Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

KHÍ QUYỂN THƠ-SINH THÁI CỦA MAI VĂN PHẤN: THƠ, BẦU TRỜI VÀ NHỮNG LINH HỒN

Nhà thơ Mai Văn Phấn

Bên câu thơ cư trú những linh hồn
 (Mai Văn Phấn)

Tóm tắt:

Từ góc nhìn phê bình sinh thái (ecocriticism), bài viết này mong muốn đóng góp một cách nhận diện khí quyển thơ – sinh thái đặc trưng trong thơ Mai Văn Phấn. Việc tập trung vào mối quan hệ đa chiều và không dễ nắm bắt giữa thơ ca (hành vi sáng tạo) – bầu trời (không gian sinh thái) và những linh hồn (sự sống ẩn tàng trong vạn vật) chỉ là vài ý tưởng, như hé một khung cửa nhỏ mở vào bầu trời.

Không khó nhận ra mối quan hệ mật thiết giữa thơ và sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là, ở mỗi nhà thơ, mỗi thế hệ thơ, mỗi truyền thống thơ ca, mỗi thời đại, mối quan hệ giữa con người và môi trường sinh thái lại có những nét khác biệt. Dù thơ Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia phương Đông, thường được cho là có quan hệ mật thiết với thiên nhiên, song cũng chính là những nơi đang có các vấn đề nghiêm trọng nhất về môi trường. Chính bởi thế, việc tiếp cận từ góc độ phê bình sinh thái ở trường hợp thơ Mai Văn Phấn, không phải chỉ là một mối quan tâm về không gian như một yếu tố trội của thơ anh, mà còn là một cách tra vấn mối quan hệ giữa thơ ca và tự nhiên tưởng như yên ổn. Từ đó, việc sáng tác và phê bình cũng đồng thời là sự đề xuất những cách nghĩ khác, cũng chính là điều sẽ quyết định cách con người ứng xử và chung sống với Tự Nhiên, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và khủng hoảng sinh thái buộc chúng ta phải tìm con đường trở về với trái đất nguyên thủy.

Một vấn đề khác không kém quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh song song với chủ đề trên là ý thức thơ tồn tại như một hệ sinh thái của Mai Văn Phấn, một con đường sáng tạo riêng mà thi sĩ lựa chọn từ những bài thơ đầu tiên, có thể là một hành trình từ vô thức đến ý thức ngày một rõ hơn. Trong hành trình đó, Mai Văn Phấn đã nỗ lực khám phá ngôn ngữ như một phương cách thiết yếu để thấu nhập vào thế giới tự nhiên và từ đó, tạo dựng khí quyển thơ riêng của mình, một bầu khí quyển kết nối cá thể người và thế giới, linh hồn người và linh hồn tạo vật trong sự bình đẳng và quấn bện của tình yêu thuần giản. Do đó, đọc thơ Mai Văn Phấn từ góc nhìn này cũng khơi mở hi vọng về một con đường sáng tạo thơ ca, trong đó, việc trở về với cội rễ đồng thời là một cách nạp năng lượng cho thi ca. Ở góc độ này, Mai Văn Phấn, ngay khi được xếp vào thế hệ những nhà thơ đổi mới với nỗ lực cách tân thi ca đã khẳng định một cách nghĩ riêng về giá trị và sáng tạo.

***

Về mặt từ nguyên, Tự nhiên (nature) không phải chỉ để quy chiếu tới thế giới phi-nhân (nonhuman [1]) mà gốc Latin của nó là natura, nghĩa là “đặc điểm thuộc về tự nhiên, vũ trụ” hay natus (sự sinh ra, được sinh ra)… để phân biệt với thế giới được chế tạo, như các đồ vật được làm bởi con người. Dẫu vậy, “tự nhiên” đã trở thành một diễn ngôn mơ hồ, lưỡng lự và luôn biến đổi, nó là cái tồn tại mặc nhiên từ buổi hoang sơ, nhưng cũng là cái đã bị con người sở hữu và chiếm hữu theo nhiều cách. “Tự nhiên” do đó đã không còn là nó một cách nguyên thủy, mà các yếu tố cấu thành nó ít nhiều đều bị quy định bởi con người. Theo sự biến thiên này, cặp từ tự nhiên (nature) - văn hóa (culture) không còn là sự đối lập đơn giản mà chúng “nợ nần” lẫn nhau. Từ ngữ mà con người tạo ra để phân lập với chính mình nay nở ra vô tận các dạng tồn tại, và dần dần, trở thành một cấu trúc ngôn ngữ và văn hóa - xã hội. Thêm nữa, chính con người cũng đã tạo ra những dạng công nghệ xanh, mà ở khía cạnh nào đó, góp phần làm nhòa mờ sự phân lập giữa không gian xã hội và tự nhiên.

Mối quan hệ giữa văn chương nghệ thuật và môi trường sinh thái là điều tưởng như hiển nhiên từ thời tiền sử, nhưng suốt một thời gian dài, môi trường chỉ được coi là một dạng “phông nền” ít quan trọng trong tác phẩm. Sự ra đời chính thức của phê bình sinh thái (ecocriticism) vào đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX không phải là một cuộc cách mạng đột ngột, nhưng sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của nó trong những thập niên sau đó cho đến nay khẳng định tầm quan trọng của việc để tâm đến mối quan hệ giữa thế giới con người và thế giới phi-nhân trong các diễn ngôn văn hóa. Cùng với các mối quan tâm về tự nhiên, phê bình sinh thái trở thành một giải pháp khôi phục ý nghĩa và tầm quan trọng của tự nhiên với con người cũng như khẳng định vai trò của ngôn ngữ trong việc định hình và thay đổi các quan niệm về tự nhiên. Cho đến nay, phê bình sinh thái không hề có một khuôn khổ đông cứng về đối tượng, phương pháp cũng như các vấn đề chính, mà nó càng ngày càng mở rộng và phức tạp. Xu hướng tìm kiếm và khai thác các sáng tác mang chủ đề thiên nhiên hoặc có sự tập trung mạnh mẽ vào thiên nhiên như mục ca lãng mạn (romantic pastoral) dần chuyển sang phê bình sinh thái - xã hội (eco-social), chẳng hạn như ecofeminism (nữ quyền sinh thái), phê bình sinh thái và các vấn đề giới, bản sắc, không gian hậu thuộc địa, v.v... Đối tượng khảo sát cũng mở rộng tới cả các diễn ngôn khoa học, phim hoạt hình, chương trình truyền hình. Lĩnh vực này còn mới mẻ ở Việt Nam và cần đến những giới thiệu và dịch thuật công phu của giới nghiên cứu, nhưng có thể hiểu một cách đơn giản, phê bình sinh thái đang được thừa nhận theo nghĩa rộng nhất là mọi nghiên cứu về các tác phẩm liên quan đến tự nhiên, mối quan hệ của con người và thế giới phi-nhân, ngay cả khi mối quan hệ đó không hiển hiện rõ ràng như một chủ đề trực tiếp. Phê bình sinh thái với văn chương, sinh ra và phát triển từ các nước Âu - Mỹ, với các chất liệu Âu - Mỹ như thơ lãng mạn của Wordsworth, John Clare, Henry David Thoreau, v.v… đang có xu hướng mở rộng tới những vùng văn chương Á, Phi, Viễn Đông. Chính các học giả Âu - Mỹ lại tìm đến các nước phương Đông – vốn được coi như là kiểu mẫu của tình yêu, sự gắn bó với thiên nhiên, sự sủng ái thiên nhiên nhưng cũng là những vùng nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường nghiêm trọng hơn hết – để nghiên cứu, như một cách mở rộng phạm vi chất liệu của phê bình sinh thái, và từ đó khai mở những tiềm năng lý thuyết mới của phê bình sinh thái.[2] Trong văn chương, mối quan hệ của con người và thế giới phi-nhân tất nhiên được nhìn nhận trước hết từ văn bản tác phẩm.

