Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

DIỆN MẠO THƠ VIỆT ĐẦU THẾ KỈ XXI - TRẦN THỊ MINH TÂM

Giờ đây, khi nhìn lại, chúng ta thấy thế kỉ XX là một thế kỉ đầy những biến động to lớn của văn học Việt Nam nói chung, thơ ca Việt Nam nói riêng. Biến động về hệ hình văn học với sự chuyển đổi từ mô hình văn học trung đại sang hiện đại. Biến động về đội ngũ tác giả. Sau thế hệ “những người muôn năm cũ” với những Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải là thế hệ Thơ mới, thế hệ nhà thơ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, trong chiến tranh biên giới và rồi tiếp đến thế hệ nhà thơ sinh ra trong hòa bình, độc lập. Biến động về thể loại. Nhiều thể loại đã lui vào ở ẩn trong tháp ngà như Đường luật, song thất lục bát, nhường chỗ cho thơ tự do, trường ca… Trở lại với thực tại, ở cuối thập niên thứ hai của thế kỉ XXI, chắc hẳn sẽ có nhiều người tự hỏi, vậy diện mạo thơ Việt hiện tại ra sao? Đây là một câu hỏi lớn, rất lớn. Trong khuôn khổ của một bài viết, chắc chắn không thể giải đáp hết được. Dưới đây, chúng tôi chỉ trình bày những nét khái lược nhất.
Từ trái sang, các nhà thơ: Trầm Hương, Phan Hoàng, Bang Hyun Suk, Văn Lê, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Vũ Quỳnh, Phùng Hiệu tại Hội thảo quốc tế “Triển vọng Giao lưu Văn học Việt - Hàn” tổ chức ở TP Hồ Chí Minh 12-2017

1. Thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI đánh dấu sự quay trở lại của cảm hứng dân tộc, khuynh hướng sử thi. Sau mấy thập kỉ phát triển rực rỡ với nhiều thành tựu, sang thập niên 80 của thế kỉ trước, đặc biệt khi bắt đầu thời kì Đổi mới, hiện thực đất nước thời mở cửa với bao bộn bề, lo toan, đói nghèo và lạc hậu đã khiến cảm hứng dân tộc, khuynh hướng sử thi trở nên lạc điệu. Thơ trở về đời thường với cảm hứng thế sự, đi sâu vào thế giới nội tâm nhỏ bé của con người… Đến cuối thế kỉ XX, ít ai còn nói đến cảm hứng dân tộc, thậm chí có người bắt đầu “soạn” lời cáo chung cho khuynh hướng sử thi. Nhưng đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI, cảm hứng dân tộc có xu hướng trở lại mạnh mẽ. Điều này có nguyên do từ những tác động của hiện thực đất nước. Việc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bị đe dọa đã thổi bùng lên chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ý chí bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong trái tim, trí óc người dân Việt nói chung, các nhà thơ nói riêng. Và như loài phượng hoàng bất tử, vụt bay lên tái sinh từ tro tàn, cảm hứng dân tộc, khuynh hướng sử thi đã trở lại một cách ngoạn mục, nhất là trong các thi phẩm viết về biển, đảo quê hương.

Trong thơ viết về biển đảo, hai địa danh thường xuyên được nhắc đến nhất là Trường Sa và Hoàng Sa. Trường Sa - cái tên thôi cũng đủ thấy sự xa xôi, cách trở. Cứ tưởng Trường Sa chỉ có sóng và gió, cứ tưởng Trường Sa chỉ có đảo đá khô cằn. Nhưng không, Trường Sa trong thơ thật gần gũi, máu thịt, ở đó tiếng chuông chùa thân thuộc vang xa thật bình yên: Hình như tiếng chuông chùa Hoàng Phi thì phải/ Phật linh thiêng không quản nơi xa ngái/ Vượt biển độ trì cho dân đảo cầu an (Cổ tích thời @ - Võ Thị Kim Liên), và tiếng hát trẻ thơ ngoài Trường Sa mà như nghe ở làng quê bên sông Hồng, sông Hậu (Nghe trẻ hát ở Trường Sa - Ngô Minh). Còn nhắc đến Hoàng Sa, mỗi lần nhắc là một lần nhói buốt. Cái tên đó cứa vào lòng người Việt nỗi đau về một vùng chủ quyền bị lấy mất, chạm đến khát vọng khắc khoải một ngày đòi lại được mảnh đất của cha ông: Mộ gió đây/ những phút giây biển lặng/ gió là tay ôm ấp bến bờ xa/ chạm vào gió như chạm vào da thịt/ chạm vào/ nhói buốt/ Hoàng Sa… (Mộ gió - Trịnh Công Lộc). Bài thơ được gợi cảm hứng từ những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn. Từ xưa đến nay, bao người con đất Việt đã không ngại hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thân xác họ chìm sâu dưới đáy đại dương nhưng khát vọng giữ gìn biển đảo quê hương của họ như đã hòa vào gió, vào sóng. Mọi ánh nhìn vẫn đang đau đáu về hướng đó với nỗi khắc khoải chưa bao giờ nguôi: Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa (Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến).

Khi chủ quyền biển đảo bị đe dọa, ngay lập tức lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì lãnh thổ trọn vẹn của đất nước lại bừng trỗi dậy mạnh mẽ: Biển của mình thì mình đem máu xương gìn giữ/ Biển của mình thì mình phải ra khơi/ Buồm căng lồng ngực bạn chài ngân vang câu hát/ Đây biển Việt Nam/ Đây hồn Việt Nam/ Tổ quốc trào dâng cùng biển trời bát ngát (Vọng Hải Đài - Bùi Công Minh). Giọng thơ khi thủ thỉ, khi thúc giục như một lời hiệu triệu. Hình ảnh những người dân chài ra khơi bám biển, không chỉ vì mục đích mưu sinh mà còn để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng thật mạnh mẽ hào hùng, như hình ảnh những người tráng sĩ hiên ngang ra trước sóng gió. Đó cũng là tư thế của cả dân tộc - một dân tộc có truyền thống bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Hãy lắng nghe lời tuyên thệ của người lính hải quân: vì Tổ quốc/ chúng tôi là cột mốc/ chúng tôi là trận địa tiền duyên/ chúng tôi là lá chắn/ chúng tôi là bệ phóng/ chúng tôi là chốt chặn xâm lăng (Chúng tôi ở Trường Sa - Nguyễn Hữu Quý). Nó gợi đến lời thề “Sát Thát” trong trận chiến chống Nguyên Mông, lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong kháng chiến chống Pháp, là âm vang hào khí anh dũng của dân tộc mấy nghìn năm chống ngoại xâm.

Trong thơ viết về biển đảo từ xưa đến nay, người lính hải quân luôn là biểu tượng đẹp đẽ của lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì Tổ quốc. Những vần thơ xúc động nhất là những vần thơ nói về sự hi sinh của các anh. Nguyễn Hữu Quý đã tái hiện kí ức về những đoàn tàu không số, tái hiện những hải trình khốc liệt chi viện cho miền Nam, tái hiện những chuyến đi không hẹn ngày trở về của người lính hải quân năm xưa bằng những câu thơ dữ dội: Trong mơ các anh về/ từ những con tàu đã ngủ quên dưới đáy biển/…/ những hành trình nương vào bão tố/ để che mắt quân thù/…/ lỗ chỗ vết đạn găm/ trục vớt lên những mùa đông/ lặng im cảm tử/ trục vớt lên những mùa xuân không hoa đào nở/ ngổn ngang trời, ngổn ngang biển mây bay (Hạ thủy những giấc mơ). Nguyễn Việt Chiến dựng lại phút giây bi tráng khi người lính lấy thân mình bảo vệ lá cờ trên đảo Gạc Ma: hi sinh ở đảo đá Gạc Ma/ Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn/ Để một lần Tổ quốc được sinh ra/ Máu của họ thấm vào lòng biển thẳm (Biển là nơi Tổ quốc sinh ra). Ở một hướng tiếp cận khác, nhà thơ Nguyễn Trọng Văn lại viết về nỗi đau trong thời bình. Khi mọi người đang có cuộc sống bình yên nơi đất liền thì ngoài kia, biển khơi tiếng sóng ầm ào hát ru người chiến sĩ hải quân vào giấc ngủ ngàn năm: Quấn chặt lá cờ/ Vào sát ngực mình/ Bên phía trái tim/ (Vật duy nhất còn lại trên nhà giàn - 2A/DK1/6)/ Đại úy Vũ Quang Chương/ Gồng mình/ Hít hơi thở cuối/ Anh mỉm cười thấy đồng đội đã xuống tàu cứu hộ an toàn/ Anh mỉm cười…/ Một con sóng chồm lên/ Cờ Tổ quốc còn nguyên bên ngực/ Chỗ anh đứng/ Sóng liên hồi kì trận/ Sóng liên hồi/ Từng đợt lại chồm lên/ Anh mỉm cười/- Đâu cũng quê hương/ Biển thẳm sâu, ru anh vào giấc ngủ... (Tổ quốc - đường chân trời). Những người lính ấy, họ đón nhận cái chết một cách tự nguyện và thanh thản. Hình ảnh những người lính lấy thân mình che chắn cho lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, hay hình ảnh người lính quấn lá cờ quanh mình trước khi phong ba ập xuống nhà giàn là biểu tượng của tình yêu nước bất tử. Hi sinh cho những gì thiêng liêng và cao cả, đó không chỉ là mất mát, đó còn là niềm tự hào.

Bên cạnh những vần thơ về biển đảo quê hương, cảm hứng dân tộc, khuynh hướng sử thi còn xuất hiện trong nhiều trường ca viết về đất nước dặm dài. Trường ca Bước gió truyền kì của Phan Hoàng là một câu chuyện truyền kì về công cuộc mở cõi và giữ nước của dân tộc, đưa người đọc vào một hành trình kì lạ, vừa thực vừa mơ để khám phá những vẻ đẹp của văn hóa, khí phách và ý chí của dân tộc với nhiều cung bậc cảm xúc thẩm mĩ khác nhau. Trải qua hàng ngàn năm, để mảnh đất hôm nay mang hình chữ S, để có chủ quyền trên hải đảo xa xôi là công sức mở cõi của hàng triệu người con đất Việt, hữu danh và vô danh: Ơi lớp lớp người người/ hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt/…/ Bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn…/ Bước gió Nguyễn Hoàng/ bước gió Lương Văn Chánh/ bước gió Nguyễn Hữu Cảnh/ bước gió những đoàn quân vô danh/ bước gió những lưu dân vô danh/ bước gió những nghệ sĩ vô danh/ bước gió những mĩ nữ vô danh…/ nhập hồn xóm làng/ nhập hồn sông suối/ nhập hồn núi rừng/ nhập hồn biển đảo… Mỗi một tấc đất đều được đổi bằng máu: máu/ máu/ máu/ mở cõi/ máu/ máu/ máu/ giữ nước. Đã một thời gian dài, trong thơ Việt, người đọc chưa bắt gặp những câu thơ mang âm hưởng tráng ca như thế.

Trường ca Long mạch của nhà thơ Hoàng Trần Cương được cấu trúc thành 11 chương: Khấn thầm, Huyết thống, Nết đất, Hồn sông, Mạch chủ, Thác ghềnh, Quỷ nước, Sấp ngửa, Sông và em, Vía biển, Thế núi, với những hô ứng liên hoàn, thắt mở đầy mê dụ để chỉ khí và thế của đất đai sông núi. Long mạch trước hết là niềm tự hào về thế địa linh của Tổ quốc với núi với sông, đất liền và biển cả: Cứ như là rủ nhau/ Nguồn mạch đất đai nổi chìm đứt nối/ Đứng là núi/ Chảy là sông/ Mênh mông là biển/ Dài rộng đất liền/ Quây bờ xẻ bếnLong mạch cũng là nơi nảy sinh bao điều tốt đẹp, là xứ sở của những người lao động khéo léo và quả cảm: Năm tháng chảy/ Đan tơ dệt lụa/ Hãm thác ghềnh/ Gói bọc đất đai, xứ sở của tình yêu và lòng bao dung: Thành lứa/ Thành đôi/ Vun bồi đắp đổi/ Ngày một ngày hai trổ nụ vươn cành/ Nối li tán/ Ngấm ngầm tụ hội. Long mạch đâu chỉ là thế núi hình sông của đất nước mà còn là vóc dáng tinh thần, tâm hồn của dân nước. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, vóc dáng, tâm hồn ấy vẫn lưu truyền, hun đúc nên bản lĩnh của thế hệ hôm nay: Mang dòng chảy/ Chở ngọn nguồn/ Đầy bị/ Ngày đi/ Đêm đi/ Chúng mình đi/ Nước mắt/ Chắt ước vọng/ Nuôi núi sông.

Trường ca Chân đất của Thanh Thảo là những suy cảm của tác giả về quê hương, về Tổ quốc, về nhân dân trong thời cuộc mới. Từ biểu tượng lớn Chân đất tác giả mở ra nhiều hướng để luồng tâm tư trải rộng những vấn đề nhân tình, thế sự qua 9 đoạn thơ với các biểu tượng: Chân tre, Chân ruộng, Chân mưa, Chân núi, Chân cò, Chân tháp, Chân mây, Chân sóng, Chân lũy. Điểm nổi bật nhất trong bản trường ca là những suy ngẫm về nhân dân. Nhân dân nghèo đói nhưng nghĩa tình, nhân dân không gọi nhau “man” này “man” nọ/ nhân dân gọi nhau đồng bào. Từ ngàn xưa, nhân dân đã âm thầm dựng xây đất nước: hình như tổ tiên mình trồng một bụi tre/ trồng một lũy tre/ trồng một rừng tre/ bên dưới thành Châu Sa/ bên dưới Trường Lũy. Và ngày nay, nhân dân đang bền bỉ xây dựng nên Trường Lũy của tình người, của tinh thần bất khuất: cùng mọi người tôi vác đá xây lũy/ cùng mọi người tôi vác tự do vác tình anh em qua lũy/ cùng mọi người tôi ném những trái ngang khỏi lũy/…/ dù chân lũy tới chân trời/ xa lắc chơi vơi/ chúng tôi đi/ dè dặt/ chúng tôi đi/ từng bước. Chân đất là một bản giao hưởng ngôn từ bi tráng và kiêu hãnh về một dân tộc đã đứng lên từ nước mắt và máu để dựng lên nhân cách sống của mình suốt chiều dài lịch sử.

Sự trỗi dậy của cảm hứng dân tộc, khuynh hướng sử thi trong các vần thơ viết về biển đảo quê hương và non sông đất nước đầu thế kỉ XXI đã thể hiện trách nhiệm công dân của các nhà thơ trước những vấn đề trọng đại của dân tộc, qua đó chứng minh chủ nghĩa yêu nước vẫn luôn là một “đại tự sự” xuyên suốt lịch sử thơ ca Việt từ xưa đến nay.

2. Thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI phản ánh những vấn đề quan thiết của nhân loại trong thời đại toàn cầu hóa. Thế kỉ XXI được bắt đầu bằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) diễn ra từ những năm 2000, còn gọi là cuộc cách mạng số chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Một thế giới số - bản sao của thế giới thực - đã và đang hình thành, thâm nhập vào đời sống của mỗi công dân đương đại. Nền văn minh hậu công nghiệp đem lại cho con người cuộc sống tiện nghi, nhưng mặt trái của nó là nhân loại mải mê với những phát minh, những cuộc chinh phục nên không bao giờ yên ổn: Nhân loại tỉnh thức/ Nhân loại cuồng say tạo dựng, săn lùng và tàn phá/ Nhân loại thức công nghiệp/ Nhân loại thức điện tử/ Nhân loại thức bay ra ngoài trái đất/ Nhân loại thức không bao giờ ngủ được nữa (Giấc ngủ màu xanh - Lương Tử Đức). Sự gấp gáp của nhịp thơ cũng là nhịp sống hối hả của thời đại hậu công nghiệp, đồng thời thể hiện sự hoảng hốt của con người trước một nhân loại không bao giờ ngủ - một ẩn dụ cho sự thiếu cân bằng trầm trọng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Sự trơ lì cảm xúc đã trở nên báo động, như một thảm họa tàn khốc chẳng kém thảm họa thiên nhiên: Người ta đang lí giải El Nino thiên nhiên/ Mà lãng quên một El Nino xoay vần nhân tình thế thái/ Sự tiến hóa làm con người xa nhau hơn/ Thậm chí có ít thời gian để cười và càng ít khóc (Đôi mắt lửa Puskin - Vi Thùy Linh). Sự tiến hóa làm con người xa nhau hơn là một mệnh đề không mới, nhưng khi Vi Thùy Linh viết Thậm chí có ít thời gian để cười và càng ít khóc thì người ta phải ngạc nhiên vì sự già dặn và tinh tế của một cô gái tuổi mới đôi mươi. Trong một bài phát biểu, thiên tài vật lí người Anh Stephen Hawking đã cảnh báo trí tuệ nhân tạo sẽ hủy diệt loài người. Nhưng có lẽ, loài người đã tự hủy diệt mình sớm hơn thế, từ cái ngày mà loài người phá hủy hệ cân bằng sinh thái, từ cái ngày loài người chối bỏ những xúc cảm buồn, vui, yêu, ghét vốn là đặc trưng cao quý của giống loài mình. Những dự đoán về tương lai bất ổn càng ngày càng xuất hiện nhiều trong thơ: Tôi nằm lo một cái gì như thể/ Một tai ương sắp dội xuống phàm trần (Nhớ tiếng mèo ngõ vắng - Ngô Xuân Hội); Giật mình muốn hỏi Thượng Đế/ Ô nhiễm, bão lụt... quá nhiều/ Chẳng hay ngài cho Trái Đất/ Nhiệm kì này còn bao nhiêu? (Trò chuyện với Thượng Đế - Trần Ninh Hồ).

Soi chiếu vào thực trạng đất nước trong thời đại hậu công nghiệp và toàn cầu hóa, các nhà thơ đặc biệt chú ý đến việc phơi bày những mặt trái của xã hội hiện đại. Như trên đã nói, cảm hứng hiện thực trở lại với thơ từ khi kết thúc chiến tranh nhưng chủ yếu đó là hiện thực đói nghèo, lạc hậu. Ngày nay, mặt trái của thời kì đô thị hóa, của thời đại kĩ trị còn khủng khiếp hơn thế: Đồ vật ngày lên ngôi, hư vinh cũng chòi lên/ căn phòng chật tiếng cãi cọ các thế hệ công nghệ/ ti vi siêu mỏng, điện tử thời đại số/ tình cảm hóa thân những cuộc chát và tin nhắn (Đồ vật - Trần Quang Quý). Giàu có về vật chất làm con người nghèo nàn đi về tâm hồn. Con người tách mình ra khỏi thiên nhiên, dửng dưng trước vẻ đẹp của thiên nhiên màu lá non tơ ngoài phòng lạnh (Nhật kí cuối thế kỉ - Tuyết Nga), thậm chí còn hủy hoại thiên nhiên: Đừng hát nữa mà đau/ em ơi Hà Nội phố/ Ôi thôi thôi/ Cây đã về với kiếp tro than/ Người ở lại cùng lời nức nở! (Văn điếu cây Hà Nội- Vương Trọng).

Chạy theo công nghệ, con người bỏ rơi giá trị văn hóa truyền thống: Trăng lang thang ngoài bến sông Hồng/ Tìm lời ru những người mẹ trẻ/ Nhưng lời ru đã chết sau màn hình đa hệ/ Trăng ôm vào lòng đứa trẻ mồ côi (Nỗi buồn đô thị - Nguyễn Trác). Tách ra khỏi những cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim trở nên khô cằn không thể đón nhận âm vang cuộc sống, trái tim hóa thành vách đá/ tiếng vọng sượt qua/ rơi/ lả tả(Vách đá - Lê Quốc Hán). Thói vụ lợi biến con người thành kẻ vô tình: Tôi quên lãng những bông dạ hương trước một loài hoa hướng dương/ Tôi lãng quên những cây đại thụ khi ngồi trên sập gụ tủ chè (Quên lãng - Nguyễn Tấn Việt) và là kẻ giết người: Một góc phố một hiệu kim hoàn bị phá cửa/ Và trong quán rượu một người say đâm chết một người say (Đoản ca buổi tối - Nguyễn Quang Thiều). Mỗi câu thơ trên là một tiếng nói cảnh tỉnh sự tha hóa, vô cảm của con người.

3. Thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI lặn sâu vào thế giới nội tâm, truy tìm cái tôi cá thể và cái tôi bản thể, khai thác miền tâm linh. Thơ cách mạng vì điều kiện hoàn cảnh không thể là tiếng nói của cái tôi cá thể, càng không thể là tiếng nói của cái tôi bản thể và đi vào những đề tài nhạy cảm như tâm linh, vô thức. Chỉ khi chiến tranh qua đi, đặc biệt là sau Đổi mới, những nhu cầu nói trên mới trở nên mãnh liệt. Thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI đã tiếp tục mạch thơ này vắt sang từ những thập niên cuối của thế kỉ XX.

Cái tôi cá thể hiện nay đang được khẳng định như một giá trị. Đó là nhu cầu ý thức về mình, xác định chỗ đứng của mình trước thế giới và trong các quan hệ xã hội, cá nhân. Trước hết cá thể đó thể hiện ngay trong cái tôi sáng tạo của mỗi nhà thơ. Trong xu hướng đổi mới chung, mỗi nhà thơ hiện nay nỗ lực tìm tòi cho mình một hướng đi riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân của một cái tôi đa chiều kích, đầy kiêu hãnh và độc lập. “Rời khỏi bầy đàn” trở thành tuyên ngôn chung cho cả một thế hệ nhà thơ, xác lập một tâm thế độc mã trên hành trình sáng tạo: Anh là con cá miệng dàn dụa trăng/ Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động (Ngậm em trong miệng - Mai Văn Phấn); Tôi bứt khỏi tập thể/ Câu thơ bứt khỏi máu còn nguyên rễ (Giác quan ánh chớp - Nguyễn Hữu Hồng Minh). Nếu cái lạc lõng của các nhà Thơ mới là do bị đẩy ra khỏi bầy đàn thì cái lạc lõng của các nhà thơ đương đại là do họ chủ động lựa chọn, chấp nhận cô đơn, thậm chí quay lưng lại tập thể để xác lập một tiếng nói riêng. Cái tôi sáng tạo của thơ đương đại gai góc, nổi loạn một cách bản lĩnh. Bởi vậy đặc trưng của thơ cách tân đương đại là không dựa vào bất kì chuẩn mực nào, tự vươn tới những chân trời cao rộng của sáng tạo, bứt phá khỏi mọi khuôn mẫu giá trị cũ để tìm một không gian sáng tạo mới, như chú ngựa non vùng thức dậy chạy trên thảo nguyên bao la: Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của lồng ngực trẻ/ Thức dậy và tung bờm cất vó/.../ Thức dậy, dẫm chân và lắc đầu kiêu hãnh/ Trước những yên cương rực rỡ sắc màu/ Thức dậy để uống sương mai/…/ Thức dậy đi ơi chú ngựa/ Đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng (Bài ca ngựa non - Trần Lê Sơn Ý).

Hiện tượng lấy tên mình đặt cho một bài thơ, một tập thơ không còn là hiếm (Trang Thanh - Trang Thanh, Vili in love - Vi Thùy Linh…), như một cách khẳng định cái tôi ngay từ tiêu đề tác phẩm. Con người ngày nay có khát vọng tạo dựng một chân dung riêng biệt của mình trong thơ. Đó có thể là chân dung ngoại hình: tôi nhìn/ tôi/ trán dô cằm nhọn má cao/ nhân trung sâu/ thọ đau kiếp nạn/ mím môi/ không sẻ cho người (Trang Thanh - Trang Thanh). Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là chân dung tinh thần. Cái tôi cá thể dám làm và dám chịu trách nhiệm về những việc đã làm, cho dù đối lập với tất cả: Tôi phóng sinh tất cả khỏi lề thói/ Lao vào đêm ca hát những điều tôi thích/ Trong sự bất cần của những mặt nạ lặng câm/ Trong sự ồn ĩ của những mặt nạ phản đối (Bay lặng im - Trang Thanh).

Trong thơ hôm nay chúng ta còn gặp những lời tự bạch của người chơi như một cách khẳng định cá tính. Người chơi ở đây được hiểu là người có lối sống tự do, phóng khoáng, thích rong chơi không vướng bận với đời. Người chơi không phải là xa lạ đối với thơ Việt Nam. Thời trung đại, trong khuôn phép ngặt nghèo của Khổng giáo vẫn đã xuất hiện những nhà nho tài tử với triết lí hành lạc mà Nguyễn Công Trứ, Phạm Thái, Tản Đà là những tên tuổi tiêu biểu. Trong Thơ mới có những chàng thi sĩ mộng mơ: Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ đẹp của muôn hình muôn thể (Cây đàn muôn điệu - Thế Lữ). Người chơi vắng bóng trong thơ cách mạng vì nó lạc lõng trong điều kiện chiến tranh. Sau 1975, khi cuộc sống trở về bình thường, người chơi trở lại trong thơ. Nếu như trong thơ 1975 - 2000, chơi có thể là một thái độ phản ứng lại những phi lí của cuộc đời: Rong hồn vào cõi chơi vơi/ Quên mình khổ hạnh, quên đời nhiễu nhương (Rượu tha hương - Lương Định), hoặc là một cách khẳng định cá tính đối lập với cuộc sống khuôn mẫu, buồn tẻ thì trong thơ đầu thế kỉ XXI, hình tượng con người chơi mang một vẻ đẹp mới. Con người chơi hiện nay không ở tư thế đối lập với hoàn cảnh, môi trường sống mà ở tư thế vượt lên hoàn cảnh, đạt đến độ ung dung, tự tại: Có lẽ không gì vui sướng/ Bằng đi cho hết chiều thanh/ Có lẽ không gì tự tại/ Bằng nay ta sống riêng mình (Tự tại - Phạm Văn Đoan). Chơi đối với họ vừa để khẳng định cá tính riêng không giống ai, vừa để khám phá những vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống: Ta/ kẻ ăn sương đường phố/ Vẻ đẹp đêm/ Trăng chếnh choáng lên men/ Nhịp điệu màu nguyên thủy mê man/ Hồn hát cùng thân xác/ Muốn rủ cả bóng ma cậy nắp ván rong chơi/ Gõ phách bầu trời/ Tình tang cây cỏ bị bỏ rơi (Dạ ca - Trương Thị Kim Dung).

Không chỉ đi tìm mình trong quan hệ với thế giới, con người còn đào sâu vào cái tôi bản thể để phát hiện ra những mặt khác nhau của cái tôi. Với Cát Du, khát vọng đi tìm cái tôi bản thể lại khởi đi từ những câu hỏi mang tính bản thể luận của nhân loại như nhà thơ tự bạch: Ta từ đâu tới?/ Tới để làm gì?/ Ta sẽ về đâu?(Nàng). Cái tôi bản thể trong thơ Nguyễn Quang Thiều lại được khai thác ở một dạng khác. Trong Cây ánh sáng, nhà thơ băn khoăn truy tìm bản thể mình: Chàng là ai? Chàng sinh ra trên thế gian này với sứ mệnh gì? Trong hành trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đầy tính hiện sinh ấy, Nguyễn Quang Thiều hình dung thi sĩ như một hỗn thân với bao đối cực kiểu cái tôi đa ngã: con côn trùng, con lạc đà, con đại bàng, con sói, con đỉa khổng lồ, ngôi sao cô độc. Rồi cuối cùng, theo lối quy nạp, các mảnh ẩn dụ ấy được quy tập về trong cặp đối cực gốc là phần sáng và phần tối: Mi là ta bóng tối và ta là mi ánh sáng. Cả hai phần sáng tối ấy hợp lại làm nên cái tôi bản thể của thi sĩ với những đối lập: Một kẻ là chàng ánh sáng và một kẻ là chàng bóng tối/ Một kẻ ngập tràn ánh sáng và miệng chứa đầy ngôn ngữ minh tuệ/ Một kẻ ngồi trên chiếc ghế hành hình ngập bóng tối tự trừng phạt mình, chỉ trái tim không ngơi nghỉ dội vang. Xét cho cùng, có lẽ không chỉ riêng thi sĩ mới có cái tôi đa ngã, mà trong mỗi con người chúng ta đều có một cái tôi khác bị ẩn giấu, cho nên đôi khi không hiểu rõ chính mình.

Đi tìm cái tôi bản thể là một bước tiến của ý thức cá nhân, ở đó con người đã khám phá mình đến tận cùng và đưa thơ đến một chiều kích khác của tính nhân bản. Đi sâu vào thế giới nội tâm của con người, tất yếu đến một lúc nào đó thơ sẽ chạm đến thế giới tâm linh. Sang đầu thế kỉ XXI, đời sống tâm linh xuất hiện đậm đặc trong các tác phẩm của Tuyết Nga, Phạm Thị Ngọc Liên, Mai Văn Phấn…

Thơ Mai Văn Phấn ngập tràn yếu tố tâm linh. Đó là một thế giới đầy bí ẩn được tạo nên chủ yếu bởi những linh giác, trực giác với cảm quan tôn giáo đậm nét. Đọc thơ Mai Văn Phấn, đôi khi ta bắt gặp một không khí đậm chất liêu trai. Nhà thơ đã mang đến cho người đọc trạng thái rùng rợn khi kể về một ông khách xuất hiện trong ngôi nhà của mình, trò chuyện với mình thực chất là một bóng ma: Pha xong ấm trà/ Quay ra/ Ông khách không còn ở đó/ Gọi điện thoại/ Người nhà bảo ông ấy mất đã bảy năm. Chủ nhà tưởng mình nhầm lẫn, nhưng không phải, sau khi anh ta ra ngoài và về lại nhà thì: Trong nhà/ Trà vẫn nóng/ Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi/ Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt/ Chốc lại cúi gập (Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ). Nhà thơ có một niềm tin mãnh liệt vào sự tồn tại của thế giới linh hồn - một thế giới tồn tại vô hình, song hành cùng thế giới người sống và người sống có thể giao cảm với linh hồn bằng linh giác: Theo ngọn gió mở cánh đồng buổi sớm, ùa vào những căn phòng lẫn bụi và ánh sáng, lau mồ hôi vừa tắm gội giấc mơ/ Và như thế, cội nguồn trong gang tấc, lúc quay về là đi hết đời mình, hay chờ luân hồi trở lại kiếp sau/ Những linh hồn kia chưa kịp đầu thai, đang ngưng lại nơi không gian thờ phụng, bay lửng lơ rồi nấp vào bái vật giáo bất động… (Bức ảnh, trái cây và giấc mơ). Cảm quan Phật giáo cũng thể hiện rõ trong Những ngôi chùa trong đêm của Nguyễn Việt Chiến. Triết lí nhà Phật hòa quyện cùng những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc - sự nhẫn nại, bao dung và lạc quan: Tiếng hát đều đều và chậm rãi của người/ Như nước chảy trong đá/ Như trăng soi trong đá/ Như máu thức trong đá/ Tiếng hát mệt mỏi và tha thiết của người/ Đưa bàn tay lại gần một bàn tay/ Đưa ánh mắt lại gần một ánh mắt/ Đưa con người lại gần một con người. Giọng thơ trầm đều, da diết, lắng sâu triết lí. Đây không chỉ là thơ mà còn như một khúc kinh cầu.

Để thể hiện sự mơ hồ, huyễn hoặc của thế giới tâm linh, các tác giả thường xây dựng không gian giấc mơ. Mai Văn Phấn thể hiện niềm tin đặc biệt vào sự ban phát của giấc mơ như một vị cứu tinh: Như bao muông thú/ Tôi lớn bằng giấc mơ/ Của ánh bình minh/ Của cơn mưa/ Bầy sao sa/ Trái đất/…/ Bình minh vắt ngang ngực/ lúc tôi bắt đầu hành thiền (Tĩnh lặng). Không gian giấc mơ được nhà thơ phát huy một cách cao độ trong tưởng tượng, giả định. Đó là những câu chuyện phi logic, hoang tưởng từ Chỉ là giấc mơ, Kể lại giấc mơ đến Giấc mơ vô tận. Dương Kiều Minh thì xây dựng không gian chập chờn giữa thực và ảo, ở đó những hình ảnh, mảng màu được gọi về từ cõi tâm linh. Trong không gian giấc mơ huyền ảo ấy “anh” thấy mình nhảy nhót như con thú hoang: Trong giấc mơ có anh/ Bên em không hề biết/ Anh xoài mình khắp những tán cây/ Con dốc ven hồ/ Vạt hoa trinh nữ/ Con thú hoang nhảy nhót trong mơ (Em đừng thức giấc). Trong thơ Dương Kiều Minh ranh giới giữa quá khứ và hiện tại, giữa mơ và thực rất mong manh, là sự hòa trộn hiện thực và kí ức. Kết cấu đồng hiện, liên tưởng đa tuyến là kết cấu chủ đạo. Trí tưởng tượng và những giấc mơ cũng tràn ngập trong thơ Nguyễn Quang Thiều (Trong giấc ngủ muộn, Nhịp điệu châu thổ mới, Âm nhạc...), trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên (Giấc mơ, Giữa khuya có một giấc mơ, Ngủ mơ)…

Miền tâm linh, vô thức trong thơ hiện nay là sự tiếp nối mạch thơ mở ra từ sau Đổi mới nhưng thể hiện một cách sâu sắc hơn. Có thể nói, khi đi vào thế giới tâm linh thơ càng có giá trị nhân bản.

Trên đây là những “nét lớn”, cơ bản nhất của diện mạo thơ Việt đầu thế kỉ XXI. Bên cạnh những nét lớn, việc đi sâu tìm hiểu những “nét nhỏ” nhằm cụ thể hóa, tường minh hóa diện mạo thơ Việt trong khoảng hai mươi năm đầu thế kỉ XXI cũng là điều rất cần thiết vì đây là quãng thời gian đủ dài cho công việc tổng kết. Tuy nhiên đó sẽ là nội dung của nhiều bài viết khác

TRẦN THỊ MINH TÂM
Nguồn: VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI



Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

ĐẶNG CHƯƠNG NGẠN - HÀNH TRÌNH KẾT NỐI TIN YÊU

Nhân đọc “Chiếc vòng cổ màu xanh”, truyện dài của Đặng Chương Ngạn, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019.
Nhà văn Đặng Chương Ngạn ký tặng sách cho bạn đọc

Trong văn học, mảng sáng tác về đề tài loài vật thường vượt trội cả số lượng và chất lượng. Giữa hằng hà thơ, truyện tái hiện sống động cuộc sống của những người bạn gần gũi với trẻ thơ, tác phẩm viết về những chú chó thông minh, trung thành, sẵn sàng liều mình cứu chủ chiếm thế thượng phong và không còn xa lạ với độc giả nhỏ tuổi trên thế giới cũng như Việt Nam.

“Tiếng gọi nơi hoang dã” (Jack London), “Chó Bi đời lưu lạc” (Ma Văn Kháng), “Tôi là Bêtô” (Nguyễn Nhật Ánh), “Tiền của thần cây” (Võ Diệu Thanh)… gây ấn tượng mạnh cho các em nhờ những phát hiện thú vị, cảm động về cuộc sống của những người bạn bốn chân thân thiết với lịch sử sinh thành, phát triển của loài người.

Trong thời buổi nạn cẩu tặc hoành hành, mạng chó cũng mong manh như mành treo chuông nặng. Đồng cảm, tri ân nghĩa khuyển, gởi thông điệp khẩn thiết đến cộng đồng nhằm chung tay ngăn chặn vấn nạn xã hội này, để chó với người an yên sống giữa một môi trường hòa ái là tư tưởng giàu tính thời sự, nhân văn trong truyện dài “Chiếc vòng cổ màu xanh” của chàng kỹ sư đắm đuối với văn học Đặng Chương Ngạn.

Chó là món quà của Thượng đế ban tặng con người, sinh ra là để cho con người. Nhưng trong suốt thiên truyện, đáng buồn thay, có một vài kẻ lòng người dạ thú đã chối bỏ ân tình của Thượng đế, từ đó gây ra bao chia lìa, mất mát, tổn thương cho cả chó lẫn người. Hành trình phiêu dạt của Kẹo đâu khác gì sự nổi nênh của kiếp người qua bao đoạn trường số phận.

Lần theo bước chân lưu lạc của chú chó mực non nớt mang chiếc vòng cổ ánh sắc màu hi vọng giữa trùng vây tai họa lúc nào cũng sẵn sàng giáng đòn chí mạng, cùng với niềm cảm phục trước sự khôn ngoan, can trường, tận trung với con người, thủy chung với bè bạn, biết làm việc nghĩa khi thấy chuyện bất bình, không ngần ngại liều thân vì lẽ phải của nhân vật,… độc giả càng bất bình, căm ghét và cật lực lên án những kẻ vì món lợi nhỏ trước mắt đã đem thân làm cẩu tặc, giết chết đâu chỉ những sinh linh bé mọn mà quan trọng hơn là hủy hoại một tình bạn dài lâu, tốt đẹp, làm thui chột niềm tin và những tình cảm thánh thiện của trẻ thơ dành cho đồng loại.

Với đặc tính giống loài, từ lâu, chó chẳng khác gì một tấm gương, một đối trọng của con người. “Con không chê cha mẹ khó. Chó không chê chủ nghèo”. Một con chó sống với chủ cả chục năm thân thiết khác gì con cái trong nhà. Nhìn vào những chú chó như Kẹo, Bông, Vàng, Cúc, Khoang, Xồm, Vàm… chúng ta sẽ ít nhiều phản tỉnh, nhận ra phần khuyết thiếu, chưa hoàn thiện của mình, từ đó điều chỉnh nhận thức, hành động để cùng với vạn vật hữu sinh sống trong thế giới ấm áp của tình yêu thương, bình đẳng.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, đứa trẻ nào thương yêu, trân quý loài vật, khi trưởng thành sẽ sống nhân hậu, hạnh phúc hơn bạn bè cùng trang lứa không có phẩm tính này. Giáo dục trẻ thơ tình yêu thương và trách nhiệm đối với muôn loài để góp phần hình thành nhân cách cho bạn đọc nhỏ tuổi qua những câu chuyện cảm động, thú vị, gần gũi với cách cảm, cách hiểu, tâm sinh lí của các em là một hướng đi sát hợp. Hiệu quả của cách làm cổ xưa mà luôn luôn mới mẻ này cũng sẽ lớn hơn, dài lâu hơn so với những khuyên bảo khô khan, giáo điều của sách giáo khoa và của người lớn.

Sự hòa kết giữa nội dung giàu tính thời sự với lối viết vừa truyền thống vừa hiện đại đã tạo được cái duyên, sức hút lớn cho thiên truyện. Cốt truyện phiêu lưu, mạo hiểm ẩn dưới khung truyện có hơi hướng chương hồi, việc đan bện các tuyến truyện hiện tại và quá khứ, chuyện của chó và chuyện của người trong suốt cuộc đời ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 235 ngày của Kẹo khơi gợi được cảm tình, sự hiếu kì, phấn khích không nhỏ cho bạn đọc.

Bút pháp tương phản khi dụng công chạm khắc sự trái ngược giữa những con người hết lòng thương quý vật nuôi, coi chúng như bạn bè, như con cái của mình với những kẻ chỉ xem các con vật bốn chân là phương tiện mưu sinh hòng thỏa mãn nhu cầu của cái dạ dày; sự trung thành, rất mực vị tha, chẳng hề so bì hơn thiệt của các nghĩa khuyển với lòng tham xé đáy, sự vô cảm, dị dạng cả nhân tính lẫn hình hài của bọn người trộm chó cũng tạo được ấn tượng thẩm mĩ sâu đậm ở độc giả. Giữa những căng chùng, buông bắt trong mạch truyện, tác giả đã khéo léo cài cắm những suy niệm đầy tinh thần cảnh báo, xây dựng: “Từ khi nào có nạn cẩu tặc?

Từ bao giờ xuất hiện cái bọn người cướp chó? Từ khi nào làng quê thanh bình biến thành những làng chiến đấu chống cẩu tặc?”; “Không, loài chó không có “ngu”, chính con người mới “ngu”, chính con người mới ác độc. Chó mong ở con người, ở chủ nó một cách hành xử nhân tính, người hơn, nhưng con người tham lam, tăm tối, ích kỉ vẫn hành xử ác độc… Chó không ngu, chỉ vì nó vẫn luôn tuân theo phận của loài chó từ nguyên thủy, nó phải tuân phục con người, tuân phục chủ và trung thành tuyệt đối với chủ!”.

 Đọc truyện, độc giả, nhất là các bạn nhỏ, có cơ sở xác tín ý tưởng về một quyền đặc biệt dành riêng cho chó: Đủ thức ăn, được chăm sóc y tế, không bị ngược đãi, không bị trộm cắp, giết thịt,… nhờ những cứ liệu thuyết phục mà nhà văn dày công tạo dựng gắn với hành trình sống thoáng chốc mà vĩnh cửu của nhân vật trung tâm: chó là loài gắn bó lâu dài nhất với con người; không có loài vật nào đã bảo vệ con người, trung thành tuyệt đối với con người như chó; cũng không có loài vật nào thông minh, nhiều nhân tính, biết chia sẻ các cảm xúc buồn vui với người như chó… Chó như người - đó là sự thật, đâu phải là cách nghĩ, cách hành xử mang tính vạn vật hữu linh, vật ngã đồng nhất kiểu trẻ con hay những người theo chủ nghĩa cảm thương. Khép cuốn sách lại, như sự cộng hưởng với sắc xanh trên vòng cổ Kẹo, ta không nguôi cháy lên hi vọng cùng với tác giả: “Sẽ sớm thôi trên thế giới này, cũng như ở Việt Nam, những con chó sẽ có quyền của nó”.

Trong nhịp sống gấp gáp hôm nay, tình yêu thương, trách nhiệm đối với loài vật là một sợi dây thiêng liêng và rất đỗi bền chặt để kết nối gia đình, thế hệ, cộng đồng. Diễn ngôn mới mẻ, đậm tinh thần sinh thái nhân văn trong truyện đã thắp sáng ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, ở đó có sự thấu cảm, trân trọng của chúng ta dành cho những thành viên thuộc thế giới “phi nhân” luôn hiện tồn bên cạnh con người, xã hội loài người. Đây là động lực không nhỏ để Chiếc vòng cổ màu xanh “lăn” xa trên hành trình kết nối tin yêu và hi vọng. 

BÙI THANH TRUYỀN
Nguồn: VNCA


Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

ĐÊM TRẢI LÒNG VỚI THƠ TÔ MINH YẾN

Đêm phố. Tôi ngồi trong căn phòng vắng ngẫm nghĩ chuyện đời, chuyện thơ và trải lòng với tập thơ Đêm gạ lòng với phố (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2016) của nhà thơ Tô Minh Yến. Lần đầu tiên đọc thơ của Tô Minh Yến, tôi bị lôi cuốn bởi giọng thơ trữ tình đầy nội lực với những bài thơ thể hiện tâm trạng giằng xé giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa nỗi niềm nhân thế và khát khao giao hòa với tình yêu, hướng đến chân trời khát vọng.
Nhà thơ Tô Minh Yến

Không phải ngẫu nhiên, một tập thơ 61 bài nhưng có đến hơn 25 lần tác giả trực tiếp đề cập đến hình tượng bóng đêm trong nhiều bài thơ: Lòng đêm, ngực đêm, đêm mơ màng, đêm rơi, đêm rỗng, đêm rất mật, đêm sột soạt, choàng đêm, đêm gối đầu đêm, tựa lòng vào đêm, choàng đêm, đêm rỗng… Đối với Tô Minh Yến, hình tượng đêm trong thơ của chị không chỉ là biểu tượng của bóng tối mà còn là “không gian” bao bọc, bủa vây khi con người ở giữa bóng đêm. Hình tượng đêm còn là đối tượng để tác giả nương trú, thổ lộ và chia sẻ những điều thầm kín trong tâm trạng, cõi lòng của một người đang yêu. Giữa bóng đêm, nhà thơ đối diện với bản thể chính mình để nhận ra những mặt đối lập và ẩn khuất:

“Đêm gạ lòng với phố
Trăng bước trượt sau hiên
Em che mình bằng nhớ
Vẫn nhu mì tròn nguyên”

(Đêm gạ lòng với phố)

“Đêm rơi
Đặc quánh nỗi buồn
Ta muốn khuấy loãng không gian
…ngột ngạt
Đêm thức với đêm
Bằng cảm xúc rỗng…”

(Đêm rỗng)
Tập thơ Đêm gạ lòng với phố của Tô Minh Yến

Hầu hết những bài thơ trong tập thơ Đêm gạ lòng với phố đều là thơ tình yêu. Thơ tình của Tô Minh Yến mạnh mẽ, bạo liệt và thể hiện bản lĩnh của người phụ nữ dám yêu và dám sống hết mình, tận cùng với tình yêu. Mối giao hòa về tình yêu trong thơ của Tô Minh Yến vừa mang vẻ đẹp thăng hoa của bản năng sống vừa hàm chứa sự thiêng liêng, bí ẩn:

“Em ngồi xếp lại lá thu trong rừng nhớ
Tự thắp lửa lòng sưởi ấm những đêm đông”

 (Xin da diết một lần yêu)

“Dẫu cho đi hết ngọt ngào
Vẫn không cạn được những khao khát đầy.”

(Lát mùa)

Từ Anh trong thơ Tô Minh Yến được viết hoa, mang biểu tượng của ánh sáng, của sức sống, tương phản với bóng đêm lạnh lẽo, u tối:

“Những ngày không anh cơn mưa đời bỏng rát
Bóng em khô hạn giữa thanh xuân”

(Nỗi nhớ xâu thành tràng hạt)

“Nhốt tình em ôi thiên sứ mù lòa
Mặt trời khát cháy thiêu mùa thiếu nữ
Nguyên khôi dòng suối nghẹn
Cựa mình mây gió dậy men
Ngùn ngụt lửa
Cháy đêm!”

(Mùa thiếu nữ đã tràn lên đỉnh nhớ)

“Sài Gòn thiếu một cái tên thành xa lạ
Em về nhặt lá xếp bùa yêu”

(Sài Gòn trở gió)

Thơ của Tô Minh Yến có sự hòa quyện giữa vẻ đẹp si mê, đắm đuối của tâm hồn thi sĩ và cái đa đoan, trắc trở, chìm nổi với nhiều nỗi niềm trong tâm hồn của một người phụ nữ:

“Giọt trời đếm hạt đánh rơi
Xâu vào mắt ngọc che đời đa đoan”

(Điều không thể)

“Niềm tin đặt sâu vào tâm bão
Vớt bình yên mà sóng gió cuộn trào”

(Treo nụ cười ngang ngã rẽ lòng anh)

Nhà thơ Tô Minh Yến đang hăm hở, quyết liệt trên con đường sáng tạo để khám phá bản thể chính mình và bí ẩn của tâm hồn con người, sự vật. Hầu hết các bài thơ trong tập thơ Đêm gạ lòng với phố của chị là thơ tự do, cấu trúc câu thơ vặn xoắn, lệch chuẩn về phong cách ngôn ngữ, mạch thơ đứt đoạn, nhảy vọt về ý tứ. Thơ của chị có sự giằng xé giữa vẻ đẹp cân đối, hài hòa của thơ truyền thống và sự phá cách về ngôn ngữ của thơ hiện đại. Một số bài thơ của Tô Minh Yến chủ yếu tập trung khắc họa diễn biến, sắc thái, cung bậc cảm xúc, tâm trạng của chủ thể trữ tình mà chưa tạo được sự lắng đọng về chiều sâu ý tứ và sự ám ảnh của hình tượng đối với người đọc. Tuy nhiên, qua tập thơ Đêm gạ lòng với phố, gương mặt thơ Tô Minh Yến đang dần hiện rõ vừa góc cạnh, vừa ấn tượng, không hề lẫn với những chân dung thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam đương đại.

Mỹ Tho, tháng 4.2018
VÕ TẤN CƯỜNG
Nguồn: VCPN



Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

NGÔ TẤT TỐ - MỘT SỰ NGHIỆP LỚN TRÊN CẢ HAI TƯ CÁCH

Nghiệp văn của Ngô Tất Tố là nằm trọn nửa đầu thế kỷ XX, thế nhưng người đọc vẫn không một chút e dè khi đặt Ngô Tất Tố vào hàng những đại văn gia của thế kỷ. Bởi ông luôn luôn là con người của thời sự, của hiện tại. Bởi ánh sáng trong tác phẩm của ông luôn luôn có sức rọi sâu và xa. Bởi sự nghiệp của ông là dự cảm, là phát ngôn, là hiện thân những vấn đề lớn của đất nước, của nhân dân, của thế kỷ.
Nhà văn Ngô Tất Tố

Một thế kỷ dày đặc các sự kiện, các biến động, các đổi thay, các bước ngoặt trong đời sống vật chất và tinh thần, trong văn hoá, văn học, nghệ thuật... mà phần xuyên suốt, liền mạch, không ngắt quãng của nó là hai nhu cầu lớn và khẩn thiết: công cuộc canh tân đất nước và cách mạng dân tộc - dân chủ chúng ta đã hoàn thành; công cuộc đổi mới và cách mạng theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang theo đuổi. Đó là hai nhu cầu xen cài vào nhau, chuẩn bị cho nhau, làm tiền đề cho nhau, cùng điều chỉnh, cùng phát triển. Ở mỗi nhà văn lớn như Ngô Tất Tố, phần giá trị tác phẩm của họ là nhằm đáp ứng được một nhu cầu, hoặc gắn được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, gần hoặc xa hai nhu cầu ấy. Đưa văn chương vào quỹ đạo các vấn đề xã hội, trong đó nổi lên cực kỳ gay gắt vấn đề áp bức và bóc lột, vấn đề quyền sống và sự an toàn của con người, vấn đề sống còn của dân tộc - đó là vấn đề bức xúc, dồn tụ suốt nửa đầu thế kỷ và đạt đỉnh điểm, để đi tới giải pháp ở thời điểm 1945. Đưa văn chương vào con đường hiện đại hoá, vào một quá trình hoà nhập với thế giới, để cho nền văn chương ấy thoát ra khỏi tình thế phong bế, lạc hậu; góp phần cải tạo dân trí, khơi gợi các khát vọng dân chủ ở con người - đó cũng là một nhu cầu lịch sử cấp bức đặt ra vào đầu thế kỷ. Nhu cầu đó tìm được cách giải quyết nhờ vào sự tiếp sức của mấy thế hệ Nho học và Tây học, trong cả một phong trào liên tục nhằm truyền bá chữ quốc ngữ, phát triển báo chí, hình thành các thể văn mới, giao lưu và hoà nhập từng phần vào nền văn hoá thế giới hiện đại...

Là nhà văn hiện đại sinh năm 1893, thuộc lớp tiền bối của số lớn nhà văn có tuổi đời thua ông trên dưới 30 năm làm nên một đội ngũ hùng hậu vào những năm 1930 đầu 1940. Với năm sinh đó, ông đã xích gần với những tên tuổi thuộc thế hệ giao thời như Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Hồ Biểu Chánh... Thế nhưng trong ý tưởng của nhiều tầng lớp bạn đọc, ông vẫn là người của thế hệ mới, người của thời hiện đại. Đi suốt chiều dài thế kỷ XX, ông không phải là người gối đầu, người chuyển tiếp, người của buổi giao thời, mà vẫn cứ là người hiện đại. Nhà Nho đầu xứ tinh thông Nho học, am hiểu Đông phương học ấy lại là người rất tân thời, rất cùng thời với chúng ta, trong toàn bộ trước tác của ông với tư cách nhà văn, nhà báo, nhà phóng sự, nhà tiểu thuyết, nhà tiểu phẩm, và bao trùm, một nhà văn hoá, nhà học giả... Toàn bộ trước tác của ông chứa đựng nhiều mặt giá trị. Không riêng Tắt đèn, Việc làng, Tập án cái đình nói với ta bao điều nhức nhối trong sinh hoạt người nông dân và nông thôn Việt Nam trước 1945. Không riêng tiểu phẩm, báo chí nói với ta một đời sống với bao điều bức bối của một xã hội đã chuyển hẳn vào guồng quay của chế độ thuộc địa. Không riêng Lều chõng và các công trình nghiên cứu về sử, văn học sử và tiểu thuyết lịch sử cho ta hiểu Ngô Tất Tố như một nhà văn hoá sử. Quả là vậy, Ngô Tất Tố luôn luôn làm ta kinh ngạc, vì cách đặt các vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hoá, và vì sự nhạy cảm, thức thời, cập nhật của thời sự, của hiện tại. Tách riêng ra, ở mỗi lĩnh vực, Ngô Tất Tố là người viết sâu sắc, và bộc lộ hết mình. Tổng hợp lại, ông càng lớn trong những thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc, về tri thức và văn hoá, về văn chương và học thuật...

***

Ngót hai phần ba thế kỷ qua, tên tuổi Ngô Tất Tố trước hết và gần như bao quát là gắn liền với Tắt đèn (1938), “một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy”, theo cách nói của tác giả Giông tố, Số đỏ. Nhà văn hoàn thành tác phẩm ngay chính trên làng quê của mình, đã đào xới vào tận cùng các tầng sâu nỗi khổ của người nông dân như trên các luống cày của đất quê, trên số phận của những người thân kẻ sơ một vùng quê không xa ánh sáng thành thị là mấy, mà cứ như hun hút ngập vào đêm đen trung cổ.

Tắt đèn ra đời vào cuối những năm 1930, như một báo hiệu tức nước vỡ bờ. Chỉ dăm năm sau khi Tắt đèn ra mắt và bị cấm, sẽ diễn ra một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc số phận người dân Việt Nam. Nhưng nếu sự vùng dậy là quyết liệt, làm đổi đời hai mươi lăm triệu con người thì cái giá phải trả cho sự đổi đời đó là hai triệu người gục xuống trong một cơn đói khủng khiếp, nối dài những cơn đói triền miên trong lịch sử. Người đói ăn rau má, củ chuối, cám bã, khô dầu, bã đậu... Người đói ăn tất cả những gì có thể ăn, và cả những gì không ăn được, miễn là không gây chết người. Cái “nghệ thuật làm no” bằng cách ăn đất sét, và cách pha chế nó sao cho có vị, để nuốt trôi được, của một người làng Ngô Tất Tố trong một chuyến nhà văn về thăm quê giữa mênh mông ngập lụt, quả là một cách chống đỡ đã nâng lên trình độ nghệ thuật để đánh lừa cả dạ dày và khẩu vị. Ở đây là “nghệ thuật làm no”, chứ không phải no thật. Chuyện no thật sẽ có những trang khác, như Một bữa no của Nam Cao. Nói là no, nó vẫn cứ là một biến dạng thê thảm của cái đói, và chết vì no là một cực khác của đói khổ và tủi hổ.

***

Hoá thân vào người nông dân nhưng Ngô Tất Tố vẫn là một nhà Nho, một trí thức Tây học, một kẻ Sĩ của nhân dân. Ông nhìn nhân dân với cái nhìn của người trí thức và đau nỗi đau của người trí thức, không phải cái nhìn và nỗi đau của người đứng ngoài “Họ khổ mà không biết rằng mình khổ, âu là mặc quách họ!” (Vũ Trọng Phụng). Người trí thức ấy có một trục đi - về quen thuộc là nông thôn và thành thị, là Từ Sơn – Hà Nội (nay là Đông Anh – Hà Nội). Gắn với đất quê, ông cũng đồng thời tách ra khỏi đất quê, để nhìn nông thôn chìm trong tối tăm từ phía ánh sáng thành thị, và nhìn rộng ra những vấn đề của một xã hội đang chuyển động giữa ngổn ngang những bất công và đói khổ, của sự phân cực giàu - nghèo, của những nhố nhăng và thối ruỗng được che đậy hoặc không cần che đậy. Tất cả đều có cách vào văn Ngô Tất Tố với những chạm khắc thật sắc sảo qua hàng trăm phóng sự, hàng nghìn bài bút chiến, tiểu phẩm, trên nhiều mặt báo, và qua hàng chục bút danh.

Nghề báo, đó cũng chính là lĩnh vực Ngô Tất Tố chiếm lĩnh ở vị trí cao, và tác giả Ngô Tất Tố - vẫn qua nhận xét của Vũ Trọng Phụng - là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”. Ở đây bộc lộ sự quyết liệt, sâu sắc trong phê phán, phanh phui, lật trở các vấn đề của xã hội thuộc địa. Ở đây vừa tiếp tục các vấn đề của bóc lột, tước đoạt, vừa bổ sung các vấn đề về phong tục, lối sống, ứng xử của văn hoá làng xã và đô thị vào một buổi giao thời Đông - Tây, giao thoa mới cũ. Ở đây không hiếm các chân dung phản diện trong bộ máy chức dịch nhà nước từ thấp lên cao, được mở ra trên một biên độ khá rộng, từ Toàn quyền, Thống sứ, Khâm sứ đến Tổng đốc, nghị viên, dân biểu, rồi các loại nha lại, chức dịch, cường hào... Cũng ở đây hiện lên thấp thoáng chân dung nhà văn - người không hoà hợp được với hiện thực nhưng vẫn phải tồn tại và gắn bó với nó trong một khát khao cải tạo và thay đổi; nếu chưa phải là cách mạng, nếu đôi lúc có sa vào ảnh hưởng cải lương thì cũng là điều khó tránh; bởi lẽ trên cái gốc cơ bản là nhập cuộc, là yêu nước và thương dân, ông không một chút thoát ly, trốn lánh, hoặc sa vào những tìm kiếm siêu hình.

Quả không dễ hình dung di sản báo chí đặc sắc gồm nhiều nghìn bài ở Ngô Tất Tố nếu không thấy ở người trí thức yêu nước yêu dân này một sự căm ghét mọi tội ác đến từ nhiều phía, sự vô nhân, và những điều phi nghĩa trong quan hệ giữa người giầu, kẻ nghèo. Ở kho tiểu phẩm đồ sộ hơn tất cả mọi người viết đương thời nào của Ngô Tất Tố, có thể cho ta một sự hình dung, một bên là đời sống xã hội phong kiến - thuộc địa ở những mặt tối tăm, nhố nhăng và bi đát của nó; và bên kia là đời sống văn chương báo chí trong thế nương tựa vào nhau, làm nên đặc thù đời sống văn hoá những năm 1930 thế kỷ XX. Báo chí đã trở thành cái nôi sinh thành nền học Quốc ngữ và văn chương Quốc ngữ; và văn học đã đưa báo chí vào một trường lực hấp dẫn, sống động cho đời sống tinh thần, góp phần thúc đẩy nhu cầu dân trí và khát vọng dân chủ của con người và xã hội.

Bên người viết văn về nông thôn, nhà văn của dân quê đằm thắm tình người, Ngô Tất Tố còn là nhà báo sắc sảo của đời sống thành thị. Nông thôn và thành thị, biểu trưng cho đời sống dân tộc trong một cơn chuyển động lớn lao của lịch sử, của thế kỷ, biểu trưng cho sự giao thoa cũ và mới, của phương Đông và phương Tây, trong tự nguyện và bắt buộc, trong giao lưu và cách bức, trong riêng rẽ và gắn nối, trong bổ sung và tương phản, trong hoà hợp và đối nghịch... trên chặng cuối một thời kỳ chuyển động để hướng tới một giải pháp cách mạng, đã tìm được một cách phát ngôn, một kiểu đại diện ở Ngô Tất Tố.

***

Tư cách nhà văn hoá, học giả, người nghiên cứu dày dặn và sâu sắc về văn hoá dân tộc nói riêng và văn hoá phương Đông cổ truyền có thể được xem là phần cơ bản tạo nên cốt cách riêng của Ngô Tất Tố, so với nhiều đồng nghiệp cùng thời. Ông làm sách Lão Tử, Mặc Tử, dịch Kinh Dịch, Đường thi, nghiên cứu văn học Lý-Trần, viết sách Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim... Những năm 1930 và trước đó, các vấn đề của dân tộc và văn hoá dân tộc đã được đặt ra, với nhiều động cơ, mục tiêu khác nhau. Có cái là nằm trong ý đồ của chính quyền thuộc địa, nhằm phục vụ cho các âm mưu của giai cấp thống trị. Có cái là cách tìm một lối thoát ly, độc lập với chính trị, để có một khu vực riêng, độc lập cho văn chương, học thuật. Thời gian rồi sẽ dần dần giúp cho sự nhìn nhận một cách công bằng các giá trị trên một sự phân tích khách quan hơn, mối quan hệ giữa các động cơ và hiệu quả.

Xứng đáng ở nhiều tư cách, nhưng với Ngô Tất Tố, nhấn mạnh lại tư cách nhà văn hoá, như một tư thế bao trùm, và là điểm tựa cho mọi lĩnh vực sáng tạo ngôn từ và bồi đắp cho tư duy hình tượng, luôn luôn đạt được độ cao sâu và các giá trị bền vững. Ông là nhà văn đứng cùng vị trí vinh quang của nhiều đồng nghiệp cùng thời như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao... Đồng thời ông có một vị thế riêng, ở giai đoạn 1930-1945, và cho đến hôm nay. Những đỉnh cao văn chương như ông có người đạt được, nhưng ông còn có thêm những giá trị mà nhiều người không có. Từ thời điểm hôm nay mà nhìn lại, một chân dung lớn, một sự nghiệp lớn trên cả hai tư cách: nhà văn, nhà văn hóa như Ngô Tất Tố là thuộc con số hiếm.

GS. PHONG LÊ
Nguồn: Văn nghệ số 25/2019


Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

KỂ CHUYỆN TÌNH NHÀ THƠ TRIẾT GIA PHẠM CÔNG THIỆN

[Đọc sách "Chuyện  một người đàn bà năm con" của Lê Khắc Thanh Hoài].

Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện [1941 - 2011] qua đời năm 2011 tại Houston, nhưng chuyện kể, các bài viết về anh đã nhiều lầm lạc. Người viết: anh bỏ áo tu hành lấy cô vợ người Pháp, theo Thiên Chúa Giáo, kẻ khác  viết:  anh không hề có một mảnh bằng kể cả bằng tú tài mà dạy Triết học Viện Đại học Sorbonne, mười lăm tuổi anh đọc và viết hàng chục ngôn ngữ, mười lăm tuổi anh dạy trung học, hai mươi tuổi anh là khoa trưởng khoa Khoa học Nhân văn, Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, anh là triết gia không cần học một ai? Dạy Triết học tại một Đại học Pháp mà không cần một văn bằng nào?
Nhà thơ Phạm Công Thiện

Đâu là sự thật, đâu là huyền thoại?

Được chị Lê Khắc Thanh Hoài tặng cho quyển tiểu thuyết đầu tiên của chị: Chuyện một người đàn bà năm con,  tôi đọc say mê, với lối văn giản dị trong sáng tôi đọc một mạch, tôi không ngờ chị viết hay và hấp dẫn như thế về cuộc đời khổ đau gian truân của chị với một thi nhân, triết gia mà thời niên thiếu tôi đã từng say mê - tác giả Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Phạm Công Thiện.

Sách trang bìa hình tháp Eiffel  Paris, nơi xảy ra câu chuyện và bức chân dung chị Lê Khắc Thanh Hoài  ký tên Phạm Công Thiện vẽ, ngày anh tỏ tình cùng chị, chị không dấu tên người bạn đời. Người đàn bà có năm con cùng triết gia, nhà thơ Phạm Công Thiện (1941-2011) kể lại cuộc đời mình dẫn nhập bằng cuộc đối thoại với cháu ngoại, mừng sinh nhật bà, trao phong bì: một bài thơ bằng tiếng Pháp và  lì xì:  10 Euro cho bà, vì thấy bà ngoại nghèo quá thật là dễ thương, ngộ nghĩnh và cảm động. Từ đó chị kể lại cuộc đời mình qua 13 năm sống chung. Thời gian mà anh sang Pháp năm 1970, từ bỏ áo nhà tu Thích Nguyên Tánh và  sau năm 1985 anh sang Mỹ cư ngụ tại Los Angeles và qua đời tại Houston.

Tuổi học sinh Trung học, tôi say mê khi đọc Phạm Công Thiện, tôi biết về thơ Appolinaire, Rimbaud, Pierre Emmanuel… về các triết gia mới Tây Phương qua anh.

Bây giờ thì tôi viết về anh qua truyện kể của chị Thanh Hoài, nhìn anh qua những vidéo các buổi nói chuyện của anh. Tôi muốn tìm hiểu cuộc đời Hiện tượng Phạm Công Thiện, một thời làm mưa làm gió tại miền Nam những năm 1966-1970. Và dư âm những mưa gió ấy tại Hải ngoại từ 1970 đến năm 2011. Tôi muốn hiểu Phạm Công Thiện là ai? Anh là một thiên tài thần đồng, hay một Trạng Quỳnh của một thời?. Những kiến thức anh lấy từ đâu? Nguyên do gì anh đã mê hoặc cả một thế hệ tuổi trẻ miền Nam trong thời điểm đó. Đâu là sự thật của đời anh, đâu là huyền thoại do anh và mọi người thêu dệt. Những người Phạm Công Thiện quen biết tôi đều có dịp gặp gỡ:  từ chùa Hải Đức Nha Trang, đến Paris, đến Viện Đại học Vạn Hạnh: Họa sĩ Vĩnh Ấn, nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái, nhà thơ Nhị Tay Ngàn đến Hoà thượng Minh Châu Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Thiền sư Nhất Hạnh, chị Thanh Hoài người bạn đời từng chung sống với anh 13 năm, và có 5 con với anh.

Chị Thanh Hoài sinh năm 1950 tại Huế, con một vị bác sĩ nổi tiếng tại Huế trong Phong Trào tranh đấu Phật giáo miền Trung, năm 1963 từng bị  tù dưới chế độ Ngô Đình. Năm 1969 chị học Triết học Đông Phương tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1970 chị lên đường sang Bruxelles du học. Gặp và kết hôn với  Phạm Công Thiện tại Paris. Chị Thanh Hoài còn là một nhạc sĩ đàn dương cầm, từng học Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, tác giả nhiều CD, và hàng trăm nhạc phẩm.

Trước nhất  Phạm Công Thiện là một nhà thơ: tập Ngày sinh của rắn in năm 1988, có những bài thơ đẹp,  và lạ lùng:

VI: Tôi chấp chới/ đắng giọng/ giữa tháng ngày mơ mộng, nốt ruồi của hương/ hay nốt ruồi của rigvêda/ tôi mửa máu đen/ tôi mửa đêm paris/ tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng/ tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người/ cho quế hương nằm ở nhà thương điên trí nhớ/ mặt trời có thai/mặt trời có thai/ sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt.

VIII: Mười năm qua gió thổi đồi tây/ tôi long đong theo bóng chim gầy/ một sớm em về ru giấc ngủ/bông trời bay trắng cả rừng cây/ gió thổi đồi tây hay đồi đông/ hiu hắt quê hương bến cỏ hồng/trong mơ em vẫn còn bên cửa/ tôi đứng bên đồi mây trổ bông/gió thổi đồi thu qua đồi thông/mùa hạ ly hương nước ngược dòng/tôi đau trong tiếng gà xơ xác/một sớm bông hồng nở cửa đông.

Anh nổi tiếng thần đồng, 15 tuổi đã công tác viết bài cho tạp chí Bách Khoa, một tạp chí nổi tiếng giới trí thức miền Nam thời bấy giờ, anh thông thạo 5, 6 ngoại ngữ, một quyển sách anh được Nguyễn Hiến Lê giới thiệu. Nguyễn Hiến Lê là một học giả tự học viết khoảng 60 quyển sách từ sách: Tự học làm người, Rèn luyện nhân cách, đến Triết Học Trung Hoa. Một kiến thức đáng kính phục. Có lẽ Phạm Công Thiện đã học phương pháp tự học và làm việc của  học giả Nguyễn Hiến Lê. Muốn học một ngôn ngữ, học bằng cách dịch quyển sách mình ưa thích, mỗi ngày đều đặn, chỉnh tề, ngồi vào bàn viết… lúc đầu khó khăn, sau thành thói quen viết dễ dàng nhanh chóng. Tôi hiểu anh không nói ngoa, anh đã viết 20 quyển sách thời niên thiếu và đốt đi. Đó là cách tập luyện viết sách, đọc một quyển sách mình mô phỏng theo, viết một quyển tương tự, ban đầu mình chịu ảnh hưởng nhiều từ từ mình tạo ra một phong cách riêng, tiến đến một sáng tạo hoàn toàn.

Anh giỏi tiếng Pháp. Anh có tài dịch thơ lưu loát và quyến rũ. Anh đọc các triết gia Tây Phương và các Thiền sư Phật giáo và diễn tả lại gọn gàng dễ hiểu. Anh đáp ứng được nhu cầu giới trẻ đương thời đang muốn mở ra tiếp xúc với Tây Phương, nhưng không đủ vốn liếng ngôn ngữ để đọc trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Kiến thức văn chương Tây Phương từ sau cuộc tiếp xúc với Văn chương lãng mạn thời Thơ Mới với Baudelaire, Edgar Poe... các Triết gia Hiện Sinh, hiện đại như thế nào? Anh đáp ứng được một nhu cầu muốn tìm hiểu của đương thời. Thuở còn học sinh Trung học tại Phan Thiết, tôi và anh Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ, thường gặp nhau bàn về những điều Phạm Công Thiện viết. Trong không khí ngột ngạt của chiến tranh Việt Nam, thân phận thanh niên rồi sẽ đi lính, rồi sẽ chết trên chiến trường như bao bạn bè. Trong không khí thành thị miền Nam thời đó, thanh niên cần một lối thoát ra khỏi không gian tù túng, mơ ước một chân trời khác, đọc được Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng tên tuổi các triết gia Hy Lạp, triết gia bên Tây tên tuổi nghe mù mờ, có người tóm lược giảng giải nên lấy làm thích thú. Lâu lâu lại khen chữ nghĩa, tâng bốc văn hóa Việt Nam, làm hừng chí tự ti dân tộc. Phạm Công Thiện  nổi danh trên mảnh đất trống tư tưởng đó.

Phạm Công Thiện là một người quyến rũ, có sức thôi miên người đối thoại. Chị Thanh Hoài viết tr.167:

Gặp Chàng là gặp người bằng xương bằng thịt, không phải là người trong văn chương tiểu thuyết. Chàng rất chân thật, không giả dối kệch cởm. Chàng phản ảnh đúng những gì Chàng viết. Thẳng thắn. Táo bạo. Nẩy lửa. Sức hút dữ dội. Quyến rũ lạ lùng. Người đối diện chỉ còn biết buông xuôi và… trôi theo bấp bênh cùng Chàng!

Phải rồi! Bấp bênh và… vô định! Tự dưng nàng linh cảm mãnh liệt điều đó. Đến với chàng là chấp nhận bấp bênh và vô định. Không chờ đợi, không đòi hỏi. Vô điều kiện. Là quăng bỏ quá khứ và tương lai. Là phiêu lưu không cần địa bàn định hướng. Chỉ có một chiếc kim chỉ nam là tấm lòng, là con tim, là sự thành thật. Đó mới là kho tàng vô giá”.

Thời tôi và chị Thanh Hoài đi du học, số nam sinh viên luôn luôn đông hơn nữ, tỷ lệ có thể đến 1/20. Được một cô sinh viên du học xinh đẹp mới qua là có ít nhất hàng tá chàng trai Việt chạy theo. Các gia đình thượng lưu trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ, gửi con gái đi du học với niềm hy vọng: nếu nó học không xong cũng hy vọng có được tấm chồng trí thức, bác sĩ, kỹ sư, tương lai bảo đảm. Con gái nếu không thành công, thì có con rể vinh hiển cũng được nơi nương tựa yên ổn. Chị Thanh Hoài đã từ chối bao kỹ sư, bác sĩ đến với chị để nghe tiếng gọi của trái tim yêu một thi sĩ, một triết gia, âu cũng là một sự lựa chọn cho cuộc đời gian truân của chị.

Phạm Công Thiện là ai? anh được đào tạo từ đâu? hay anh là một thiên tài, đã học từ bao nhiêu kiếp trước, nay sinh ra đã trở thành một triết gia không cần học ai?

Theo tiểu sử anh sinh ra từ một gia đình theo đạo Công Giáo, anh theo học một trường tư thục Công giáo dạy bằng tiếng Pháp, anh được cha mẹ mướn người dạy kèm học tại tư gia, nhưng năm 1963, anh ra Nha Trang quen biết với nhà thơ Quách Tấn. Quách Tấn đưa anh đi thăm viếng chùa Hải Đức, nơi đây anh tập thiền và quy y thọ giới Sa Di pháp danh Nguyên Tánh với Thầy Trí Thủ, một vị cao tăng Phật giáo.

Phạm Công Thiện không viết hồi ký nên không rõ anh có bằng Tú Tài  II hay không, nhưng giỏi sinh ngữ như anh việc thi thí sinh tự do, lấy bằng Tú Tài toàn phần không phải là chuyện khó, rất nhiều học sinh học trường Pháp, thi  thí sinh tự do lấy bằng Tú Tài  II Ban Sinh Ngữ Văn Chương trường Việt thật dễ dàng. Học sinh trường Pháp thi  môn Anh Văn, Pháp Văn kỳ thi  Tú Tài Việt được 18, 20 dễ dàng, các môn Triết Học, Sử Địa chỉ cần học một lượt cũng được trung bình là  kỳ thi qua trót lọt.Triết Học lại là môn anh Thiện ưa thích lại quen viết bằng tiếng Việt.  Để có học bổng tại Viện Đại học Yale, để đi du học  Hoa Kỳ khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện phải có bằng Tú Tài Toàn Phần hạng Ưu hay Bình.  Phạm Công Thiện xong B.A (Cử nhân) tại Yale, và chuyển sang Columbia, nơi thầy Nhất Hạnh từng học, thì anh bỏ học ra đời.

Trong quyển Hố thẳm tư tưởng, Lá Bối, Sài Gòn xuất bản 1968, trong bức thư cho Nhị Tay Ngàn, chương đầu Phạm Công Thiện viết: Thời gian tao ở Hoa Kỳ, tao đã bỏ học, vì tao thấy những trường đại học tao học, như trường đại học Yale và Columbia, chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến những giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao. Qua Pháp tao đã sống nghèo đói thế nào, thì mày đã biết rõ rồi, những lúc tao nằm ngủ tại những vỉa hè Paris, vào những đêm đông đói lạnh, những lúc đói khổ như vậy, tao vẫn còn cảm thấy sung sướng hơn là ngồi nghe mấy thằng giáo sư trường đại học Yale hay Columbia giảng cho tao nghe về Aristote hay Hégel, và Heidegger hay Héraclite.

Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê Su hiện ra đứng giảng trước mặt tao cũng không thèm nghe nữa. Tao là học trò của tao, và chỉ có tao là thầy của tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không muốn ai làm thầy  của tao. Còn các văn sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lập đi lập lại vô ý thức hay có ý thức, trí thức 15 xu, ái quốc nhân đạo 35 xu, triết lý tôn giáo 45 xu.

Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hégel hay Karl Marx. Không cần phải đọc Khổng Tử, Lão Tử. Không cần phải đọc Upanisads và Bhagavad Gita. Chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nội tại tiếng Việt Nam là bổng nhiên nhìn thấy tất cả đạo lý, triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sâu trong ba tiếng Việt đơn sơ như: Con, Cái, Chay, Cháy, Chày, Chảy, Chạy và còn bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta bỏ quên một cách ngu xuẩn.”

Phạm Công Thiện, sang Pháp, anh ghi danh ở Rennes, Bretagne, ở với người anh đã sang Pháp trước nhưng rồi không thuận với anh, ông lên Paris khoảng năm 1966. Lúc này tại Paris, Thầy Nhất Hạnh lập Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại, chi bộ Pháp do anh Võ Văn Ái làm Tổng Thư Ký, trụ sở tại Maison Alfort, ngoại ô Paris. Phạm Công Thiện thân thiết với anh Ái và cùng ở nơi này.

Năm 1966, Hòa Thượng Minh Châu đến Paris tìm người trợ giúp Viện Đại học Vạn Hạnh. Gặp Phạm Công Thiện, thầy thuyết phục anh làm lễ xuất gia, thọ giới Tỳ Kheo cho  anh, Đại Đức Thích Nguyên Tánh  và đưa anh về Viện Đại học Vạn Hạnh.

Phạm Công Thiện phụ trách Khoa Khoa học Nhân văn; sáng lập tạp chí Tư Tưởng, và soạn chương trình cho Viện Đại học Vạn Hạnh.

Niên khoá  1968-1969; Thanh Hoài học môn Triết Đông với Thầy Nguyên Tánh.

Năm 1970 Thanh Hoài lên đường đi du học tại Bruxelles. Cũng năm này Phạm Công Thiện đi dự một Hội Nghị Phật Giáo cùng Hoà Thượng Minh Châu, anh xin ở lại ghi tên làm luận án Tiến Sĩ. Tại Paris, Thanh Hoài gặp lại Phạm Công Thiện tại nhà họa sĩ Vĩnh Ấn. Thanh Hoài quyết định bỏ Bruxelles sang Pháp chung sống cùng Phạm Công Thiện. Cuộc sống phiêu lưu đầy gian nan, sống với học bổng của anh trong 4 năm.  Sau đó anh xin được một việc làm văn phòng Đại học Toulousse. Nhân có một chân phụ giảng trống anh làm đơn xin việc. Phạm Công Thiện được giáo sư hướng dẫn giới thiệu ‘Sinh viên ưu tú xuất sắc hạng nhất, bốn năm cao học đã hoàn tất‘ (tr 252). Điều này chứng tỏ Phạm Công Thiện đã xong văn bằng tốt nghiệp Ecole Pratique des Hautes Etudes (tương đương với Master) tại Sorbonne, và học xong một năm D. E. A. Diplôme Etudes Approfondies, (theo tổ chức đại học Pháp lúc đó, ngày nay đã đổi thành Master I, Master II và bỏ văn bằng Tiến sĩ  Đệ Tam cấp và Tiến sĩ Quốc Gia, chỉ còn một văn bằng Tiến sĩ  duy nhất).  Anh làm việc này giao kèo gia hạn mỗi năm, chức vụ cuối cùng là Giảng  sư (Maître de Conférence) tại Đại Học Toulousse II... Công việc tạm ổn định, chị Thanh Hoài sinh năm con, bốn cháu trai và một cô gái út, quần quật với bầy con: đưa rước đi học, ăn uống tắm rửa, bếp núp, chị còn làm việc  ráp linh kiện cho hãng máy bay Airbus, nhưng Phạm Công Thiện lại rơi vào vòng nghiện rượu, sống cuộc sống đầy bè bạn quên mất chuyện gia đình.

