Nhà thơ Lê Minh Quốc
Thế rồi trong
một lần ra Hà Nội, Nguyễn Trọng Tạo nhờ tôi chuyển cho Quốc mấy cuốn
sách. Trở vào, dù không muốn tôi cũng phải đến gặp anh để đưa tận tay. Thấy anh
niềm nở chuyện trò, tôi lựa lời hỏi về lời đồn nghe dạo nào. Quốc ngớ người: “Đâu có, vợ tôi con nhà bình
dân, chẳng dính dáng gì tới công an công iếc nào hết…”.
Quả vậy. Nhưng
Quốc cưới vợ lần đầu năm nào nhỉ? Khi tôi hỏi, anh thú thật không nhớ. Rồi
lại cưới. Rồi lại chia tay và hiện nay như anh tự nhủ là vẫn: “Đi không ai
nhớ/ Về chẳng ai mong/ Xa không ai đợi/ Gần chẳng ai trông/ Mình
tôi một bóng/ Sống phải phân tâm/ Vừa đóng vai vợ / Lại diễn vai chồng”. Tự
trách mình đã quá hồ đồ, từ đó tôi có ý tìm hiểu thêm về Quốc, mới thấy lời đồn
ác ý.
Khó chơi sao được khi một người mê chữ nghĩa, ra đường hễ
thấy ở đâu có bán sách báo cũ là hăng hái lục tìm. Một lần đi qua mấy bà ve
chai, theo thói quen, anh dừng xe sà xuống xem có sách báo cũ gì hay bán không. Thấy trước mắt là những bộ Bách Khoađóng bìa cứng nằm ngổn ngang. Anh mừng rú
như bắt được vàng. Sờ tay vào túi quần,
có tiền. Hỏi mua. Bà bán ve chai bảo đã có người mua, nhưng do không đủ tiền nên ổng mới đặt cọc,
chút nữa sẽ quay lại lấy. Quốc choáng váng, tiếc hùi hụi. “Cậu trả hơn tiền thì
tôi bán cho cậu” – Bà ve chai gợi ý. Dù có trả cao hơn mấy lần, “số vàng Bách Khoa” kia vẫn rẻ rề, anh vẫn đủ sức. Nhưng
“cuộc đời như cái chăn hẹp, người này co thì người khác hở” (Nam Cao). Mình vui ắt người kia buồn, anh đành ngậm ngùi chạy xe
đi và tự trách mình không có duyên.
Khó chơi sao
được khi sinh thời bà chị ruột của anh ở Đà Nẵng, tính mở tiệm cầm đồ, anh kiên
quyết ngăn lại. “Chị thiếu tiền em cho chị tiền, nhưng không được kiếm sống
bằng cái nghề quái quỷ đó!” Chả là mấy năm học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Minh Quốc ở trọ cạnh
một tiệm cầm đồ, đôi lúc túng quá cũng cầm vài bộ quần áo, rồi chuộc lại, có
khi bỏ luôn. Lúc mình ngặt họ tha hồ chê ỏng chê eo, chỉ cho vay bằng
1/10 giá trị đồ của mình. Biết thế, nhưng nhiều người nghèo trong cơn túng quẫn cũng phải đâm đầu vào, nghĩ mà
thương. Cuối cùng bà chị phải nghe theo, quay qua kinh doanh quần áo cũ.
Khó chơi sao
được với một người cất công vào Thư viện Trường Đại học Khoa học & Nhân
văn Thành phố Hồ Chí
Minh hì hụi lục tìm Gia Định báo rồi photocppy lại sau
đó đóng thành tập. Để thỏa mãn thú “chơi sách” của mình? Không phải. Để nghiên cứu? Không phải. Để biết
đâu sau này có người cần nghiên cứu
thấu đáo, cần tiếp cận cụ thể từng văn bản thì tặng lại…
Thế đấy, Lê Minh Quốc tính bác ái, giàu tình thương. Một người như thế, không bao giờ là
kẻ khó chơi. Nhưng chơi với anh… thật khó! Vì anh có chơi bời gì đâu. Ngày nào cũng như ngày nào, kể cả chủ nhật, ngày nghỉ: buổi
sáng thức dậy ngồi trước bàn phím, nhâm nhi ly cà phê và viết. Viết như một
thói quen, không đợi cảm hứng. Không cà phê ngoài quán, sợ mất thời gian. Sáng
nào bận họp thì rời nhà sớm, còn không cứ lặng lẽ viết một lèo đến chừng
9 hoặc 10 giờ, rồi đi ăn sáng, vào cơ quan. Chiều thức giấc lại ngồi trước máy tính, tiếp tục viết. Hôm nào có
hẹn hò lai rai thì 17 giờ tắt máy, còn không cứ viết tiếp đến 19 giờ,
sau đó mới cơm nước, khoảng 21 giờ đi nghỉ. “Một ngày của anh mưa nắng đã lập trình/ phải chạy đua
cùng khoảnh khắc bình minh/ mười ngón tay gõ phím/ mười ngón tay quen đếm/ bao nhiêu niềm vui lọt xuống sàn nhà…”
Vì cố gắng
suốt ngày chỉ làm mỗi việc viết nên Lê Minh Quốc viết được thật nhiều. Lấy năm
1989, năm Quốc ra tập thơ đầu tay Trong cõi chiêm bao (Nxb Trẻ)
làm mốc, đến nay anh đã viết và in 11 tập thơ; 6 tập truyện dài, 6 tiểu thuyết; 11 tập tùy bút; 8 tập biên soạn. Tổng
cộng 42 cuốn. Chưa kể cỡ ngàn bài báo Quốc viết in trên báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh và các báo khác.
Hỏi, chữ nghĩa
đâu mà ông viết nhiều như vậy? Lê Minh Quốc cười. Đây cũng là điều đôi lúc anh
tự hỏi, và ngạc nhiên chẳng biết làm sao chữ nghĩa trong đầu ở đâu ra nhiều thế?
Nhiều đến bao nhiêu? Không thể biết. Cứ buổi sáng buổi chiều đúng theo thời
khóa biểu, theo thói quen, ngồi vào bàn là viết. Thong thả. Tự tại. Viết mãi.
Viết hoài. Viết từ ngày này qua ngày nọ. Như con suối cứ tuôn chảy trên dòng thời gian. Một ngày không viết tự
dưng thấy nhớ. Thấy một ngày trôi
qua vô ích quá, chẳng làm được cái gì nên hồn cả. Có hôm vừa tắt máy đi
nghỉ, bỗng nhận được một cú điện thoại từ Hà Nội gọi vào: “Anh ơi, viết giúp em bài báo”. “Bao nhiêu chữ?”.
“2.500 chữ”. “Bao giờ lấy”. “Hai tiếng đồng hồ nữa, 19 giờ lấy nhé anh!”.
“Không thể chậm hơn à?” “Không thể…”. “Ok!”. Ok xong mới thấy mình nhẹ dạ,
liều. Nhưng đã trót đành phải
trét, lại mở máy ngồi viết. Rồi cũng xong.
Với những bài báo lẻ thì như vậy, mà với những tiểu thuyết đòi hỏi sự
dụng công lâu dài anh làm cũng thật nhẹ nhàng. Năm 1994, trong một lần đến thăm
thầy Trần Hữu Tá tại nhà riêng, chuyện trò, thầy cho biết chị Đỗ Thị Phấn –
Giám đốc Fahasa và nhà văn Hoàng Lại Giang – Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Tủ sách Truyện danh nhân. Thầy gợi ý:
“Lê Minh Quốc nên nhận lời viết về một nhân vật lịch sử mà mình hằng ngưỡng mộ”. Lập tức trong ký ức của
anh hiện lên hình ảnh lãnh tụ Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học. Chao ôi! Còn gì hấp
dẫn tuổi trẻ hơn hình ảnh một
nhà cách mạng lúc bước ra pháp trường
còn ngẩng đầu lên đọc thơ. Những câu thơ “Chết vì Tổ quốc/ Cái chết
vinh quang/ Lòng ta sung sướng/
Trí ta nhẹ nhàng” của
Nguyễn Thái Học bỗng quay về tâm trí của anh lúc ấy. Được thầy Tá ứng nhuận
bút, trên đường về Quốc liền ghé qua chợ sách cũ nằm trên đường Nguyễn Thị Minh
Khai, dốc hết ra để mua tài liệu liên quan đến nhân vật. Do khúc ngoặt của lịch
sử, rất nhiều người ngại viết về tổ chức Quốc dân đảng. Nhưng điểm son, mặt
tích cực của nó thì không thể phủ nhận. Đánh giá sự vật phải đặt nó
trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, vậy mới là khoa học. Đoan chắc thế nên anh
càng quyết tâm. Nửa năm sau, ngày 26.11.1994 nhà văn đặt dấu chấm cuối cùng cho
tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thái Học. Năm 1995 sách in ra, phát hành, lập tức được
nhiều báo, trong đó có báo Nhân Dân (số ra ngày Chủ nhật
9.6.1996) giới thiệu rất trân trọng. Được đà, những năm sau đó hàng loạt tiểu
thuyết, truyện lịch sử của nhà văn Lê Minh Quốc như Tướng quân Hoàng Hoa Thám (1996), Nguyễn
An Ninh – dấu ấn để lại (1997), Chiến tướng Tôn Thất Thuyết (2003), Bạch
Thái Bưởi – khẳng định doanh tài đất Việt (2007) ra đời.
Viết tiểu thuyết
lịch sử, tái hiện chân thực, sinh động không khí lịch sử của đất nước một thời
là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn theo tôi, qua đó, đưa ra được những kiến
giải thấu đáo. Đọc tiểu thuyết lịch sử của Lê Minh Quốc, thấy tác giả đã
làm được điều này khi cho thấy rõ một điều, chính từ khởi nghĩa Yên Bái, nhà cầm
quyền Pháp nhận ra rằng, từ đây họ phải đối đầu với đường lối đấu tranh mới,
khác hẳn trước đó. Nghĩa là, một dân tộc nô lệ đã có một chính đảng chỉ đạo và
tổ chức, chứ không chỉ lệ thuộc vào vai trò của một cá nhân. Điều này khác hẳn
với Tướng quân Hoàng Hoa Thám, cuộc
kháng chiến của ông là sự nối dài của phong trào Cần Vương. Khởi nghĩa Yên Thế
kéo dài ròng rã 30 năm, năm 1913 khi lãnh tụ Đề Thám qua đời, nó hoàn
toàn chấm dứt. Vì thế, có thể lấy năm 1913 – năm mất của Hùm thiêng Yên
Thế làm năm kết thúc lời kêu gọi của vua Hàm Nghi (1885) khi nghiên cứu lịch sử
đất nước giai đoạn này…
Viết nhanh, viết nhiều mà không ẩu, không qua loa đại
khái. Có lần chỉ một chữ “đánh hôi” thôi mà Quốc phải tìm mãi, hết tra Đại
Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của
Hội Khai Trí Tiến Đức, Từ điển Tiếng Việt của Hội Ngôn ngữ học
Việt Nam. Vẫn chưa yên tâm. Mãi tới khi đọc hồi ký của ông Nguyễn Long Trảo,
con rể cụ Ca Văn Thỉnh. Trong hồi ký, ông Trảo kể về quy ước tát đìa ở Nam bộ hồi
trước, mỗi con cá khi vọt ra phía
sau là đã thuộc về quyền sở hữu của những con hôi lúc nhúc bám theo sau,
chủ nhà không được tiếc của mà quay lại bắt… Đọc xong vỗ đùi đánh đét, suy luận,
“con hôi” trong ngữ cảnh trên là từ “hôi” mà có. “Hôi” có nghĩa là mót, nhặt bắt
những thứ sót lại; dần dần “hôi” mang nghĩa xấu như hôi của, đánh hôi… Lúc thấy mình đã tìm
ra nguyên nghĩa chữ đánh hôi, kẻ mê chữ Lê Minh Quốc mới có thể yên tâm kê cao gối ngủ.
Người như thế
mà bị báo Tuổi trẻ từ chối với “Lý do: qua tám tháng thử việc,
không thể hiện được hướng phát triển trong công việc làm báo”thì cũng lạ. Nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của
nó. 8 tháng thử việc ở báo Tuổi Trẻ (7/9/1987 – 1/5/1988),
đáng lẽ phải đi cơ sở viết bài phản ánh thời sự thì Quốc lại “đi thực tế”ngay
trong thư viện báo nhà, nơi lưu trữ
khá nhiều sách báo in ấn phát hành ở miền Nam trước năm 1975. Mang theo thói
quen của những năm học đại học, ngày đầu tiên của quá trình thử việc, đến báo, Quốc đánh hơi ngay ra thư
viện, và khi đã Ơreka rồi thì
mê quá. Từ đó mỗi ngày vào cơ quan,
anh lại chui tọt vào đó lục lọi, tìm đọc tất tần tật. Có những buổi trưa
còn ngủ luôn trong thư viện. Nên việc
cuối cùng Quốc bị báo Tuổi Trẻ từ chối thì cũng đích đáng thôi. Nhưng việc anh sau đó nhanh
chóng tìm ra nơi dung mình -
báo Phụ Nữ TP HCM - thì phải gọi là duyên. Đúng là duyên thật.
Trong quá trình khởi động đi xin việc nơi khác khi rời khỏi báo Tuổi Trẻ, một buổi sáng đẹp trời năm
1989, Quốc qua
báo Thanh Niên theo lời hẹn của Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế,
người từng có thời gian ở tù chung với
ba anh tại nhà lao Đà Nẵng. Trên đường đi bỗng dưng gặp nhà báo Thanh Bình
ngay trước cổng báo Phụ Nữ. Anh Thanh Bình gọi anh vào tòa soạn ngồi
chơi uống trà. Qua trò chuyện,
biết Quốc đang đi xin việc, Thanh Bình gợi ý nên xin về báo Phụ Nữ.
Chần chừ, chưa biết trả lời sao, lúc
ấy chị Tổng biên tập Thế Thanh đi ngang qua, biết chuyện chị cũng hiệp lời. Thế
là Quốc đành lỗi hẹn với anh Nguyễn Công Khế mà “… bưng thúng theo đàn bà/
ra chợ bán văn…”(*) từ bấy đến nay.
Làm phóng viên
báo Phụ Nữ thành phố, Lê
Minh Quốc ký nhiều bút danh nữ, trong đó có bút danh Huyền Sương. Một lần,
một bạn đọc râu hùm, hàm én xộc vào tòa soạn tìm nữ phóng viên Huyền Sương! Lê Minh Quốc buộc phải ra tiếp
khách. Sau một hồi khen ngợi những bài viết của Huyền Sương, anh ta ngỏ ý
muốn gặp nữ phóng viên này. Lê Minh Quốc đáp: “Cô ta đi vắng. Anh có nhắn lại
gì không? Tôi sẽ chuyển giúp”. Sau một hồi suy nghĩ, người bạn đọc lấy từ trong túi áo ra một cánh hoa hồng
và một lá thư tỏ tình nhờ Quốc chuyển giúp. Lê Minh Quốc hoảng quá, nhưng không thể không nói rõ với anh
ta sự thật. Sau ba lần uốn lưỡi, Quốc
nén tiếng thở dài: “Thưa anh, tôi chính là phóng viên ký tên Huyền Sương”. Vị khách nghe vậy sửng sốt đứng bật
dậy, một đi không trở lại. Những chuyện dở khóc dở cười như thế trong nghề báo
còn trở lại với anh thêm một vài lần nữa.
Đọc nhiều, đời sống ít nếm trải. Vốn liếng để làm nên những
cuốn sách của Lê Minh Quốc chủ yếu tìm trong sách vở và đào sâu vào bản thể
mình. Nếu Nguyễn Trí được coi là một nhà văn thành công nhờ có vốn sống thực tế
dồi dào, Lê Minh Quốc ngược lại,
thành công nhờ học và đọc. Cuộc đời anh, trừ 6 năm (1977 – 1983) đi bộ đội chiến
đấu trên chiến trường Kampuchia, bị quân Pol Pot bắt rồi được ta giải thoát; sa vào bẫy mìn
của địch mà không chết vì cái kíp mìn địch cài ngược là ác liệt, còn lại đều thanh bình. Nhà
văn đã qua trận mạc, nhiều người lấy
đó làm chất liệu vàng để viết văn xuôi. Lê Minh Quốc làm ngược lại, những năm
hành quân đánh giặc trên chiến trường K, cảm xúc anh dành dành trọn cho thơ, còn
chất liệu cho hàng loạt văn xuôi của mình (như đã nói) anh lấy từ nguồn khác. Quốc có thơ in báo từ năm 14 tuổi, từ đó thơ trở thành môi trường sống của anh. Đời sống
chiến trường, thiếu thốn đủ thứ, Lê Minh Quốc làm thơ và ghi vào giấy báo, giấy
thuốc lá và ghi đầy trên cánh võng của mình. Những bài thơ giúp anh đoạt Giải Nhất thơ kỷ niệm 10 năm thành
lập Lực lượng TNXP, cùng với Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh… về sau tập hợp
trong tập Đất bên ngoài Tổ quốc, in chung với Đoàn Tuấn.
Thơ Lê Minh Quốc
giàu tình cảm, nhiều triết luận, ngôn ngữ uyển chuyển, đặc biệt trong mảng thơ tình… Đọc Ngày mai còn lại một
mình tôi, Nếu không còn cổ tích, Đất bên ngoài Tổ quốc, Yêu em - Đà Nẵng, Hành
trình của con kiến… người đọc
thích thú ngắm anh trong tư thế Tôi chạy theo Thơ. Riêng tôi, mong
một lúc nào đó trong cuộc đua marathon không có điểm dừng này, thấy Lê Minh Quốc
vượt lên, để được nhìn ngắm anh trong tư thế Thơ chạy theo tôi, dù biết đây là điều không tưởng.
Lê Minh Quốc
sinh năm 1959, kết thúc năm Đinh Dậu anh chưa tới ngưỡng 60, thời gian sáng tạo
còn nhiều. Tương lai, có thể
anh vẫn sẽ viết như đã viết, không ham những tác phẩm sử thi, hoành tráng. Nhưng trong chưa đầy ba chục năm, vẽ hàng chục bức tranh, viết 42 cuốn
sách trên nhiều thể loại, trong đó nhiều cuốn được bạn đọc đón nhận, phải
tái bản nhiều lần đã là một sự hoành tráng đáng nể.
NGÔ XUÂN HỘI
Nguồn: VĂN NGHỆ, 3-2018
__________
* Thơ Nguyễn Vỹ: “… Còn tôi bưng thúng theo đàn bà/ Ra
chợ bán văn ngày tháng qua…”
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét