Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Tại sao phải dối lòng?
* Một nhà văn vẫn nói rằng một ngày nào đó, ông ấy sẽ
viết ra cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nobel Văn học. Tôi biết có rất nhiều người
cười nhạo, chễ giễu nhà văn ấy. Họ cho rằng giấc mơ của ông ta là giấc mơ viển
vông nhất trong các giấc mơ. Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông cũng là người
cầm bút, vậy ông nghĩ gì về giấc mơ kia? Và hơn hết, ông có giấc mơ đó không?
- Bất kỳ người cầm bút nào, dù là một nhà văn với những
trang viết còn vụng về, nông cạn thì cũng đều mơ ước rằng tác phẩm của mình sẽ
trở thành tác phẩm lay động hàng triệu trái tim, cuốn sách mình viết ra trở
thành cuốn sách gối đầu giường của hàng triệu người. Sao chúng tôi - những nhà
văn, nhà thơ Việt Nam lại không mong muốn một ngày tác phẩm của mình hiện diện
trên các ngôn ngữ của dân tộc khác cơ chứ?
Chỉ tiếc là chúng ta luôn có thói quen giấu đi những giấc
mơ của mình và nói ra những lời dối lòng. Chỉ tiếc là chúng ta, thay vì trân trọng
giấc mơ của người khác, lại đi cười nhạo họ.
Sao lại chế giễu những giấc mơ đẹp đẽ ấy? Sao lại cho nó
là hão huyền? Đấy là một khát vọng chân chính. Đấy là ý thức rõ rệt của một nhà
văn. Anh ta phải biết mơ giấc mơ đó. Dù có thể anh ta sẽ không đi đến tận cùng
giấc mơ của mình và biến nó thành sự thật. Nhưng nếu anh ta không có một giấc
mơ, một hành động và một sự dấn thân tuyệt đối cho giấc mơ của mình thì anh ta
sẽ không làm được điều gì cả.
* Nhưng điều đó có vẻ còn quá xa vời với các nhà văn
Việt Nam, khi mà nền văn học của chúng ta còn quá xa lạ với thế giới, khi mà
chúng ta vẫn mòn mỏi chờ đợi một tác phẩm văn học Việt Nam thành kinh điển của
nhân loại?
- Trước hết phải định nghĩa thế nào là tác phẩm lớn. Tác
phẩm lớn là một tác phẩm văn học mà khi người ta đọc xong, nó đã thay đổi họ.
Nó mang đến cho họ một thế giới mới hơn, rộng lớn và sâu sắc hơn, thay đổi bên
trong họ. Trong một khía cạnh nào đó, con người đó đã được khai sáng, và họ sẽ
phải cúi đầu tôn kính cuốn sách ấy như một sự mang ơn.
Nhiều nhà văn lớn trên thế giới cho rằng tác phẩm lớn phải
là tác phẩm mà nó mang đến một cuộc cách mạng trong tâm hồn bạn đọc: về tinh thần,
về tư tưởng, về trí tuệ, về vẻ đẹp.
Dân tộc ta có thể đã có những tác phẩm làm được điều đó,
ví dụ như những tác phẩm của Nguyễn Trãi, của Nguyễn Du...
Trước năm 1975, có một số tác phẩm quan trọng làm thay đổi
nền văn học VN, thay đổi cách đọc của độc giả VN. Có những nhà văn nhà thơ xứng
đáng là một số tác giả lớn như Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, Chế Lan Viên, Nam
Cao...
Tác phẩm của những nhà văn này đã tác động lên đời sống
xã hội một cách sâu sắc, làm cho con người có những thay đổi lớn lao trong tinh
thần sống của họ. Nhưng với tôi, tôi vẫn đợi những tác phẩm văn học Việt Nam hiện
đại có thể ảnh hưởng đến những nền văn hoá khác, đến những bạn đọc khác.
Trọng trách này giờ được giao cho các nhà văn đương đại của
chúng ta. Lợi thế của họ là họ được tiếp nhận rất nhiều thông tin so với cha
anh họ. Họ cũng đã được tiếp xúc cơ bản những tác phẩm tiêu biểu của thế giới dịch
ra tiếng Việt. Thậm chí có những người có thể đọc nguyên bản bằng tiếng Anh, tiếng
Pháp, tiếng Nga... Nhưng cái khó của họ là nền văn học sau năm 1975 bị che khuất
bởi đời sống đa phương tiện và bởi đòi hỏi của bạn đọc hiện nay ngày càng khắt
khe.
Trước đây người ta có thể xếp hàng hoặc phải có giấy giới
thiệu để mua cuốn "X30 phá lưới". Nhưng ngày nay chuyện đó
không còn xảy ra nữa, ngay cả với nhưng cuốn sách tình báo rất hay về điệp
viên - Anh hùng Phạm Xuân Ẩn. Bởi vì thông tin đó họ đã được nạp ở đâu đấy,
bằng cách nào đấy. Và nhu cầu giải trí, nhu cầu đọc của họ đã được giải quyết
trên nhiều phương tiện như truyền hình, facebook, báo mạng và quá nhiều các loại
hình giải trí khác... Đó là thách thức với nhà văn.
Chúng ta đã đánh mất cảm hứng sống
* Có bao giờ ông thử ngồi cắt nghĩa tại sao chúng ta lại
chưa đạt được những thành tựu thực sự vĩ đại trong văn học không?
- Mới đây, tôi có cuộc trao đổi với một số nhà quản lý
văn học nghệ thuật về việc làm thế nào để chúng ta có thể có những tác phẩm
đỉnh cao.
Theo cách nhìn của tôi (và nếu ai không nhìn với cách
nhìn của tôi thì tôi khuyên là hãy bình tĩnh, hãy lùi lại để suy nghĩ về cách
nhìn đó), đó là chúng ta đã đánh mất cảm hứng sống. Những năm tháng chống Pháp,
chống Mỹ, cảm hứng sống của dân tộc này vô cùng lớn lao. Và các nghệ sỹ như là
những giai điệu trong một bản giao hưởng lớn của dân tộc. Chính thế mà
các nhà văn nhà thơ thời đó đã viết trong một cảm hứng lớn của dân tộc.
Rất nhiều các nhà văn ở các thế hệ khác nhau đang sống và
viết bây giờ đã đánh mất cảm hứng sống. Họ bị hơi nóng của những sự vụ mang
tính xã hội thường nhật ảnh hưởng vào trang viết.
Họ bước qua những run rẩy trên mỗi bậc cửa nhỏ bé từ ngôi
nhà riêng của họ cho đến con đường rộng lớn ngoài thế gian mà không hề để ý. Họ
đã vô tình biến họ thành những nhà báo "thiếu thông tin" trong các
tác phẩm có ghi một thể loại văn học nào đó. Không ít các nhà văn coi những
lãng mạn, những giấc mơ, những thì thầm trong đời sống quanh họ là những thứ
phù phiếm và cũ mèm. Họ đã sai. Càng đi như thế họ càng rời xa nghệ thuật.
Một lẽ đương nhiên là, nhà văn có cảm hứng sống đến đâu
thì cảm hứng sáng tạo sẽ đến đó. Một người sống 10 phần thì sẽ viết được 10 phần.
Một người chỉ sống được 3 phần thì tức khắc chỉ viết được 3 phần.
Chúng ta chưa tạo ra được một đời sống lớn trong toàn bộ
xã hội. Chính bởi vì thế chúng ta chưa tạo ra một đời sống đầy trung thực và
dâng hiến trong thế giới của các văn nghệ sĩ. Chúng ta đang tàn phá thiên
nhiên, huỷ hoại môi trường, chúng ta đang sống ích kỷ, mưu mô và vô cảm. Chủ
nghĩa ích kỷ chưa bao giờ lại thống trị con người như bây giờ. Chỉ nói về tội
phạm, chưa bao giờ sự man rợ trong hành vi phạm tội lại kinh khủng như bây giờ.
Cũng là loại tội phạm giết người, buôn lậu, ăn cắp, nhưng sao bây giờ lại có thể
man rợ thế? Sự man rợ đã đi đến vạch giới hạn cuối cùng của nó. Sự băng hoại của
con người đã leo lên mức cao nhất.
Ngay cả trong làng văn cũng vậy, có không ít các nhà văn,
nhà thơ ngày ngày xuất hiện các mạng xã hội để thóa mạ và bôi nhọ đồng nghiệp.