“Và nơi ngôi biệt thự xinh xắn đó, nơi mà đáng lý ra chỉ có hương hoa và sắc màu của một vị ngọt là hạnh phúc, thì trớ trêu thay, nơi  đây suốt bảy năm trời chỉ mang một vị đắng. Vị đắng của khổ đau. Vị chua chát của rượu… Chàng đã thỏa hiệp với con ma rượu.

Anh không thấy gì hứng thú vì cứ phải lải nhải triết lý để kiếm tiền nuôi vợ con”. “Anh chỉ là chiếc bóng đằng sau bầy con. Điều này cũng làm anh đau khổ. Lải nhải triết lý xong thì anh chỉ còn biết lè nhè”.

“Thì giờ của em dành cho con quá nhiều và em đã bỏ rơi anh... Hay là em... tránh né anh..?

Tránh né anh vì em ghê sợ mùi rượu. Vậy anh hãy ngừng uống rượu..

Đúng là lẫn quẩn không lối thoát!

Bảy năm trời trôi qua trong cái vòng lẩn quẩn không lối thoát đó, nơi cái biệt thự màu hồng đó. Nàng thì vẫn cứ xoay mòng với bầy con năm đứa. Chàng thì cố gắng làm tròn công việc dạy học, cho dù nỗi chán chường mỗi ngày một chồng chất, nhưng bọn sinh viên vẫn ào ào tới càng ngày càng đông hơn, giới trí thức trong tỉnh lần lần nghe tiếng và bạn bè lũ lượt kéo đến càng nhiều hơn. Những buổi trà dư tửu hậu lại tiếp nối nhau. Khói thuốc vẫn mịt mù lan toả. Mùi rượu vẫn nồng nặc xông lên..

Cho đến cái ngày mà giọt nước đã tràn đầy ly thì cái vòng lẩn quẩn đó tự động ngừng quay”.

Một ngày Thanh Hoài bị suyễn nặng, ho vì dị ứng phấn hoa, nhờ anh đi mua thuốc. Anh ra đường  gặp bạn bè rủ đi ăn nhậu, quên mất chuyện thuốc cứu cấp cho vợ, sáng hôm sau mới về mang một hộp trứng, hỏi thuốc, anh quên mất.

“Sáng hôm ấy, vì quá mệt, Nàng đưa toa của bác sĩ nhờ Chàng ghé tiệm thuốc mua giùm Nàng. Mười lăm phút, hai mươi phút, ba mươi phút trôi qua, Nàng ngong ngóng Chàng về đưa thuốc cho đỡ nghẹt thở. Rồi một giờ, hai giờ, ba giờ trôi qua.. vẫn không thấy bóng Chàng. Nửa ngày trôi qua. Một đêm trôi qua. Nàng vẫn ngong ngóng. Nhưng vẫn không thấy bóng chàng đâu. Một đêm đã trôi thật quá dài, quá dài tưởng như bất tận. Không ngủ được vì ho, vì nghẹt thở. Nàng đã trải nghiệm cảm giác thế nào là kề cận cái chết. Nàng không đủ sức để tức giận, vì nàng nghĩ nếu chết trong sự tức tối, chỉ tự mình hại mình, sẽ không được đầu thai tốt, lại còn rơi vào đọa xứ nữa không chừng!  Chi bằng cứ thản nhiên, chấp nhận số phận và thanh thản niệm Phật. Đây là điều cần làm trong lúc này, chẳng phải là sự tức giận!

Nàng nhắm mắt chờ thần chết rước đi. Nhưng không, không được ! Nàng sực tỉnh ! Mà kia mình đã quên mất bầy con, mình chết thì chúng sẽ ra sao đây ? Mình có thể bỏ chúng để ‘ tiêu diêu ‘ nơi phương trời nào đó được chăng ? Từ bỏ cái thân thể bệnh hoạn khổ sở thì mình cũng hết nợ với thế gian này, nhẹ nhàng thanh thản cho mình, nhưng không thể chỉ nghĩ đến mình mà quên bầy con. Không được rồi, không đúng rồi.. Không mình phải sống, phải ngồi dậy, đứng thẳng và không còn nghẹt thở. Mình phải tự bảo vệ mình, không thể buông xuôi ! Mình nhớ đã từng được dạy dỗ ‘ thân người khó được ‘, phải bảo vệ nó cơ mà ! Không sát sanh, không hại vật, nhưng khi nguy cơ đến thì cũng phải biết tự bảo vệ để không mất mạng chứ ! Có thể nào chết dễ dàng như vậy được ? Không, ta phải sống !

Khi trời vừa tờ mờ sáng thì Nàng nghe tiếng cửa mở. Chỉ cần thấy dáng bộ xiêu vẹo, ngả nghiêng của Chàng là nàng thừa hiểu tất cả. Trông Chàng còn thê thảm hơn cả Nàng nữa ! Thôi thì chẳng còn gì để hỏi, để nói, để trách nữa. Chắc chắn là không có thuốc cho Nàng rồi.

Dù gì thì Nàng cũng đã quyết định rằng Nàng phải sống, Nàng phải thở, Nàng phải đứng thẳng dậy và đi tiếp.

Nhưng đoạn đường đi tiếp của Nàng chắc chắn là sẽ không đi cùng Chàng. Không vì tức giận hay oán trách, mà chỉ vì không còn giải pháp nào khác hơn.

Thế là Nàng lặng lẽ sắp đặt cuộc ra đi của Nàng. Rồi đến ngày hôm đó, không báo trước, không nói năng. Nàng âm thầm dắt bầy con ra khỏi ngôi biệt thự màu hồng . »

 Thanh Hoài quyết định chia tay cùng anh, chị thu xếp cùng năm con ra đi. Phạm Công Thiện cũng mất việc đại học vì khế ước không được gia hạn và ghế giảng sư cũng không còn, anh được Hoà Thượng Mãn Giác mời sang dạy tại Viện Quốc Tế Phật Giáo, tai Los Angeles. Anh lại trở về cư ngụ tại chùa, tại nhà bạn bè.

Tại xã hội Pháp nuôi nấng năm con không phải là điều dễ dàng, thường mỗi gia đình chỉ dám có 2,3 con. Thanh Hoài vừa làm mẹ, vừa làm cha, khi dạy đàn dương cầm, khi làm quản gia và các công việc khác, nuôi năm con cho đến khi trưởng thành, thành người :  Cậu trai đầu , tốt nghiệp École Normal Supérieur rue d’Ulm, Tiến sĩ Vật lý , giảng dạy Vật Lý Viện Đại Học Paris  Orsay. Cậu thứ hai Tốt nghiệp Cao Đẳng Thương Mại tại Bordeaux, Giám Đốc  Thương Mại, cậu thứ ba Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật tại San José Hoa Kỳ, Họa sĩ, cậu thứ tư  giống bố ở chỗ thích Triết Học  và cô gái út Bác sĩ Nhi Khoa. Chị có đầy đàn cháu nội, cháu ngoại.

Phạm Công Thiện qua đời năm 2011 tại Houston, các con đều sang dự đám tang cha.

« Nhờ âm nhạc, qua âm nhạc, bà luôn luôn đi sát cạnh cuộc đời, ở trong cuộc đời, thăng hoa cuộc đời, biến những nỗi buồn thành niềm vui, những chán chường thành lạc quan yêu đời, cô đơn thành cảm thông chia sẽ. »

Đứa cháu ngoại đã hỏi chị :

-«  Bà ơi ! Bà có giận ông ngoại không ?

-  Bà chẳng hề giận !

- Thực ra, con cũng thấy thương ông ngoại làm sao ấy..

Cháu bà giỏi lắm, các cậu và mẹ con cũng thế, luôn yêu thương ông ngoại, không hề ghét bỏ hay trách móc.

- Mỗi lần gặp lại ông, con chỉ muốn ôm ông hôn và không cần phải nói nhiều.. Con biết ông không hề có ý làm khổ bà, vì chính ông là người khổ trước tiên nếu phải làm khổ ai…. Ông ngoại vẫn luôn bảo tụi con phải yêu thương bà hết mực, vì nhờ bà mà mẹ con, các cậu con nên người. Có  điều.. ông vẫn nghĩ là bà còn giận ông !

- Con có nghĩ như vậy khi bà kể chuyện cho con ?

-  Không, Con nghĩ bà vẫn còn yêu ông ngoại !

 - Thực ư.. Chính bà cũng không biết ! » 

Khép lại trang sách tôi ngẫm nghĩ. Tiếc là sách bằng tiếng Việt, nếu viết bằng tiếng Pháp, các cháu nội, cháu ngoại chị Thanh Hoài đọc được sẽ nghĩ rằng : ông bà mình thiếu thông tin cho nhau. Nếu ông đi đâu, điện thoại cho bà một tiếng, hay nếu có điện thoại di động, bà gọi ông nhắn ông đem thuốc về gấp thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Tiếc thay oan Quan Âm Thị Kính nằm ở chổ, thời ấy chưa có dao cạo râu: Thị Kính phải vác con dao phay to tướng cắt râu cho chồng.  Bà giận ông : vì thời ấy chưa có điện thoại di động. Nếu không bà sẽ điều khiển từ xa, ông chồng triết gia lãng trí hay quên của mình.

Các cháu Việt Nam sinh ra tại Pháp xem xong vở tuồng Quan Âm Thị Kính thường tức tối và hỏi : Où est sa bouche ?. Cái miệng bà Thị Kính ở đâu ? Sao bà không nói ? Sao ông không nói ? Tiếc thay khi ông bà giận nhau các cháu chưa ra đời !

Khép lại đọc trang cuối bìa tập sách là lời Phạm Công Thiện viết khi gặp nhau lần cuối : « Ở nơi chốn hỗn loạn, ở nơi tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng mà tiếng nhạc của em vẫn có thể vang lên những âm thanh của dịu dàng đầm thắm, bay bổng cao vút tận chân trời, từ cái điều Không Thể mà vẫn Có Thể. Hãy gọi đó là Giai Điệu Của Cái Điều Không Thể”. 

Khép lại trang sách chuyện kể một cuộc tình, hai cuộc đời không trọn vẹn cùng nhau đến cuối đời. Nhưng lời kể chuyện trong trẻo, thanh thoát khiến cho chúng ta vẫn còn nghe vang lên một dư âm  tiếng đàn dương cầm chị Thanh Hoài.

Xin giới thiệu tiểu thuyết “Chuyện một người đàn bà.. năm con » của Lê Khắc Thanh Hoài do nhà xuất bản Thời Đại xuất bản tại Hà Nội và Sài Gòn cùng đọc giả trong và ngoài nước. Qua câu chuyện một kinh nghiệm sống cuộc đời, chị đã vẽ ra một khung cảnh người Việt trên đất Pháp, nó cần thiết cho các bạn trẻ, cho phụ huynh khi con em lên đường du học. Truyện còn giúp ta hiểu hơn về Phạm Công Thiện một nhà thơ, một triết gia một thời danh tiếng  tại miền Nam Việt Nam.

Paris 23-7-2016
PHẠM TRONG CHÁNH
TẠP CHÍ VĂN HOÁ NGHỆ AN


BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...