Đã có quá nhiều và sẽ còn quá nhiều công trình nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính ở mọi khía cạnh. Nhưng với tôi, một trong những điều làm cho thơ Nguyễn Bính còn sống mãi về sau là thơ ông chính là con đường để những người Việt trở về với cố hương mình…
Nhà thơ Nguyễn Bính
Có một sự thật và đó cũng coi như là một bí mật nhỏ của cá nhân tôi mà hôm nay, tại đây, lần đầu tiên tôi công khai sự thật ấy, bí mật ấy. Đó là khi tôi đang ở giai đoạn sáng tác với một tinh thần tự do tưởng không có gì cản được từ sau khi tập thơ Sự mất ngủ của lửa của tôi ra đời năm 1992. Trong khi có không ít người phê phán, cảnh báo và đe dọa tôi rằng: với những bài thơ phi truyền thống như vậy, tôi sẽ lạc ra khỏi thế giới thơ của dân tộc, thì không ai biết được rằng cứ mỗi lần trở về làng Chùa của tôi, một làng quê nằm ven sông Đáy, những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính mà tôi đã đọc trong những năm tuổi trẻ của mình lại vang lên như một ngọn gió thổi không ngưng nghỉ qua vùng quê ấy. Nhiều lần tôi tự hỏi với một sự ngạc nhiên về chính mình và cả chút ngờ vực là: tại sao những câu thơ của Nguyễn Bính lại cứ vang lên và không rời bỏ tôi trong lúc tôi đang sống trong một thời đại khác biệt với thời đại Nguyễn Bính sống và tôi đang đi trên một con đường khác của sáng tạo thơ ca. Ngay cả khi tôi đang dịch những bài thơ tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha của những nhà thơ lớn thế giới thì trong chính thời khắc ấy những câu thơ Nguyễn Bính vẫn trở về và ngân vang trong tâm hồn tôi. Và tôi hiểu rằng đó là quyền lực của Nguyễn Bính cho dù tôi không hiểu hết những gì làm nên quyền lực đó.
Cách đây một tuần, trên con đê dẫn về làng Chùa của mình, khi đang ngồi trên một chiếc xe hơi hiện đại bỗng những câu thơ của Nguyễn Bính vang lên như có một ai đó đang đi vô hình bên tôi và cất tiếng đọc: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy. Mưa xuân đang bay và hoa xoan đang nở tím ở cái thời tôi đang sống - cái thời của iphone, của facbook, của đồ ăn nhanh... và những tiện nghi sống hiện đại mà thời của Nguyễn Bính cũng khó hình dung ra được. Lúc đó tôi tự hỏi: Thiên nhiên, đời sống kia chứa sẵn trong đó thơ Nguyễn Bính hay thơ Nguyễn Bính chính là một phần không thể tách rời của thiên nhiên và đời sống ấy. Câu hỏi thực ra đã là câu trả lời. Con trai tôi, một chàng trai 8X, sinh ra ở thành phố, học công nghệ nhiều năm ở Mỹ và hiện đang làm việc cho một công ty tin học nước ngoài. Có lúc tôi nghĩ: với môi trường sống, học tập và làm việc như thế, con trai tôi sẽ có một cảm xúc khác tôi bởi thực tế chàng trai ấy có một cách sống khác tôi. Nhưng rồi một ngày, tôi biết được một bí mật làm tôi thực sự ngạc nhiên và xúc động. Bí mật ấy là trong những lúc trái tim con trai tôi run rẩy vì yêu thì thơ Nguyễn Bính đã vang lên trong tâm hồn chàng trai ấy.
