Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

NHÀ THƠ PHAN HOÀNG: BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ - BƯỚC CHÂN MỞ CÕI

Trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng vừa được Ủy ban nhân dân TPHCM trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm lần thứ II (2012-2017)…
Nhà thơ Phan Hoàng ở Phú Yên

Nhà thơ Phan Hoàng khởi đầu viết trường ca Bước gió truyền kỳ(*) từ 15 năm trước, anh trích một số đoạn tham dự cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội 2003 - 2004 và đoạt giải thưởng. Từ bấy đến nay anh tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung đến đầu năm 2016 mới xuất bản, đủ thấy anh rất cẩn trọng trong lao động thơ.

Cảm hứng mở cõi giữ biên cương xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Phàm là con dân đất Việt dù chính kiến khác nhau nhưng mỗi lần nhắc đến công cuộc mở cõi giữ biên cương thì cảm hứng ấy luôn cháy bỏng và thiêng liêng; trường ca của Phan Hoàng nhập vào tâm thế ấy, đó là lợi thế đầu tiên.

Trên tấm lưng cong của dải đất hình chữ S, mỗi dốc đèo, mỗi bờ vịnh, mỏm đá, ngọn cỏ, gốc cây… đều ghi dấu máu xương mở cõi; chia ly và đoàn tụ; tang thương và lẫm liệt… Phan Hoàng được sinh ra trên vùng đất như thế, vùng đất có tên là Tuy Hòa, Phú Yên. Mới nhắc đến mấy chữ ấy lòng đã thấy rưng rưng bởi đó là khát vọng cháy bỏng của bao thế hệ tiền nhân. Nhìn lại quá khứ chưa xa, vùng đất này đã mấy khi được Hòa bình mà có “Phú” có “Yên”? Trông vào đâu anh cũng thấy âm vang quá khứ hiện về:

lồng lộng Đá Bia
oai linh tinh hoa trời đất
hào hiệp sông Ba
thiêng liêng dòng sữa sinh thành.

Những địa danh rất ấn tượng, đó là hiện hữu hiện tại, nhưng nhiều nhất là những hình nhân lạ lùng:

Đêm đêm bỗng nghe rừng xanh thành cổ
bước ai trong gió lặng trôi bềnh bồng…

Người lên đầu non, người xuôi cuối bể
xác hoá mây bay, hồn về đất mẹ…

Trên đất nước ta có lẽ không nơi nào có nhiều gió bão như tấm lưng cong của dải đất miền Trung, “Ơi cái gió Tuy Hòa/ Gió chuyên cần và phóng túng” (Trần Mai Ninh), Phan Hoàng đặt ra những câu hỏi với sinh thể gió:

Bay đường nào con người bớt khổ đau?
Bay đường nào con người bớt nghèo đói?
Bay đường nào con người bớt phản trắc?
Bay đường nào con người tin được nhau?

Trong trường ca này, điểm xuyết đó đây, Phan Hoàng vẫn nêu ra những vấn đề bức xúc về nhân tình thế thái để ta cùng suy ngẫm. Và câu trả lời:

Bay đến vùng trời thi ca âm nhạc đang cứu rỗi những nòng súng

Rất bất ngờ với ý nghĩa nhân văn. Trường ca với chủ đề mở cõi giữ biên cương nhưng rất hiếm thấy cảnh trận mạc voi gầm ngựa hí, chiêng trống thúc quân, đầu rơi máu chảy mà từng câu thơ đều thể hiện: vừa hào sảng sử thi vừa chia sẻ nỗi niềm.

Gió hóa thân các chàng trai vạm vỡ lưu dân
gánh trên vai ánh mắt kỳ vọng của người già
giấu kín trong tim mùi hương vợ trẻ tiếng khóc con thơ

Tả chân dung những người đi chinh chiến, tác giả không tả hành trang của họ gồm súng hỏa mai hay gươm giáo khiên mộc mà là tình thương nỗi nhớ. Chính hành trang vô hình này mới là cái gốc của ý chí kiên cường mạnh hơn nhiều lần súng gươm.

Hào sảng sử thi và chia sẻ nỗi niềm, hai yếu tố này đan xen nhau suốt chiều dài của trường ca. Từng đọc nhiều bản trường ca chung đề tài này, tôi thấy phần lớn tác giả hay say mê tập trung vào yếu tố thứ nhất. Ở Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng có ý thức làm khác đi. Đây là nét mới của trường ca, độc giả dễ dàng tiếp nhận và ghi nhận sự đóng góp của anh.

Gió vẫn miệt mài cõng hương qua núi đồi một thời trận mạc
gió nói gì với những chiếc bóng lang thang chưa yên nghỉ mộ phần?
Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng

Trường ca không dẫn dắt theo lộ trình mở cõi mà từng bước hiển hiện thấp thoáng trong ý tứ câu thơ. Ta biết dấu chân mở cõi tới đâu, thời gian địa điểm nào rồi và cuộc hội ngộ giữa người dân bản địa và người viễn xứ mới đến sinh động và tình cảm làm sao. Âu đó cũng là cái duyên tiền định để hình thành cộng đồng dân cư trên hình hài chữ S. Và trên vùng đất hoang sơ ấy bắt đầu hình thành những dấu ấn văn hóa:

tạc nên tượng đài nhân hậu và quả cảm
tạc nên tượng đài phồn thực và hào phóng

Nhưng cuộc sống đâu đã yên định mà còn biết bao công cuộc bình định khác:

Cảm thương cô bé lọ lem
Bơi trong gió chướng giặc đêm cướp ngày

Gợi cảm thương mà hiển hiện nỗi gian truân của lịch sử, mới đọc qua tưởng dễ nhưng có lẽ tác giả phải chọn lựa và lao động nghệ thuật không hề đơn giản. Rõ hơn về việc giữ vững biên cương:

Biên giới bất thường chuyển núi động rừng
Bao linh hồn trẻ hóa gió hiên ngang

Là hiện tại nhưng vẫn không thiếu hình bóng quá khứ, linh hồn những người lính trẻ vẫn hiện về trên phòng tuyến giữ nước. Một đặc điểm nữa của thơ Phan Hoàng, là anh hay sử dụng bút pháp điểm xuyết chấm phá:

Núi thức mùi hương dặm xưa trinh nữ
Núi dậy hơi men chiến tướng khóc quân.

Đến chi tiết cảm động của người lính chiến:

Vội vội vàng vàng tiếng thở đêm tân hôn

Và những người ở hậu phương:

Bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con
Bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng.

Nghệ thuật điểm xuyết chấm phá trong hội họa thường chỉ gợi mà ít tả thực, thơ cũng vậy, nó tạo những khoảng trống để người thưởng ngoạn liên tưởng và như thế không gian thời gian nghệ thuật mở rộng mênh mang. Nói thiếu mà nói được nhiều hơn là nói đủ. Nhưng khi cần thiết, Phan Hoàng lại rất cụ thể, có thể nói trong trường hợp sau đây thì ít ai cụ thể được như anh:

Chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm

Chắc là anh phải mở Lịch sử Việt Nam lật từng trang và thống kê chi tiết, chính xác mới có con số cụ thể ấy. Ôi trên trái đất này chắc không có nơi nào chịu nhiều cuộc ngoại xâm như nước ta. Một cách làm nghệ thuật tâm huyết và trách nhiệm. Ở chương cuối: “Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại”, mở đầu:

Đất nước bước đi bằng mọi con đường
Dân tộc lớn lên từ bao thảm kịch

Là một đúc kết sắc bén và cảm động thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của người viết rất chân thành và tâm huyết.

Bước gió truyền kỳ, trường ca gồm 3 chương chính và 2 chương phụ: mở đầu và vĩ thanh, độ dài vừa phải nhưng mỗi ý tưởng, câu chữ hình ảnh, hình tượng… đều được anh nghiền ngẫm thấu đáo, lao động nghệ thuật công phu.

Lại nhớ tập thơ của Phan Hoàng xuất bản 4 năm trước có tên Chất vấn thói quen (được Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh), càng thấy rõ sự nhất quán trong quan điểm nghệ thuật của anh: dứt bỏ thói quen cũ, đổi mới thi pháp thơ. Là trường ca ôm trùm vấn đề rộng lớn nhưng anh không sa đà vào kể và tả mà coi trọng nghĩ và cảm; mỗi phần hay toàn cục, anh không kết thúc đóng mà kết thúc mở. Đó là những yếu tố chủ yếu của thi pháp mới. Phan Hoàng bắt nhịp với sự chuyển đổi ấy một cách thanh thoát và hiệu quả.

Trường ca thường có nhân vật, nhưng Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng không mượn một, hai nhân vật lịch sử cụ thể nào mà anh lấy sinh thể gió, vừa hiện hữu vừa mơ hồ; vừa hiu hiu vừa bão táp; vừa quá khứ vừa hiện tại làm “nhân vật” chính là một sáng tạo độc đáo, mới mẻ.

NGUYỄN VŨ TIỀM
Nguồn: ĐNCT

_____________
(*) Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng, NXB Hội Nhà văn 2016.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...