Chúng ta khó nhìn thấy những cuộc trao đổi mang tính học thuật thực sự.
Còn trên các tờ báo thường là những bài viết chung chung, với những lời nhận
xét chung chung, nhàn nhạt, một chút khen, một chút chê. Chính đời sống không
trung thực đó, một đời sống thiếu sự sáng tạo, thiếu cảm hứng đó sẽ vô cùng khó
khăn để sinh ra những tác phẩm lớn. Không thể nào trên một mảnh đất hoang hoá,
khô cằn lại có thể sinh ra những mùa màng trù phú.
Trong lúc đói kém, dân tộc bị đe doạ, bị áp bức, lúc đó
người Việt nhìn thấy kẻ thù một cách rõ ràng nhất. Đó cũng là lúc họ thấy tự trọng
của mình bị chà đạp, là lúc họ thấm thía nỗi đau của một dân tộc bị áp bức. Những
ngay đó, con người sống với con người trong một tinh thần hoàn toàn khác. Lúc
đó văn hoá Việt là một nền tảng quan trọng tạo nên thái độ sống của họ.
Còn ngày nay, chúng ta phải chiến đấu với kẻ thù rất khó
lường: thân xác của chúng ta. Tôi đã viết một bài tiểu luận có tên: Chúng
ta là những kẻ đồng tính của chính mình.
Chưa bao giờ chúng ta chiều chuộng những ham muốn, những
vuốt ve, những đòi hỏi của chính ta như bây giờ. Nhiều năm trước chúng ta
nói nhiều đến chủ nghĩa thực dụng phương Tây và coi nó như một con quỷ. Nhưng đến
bây giờ, chúng ta đón nó vào, chung sống với nó, ái ân với nó trên chính cái
giường đời sống của chúng ta.
Nó đã đè bẹp khát vọng sống, ý tưởng, sự run rẩy trong
sáng và những giấc mơ đẹp đẽ... trong mỗi con người. Khi những điều đó mất đi
trong con người nhà văn thì không bao giờ họ có thể nói được điều gì tương tự
trong tác phẩm của họ.
Mạc Ngôn và sự chạnh lòng của nhà văn Việt
* Khi mà Mạc Ngôn giành được giải Nobel văn học, có
người nói đó là hiển nhiên, vì đất nước Trung Quốc rộng lớn hơn ta, nền văn hoá
của họ rực rỡ hơn ta, dân họ cũng đông hơn dân ta. Liệu việc chúng ta có thể lấy
lý do đó để giải thích cho việc chúng ta vẫn là những người thua kém?
- Mạc Ngôn không phải người đầu tiên đem lại sự chạnh
lòng cho dân tộc chúng ta.
Có những dân tộc bé hơn dân tộc chúng ta, lịch sử có vẻ
"mờ nhạt" hơn chúng ta, dân số của họ cũng ít hơn chúng ta, số lượng
nhà in và số lượng cửa hàng sách ít hơn chúng ta... thế mà họ đã mang đến cho
thế giới những giá trị thật lớn lao. Như Ireland chẳng hạn: một dân tộc đơn giản
với ba, bốn triệu người chủ yếu bằng nông nghiệp, nhưng họ vẫn có những cái tên
vĩ đại như James Joyce, Samual Becket, Seamus Heaney... Chỉ có 4 triệu dân,
nhưng họ đã có 4 giải Nobel văn học.
Hay Na Uy, nơi sinh ra những nhà văn nghệ sỹ vĩ đại như
Edvard Grieg, Henrik Ibsen... Các nhà văn Na Uy nói với tôi: 5 năm phát xít Đức
chiếm đóng Na Uy - 5 năm đó đã khắc vào sông núi, khắc vào con người Na Uy một
lịch sử đau đớn không thể quên được. Đó là nguồn chất liệu vô giá của họ, là
kho vàng mà họ vẫn khai thác.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ của chúng ta dài và tàn khốc nhất
thế kỷ 20. Chúng ta phải tiếp tục viết về tư cách của một dân tộc và số phận của
con người trong lịch sử khốc liệt ấy. Chúng ta có tất cả. Nhưng chúng ta đang
loay hoay trên một kho nguyên liệu khổng lồ và đầy số phận mà chưa làm được gì
xứng đáng. Trong khi có dân tộc, họ đứng trên sa mạc, để kiếm một giọt nước
cũng khó. Nhưng chỉ cần một giọt nước hiện thực đó thôi, họ đã tạo nên những
tác phẩm kỳ vĩ. Chúng ta có cả một hồ nước đầy, nhưng nước vẫn chỉ là nước mà
thôi.
Dân tộc Colombia, một dân tộc đau khổ với chiến tranh, với
nghèo đói, với ma tuý, với bạo lực... nhưng dân tộc đó vẫn vươn lên, với những
ngày thơ mà ở đó, tôi thực sự bàng hoàng vì tình yêu thi ca, yêu cái đẹp của họ.
Colombia có một Marquez khiến họ tự hào. Rất nhiều nhà văn của VN ngày ngày thở
dài mong có một cái làng Macondo, nghĩa là có một hiện thực để làm nên một tác
phẩm như Trăm năm cô đơn.
Và tôi đã phải nói với họ, trong sự buồn bã, giận dữ và bất
lực rằng: tất cả các làng quê VN đều có thể là một làng Macondo với hiện thực đầy
kỳ kiệu, lớn lao, đầy nhân tính, đầy số phận... nhưng chúng ta chỉ thiếu duy nhất
một thứ: chúng ta không có một Marquez cho làng mình.
Hơn nữa, phải thẳng thắn rằng các quốc gia mà chúng ta vừa
nói ở trên hơn hẳn chúng ta về khả năng định hướng và sự đầu tư đúng đắn cho nền
văn học của đất nước họ. James Joyce viết ra tác phẩm Ulysses, một
trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của loài người. Đó là một tác phẩm khó
vô cùng để có thể dịch. Thế nhưng tôi đã gặp một nhà văn TQ và tôi đã giật mình
khi ông ta nói ông ta chuẩn bị sang Ireland sống, học tập và nghiên cứu nhà văn
James Joyce và Ulysses. Ông được phân công và đầu tư 10 năm để làm
sao trong 10 năm phải chuyển được tác phẩm kia một cách hay nhất cho người TQ đọc.
Đầu tiên, tác phẩm đó vào, không phải những người công
nhân, nông dân, mà phải tầng lớp rất cao của xã hội mới có thể đọc được nó, hiểu
được nó. Và dần dần, họ khai mở cho những tầng lớp khác. Truyện Kiều của
Việt Nam cũng như thế. Đừng nghĩ rằng ngay từ đầu, Truyện Kiều sinh
ra đã dành cho những người bình dân. Những người đầu tiên có thể đọc được Kiều
là những bậc trí giả.
Cách đây hơn 20 năm, Fidel Castro đã thành lập ra trường
điện ảnh Mỹ - La Tinh. Ông đã mời một số người vĩ đại nhất của châu Mỹ - La
Tinh để giảng dạy, trong đó có Garcia Marquez. Quan điểm của Nhà nước Cu Ba là
hãy mời những vĩ nhân đến đó, để những tri thức Cu Ba được khai mở, được giao
lưu. Và từ đó, sự khai mở đó lan dần, lan dần ra cả xã hội Cu Ba.
Nếu không có một nền văn học nghệ thuật uyên bác, nghệ
thuật cao, tư tưởng lớn thì chúng ta không thể tạo ra được những nhà văn có đủ
phẩm chất để tạo nên những tác phẩm lớn.
Nhà văn không có quyền mặc định người đọc
* Tôi có thể hiểu ý ông là chúng ta chưa có một nền
văn học nghệ thuật uyên bác? Và đó là một chướng ngại vật cản trở sự phát triển
của văn học?
- Có lần, tôi đã nói với các nhà quản lý lĩnh vực văn học
nghệ thuật: một trong những điều mà tôi cho là quan trọng nhất đối với sự phát
triển của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung là lâu nay chúng ta đã
nghiêng về một nền văn học nghệ thuật phong trào chứ không phải một nền văn học
nghệ thuật chuyên nghiệp.
Chúng ta phải thật bình tĩnh nhìn nhận vấn đề này. Chúng
ta đã làm phong trào quá lâu và quá nhiều: làm phong trào về điện ảnh, về sân
khấu, về văn chương. Cái "phong trào" tác động từ nhiều phía vào cảm
hứng và tư duy về nghệ thuật của con người. Một đứa bé bắt đầu có nhận thức thì
cái nó tiếp nhận hầu như chỉ là nghệ thuật phong trào chứ không phải những giá
trị kinh viện, uyên bác, học thuật.
Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chính mỗi công dân Việt Nam lớn
lên, trong đó có những người sẽ cầm bút và tiếp tục viết một loại văn chương
phong trào như thế. Đó là điều mà tất cả những ai liên quan và quan tâm đến văn
học nghệ thuật nước nhà phải suy ngẫm một cách thấu đáo. Nếu chúng ta chỉ
làm phong trào, chúng ta sẽ chỉ có một kết quả phong trào.
Nhà văn không được phép nghĩ rằng vì những người nào đó
không biết chữ thì ta sẽ đem đến cho họ loại văn chương của những người không
biết chữ. Chúng ta chỉ được phép mang đến cho tất cả họ, dù họ là bất cứ ai, bất
cứ tầng lớp nào, một thứ văn chương duy nhất: đó là thứ văn chương lộng lẫy và
cao cả nhất.
Những người nông dân dù mù chữ vẫn khao khát được hướng đến
văn chương đích thực. Họ như những cánh đồng sẵn sàng đón nhận những mầm cây đẹp
nhất cho tâm hồn họ. Và sứ mệnh của các nhà văn là người mang hạt giống tốt nhất
đến cho cánh đồng đó. Chúng ta không được quyền mặc định cánh đồng đó chỉ được
gieo loại giống thứ cấp như văn học loại 2. Nghĩ như vậy là một sai lầm trầm trọng,
và chúng ta đang mắc sai lầm đó.
* Vậy những người lãnh đạo Hội Nhà văn như ông đã làm
gì để thay đổi?
- Không chỉ mấy ông bà trong Ban chấp hành HNV làm được
điều đó mà phải là tất cả các nhà văn phải tìm cách để chống lại xu hướng phong
trào hóa nền văn học nghệ thuật này. Và nếu chỉ có một mình HNV, thì HNV sẽ
trở thành một ốc đảo trước tất cả những phong trào cuồn cuộn quanh họ. HNV
thực hiện trao giải thưởng hàng năm, tiến hành hội thảo, trao đổi văn hóa, tạo
ra diễn đàn như tạp chí VH nước ngoài, tạp chí Nhà văn mà bây giờ là tạp chí
Nhà văn & Tác phẩm, tạp chí Thơ, báo Văn Nghệ, Văn nghệ Trẻ.
Đó là cách để từng bước chuyên nghiệp hoá văn chương VN.
Nhưng với cách thức mà chúng ta vẫn tư duy lâu nay, tính phong trào vẫn lan
tràn trong nhiều hoạt động văn học nghệ thuật. HNV không hoàn toàn chống lại được
cái chủ nghĩa phong trào đó. Nói cách khác, chủ nghĩa phong trào đang trở thành
một cái gì đó không thể cưỡng nổi trong xã hội.
Thế giới biết đến VN với những cuộc chiến tranh vệ quốc.
Nhưng đã đến lúc, chúng ta phải giới thiệu với thế giới về một Việt Nam với những
góc nhìn khác. Mà sức ảnh hưởng của văn học trong việc này là vô cùng to lớn.
Giống như ta có thể yêu một đội bóng và rồi yêu một quốc gia nào đó.
Qua một tác phẩm văn học, ta cũng có thể khiến một người
nào đó "phải lòng" Việt Nam. Colombia đã từng vận động đăng cai World
Cup rất nhiều lần. Nhưng sau khi Marquez đạt giải Nobel văn học với Trăm
năm cô đơn, Tổng thống Colombia đã nói: "Chúng ta không cần phải đăng
cai World Cup nữa. Chúng ta đã có một Marquez. Thế là đủ để thế giới biết về
Colombia". Tôi cũng mơ, một ngày chúng ta có thể làm được điều đó, để bất
cứ người Việt Nam nào cũng có thể tự hào về một nhà văn Việt Nam nào đó như người
Colombia tự hào về Marquez!
TÔ LAN HƯƠNG thực
hiện
Nguồn: TVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét