Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

VỀ MỘT CÂY BÚT TIỂU THUYẾT MỚI PHÁT HIỆN Ở NAM BỘ: NGỌC SƠN

Trong quá trình tham gia đề tài Khảo sát, đánh giá, bảo tồn văn học quốc ngữ Nam Bộ 1930-1945 của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã sưu tầm được 5 cuốn tiểu thuyết và 1 cuốn tiểu thuyết dịch của tác giả Ngọc Sơn được xuất bản từ 1928 đến 1933 ở Nam Bộ (1).

Bởi việc tìm thêm tư liệu về một tác giả không chỉ để phục hưng diện mạo từ đó có sự đánh giá khách quan, toàn diện hơn những giá trị và đóng góp của văn học quốc ngữ Nam Bộ giai đoạn này đối với nền văn học hiện đại Việt Nam mà còn chứng minh một điều: văn học quốc ngữ Nam Bộ không chỉ có hàng chục tác giả mà có thể có hàng trăm tác giả. Trên hành trình đó, từ những tư liệu mới có về tiểu thuyết của Ngọc Sơn, chúng tôi bước đầu nhận diện và đánh giá một vài đặc điểm tiểu thuyết của ông.
1. Về tiểu sử và hành trạng của nhà văn Ngọc Sơn, cho đến nay chúng tôi chưa có thông tin gì xác thực, chỉ biết ông dịch thuật và sáng tác trong khoảng cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ XX cùng thời với Trần Quang Nghiệp (1907-1983), Sơn Vương (1909-1985)… Căn cứ vào sự ra đời của những tác phẩm dịch thuật (1928) và tiểu thuyết đầu tiên May nhờ rủi chịu (1932) thì có thể tạm tin rằng ông cùng trang lứa với hai cây bút truyện ngắn có tiếng kể trên.

Ngọc Sơn sáng tác không nhiều (có thể đến nay với tư liệu chúng tôi tạm biết như vậy), trong khoảng 2 năm (1932-1933) với 6 cuốn tiểu thuyết độ dày từ khoảng 76 đến 144 trang in khổ sách 12x16 với mỗi trang khoảng trên dưới 200 chữ. Sau đó không thấy ông xuất hiện trên văn đàn trở lại và cho đến nay vẫn chưa có thêm thông tin về nhà văn này. Về sự ngừng bút/biến mất của bút danh/tác giả Ngọc Sơn trên văn đàn thời bấy giờ, có thể tạm đoán là do nguyên nhân khách quan nào đó làm cho nhà văn ngừng bút chứ không phải bản thân văn chương khiến ông không sáng tác nữa. Thêm nữa, đó còn là tính cách của người Nam Bộ, sống văn chương hơn là làm văn học nên họ không xem sáng tác văn học là nghiệp (trừ trường hợp Hồ Biểu Chánh), một khi muốn là họ có thể ngừng bút “ngay tắp lự”. Đó là điều đáng tiếc đối với công chúng nói riêng và nền văn học quốc ngữ nói chung.

2. Về tiểu thuyết của Ngọc Sơn: Bản thân nhà văn khi sáng tác đều định danh những tác phẩm của mình là “tiểu thuyết” và ông thêm những danh từ vào trước nó để định danh cụ thể hơn, chẳng hạn May nhờ rủi chịuông ghi là “gia đình tiểu thuyết”, Khác máu tanh lòng là “thế tình tiểu thuyết”, còn các tác phẩm Sẽ về ai?, Nhà giàu kén rể, Gả hay bán?, ông đều ghi là “thế sự tiểu thuyết”. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, chủ đề xuyên suốt trong tiểu thuyết của Ngọc Sơn là ái tình và hôn nhân. Đây cũng là chủ đề “yêu thích” của các nhà văn Nam Bộ thời kỳ này (như Sơn Vương, Cẩm Tâm, Đạm Phương…). Ngay trong 3 tác phẩm mà ông đề là “thế sự tiểu thuyết” thì cái cốt lõi, sợi chỉ xuyên suốt giữa chúng là vấn đề tình yêu đôi lứa, hôn nhân tự do không theo sắp đặt và hạnh phúc cá nhân. Có thể nói, trong buổi giao thời nhộm nhoạm, đây là những vấn đề “thời thượng” được đông đảo lớp thanh niên tân thời ưa chuộng. Chính vì vậy, Ngọc Sơn cũng như nhiều nhà văn đương thời, muốn thu hút được độc giả phải hướng đến “loại” độc giả này.

Trong tiểu thuyết Ngọc Sơn, hình ảnh người phụ nữ, những cô thiếu nữ tân thời hiện lên rất rõ nét và khá sinh động. Ở mỗi tác phẩm, Ngọc Sơn đều xây dựng được một kiểu nhân vật, chân dung người phụ nữ với những khía cạnh khác nhau. Khi thì là một cô Kim Hoa vừa có nhan sắc, “văn võ song toàn” lại vừa có chí khí và lòng hào hiệp trong Nhà giàu kén rể, khi là cô Đào Phi Yến vừa xinh đẹp lại vừa thông minh khôn khéo trong Gả hay bán? Khi lại là Hạnh Hoa vừa chung tình lại vừa hiếu thuận trong Khác máu tanh lòng, hay cô Cúc trọng nghĩa, nặng tình trong Sẽ về ai?... Tất cả họ đều là những người phụ nữ có nhan sắc, có đức hạnh, mỗi người ở một hoàn cảnh khác nhau, gặp những trở ngại, những éo le trên đường đời cũng khác nhau nhưng cuối cùng đều tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Hạnh Hoa trong Khác máu tanh lòng, dù bị mẹ kế đẩy đến con đường phải tha phương cầu thực, tần tảo nuôi chồng ăn học cuối cùng cũng được đền đáp khi chồng đỗ Trạng nguyên. Hay Đào Phi Yến trong Gả hay bán?, bị cha mẹ vì tham tiền mà ép gả cho người này đến người khác nhưng bằng sự thông minh và khôn khéo, cuối truyện cô cũng được kết hôn với người mình yêu là Văn Quan... Những kiểu nhân vật như thế này ta còn gặp trong tác phẩm của các nhà văn Nam Bộ khác như Hoàng Minh Tự (Lận lận vì tình, Ông tơ cắc cớ), Đạm Phương nữ sử (Chung Kỳ Vinh), Huỳnh Thị Bảo Hòa (Tây phương mỹ nhơn), Nguyễn Bửu Mộc (Cô giáo Yến Hoa lụy vì tình), Trần Quang Nghiệp (Giọt lệ hồng nhan, Lửa tình)...

Ngọc Sơn sáng tác trong lúc phong trào nữ quyền đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu ở Nam Bộ nên trong tiểu thuyết của ông, hình ảnh những người phụ nữ thời đại mới đấu tranh cho sự tiến bộ của phụ nữ cũng được tập trung khắc họa. Trong tiểu thuyết Sẽ về ai?, nhân vật chính cô Cúc - một cô gái tân thời, có học thức và có tư tưởng “nam nữ bình quyền” vì quá ngây thơ tin vào tên “ngụy quân tử” Triệu Minh nên bị thất thân phải nhảy cầu tự vẫn. Sau này, cô đã tìm được hạnh phúc cho mình ở tình yêu cao thượng của vị tiến sĩ y khoa Nhựt Quang. Hay trong May nhờ rủi chịu, các nhân vật dường như chỉ xoay quanh và làm “nền” cho nhân vật chính là cô Kim Hoa. Ở đoạn cuối của truyện, cô Kim Hoa là người đứng ra chủ trì cho hai người đàn ông mà mình cùng yêu: một người là chồng hứa hôn bị lạc mới về và một là người chồng hiện tại đã có với cô một đứa con (điều đặc biệt là 2 người là anh em thất lạc nhau từ hồi bé nay cũng mới nhận ra nhau) bắt thăm may rủi xem ai sẽ được là chồng cô. Cuối cùng người hứa hôn từ ngày trước - người anh - bắt được chiếc thăm may mắn còn người chồng - người em - đành ngậm ngùi gọi người trước là vợ mình nay bằng chị dâu. Có thể nói, dù ở hoàn cảnh nào, những người phụ nữ trong tác phẩm của ông đều tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Đây là mặt mạnh nhưng cũng là điểm yếu về kết cấu tác phẩm của Ngọc Sơn. Chính vì dù thế nào nhân vật chính trong tác phẩm cũng phải đến được cái đích của nhà văn đã đặt ra nên ở một số tiểu thuyết, kết thúc truyện thường thiếu sức thuyết phục, không theo diễn biến tâm lí của nhân vật hay nói cách khác, đây là những kết thúc được nhà văn “tô hồng” (như trong các tiểu thuyết Sẽ về ai?, May nhờ rủi chịu).

Khảo sát tiểu thuyết của Ngọc Sơn, chúng tôi nhận thấy, nhà văn đều kể chuyện ở ngôi thứ 3 số ít - người kể chuyện “biết tuốt”. Với cách trần thuật này, do Ngọc Sơn còn khá non tay trong cách xử lí câu chuyện nên “lời văn trung tính nặng về thông tin, câu văn nhạt nhẽo, thiếu sinh khí”(2). Tuy nhiên, trong tiểu thuyết May nhờ rủi chịu, Ngọc Sơn đã tỏ ra chịu khó tìm tòi và đổi mới thể hiện ở cách vào đề, dẫn dắt truyện. Câu chuyện trên trang giấy được bắt đầu từ đoạn cuối của câu chuyện ngoài đời khi Kim Hoa đang bế con gặp lại Kim Chung là người đã hứa hôn từ ngày xưa sau bao năm thất tin trở về, sau đó tác giả tìm về quá khứ để truy nguyên ra vì sao có cuộc gặp gỡ bất ngờ gây bối rối cho cả hai nhân vật chính trong truyện rồi trở lại hiện tại trong cuộc gặp gỡ tay ba giữa Kim Chung - Kim Hoa - chồng cô là Kim Hoàn (cũng là người em thất lạc của Kim Chung). Dẫu vậy, những tìm tòi này chưa thật sự nhuần nhuyễn và được nhà văn ý thức một cách rõ rệt vì đây là tác phẩm duy nhất của ông viết theo kiểu này. Đây cũng là một hạn chế chung của nhiều nhà văn quốc ngữ Nam Bộ thời kỳ này như Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương, Hoàng Minh Tự... và cả Hồ Biểu Chánh. Phần lớn câu chuyện được kể theo dòng thời gian một chiều truyền thống. Kết thúc câu chuyện theo kiểu “happy end” (kết thúc vui vẻ) với bố cục hội ngộ - lưu lạc - đoàn viên của truyện thơ Nôm trung đại. Motif này hiện lên rất rõ nét và trở đi trở lại trong hầu hết các tác phẩm của Ngọc Sơn.

Sở dĩ có điều này là do những hạn chế có tính lịch sử. Những tác giả trước Ngọc Sơn như Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt và cả Hồ Biểu Chánh, dù là trí thức tân học, nhưng vì “nhận thấy muốn viết Việt văn thì cần phải biết chữ Hán, bởi lẽ biết chữ Hán mới có đủ chữ mà dùng và dùng cho khỏi sai nghĩa” (3) nên họ học chữ Hán rồi dùng vốn chữ Hán này để dịch truyện Tàu và tập sáng tác tiểu thuyết theo mô hình tiểu thuyết chương hồi Minh - Thanh. Mặt khác, những nhà văn này cũng nhận thức rõ thị hiếu của người đọc Nam Bộ lúc đó vẫn còn ưa chuộng truyện thơ viết bằng văn vần hoặc văn biền ngẫu, vẫn còn thích đọc những gì gần gũi với mình nên họ phải chấp nhận sáng tác theo lối truyện thơ trung đại theo kiểu Truyện Kiều và nhất là Lục Vân Tiên... Hơn nữa, tấm gương trước đó là Thầy Larazô Phiền của Nguyễn Trọng Quản được viết theo thi pháp tiểu thuyết phương Tây đã không được độc giả tiếp nhận nên các cây bút đều tránh viết theo hướng này.

Tác giả sử dụng nhiều từ ngữ và nhất là khẩu ngữ Nam Bộ. Nhiều đoạn tỏ ra có duyên và khá thú vị, ít nhiều tạo nên bản sắc riêng cho tác giả. Tuy vậy, nhiều khi tác giả quá lạm dụng cũng gây nặng nề, và những câu văn thô vụng, tối nghĩa hay từ Hán Việt và câu văn biền ngẫu còn xuất hiện dày đặc trong các tác phẩm của Ngọc Sơn. Chẳng hạn như: “Than ôi! Nhà nước đang cơn thạnh trị, muôn dân hưởng phước thái bình, bỗng đâu trời già bày trò oan nghiệt: làm cho Đông, Tây, Nam, Bắc giao phong, ngọn thủy triều dâng cao mấy thước! (…) Chồng xa vợ, cha lìa con, anh xa em, bậu xa bạn, kẻ bơ vơ nơi góc biển, người lưu lạc chốn đầu non. Cơm không có ăn, áo không có mặc, nhà không có ở, màn là Trời, chiếu là Đất. Ôi! Tình cảnh ấy, ai trông vào mà chẳng thảm mục thương tâm?”…

Một điểm đáng lưu ý nữa là, Ngọc Sơn viết tác phẩm khá nhanh và gần như được xuất bản ngay như May nhờ rủi chịu viết tại Cần Thơ ngày 14/8/1932 và xuất bản cũng năm đó hay tác phẩm Khác máu tanh lòng viết xong ngày 2/9/1932 thì cũng năm đó đã có trên các kệ sách. Sự nhanh chóng này nhiều khi dẫn đến dễ dãi, thiếu chiều sâu trong tác phẩm. Ở những nhà văn đương thời như Hoàng Minh Tự, Trương Quang Tiền, Sơn Vương, Trần Quang Nghiệp, Cẩm Tâm, Nam Đình Nguyễn Thế Phương... chúng ta thấy trong một năm họ có thể xuất bản hàng chục truyện ngắn hoặc tiểu thuyết (4).

Có thể nói, tiểu thuyết Ngọc Sơn đã góp phần làm đa dạng và tô đậm bức tranh của tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ những thập niên đầu thế kỷ XX. Ông cũng góp phần tái hiện và xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam vừa có trí tuệ vừa giàu lòng nhân ái và đức hi sinh từ bao đời nay. Nhận diện lại ông cũng là góp phần nhận diện lại tiểu thuyết quốc ngữ nói riêng và nền văn học quốc ngữ Nam Bộ nói chung trong lịch sử văn học cận đại Việt Nam.

TRẦN VĂN TRỌNG
Nguồn: VNQĐ

_____________________________

(1) Các tác phẩm đã xuất bản: Thùng thơ bí mật (bút danh Phi Long, dịch, 1928), Thần tự do (dịch cùng Đoàn Hiệt, 1928 - chưa tìm được), Gương ái quốc (dịch cùng Đoàn Hiệt, 1928 - chưa tìm được), May nhờ rủi chịu (1932), Khác máu tanh lòng (1932), Gả hay bán? (1933), Nhà giàu kén rể (1933), Sẽ về ai? (1933), Duyên nợ Yo Yo (1933 - chưa tìm được).
(2) Hoàng Ngọc Hiến, 5 bài giảng về thể loại, Nxb. Giáo dục, H, 1999, tr. 63.
(3) Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 25-26.
(4) Xem thêm Thư mục tiểu thuyết và đoản thiên tiểu thuyết trong sách Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do Nguyễn Kim Anh chủ biên, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2004, tr. 943-977.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...