Được gợi ý từ phê bình sinh thái, cùng với trải nghiệm đọc cá nhân, tôi hướng tới nhận diện khí quyển thơ-sinh thái đặc trưng của Mai Văn Phấn. Việc tập trung vào mối quan hệ đa chiều và không dễ nắm bắt giữa thơ ca (hành vi sáng tạo) – bầu trời (không gian sinh thái) và những linh hồn (sự sống ẩn tàng trong vạn vật) như những biểu trưng quan trọng chỉ là vài ý tưởng, như hé một khung cửa nhỏ mở vào bầu trời. Không khó nhận ra mối quan hệ mật thiết giữa thơ và sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn, không khó cảm nhận Mai Văn Phấn là nhà thơ – tình nhân đích thực của thiên nhiên nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là, ở mỗi nhà thơ, mỗi thế hệ thơ, mỗi truyền thống thơ ca, mỗi thời đại, mối quan hệ giữa con người và môi trường sinh thái lại có những nét khác biệt cần khám phá. Chính bởi thế, việc tiếp cận từ góc độ phê bình sinh thái ở trường hợp thơ Mai Văn Phấn, không phải chỉ là một mối quan tâm về không gian như một yếu tố trội của thơ anh, mà còn là một cách tra vấn mối quan hệ giữa thơ ca và tự nhiên tưởng như yên ổn trong truyền thống thơ Việt Nam và thơ phương Đông. Từ đó, việc sáng tác và phê bình sẽ đồng thời là sự đề xuất những cách nghĩ khác, cũng chính là điều quyết định cách con người ứng xử và chung sống với Tự Nhiên, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và khủng hoảng sinh thái buộc chúng ta phải tìm con đường trở về với trái đất nguyên thủy. Một vấn đề khác không kém quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh song song với chủ đề trên là ý thức thơ tồn tại như một hệ sinh thái của Mai Văn Phấn, một con đường sáng tạo riêng mà thi sĩ lựa chọn từ những bài thơ đầu tiên, có thể là một hành trình từ vô thức đến ý thức ngày một rõ hơn. Trong hành trình đó, Mai Văn Phấn đã nỗ lực khám phá ngôn ngữ như một phương cách thiết yếu để thấu nhập vào thế giới tự nhiên và từ đó, tạo dựng khí quyển thơ riêng của mình, một bầu khí quyển kết nối cá thể người và thế giới, linh hồn người và linh hồn tạo vật trong sự bình đẳng và quấn bện của tình yêu thuần giản. Do đó, đọc thơ Mai Văn Phấn từ góc nhìn này cũng khơi mở hi vọng về một con đường sáng tạo thơ ca, trong đó, việc trở về với cội rễ đồng thời là một cách nạp năng lượng cho thi ca. Ở góc độ này, Mai Văn Phấn, ngay khi được xếp vào thế hệ những nhà thơ đổi mới với nỗ lực cách tân thi ca đã khẳng định một cách nghĩ riêng về giá trị và sáng tạo.

Hệ sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn: những linh hồn trong bầu trời

Theo một góc nhìn hẹp, có thể xem các thi phẩm của Mai Văn Phấn, dù hoàn toàn không có những liên đới trực tiếp với thơ điền viên trung đại hay thơ đồng quê lãng mạn, nhưng cũng có thể coi là các bài thơ sinh thái (ecopoems) hay thể hiện yếu tố thơ sinh thái (ecopoetics) [3]. Thiên nhiên trong thơ trung đại Việt Nam, đậm đặc ở mảng thơ Thiền Lí Trần, thơ điền viên, thường được coi như điểm gợi hứng, biểu tượng hay một khung cảnh. Đến Thơ Mới lãng mạn, tiếp thu ảnh hưởng của văn học Pháp, thiên nhiên trở thành đối tượng mô tả khách quan, trở thành chính nó, đặc biệt ở những nhà thơ “thuần túy thiên nhiên” như Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, riêng Nguyễn Bính có những biến thể, trong đó sức mạnh của đô thị được biểu hiện như một không gian hủy diệt bản tính, không chỉ con người “chân quê” mà cả bản tính thiên nhiên (“hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”). Cảm hứng mạnh mẽ với thiên nhiên, đồng quê trong thơ thời Đổi mới có thể kể đến nhiều tác giả với những cá tính riêng biệt: ít nhiều Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn còn giữ niềm vui hồn nhiên với không gian quê kiểng; Nguyễn Quang Thiều hoài tiếc đến đau đớn như thể hoài nhớ một thiên đường đã mất, Cái Đẹp và Sự Cao cả đã mất, một kẻ muốn “rời bỏ thành phố” để tìm lại những giá trị vững bền của con người và tự nhiên, nhưng cũng không ít va đập đau đớn; Trần Tiến Dũng nhớ bầu trời quê, tự nguyện làm “người chơi một mình tự do trên đồng đất” trong tưởng tượng đến chỗ “đô thị hóa”, thậm chí trở nên “đặc sệt” đô thị với góc nhìn hài hước (qua các tập thơ từ Khối động (1997), Hiện (2000) tới Bầu trời lông gà lông vịt (2003). (Chắc chắn còn những tác giả khác mà tôi chưa có cơ may đọc, chẳng hạn tôi rất tò mò về tập thơ với cái tên rất dài của Thi Hoàng Theo đuổi tự nhiên và những bài liên quan hay là cộng sinh với những khoảng trống). Trong số các cá tính thơ đó, Mai Văn Phấn dường như giữ một cái nhìn điềm tĩnh hơn. Đọc thơ anh, tôi cảm nhận một quan hệ tương thích hài hòa của kẻ thấy mình trong thiên nhiên và thấy thiên nhiên trong mình hơn là những nỗi bi ai, hoài nhớ, đau xót một thiên đường đã mất. Có những khi, thế giới phi-nhân muốn nổi loạn, “đòi đặt tên”, nhưng nhiều hơn vẫn là một sự quấn bện kì lạ, như thể anh sống ở một không gian khác, nơi các linh hồn kết tụ với nhau đầy bí ẩn cùng với viễn tượng về một không gian (thơ) sinh thái của thì tương lai. Cách ứng xử, chung sống với tự nhiên của Mai Văn Phấn trong quan niệm và trong thơ ca dường như cũng là căn cốt thi sĩ của anh, đồng thời là cái “khí” thơ đẹp khỏe khoắn, vững bền, tinh lọc, không hướng về những vùng tối mà hướng về ban mai và ánh sáng, không bị kéo trĩu bởi cảm thức hoài nhớ (nostalgia) hay nỗi “thương nhớ đồng quê”- để gợi nhắc một tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp - thường thấy trong văn chương lãng mạn và hiện đại, khi những giá trị của văn minh xung đột với những vẻ đẹp văn hóa bản nguyên.

Bầu trời

Không gian thơ Mai Văn Phấn dường như được nuôi dưỡng bởi kí ức vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam, kí ức giàu có đó vẫn đầy sức sống ngay cả trong không gian đô thị hóa của thì hiện tại. Cũng có thể bởi Hải Phòng, như đôi điều tôi cảm nhận, là một đô thị biển, không đậm đặc chất đô thị như Sài Gòn, không có nỗi hoài vọng về “thủ đô thanh lịch”, lại vẫn giữ được vẻ phóng khoáng của gió, nước, một không gian hỗn trộn giữa làng và phố, nhiều phấp phỏng về thế giới vật chất nhưng vẫn dễ dàng bắt được một bóng cây, một bóng mây đẫm lửa…  Cảm giác dằn vặt vì mất mát không đậm nét trong thơ Mai Văn Phấn, và thậm chí, ở khía cạnh nào đó, anh còn được nuôi dưỡng bởi một thứ suối nguồn lãng mạn để xây dựng những tưởng tượng đẹp về thời chưa tới với một không gian đô thị sinh thái, một không gian trút bỏ mọi ràng buộc, trở thành Tự Nhiên, mở rộng đến vô cùng, mà lại có thể thu vào trong lòng tay, để cái mênh mông đó cũng là một không gian Mái Nhà. Nơi đây, trẻ con sinh ra và sự sống khai mở, hồi sinh, những nguồn cảm hứng mãnh liệt của Mai Văn Phấn từ những sáng tác giai đoạn đầu:

Màu xanh
Trái đất - Căn nhà hộ sinh
Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh những dòng
mật mã...
Đêm đầu mùa
Anh cuống quýt hôn em qua kẽ lá
Khi sương tan cành biêng biếc xanh.
Cô đơn tràn bãi trưa hanh
Mùa đi rung cây lá đổ
Phải dằn dữ và cũng mềm như gió
Gió từ biển xanh mang sắc của trời.
Bình minh lên chiếu sáng nửa đời
Còn nửa kia chìm vào bóng tối
Bao lối cỏ cứ xanh vội vội
Thấm lên bàn chân ai qua.
Sóng trên cây thầm thĩ mỗi hiên nhà
Con đò thời gian hối hả
Khi mỗi chúng ta là chiếc lá
Thì rừng hoang bỗng hóa nhà mình.
Trái đất -  Căn nhà hộ sinh
Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh những dòng
mật mã...

Ở bài thơ này, Trái Đất – không gian rộng lớn được đồng nhất với Căn Nhà Hộ Sinh, và hơn thế, Tình Yêu (hôn nhau qua kẽ lá) cùng với sự Sinh Ra (tiếng trẻ con chào đời) hợp thành một thế giới trở về đúng với cái khởi nguyên, cái kì diệu, và tất cả cũng được đồng nhất với Màu Xanh. Nếu nói bầu trời là không gian ôm trùm thơ Mai Văn Phấn, thì cách diễn đạt tốt nhất có lẽ chính là thơ của anh: viễn tượng về một “Bầu trời không mái che”, tên tập thơ mới nhất của anh năm 2010. Bầu trời này, không chỉ là giấc mơ về một không gian sống khoáng đạt, nó còn là một giấc mơ về không gian tư tưởng, cảm xúc, nơi các cá thể người và không phải người thả lỏng tuyệt đối để tận hưởng và khai mở sự sống bản thể.

ao chuôm tìm hướng lên trời
dòng sông vừa chảy
vừa sinh nở
             (Đất mở)

Thực ra, nếu so sánh với các hình tượng các yếu tố nguyên thủy khác như đất (biến thể là cánh đồng, đất đai, v.v…), nước (biến thể là sông, biển…), lửa (biến thể là ánh sáng, mặt trời) thì “bầu trời”(đúng ra là biến thể của yếu tố “khí” nguyên thủy, cùng với các biến thể khác như hơi gió, làn hơi…) xuất hiện có vẻ thưa vắng hơn. Tuy nhiên, hình tượng không gian này lại trở nên giàu có, bởi tiềm năng khêu gợi tưởng tượng về một không gian vô tận của tự nhiên và suy tưởng của nó, bởi đó là chiều cao, chiều rộng và cả chiều sâu, bởi nó hướng về một viễn tượng xa xôi. Một lí do khác ngẫu nhiên hơn, “Bầu trời không mái che” có thể dẫn đến liên tưởng thú vị với “Bầu trời có nắp đậy”, một ví von tinh nghịch thi vị của Trần Tiến Dũng – như biểu tượng cho thế giới đô thị của anh, một thế giới phân biệt với làng quê bởi cái… bồn cầu.  Cái viễn tượng trái đất xanh, đô thị xanh, mái nhà xanh của Mai Văn Phấn cũng có thể quy chiếu xa hơn với “thơ đô thị” nhiều thế hệ: Từ Tú Xương buổi giao thời đến Vũ Hoàng Chương thời Thơ Mới đến không gian thơ đô thị của Trần Tiến Dũng chẳng hạn. Dường như Mai Văn Phấn có khả năng thích nghi và hòa hợp, do đó không tra vấn day dứt về các phạm trù tự nhiên và đô thị để chấp nhận, đau xót hay dấn thân như Trần Tiến Dũng, không chìm đắm trong hoài niệm và huyền thoại như cách của Nguyễn Quang Thiều, anh thấu nhập “tôi” vào vũ trụ, tan vào đất, nước, lửa, không khí, vào những yếu tố bản nguyên. Mai Văn Phấn đã tìm đến thiên nhiên theo cách của một thi sĩ phương Đông: hòa nhập vào “thế giới”, phóng chiếu tâm tưởng vào vũ trụ để nhận ra cái tinh thần, hay những linh hồn của muôn vật.

Linh hồn

Trong bầu trời sinh thái của Mai Văn Phấn, có những thực thể tồn hữu sống động-linh hồn, cả linh hồn con người, linh hồn cây cỏ, thậm chí cả linh hồn đồ vật. Tính chất thực của không gian sinh thái do đó được ảo hóa, hình tượng thơ trở nên lưỡng lự đa nghĩa. Nếu tự nhiên trong thơ anh được “thi hóa” thì cái môi trường vật lí mà anh quan sát, cảm nhận kĩ lưỡng, chính xác cũng chính là môi trường tinh thần khó có thể phân lập.
Chẳng hạn, một bài tứ tuyệt đáng nhớ trong tập Gọi xanh.

Bất chợt vệt cánh chim bay qua 
Hay quanh quất bóng mình sót lại 
Cánh chim tựa que diêm quệt vào ngây dại 
Ngọn lửa thiên thần nào có thể bén vào tôi
(Cánh chim bay qua)

Bầu trời có cánh chim bay, nhưng ngôn ngữ thơ không muốn làm chức năng của một chiếc máy ảnh chớp nhanh và làm bất động một khoảnh khắc, ngôn ngữ muốn lưu giữ, không phải cái còn hiện diện, mà là cái vừa vắng mặt nhưng vẫn như là đang hiện diện,đang còn lại dấu vết trong bầu trời kia. Dấu vết của “cánh chim bay qua”, để lại vệt chớp sáng, nhưng cũng là vệt bóng mình, nhưng cũng không phải là cái bóng của thân xác đang hiện hữu, mà hóa ra là cái bóng của tiềm thức về thời thơ ngây dại vừa chợt hiện lên… Mấy câu thơ nén chặt những lớp hình ảnh không gian mờ chồng, như trong một bầu trời mở ra vô tận bầu trời, những lớp thời gian mờ chồng, cả quá khứ, hiện tại đồng hiện… Rõ ràng, chính xác mà hư ảo. Thành ra, không gian sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn là không gian của tưởng tượng, của ý nghĩ nhiều hơn. Cảm giác về vùng đồng bằng Bắc bộ có thật (như thôn Vân của Nguyễn Bính) hay những ấn tượng về biển không đậm đặc trong thơ anh. Nó chìm vào hồi ức, cảm giác, nó được chắt lọc lại, trở thành một thứ nước chưng cất, không vướng bụi.

Nỗ lực đi sâu vào thế giới cảm giác, vào cái vô thức, tiềm thức, đánh thức những mối liên hệ ẩn tàng trong lòng tạo vật tồn tại bình đẳng và thống nhất cũng là nỗ lực tra vấn các kinh nghiệm mới mẻ của ngôn ngữ trong việc “thăm dò tiềm thức” và tái hiện những kinh nghiệm đột khởi tươi ròng. Độc giả dường như có thể nảy ra bất cứ câu thơ nào của thi sĩ mà họ yêu mến để ngắm nhìn và mộng tưởng cùng những linh hồn bay nhẹ như hơi thở, như hơi đất râm ran vị cỏ mùa xuân.

Tôi thích cách Mai Văn Phấn viết về “hôn nhau”. Nụ hôn và hành vi hôn, và “thực thể hôn” là đôi môi luôn được bọc trong sự tươi mát của tự nhiên, con người sinh ra cùng thiên nhiên và tình yêu cũng sinh ra cùng thiên nhiên: “hôn nhau qua kẽ lá” “khép vào kẽ lá”… là hình ảnh thường thấy trong thơ anh, những cá thể người tự thu nhỏ để trở thành những sinh thể trú ngụ trong ngôi nhà xanh của lá. Có thể kể nhiều câu thơ khác:
Những đôi môi giấu mãi vào nhau
Như vỏ cây muốn lẫn vào ruột gỗ
Sự hòa hợp thành lặng im bắt đầu.
             (Sợi dây im lặng)

Hôn em trời đổ mưa
đất đai hồi sinh tươi tốt
Hạt giống nảy mầm rồi bỏ đi xa
             (Những bông hoa mùa thu)

Hành vi của con người dường như luôn được quan sát bằng “con mắt thiên nhiên”. Không gian không phải là bối cảnh tĩnh mà là một thực thể, là một sự tham dự.

Qua kẽ lá, nắng lay tôi từng giọt
(Ngủ quên trong rừng)

Sau tiếng chân chim nhẹ nhàng đậu lên sống lưng đỉnh sọ
Ta thấy qua ngực mình mây xám dần trong.
             (………)
Bóng em đi bằng bước chân của gió
Trên mình anh những tiếng chân nai
(Vầng trăng và con đường)

Cũng từ góc nhìn này, Mai Văn Phấn nhìn ra sức sống và sức mạnh của thiên nhiên so với những giá trị nhân tạo, và thế giới các đồ vật – vốn là “thiên nhiên” được con người khai thác, tạo ra để “ủng hộ” sức mạnh của con người – đã phải nhận lấy các bài học từ thiên nhiên, theo lời vọng của tổ tông, tổ tông của con người và tổ tông của chính các đồ vật. Có lẽ không cần phân tích dài dòng, bài thơ “Quay theo mái nhà” trong một tập thơ như muốn nổi loạn (Tập Hôm sau) là một ví dụ tiêu biểu:
Đêm tỉnh dậy. Đồ gỗ trong phòng mọc tua tủa nấm nhĩ. Bức tượng chảy xệ xuống thành nắm đất nhão. Chiếc quạt mở ra lần cuối rồi khép lại làm ống tre. Trong bóng tối, tiếng những nghệ nhân đã khuất cùng đồng vọng:

- Hãy quay theo mái nhà đánh thức các đồ vật!

Tôi quay cùng chai lọ, con giống, bóng đèn… qua môi người thợ thổi thủy tinh, qua con chữ rùng mình nhìn bột giấy chìm trong thuốc tẩy. Những giọt mực tụ lại rồi loang xa như một vết dầu. Bộ quần áo trang nghiêm rũ xuống. Đấy là giờ mặc niệm tơ tằm và những cây bông. Bóng tối nuốt sạch thực phẩm ôi thiu, không khái niệm về văn hóa ẩm thực. Hương trà thơm về rừng. Nước gào thét trong chiếc ấm bục đáy....

Những đồ vật quay không thể dừng lại. Thùng rác quay mắc phải khung ảnh, quạt trần, dây điện thoại. Chiếc quần lót mắc kẹt giữa tủ bát đĩa và máy tập thể hình. Chổi cùn, bình diệt muỗi, đĩa CD chui vào tủ lạnh. Con cá tắt thở trên đường gần đến cửa sổ. Lũ chuột nhắt chết đuối bơi qua chảo mỡ. Bột giặt vừa quay vừa rắc lên hoa quả, dao thớt, bàn thờ. Bát nước chấm quay cùng bìa đậu phụ. Lọ tương ớt lao đi trong tư thế lộn ngược. Và kim giây quay chậm hơn hẳn kim giờ...

Mọi người vừa quay vừa tỉnh dậy. Vẫn đủ thời gian uống nước và rửa mặt. Chọn cho mình một đồ vật bất kỳ. Và nhanh chóng đặt chân vào vạch Xuất phát.


Những gì chúng ta tiết lộ trong thơ không phải là cái tồn tại có thực, không phải là kinh nghiệm mà chỉ là các dấu vết của kinh nghiệm – thứ kinh nghiệm luôn bị điều kiện hóa bởi cấu trúc văn hóa, trong đó có thiên nhiên, môi trường. Vậy thì cần phải lật lại một nhận thức ảo tưởng: phải chăng con người là loài cao cấp nhất và có quyền sở hữu hay thống trị thế giới phi-nhân, bằng chính sức mạnh của họ và bằng những công cụ mà họ đã tạo ra? Mai Văn Phấn dường như đã linh cảm chính xác rằng tự nhiên luôn không im lặng, nhưng con người có thể đánh mất tiếng nói bởi lòng kiêu ngạo. Bởi thế, con người nghe tiếng nói của tự nhiên là nghe chính mình, hay phải nghe tiếng nói của tự nhiên để hiểu chính mình. Con người từ chối tự nhiên là từ chối sự hiểu biết về chính nó. Vậy là, mối quan hệ của cái tôi với Cái Khác (Others) không phải chỉ là mối quan hệ của Tôi như Người Này với Người Khác, theo xu hướng nhân trung luận (humancentric) mà còn là mối quan hệ của Tôi và Tự Nhiên, trong đó Tự Nhiên cũng là một Cái Khác tồn tại bình đẳng trong không gian vũ trụ. Nhưng nó không biệt lập với con người, bởi có thể, tự nhiên ở chính tâm hồn con người vậy, và có thể con người đang nằm ngủ đâu đó trong kẽ lá kia thôi.

Thơ như một cấu trúc sinh thái

Thơ Mai Văn Phấn có thể coi như một cấu trúc sinh thái: từ nhan đề các tập thơ, từ cách trình bày, sự trở đi trở lại của một số chủ đề cơ bản, một số không gian thơ, mối liên hệ giữa tác giả và vùng đất máu thịt của anh… Đi sâu hơn vào các văn bản thơ, một nhà thống kê học tỉ mỉ sẽ gom góp được một hệ từ vựng đáng kể về hệ sinh thái: đất đai, bầu trời, con nước, biển cả, gió lộng, vách núi…. Điều đáng chú ý là hệ sinh thái này luôn như mang giọng con người. Như thể làm nhớ tới một cụm từ nổi tiếng của nhà thơ Mỹ Seamus Heaney, trong một thi phẩm về thiên nhiên “Kinship”, cụm từ “nguyên âm của trái đất”, cây cỏ trong khí quyển của Mai Văn Phấn cũng Tập phát âm:

Không còn ác cảm hôm nào
Bóng tối mềm duỗi dài trên đất
Thanh bĩnh tĩnh lặng
Cỏ hân hoan vừa nhận ra mình.
Màu đen thấm dần từ ngọn xuống chân
Chảy từ vú u ơ khổng lồ nhẫn nại
Dòng sự thật âm bản hiện lên
Ngỡ ai phát nhanh những thước phim đã mốc.
Miệng bóng tối ghé vào thanh bạch
Hơi độc từng phun ngược lại âm hình
Nơi đoán phạt trắng đen, thiện ác
Lá cỏ trồi ra chiếc lưỡi phân minh.

Đâu là cách kết nối giữa các yếu tố tự nhiên và ngôn từ thi ca? Phải chăng ở chính khoảng không của tự nhiên và khoảng lặng của những chữ, sự viết bắt đầu? Ở đó, cây cỏ “nhận ra mình” để nói lên sự thật bằng “chiếc lưỡi phân minh”.

Người đọc cũng dễ dàng nhận ra hàng loạt những hình tượng thiên nhiên có tính chất biểu tượng, ẩn dụ trong thơ Mai Văn Phấn. Tôi muốn nói thêm rằng: đó không phải là những biểu tượng bất biến, cố định, chết cứng, mà nó sinh thành cùng kinh nghiệm cảm giác của chính tác giả trong mỗi lẫn phát kiến một bài thơ, một câu thơ, thậm chí một từ ngữ. Cái kinh nghiệm đó không ai thay thế được. Do đó, khi nhà thơ nói đến nước, bầu trời, cỏ cây, vách đá… thì đó không phải là những biểu tượng sẵn có mà là cách nhà thơ cảm nhận về thế giới. Và ngược lại, những từ ngữ đó cũng không “tự nhiên sinh ra” mà bị định dạng bởi chính tự nhiên. Một quan hệ phụ thuộc hai chiều. Ý nghĩa của thơ ca, ở khía cạnh nào đó, mang khả năng khơi gợi lại, không phải để gọi tên sự vật mà còn là tiết lộ thân phận của chúng, khám phá thân phận của thiên nhiên trong thế giới ngôn ngữ, trong quan hệ với con người. Cũng chính bởi từ ý thức đó, Mai Văn Phấn khơi sâu mạch nguồn ngôn ngữ của cảm giác để phá bỏ những hàng rào ngôn ngữ và đi sâu vào thế giới của những linh hồn, dù tất nhiên, anh ý thức ngôn ngữ có giới hạn của nó.

Và để những linh hồn bay lượn tự do trong bầu trời, để là một linh hồn tự do trong bầu trời, Mai Văn Phấn chọn thơ ca.

Thơ là để bám rễ vào mặt đất

Nỗ lực tìm đến nguồn cội của thi ca cũng như bản lai diện mục của con người đưa nhà thơ trở về với đất đai, đồng quê như nguồn cội của sự sinh. Đồng quê gắn với công việc làm ruộng và thiên nhiên đã trở thành quan hệ mĩ học của nhà thơ với một vùng đất. Có lẽ phải hiểu bầu khí quyển thơ khi Mai Văn Phấn xuất hiện với tư cách một nhà thơ, cuối những năm 90 của thế kỉ XX, khi cuộc va chạm với văn minh làm cho không gian đồng quê thương tổn, đổ vỡ, nỗi lo âu, đau đớn biểu hiện mạnh mẽ trong văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp, thơ Nguyễn Quang Thiều… để hiểu hơn thái độ điềm tĩnh và hơn thế, đầy khao khát kiếm tìm dấu vết quá khứ của Mai Văn Phấn. Không nặng về “tự thú trước cánh đồng”, anh muốn ”nhân danh đất đai” để lần tìm kí ức từng thớ đất, từng vết người đi trên cỏ.

Tôi chưa từng đọc nhà thơ nào khao khát lần tìm dấu vết của kí ức tha thiết, thành thực và tinh tế như cách ứng xử của Mai Văn Phấn. Mười bài tập mùa xuân có thể là một khúc biến tấu trên chủ đề kí ức. Kí ức của nhụy hoa đầy dấu chân ong. Kí ức vết bùn gợi dáng ông bà, con đường cổ lỗ. Kí ức cánh cò trong bức tranh thủy mặc. Mặt người đã khuất và hồn người chết. Dường như sức mạnh của đô thị hóa và toàn cầu hóa làm con người và cả thơ ca, hốt hoảng trước khả năng có thể bị đánh bật ra khỏi gốc rễ bất cứ lúc nào. Mai Văn Phấn muốn mình là cái cây có rễ thật sâu, thật khỏe, cái rễ trụ vững trước mọi bão gió, làm thành bản sắc thơ và căn cước tâm hồn anh, cái gốc rễ nằm sẵn trong con người và trong thơ, nhưng phải tìm và tìm ra nó. Anh lưu giữ cẩn trọng tro than của mùa đốt đồng trên ngực mình, đồng thời cũng theo “chiếc cày chìa vôi sục tìm trong đất” để “Lật lên bao kiếp người theo vết chân trâu”.

Mai Văn Phấn ca ngợi vẻ đẹp cội rễ, ngay cả khi phóng túng bật tung cội rễ:

Bay qua. Bay qua
Tóc cuốn cành khô
Thân em nhẹ làm bật tung cội rễ
              (Hát từ đất)

Cội rễ giữ đất
Con đường bầu vú vương thơm
nối khuôn mặt với bao nhiêu hộp sọ
trên tay chuyền một chuyền hai
             (Làng)

Cội rễ anh vươn mắt em nhìn tươi tốt
Từng đọt mầm phun hơi ấm lòng đất ướt
từ hơi thở làm bầu trời đổi khác
từ khoảng không được quyền kiến tạo đám mây
             (Bài hát mùa màng)

Nhưng thực ra, ở hầu khắp các bài thơ trong các tập thơ của anh đều có thể tìm thấy chiều sâu quan niệm về mối liên hệ của con người, thiên nhiên và cái gọi là “cội rễ”. Tôi rất muốn đọc thưởng thức những bài thơ này, chỉ cần đọc lên, để nghe vang vọng tiếng của tổ tiên, của cội nguồn, của những tiền kiếp tạo thành hiện tại.

Bức ảnh, trái cây và giấc mơ

Những bức ảnh thiếu sáng, những trái cây chín ép và giấc mơ rụng cánh trước cơn mưa, chầm chậm trôi ngược dòng ký ức.
Theo ngọn gió mở cánh đồng buổi sớm, ùa vào những căn phòng lẫn bụi và ánh sáng, lau mồ hôi vừa tắm gội giấc mơ.
Và như thế, cội nguồn trong gang tấc, lúc quay về là đi hết đời mình, hay chờ luân hồi trở lại kiếp sau.
Những linh hồn kia chưa kịp đầu thai, đang ngưng lại nơi không gian thờ phụng, bay lửng lơ rồi nấp vào bái vật giáo bất động.
Có ai chạy từ giấc mơ, trái cây đến bức ảnh, để nhặt được những gì mình đánh mất, nghe tù đọng từng giọt nước mắt và nhận ra sự chai lì của mỗi bóng râm.
Nơi đầu nguồn đã thay một không gian và thế hệ cỏ non đang ran ran trên đất.
Những linh hồn đứng vào góc mở ánh sáng khác, trong tiếng rên của giọt sương mới, dè dặt vụng về gõ cửa từng nguyên âm.
Nhưng khắp nơi đang bắt đầu những dòng đổ vào ký ức, cả từ bức ảnh, trái cây, giấc mơ thành giọng nói đêm qua.

Hồi sinh

Cùng rền rĩ trong mê man cơn sốt
Cho tầng lá già lênh đênh chưa kịp mục
Cho bén rễ vào thịt da những mùa ngũ cốc
Nước mắt ban mai trổ những đòng đòng.
Trên ngực bùn nâu đã linh thiêng ban lộc
Máu hồi sinh rần rật chạy qua
Thấy nghĩa địa lặn đi thành vết sẹo
Thấp thoáng người xưa tỉnh lại cấy cày .
Và nhảy múa với các hình nhân bện bằng rơm rạ
Sống động không gian chất ngất ngày mùa
Tôi gượng dậy giữa cánh đồng rộng lớn
Có con nước cường chảy dọc sống lưng

Dấu vết bình minh

Sóng sắc lẻm, đường chân trời đã vỡ
Ban mai trào lên nơi ranh giới xoá nhoà
Muôn ngàn mắt em xoay không gian lập thể
Trong hạt sương trôi căng mọng phập phồng .
Đừng trôi lại gần đám mây đẫm xăng
Dù cố giấu đi mười ngón tay có lửa
Những lưỡi gió thơm tho luồn vào lỗ tai
Ấp lên hoang sơ giấc mơ của cỏ .
Da thịt anh rộn ràng mang dấu chân em
Làm những móng tay trên đất càng vang vọng
Mỗi đốt xương muốn rời ra ngân lên bộ hơi
Ngỡ có đôi môi trên đỉnh đầu đang thổi.

Bến cuối

Cánh cửa bật mở. Người người gắn chặt vào tổ tiên trong những tảng băng trong suốt. Mọi chuyển động dừng lại tại thời điểm khởi hành. Quá khứ bắt đầu gầm rít quanh đời sống đã chết. Tất cả bị ướp đông trong hơi lạnh nhân tạo. Ướp đông tiếng nói vụng trộm. Ướp đông căn bệnh mãn tính. Ướp đông giọt mực gắn chặt ngòi bút vào trang giấy, chén rượu đưa lên vĩnh viễn cách môi. Nắm đất ném lên trời không bao giờ trở lại. Mặc người nói lắp đã không qua nổi chữ “”...
Bóc dần từng mảng thời gian. Quá khứ nhập vào đến đâu, những thân xác nóng lên đến đó. Và kiêu hãnh từ từ.

Dấu vết

Bức tường và cánh cửa vẫn đóng. Làn hương lao về phía tôi tìm cửa thoát hiểm cuối cùng. Đập vỡ khuôn mặt thủy tinh hương thơm đào thoát vào trong, qua những khoảng tối nhốt đầy kỷ niệm... Từng quả trứng nở bung dị ảnh, thoáng bóng cô hồn vào ăn cỗ cưới, ai thắp đèn đuổi ma trong cây, tiếng khóc dạ đề huơ trên đống lửa... Tôi trong quầng sáng khó phân định, dính chặt vào loa phóng thanh đầu xóm mùa lũ. Bàn tay nước giờ đã khô còn mắc kẹt trong khe cửa. Không xa là hàng rào thưa. Không xa là đàn rêu đến kỳ sinh nở. Những làn hương thanh tao bầm dập cùng đổ về trong cơn lốc phân định lẽ phải cuối cùng. Nhưng tiêu chí chúng đặt ra quá đỗi mơ hồ nên chẳng bao giờ tìm được chân lý, tốt hơn hết chỉ còn cách đào thoát. Dù đào thoát về hướng nào, bằng cách nào cũng không giấu nổi dấu vết. Trong sổ tay những đoàn khảo sát chúng sẽ được gọi đích danh bằng thuật ngữ La-tinh.

Khi Mai Văn Phấn tuyên ngôn trong thơ: “Muôn năm con người! Muôn năm thiên nhiên!” hay giãi bày trong đời: (…) các nhà thơ lần theo thơ ca nhằm khai mở tiếng nói mới, hoặc tìm lại âm sắc thuở hoàn nguyên đã mất.“; “(…) thơ ca còn tìm cách đặt tên lại sự vật, định hình lại thế giới”; “Việc sáng tạo thi ca gần giống trạng thái bàng hoàng của một đứa trẻ lần đầu được nhìn thấy những hiện tượng kì lạ của thiên nhiên và khám phá những bí ẩn, phức tạp của con người”; “Mục đích của thi ca là tạo lập một từ trường, để trong không gian đặc biệt ấy, tất cả từ đồ vật đến linh hồn đều được cất tiếng nói, được công bằng như nhau trong một trật tự mới. Những hình ảnh hiện lên trong không gian ấy là cánh cửa mở ra tương lai hoặc tìm về với quá khứ, hoặc tất cả cùng đồng hiện và đồng hành trong những thời khắc đặc biệt” (Trả lời tạp chí Thi Bình) thì vẫn là một con người-thơ Mai Văn Phấn: anh “đi tìm”, chứ không phải “tìm về”, truyền thống như một con đường riêng biệt để sáng tạo thơ ca. Không thể hiểu cái gọi là “truyền thống” ấy một cách đơn giản, và hành trình của anh càng không đơn giản. Cao vọng về một không gian sinh thái – mái nhà cũng là cao vọng về một không gian thơ rộng lớn mà thân thuộc, mở ra từ truyền thống, nhưng không phải truyền thống lưu cữu trong các quan niệm mòn sáo, mà là truyền thống được làm mới từng ngày. Nhưng gọi tên truyền thống Việt đâu dễ dàng! Thành ra cuộc đi tìm của Mai Văn Phấn cứ như một nỗ lực không có đích, lại không nhiều đồng vọng nhất là trong không gian phân mảnh của thơ đương đại.

***

Tôi không bao giờ thích nói hay nghĩ về sứ mệnh của một thi sĩ, nhưng câu hỏi này vẫn được đặt ra: Nhà thơ thuộc về đâu? Phải chăng cả khi anh/chị ta không thuộc về đâu cả, anh/chị ta vẫn thuộc về một nơi nào đó, một bầu khí quyền, một không gian sinh thái? Đặt ra câu hỏi này, tôi đã tự tìm cách hóa giải những cảm giác ban đầu của tôi về thơ Mai Văn Phấn mà tôi xin chia sẻ như một cách tạm khép lại bài viết còn nhiều dang dở này.

Trong 9 tập thơ của Mai Văn Phấn đã xuất bản, tôi tiếp xúc trọn vẹn 5 tập: Gọi xanh, Vách nước, Hôm sau, và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che và cuốn Tuyển Thơ Mai Văn Phấn dạng bản thảo mà tác giả gửi đến. Cái cảm giác của tôi, như một người đọc, gần như bị thử thách: không phải thử thách vì đứng trước một dòng thác quá lớn, quá mãnh liệt làm mình choáng váng, mà bị thử thách vì cái đẹp của một cánh đồng mênh mông, nơi tôi quen thuộc tuổi thơ, nhưng lại không nhiều quyến rũ với một tâm hồn trẻ tuổi. Tôi vốn ưa những thứ kì bí lạ lùng, hay cực độ dữ dội. Thơ Mai Văn Phấn hay, nhưng không phải cái hay đập ngay vào cân não tôi, làm tôi hoảng hay tim đập mạnh. Nó là cái hay nhuần nhị của trí tuệ và xúc cảm, buộc phải đọc lặng lẽ, kiên nhẫn, phải cảm và phải mở rộng cảm xúc của mình để cảm, để trải nghiệm. Nó không dễ, dù không khó, ngay cả ở những bài, những câu, những hình ảnh, thi tứ tưởng như “dễ chịu”, hiền lành. Chính bởi thế suốt nhiều ngày, tôi như kẻ bế tắc trong việc tìm ra một cách đọc tương thích, nhất là khi tôi không thể chỉ lấy cái cảm nhận chủ quan, tôi không biết phải bắt đầu thế nào để vào được khí quyển thơ Mai Văn Phấn, một không gian luôn rộng mở đón đợi người đọc đồng sáng tạo nhưng lại không dễ dàng để gọi tên cái “khí” của một người thơ miệt mài, nhẫn nại, trong lành và nhiệt huyết như Mai Văn Phấn?

Ở một góc nhìn nào đó, về tính chất thời đại trong thơ hay quan hệ của nhà thơ với thời đại, Mai Văn Phấn dường như tách ra khỏi mối quan tâm về những chủ đề đang “nóng” của thơ ca, như giới, chủng tộc, màu da, phản kháng chính trị… Anh như thể giữ gìn quá cẩn trọng màu xanh thanh khiết trong tâm hồn và thơ của mình. Vậy thơ Mai Văn Phấn có xa lạ với thời đại không? Hóa ra, khi đọc và đọc lại nhiều lần, dù không phải tất cả thơ anh, và nỗ lực lần theo cách anh tìm ra con đường sáng tạo của riêng mình, tôi bỡ ngỡ phát hiện ra một Mai Văn Phấn khác, một Mai Văn Phấn thậm chí “cực thời đại”. Phản tỉnh về cách ứng xử kiêu ngạo trước thiên nhiên, coi mình là trung tâm muôn loài của con người, những cách ứng xử sẽ dẫn đến hủy diệt, Mai Văn Phấn không bi ai, không hoài nhớ chìm đắm, cũng không tuyên ngôn cực đoan về sinh thái như là trung tâm (ecocentric) mà nỗ lực tìm kiếm các dấu vết của kí ức để mở ra một viễn tượng về tương lai. Không quan tâm các vấn đề thời thượng, nhưng Mai Văn Phấn đã tìm ra được mối liên hệ với thời đại, với vấn đề toàn cầu theo hướng đi của riêng mình. Định vị lại, tìm kiếm sâu hơn các tiềm năng ngôn ngữ con người trong một thế giới không chỉ có con người, mà rộng lớn hơn, đó đâu phải một vấn đề nhỏ bé?

Hóa ra, ở Mai Văn Phấn, nỗ lực hiện đại hóa thơ ca, nỗ lực tìm kiếm các kinh nghiệm ngôn ngữ mới luôn đi kèm với nhu cầu nói lên tiếng nói phản tư về xã hội và con người, để tham dự như một nhân tố tích cực. Ở anh, cái gọi là Tiền Phong cũng không bao giờ là một phạm trù mĩ học tự trị, thuần túy mà không tách rời mối ưu tư thường hằng về đời sống và vũ trụ, trong đó có sự quan tâm tới những cái bình thường nhỏ bé nhất. Mối quan hệ tương tác giữa con người và tự nhiên trong thơ Mai Văn Phấn, ở chỗ này là hòa nhập trong im lặng, lúc khác là sự nổi loạn bức bối của đồ vật… nhưng bao giờ cũng ngầm sâu một đề xuất về một cách nghĩ mới về mối quan hệ của con người và thế giới phi nhân. Con người không thống trị và sở hữu thiên nhiên, mà hiểu biết về sự nhỏ bé, sự mong manh hư huyễn của chính mình để lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên. Đó là một vẻ đẹp có tính chất đạo đức trong thơ Mai Văn Phấn.

Vậy, nếu nhìn nỗ lực để thiên nhiên cất lên tiếng nói và đặt lại tên của Mai Văn Phấn là một cuộc “cách mạng xanh” trong thơ, thì bản thân thơ Mai Văn Phấn cũng có thể coi là một cuộc cách mạng xanh. Trong nỗ lực của kẻ tìm về truyền thống – vốn dễ bị dán lên những từ như bảo thủ, rác rưởi, cũ mòn, Mai Văn Phấn đã tìm ra một cách đẹp để giải phóng chính mình khỏi áp lực của truyền thống, khẳng định sự tự do thực sự của thơ ca. Mai Văn Phấn đi theo con đường của người làm thơ lần tìm cội rễ, trở lại nằm áp tai xuống đồng đất để nghe vị cỏ râm ran da thịt.

Bắt đầu từ thế kỉ XIX, phê bình văn chương trở thành một lĩnh vực chuyên nghiệp, tách rời khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Hơn một thế kỉ sau, vào đầu thế kỉ XXI, xu hướng liên ngành dường như là thích hợp hơn với sự đa phương hóa các quan niệm. Từ đây, sự kì vọng vào cái gọi là nghệ thuật thuần túy có thể lại tồn tại như một dạng thức hoài niệm. Chính vì thế, mối quan hệ giữa văn chương và môi trường có những thay đổi quan trọng, từ chỗ môi trường vốn bị đứng sau văn chương như một thứ phông nền nay thậm chí muốn nổi lên ở bình diện thứ nhất, thành đối tượng trung tâm, đã đành, nó còn thành một thực thể sống động mà ở đó, môi trường buộc con người phải quay lại nhìn lại chính mình và nhìn lại thế giới xung quanh. Sự vị kỉ nhân trung luận nhường chỗ cho sự thương thỏa với không gian và thế giới phi-nhân. Tất nhiên, nỗ lực của các xu hướng, các học thuyết, những niềm hứng khởi mãnh liệt bao giờ cũng đi từ chỗ cực đoan, đơn giản và phiến diện tới sự đa dạng hóa, khả năng khắc phục những quan niệm sơ sài để trở nên phong phú và giàu có hơn. Cách nghĩ với tự nhiên phải thay đổi, để đảm bảo cho sự chung sống hài hòa. Đó là một viễn tượng tương lai của xã hội mà nghệ thuật, tưởng chừng chỉ nỗ lực vươn tới cái đẹp, cái hài hòa tự nó, đã trở thành một tác nhân tham dự theo nghĩa nào đó. Và từ đây, trong sáng tạo và nghiên cứu văn chương, có những không gian khác mở ra, cho những thảo luận xa hơn về nghiên cứu thơ và sinh thái ở Việt Nam.

Nhưng dù mọi cách đọc, cái còn lại với một người đọc thơ là được tận hưởng những câu thơ hay. 

11/5/2011
NHÃ THUYÊN

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công,
Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011).

______________________________
 1. Greg Garrad – Ecocriticism – Routledge, 2004
2. Karen Thornber – Ecocriticism – Tài liệu của Viện Văn học, 2011
3. Karen Thornber - Ecocriticism and Japanese Literature of the Avant-Gardehttp://interlitq.org/issue8/karen_thornber/job.php
4. Kate Rigby – Ecocriticism – trong Introducing criticism at the 21st century, Julian Wolfreys (ed), Edinburgh University Press, 2002
Trong bài viết Ecocriticism and Japanese Literature of the Avant-Garde (Phê bình sinh thái và Văn chương tiền phong Nhật Bản), giáo sư Karen Thronber, một chuyên gia về phê bình sinh thái, Đại học Harvard đã dùng từ “nonhuman” để chỉ cả các thành tố sinh học hữu cơ và vô cơ như đất, nước, không khí, từ “human” để chỉ tồn tại con người và cả các cấu trúc nhân tạo vật thể và phi vật thể, bao gồm công nghệ như là các công cụ của con người. Ở đây, tôi dùng từ “thế giới phi-nhân” và “thế giới con người” theo cách cắt nghĩa này. Xin xem bài viết tại: http://interlitq.org/issue8/karen_thornber/job.php
Xin xem bài viết của Karen Thornber dẫn ở trên, trong đó, bà dùng phê bình sinh thái như một góc nhìn để tiếp cận văn chương tiền phong Nhật Bản (với tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Kobo Abe và một tuyển tập các bài thơ về bom nguyên tử của Nhật Bản). Bà cũng đã sang Việt Nam trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế 2011 "Tiếp cận văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội". Tại Viện Văn học, bà cũng đã có buổi giảng giới thiệu về Ecocriticism. Hiện tại, bài viết này chưa có ấn bản online.
Cách hiểu về ecopoetry/ecopoems/ecopoetics có những khuôn khổ ít nhiều khác biệt giữa các học giả, liên quan tới cách khu biệt các sáng tác được gọi chung là environmental writing/ nature writing; Tuy nhiên, trung tâm của ecopoetry (thơ sinh thái) vẫn là mối quan hệ của thơ và tự nhiên, được khơi gợi cảm hứng mãnh liệt hay đưa ra các thông điệp về sinh thái. L. Buell (1995) trong cuốn Enviromental imagination: Thoreau, Nature Writing and the formation of American Culture, London: Princeton University Press, đã đưa ra bốn tiêu chí cho nature writing của Mĩ, xin tạm dịch: 1. Môi trường phi-nhân hiện diện không phải chỉ như một phương tiện khung cảnh mà như một hiện diện để bắt đầu đề xuất rằng lịch sử con người không tách biệt với lịch sử tự nhiên; 2. Mối quan tâm về con người không được hiểu là mối quan tâm hợp thức duy nhất; 3. Trách nhiệm của con người với thiên nhiên là một phần của khuynh hướng đạo đức của văn bản; 4. Ý nghĩa của môi trường được hiểu như một tiến trình chứ không phải một ý nghĩa cố định hay chỉ ngầm ẩn trong văn bản.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...