Nhà văn Ngô Tất Tố
Một thế kỷ dày
đặc các sự kiện, các biến động, các đổi thay, các bước ngoặt trong đời sống vật
chất và tinh thần, trong văn hoá, văn học, nghệ thuật... mà phần xuyên suốt, liền
mạch, không ngắt quãng của nó là hai nhu cầu lớn và khẩn thiết: công cuộc
canh tân đất nước và cách mạng dân tộc - dân chủ chúng ta đã hoàn thành; công
cuộc đổi mới và cách mạng theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang
theo đuổi. Đó là hai nhu cầu xen cài vào nhau, chuẩn bị cho nhau, làm tiền đề
cho nhau, cùng điều chỉnh, cùng phát triển. Ở mỗi nhà văn lớn như Ngô Tất Tố,
phần giá trị tác phẩm của họ là nhằm đáp ứng được một nhu cầu, hoặc gắn được một
cách trực tiếp hoặc gián tiếp, gần hoặc xa hai nhu cầu ấy. Đưa văn chương vào
quỹ đạo các vấn đề xã hội, trong đó nổi lên cực kỳ gay gắt vấn đề áp bức và bóc
lột, vấn đề quyền sống và sự an toàn của con người, vấn đề sống còn của dân tộc - đó là vấn đề bức xúc, dồn tụ suốt
nửa đầu thế kỷ và đạt đỉnh điểm, để đi tới giải pháp ở thời điểm 1945. Đưa văn
chương vào con đường hiện đại hoá, vào một quá trình hoà nhập với thế giới, để
cho nền văn chương ấy thoát ra khỏi tình thế phong bế, lạc hậu; góp phần cải tạo
dân trí, khơi gợi các khát vọng dân
chủ ở con người - đó cũng là một nhu cầu lịch sử cấp bức đặt ra vào đầu thế kỷ.
Nhu cầu đó tìm được cách giải quyết nhờ vào sự tiếp sức của mấy thế hệ
Nho học và Tây học, trong cả một phong trào liên tục nhằm truyền bá chữ quốc ngữ,
phát triển báo chí, hình thành các thể văn mới, giao lưu và hoà nhập từng phần
vào nền văn hoá thế giới hiện đại...
Là nhà văn hiện đại sinh năm 1893, thuộc lớp tiền bối của
số lớn nhà văn có tuổi đời thua ông trên dưới 30 năm làm nên một đội ngũ hùng hậu
vào những năm 1930 đầu 1940. Với năm sinh đó, ông đã xích gần với những tên tuổi
thuộc thế hệ giao thời như Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Hồ Biểu Chánh... Thế nhưng
trong ý tưởng của nhiều tầng lớp bạn đọc, ông vẫn là người của thế hệ mới, người
của thời hiện đại. Đi suốt chiều dài thế kỷ XX, ông không phải là người gối đầu,
người chuyển tiếp, người của buổi giao thời, mà vẫn cứ là người hiện đại. Nhà
Nho đầu xứ tinh thông Nho học, am hiểu Đông phương học ấy lại là người rất tân
thời, rất cùng thời với chúng ta, trong toàn bộ trước tác của ông với tư cách
nhà văn, nhà báo, nhà phóng sự, nhà tiểu thuyết, nhà tiểu phẩm, và bao trùm, một
nhà văn hoá, nhà học giả... Toàn bộ trước tác của ông chứa đựng nhiều mặt giá
trị. Không riêng Tắt đèn, Việc làng, Tập án cái đình nói với
ta bao điều nhức nhối trong sinh hoạt người nông dân và nông thôn Việt Nam trước
1945. Không riêng tiểu phẩm, báo chí nói với ta một đời sống với bao điều bức bối
của một xã hội đã chuyển hẳn vào guồng quay của chế độ thuộc địa. Không
riêng Lều chõng và các công trình nghiên cứu về sử, văn học sử
và tiểu thuyết lịch sử cho ta hiểu Ngô Tất Tố như một nhà văn hoá sử. Quả là vậy,
Ngô Tất Tố luôn luôn làm ta kinh ngạc, vì cách đặt các vấn đề xã hội từ các tầng
tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hoá, và vì sự nhạy cảm, thức thời,
cập nhật của thời sự, của hiện tại. Tách riêng ra, ở mỗi lĩnh vực, Ngô Tất Tố
là người viết sâu sắc, và bộc lộ hết mình. Tổng hợp lại, ông càng lớn trong những
thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc, về tri thức
và văn hoá, về văn chương và học thuật...
***
Ngót hai phần ba thế kỷ qua, tên tuổi Ngô Tất Tố trước hết
và gần như bao quát là gắn liền với Tắt đèn (1938), “một tiểu
thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là
kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy”, theo cách nói của tác giả Giông tố,
Số đỏ. Nhà văn hoàn thành tác phẩm ngay chính trên làng quê của mình, đã
đào xới vào tận cùng các tầng sâu nỗi khổ của người nông dân như trên các luống
cày của đất quê, trên số phận của những người thân kẻ sơ một vùng quê không xa
ánh sáng thành thị là mấy, mà cứ như hun hút ngập vào đêm đen trung cổ.
Tắt đèn ra đời vào cuối những năm 1930, như một
báo hiệu tức nước vỡ bờ. Chỉ dăm năm sau khi Tắt đèn ra mắt và
bị cấm, sẽ diễn ra một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc số phận người dân Việt
Nam. Nhưng nếu sự vùng dậy là quyết liệt, làm đổi đời hai mươi lăm triệu con
người thì cái giá phải trả cho sự đổi đời đó là hai triệu người gục xuống trong
một cơn đói khủng khiếp, nối dài những cơn đói triền miên trong lịch sử. Người
đói ăn rau má, củ chuối, cám bã, khô dầu, bã đậu... Người đói ăn tất cả những
gì có thể ăn, và cả những gì không ăn được, miễn là không gây chết người. Cái
“nghệ thuật làm no” bằng cách ăn đất sét, và cách pha chế nó sao cho có vị, để
nuốt trôi được, của một người làng Ngô Tất Tố trong một chuyến nhà văn về thăm
quê giữa mênh mông ngập lụt, quả là một cách chống đỡ đã nâng lên trình độ nghệ
thuật để đánh lừa cả dạ dày và khẩu vị. Ở đây là “nghệ thuật làm no”, chứ không
phải no thật. Chuyện no thật sẽ có những trang khác, như Một bữa no của
Nam Cao. Nói là no, nó vẫn cứ là một biến dạng thê thảm của cái đói, và chết vì
no là một cực khác của đói khổ và tủi hổ.
***
Hoá thân vào người nông dân nhưng Ngô Tất Tố vẫn là một
nhà Nho, một trí thức Tây học, một kẻ Sĩ của nhân dân. Ông nhìn nhân dân với
cái nhìn của người trí thức và đau nỗi đau của người trí thức, không phải cái
nhìn và nỗi đau của người đứng ngoài “Họ khổ mà không biết rằng mình khổ, âu là
mặc quách họ!” (Vũ Trọng Phụng). Người trí thức ấy có một trục đi - về quen thuộc
là nông thôn và thành thị, là Từ Sơn – Hà Nội (nay là Đông Anh – Hà Nội). Gắn với
đất quê, ông cũng đồng thời tách ra khỏi đất quê, để nhìn nông thôn chìm trong
tối tăm từ phía ánh sáng thành thị, và nhìn rộng ra những vấn đề của một xã hội
đang chuyển động giữa ngổn ngang những bất công và đói khổ, của sự phân cực
giàu - nghèo, của những nhố nhăng và thối ruỗng được che đậy hoặc không cần che
đậy. Tất cả đều có cách vào văn Ngô Tất Tố với những chạm khắc thật sắc sảo qua
hàng trăm phóng sự, hàng nghìn bài bút chiến, tiểu phẩm, trên nhiều mặt báo, và
qua hàng chục bút danh.
Nghề báo, đó cũng chính là lĩnh vực Ngô Tất Tố chiếm
lĩnh ở vị trí cao, và tác giả Ngô Tất Tố - vẫn qua nhận xét của Vũ Trọng Phụng
- là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”. Ở đây bộc lộ sự quyết liệt,
sâu sắc trong phê phán, phanh phui, lật trở các vấn đề của xã hội thuộc địa. Ở
đây vừa tiếp tục các vấn đề của bóc lột, tước đoạt, vừa bổ sung các vấn đề về
phong tục, lối sống, ứng xử của văn hoá làng xã và đô thị vào một buổi giao thời
Đông - Tây, giao thoa mới cũ. Ở đây không hiếm các chân dung phản diện trong bộ
máy chức dịch nhà nước từ thấp lên cao, được mở ra trên một biên độ khá rộng, từ
Toàn quyền, Thống sứ, Khâm sứ đến Tổng đốc, nghị viên, dân biểu, rồi các loại
nha lại, chức dịch, cường hào... Cũng ở đây hiện lên thấp thoáng chân dung nhà
văn - người không hoà hợp được với hiện thực nhưng vẫn phải tồn tại và gắn bó với
nó trong một khát khao cải tạo và thay đổi; nếu chưa phải là cách mạng, nếu đôi
lúc có sa vào ảnh hưởng cải lương thì cũng là điều khó tránh; bởi lẽ trên cái gốc
cơ bản là nhập cuộc, là yêu nước và thương dân, ông không một chút thoát ly, trốn
lánh, hoặc sa vào những tìm kiếm siêu hình.
Quả không dễ hình dung di sản báo chí đặc sắc gồm nhiều
nghìn bài ở Ngô Tất Tố nếu không thấy ở người trí thức yêu nước yêu dân này một
sự căm ghét mọi tội ác đến từ nhiều phía, sự vô nhân, và những điều phi nghĩa
trong quan hệ giữa người giầu, kẻ nghèo. Ở kho tiểu phẩm đồ sộ hơn tất cả mọi
người viết đương thời nào của Ngô Tất Tố, có thể cho ta một sự hình dung, một
bên là đời sống xã hội phong kiến - thuộc địa ở những mặt tối tăm, nhố nhăng và
bi đát của nó; và bên kia là đời sống văn chương báo chí trong thế nương tựa
vào nhau, làm nên đặc thù đời sống văn hoá những năm 1930 thế kỷ XX. Báo chí đã
trở thành cái nôi sinh thành nền học Quốc ngữ và văn chương Quốc ngữ; và văn học
đã đưa báo chí vào một trường lực hấp dẫn, sống động cho đời sống tinh thần,
góp phần thúc đẩy nhu cầu dân trí và khát vọng dân chủ của con người và xã hội.
Bên người viết văn về nông thôn, nhà văn của dân quê đằm
thắm tình người, Ngô Tất Tố còn là nhà báo sắc sảo của đời sống thành thị. Nông
thôn và thành thị, biểu trưng cho đời sống dân tộc trong một cơn chuyển động lớn
lao của lịch sử, của thế kỷ, biểu trưng cho sự giao thoa cũ và mới, của phương
Đông và phương Tây, trong tự nguyện và bắt buộc, trong giao lưu và cách bức,
trong riêng rẽ và gắn nối, trong bổ sung và tương phản, trong hoà hợp và đối
nghịch... trên chặng cuối một thời kỳ chuyển động để hướng tới một giải pháp
cách mạng, đã tìm được một cách phát ngôn, một kiểu đại diện ở Ngô Tất Tố.
***
Tư cách nhà văn hoá, học giả, người nghiên cứu dày dặn và
sâu sắc về văn hoá dân tộc nói riêng và văn hoá phương Đông cổ truyền có thể được
xem là phần cơ bản tạo nên cốt cách riêng của Ngô Tất Tố, so với nhiều đồng
nghiệp cùng thời. Ông làm sách Lão Tử, Mặc Tử, dịch Kinh Dịch,
Đường thi, nghiên cứu văn học Lý-Trần, viết sách Phê bình Nho giáo của
Trần Trọng Kim... Những năm 1930 và trước đó, các vấn đề của dân tộc và văn hoá
dân tộc đã được đặt ra, với nhiều động cơ, mục tiêu khác nhau. Có cái là nằm
trong ý đồ của chính quyền thuộc địa, nhằm phục vụ cho các âm mưu của giai cấp
thống trị. Có cái là cách tìm một lối thoát ly, độc lập với chính trị, để có một
khu vực riêng, độc lập cho văn chương, học thuật. Thời gian rồi sẽ dần dần giúp
cho sự nhìn nhận một cách công bằng các giá trị trên một sự phân tích khách
quan hơn, mối quan hệ giữa các động cơ và hiệu quả.
Xứng đáng ở nhiều tư cách, nhưng với Ngô Tất Tố, nhấn mạnh
lại tư cách nhà văn hoá, như một tư thế bao trùm, và là điểm tựa
cho mọi lĩnh vực sáng tạo ngôn từ và bồi đắp cho tư duy hình tượng, luôn luôn đạt
được độ cao sâu và các giá trị bền vững. Ông là nhà văn đứng cùng vị trí vinh
quang của nhiều đồng nghiệp cùng thời như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn
Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao... Đồng thời ông có một vị thế
riêng, ở giai đoạn 1930-1945, và cho đến hôm nay. Những đỉnh cao văn chương như
ông có người đạt được, nhưng ông còn có thêm những giá trị mà nhiều người không
có. Từ thời điểm hôm nay mà nhìn lại, một chân dung lớn, một sự nghiệp lớn trên
cả hai tư cách: nhà văn, nhà văn hóa như Ngô Tất Tố là thuộc con số hiếm.
GS. PHONG LÊ
Nguồn: Văn nghệ số 25/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét