Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

NHÀ THƠ THIÊN HÀ & NGƯỜI TÌNH CÓ TÊN TRONG DI CHÚC

Nhà thơ Thiên Hà tên thật là Dương Cao Thâm, ông sinh năm 1940 trong một gia đình trí thức tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi. Thừa hưởng niềm đam mê văn nghệ từ người cha là một nghệ nhân đàn kìm, cùng với tình yêu quê hương sâu sắc, Thiên Hà đã cầm bút sáng tác từ rất sớm. Cho đến nay, ông đã cho ra đời nhiều tập thơ, truyện ngắn được bạn đọc đón nhận. Đặc biệt là những bài thơ của ông được nhạc sĩ Anh Việt Thu chấp cánh để trở thành những bản tình ca đi vào lòng nhiều thế hệ khán, thính giả...
Nhà thơ Thiên Hà và bà Ngọc An - “người tình có tên trong di chúc”

Người ngẩn ngơ giữa trường văn trận bút

16 tuổi, cái tên Thiên Hà đã được bạn đọc biết đến qua những bài thơ viết về tình yêu, quê hương. Dạo đó, ông làm thơ, viết truyện ngắn để kiếm sống. Mỗi tháng chỉ cần 2 truyện ngắn đăng báo là đủ trang trải chi phí cá nhân. Mà tháng nào ông cũng viết nhiều hơn số ấy, thành ra dư dả. Thời chiến nên tiền bạc cũng chẳng có ý nghĩa gì. Sự sống luôn thường chực bên cái chết. Có đó rồi mất đó. Bạn bè ông hôm nay còn ngồi khề khà chén chè, chén rượu, mai đã nghe tin dữ. Thiên Hà thường ví von mình là: “Người cầm viết ngẩn ngơ giữa trường - văn - trận - bút”. Nhưng đối với văn đàn, bạn bè, đồng nghiệp, anh không hề ngơ ngẩn mà luôn có cái nhìn sâu thẳm về cuộc đời với tâm trạng phảng phất chút u buồn, lo lắng của một người trai sinh ra trong thời loạn lạc, luôn hướng về tình yêu quê hương, con người, và trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh vẫn tự tin ở một ngày mai tươi sáng. Ông đến với văn chương như một cách để cân bằng giữa cuộc sống đời thường. Cũng chính văn chương, thơ nhạc như một thứ thảo dược xoa dịu tâm hồn ông trong thời loạn lạc.

Thơ Thiên Hà được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Anh Việt Thu; Hoàng Trang; Thanh Sơn… Tuy nhiên, đến năm 1962, bài thơ Nhớ nhau hoài của ông với sự chấp cánh của nhạc sĩ Anh Việt Thu đã trở nên nổi tiếng. Người người, nhà nhà đều thuộc nằm lòng từng câu chữ: “Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em? Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở thì thầm. Nắng ở trên đầu nắng trong lòng phố, gió ở trên non, gió cuốn mây về”. Điệu Ballad nhẹ nhàng cùng với câu từ truyền cảm đã đi vào lòng người nghe bởi những giọng ca nổi tiếng thời ấy như: Duy Khánh, Hoàng Oanh, Giao Linh... Tên tuổi của Thiên Hà cũng được biết đến từ ấy. Với sự kết hợp ăn ý của người nhạc sĩ tài hoa yểu mệnh Anh Việt Thu, lần lượt những bài thơ của ông được phổ nhạc và chiếm được tình cảm của nhiều khán, thính giả như: Gió về miền xuôi, Xa dấu ngựa hồng…

Ông cho biết, từ nhỏ ông rất thích nghe những bản nhạc có âm hưởng dân ca, mà nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác nhiều ca khúc theo âm hưởng ấy. Với giọng trầm ấm, ông hát cho tôi nghe những bài hát quen thuộc mang âm hưởng dân ca của Anh Việt Thu: “Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. Bàn tay năm ngón mưa sa. Dìu anh trong tiếng thở. Đưa tiễn anh đi vào đời…”, rồi bài: “Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải thẹn thùng, ngày nao súng phải lạnh lùng. Nắng hạ vàng rưng rưng mây trắng. Ôi mây xõa tóc nghiêng nghiêng. Xin đa tạ người em bé bỏng mặn mà, người em bé bỏng thật thà…”. Chính sự đồng cảm trong âm nhạc ấy đã đưa hai tâm hồn nghệ sĩ xích lại gần nhau hơn, chỉ tiếc là Anh Việt Thu ra đi khi còn quá trẻ, trong thời điểm giữa ông và người nhạc sĩ tài hoa đang có rất nhiều dự định cho con đường âm nhạc của mình.

Làm thơ tặng người yêu có tên trong di chúc

Nhà thơ Thiên Hà hiện đang sống cùng vợ là bà Ngọc An trong căn nhà khá khang trang tại quận 9. Đón tiếp chúng tôi bằng bình trà nóng ấm giữa cơn mưa Sài Gòn nặng hạt, bà vui vẻ kể nhiều câu chuyện về nhà thơ Thiên Hà, trong đó có nhắc tới nhiều… bóng hồng đã đi vào thơ của ông. Hiếm có người phụ nữ nào lại vui vẻ kể về những bóng hồng của chồng mình như thế. Hỏi bà có ghen không, bà trả lời không, nếu có thì ngay từ đầu đã không về làm vợ ông ấy!

Quả nhiên, Thiên Hà là một người đào hoa. Những bài thơ tình của ông hầu hết không phải viết cho vợ. Khi hỏi về bài Nhớ nhau hoài, ông kể: “Thời sinh viên tôi đi học và ở trọ. Phòng trọ đối diện là một cô bé có mái tóc dài. Mỗi buổi chiều, cô ấy hay ra ban công ngồi chải tóc. Từng lọn tóc dài bay trong gió nhìn rất đẹp. Nhiều lần tôi muốn qua làm quen nhưng ngại nên không dám. Đến một ngày cận kề mùa xuân, tôi không còn thấy cô bé ấy xuất hiện chải tóc mỗi buổi chiều nữa. Tôi thơ thẩn như người thất tình. Thế là cầm bút sáng tác: “Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?”. Mãi sau này bài hát được phổ biến, báo chí phỏng vấn thắc mắc về nhân vật “em” trong bài hát, cô ấy đọc mới biết viết cho mình.

Mãi đến sinh nhật thứ 70 của mình, ông mới viết thơ cho vợ. Bà Ngọc An rất thích bài thơ và thường yêu cầu ông đọc mỗi khi khách ghé thăm, bài “Người yêu có tên trong di chúc”. Bài thơ với những câu từ đơn giản nhưng chứa đựng tấm chân tình của ông dành cho vợ. Cũng là để nhấn mạnh cho “người yêu có tên trong di chúc” của mình hiểu một điều, dù có thế nào chăng nữa, vợ vẫn là mối tình chung thủy cuối cùng của nhà thơ. Đến thăm gia đình nhà thơ, cảm thấy thoải mái vì nơi đây luôn rộn rã tiếng cười. Những câu anh ơi, em ơi ngọt ngào như đôi lứa ở thuở mới biết yêu. Bà Ngọc An giải thích: “Ảnh như vậy đó, cứ nghĩ mình còn trẻ không à nên không chịu đổi cách xưng hô”.

Trong số những bài thơ được phổ nhạc của ông, Xa dấu ngựa hồng là bài hát mà ông tâm đắc nhất, mặc dù không được nhiều người biết đến như những ca khúc khác. Ông giải thích từ “ngựa hồng” trong kinh thánh có nghĩa là báo hiệu chiến tranh. Ở đâu có ngựa hồng xuất hiện là ở đó có chiến tranh. Bài Xa dấu ngựa hồng cũng chính là điều mà thời tuổi trẻ ông khát khao nhất: hòa bình. Ông đã khéo léo dùng câu chữ để thể hiện niềm khát khao cháy bỏng đó của mình trong bài thơ.

Đến nay ở tuổi ngoài 70, ông vẫn sáng tác thơ và làm chủ biên tủ sách Bến tâm hồn, một tủ sách chuyên giới thiệu các văn nghệ sĩ vang bóng một thời ở miền Nam trước đây. Những lúc rảnh rỗi, ông cùng bạn bè ngồi ôn lại kỷ niệm ngày xưa. Bên tiếng guitar bập bùng, những bài hát của ông luôn được bạn bè nhớ và hát. Đó cũng là niềm hạnh phúc giản dị của một người sống trọn đời với nghề cầm bút.

__________________________________

Tác phẩm tiêu biểu của Thiên Hà:

Thơ: Tiếng hờn (1963); Tiếng hát quê hương (1968); Gió về miền xuôi (2004); Xa dấu ngựa hồng (2005); Huyền thoại tình yêu (2006); Nhớ nhau hoài (2007); Còn thương mãi thương (2007); Cõi trú (2009)

Văn: Mình nỡ sao quên (Giải truyện ngắn báo Tiếng Chuông đợt VI 1962); Khoảng tối sau lưng (tập truyện 1965); Cuối đường (tiểu thuyết 1966); Nghìn đêm ánh sáng (Roman photo 1967); Một ngày nào đó (kịch bản phim 1970); Nhập cuộc (bút ký 1972); Mặt trời phương đó (truyện vừa 1973); Trí nhớ của tên kiện vong (kịch bản phim 1974); Cuộc tình tay ba (phóng sự 2005); Lật lại hồ sơ vụ án (điều tra 2006); Đoạn cuối một cuộc tình (truyện hình sự 2007); Chuyên án K98 (kịch bản phim 2008); Hành trình bút mực (tạp văn)…

ÁNH HƯỜNG
Nguồn: KTNN

ĐỌC BÀI KHÁC:

·         NHÀ VĂN LÀM NGHỀ GÌ?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...