Điều gì đã xẩy ra trong tâm hồn hai cha con tôi trong mối liên quan đến thơ Nguyễn Bính? Nhưng không chỉ là hai cha con tôi mà đối với rất nhiều người Việt Nam ở các thế hệ khác nhau. Những gì đã diễn ra trong tâm hồn hai cha con tôi cũng đã và đang diễn ra trong tâm hồn nhiều người Việt Nam. Đã có quá nhiều và sẽ còn quá nhiều công trình nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính ở mọi khía cạnh. Nhưng với tôi, một trong những điều làm cho thơ Nguyễn Bính còn sống mãi về sau là thơ ông chính là con đường để những người Việt trở về với cố hương mình. Cuộc trở về cố hương hay nói chính xác hơn là trở về cội nguồn của hồn dân tộc trong tâm tưởng của người Việt hiện đại đang trỗi dậy sau vài thập kỷ đầu của cơn bão đô thị hóa, trỗi dậy khi mà con người bắt đầu nhận thấy rằng quá nhiều những giá trị trong đời sống hiện đại chỉ là những giá trị tạm thời, hoang mang và đầy bất trắc. Trở về với cố hương - cội nguồn của hồn dân tộc - là trở về với những gì giản dị, thương yêu, trong sáng, ấm áp và an toàn nhất, là trở về với những vẻ đẹp thuần Việt đã làm lên đời sống văn hóa Việt.
Nhưng không chỉ là mưa xuân và hoa xoan làm tôi nhớ đến thơ Nguyễn Bính mà là thiên nhiên Việt, đời sống văn hóa Việt đã làm thơ Nguyễn Bính vẫn tươi ròng trong đời sống tinh thần của người Việt. Chất liệu trong thơ Nguyễn Bính là những gì đã quen thuộc ngàn đời với người Việt Nam. Đó là con đê, dòng sông, cánh đồng, hội làng, sân đình, chùa chiền, bờ dậu...cho đến lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán của con người rồi đến cách nghĩ, cách cảm, cách bày tỏ... Bởi thế mà khi ta chạm vào những chất liệu đời sống kia thì những câu thơ Nguyễn Bính lại vang lên tự nhiên như những câu thơ đã có sẵn trong đó, như hương thơm ở sẵn trong hoa, như vị ngọt ở sẵn trong quả.
Khi còn nhỏ, thi thoảng nghe mẹ tôi, một bà giáo làng ngâm những câu thơ của Nguyễn Bính như Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn hay Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê… Cũng như tôi đã từng nghe đâu đó trong các cộng đồng người Việt trong và ngoài nước lấy những câu thơ Nguyễn Bính để thay cho sự biểu lộ những câu chuyện, những tình cảm, tâm trạng và cả nỗi buồn của mình cho dù không ít người biết được đó là thơ của một thi sỹ hiện đại Việt Nam. Lúc đầu, tôi nghĩ mẹ tôi ngâm những câu ca dao dân ca. Chỉ sau này học cao lên tôi mới biết đó là thơ Nguyễn Bính. Và đây chính là một yếu tố vô cùng quan trọng làm nên sức sống bền vững và lan tỏa của thơ ông. Yếu tố đó chính là khả năng dân gian hóa những câu thơ của mình. Hay nói cách khác là nhiều câu thơ của Nguyễn Bính đã trở thành dân gian bởi chính vẻ đẹp thuần Việt và sự hòa đồng tự thân của những câu thơ với đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Theo cách nhìn cá nhân mình, tôi cho rằng điều lớn nhất của thơ Nguyễn Bính là tính dân gian hóa. Nghĩa là những câu thơ ấy đi vào đời sống của con người tự nhiên và bền vững. Nghĩa là những câu thơ ấy như được viết cho con người ở nhiều thời khác nhau. Nghĩa là những cá nhân con người khác biệt vẫn tìm được những điều chung cho chính họ từ thơ Nguyễn Bính để bày tỏ tình yêu, sự nhớ thương, chia sẻ, nỗi buồn, cái đẹp. Và tôi khẳng định rằng: những câu thơ đó là những từ khóa của tâm hồn Việt. Điều này đã làm cho thơ Nguyễn Bính ở lại với con người trong đời sống thường nhật của họ chứ không chỉ ở trong những trang sách trong những thư viện hay viện nghiên cứu.
NGUYỄN QUANG THIỀU
Nguồn: Văn Nghệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét