa có nhau”. Anh nông dân nọ đào được mớ khoai lang, đặt trước xuồng rồi chèo dọc dòng kênh tặng bạn bè chòm xóm. Nghe tiếng gọi í ới, ông tía bảo cô con gái chừng 15, 16 tuổi xách rổ xuống bến lấy vài củ khoai về nấu ăn chơi. Do anh chàng chèo xuồng mặc quần cụt, ống rộng, ngồi co chân nên cô gái thấy hai “quả trứng” đu đưa tòng teng. Cô thiệt thà bảo: “Tưởng gì, chứ củ đó ở nhà ở nhà… tía cháu, anh cháu cũng có rồi”. Anh chàng nọ giật mình, duỗi chân ra rồi chỉ phía trước: “Cháu à, lấy mấy củ ở trước xuồng kìa”. Cô chọn vài củ, nói cám ơn: “À, mấy củ này thì được, chắc là ngon”.

Trong Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam có đôi lần viết về chuyện đánh cọp thời khai hoang lập ấp. Đọc lên du dương, nghe sướng tai lắm. Nhưng mẩu chuyện này mới là “phong cách” bác Ba Phi. Ông kể: Có anh chàng nọ mới rạng ngày đã đi ra ruộng. Trên đường lờ mờ sáng, chợt thấy con cọp ngồi chống tó phía trước, chỉ cách một sải tay, anh ta sợ khiếp vía đến nổi không nhắc chân lên nổi. Phen này “ngủm củ tỏi” là cái chắc. Anh ta bèn lấy hết thần lực lột cái khăn bị trên đầu rồi chắp hai tay, quỳ xuống mà xá lấy xá để. Dè đâu, con cọp “hộc” lên một tiếng vang động, co chân… chạy tuốt vào rừng! “Cọp đánh nhau với người nhiều trận nên nó cũng hiểu các thế võ, nhưng gặp cái thế “chắp tay quỳ lạy”, nó ngỡ độc chiêu bí hiểm nên co chân chạy bén gót là phải thôi!”. Nói xong, ông cười khà khà.

Chưa hết, còn chuyện này nữa. Ngày kia, ông Trùm Pho cùng vài người bạn dắt chó vào rừng, đi săn. Xế chiều, họ săn được con mển. Bụng đang đói bèn làm thịt nhậu chơi. Sẵn có gói muối ớt đem theo, họ đặt ra để ngay trên cát. Thịt nướng đến đâu, chấm muối ớt ăn tới đó, lại “khà” thêm hớp rượu thì “hết sẩy con bà Bảy”. Cả bọn ăn gần hết con mển là đà say mềm, ngủ đẫy luôn một giấc. Đến lúc tỉnh dậy, xem lại thì muối ớt vẫn còn nguyên, bên cạnh đó, cát bị khoét xuống một lỗ to bằng… cái thúng! Té ra, vì say quá nên cả bọn chấm thịt mển xuống cát mà ngỡ đang chấm muối!

Lại nữa, ở Nam bộ nổi tiếng với bưởi Năm roi, ông kể, ban đầu ông Thái Văn Chanh đem một giống bưởi Biên Hòa về trồng tại Cần Thơ. Nhờ phù sa sông Hậu màu mỡ nên cây tươi tốt cho trái to, ngon ngọt khác thường. Nhiều người đến mua, xin chiết nhánh về trồng, ông Chanh nói đùa: “Tôi dư tiền xài, không bán, hễ ai chịu nằm xuống cho tôi đánh đủ năm roi thì tặng lập tức”. Từ phát ngôn đó, loại bưởi này “chết tên” Năm Roi. “Ơ hay giải thích như thế có đúng không?”. Gặng hỏi thêm, ông già Sơn Nam chỉ cười cười.

Hồi kỷ niệm Sài Gòn - TP.HCM 300 năm, “bố già” Sơn Nam được mời cố vấn cho đoàn làm phim của HTV đi ra tận Quảng Bình, viếng mộ Nguyễn Hữu Cảnh. “Chuyến đi này, có gì thú vị không?”. Nghe tôi hỏi, ông bảo đã kể hết trong cuốn Ấn tượng 300 năm (NXB Trẻ) rồi. “Vậy còn gì mà “bố” chưa kể?”. Ngẫm nghĩ một lát, ông nheo nheo như mọi lần: “Thời gian đó, đoàn có dừng ở Quảng Nam, tôi gặp, trò chuyện nhiều lần với ông bạn “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân. Ông Xuân có dẫn đi nghe bài chòi”.

Thông tin này, thú vị quá, tôi sẵn trớn hỏi luôn: “Vậy “bố” khoái câu nào trong bài chòi?”. Tưởng ông phải moi trí nhớ, nào ngờ, ông đọc luôn: “Cái này hay à nghen: “Năng  cường năng nhược/ Năng khuất năng sanh/ Nó thiệt cục gân/ Ngồi gần con gái trân trân chẳng xìu”. Đó là con “nọc đượng” trong bài chòi Quảng Nam. Ở miền Trung, có món ăn dân dã ở vùng quê là món xu xoa, không ngờ nó cũng xuất hiện trong “con Bạch Huê” của bài chòi:“Xu xoa chị bán mấy đồng/ Chị ngồi chị để cái mồng chị ra/ Con gà hắn tưởng hột khổ qua/ Hắn mổ cái đốp chị la quớ trời”. Bà con mình có cách nói hài hước, tiếu lâm quá, miêu tả cụ thể, sinh động nhưng khô thô tục”.

Với nhà “Nam bộ học” Sơn Nam những lúc “đi thực tế” như thế, ông đều ngẫm nghĩ, và phát hiện gì đó mà không phải ai cũng biết. Sau lúc đọc mấy câu bài chòi đặc trưng ở Quảng Nam, ông nói nghiêm túc: “Nói thơ Vân Tiên, theo tôi, rõ ràng là điệu “hô bài chòi” ở miền Trung, du nhập vào Nam bộ, có cải cách một vài chi tiết”. Ý kiến này có thể gợi mở cho một đề tài nghiên cứu đấy chứ? Sơn Nam là vậy. Đi đến đâu ông cũng có những phát hiện độc đáo. Viết lại mấy mẩu chuyện nhỏ này, tôi sực nhớ đến câu ca dao mà ông  thường đọc:

Dạo chơi, quán cũng là nhà
Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói cao

Ấy cũng là phong cách sống của “ông già Nam bộ” Sơn Nam vậy.

LÊ MINH QUỐC
BÁO TUỔI TRẺ CƯỜI - XUÂN 2015

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

LÊ THỊ KIM THẮP CHO MÌNH NGỌN LỬA...

Nói đến cái tên Lê Thị Kim, có người nhắc đến chuyện kinh doanh địa ốc, hay ai đó lại nhấn mạnh rằng chị làm thơ hay lắm. Rồi lại có người khen hội họa mới là tài năng thật sự của chị. Và có anh chàng nọ khen giọng hát hay ngâm thơ của Lê Thị Kim thật ngọt và như ru người ta vào giấc mộng vậy. Ôi, thật lãng mạn! Nhưng bất ngờ lại có một tin trên báo nọ rằng, thời học ở Đại học Khoa học Sài Gòn cũ, cô sinh viên Lê Thị Kim còn là vận động viên bóng bàn xuất sắc, vô địch toàn trường 4 năm liền. Nếu vậy, ắt Lê thị Kim còn là một nhà khoa học gì đó nữa chứ. Thì đúng thế! Quả đó là một khối rubic đa sắc, biến hóa đến kỳ ảo…
Nhà thơ Lê Thị Kim

Duyên thơ và nhạc

Khi gặp Lê Thị Kim mới đây, ởtuổi 62, tôi mới hay chị còn là một phụ nữ đẹp và rất có duyên. Nét duyên ấyđánh át tất cả những hình dung mà mọi người đã thông báo cho tôi. Lúc này tôi chỉ còn nhớ thuở nào, có anh chàng say ngắm nhìn chị, với tình cảm kỳ lạ qua ánh mắt hết sức ám ảnh, đến nỗi đêm về chị phải làm một bài thơ để thầm đền đáp cho chàng trai chẳng bao giờ có thể gặp lại. Đó là bài thơ Đừng nhìn em nhưthế. Nó đã trở thành mốc son cho con đường thơ ca của Lê Thị Kim sau này. Đặc biệt là sau đó, bài thơ ngay lập tức được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành bài hát nổi tiếng qua giọng hát của ca sĩ Thu Hiền. Và thật không ngờ, bài thơ này cònđược thêm 4 nhạc sĩ khác cùng phổ, mỗi người một phong cách khác nhau. Bài thơ đã trở thành hiện tượng của những năm đầu thập niên 80. Dường như nhiều bạn trẻthuở đó đều nhớ đến khổ thơ mở đầu ca khúc: “Đừng nhìn em như thế/Cháy lòng em còn gì/Sự nồng nàn của bể/Cuốn mất hồn em đi…”. Điểm nhấn của bài thơ là đôi mắt, đó là nơi dễ khiến người ta xiêu lòng nhất.

Lại có chuyện, chợt nhớ chịkể, có lần khi đến nhà nhạc sĩ Hoàng Hiệp để đưa bài thơ Hư ảo tình ta, nhờ ông phổ nhạc. Nhưng khi ra về, bất ngờ gặp nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. Ông hỏi nhà thơtrẻ Lê Thị Kim có bài thơ nào mới để phổ nhạc không. Ai dè, Lê Thị Kim nói có và ngồi ngay tại chỗ làm một bài thơ với ý tứ vừa lóe sáng trong đầu. Vừa nghĩvừa chép ra, như trời xui đất khiến vậy. Đúng hai mươi phút sau, Lê Thị Kim hoàn thành bài thơ Vu vơ. Và cũng thật như có cơ duyên hẹn trước, ngay lúc đó, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu cầm bài thơ còn nóng con chữ, rồi hát luôn một giai điệu vui và tình tứ mang phong vị trẻ trung như một bông hoa phô bày chùm âm thanhđẹp hòa sắc với thiên nhiên. Có thể nói ít có những sự giao cảm lạ lùng giữa thơ và nhạc nhanh như hai dòng điện vậy. Sau này, ca khúc Vu vơ được nhiều ca sĩ trẻ biểu diễn trong một thời gian dài. Mở đầu cho một vệt nhạc và thơ Lê ThịKim được nhiều ca sĩ chọn lựa trong các đêm diễn. Cái tên Lê Thị Kim càng được khẳng định trong giới yêu thơ của TP. Hồ Chí Minh từ đó.

Duyên thơ của Lê Thị Kim ngày càng được nhiều nhạc sĩ phổ thành bài hát. Trong số đó có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Hiệp, Trương Tuyết Mai, Phạm Trọng Cầu, Vũ Hoàng, Quỳnh Hợp, Quốc Bảo, Hoàng Cương, Giao Tiên…Có thể nói Lê Thị Kim là người được nhạc sĩphổ thơ nhiều nhất hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh nếu không nói chị đã đánh dấu kỷlục gần một trăm bài thơ được phổ nhạc. Đã có lần chị chọn lọc 20 nhạc phẩm phổthơ của mình để cho các ca sĩ chuyên nghiệp hát trong buổi trình diễn thơ và nhạc Lê Thị Kim tại TP. Hồ Chí Minh. Chị có quan niệm về sáng tác thơ rất độc đáo:“Làm thơ là đi ngược chiều gió, là leo lên đỉnh tuyết. Không biết điều bất ngờnào đang ở phía trước”.

Tôi lại hình dung quan niệmấy của chị về thơ ca chính là câu chuyện của cuộc đời rất truân chuyên của chịkhi phải đi ngược chiều gió phong ba, bão táp của cuộc đời. Bởi cậu con trai của chị phải vất vả từng bước đi trên tay nạng, khi lâm bệnh; cùng với đó là sự đột ngột ra đi của người chồng yêu dấu - người mà chị nương tựa trong lúc cơhàn nhất và cũng là người tạo nên những nguồn cảm hứng thơ ca trong hàng chục năm chung sống. Thơ cũng như cuộc đời của Lê Thị Kim đều phải leo lên đỉnh núi tuyết để tìm đến ánh sáng mặt trời ấm áp.

Có thể chính vì thế mà thơcủa Lê Thị Kim có những điều mới lạ đối với bạn đọc. Sự dịu dàng cùng với độmẫn cảm đến bất ngờ. Những nhạc điệu bỗng vang lên trong từng câu thơ nồng nàn, thể hiện tình yêu với cuộc sống. Phải chăng vì thế cái duyên âm nhạc đến với thơ của Lê Thị Kim có sẵn trong từng câu thơ đầy sức quyến rũ của chị. Và chịcũng đã từng được chọn là một trong hai nhà thơ được các bạn trẻ yêu thích nhất năm 1990 do báo Tuổi Trẻ tổ chức cũng vì lẽ đó. Đồng thời, chị đoạt danh hiệu“Người phụ nữ tài năng” của TP. Hồ Chí Minh năm 1990. Và cũng chính thời điểm này chị còn là nhà thơ nữ đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh, sau ngày Sài Gòn giải phóng, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Hạnh phúc như sờ thấy được!

Đó là sự ngộ ra rất ẩn ý của Lê Thị Kim khi cầm cây cọ. Chị vẽ như lên đồng trong suốt một năm với tất cả sự đam mê, bất chấp mọi thứ lý luận có ở trên đời. Thật kỳ lạ, cái mầm của đường nét, màu sắc tự ùa đến, chị vẽ và vẽ không hề biết mình theo một trường phái nào và khởi động một cách thật sự bản năng, tự nhiên theo một đường dẫn vô thường của tâm linh mách bảo. Liên miên, đó là những đêm thức trắng với hình tượng trong tranh và những màu tím trong suốt. Ngờ đâu, tranh của Kim, như một số họa sĩ nhận xét, đằm thắm và tinh tế. Rồi ít người tưởng tượng nổi, vì ngay sau đó, kẻ “bôi sĩ” này dám mở một cuộc triển lãm cá nhân năm 1993 với một sự tự tinđến kỳ lạ. Lại càng khó hình dung hơn nữa khi Lê Thị Kim bày 38 bức tranh sơn dầu nhưng đã “bị” nhiều khách niêm phong ký tên mua liền 22 tác phẩm. Một thành công hiếm thấy ở một họa sĩ nữ lần đầu tiên bày tranh. Và thế là người ta làmđơn sẵn để đưa nhà thơ Lê Thị Kim ký tên xin vào Hội Mỹ thuật TP, nhưng chịkhông dám ký, vì nghĩ rằng mình chỉ liều chơi với màu sắc vậy thôi.

Hình tượng cô gái áo tím ngày nào khi học ở trường Gia Long, luôn luôn ám ảnh tạo nên một cảm quan sâu sắc trong thơ và tranh của Lê Thị Kim. Sau đó là những triển lãm riêng lần thứ hai và ba ở TP. Hồ Chí Minh (1995) và ở Mỹ (năm 2002), tranh của chị vẫn lấy chủ đạo màu tím trong hình tượng hay trong cảm xúc, ẩn giấu những nỗi niềm buồn vui, đau khổ, thất vọng cũng như sự khao khát cháy bỏng vượt qua những đổ vỡ,mất mát trong cuộc sống. Lê Thị Kim đã dựng nghiệp từ những thành công của màu sắc. Lần này, họ lại làm đơn và ký sẵn, thúc chị ký tên để vào Hội Mỹ thuật TP.Đây là một hiện tượng rất lạ trong giới Mỹ thuật TP khi chị hai lần được mời vào Hội một cách “sát sạt” đến vậy.

Nhà thơ Lê Thị Kim coi việc cầm cọ như một sự giải thoát. Tính đến nay, chị đã bán được tới 200 bức tranh; một kết quả rất khả quan đối với một người tay ngang ở tuổi 43. Sau này, khi bước sang lãnh địa kinh doanh địa ốc, chị đã có những day dứt khôn cùng vì chuyện mưu sinh và cứu rỗi những gì mất mát trong cuộc đời. Ấy thế rồi, đời người có được mấy cái mười năm. Mười năm làm thơ. Thành công! Mười năm vẽtranh. Thành công! Và mười năm kinh doanh. Cũng thành công! Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã đóng băng với đất cát. Chị rối bời trước sự lựa chọn, như ngày nào chị đã viết những câu thơ chân thực trong bài Chông chênh. Nhưng rồi thơ lại thúc giục chị. Sắc màu lại lên tiếng kêu gọi khi chị vẫn ngày đêm vẽ và phụtrách CLB họa sĩ nữ Ngân Hà của TP. Hồ Chí Minh.

Mới đây nhất, trong triển lãm vào tháng 10/2012, chị đã trưng bày tác phẩm Đốm lửa hy vọng, vẫn với phong cách thực, ảo đan xen, bức tranh của chị thể hiện sức vượt lên những vấp ngã, khốn khó và bất hạnh. Ẩn sau hình tượng là những đốm lửa hy vọng và đó là điểm tựa cho ý chí tồn tại và tràn ngập niềm tin. Ngắm bức tranh mới của chị tôi chợt nhớ đến những câu thơ rất đời và cũng rất bay bổng của Lê Thị Kim. Bởi chịlàm thơ: “Để dấu trong hư ảo/Nửa vầng trăng không đầy/Để dấu trong hư ảo/Mảnh tình gày xót xa”. Còn chị vẽ: “Để trái tin hoang mạc/Thôi khóc cười bơ vơ/Thắp cho mình ngọn lửa/Thánh thiện và ước mơ”.

Hiện tại, chị vẫn phải tiếp tục “đi ngược chiều gió” với từng bước chân của người con trai hướng tới chân trời mới với nhiều hy vọng cùng những điều mới lạ còn ở phía trước. Bông hoa tím ngày nào vẫn ám ảnh trong thơ và tà áo tím vẫn dịu dàng tạo nên độ cong huyền ảo trong tranh Lê Thị Kim. Bởi vẻ đẹp của sự “thánh thiện và ước mơ” luôn luôn tràn ngập trong tâm hồn nữ sĩ.

CHUNG TỬ
Theo SK&ĐS


Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

PHAN HOÀNG - NGƯỜI ĐI HÁI BỤI VÀNG KÝ ỨC

Phan Hoàng là thế, viết báo hay làm thơ đối với anh đều hướng tới cái nhân bản, cái cao cả của thân phận con người, số phận dân tộc...

    Có một thời phượng hoàng cũng đi học
    cũng thức đêm rồi lại ngủ ngày
    lắm khi bí cũng quay cũng cóp
    lắm khi vui cũng uống cũng say

    có một thời phượng hoàng cũng đi học
    cũng làm thơ thầm tặng bóng hồng
    cũng hào hoa như những chàng công tử
    cũng lãng mạn gió trăng giây phút xao lòng

Đó là những vần thơ mở đầu trong bài thơ nổi tiếng Phượng hoàng đi học của nhà thơ Phan Hoàng viết từ khi còn ngồi trên giảng đường Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Cùng với nhiều đồng môn các thế hệ khác nhau, như Huỳnh Dũng Nhân, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Hà Thạch Hãn, Trần Nhã Thuỵ… Phan Hoàng đã bước ra từ cái nôi này năm 1991, và đã khẳng định vị trí của mình trong làng văn làng báo khi anh về làm phóng viên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay và từ giữa năm 2006 chuyển sang làm chủ biên tờ Người Đương Thời (bây giờ là Đương Thời).
Nhà thơ Phan Hoàng trong một chương trình truyền hình HTV

Phan Hoàng tên thật Phan Tấn Hùng sinh năm Đinh Mùi - 1967 ở cuối dòng sông Đà Rằng - hạ lưu sông Ba, nay thuộc thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Cha mất sớm, anh lớn lên trong vòng tay của người mẹ tảo tần bán buôn cho 4 con nhỏ ăn học thành người. Phú Yên thuộc vùng duyên hải miền Trung lại chịu nhiều thiên tai bão lụt. Năm Quý Dậu - 1993, cơn lũ thế kỷ đã tàn phá nặng nề đất này, nhà thơ đau xót thốt lên:

    tôi mộng du phố xá Sài Gòn
    nào biết quê nhà ngập chìm thác lũ
    các em thơ không tròn giấc ngủ
    bếp lửa mẹ già rét bắn căm căm
    cánh cò ca dao thảng thốt biệt tăm
    tiếng quạ xé đồng mơ ước
    dòng sông tuổi thơ hoá dòng huỷ diệt
    niềm đau quặn thắt núi non

Bài thơ Gửi Phú Yên đã gây xúc động mạnh trong những đêm văn nghệ từ thiện ở TP.HCM lúc bấy giờ, giúp quyên góp được hàng tỉ đồng ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Đây là một kỷ niệm vừa buồn vừa đẹp sống mãi trong anh.

Phan Hoàng sớm khẳng định bản sắc, giọng điệu riêng trong thơ. Nếu như Bùi Chí Vinh ngang tàng, phóng túng thì Phan Hoàng lại hào sảng, trí tuệ. Thơ anh thường hướng về ký ức. Anh chắt chiu từng hạt bụi vàng kỷ niệm để dựng nên những tứ thơ độc đáo. Trong bài thơ một thời gây ấn tượng mạnh về đổi mới bút pháp Hộp đen báo bão, anh viết:

    thơ thắp sáng tôi
    ngọn nến ước mơ cô bé nghèo tật nguyền thất học
    ngọn đuốc khát khao ông lão mù đơn côi hành khất
    thơ đánh thức tôi
    tiếng động chân cò lặn lội đêm mưa
    hạt giống ban mai nảy mầm mắt mẹ
    thơ đồng hành với tôi
    như hộp đen ký ức đa tình

Rõ ràng thơ với Phan Hoàng vừa là sự giải toả vừa là sự thức tỉnh, thức tỉnh chính mình, thức tỉnh những trái tim đồng điệu. Anh cũng được ghi nhận là một trong những nhà thơ trẻ tài năng trưởng thành sau năm 1975, luôn có ý thức tìm tòi đổi mới thi pháp qua hai tập thơ đã xuất bản Tượng tình (1995) và Hộp đen báo bão (2002). Chẳng hiểu sao khi viết đến đây trong tôi cứ hiện lên hình ảnh một Phan Hoàng trẻ trung đơn độc cách đây hơn 15 năm đêm đêm khuya khoắt ngồi gõ lộc cộc lên máy đánh chữ ở một vùng ngoại ô thành phố:

    nhà không số
    phố không tên
    không hộ khẩu
    đầu điên điện nước
    máy chữ
    lộc cộc báo áo cơm
    lộc cộc thơ đánh cược
    mây non bầu bạn trăng già

                           (Địa chỉ)

Để rồi hơn 15 năm sau hình ảnh vẫn không thay đổi, nếu có đổi thay chăng là máy đánh chữ cổ lỗ được thay bằng máy vi tính hiện đại:

    những bài báo đặt hàng đang truy đuổi tôi
    nhuận bút ứng trước đang truy đuổi tôi
    như con chuột bị lũ mèo rượt tới hang cùng ngõ tận
    gục đầu lên máy vi tính
    tôi thèm đứt ruột
    được bay về mái nhà tranh vách đất của mẹ
    cởi trần lăn lóc tắm mưa
    trưa trưa ngóng ngọn gió nồm
    đung đưa tréo chân đã đời vườn chuối
    nghe gà trống xuống giọng tỉ tê gà mái
    hung hăng bò ụ động đực phá chuồng…

                                  (Thèm đứt ruột)

Không chỉ trong thơ mà trong viết văn làm báo Phan Hoàng cũng là người có ý thức đi tìm, lưu giữ những ký ức lịch sử của quê hương, dân tộc qua từng nhân vật và sự kiện cụ thể. Đến nay, có lẽ Phan Hoàng là nhà báo thực hiện các cuộc phỏng vấn nhân vật nhiều nhất Việt Nam, xuất bản 4 bộ sách đồ sộ: Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam, Phỏng vấn Người Sài Gòn, Phỏng vấn Người Hà Nội, Dạ thưa thầy… đều được tái bản nhiều lần. Đặc biệt là bộ Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam từng gây chấn động làng báo khi lần đầu được ấn hành năm 1997. Anh đã liên tục ra Bắc vào Nam gặp gỡ phỏng vấn các tướng lĩnh: Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, Trần Đại Nghĩa, Đồng Sĩ Nguyên, Hoàng Cầm, Hoàng Minh Thảo, Trần Nam Trung, Trần Văn Quang, Lê Tự Đồng, Nguyễn Minh Châu, Đồng Văn Cống, Vương Tuấn Kiệt,Trần Văn Danh, Bùi Cát Vũ, Dũng Mã, Phan Khắc Hy,…

    Trong lá thư gửi Phan Hoàng sau khi bộ sách Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam ra đời, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, cho rằng anh đã “gõ cửa lịch sử” đúng lúc để các vị tướng trận mạc có dịp tâm sự về mình và đồng đội. Còn nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói rằng bộ sách đã thuyết phục ông bởi sự trung thực. Công lớn của Phan Hoàng còn ở chỗ: bộ sách Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam của anh là điểm gợi mở quan trọng cho nhiều bộ hồi ký của các tướng lĩnh ra đời.

Đồng thời, Phan Hoàng còn phỏng vấn hàng trăm nhân vật trên mọi lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật,… mà nhiều người sau khi qua đời gần như chỉ có anh giữ được tư liệu “sống” phong phú về họ, như bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nhà cách mạng Hà Huy Giáp,  nhà dược học Đỗ Tất Lợi, thi sĩ Vũ Đình Liên, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Dzoãn Mẫn, nhạc sĩ - hoạ sĩ Nguyễn Đình Phúc, nhà văn Thanh Châu, nhà văn Trần Thanh Địch,…

Đặc biệt, sau mỗi bài báo phỏng vấn, Phan Hoàng thường có những vần thơ ứng tác về nhân vật của mình. Chẳng hạn anh “vẽ” chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

    Côn Minh hội ngộ anh hùng
    Điện Biên danh tướng lẫy lừng năm châu
    Mấy ai thoát cảnh bể dâu
    Đẹp thay vẫn mối duyên đầu sắt son

Đối với Giáo sư Cao Xuân Hạo, một người thầy trực tiếp và cũng là một nhân vật mà Phan Hoàng hết mực kính trọng. Năm 2000, bài phỏng vấn Giáo sư Cao Xuân Hạo của anh đã được tặng thưởng của báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi giữa tháng 10 năm 2007, khi Giáo sư Cao Xuân Hạo đột ngột ra đi, Phan Hoàng cũng viết bài thơ Phượng hoàng ngôn ngữ rất xúc động về chân dung cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của người thầy lừng danh, cũng in trên báo Văn Nghệ, trong đó có đoạn:

    lặng nghe tiếng kinh cầu
    sắc sắc không không
    tôi nghĩ về cuộc đời ba chìm bảy nổi của ông
    không không không sắc sắc
    ông như phượng hoàng ngang nhiên biển lớn
    vượt qua mọi giới hạn
    sự sống và cái chết
    phi thường và tầm thường
    chính danh và hư danh


    lặng nghe tiếng kinh cầu
    sắc sắc không không
    tôi nghĩ về con đường “mạnh hơn bão táp” của ông
    không không không sắc sắc
    dù biết từ khi sinh ra tạo hoá đã lập trình
    hình như
    ông vẫn chưa yên lòng nhắm mắt
    hình như
    tư duy hư vô ông vẫn còn đang nắm bắt
    tình yêu tiếng mẹ dở dang
    hành trình khai mở dở dang

Phan Hoàng là thế, viết báo hay làm thơ đối với anh đều hướng tới cái nhân bản, cái cao cả của thân phận con người, số phận dân tộc. Tờ chuyên san về nhân vật Người Đương Thời do anh chủ biên cũng đi theo hướng ấy. Trên hành trình phong phú và không ít chông gai của mình, nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng đúng là người đi hái bụi vàng ký ức để góp phần làm đẹp thêm cho quê hương, đất nước đã sinh trưởng nên anh.

BĂNG PHƯƠNG
 (Lời bình bộ phim chân dung Phan Hoàng
do Hãng phim TFS-HTV thực hiện 2008)




BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...