Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

VŨ HẠNH - NHÀ LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH VĂN HỌC TIÊU BIỂU Ở MIỀN NAM TRƯỚC 1975

Dẫu quá trình hoạt động văn học cả trong sáng tác lẫn lý luận - phê bình của Vũ Hạnh không phải mọi cái đều thuận lợi, thậm chí còn gặp nhiều điều rắc rối và hiểm nguy nhưng ông vẫn không chùn bước…
Nhà văn Vũ Hạnh

1. Có thể nói, lý luận - phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 là một nền lý luận – phê bình đa diện, đa chiều, đa thanh, đa giọng điệu. Vì vậy, nếu hình dung lý luận – phê bình văn học ở miền Nam là một dòng sông có nhiều nhánh, chảy qua những bãi bờ khác nhau, thì khuynh hướng lý luận - phê bình Mác-xít là một nhánh sông hiện hữu như một thực thể sinh động trong dòng sông lý luận - phê bình ấy. Và điều làm nên sự hiện hữu của khuynh hướng lý luận – phê bình Mác - xít, một thành tố không thể tách rời của bộ phận văn học yêu nước và cách mạng ở miền Nam trước 1975 đó là đội ngũ các nhà lý luận – phê bình.

Trong đội ngũ này có một số cây bút lý luận - phê bình mà ảnh hưởng không chỉ trong khuynh hướng phê bình Mác xít mà còn ảnh hưởng đối với cả đời sống lý luận - phê bình văn học ở miền Nam lúc bấy giờ như: Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Trần Triệu Luật, Cô Thanh Ngôn, Lê Nguyên Trung… Trong đó, có thể nói, Vũ Hạnh là một trong những gương mặt tiêu biểu, là cây bút khá nổi bật với rất nhiều bài viết, nhiều công trình lý luận - phê bình được xuất bản trên sách báo ở miền Nam mà hai công trình được dư luận quan tâm là Đọc lại Truyện Kiều (Cảo Thơm xb, 1966) và Tìm hiểu văn nghệ (Trí Đăng xb, 1970). Nhưng có lẽ Đọc lại Truyện Kiều là một trong những tác phẩm phê bình để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc nhất không chỉ ở tư duy độc đáo, mà còn ở vẻ đẹp ngôn ngữ phê bình với nhiều cá tính sáng tạo. 

2. Đọc lại Truyện Kiều của Vũ Hạnh cho thấy một bút lực sung mãn, một tư duy phê bình tinh tế, nhạy cảm và sắc sảo. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm luôn đem đến cho người đọc những bất ngờ thú vị từ những liên tưởng do tác giả gợi lên. Các bài viết như "Đứa con của nàng Kiều", "Từ Hải sự lỡ tay của thiên tài", "Những khuôn mặt tình yêu trong Truyện Kiều" là những bài viết như thế.
      
Có thể nói, việc nghiên cứu Truyện Kiều của Nguyễn Du ở miền Nam trước 1975, không chỉ có Vũ Hạnh mà còn có một số công trình của các tác giả khác như Trần Thanh Hiệp với "Để giải quyết mâu thuẫn trong Đoạn trường tân thanh" (Sáng tạo số 6/1957); Nguyên Sa với "Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do" (Sáng tạo số 12/1957); Lê Tuyên với “Thời gian hiện sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh” Đại học số 9/1959; Tô Thùy Yên, với “Đi tìm Nguyễn Du”, Văn nghệ số 17 - 9,10/ 1962; Đàm Quang Thiện, với Ý niệm bạc mệnh trong đời Thúy Kiều, Nam Chi Tùng Thư Xb.1965; Thích Thiên Ân, với Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều, Đông Phương Xb, SG, 1966; Chơn Hạnh, với “Nguyễn Du trên con đường trở về của Phật giáo”, Tư tưởng số 8/1970; Thanh Lãng, với “Kiều qua 150 năm suy nghĩ văn học”, Nghiên cứu văn học số 9 (15/11/1971); Bùi Hữu Sủng với “Nghệ Thuật “vang và bóng” trong truyện Kiều” Bách Khoa giai phẩm số 381 ngày 15/11/1972... Nhưng ở Đọc lại Truyện Kiều mọi vấn đề được Vũ Hạnh nhìn nhận từ một hệ qui chiếu khác so với các nhà phê bình ở miền Nam. Đó là hệ qui chiếu của kiểu phê bình xã hội học chịu ảnh hưởng mỹ học Mác xít. Ở đây ông không giải mã Truyện Kiều theo quan điểm duy tâm siêu hình mà giải mã nó trên cơ sở của quan điểm duy vật. Vì vậy, Đọc lại Truyện Kiều của Vũ Hạnh đem đến cho độc giả một cái nhìn mới, một cách nghĩ mới so với các bài viết về Truyện Kiều ở miền Nam lúc bấy giờ. Những vấn đề được ông nói đến là những vấn đề có ý nghĩa xã hội, liên quan đến số phận con người. Chẳng hạn vấn đề "Đứa con nàng Kiều" được tác giả đặt ra không chỉ là sự trào lộng hay lạ hóa mà đó là vấn đề mang tính nhân văn về quyền được làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ. Và đây cũng là một bi kịch trong chuỗi bi kịch của đời Kiều đã bị xã hội tàn bạo ấy vùi dập. "Trong cái cảnh ngộ làm vợ hờ thường trực của người mình yêu tha thiết, Kiều sẽ có dịp thường xuyên để thấy thân phận đàn bà chịu thiệt thòi của nàng. Xã hội phong kiến thấy nàng hy sinh quá nhiều cho trật tự ấy suốt mười lăm năm, nên đã cho nàng tái ngộ như một tặng thưởng. Nhưng đấy chỉ là một huy chương giả. Bởi vì (....) Rốt cuộc, Kiều chẳng có chồng, Kiều chẳng có con, chỉ có mỗi một mớ danh từ tuyệt đẹp"(1). Vũ Hạnh cũng rất tinh tế và có lý khi chỉ ra thực chất cái ngày gọi là "đoàn viên" mà Nguyễn Du tạo nên trong Truyện Kiều: "Nếu ta nghĩ kỹ về cái tội ác mà chế độ ấy gây nên cho Kiều, và nghĩ kỹ nữa về cái ân huệ đoàn viên mà nó ban phát cho Kiều, ta sẽ thấy rằng chung qui là để làm lợi cho chế độ ấy mà thôi. Đày đọa con người vào tủi nhục, rồi ve vãn người nuốt lấy tủi nhục, đó là thực chất của chế độ phi nhân với hai đặc tính: tàn bạo và điêu ngoa"(2). Lý giải về tình yêu trong Truyện Kiều, Vũ Hạnh đã không siêu hình hóa tình yêu, mà nhìn nó trong mối quan hệ với cuộc đời thực. Ông không những nhìn thấy một khuôn mặt tình yêu mà thấy nhiều "khuôn mặt tình yêu" trong Truyện Kiều với những dằn xé, khổ đau, những hạnh phúc và bất hạnh đan xen nhau vây khốn cuộc đời bé nhỏ của Kiều. Ông chỉ rõ chế độ xã hội đã chà đạp cuộc đời Kiều. Từ đó, ông khẳng định một vấn đề có tính qui luật, trong xã hội thối nát sẽ không có chỗ cho con người lương thiện tồn tại. Và tất nhiên, xã hội ấy không thể dung nạp được "cái đẹp" cho dẫu đó là cái đẹp của tình yêu: "Đoạn Trường Tân Thanh đã cho ta thấy nàng Kiều là người tình nhân tuyệt vọng. Phần kiểu mẫu ấy thuộc hẳn về nàng. Vì nàng biết yêu- như đã trình bày- một cách chủ động bình đẳng, với những ý tình tha thiết và một ý hướng bảo vệ lâu dài. Phần tuyệt vọng ấy thuộc về cuộc đời, bởi vì xã hội sâu xa không thể tiếp nhận ý tình tốt đẹp. Truyện Kiều xét trên bất cứ khía cạnh nào cũng thấy biểu hiện của sự hủy hoại, hủy hoại do một khung cảnh dơ bẩn không dung nạp được con người trong sạch"(3). Ở đây, Vũ Hạnh không nhìn khổ đau của đời Kiều với điểm nhìn duy tâm siêu hình mà ông đã nhìn vấn đề này dưới góc nhìn xã hội. Do đó, theo ông, muốn có hạnh phúc, muốn bảo vệ được tình yêu chân chính đòi hỏi con người phải đấu tranh không ngừng, không chỉ đấu tranh cho tình yêu của mình, mà còn đấu tranh để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Vì "đấu tranh cho con người yêu đương lý tưởng không thể nào tách biệt khỏi sự nghiệp đấu tranh cho một xã hội có những điều kiện bảo đảm hữu hiệu cho sự tồn tại, phát triển của con người ấy" (4). Đối với nhân vật Từ Hải, Vũ Hạnh cũng có nhiều nhận xét khá tinh tế và sâu sắc khi cho rằng: "Từ Hải là sự lỡ tay của thiên tài Nguyễn Du." Ông đã nhìn thấy ở Từ Hải khát vọng của tự do và công lý. Từ Hải không chỉ là "sự bù đắp cho Kiều" mà theo Vũ Hạnh "Từ là hiện thân của một phản ứng, của lòng khao khát đền bù của một đòi hỏi quân bình có thể đồng nghĩa với sự đòi hỏi công bình, một thứ công bình lý tưởng về người, về đời, vọng lên bất cứ nơi nào còn có đày đọa tủi hờn." (5) Chính vì vậy, Vũ Hạnh rất xót xa trước cảnh Nguyễn Du để cho Từ Hải đầu hàng. Như thế, Từ Hải đã trở thành một thứ " ảo ảnh" của một thứ bọt xà phòng và nguy thay "cái bọt xà phòng Từ Hải đã chạm khung cửa đầu hàng. Ảo ảnh đi vào thực tại trông thực vô cùng nghễnh ngãng. Từ Hải chung qui là sự lỡ tay của cụ Nguyễn Du" (6). Rõ ràng với những gì đã phân tích, Đọc lại Truyện Kiều đã thể hiện rõ ảnh hưởng tư tưởng Mác xít. Đây không chỉ là tác phẩm phê bình văn học có giá trị của lý luận - phê bình văn học ở miền Nam mà còn là của nền lý luận - phê bình văn học dân tộc.

Bên cạnh Đọc lại Truyện Kiều, Vũ Hạnh còn có Tìm hiểu Văn nghệ. Đây là tác phẩm được viết trên cơ sở ảnh hưởng tư tưởng của mỹ học Mác xit, tiêu biểu ở các bài: "Văn nghệ, một hình trạng ý thức", "Chức vụ cao cả của văn nghệ", "Văn nghệ tác động như thế nào?", "Văn nghệ phản ánh bản chất thực tại", "Bên trong văn nghệ sĩ và bên ngoài cuộc đời". Đặc biệt, trong bài "Một số biểu hiện tiêu cực trong văn nghệ", xuất phát từ quan điểm văn học phải gắn với thực tại, Vũ Hạnh đã phê phán tính chất thoát ly ở những tác phẩm văn chương của miền Nam lúc bấy giờ, đó là:"Sự thoát ly bằng một ngã lối êm đềm, ngã lối ái tình" trong những tác phẩm tiểu thuyết diễm tình ; là "sự thoát ly bằng một ngả lối mơ hồ của loại sách hoang đường quái đản", trong các tiểu thuyết võ hiệp; là "sự thoát ly vào những con đường dĩ vãng để ngồi ôn lại chuyện cũ, tích xưa hầu dễ dàng lãng quên cuộc đời trước mắt"; là "sự thoát ly bằng cách trốn vào con đường ngóc ngách của những tâm lý cá nhân"; là "sự thoát ly vào những dặm đường khúc mắc của những quan niệm triết học lỗi thời ". Vũ Hạnh cho rằng: Tất cả những biểu hiện trên làm cho đời sống văn nghệ ở miền Nam "héo hắt, rời rạc, thiếu hẳn sinh khí, sinh lực", ảnh hưởng xấu đến người tiếp nhận, làm giảm đi "ý thức tự tin, tự cường nơi lòng người đọc, đem cái phù phiếm, phiêu lưu thay thế cho cái nhiệt tình chính đáng cùng những ảo ảnh xa vời che dấu cả cái thực trạng cần được cải thiện không ngừng." (7) Từ đó, tác giả xác định rõ trách nhiệm của người làm văn nghệ là phải "có ý thức về sứ mệnh của mình, phải đứng về phía đông đảo con người chịu những thiệt thòi để đấu tranh cho tự do dân chủ chân chính. Đó là con đường vinh quang của văn nghệ sĩ".(8)

Ngoài hai tác phẩm trên, do nhiệm vụ của người chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực báo chí và văn học, nên ngòi bút phê bình của Vũ Hạnh còn tung tẩy trên tất cả các thể loại từ phê bình thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch, khảo luận văn học... như phê bình bộ ba tác phẩm tiểu thuyết: Dì Mơ (1959), Mùa ảo ảnh (1963), Những người đang đi tới (1964) của Đỗ Thúc Vịnh, hay thế giới tiểu thuyết của Sơn Nam với những tác phẩm tiêu biểu như Hương rừng Cà MauChim Quyên xuống đất và Hình bóng cũ. Với Sơn Nam, ngòi bút phê bình của Vũ Hạnh đã có những phát hiện tinh tế, những lời phê bình bóng gió xa xôi nhằm thức tỉnh lòng yêu nước và ý thức về tổ quốc quê hương: “Ở Chim Quyên xuống đất, tác giả viết về anh Sĩ nhưng điều đáng tiếc là không hiểu rõ được anh Sĩ - hoặc không dám hiểu anh ta nên chỉ vẽ một nhân vật chơi vơi, ngơ ngác giữa cái không khí mơ hồ đầy những chuyện xưa tích cũ xen kẽ những lời kêu gọi đâu đây về một tổ quốc cũng mơ hồ nốt, trong khi hai chân kéo lê trên những quãng lầy lội của một cuộc sống thét gào cơm áo hằng ngày”(9).

Không chỉ thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần hướng về nguồn cội mà trong những bài phê bình, Vũ Hạnh luôn khẳng định quan điểm văn chương của mình, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người cầm bút. Với ông nhà văn là “con người nhưng phải là con người ý thức" (10). Vì thế, Vũ Hạnh đã phân tích một cách sâu sắc yếu tố “thác loạn” trong tác phẩm của Chu Tử mà theo ông “trong các món hàng gọi là ăn khách của Chu Tử người ta thấy một cuộc sống thác loạn, bừa bãi chi phối bởi hai động cơ chính yếu là Tình và Tiền. Nhân vật trong truyện đều không có một lý tưởng nào hết – dù có bảo rằng đã thất vọng vì lý tưởng – và hầu như không có một lý trí rõ rệt. Đó là mẫu loại con người hư hỏng, ngụy biện, ích kỷ và sa đọa có nhiều xuẩn động bản năng hơn là suy tưởng vững chắc” (11).

Ở lĩnh vực kịch ông cũng phê bình tình hình phát triển kịch ở miền Nam trong những năm 1959, 1960, 1961... trong đó đi sâu tìm hiểu, đánh giá hai vở kịch nổi lên trong năm 1962 là Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan và Người viễn khách thứ mười của Nghiêm Xuân Hồng.

Với Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan, Vũ Hạnh cho rằng: "Thành Cát Tư Hãn có thể phản ánh một tấn bi kịch trong tâm hồn của Vũ Khắc Khoan." (12) Còn với vở Người viễn khách thứ mười của Nghiêm Xuân Hồng, ta bắt gặp một thứ "ảo tưởng quá dày quá lớn về mình và ở cuối đường đuổi bắt phiêu lưu, họ sẽ gặp niềm tuyệt vọng như là định mệnh" (13). Về thể loại thơ, bên cạnh những bài phê bình mang tính tổng kết về thơ của một số năm, Vũ Hạnh cũng viết một số bài phê bình thơ như "Bàn về con đường tri thức" trong tập thơ Từ Thức của Đoàn Thêm; "Người yêu tôi khóc" của Thế Viên; "Trăng treo đầu súng" của Tường Linh...Ngơài ra, ông cũng phê bình một số công trình khảo cứu như: Thi nhân Việt Nam hiện đại của Phạm Thanh, một cuốn sách quá tồi tệ bởi tính cẩu thả và kém chuyên môn của người biên soạn. Cho nên, theo Vũ Hạnh việc "tiễu trừ thi phẩm nầy là một nhiệm vụ vô cùng cần kíp như sự tiễu trừ phiến loạn" (14). Còn khi phê bình Lược khảo văn học của Nguyễn Văn Trung (Bách Khoa số 179 /1964), Vũ Hạnh đã chỉ ra những điều mà theo tác giả là ông Nguyễn Văn Trung đã có mâu thuẫn trong tư duy lý luận của mình.

Có thể nói, những bài phê bình của Vũ Hạnh đều thống nhất trên quan điểm đấu tranh chống văn học phi nhân bản, phi dân tộc, đề cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào, ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc sống và trước vận mệnh dân tộc. Cảm hứng chủ đạo này đã ám ảnh suốt hành trình sáng tạo của nhà văn, không những ở lĩnh vực lý luận - phê bình mà cả trong lĩnh vực sáng tác. Đây cũng là mặt tích cực thể hiện tính chiến đấu của ngòi bút Vũ Hạnh trong tình hình văn học phức tạp ở miền Nam. Nhưng từ đây cũng nảy sinh những điểm hạn chế vì có một số vấn đề tác giả còn cực đoan, khi lý giải theo quan điểm tư tưởng chính trị mà chưa chú trọng đến tính khoa học văn chương. Hoặc có những vấn đề về mỹ học mác xít vận dụng trong lý luận - phê bình văn học được Vũ Hạnh diễn giải còn sơ lược và giản đơn nên khó thuyết phục người đọc. Điều này thể hiện rõ ở tác phẩm Tìm hiểu văn nghệ đã nói ở trên. Trong bối cảnh xã hội miền Nam lúc bấy giờ, những hạn chế đó là điều tất yếu, nhưng mặt thành công trong các tác phẩm phê bình của ông vẫn là cơ bản. Ta hãy nghe Vũ Hạnh tâm sự "Đối với tôi, một cái biến cố quan trọng trong cuộc đời viết lách mười năm qua, là lĩnh vực phê bình. Đó là công việc vừa thú vị lại vừa nguy hiểm, đem lại cho bản thân tôi khá nhiều bạn bè thân thiết và những kẻ thù, cùng vô số những kỉ niệm sâu xa" (15).

3. Dẫu quá trình hoạt động văn học cả trong sáng tác lẫn lý luận - phê bình của Vũ Hạnh không phải mọi cái đều thuận lợi, thậm chí còn gặp nhiều điều rắc rối và hiểm nguy nhưng ông vẫn không chùn bước. Ngược lại, ngòi bút phê bình của ông ngày càng sắc bén hơn, tính chiến đấu cao hơn. Vì thế, trong phê bình, ông không tránh né bất cứ nhà văn nào, tác phẩm nào, thể loại nào. Khi đánh giá về tác phẩm của một số nhà văn được xem là "có giá" ở miền Nam lúc bấy giờ như Võ Phiến, Nhật Tiến, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Mạnh Côn, Linh Bảo, Mặc Thu... Vũ Hạnh cho rằng ở những nhà văn này có những tác phẩm nhiều khi "quá thiên về sự đẽo gọt hình thức, không cần cốt truyện, dễ đưa đến sự suy tưởng vớ vẩn, hư không, làm như cuộc đời không có chuyện gì đáng nói nữa".(16) Cho nên, có thể khẳng định Vũ Hạnh là một trong những gương mặt tiêu biểu không chỉ của khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Mác Xít mà còn là gương mặt phê bình tiêu biểu của lý luận - phê bình văn học ở miền Nam trước đây cũng như của nền lý luận - phê bình văn học dân tộc hôm nay. Việc đọc lại những tác phẩm lý luận – phê bình văn học của Vũ Hạnh ở miền Nam trước 1975, thiết nghĩ cũng thức nhận cho chúng ta những điều khá lý thú và bổ ích trong việc xây dựng nền lý luận – phê bình văn học dân tộc trong xu hướng hội nhập và phát triển của thời kỳ toàn cầu hóa văn hóa.

TRẦN HOÀI ANH
Theo NVTPHCM

Chú thích:

(1) Vũ Hạnh, Đọc lại Truyện Kiều, Nxb Cảo Thơm, SG, 1966, tr. 30-31.
(2) Vũ Hạnh, Đọc lại Truyện Kiều, Nxb Cảo Thơm, SG, 1966, tr. 110.
(3) Vũ Hạnh, Đọc lại Truyện Kiều, Nxb Cảo Thơm, SG, 1966, tr. 77.
(4) Vũ Hạnh, Đọc lại Truyện Kiều, Nxb Cảo Thơm, SG, 1966, tr. 92.

(5) Vũ Hạnh, Đọc lại Truyện Kiều, Nxb Cảo Thơm, SG, 1966, tr. 58.
(6) Vũ Hạnh, Đọc lại Truyện Kiều, Nxb Cảo Thơm, SG, 1966, tr.  48.
(7) Vũ Hạnh, Tìm hiểu Văn nghệ, Nxb Trí Đăng, SG, 1970, tr.110-111.
(8) Vũ Hạnh, Tìm hiểu Văn nghệ, Nxb Trí Đăng, SG, 1970, tr. 113.

(9) Cô Phương Thảo, "Đọc Chim quyên xuống đất của Sơn Nam", Bách Khoa thời đại số 153/1963, tr.111.
(10) Cô Phương Thảo, "Đọc Sui cô nương của Mặc Đỗ", Bách Khoa thời đại số 56/1959, tr.5.

(11) Cô Phương Thảo, " Chu Tử và tác phẩm hiện tượng sách bán chạy của Chu Tử trong năm 1963 có ý nghĩa gì "Tin Văn số 13/1966 tr.10.
(12) Cô Phương Thảo« Điểm sách Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan » Bách Khoa thời đại số 135/1962, tr.92

(13) Cô Phương Thảo, "Đọc Người viễn khách thứ mười", Bách Khoa thời đại số 153/1963, tr.60
(14) Nguyên Phủ, " Điểm sách Thi nhân hiện đại của Phạm Thanh", Bách Khoa thời đại số 67/1959, tr.69.

(15) Vũ Hạnh, "Mười năm cầm bút", Bách Khoa thời đại số 243/1967, tr.86.
(16) Vũ Hạnh, "Hoàn cảnh sáng tác và điều kiện sống hiện thời của văn nghệ sĩ", Bách Khoa thời đại số 120/1962, tr.50.


TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...