Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

THANH TÂM TUYỀN: LÀM NHỮNG VÌ SAO ĐỔI NGÔI

“Từ năm 20-30 tuổi, Thanh Tâm Tuyền đã là một tác giả làm mới nền văn học miền Nam, các tác phẩm của ông đã tạo nên một lối rẽ cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ XX, bằng cách làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam” - Đó là lời giới thiệu của nữ nhà thơ Phan Huyền Thư về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 5 (năm 2007) tại Văn Miếu Hà Nội giữa những “cây thơ” tên tuổi của nhiều thế hệ như Nguyễn Bính, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Đạt, Lưu Quang Vũ, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Quang Thiều…
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền ngày trẻ.

Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, dù ở lứa tuổi nào, thời đại nào, vẫn cảm nhận được sự mới mẻ riêng biệt, cách cảm thấu cuộc đời dù trong thời khắc bi lụy nhất vẫn hiển hiện một tâm thức phóng khoáng, một tài thơ khó lẫn với bất kì một nhà thơ Việt nào khác. Những thi phẩm của Thanh Tâm Tuyền đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như: Bài ngợi ca tình yêu, Dạ tâm khúc, Đêm màu hồng… và nổi bật phải kể đến Lệ đá xanh đã được các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Cung Tiến và Phạm Quang Tuấn phổ nhạc. Trong đó nguyên tác bài thơ “Lệ đá xanh” được Cung Tiến giữ nguyên tựa thơ, còn Phạm Đình Chương lấy tựa cho nhạc phẩm của mình với tên gọi “Nửa hồn thương đau”, có lẽ bản của Phạm Đình Chương là được nhiều người biết hơn cả: “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa /Cho tôi về đường cũ nên thơ/Cho tôi gặp người xưa ước mơ/Hay chỉ là giấc mơ thôi/Nghe tình đang chết trong tôi/Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời/Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau/Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau/Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào/Em ở đâu? Anh ở đâu?…” (Nửa hồn thương đau).

CÁCH TÂN THƠ TÁO BẠO

Thanh Tâm Tuyền sinh ngày 13-3-1936 tại Nghệ An, tên thật là Dzư Văn Tâm. Năm 16 tuổi, ông đã dạy học tại trường Minh Tân (Hà Đông) và đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội). Năm 1954, ông hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội, cùng với Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Năm 1955, ông vào Sài Gòn. Năm 1956, mới hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền cho in cuốn sách đầu tay Tôi không còn cô độc (thơ), và Bếp lửa (văn, 1957), hai tác phẩm đánh dấu sự thay đổi diên mạo văn học miền Nam, đến thời đó vẫn còn chịu ảnh hưởng của dòng lãng mạn tiền chiến: “Cửa sổ trời những mắt chưa quen/trán hoang đồng cỏ/run đường môi kỷ niệm/đi qua những thành phố đầy tim/cười đổ mưa một mình/trái tim ngọn lửa xanh/áo mùa đông/ngón tay út ngây thơ nền vải/buổi chiều/quá lạnh những hàng chấn song/đã yêu nhau muôn vàn mái nhà/những người vô tội chối từ khí giới/chấp hai lòng tay lò sưởi/không nỡ làm rối mi mắt khép/gửi một tiếng cười và mùa thu/và một lá thư học trò” (Của em - Tôi không còn cô độc, 1956).

Thật thú vị khi biết rằng bài thơ được viết từ những năm 50 của thế kỉ trước lại có những thi ảnh hiện đại, gợi mở với cách diễn đạt phóng khoáng, tự do đến thế! Nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh nhận xét: “Với Nguyên Sa, thơ tự do là thơ phá thể, trong khi Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn, thơ hôm nay không dừng lại ở thơ phá thể, thơ hôm nay là thơ tự do mà cao điểm sẽ là thơ văn xuôi.” Còn nhà phê bình Đặng Tiến thì nhận định: “Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ: loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra “ diễn ca “, còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới.” Nhiều người tưởng rằng thơ không vần điệu hoặc thơ văn xuôi mới xuất hiện gần đây, thực ra từ những năm 1950, Thanh Tâm Tuyền đã quyết liệt cách tân để thơ được trình bày đến độc giả một cách tự nhiên nhất nhưng cũng đầy cảm xúc tinh tế của ngôn từ.

MỘT VÌ SAO CÔ ĐỘC

Để bước đi trên con đường sáng tạo riêng biệt, người nghệ sĩ thường trở nên một vì sao lẻ loi giữa bầu trời sao để lắng nghe mình và tìm ra một sự tiếp cận độc lập. Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền nhận thấy thi sĩ là một người có thi cảm phong phú, giao hòa ngôn ngữ với âm nhạc và hội họa:

“Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát/sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương/em là cánh hoa là khói sóng/đêm màu hồng/Vòng tay dĩ vãng và bát ngát/chỗ yên nghỉ cuối cùng/dưới mắt sao dưới bàn chân những đứa con” (Trích Bài ngợi ca tình yêu, 1964)

Tiến sĩ Bùi Bích Hạnh - Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh nhận định: “Như một nhu cầu hiện sinh đích thực, hoàn toàn tự do, người nghệ sĩ xác lập mối quan hệ giữa tôi với thực tại, tôi với thế giới ngoài tôi, tôi và cái trong tôi. Thơ Thanh Tâm Tuyền là tiếng nói đi đến cùng bản thể để tự tháo gỡ tôi ra khỏi đường biên của hai miền cảm thức chông chênh cô độc và không còn cô độc.” Ảnh hưởng của văn chương phương Tây khá rõ nét trong tư tưởng cũng như thủ pháp nghệ thuật trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Vì thế, những người theo lối thơ truyền thống không ủng hộ lối cách tân đến mức nổi loạn của Thơ Thanh Tâm Tuyền và một số nhà thơ cùng chí hướng. Tuy vậy,Thanh Tâm Tuyền đã để lại một dấu ấn đậm nét cho thi ca Việt trong nửa sau thế kỷ XX và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ các nhà thơ trẻ sau này. Thanh Tâm Tuyền cho rằng: “Thơ không vần, không điệu, thơ xuôi nếu quả thật là thơ - nghĩa là đạt được đến ngôn ngữ mầu nhiệm không chỉ chuyên chở ý tưởng mà còn ám ảnh vang vọng mãi trong tâm hồn – thì sớm muộn người đọc cũng tìm thấy và quen dần với một thứ nhịp điệu rộng rãi phức tạp ở một trình độ nghệ thuật cao hơn đối với nhịp điệu đơn giản rút gọn…” Thanh Tâm Tuyền mất ngày 22-3-2006 tại Minnesota, Hoa Kỳ do bệnh ung thư phổi. Nhưng người đọc vẫn nhớ về ông qua những câu thơ gợi mở đa tầng trước sự biến chuyển của cuộc đời: “tôi thèm sống như thèm chết/giữa hơi thở giao thoa/ngực cháy lửa/tôi gọi khẽ/em/hãy mở cửa trái tim/tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ/trong sạch như một lần sự thật” (Trích Phục sinh).

VŨ THANH HOA
Theo BRVT

ĐỌC BÀI KHÁC:

·         NỖI OAN CỦA MÔN VĂN



HUY CẬN VÀ CÂU THƠ ỨNG NGHIỆM VÀO ĐỜI

Cách đây gần tám thập kỷ, ngày 2-2-1940, tại trụ sở của Tự Lực Văn Đoàn, 80 Quán Thánh, Hà Nội, đã diễn ra một bữa tiệc chia tay. Người ra đi là Xuân Diệu(1), thành viên gia nhập cuối cùng và là người trẻ nhất của Văn Đoàn. Lý do là ông vừa được bổ nhiệm làm Tham tá Nhà Đoan (Douane - tiếng Pháp, nghĩa là Sở Quan thuế) ở Mỹ Tho, sau khi tốt nghiệp Trường Luật thuộc Đại học Đông Dương.
Nhà thơ Huy Cận (giữa) và con trai 
- TS. Cù Huy Hà Vũ và con dâu - Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà

Người ở lại gồm tất cả thành viên còn lại cùng Huy Cận(2), người bạn tri âm, tri kỷ của "chàng Xuân" và cũng là "chuẩn thành viên" của Văn Đoàn. Tiệc tất có rượu và những người tham dự tất trở thành "tiên ông", dù nhiều dù ít. Thế rồi "rượu vào lời ra". Có điều các "tiên ông" ở đây đều là các văn sĩ, thi sĩ nổi tiếng bậc nhất nên không có gì lạ là "lời ra" này là một bài thơ.

BÁT TIÊN QUÁ CHÉN

"Bỗng dưng thi sĩ hóa tây Đoan
Nửa mặt nhà văn, nửa mặt quan
Chén rượu tiễn đưa thơ khó nghĩ
Nỗi niềm cách biệt ý khôn toan
Hôm nay nhớ bữa chia bùi ngọt
Lát nữa còn vui cảnh tóp chan
Ví thử anh em đều xuất cả
Còn tuôn ra lắm mạch thơ gàn…"

Nghĩa là chỉ bốn năm sau khi xuất hiện trên văn đàn, chứ không phải đợi "cái quan định luận", Huy Cận đã đĩnh đạc ở "Bàn Nhất" của Thơ Mới.

Hoàng Đạo mở đầu, tiếp đó là Nhất Linh, Thạch Lam, Huy Cận, Thế Lữ, Tú Mỡ, Khái Hưng và Xuân Diệu. Trong bài thơ này, câu hay nhất chắc chắn là "nửa mặt nhà thơ nửa mặt quan" của Nhất Linh, vị thủ lĩnh của Văn Đoàn. Thế nhưng trên thực tế câu thơ này không ứng với Xuân Diệu là mấy, vì chỉ sau hai năm, cuối năm 1942, Xuân Diệu đã từ cái chức "quan thuế" ấy và trở về Hà Nội sống cùng Huy Cận, khi đó đã đậu kỹ sư canh nông và bắt đầu đi làm ở Sở Nghiên cứu Tầm tang để có điều kiện tiếp tục làm thơ và làm Nhà xuất bản Huy - Xuân. Cả quãng đời sau này làm việc cho chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có 15 năm làm Đại biểu Quốc Hội, Xuân Diệu cơ bản hoạt động với tư cách nhà văn. Ngược lại, "Nửa mặt nhà thơ nửa mặt quan" lại rất nghiệm với bạn ông, Huy Cận.

Huy Cận lần đầu tiên đến với bạn đọc khi bài lục bát Chiều Xưa của ông được đăng trên số Tết 1938 báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn. Hai năm sau, 1940, thi sĩ họ Cù đã có tập thơ của riêng mình, Lửa Thiêng, do Nhà xuất bản Đời Nay cũng của Tự Lực Văn Đoàn ấn hành. Hai năm sau nữa, trong tiểu luận Một Thời Đại Trong Thi Ca mở đầu Thi nhân Việt Nam, cuốn sách nghiên cứu, phê bình xuất sắc nhất về phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh viết: "Chung quanh đôi bạn Xuân Diệu - Huy Cận có vô số thi sĩ bàn nhì bàn ba…."

Nghĩa là chỉ bốn năm sau khi xuất hiện trên văn đàn, chứ không phải đợi "cái quan định luận", Huy Cận đã đĩnh đạc ở "Bàn Nhất" của Thơ Mới - một cuộc Đại Cách mạng, thậm chí là một "Big Bang" - Vụ Nổ Lớn, tạo ra một vũ trụ hoàn toàn mới cho Thi ca Việt Nam.
Nhà thơ Huy Cận (trái) và nhà thơ Xuân Diệu là những người bạn 'tri âm, tri kỷ' trong suốt cả cuộc đời.

'Chính khách thành công'

Không chỉ thành đạt trong địa hạt văn chương, Huy Cận còn thành công với tư cách chính khách.
Ngày 2/9/1945, ở tuổi 26 với tư cách Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Huy Cận đã cùng Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh và các bộ trưởng khác ký Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của Pháp rồi của Nhật. Ba ngày trước đó, ngày 30/8/1945, ông cùng Trần Huy Liệu và Nguyễn Lương Bằng thay mặt Chính phủ lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại trên lầu Ngọ Môn của Hoàng thành Huế, chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ ở Việt Nam. Như vậy, Huy Cận là "Khai Quốc Công Thần" của nước Việt Nam Độc lập và cũng là của chính thể Cộng hòa.

Kể từ "Cái buổi ban đầu dân quốc ấy" cho đến 1987, Huy Cận giữ nhiều vị trí khác nhau trong Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Canh nông kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Canh nông, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng Đặc trách công tác Văn hóa - Thông tin tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tóm lại, Huy Cận là người giữ hai kỷ lục ở cấp Chính phủ: bộ trưởng trẻ nhất mọi thời đại và thâm niên nhất với 42 năm phục vụ liên tục.

Trên thực tế thì Trường Chinh chủ động móc nối Huy Cận.

Làm thơ là "nghề tự do", tồn tại hay không tồn tại hoàn toàn do bản thân. Thơ hay thì báo đăng, nhà xuất bản in, rồi nhạc sĩ phổ nhạc; vinh dự hơn nữa, thì được lưu lại trong trí nhớ của người đời. Xuân Diệu đã nói: "Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết". Ngược lại, để làm "quan"thì phải có tổ chức, phải có êkíp, điều này thì ai cũng rõ. Vấn đề là tại sao "một người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh" (chữ của Xuân Diệu về Huy Cận trong Lời tựa viết cho thi phẩm Lửa Thiêng xuất bản năm 1940), xem ra chả ăn nhập gì với nghề "làm quan" vốn đòi hỏi phải "dữ" để thực thi quyền lực, lại thoắt trở thành "thượng thư" của nền Cộng hòa đầu tiên của nước Việt? Hỏi tức trả lời. Chính năng lực thi ca kiệt xuất gắn liền với sự nổi tiếng của Huy Cận đã đưa ông vào "tầm ngắm" của các lãnh tụ chính trị, cụ thể là của các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản.

Cha tôi kể: "Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, Tổng bí thư Trường Chinh gặp bố nói: "Tôi đã đọc Tràng Giang của anh ngay khi bài thơ xuất hiện trên báo Ngày Nay năm 1940. Đất nước trong Tràng Giang sao mà đẹp thế. Tôi nói với các đồng chí xung quanh: "Với tấm lòng yêu quê hương, yêu đất nước nồng nàn như vậy, nhất định Huy Cận sẽ đi vào con đường cách mạng để giải phóng dân tộc". Trên thực tế thì Trường Chinh chủ động móc nối Huy Cận. Khi tôi đến thăm "ông trùm tình báo" Trần Quốc Hương, tức Mười Hương (gọi là "trùm tình báo" vì Mười Hương là người tổ chức và cũng là cấp trên trực tiếp của những điệp viên chiến lược cộng sản nổi tiếng nhất trong Chiến tranh Việt Nam: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn), ông nói: "Anh Cận hoạt động bí mật rất giỏi. Tôi là liên lạc viên đơn tuyến giữa anh Cận và Tổng bí thư Trường Chinh đấy".

Huy Cận cũng được lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý ngay lần gặp đầu ở Quốc Dân Đại Hội tổ chức tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào trung tuần tháng 8 năm 1945. Cha tôi kể rằng Hồ Chí Minh thấy ông đang nói chuyện với các đại biểu khác thì ngoắc tay gọi ông lại và hỏi: "Đồng chí hoạt động ở tỉnh nào về?". Sau khi nghe Huy Cận nói ông mới hoạt động ba, bốn năm tại Hà Nội trong sinh viên, trí thức, nhất là trí thức khoa học, Hồ Chí Minh nói với ông: "Làm cách mạng thì không phân biệt người trước người sau, người hoạt động lâu năm với người mới vào phong trào, cốt nhất là có nhiệt huyết với sự nghiệp giải phóng dân tộc" (3).

Sự tín nhiệm của Hồ Chí Minh và Trường Chinh, cũng là những người làm thơ (4), giải thích vì sao Huy Cận được Quốc Dân Đại Hội bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng có sứ mệnh tổ chức tổng khởi nghĩa giành chính quyền để rồi ngay sau đó trở thành bộ trưởng của Chính phủ đầu tiên của chính thể Cộng hòa. Cha tôi nhớ lại: "Ông Trần Huy Liệu giới thiệu Huy Cận vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng với lời giới thiệu: "Nhà thơ Huy Cận, bây giờ đã "bỏ bút nghiên theo việc đao cung", xin Đại hội bầu vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng". Bỗng nhiên, ở hàng đầu có một ông dáng cao cao đứng lên nói: "Tôi không đồng ý!". Huy Cận chột dạ, chắc ông này không muốn bầu mình vào Uỷ ban. Ông Trần Huy Liệu mới hỏi tại sao, thì ông phản đối mới nói thế này: "Tôi không đồng tình với việc "bó bút nghiên theo việc đao cung"; bầu nhà thơ Huy Cận nổi tiếng vào Uỷ ban thì tôi đồng tình, nhưng mà bỏ bút nghiên là không đúng. Bút nghiên cũng là vũ khí đấu tranh cho độc lập dân tộc". Người ấy là ai? Người ấy là đồng chí Tống, bí danh của đồng chí Phạm Văn Đồng. Cả ông Liệu và tôi thở phào một cái..."(5).

Tiếp tục bút nghiên?

Thế nhưng công việc của "quan cách mạng" mà ông được bổ ngay sau đó đã không cho phép Huy Cận tiếp tục "bút nghiên" theo nghĩa sáng tác văn chương. Bù đầu vì chính quyền còn non trẻ, mọi cái đều bắt đầu từ con số "không". Chính phủ lại phải đối mặt với "tồn tại hay không tồn tại" khi phải giải quyết nạn đói làm 2 triệu người chết mà phát xít Nhật gây ra trước đó (6), đặc biệt sự chống đối vũ trang của Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân đảng thân Quốc Dân Đảng Trung Hoa, nhất là khi thực dân Pháp đã tái xâm lược (7). Quan trọng hơn cả là cái "cái tôi" đã làm nên "Thơ Mới" (8) đã không có chỗ trong "văn nghệ cách mạng"!

Bẩm sinh là thi sĩ mà lại không làm thơ được nên Huy Cận không tránh khỏi bi quan. Một đêm trăng tại một đồn điền ở Tuyên Quang thuộc ATK (An toàn khu do Việt Minh hoàn toàn kiểm soát), Huy Cận tâm sự với Xuân Diệu về bước đường làm thơ. Cha tôi nhớ lại: "Lúc đó tôi thấy làm thơ sao khó quá, mặc dù rất muốn làm, và tôi đã hơi bi quan, thầm nghĩ không biết mình có còn tiếp tục được sự nghiệp văn thơ không" (9). Điều này giải thích vì sao chỉ đến khi kháng chiến chống Pháp kết thúc thì "nửa mặt nhà thơ" của cha tôi mới dần dà trở lại.

Vậy nên Huy Cận mong Hồ Chí Minh góp ý cho tập thơ của ông âu cũng là "có đi có lại" giữa "bạn thơ" với nhau

Đó là Đoàn thuyền đánh cá (1958), Mưa Xuân trên biển (1959), Anh Viết Bài Thơ (1959), Các vị La Hán chùa Tây Phương (1960), Trò Chuyện Với Kim Tự Tháp (1962)… Giữa năm 1963, Huy Cận gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh tập thơ “Bài thơ cuộc đời” của ông mới xuất bản với mong muốn nhận được lời phê bình. Cha tôi kể rằng trong những năm kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, mỗi lúc Hồ Chí Minh làm bài thơ mới nào bằng chữ Hán, hoặc bằng tiếng Việt thì lại gọi ông đến đọc cho nghe, và bao giờ cũng hỏi có ý kiến gì góp không. Tác giả "Nhật ký trong tù" còn nhờ Huy Cận dịch bài thất ngôn tứ tuyệt "Trăng vào cửa sổ" bằng tiếng Hán và cha tôi đã diễn ra bằng bốn câu lục bát như sau:

"Trăng vào cửa sổ đòi thơ,
Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau.
Chuông lầu gọi tỉnh giấc thu,
Ấy tin thắng trận biên khu mới về."
Nhà thơ Huy Cận (phải) và phu nhân, bà Ngô Thị Xuân Như, 
em gái của nhà thơ Xuân Diệu (trái) tại Chiến khu Việt Bắc

Vậy nên Huy Cận mong Hồ Chí Minh góp ý cho tập thơ của ông âu cũng là "có đi có lại" giữa "bạn thơ" với nhau. Mấy hôm sau, Việt Phương, thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mang đến cho cha tôi một tờ giấy có một bài tứ tuyệt viết tay của vị Chủ tịch nước như sau:

"Cảm ơn chú biếu Bác quyển thơ,
Bác xem quyển thơ suốt mấy giờ.
Muốn Bác phê bình, khó nói nhỉ!
Bài hay chen lẫn với bài vừa."

Thơ trước cách mạng của anh, tôi mê, thơ sau cách mạng của anh tôi chưa mê (Lê Duẩn)

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, người cầm chịch "cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước", thì thành thật hơn. Năm 1964, khi gặp Huy Cận ở bến phà Ròn, Quảng Bình, Lê Duẩn nói với tác giả Lửa Thiêng: "Thơ trước cách mạng của anh, tôi mê, thơ sau cách mạng của anh tôi chưa mê" (10).

Còn "nhà thơ cộng sản tiêu biêu biểu" Tố Hữu, từng là Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên huấn hay "ông trùm văn nghệ" của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng, thì thốt lên "nhớ Xuân Diệu lắm!" rồi nghẹn ngào đọc "Vạn lý tình" sáng tác năm 1940 của Huy Cận, ngay trên sân khấu của Lễ kỷ niệm 100 năm trường Quốc Học Huế tổ chức năm 1996 tại Hà Nội mà tôi tham dự:

"Người ở bên trời, ta ở đây;
Chờ mong phương nọ, ngóng phương nầy.
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.
Nắng đã xế về bên xứ bạn;
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy.
Trông về bốn phía không nguôi nhớ,
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.
Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt,
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày.
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay."

Đến một "nhà thơ cộng sản tiêu biêu biểu" từng ở đỉnh cao quyền lực như vậy mà trước nhân tình thế thái (11) còn phải lấy Xuân Diệu và Huy Cận của Thơ Mới đầy nhân tính để trải lòng thì rõ là "Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi" như tuyên ngôn của đại thi hào Đức Goethe (12).

Tiến sỹ Luật CÙ HUY HÀ VŨ
Gửi cho BBC từ Virginia, Hoa Kỳ

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và thể hiện lối hành văn của tác giả, con trai Huy Cận (1919-2005), nhân đánh dấu lần thứ 100 năm sinh nhà thơ(31/5/1919 - 31/5/2019).

Chú thích:

(1) Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu, là bác ruột (anh ruột bà Ngô Thị Xuân Như, vợ Huy Cận) và là cha nuôi của tác giả.
(2) Huy Cận, tên thật là Cù Huy Cận, thân phụ của tác giả.
(3) Huy Cận - Hồi ký Song Đôi - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.

(4) Hồ Chí Minh là tác giả của Nhật ký trong tù bằng tiếng Hán; Trường Chinh làm nhiều bài thơ, trong đó có bài Là Thi sĩ, với bút danh Sóng Hồng

(5) Sách đã dẫn.

(6) Ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa xác định 6 vấn đề cấp bách mà "Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo" đứng ở vị trí thứ nhất. Bộ trưởng không bộ Cù Huy Cận ngay sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Canh Nông để giải quyết vấn đề cấp bách thứ nhất này. Kết quả là nạn đói đã được đẩy lùi.

(7) Với tư cách Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Huy Cận được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao giúp Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thực hành Quyền Chủ tịch nước trong khi Chủ tịch sang Pháp đàm phán (31/5/1946 - 21/9/1946). Cũng với tư cách lãnh đạo Bộ Nội Vụ, Huy Cận phụ trách Nha Công an vụ, tiền thân của Bộ Công an, ký Nghị định số 215/NĐ-P2 ngày 25 tháng 6 năm 1946 thành lập Trường Huấn luyện Công an, "lò" của các "lò" đào tạo công an và an ninh. Huy Cận cũng giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng chuẩn y tấn công trụ sở Quốc Dân Đảng tại phố Ôn Như Hầu và trụ sở đảng Đại Việt tại số 132 Duvigneau, Hà Nội vào tháng 7/1946.

(8) Trong "Một thời đại trong thi ca", Hoài Thanh viết: "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình của Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta say đắm cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận…").

(9) Sách đã dẫn.
(10) Sách đã dẫn.

(11) Thơ Tố Hữu thoát thai từ Thơ Mới nên Tố Hữu bày tỏ ngưỡng mộ Huy Cận và Xuân Diệu khi gặp lại hai ông sau Cách mạng tháng 8 (1945). Trong kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu viết thư nài nỉ Xuân Diệu về làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ của Hội Văn Nghệ Việt Nam (tiền thân là Hội Văn Hóa Cứu Quốc). Tuy nhiên, khi ở vị trí quyền lực từ sau 1954, Tố Hữu chỉ đạo "đánh" Thơ Mới nói riêng, văn chương trước Cách mạng tháng 8 nói chung nhằm khẳng định vị trí độc tôn của "thơ văn cách mạng" mà ông là biểu tượng. Trước thực tế phũ phàng ấy, Xuân Diệu đã phải thốt lên: "Một số tác phẩm đã đạt tới một mức nghệ thuật nào và đã có một khuynh hướng tiến bộ so với hoàn cảnh thời đó, thì vẫn còn lại một giá trị văn học nghệ thuật. Hoàn toàn vứt cả, coi nó là "dưới Zê-rô", là không có quan điểm lịch sử trong phê bình" (Xuân Diệu - Những bước đường tư tưởng của tôi - NXB Văn hóa 1958). Thời gian này tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội nơi Tố Hữu ở luôn có một đơn vị công an vũ trang túc trực và khách thì nườm nượp. Sau khi Tố Hữu bất ngờ bị loại ra khỏi quyền lực tại Đại hội Đảng lần thứ 6 tổ chức năm 1986 mà trước đó ông được dự kiến nắm chức Tổng bí thư, nhà ông không còn lính gác và khách xưa hầu vắng bóng, trên sân xào xạc lá táo vàng rơi. Huy Cận cha tôi thỉnh thoảng vẫn lại thăm Tố Hữu, có đưa tôi theo cùng.

(12) Bài thơ "Cây đời mãi mãi xanh tươi" và bài tiểu luận "Và cây đời mãi mãi xanh tươi" in trong tập tiểu luận cùng tên của Xuân Diệu lấy cảm hứng từ tuyên ngôn này của Goether.


ĐỌC BÀI KHÁC:

·         NỖI OAN CỦA MÔN VĂN


Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

NHÀ THƠ HOÀNG HƯNG ĐI TÌM MẶT

Anh gan se ruột thắt
Sao ai nỡ dày vò
Đến nhàu nát hồn thơ?
Hai nhà thơ Hoàng Cầm và Hoàng Hưng

Nhớ dạo ấy Hoàng Hưng ỳ ạch thúc con Ngựa biển[1] vào đời ngỡ như mặt mình. Được một lúc thì anh ngớ ra, thấy như không phải – Thế là anh trốn biệt. Đến sáu năm, anh lại tự giới thiệu, Hoàng Hưng đây Người đi tìm mặt[2]. Vì cái tên cuốn sách như một lời mời gọi, vẻ như e lệ, ngỡ ngàng và trăn trở, ngơ ngác, tôi bỗng hoá người đi tìm – theo anh và cùng anh. Có lẽ anh vẫn ngờ ngợ, chả biết cái mặt mình nó nấp ở chỗ nào trong cuộc sống vô cùng rắc rối và lắm mặt này, nhưng có lẽ tôi, khi đọc đi đọc lại năm bảy lần cuốn sách vuông mỏng mảnh y hệt cái mỏng mảnh của mỗi kiếp lụỵ, nặng nợ – càng nặng nợ hơn so với người bình thường khác vì chót đa mang cái nghiệp thơ vốn dĩ chẳng mấy khi xuôn xẻ – thì, chợt tôi thấy hoá ra mình với anh ta là đồng bệnh. Xưa, người ta nói đồng bệnh tương liên, bây giờ trước những trang thơ quằn quại này, tôi xin nói: “đồng bệnh tương… tầm!” Không phải “tầm chương trích cú” mà đúng là tầm… tìm dung nhan, hay tìm chân dung thì phải. Vì lẽ đó, trong nội dung bài viết này, tôi không đụng đến những bài gọi là “thể nghiệm” của một nhà thơ đang băn khoăn nhiều về thi pháp. Tôi chỉ nói về “nỗi niềm thơ” của Hoàng Hưng mà thôi.

Khổ! Con người ấy rời ghế nhà trường, bước vào đời đã tự nguyện chấp nhận sóng gió cơ mà, ừ, thì đấy, cứ tung lên quật xuống đi! Chấp nhận rồi mà nào được yên thân làm một chiếc lá rách! Thà làm một anh kí phán “sớm vác ô đi tối vác về” có tí đồng lương nuôi vợ nuôi con! Nếu thế thì đã đi một nhẽ. Khốn khổ! Lại đeo đẳng cái nghiệp thơ quái ác, anh ta cứ phải tìm đến những bậc cha anh từ bao nhiêu thế kỉ, từ tám chín phương trời. Chịu khó học, để rồi trăn trở với châu ngọc bọc trong chắt lọc tinh hoa cười khóc, niềm yêu thương đùm bọc từ ngàn hương hoa ngát đến chân tơ kẽ tóc của thi ca mới ân cần quyến rũ làm sao! Không thể, sau mỗi lần vấp ngã, mỗi trận đòn đau mà dứt được nghiệp dĩ! Phải viết để phơi gan, giãi óc trước cuộc đời mà anh yêu, lắm phen yêu đến cuồng nộ khi chẳng may cái mình yêu lại trở mặt phũ phàng với mình.

Quá yêu nên mới mải mê tìm – tìm một hình thù giải đáp. Trước cái vô cùng của vũ trụ, cái cực nhục của mỗi kiếp người, anh cứ hỏi, hỏi từ quá vãng đến mai sau, từ sợi cỏ may đến cái nền đá trắng lạnh, nào, mình là ai đây, là thế nào đây ? Cuộc sống trong muôn mặt của nó đến từ đâu, sẽ đi đến đâu?

Chẳng có một lời giải đáp. Cả đến Chúa trời cũng im như không có Chúa

Không có Chúa cho người xưng tội
Chỉ chờ xem trừng phạt lúc nào?

Gần anh nhất, thương anh nhất chỉ có vợ, là Em. Đọc thật chuẩn là Em Mờ, dẫu thương anh, Em cũng mịt mờ trước số phận:

Em linh cảm suốt một đời dằn dọc
Em bận tâm giải nghiệm những chiêm bao

Thế thì còn ai nữa? Có khi Hưng đành thôi, phó mặc trời đất, hơi đâu mà luẩn quẩn – Thà cứ xếp bằng như Đức Phật ngồi tù.

Nói thế chứ, làm sao thoát được những cơn đau quái ác vì còn phải sống, còn phải, lúc cần, quăng hết bản thân mình, để nuôi dưỡng những bản thể khác mà anh yêu lắm. Nhưng:

Kiếp này anh lại vụng
Có còn kiếp khác không em

Hưng thương người Em Mờ ấy quá, lắm lúc không biết đến thân mình nữa:

Tay quờ sang Em
                           Ngày buồn ăn cả vào đêm
                           Em ngồi như núi lặng im mà buồn

Cái kiếp Hưng nó nặng nghiệp oan gia. Chỉ mong nói ra được. Như con chó đen trong đêm gừ gừ, âm ấm sùng sục cái

Nỗi ngứa ngáy tiền kiếp
Phát điên vì không nói được

Có một thời, không biết Hưng ở cõi nào về với gia đình, mà đến nỗi… vợ khóc một đêm, con lạ một ngày, đến nỗi… bước vào cửa người quen tái mặt, thậm chí giật mình… một cái vỗ vai.

Xa nữa, có một thời… Dạo ấy, Hưng còn trẻ lắm mà: Một trăm bạc rượu tới Thiên đường – Tới thiên đường mà sao dễ thế, và rẻ thế! Anh mới tuổi ba mươi bỗng có một đêm, trên thiên đường ấy, anh đã “mất tân vì cô điếm ế”.

Đời sống đã làm anh hoá đá, nhưng vì anh còn là một đấng người, lại thêm: đấng–người–thơ, nên dù hoá đá thì vẫn biết rùng mình vì một hạt mưa.

Anh đã sống một thời gì mà:

… gần đất xa trời
Ngủ là xum họp với người cõi âm
Tỉnh ra là chết âm thầm

Cái kiếp hoàn toàn bất hạnh. Chả biết từ đâu, bất hạnh cứ dội xuống như mưa đá. Nhưng, tôi biết nếu không có phương tiện nói ra – nói ra được là nguôi được – thì sao đây ? Điên ư ? Hay phá phách đời mình ư ? May cho Hưng là còn có Thơ để giải oan khiên u uất của mình lên trang giấy ấm áp tình Người. Người viết hoa, mà anh tin và gửi gắm nhiều hi vọng.

Thế thì tại sao có đôi ba người nào đấy cứ tỏ ra bực bội khó chịu khi Hưng tự bộc bạch? Phải thiết tha với cuộc sống lắm, tôi nhấn mạnh: cuộc sống của dân tộc, của nước Việt Nam yêu quý – mới biết kêu lên để tồn tại, để làm việc gì đấy hữu ích cho đất nước. Nếu không thì tự cho mình một viên đạn vào đầu lại dễ. Sống được, thật khó. Hưng đã can đảm chấp nhận và kêu lên nỗi đau của chính mình – có thể là của vợ con mình, kêu giùm người khác nữa. Thiết nghĩ đó cũng là cái quyền sống sơ đẳng của một con người. Dẫu ghét anh ta đến mấy, ta cũng nên thừa nhận cho anh Hoàng Hưng cái quyền nhỏ nhoi và đau đớn ấy chứ?

Phải nói, từ Ngựa biển đến giờ, tôi cũng được đọc ít nhiều tập thơ của các bạn ít tuổi hơn, cách mình một hoặc hai ba thế hệ – đến Người đi tìm mặt thì, với số lượng quá ít ỏi nước mắt, (tuổi già giọt lệ như sương ấy mà) tôi đã khóc được đôi lần. Khóc được thì nhẹ người. Vì cũng đã lâu, đến tập thơ này, tôi bắt gặp nhiều câu thật hay, thật hiện đại mà vẫn bình dị trong truyền thống cảm nghĩ Việt Nam. Hình tượng: Chiếc phi cơ ra đi trong đêm rồi người thơ hỏi vào không trung:

Biết về đâu mà rơi

cứ làm tôi se lòng thắt ruột. Khổ! Ấy vậy đấy! Số phận một con người trước vô cùng trời đất và sâu thẳm lòng người.

Ngày ấy mắt em xanh
Yêu anh mắt em bạc vì nước mắt

Những câu thơ đơn côi, không ra khỏi lòng tôi được nữa

Cái mùi mồ hôi nước hoa
Đêm nhiều hang ổ mà ta một mình

Tôi đã ứa nước mắt, do một câu thơ Hoàng Hưng hay đến sững sờ, đến ngơ ngác:

Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ
Chỉ còn mưa mùi nước mắt đêm

Chẳng biết cái gì đã thúc đẩy anh vào một cái rãnh chật, cạn nước chỉ còn bùn. Anh quẫy cựa. Anh sã cánh, tơi tả hết lông cánh như bị nhốt trong cái lồng bê tông vài mét khối. Anh thấm thía nông nỗi ấy đến

Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một tập thơ căng mọng sự thật. Mỗi chữ  mỗi dòng đều từ  sự thật mà ứa ra, bật ra, bung ra. Những con chữ vỡ, nổ. Để, thật ra, qua tập thơ này, Hoàng Hưng đã tìm thấy mặt mình tuy anh không dám nhận, không phải vì khiêm tốn, mà anh rất thật lòng, cảm thấy mình chưa vẽ được trọn vẹn chân dung mình, anh thú nhận:

Quên ngay từng bước vừa đi
Không biết chỗ bàn chân đặt tới

Vì Hưng này không đếm sang đến B. Từ A anh đi quanh quẩn mãi chỉ tìm thấy A rồi lại trở về A. Như toán học thì người ta viết A, A’ rồi A”. Hoàng Hưng là thi sĩ tìm nỗi Đau, ta viết tắt là Đ; anh chỉ tìm thấy Đ và anh lại luẩn quẩn phát hiện ra nỗi đau tiền kiếp. Như Đ, Đ’ rồi lại đến Đ”.

Đó là nỗi trằn trọc, băn khoăn, day dứt vào nửa cuối thế kỷ XX mà sau hai cuộc tổng chiến khủng khiếp, tưởng là sau những Postdam, những Nuremberg, Paris, những Genève…sẽ yên ổn cả hoá ra… Chao ôi !

Thơ đi tìm mặt Thơ đây
Khiếp thay mặt đất! Khổ thay mặt mình!

Một cuộc tìm kiếm cũng bất tận. Kết thúc sẽ là hư vô. Anh biết trước như vậy, nhưng anh vẫn muốn xông vào hư vô nữa mà tìm. Có nhà thơ đã nói:

Tôi bắt đầu đi, nghĩa là tôi đã đến

Nhưng “đến” để rồi làm gì? Có lẽ rất ít thi sĩ nào trên quả đất này lại “dừng” để hưởng thụ cái thành đạt – dẫu rằng lớn lao – của một tập thơ, kể cả một đời thơ. Ngay từ lúc sống, có lúc anh ta đã muốn đi vào cái chết để tìm xem phía sau cái chết là gì nữa cơ!

Tôi mong các bạn, trước những trang viết bằng máu và nước mắt, hãy mở tấm lòng độ lượng vị tha.

“La douleur fait les grands poètes”
 (Nỗi đau làm nên những thi sĩ lớn)

                    Alfred de Musset

Không thông cảm mà cứ đọc, trước hết là thấy thơ quái gì mà khó hiểu thế. Đã không chịu hiểu thì liền kết tội nó là “đánh đố” thậm chí là xấu nữa, (tuy mấy năm gần đây quả thật cũng xuất hiện lác đác một số bài thơ vô cảm, vô nghĩa, viết bằng lối làm xiếc chữ nhưng độc giả vẫn cần bình tĩnh xem xét và phân biệt thực hư) trong khi nó đang ngửa mặt chờ những tia mắt yêu thương đấy. Đôi khi cũng có vài ba nhà thơ sống ung dung, xe ngựa, lâu đài sênh sang, gặp toàn may mắn. Nhưng cũng chính vì thế mà mất Thơ. Còn phần lớn đều phải chịu những nỗi đời đau khổ, thậm chí oan khiên. Nếu có phải nói lên một cái gì đó thì người thi sĩ chỉ chống đỡ với nỗi đau đang cắn xé mình và chống trả cái ác đang còn làm khổ mình và khổ cả thiên hạ. Còn thì người thơ, anh ta (hay chị ta) toàn là người lành, người hiền nhất dưới gầm trời này. Nếu có nổi lên một hình bóng nào của anh (hay chị) ta thì cũng bất quá là:

Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm

                    Nguyễn Gia Thiều

Tôi mong – và điều này, từ khi văn nghệ bước vào cuộc Đổi Mới đất nước, tôi mong ngày càng có nhiều bạn cảm thông được với mỗi chữ tâm huyết của người thơ, chia sẻ với anh ấy (hoặc chị ấy) những lo toan, ưu phiền, những quằn quại trong cơn đau sáng tạo, cơn đau của người mẹ sinh nở và cùng ghé vai gánh đỡ người thơ cái nghiệp quá nặng để rồi có thể cùng anh ấy hay chị ấy đi tìm mặt mình, bộ mặt ấy là cái gì đây, là thế nào đây, sẽ ra sao đây trong cõi nhân gian còn đầy rắc rối, đầy hiểm hóc và đầy bí ẩn?

Hoàng Hưng đã đi tới một tính cách rõ rệt trong thơ. Nỗi quằn quại của đời anh, ngòi bút anh đang nói với chúng ta đôi điều mới lạ về số phận con người. Anh còn phải tiếp tục đi nữa, hoàn chỉnh nhân cách thi sĩ, nhìn thẳng vào số phận nghiệt ngã của mình và có thể của nhiều người khác nữa. Anh còn đi kể cả có lúc:

… Quên ngay từng bước vừa đi
Không biết chỗ bàn chân đặt tới.

Hà Nội, cuối tháng 4-1994
HOÀNG CẦM

Nguồn: Báo Văn Nghệ


_____________
[1] Tập thơ của Hoàng Hưng, NXB Trẻ, 1988
[2] Tập thơ của Hoàng Hưng, NXB Văn hoá Thông tin, 1993


ĐỌC BÀI KHÁC:

·         NỖI OAN CỦA MÔN VĂN


BÙI GIÁNG TRONG CÁI NHÌN CỦA CÁC NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC Ở MIỀN NAM TRƯỚC 1975

Văn nghiệp của ông dù trải qua những biến thiên của cuộc sống nhưng nó vẫn vượt qua mọi giới hạn, mọi rào cản của đời sống chính trị xã hội để tồn sinh với cuộc đời. Bởi lẽ, cái làm nên giá trị văn chương của Bùi Giáng không chỉ có ở tài năng của ông mà còn ở tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước…
Nhà thơ Bùi Giáng

1. Nói đến Bùi Giáng, người ta thường nghĩ đến một nhà thơ vừa quen lại vừa lạ. Quen vì thơ ông vốn mang âm hưởng lục bát của ca dao, của truyện Kiều, dễ thuộc, dễ nhớ, được nhiều người yêu mến, tìm đọc. Nhưng lạ, vì để hiểu đời và thơ Bùi Giáng là điều không đơn giản. Vì vậy, Bùi Giáng luôn là một hiện tượng thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả cũng như các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong và ngoài nước từ khi ông còn hiện hữu trên cõi đời cho đến lúc ông đi ra ngoài cõi sống.

Trong văn học miền Nam 1954 – 1975, đời và thơ Bùi Giáng luôn được các nhà phê bình văn học chủ tâm nghiên cứu. Bùi Giáng đã hiện diện trong các công trình phê bình, nghiên cứu văn học ở miền Nam như: Những nhà thơ hôm nay (Nhà văn Việt Nam xb, Sài Gòn, 1957) của Nguyễn Đình Tuyến; Văn học hiện đại, thi ca và thi nhân (Quần Chúng xuất bản, Sài Gòn, 1969) của Cao Thế Dung; Những Khuynh hương trong thi ca Việt Nam (Khai Trí xb, Sài Gòn, 1962) của Minh Huy; Thơ Việt Nam hiện đại 1900 – 1960 (Hồng Lĩnh xb, Sài Gòn, 1969) của Uyên Thao; Tác giả tác phẩm (Tác giả Xb. Sài Gòn, 1973) của Trần Tuấn Kiệt... Đặc biệt cùng với Trịnh Công Sơn, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến, Thế Uyên, Thế Phong, Võ Hồng, Bùi Giáng là một trong mười khuôn mặt văn nghệ được Tạ Tỵ nói đến trong tác phẩm chân dung văn nghệ có tên Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay nổi tiếng của mình do Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1972.

Và càng đặc biệt hơn khi Tạp chí Văn, một trong những tạp chí nghiên cứu, phê bình văn học có uy tín trong đời sống văn học miền Nam trước 1975 đã dành hẳn số 11 ra ngày 18/5/1973 để giới thiệu về Bùi Giáng với các bài: “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn” của Thanh Tâm Tuyền; “Thi ca và tư tưởng” của Tuệ Sỹ; “Bùi Giáng, về cố quận” của Nam Chữ; “Bùi Giáng, cải lương ca” của Cao Huy Khanh; “Bùi Giáng trên đường về cố hương” của Trần Hữu Cư; “Ẩn ngữ, cung bậc thi ca” của Thục Khưu; “Chung quanh vấn đề Bùi Giáng” của Trần Tuấn Kiệt; “Thư từ” trao đổi giữa Nguyễn Xuân Hoàng và Bùi Giáng và một số sáng tác thơ, văn của ông …

Ngoài ra Bùi Giáng còn xuất hiện trên nhiều báo, tạp chí, công trình nghiên cứu khác ở miền Nam trước 1975 mà do điều kiện khó khăn về việc tìm kiếm tư liệu, người viết bài này chưa có thể sưu tập được. Tuy nhiên qua những gì hiện có, chúng ta cũng có thể khẳng định rằng Bùi Giáng là một trong những hiện tượng văn học khá nổi bật thu hút ngòi bút của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975. Và nói như Tạ Tỵ: “Bùi Giáng là một hiện tượng, người yêu thơ phải nhìn Bùi Giáng qua phong cách độc đáo, ở đấy, mỗi dòng, mỗi chữ, mỗi ý, được viết ra là máu thịt của thi nhân dâng hiến cho đời. Thơ Bùi Giáng không thuộc trường phái nào hết. Nó không cũ, chẳng mới. Nó có thể là thơ, là tư tưởng, đôi khi thơ và tư tưởng lẫn lộn giao hòa tạo thành một vùng “mờ mịt thức mây”. Thơ Bùi Giáng như cơn đau chưa dứt, như nỗi bàng hoàng chiêm bao chợt tỉnh, để rồi lại chìm vào chiêm bao khác. Nó bâng khuâng ở mỗi vần, mỗi chữ. Có lúc, nó buồn bả như niềm tuyệt vọng! Người yêu thơ cứ phải men lần theo, như đi trên một hành lang trú ngụ. Nhiều điều bí mật. Mỗi khúc quanh lại mở ra những kỳ dị phi thường”.(1)

Nhận định trên đây của Tạ Tỵ về Bùi Giáng có lẽ cũng là cảm thức chung của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975  khi nghiên cứu về đời và thơ Bùi Giáng.

2. Buffon nói “Văn là người”. Điều đó rất đúng với Bùi Giáng. Đi vào cõi thơ Bùi Giáng tức là đi vào cõi người của Bùi Giáng. Mà cuộc đời Bùi Giáng thì phiêu bồng như thơ ông. Vì vậy, để hiểu đời và thơ Bùi Giáng có lẽ người đọc cũng phải để hồn mình bồng bềnh phiêu lãng trong cõi thơ của ông. Bởi Bùi Giáng đã từng quan niệm “Cõi thơ là cõi bồng phiêu”. Đi vào cõi thơ Bùi Giáng tức là đi vào cõi bồng phiêu của đời Ông. Vì vậy khi tìm hiểu các bài nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 viết về Bùi Giáng, chúng tôi đều thấy chất phiêu bồng này đan xen trong tâm thức và cảm quan của người viết. Thế nên, để hiểu Bùi Giáng, các nhà phê bình, nghiên cứu phải xuất phát từ nhiều điểm nhìn, nhiều hệ quy chiếu khác nhau thì may ra mới chạm đến cõi thơ và cõi đời Bùi Giáng. Bởi theo Tạ Tỵ, Bùi Giáng là người “đã đi vào chiêm bao giữa cuộc sống vì cuộc sống vừa khủng khiếp vừa nên thơ, con người không thể dùng lý luận để biện minh phải trái. Nhưng dù nói gì mặc lòng, đích thực thơ Bùi Giáng bị cái hàng rào triết học bủa vây thật chặt chẽ” (2). Và theo chúng tôi, đây chính là một yếu tính trong đời và thơ Bùi Giáng.

Nói đến thơ và đời Bùi Giáng là nói đến sự hợp hôn diệu kỳ giữa thi ca và triết học. Chính vì vậy đi vào cõi thơ Bùi Giáng, người đọc cần có một tầm đón đợi phù hợp, phải xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau cùng với một vốn sống, vốn văn hóa phong phú may ra mới thấu cảm được với hồn thơ của thi sĩ. Đây cũng là điều mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 tập trung lý giải. Bởi theo Nguyễn Đình Tuyến “Thơ Bùi Giáng được rất nhiều ca tụng nhưng đồng thời cũng gặp nhiều ngộ nhận. Đó là hiện tượng không thể tránh được đối với các thi tài lớn. Từ lâu, nhà thơ đã linh cảm những bất trắc trên đường sự nghiệp, nhưng với một khát vọng thiết tha và mãnh liệt khởi sự từ mưa nguồn chớp bể, nhà thơ vẫn đi theo tiếng gọi của nàng thơ và không thể chiều ý tất cả chúng ta”.(3)

Tuy nhiên với sự đồng cảm và tri âm sâu sắc của những tâm hồn đồng điệu, các nhà phê bình văn học ở miền Nam đã đến với đời và thơ Bùi Giáng bằng một sự trân quí, sẻ chia. Chính vì vậy, trước bao nhiêu câu hỏi của người đời về hiện tượng điên hay không điên của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền trong bài viết “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn” với tất cả sự cảm nhận, tinh tế của một thi sĩ và trách nhiệm của một nhà phê bình đã xác tín “Không. Bùi Giáng không điên, ông là một nhà thơ sáng suốt cực kỳ. Ông là một nhà thơ “ngộ”. Đừng hiểu chữ “ngộ” trong cái nghĩa đơn giản của Đạo giáo…” (4). Và chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận định này của Thanh Tâm Tuyền.
           
Quả thật, Bùi Giáng không phải là một nhà thơ điênnhư có người nhầm lẫn. Trạng thái điên “nếu có” ở Bùi Giáng chính là sự phóng chiếu của những ẩn ức, đam mê trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Và nếu nhìn từ lý thuyết phân tâm học của Freud chúng ta sẽ thấy rõ vấn đề này. Chính vì vậy, trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học miền Nam trước 1975, Bùi Giáng là một thi nhân luôn gắn với cuộc sống con người và hồn thơ của ông luôn neo đậu trong cõi người. Nếu có phiêu bồng thì đó chỉ là sự phiêu bồng của những phút thăng hoa trong sáng tạo. Nói như Cao Thế Dung: “Đọc thơ Bùi Giáng ai cũng nhận thấy có cái độc đáo từ chiều sâu thẳm trong cõi tiềm thức. Chiều sâu ấy như chiều sâu của vô cùng với khắc khoải của khát vọng từ xa vắng người mà rất người” (5). Và cũng theo Cao Thế Dung, tìm vào cõi thơ Bùi Giáng: “người ta chợt nhớ ra cái bóng dáng xa xăm của Verlaine khi bắt đầu dấn thân vào cuộc đời. Nỗi buồn của thơ Bùi Giáng tựa như âm thừa của trận mưa nguồn, của cỏ nội. Nỗi buồn dâng thiệt cao trong cơn say rồi thoát giữa hư vô để tìm lại bóng con người. Nỗi buồn ấy thấm sâu rồi lan nhẹ theo từng mảnh tâm tư trước cơn dao động của ý thức”.(6)
           
Song cõi thơ Bùi Giáng không chỉ đậm đặc nỗi buồn mà còn chất đầy nỗi cô đơn của thân phận trước những dâu bể cuộc đời. Nỗi cô đơn ấy nhiều khi ám ảnh cả đời người  mà nếu không “vịn” vào một cái gì đó để “đứng dậy” thì con người cũng dễ bị gục ngã trước cuộc sống. Trong cõi thơ Bùi Giáng nỗi cô đơn là một căn tính mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 đều nhận thấy. Vì vậy, khi nhận định về vũ trụ thơ Bùi Giáng, Tạ Tỵ đã thốt lên một cách xa xót: “Bùi Giáng thường gặp mình giữa hồn mình. Cô đơn và cô đơn trước bạt ngàn vướng mắc”(7). Còn Trần Hữu Cư thì cho rằng: “Bùi Giáng vẫn còn đó, có lẽ Bùi Giáng chỉ nhận những lời ngợi khen hay thống trách, nhưng có lẽ quá hiếm người hiểu ông muốn làm gì trên cõi đời này… Cho nên Bùi Giáng vẫn sống cô độc”. (8)
           
Quả thật những suy nghĩ của Tạ Tỵ và Trần Hữu Cư về nỗi cô đơn trong đời và thơ Bùi Giáng thật đúng với cõi đời và cõi thơ của ông. Cô đơn vốn là một căn tính trong bản thể. Tùy theo thân phận / nhân vị của mỗi người mà nỗi cô đơn đó hiện hữu như thế nào!? Ở Bùi Giáng, theo chúng tôi, nỗi cô đơn của ông là nổi cô đơn của định mệnh, của duyên nghiệp. Ông không chỉ cô đơn trong đời mà còn cô đơn trong thơ, cô đơn trong tư tưởng của mình. Sự cô đơn ở Bùi Giáng như một hệ lụy tất yếu của số phận, không thể lý giải. Vì thế, đã lâu rồi, người ta vẫn cứ đặt nhiều câu hỏi về đời và thơ của ông. Và từ những góc nhìn, những suy tưởng riêng của mình mà mỗi người có cách lý giải khác nhau. Nhưng nếu bảo rằng chúng ta đã hiểu và chia sẻ hết những gì hiện hữu trong đời và thơ Bùi Giáng, thì đó là điều không thể !? Nói như Trần Hữu Cư: “Bùi Giáng vẫn sống trong cô độc”. Bởi theo Tạ Tỵ: “Thơ với Bùi Giáng đích thị không phải là cứu cánh, chỉ được thực hiện nhằm giải tỏa ám ảnh về thân phận trong vòng đai cuộc sống nhiều băn khoăn với ý thức siêu hình”. (9) 
           
Vì vậy, trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam, thơ Bùi Giáng là “cuộc hội thoại giữa thi ca và tưởng…”. Nó “luôn luôn là những tương ứng của chung và riêng” (10). Và cuộc hội thoại nầy chính là một đặc điểm trong thi pháp thơ Bùi Giáng mà theo Cao Huy Khanh trong bài tiểu luận “Bùi Giáng, cải lương ca” thì “Văn chương Bùi Giáng là một nỗ lực giải quyết và thực hiện tư tưởng triết lý tồn sinh một cách sống động và thơ mộng” (11). Tính chất triết lý này chi phối rất sâu sắc cõi sống và cõi thơ của Bùi Giáng. Vì vậy, Tạ Tỵ cho rằng: “Bùi Giáng đi vào cõi thơ luôn đeo bên mình niềm ám ảnh của triết học” (12). Và chính vì thế “Bùi Giáng làm thơ nhưng chẳng bao giờ thừa nhận thi ca là lẽ sống duy nhất của đời mình. Người thơ coi kiếp sống như một hiện hữu bất đắc dĩ, nên làm thơ cho khuây khỏa ám ảnh, cái ám ảnh thực sâu đậm bi thương giữa cõi đời hỗn mang và suy tưởng thuần khiết” (13). Và cũng theo Tạ Tỵ: “Bùi Giáng thoát hồn vào ảo giác để nhận ra sự thật” (14). Nhận xét nầy có thể xem là một gợi mở, là chìa khóa để giải mã hành trình sáng tạo thơ của Bùi Giáng cũng như sự hiện hữu khá dị thường của ông trong cuộc đời mà hiện nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp!?
           
Một điều lý thú mà hầu hết các nhà phê bình ở miền Nam trước 1975 đều tập trung nghiên cứu với những nhận định khá sâu sắc và xác đáng đó là lĩnh vực ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn từ trong thơ bao giờ cũng là một trong những giá trị đặc biệt làm nên phong cách nhà thơ. Ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là một vũ trụ ngôn ngữ mà ở đó cuộc hôn phối diệu kỳ giữa thi ca và tư tưởng được thể hiện một cách sâu sắc. Vũ trụ ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là vũ trụ của những tiếng nói vang vọng từ trong chiều sâu tâm thức và tâm cảm cho nên nó là một thứ ngôn ngữ phi / siêu logic, ngôn ngữ nghệ thuật phi / siêu nghệ thuật. Vì vậy trong cái nhìn của Cao Thế Dung “Thơ Bùi Giáng vốn là sự khó hiểu vì ông đã phá cái trật tự của ngôn ngữ, ông đã đảo lộn cái cơ cấu tạo hình ngôn ngữ. Ngôn ngữ qua thơ ông chỉ còn là một thứ trò chơi. Ông dỡn với từng chữ, đùa cợt với âm thanh thơ” (15) . Còn Tạ Tỵ lại cho rằng: “Thơ Bùi Giáng mang nhiều ẩn dụ ở chiều sâu ngôn ngữ” (16). Và theo Nam Chữ: “Mặc dầu có khi trái ngược nhau đến cực độ, ngôn ngữ thi ca của ông (Bùi Giáng - THA) ngụ ý một cách sâu xa. Người ta biết rõ ràng những dung từ khó khăn nhất, những âm vận ngắn củn nhất, đôi lúc đến quá liều lĩnh, khi đi vào trong cung cách lập ngôn của ông đều trở nên linh hoạt dị thường, đều trở nên nhẹ nhàng và âm điệu réo rắc như nhịp tấu của một tay gảy đàn tài tử, không còn câu nệ ở hình thức cây đàn nữa”. (17)
         
Mặt khác, từ góc nhìn truyền thống Cao Huy Khanh cho rằng: “Thơ Bùi Giáng cốt yếu là một hiện tượng ngôn ngữ độc đáo tựu thành từ mối đam mê nguồn thơ lục bát (đặc biệt truyện Kiều) phối hợp với âm điệu ca dao thuần túy dân tộc” (18). Song phải chăng, ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa thi ca và tư tưởng, giữa nghệ thuật và triết học. Và điều nầy đã tạo nên một phẩm chất riêng có trong thơ ông, nên khi nhận định về ngôn ngữ thơ Bùi Giáng, Nguyễn Đình Tuyến cho rằng: “lời thơ rộng rãi luôn luôn thay đổi bình diện, thâm trầm trang nhã mà không xa lời ca nơi đồng ruộng, thôn trang, bình dị mà tân kỳ, đó là tính chất của thơ Bùi Giáng” (19)
           
Tuy nhiên khi nói đến ngôn ngữ thơ Bùi Giáng, các nhà phê bình văn học không chỉ nói đến mặt sáng tạo, mặt thành tựu mà còn chỉ ra những mặt hạn chế. Đó là sự dễ dãi, đùa cợt, sáo rỗng trong ngôn ngữ ở một số bài thơ của Bùi Giáng mà theo Cao Thế Dung là kỹ thuật thơ của Bùi Giáng “chưa phải là điêu luyện vì cách sử dụng ngôn ngữ của ông còn nhiều điểm đáng chê vì nó không thể hiện được phần yếu tính của thơ”. (20) Không những thế, Cao Thế Dung còn cho rằng có lúc Bùi Giáng sử dụng những “ngôn từ quá cũ, sáo rỗng, chẳng hạn như “Nữ Chúa Nương” và nhiều khi còn dùng những ngôn ngữ mà với thi ca nó sẽ tầm thường như con chuồn chuồn, con kiến”. (21) 

Theo chúng tôi, ý kiến nầy tuy có phần xác đáng nhưng cực đoan. Vì không nhất thiết cứ là thơ thì ngôn ngữ phải là những “lời có cánh” bay bỗng, sang trọng, xa cách cuộc sống đời thường. Và nếu cho rằng dùng những ngôn từ trong cuộc sống làng quê như chuồn chuồn, con kiến sẽ làm tầm thường hóa thơ ca thì đây là ý nghĩ có phần hàm hồ . Bởi vì, ngôn ngữ thơ, suy cho cùng cũng là ngôn ngữ từ đời sống được nhà thơ chưng cất lên mà thôi. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây, là nghệ thuật và kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ như thế nào trong quá trình sáng tạo thơ ca, chứ không phải là việc dùng từ “bình dân” hay “bác học”. Bởi lẽ, nói như Rimbaud: “Tiếng nói kia của nhà thơ sẽ là hồn của tâm hồn, thu gom hết sự vật, hương, thanh sắc, nó sẽ là ý tưởng móc vào ý tưởng mà lôi kéo đi”. (22)

Một bình diện khác trong thế giới nghệ thuật thơ Bùi Giáng mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam cũng đề cập đến đó là giọng điệu mà theo Uyên Thao: “Bùi Giáng cũng tạo được một cái lạ” đó là “cái ngang” và chính “cái ngang” này đã làm cho “Bùi Giáng có cái giọng bạt đó và cái giọng bạt đã ảnh hưởng vào âm vận của thơ Giáng” (23). Và trong cái nhìn của Uyên Thao thì Bùi Giáng là một trong không nhiều gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam.

Thục Khưu trong bài Ấn ngữ, cung bậc thi ca Bùi Giáng, đã cảm nhận vẻ đẹp trong giọng điệu thơ Bùi Giáng bằng những cảm xúc rất tinh tế và sâu sắc. Theo Thục Khưu cái ngân nga trong thơ điệu Bùi Giáng “là một bức thông điệp mỹ miều đồ sộ của tâm hồn” (24). Thơ là tiếng nói của tâm hồn. Giọng điệu trong thơ bao giờ cũng là giọng điệu của tâm hồn thi nhân. Đây là một trong những yếu tố thi pháp làm nên nét riêng trong phong cách của mỗi thi nhân. Giọng điệu ấy bao giờ cũng là phương thức hữu hiệu nhất chuyển tải tâm thức và tâm cảm của thi nhân đến người tiếp nhận. Vì thế, Tạ Tỵ cho rằng: “Thơ Bùi Giáng súc tích chứa đựng nhiều u uẩn. Cái khung trời sáng láng hồn hậu chan hòa mơ ước, phiêu bồng của buổi nào xa xôi, vẫn thấp thoáng hiện về trong thi nhân qua những vần điệu” (25).

Không chỉ lạ lẫm trong giọng điệu, thơ Bùi Giáng cũng khám phá nhiều lĩnh vực của hiện thực và đó là một hiện thực luôn vận động: từ truyền thống đến hiện đại, từ thế giới hữu hình đến vô hình, từ hiện thực cuộc đời đến hiện thực tâm linh... Sự vận động này vô cùng linh hoạt và biến sinh theo sự biến đổi của đời sống. Nó phiêu bồng và chuyển dịch như cuộc đời của thi nhân. Chính vì lẽ đó, Nam Chữ cho rằng: “Phần lớn, đề tài trong thi ca Bùi Giáng còn phức tạp hơn cả người ta tưởng tượng được. Nó còn đảo lộn hơn cả cái người ta hiểu. Nghĩa là đã có một sức cảm quan như vượt qua sự rung động thuận lợi của một cá nhân hơn là một con người” (26). Vì vậy, cũng theo Nam Chữ hành trình tiếp nhận thơ Bùi Giáng cũng là một hành trình đi từ chối bỏ đến tham dự, từ ngoại vi đến trung tâm... Và đây là một hành trình lâu dài.

Ta hãy nghe Nam Chữ giãi bày hết sức thành thực về hành trình tiếp nhận thơ Bùi Giáng trong đời sống văn học lúc bấy giờ: “Một trường hợp rất bi đát nhưng có thực trong đất nước Việt Nam này, chúng ta có ngờ nỗi đâu một người suốt đời tận tụy với nghệ thuật, đã có hơn mấy chục tác phẩm được in ra (tiểu luận, phê bình, dịch, thi ca…) giờ đây lại thêm một mớ tóc trắng phất phơ về chiều, trừ một số rất ít chịu thần phục, thơ ông, lại gần như không có độc giả… Một vài tác phẩm, nhất là về thi ca cái giá trị đúng mức của nó, lần đầu tiên xuất hiện đã không được đón nhận rộn rịp như một số thi sĩ trước ông và sau ông vài năm. Thực ra phải đợi đến nhiều năm, gần 10 năm sau tác phẩm thơ ca của ông ra đời người ta mới hốt hoảng và tìm đọc lại những tác phẩm trước kia của ông” (27). Phải chăng, đây cũng là qui luật hằng thường trong tiếp nhận các hiện tượng văn học của người đời. Đến nỗi, một thiên tài như Nguyễn Du mà còn phải thở than: Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như... nghe sao mà chua chát thế!

Và cũng theo Nam Chữ cách lập ngôn của Bùi Giáng “là cách ông muốn im lặng đến cùng. Ông muốn nói một thứ tiếng nói im lặng, chẳng ai hiểu ông cả. Trừ phi một người nào đó trong chúng ta cùng đứng trên vực thẳm lặng lờ như ông, cùng nhìn xuống đáy sâu không đáy kia.” (28). Theo chúng tôi cái im lặng của Bùi Giáng là im lặng của một người đã đốn ngộ. Và ông dùng thơ ca để chuyển tải sự im lặng của mình như một ứng phó trước những nhiễu nhương của cuộc đời mà ông chỉ dự phần như một kẻ bên lề.

Song, cuộc đời đã không để Bùi Giáng sống trong lặng im. Bởi càng ngày, người yêu thơ Bùi Giáng, người quí mến, kính trọng văn tài của Bùi Giáng càng nhiều và luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Đây có phải là niềm hạnh phúc với ông chăng?! Bởi như Trần Tuấn Kiệt trong bài viết chung quanh vấn đề Bùi Giáng đã xác quyết: “Ta có thể so sánh con người Bùi Giáng ngày nay với Đức Phật thời Ngài mới bắt đầu thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển. Trong khi đó ma vương quỉ sứ và môn đệ Bà La Môn giáo đến châm chích đủ điều. Nhưng Đức Phật vẫn là Đức Phật và ma quỉ gì đó vẫn là ma quỉ”. (29)

3. Có thể nói, Bùi Giáng hiện hữu giữa đời như một ngôi sao lạ, mà theo thời gian, hào quang của nó chắc chắn sẽ còn mãi tỏa sáng. Cuộc đời và văn nghiệp của ông có thể còn những uẩn khúc, những bí mật cần được giải mã. Song một điều, ai cũng phải thừa nhận đó là tài năng của ông. Những tháng năm còn “làm kiếp con người” (từ dùng của TCS), Bùi Giáng chẳng có gì cả: học vị, học hàm, địa vị xã hội, tài sản... nghĩa là ông không có một chút lợi danh gì cả ngoài những ngày tháng phiêu bồng. Ông là một người “vô sản” đúng nghĩa chứ không phải là những người “vô sản” chỉ được phủ một lớp vỏ danh từ. Nhưng tài sản mà ông để lại cho đời thật vô giá nhất là sự nghiệp thơ ca của ông mà nói như Tạ Tỵ: “Bùi Giáng không nói gì cả, nhưng toàn bộ thi phẩm của Bùi Giáng đã khơi động một trời thơ rộng rinh, bát ngát. Thi nhân không dấn thân vào đâu hết, coi cuộc đời như cõi dong chơi tạm bợ. Làm thơ cũng là đi vào thơ như đi vào cõi vô định. Không có chọn lựa hay thử thách chỉ có xúc cảm và ngôn ngữ giao thoa, diễn đạt những gì ám ảnh trong hồn”. (30)

Văn nghiệp của ông dù trải qua những biến thiên của cuộc sống nhưng nó vẫn vượt qua mọi giới hạn, mọi rào cản của đời sống chính trị xã hội để tồn sinh với cuộc đời. Bởi lẽ, cái làm nên giá trị văn chương của Bùi Giáng không chỉ có ở tài năng của ông mà còn ở tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước. Và theo Trần Hữu Cư cảm hứng “tư cố hương” là một niềm khắc khoải không nguôi trong thơ Bùi Giáng. Vì vậy “Tất cả những gì ông làm trong thơ, viết lách, dịch thuật…v…v… tất cả đều làm một cuộc lên đường tìm lại một “màu hoa trên ngàn”, một “tình yêu quê hương” cho thời hiện tại, thời mà chúng ta đang sống trong nỗi mất quê hương”. (31) Phải chăng đây là cái gốc tạo nên hệ giá trị nhân bản của mọi sáng tạo nghệ thuật của Bùi Giáng trong đó có thơ ca mà theo Cao Thế Dung đó là “biết yêu sự thực, biết quí trọng những gì cao đẹp trong con người, tình yêu, nghệ thuật”. (32)

Chính giá trị nhân bản này là bệ phóng chắp cánh cho hành trình sáng tạo của ông và nó cũng là nhân tố kết nối ông với cuộc đời, với con người, làm cho văn nghiệp của ông nói chung và thơ ca nói riêng sẽ vượt lên mọi giới hạn để mãi mãi tỏa hương trong  cuộc đời. Và có thể nói, Bùi Giáng là người đã vượt qua giới hạn của vận mệnh con người và định mệnh nghệ thuật để vươn đến sự bất tử thường hằng như những câu thơ giản dị mà đầy tính triết luận của ông:

                                   Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
                              Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa.
                                  Gọi tên rằng một, hai, ba
                            Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp: 16-8-2013
TRẦN HOÀI ANH
            (Bài viết nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất nhà thơ Bùi Giáng)

Chú thích:

(1) (2) (7) (9) (12) (13) (14) (16) (25) (30) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn 1973, tr.583 – 584, tr. 563, tr.557, tr.568, tr.571, tr.575, tr.575, tr.579, tr.563, tr. 587.    
(3) (19) Nguyễn Đình Tuyến, Những nhà thơ hôm nay, Nhà văn Việt Nam xuất bản, Sài Gòn 1967, tr.18, tr.17.
(4) Thanh Tâm Tuyền,  “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn”, Văn số 11, ra ngày 18 /5/ 1973,  tr.8
(5) (6) (15) (20) (21) (32) Cao Thế Dung, Văn học hiện đại thi ca và thi nhân, Quần chúng xuất bản, Sài Gòn 1969, tr. 42; 42, tr.44,  tr.48, tr.48, tr.48
(8) (31) Trần Hữu Cư, “Bùi Giáng trên đường về cố hương”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr.69, tr.56
(10) Tuệ Sỹ,  “Thi ca và tư tưởng”, Văn số 11 ra ngày 18/5/1973, tr.27
(11) (18) Cao Huy Khanh “Bùi Giáng, cải lương ca” Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973 tr.60, tr.65
(17) (26) (27) (28) Nam Chữ, “Bùi Giáng, về cố quận”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973  tr.45, tr.43, tr.43, tr.48
(22) Trần Hoài Anh , Thơ - Quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, H, 2010, tr. 280
(23) Uyên Thao, Thơ Việt Nam hiện đại 1900 – 1960, Hồng Lĩnh xb, Sài Gòn 1969, tr.455
(24) Thục Khưu, “Ẫn ngữ, cung bậc thi ca”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr.74
(29) Trần Tuấn Kiệt, “Chung quanh vấn đề Bùi Giáng”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr. 79

ĐỌC BÀI KHÁC:

·         NỖI OAN CỦA MÔN VĂN


BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...