Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH: VIẾT VĂN BẰNG SỰ TRẢI NGHIỆM, QUAN SÁT VÀ LÒNG YÊU NGHỀ

Đó là chia sẻ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi giao lưu với sinh viên khoa Văn-Đại học sư phạm Hà Nội sáng 9.12. Nhiều câu hỏi và chia sẻ đã được "tác giả của tuổi thơ” này giải đáp. Buổi giao lưu đã thu hút hàng trăm sinh viên tại Đại học Sư phạm Hà Nội tới tham dự.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

"Hiệp sĩ của tuổi thơ"

Xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ XX, Nguyễn Nhật Ánh đã bắt đầu đánh dấu tên tuổi của mình trong lòng nhiều lớp thế hệ thiếu nhi bởi lối viết truyện giàu cảm xúc, sự chân thành sâu sắc với lối tư duy đậm tính triết lí, đầy ngỗ nghịch và mang tính đột biến cao.

Tại chương trình giao lưu, nhiều em học sinh, sinh viên thể hiện sự mến mộ của mình với nhà văn đầy tài năng này bằng cách chỉ ra một loạt tác phẩm gây “chấn động” nền văn học thiếu nhi như: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là bêtô, Kính vạn hoa, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…

Nhà văn cho biết, cuộc sống hiện đại đầy biến động với sự du nhập của văn hóa nước ngoài vào Việt Nam, trẻ em được tiếp xúc với nhiều công nghệ hiện đại nên dễ bị lôi kéo vào những con đường khác ngoài văn học. Vì vậy ông tâm niệm: “Các nhà văn phải viết loại sách để đáp ứng được nguyện vọng của các em, đẩy lùi văn hóa độc hại ra khỏi nhà trường.” Với thiên chức là một người “cầm bút” nhà văn đã viết, đang viết và sẽ tiếp tục viết những tác phẩm cho lứa tuổi này.

“Viết sách cho tuổi thơ là vì có trách nhiệm với bạn đọc, khi những tác phẩm của mình đang được lứa tuổi này mong chờ mỗi ngày. Hơn thế nữa đó còn là vì tâm hồn tôi đã gắn liền với tuổi thơ, có nhu cầu viết sách để được trở về lại những “sân ga, bến tàu” của tuổi thơ.” – Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Nhiều chia sẻ thú vị

Có câu hỏi được đặt ra như đâu là bí quyết của sức viết bền bỉ và sự quyến rũ của ngòi bút đến như vậy? Ý tưởng văn chương của nhà văn từ đâu mà có? Hay nhiều câu hỏi khác liên quan đến các tác phẩm khác như câu hỏi về các nhân vật của trong truyện có nguyên mẫu thật hay không? Rồi nhà văn có lên đề cương chi tiết, sắp xếp các nhân vật trong truyện của mình như thế nào mà lại hay như thế?... được các bạn sinh viên gửi tới nhà văn.

Giải đáp những thắc mắc này của các bạn sinh viên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tươi cười chia sẻ một cách hết sức chân thành. Ông cho biết kỷ luật lao động, sự cần mẫn và lòng yêu nghề chính là bí quyết để ông có thể cho ra đời những tác phẩm của mình. Không những thế, để tác phẩm của mình được sống động, tự nhiên mà hấp dẫn, nhà văn cần có sự trải nghiệm, ký ức, sự quan sát và óc tưởng tượng.

Ông cho biết thêm, hầu hết các nhân vật trong tác phẩm của mình đều là hư cấu nhưng những tình huống, những chi tiết trong tác phẩm lại là có thật. Cũng có những nhân vật là tổng hợp nhiều tính cách của những người bạn ngoài đời thực để đưa vào tác phẩm. Chính vì thế những tác phẩm của ông, bạn đọc nhìn thấy mình ở trong đó, như được sống ở thời đó vậy.

Những nhân vật trong tác phẩm của mình, ông thường tạo không gian cho chính nhân vật được chủ động quyết định đời sống của mình, xác định đích đến và để cho nhân vật trong truyện phát triển theo hướng tự nhiên chứ không gượng gạo, gò bó giống như con rối bị giật dây. Lối kể chuyện tự nhiên cùng với việc huy động những ký ức, kỷ niệm có thật, sự trải nghiệm tạo nên một sự cuốn hút cho tác phẩm của mình.

Giải thích về những cái kết trong nhiều truyện như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Chuyện xứ LangBiang… đều là kết mở. Nhà văn cho biết trong các câu chuyện của mình ông thường để một “khoảng trống về mặt văn bản” để chính bạn đọc cùng tham gia đồng sáng tạo với người viết. Không phải tất cả cái gì trong truyện cũng nói hết để tạo sự liên tưởng, sự kết nối và sự thú vị cho cả người đọc và người viết.

Cũng trong chương trình giao lưu, nhà văn đã dành thời gian để ký tặng sách lưu niệm tới những người đã tham gia, những bạn trẻ hâm mộ sách của ông.

***

Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7.5.1955 ở xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà văn chuyên viết truyện cho lứa tuổi thiếu nhi. Những tác phẩm của ông bắt đầu xuất hiện rộng rãi vào những năm 80 của thế kỷ XX. Cho đến nay, nhà văn tài ba này đã có khoảng hơn 100 tác phẩm được xuất bản. Ngoài viết văn, ông còn được biết đến là một nhà báo, một người bình luận thể thao, chuyên gia tư vấn tình cảm… Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim như Áo trắng sân trường, Kính vạn hoa, Chú bé rắc rối… và mới đây nhất là Tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

VƯƠNG TRẦN
Nguồn: LĐO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...