Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

CẢM THỨC CÔ ĐƠN TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ

Thành công trên nhiều lĩnh vực song với Lưu Quang Vũ thơ ca là nguồn sống bất tận, là cứu cánh, “là mây trắng” của cuộc đời ông. Từ tập thơ đầu tiên Hương cây - Bếp lửa (in chung với Bằng Việt) xuất bản lúc sinh thời cho đến tập Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993) được công bố sau khi mất, Lưu Quang Vũ đã khẳng định được “cá tính thơ độc đáo trong dòng thơ Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỉ XX”([1]). Không thể phủ nhận sự đa dạng của cảm hứng thơ Lưu Quang Vũ trong suốt hành trình sáng tạo nhưng đúng như Lưu Khánh Thơ đã nhận định: “Bản năng thi sĩ của ông giàu có trong những nỗi buồn, cô đơn, tuyệt vọng. Những khoảnh khắc bị dồn đẩy đến cùng, thơ ông luôn tung bứt lên để đối mặt với chính cảnh ngộ của mình”([2]). Đã có lúc cái tôi cô đơn Lưu Quang Vũ tưởng chừng lạc nhịp và càng lẻ bóng hơn trong âm hưởng thi ca hào sảng của dân tộc đang cần tiếng nói chung hòa cùng dòng chảy thời đại; song sau tất cả định kiến, tiếng thơ cô đơn chất chứa những dằn vặt, đớn đau cùng cực ấy đã được công chúng yêu thơ đón nhận như là lẽ tự nhiên, thậm chí góp phần định dạng phong cách độc đáo của một hồn thơ tài hoa, tinh tế, đa đoan, đầy hoài nghi nhưng rất đỗi nhân văn.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ

Cuốn sách xếp lầm trang là một trong một số tập thơ đã được Lưu Quang Vũ đặt tên và sắp xếp hoàn chỉnh nhưng chưa xuất bản. Hơn hai mươi bài thơ viết trong quãng thời gian 1971-1972 cho thấy cảm thức cô đơn vừa như là một bản năng nghệ sĩ, vừa như là chọn lựa của một cá tính ý thức rất rõ về sự “lệch nhịp” giữa cuộc đời. Khái niệm cô đơn ở đây cần được nhìn nhận như một phạm trù triết – mĩ. Có thể thấy cô đơn thuộc về vô thức, tồn tại như một bản năng của con người nhưng lại có liên quan sâu xa đến nhận thức. Khi nhận thức được cuộc sống là hữu hạn, vũ trụ là mênh mông, vô thường, đối diệnvới cái chết là lẽ đương nhiên không thể cưỡng lại được nên con người rơi vào nỗi cô đơn bản thể. Vì vậy, bi kịch nảy sinh từ chỗ con người có khả năng tự ý thức, vừa sống vừa chiêm nghiệm cuộc đời, khao khát chiếm lĩnh, làm chủ thế giới nhưng lại không thể làm chủ vận mệnh của chính mình. Ở góc độ xã hội học, cô đơn lại thuộc phạm trù nhận thức. Khi bị đẩy ra bên lề hoặc cảm thấy không thể hòa nhập vào khối “tổng hòa” của các mối quan hệ xã hội, con người trở nên lẻ loi, xa lạ với xung quanh. Nếu nỗi cô đơn bản thể là cơ chế “tự cô đơn” thì sự cô đơn có ý thức từ con người lại là kiểu “bị cô đơn”. Lúc này con người chọn cô đơn, nghĩa là tự tách mình khỏi đám đông để bảo toàn tín niệm riêng, để mình được là mình. Như vậy, với Lưu Quang Vũ, cảm quan cô đơn trong thơ (đặc biệt là những bài trong tập thơ Cuốn sách xếp lầm trang) vừa mang ý nghĩa bản thể, vừa là sự lựa chọn tách biệt khỏi dàn đồng ca sử thi lúc bấy giờ để cuộn mình trong những suy tư, trăn trở về hiện thực cuộc sống theo góc nhìn cá nhân: buồn đau, bi quan bởi cảnh tao loạn của đất nước; lạc lõng, yếu đuối trong triền miên ngổn ngang thế sự cuộc đời; thổn thức, phấp phỏng buồn lo từ trái tim giàu xúc cảm, đa đoan…

Nỗi ám ảnh kinh hoàng “khi mặt đất mênh mông đầy biến loạn”

Tập thơ được Lưu Quang Vũ viết trong những năm cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra khốc liệt nhất. Đã có quá nhiều nỗi đau được gọi tên từ những khắc nghiệt của chiến tranh! Nhưng với Lưu Quang Vũ nỗi đau đó được chuyển hóa thành một dạng thức khác, làm cho con người tê liệt hết mọi cảm giác, đặc quánh cô đơn và dằng dặc những hoài nghi: Tôi lớn lên giữa thời bạo ngược/ Biết trông đợi gì biết tin tưởng vào đâu (Cầu nguyện). Đúng là không còn “biết trông đợi gì” và không còn “biết tin tưởng vào đâu” khi một đất nước bé nhỏ phải hứng chịunhững cuộc chiến ác liệt và không hề cân sức với các cường quốc bạo tàn. Lưu Quang Vũ đã cảm nhận nỗi đau của thân phận một dân tộc từ nỗi đau thân phận đời người cùng những trải nghiệm, nếm trải nghiệt ngã, đau đớn. Đối với ông tất cả phía trước là bầu trời hoang lạnh đầy những tai ương khủng khiếp và tiếng người “không át được tiếng bom gầm”. Cảm giác bất lực đến tuyệt vọng tắt nghẹn trong ông khi: Muốn kêu lên mà không sao kêu được/ những chiếc xe tăng đi qua/ những khẩu súng đi qua/ những người lính đi qua/ chẳng có chút mặt trời nào trong nước lạnh (Mặt trời trong nước lạnh).

Dằng dặc chết chóc, dằng dặc đau thương… đã đẩy con người đến tận cùng tuyệt vọng và để rồi cảm giác mất phương hướng, lạc lõng thấm sâu vào những lời thơ “chẳng có chút mặt trời”. Làm sao đây giữa cuộc chiến tàn ác? Làm gì đây với những “tháng ngày vỡ nát nối nhau trôi”. Nỗi đau, nỗi mất mát này với Lưu Quang Vũ là quá sức chịu đựng.

     Bài hát cũ nghẹn không thành tiếng được
     Cô danh ca nghe nói giờ đã chết
     Và bức tranh màu trắng đã phai sơn
     Anh đã đi dằng dặc những ngả đường
     Những rừng tối mịt mù muỗi độc
     Cuộc chiến tranh tàn ác
     Xô tháng ngày vỡ nát nối nhau trôi
                      (Quán cà phê ngoại ô)

Và rồi càng chứng kiến, càng cảm nhận những mất mát của dân tộc, của số phận mỗi con người… ông càng thu lòng mình lại để rồi trong khổ đau tuyệt vọng, đáng lí ra phải khóc để nguôi ngoai nhà thơ lại “ôm mặt cười lặng lẽ”. Có cái gì đó không bình thường, thậm chí có thể là trạng thái điên loạn trong cái “cười lặng lẽ” đắng cay này.

Nhưng trạng thái đau đớn đến tận cùng, đỉnh điểm là khi tâm hồn nghệ sĩ Lưu Quang Vũ nhận ra rằng không chỉ những thứ vật chất hiện hữu thấy được, sờ được tan hoang hết trong khói lửa chiến chinh mà cả hội họa, thơ ca, âm nhạc cũng chẳng còn tồn tại được giữa thời tao loạn: cơ sự làm sao đến nỗi này/ mông lung không đoán được ngày mai/ máu chảy thành sông, thây chất núi/ bạn bè tan hoang, mình rã rời/ thơ Khánh buồn như lòng đất nước/ thơ hay đời loạn chẳng đâu dùng/ vườn cũ cây tàn chim chết cả/ người chơi đàn nguyệt có còn không (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn). Mọi giá trị văn hóa tinh thần “thiêng liêng thành nhảm nhí” trong khốc liệt “trụi trần vạn khổ đau” mà dân tộc Việt đang gánh chịu. Thực tế tàn nhẫn này không thể thay đổi, không thể chối bỏ nhưng đối với trái tim đa cảm yêu thương, trân trọng cái đẹp như Lưu Quang Vũ quả là quá đỗi xót xa. Để có thể lưu giữ những giá trị tinh thần cao quý này phải chăng không còn sự lựa chọn nào khác hơn ngoài sự thu lòng lại, gom nhốt hết tất cả những gì tốt đẹp nhất tận đáy sâu tâm khảm. Lưu Quang Vũ đã làm vậy và cũng đã rất đơn độc trên hành trình kiếm tìm, thu giữ những vẻ đẹp đã tàn phai trong lửa đạn mịt mù này. Cảm giác chỉ có một mình, vừa cô quạnh, vừa bất lực đã làm cho tiếng thơ ông da diết cháy lòng:

Bài thơ không đề
Chép trên giấy bản
Em cần gì giếng lạnh
Tâm hồn anh cô quạnh dưới lòng sâu
(Không đề II)

Như vậy một khi đã chấp nhận “bị cô đơn” để riêng mình gặm nhấm nỗi đau, để riêng mình hoài vọng, để riêng mình cảm thấy được tồn tại là cảm quan cô đơn có ý thức sâu sắc của một hồn thơ suy tư đầy trách nhiệm với cuộc đời. Chính vì lẽ đó chúng ta hiểu cội nguồn của những đau đớn, cô đơtrong thơ Lưu Quang Vũ vừa như là lời tự sự với chính mình, vừa mang ý nghĩa phổ quát khi con người mơ hồ nhận ra phi lí của cuộc tồn sinh, tri nhận “cái không biết” của bản thân và cả của tha nhân. Ông đã hồ nghi tất cả những diễn ngôn thời đại và để tiếng thơ mình lạc điệu bởi sớm nhận ra gương mặt hủy diệt của chiến tranh, thấm thía nỗi đau thân phận.

Ông đã từng ước mọng về một “con đường” có “hoa tầm xuân”, về một “dòng sông cũ cánh buồm giăng trắng xóa” (Hoa tầm xuân). Đáng tiếc ước vọng đó trước mắt quá mịt mù không ánh sáng, “cạn khôi trong cỏ dại u buồn” nên Lưu Quang Vũ rơi vào trạng thái tuyệt vọng với “những khổ đau dằng dặc” và cô độc chơi vơi bởi mất điểm tựa tinh thần. Ông đã phải chua chát nhận ra rằng “Quen thất vọng tôi hồ nghi mọi chuyện” (Lá thu).

Như vậy, khi ý thức đầy đủ nhất về thân phận con người, đồng nghĩa với ý thức sâu sắc về thân phận một dân tộc Lưu Quang Vũ rơi vào cảm quan cô đơn là điều không thể tránh khỏi. Giữa bao thất vọng hoài nghi, bao tan hoang đổ nát tiếng thơ ông dẫu lạc nhịp với “dàn đồng ca” thời đại song vẫn chất chứa tinh thần nhân văn sâu sắc; bởi thẳm sâu trong trái tim rỉ máu, Lưu Quang Vũ vẫn cố nuôi dưỡng niềm tin ở phía tương lai “bên kia sông nhiều bướm nhiều hoa/ rồi cha con ta sẽ tìm được con đò sang đó” (Nói với con cuối năm).

Tâm thức hiện sinh từ thẳm sâu vô thức, từ bất tận đổ vỡ và bi kịch riêng tư

Chủ nghĩa hiện sinh đề cập đến “sự bi đát về tội lỗi của con người trong thời đại mất Chúa” và mô tả cuộc sống con người như nó đang tồn tại. Kierkegaardcho rằng mỗi con người là hiện sinh độc đáo, cũng là những con người huyền bí, vì mỗi con người là một vũ trụ đóng kín không ai hiểu nỗi và không thể phát lộ nội tâm phức tạp ấy với bất kỳ ai. Do đó, con người phải tự mình chịu trách nhiệm trước thân phận của mình, từ đó luôn luôn lựa chọn để tự do. Tuy nhiên sự lựa chọn này không hề dễ dàng và vì ý thức bản thể khép kín, cô độc ấy sẽ làm cho con người dằn vặt, luôn luôn âu lo.

Lưu Quang Vũ, khi tách mình ra khỏi dòng chung, dường như đã “lạc” vào địa hạt của chủ nghĩa hiện sinh. Ông luôn truy tìm bản thể, ngẫm suy thân phận người. Mình là mình hay mình là một ai khác mình. Trạng thái lưu đày tâm tưởng này luôn dằng đặc trong thơ Vũ: “Ta là ai/ ta đến làm gì?.../ ta đến làm gì ta sẽ đi tới đâu?/Anh là gì của em/ con người là gì đối với nhau” (Bài hát trong một cuốn phim cũ); “Hắn không phải là tấm hình đẹp trong sách/ hắn chỉ là dãy phố nghèo lấm đất/ không giấu che sự thật của lòng mình/ chỉ là bờ đê nhiều khói và than/là con thuyền/ luôn luôn kiếm tìm, luôn luôn từ bỏ”(Người con trai đến phòng em chiều thu); Chúng ta rất dễ nhận thấy ở các bài thơ trong tập Cuốn sách xếp lầm trang được viết như là sự giãi bày, như là lời tự sự từ một kiếp người nếm trải hết mọi đắng cay. Nhu cầu được bộc lộ cái tôi ẩn ức lúc này mãnh liệt hơn bao giờ hết. Có lẽ vì thế giọng điệu ở tập thơ này không mượt mà, không êm đềm mà đầy khắc khoải, xáo trộn. Lưu Quang Vũ dường như không thể nào lí giải, cắt nghĩa được hết mọi niềm đau, trái ngang ở cuộc đời xuất phát từ đâu? vì ai?

Tôi đọc hoài không thể đoán ra
nghĩa lý sao, tại đâu lại thế
do ông thợ in cẩu thả
hay anh đóng sách điên rồ
...
tất cả rối bời
là do người ta lẫm lẫn
(Cuốn sách xếp lầm trang)

Thật ra khi ý thức được sự tồn tại như là một chủ thể độc lập của cái tôi, con người dễ rơi vào cảm thức tự khẳng định mình và chối bỏ hết mọi thứ xung quanh mà bản thân khó có thể nào chấp nhận. Để bảo toàn ý niệm cá nhân con người ta thường tìm đến sự cô đơn như là sự giải thoát chính mình khỏi những bất hạnh, khổ đau từ nghịch cảnh. Như vậy cảm quan cô đơn tồn tại trong thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bắt nguồn từ thực tại cuộc sống “rối bời” mà còn là ý thức mãnh liệt về sự lưu giữ duy nhất của cái tôi vô thức lẻ loi. Vì thế rất dễ nhận thấy trong thơ ông là tiếng nói “lẻ loi”, “cơn mơ thảng thốt”, là “bóng tối”, “phố đêm lưu lạc”, thậm chí có cả “gió độc” và “mặt trời trong nước lạnh”... Những hình ảnh này gợi dẫn chúng ta về sự đơn độc, về ẩn ức của cái tôi vô thức luôn dằn vặt với những ngột ngạt, bế tắc quanh mình. Lưu Quang Vũ chẳng phải đã thú nhận rằng: Sao tôi lại muốn em tin/ khi chính tôi cũng chẳng tin ai cả/ tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao(Mấy đoạn thơ...). “Lẻ loi”, “hồ nghi”, “chẳng tin ai”... là biểu hiện về ý thức phản tư rõ rệt. Điều này cũng cho thấy cái tôi cô đơn Lưu Quang Vũ hiện hữu ngay cả trong yêu thương và từ những tháng năm hồn nhiên nhất của cuộc đời. Ông luôn cảm thấy lẻ loi, mất điểm tựa với tất cả mọi thứ quanh mình để rồi tháng ngày trôi qua bên ông luôn đằng đẵng “nỗi cô đơn hoàn toàn nỗi cô đơn khủng khiếp”, cả “trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách…” (Mấy đoạn thơ).

Hơn nữa, trong thơ Vũ dường như khi nào cũng có một con người khác nấp bóng sau con người hiện diện. Con người ẩn tàng này lại luôn tri nhận về sự lạc lõng của thân phận kiếp người: “Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn/ một tấm gương chẳng biết soi gì/ một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì” (Có những lúc). “Chồng gạch vụn”/ “đáy giếng cạn”/ “hốc mắt đen sì” là hình ảnh mang tính biểu tượng ám gợi cõi sâu vô thức của một tâm thức hiện sinh u uất. Trước mắt Lưu Quang Vũ là thăm thẳm bóng tôi buồn đau. Cảm quan cô đơn trong thơ Lưu Quang Vũ càng đẩy đến tận cùng kèm với nhận thức về hiện trạng bi đát của bản thân mình.

Người con giai đến phòng em chiều thu
mặc áo mưa lính rách rưới
hắn buồn và nói huyên thuyên
...
hắn từ mặt trận trở về
từ quán rượu từ phố đông huyên náo
từ những câu thơ tuyệt vọng trở về
bị lừa dối bị lăng nhục
hắn ngồi trước mặt em
(Người con giai đến phòng em chiều thu...)

Cuộc đời riêng với nhiều nỗi đa đoan dồn đẩy ông từ trạng thái rã rời, chán chường đến tuyệt vọng, bế tắc. Còn nếm trải nào mà nhà thơ chưa từng đi qua: “bị lừa dối, bị lăng nhục”, “rách rưới, bơ phờ, cô độc”. Cái đáng lưu ý ở đây là ngay trong những chuỗi ngày triền miên cay cực gian khó ấy Lưu Quang Vũ càng nhận thức sâu sắc được nhiều điều và đặc biệt nhận thức, khám phá được chính bản thân mình: kiên cường, bản lĩnh và tận hiến. Dẫu biết rằng sẽ bị đời hủy hoại thì tôi vẫn là tôi, vẫn phải sống như là chính mình: Giọt nến trắng chảy ròng như nước mắt/ Soi trang chữ cần phải viết/ Những cây nến của chúng ta/ Tự hủy hoại đời mình (Những ngọn nến). Khát vọng sáng tạo thôi thúc mãnh liệt song hành cùng cái tôi cô đơn bấp chất, nổi loạn. Lưu Quang Vũ như muốn phá tung mọi giới hạn của cuộc đời để được cháy hết mình nhưng thực tại lại quá đỗi ê chề: Em sập cửa lại rồi/ tôi đã nhận bao cái tát/ của đời của bạn thân/ Em sập cửa lại rồi/ tôi còn gì mà đau khổ nữa/ …tôi còn gì mà đau khổ nữa em? (Mấy đoạn thơ). Câu hỏi cho đời, cho người và cho mình sao mà day dứt quá!

Không còn hướng thoát nhà thơ chấp nhận lẻ loi để “đi tìm thế giới của riêng em/ Tình yêu và nỗi khổ của riêng em/ Niềm tin lớn giữa cuộc đời vô lý” (Lá thu). Cõi sâu vô thức u ẩn của một tâm thức hiện sinh phát lộ trong những hình ảnh “một đáy giếng cạn”, “một hốc mắt đen sì” và “đen ngòm miệng vực”. Khi ám ảnh đau buồn, ẩn ức tâm lý không thể giải tỏa thơ Vũ sẽ kết đọng ở hình ảnh mang dấu hiệu của đổ vỡ, kiệt cùng tuyệt vọng. Những gì còn lại và duy nhất của sự tồn tại cá nhân([3]) lúc này trong vô thức là sự rệu rã, đặc quánh sầu tư. Chính vì vậy có thể nhận ra cảm quan cô đơn trong tuyển thơ Cuốn sách xếp lầm trang của Lưu Quang Vũ mang tâm thức hiện sinh đầy u uất từ thẳm sâu vô thức, từ bất tận đổ vỡ và bi kịch riêng tư.

Vượt thoát tin yêu giữa biển đời dằng dặc cô đơn

Vương Trí Nhàn khi nhận định về những bài thơ viết sau Hương cây: “đã cho thấy một Lưu Quang Vũ khác, Vũ của dằn vặt, đau xót, lầm lỡ, cô đơn, mà cũng là Vũ của những tha thiết muốn vượt trên hết mọi mệt mỏi, hoài nghi để sống, để tồn tại. Hai chặng khác nhau nhưng đều là của một con người thống nhất”([4]). Quả thật vậy! Luôn có sự hiện hữu hai chủ thể đối lập nhau trong con người thơ Lưu Quang Vũ. Vì lẽ này mà trong triền miên u buồn ông đã phần nào cảm thấy bớt đơn độc, tìm được chính mình ở vô vàn cuộc đời khác, ở tất cả những ai can dự đến mình. Đó là em, là anh, là đứa trẻ, là tôi xấu xí mù lòa, là “những người con gái con trai im lặng/ mắt mở to trong nắng thẳm mong chờ” (Lá thu). Họ có thể là chính họ, cũng có thể là hóa thân của chính cái tôi bản thể Lưu Quang Vũ mà ông cảm nhận được từ trải nghiệm cuộc đời. Nếu là em thì “giọng em sáng như một chùm hoa nắng” (Hoa Tầm xuân); nếu là đứa trẻ thì “những tuổi thơ không có tuổi thơ” (Những tuổi thơ); nếu là tôi thì dẫu “xấu xí mù lòa” vẫn “luôn luôn kiếm tìm, luôn luôn từ bỏ” (Người con giai đến phòng em chiều thu). Và từ các kết nối có thể là những cuộc đời thật, cũng có thể là sự phân thân cái tôi này đã cho Lưu Quang Vũ đa dạng hơn trong cảm thức, trong ý niệm về cuộc sống và nhận ra bên cạnh khổ đau vẫn cần phải dung dưỡng tin yêu. Thật vậy, tình yêu diệu kỳ đã là cứu cánh để Lưu Quang Vũ có lí do tồn tại, nhen nhóm ngọn lửa khát vọng dẫu thực tại tan vỡ, chua chát đến cỡ nào: Mai em đi. Mùa hạ cũng qua rồi/ tôi ở lại một mình trên phố vắng/ hoa cúc rối chiều xuân nào tôi đến/ chẳng gặp em, chỉ màu hoa vàng rực/ đêm nay về để đốt lửa giữa hồn tôi/ (...)/ Tôi muốn đi tới đích cùng em/ Tôi phải đi tới đích cùng em/ lòng tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành (Lá thu).

Dẫu tận sâu trong tiềm thức có cất lên những tiếng nói khác, dẫu con người cô đơn đầy ý thức nhiều khi thấy trống rỗng và buồn nản, song ngọn gió tâm hồn thơ Lưu Quang Vũ, ngọn gió của những yêu thương sẽ không khi nào ngừng dào dạt. Bởi nếu không sống với tình yêu, với đam mê đam mê sáng tạo, Lưu Quang Vũ sẽ không còn là ông nữa. Và khi đó, sự tồn tại yên phận chỉ là tồn tại vô nghĩa.

Sóng khổ đau đã tạc hình em
Anh yêu ngọn lửa đó
Bài hát trong một cuốn phim cũ
Như những con đom đóm
Thức dậy giữa đêm dài.
(Bài hát trong một cuốn phim cũ)

Rõ ràng Lưu Quang Vũ đã vượt thoát được chính nỗi cô đơn, niềm đau vây chặt quanh mình. Ông đã biết bám víu tin yêu ngay cả trong khoảnh khắc tột cùng đau khổ. Điều này tạo nên ngọn lửa lòng sưởi ấm cho chính ông. “Những con đom đóm” trong thơ Vũ vừa mang tính biểu tượng của ánh sáng giữa mịt mùng bóng tối, vừa là biểu tượng của khát vọng muốn tìm hướng thoát khỏi vây bủa của cuộc đời. “Những con đom đóm” xuất hiện trong tường liên tưởng đối lập với bóng tối, bé nhỏ nhưng sinh động, tỏa sáng bền bỉ. Chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa của biểu tượng con đom đóm trong hệ thống tương quan, kết nối với các yếu tố khác([5]) là “sóng khổ đau”, “bài hát buồn”, đặc biệt là giữa “đêm dài”. Có thể vì thế “những con đom đóm” cũng niềm tin còn lại trong trái tim đầy vết xước của Lưu Quang Vũ.

Như vậy, những biểu hiện của cảm quan cô đơn trong tập thơ Cuốn sách xếp lầm trang cho thấy một Lưu Quang Vũ – nghệ sĩ, một Lưu Quang Vũ đa diện, một Lưu Quang Vũ hóa thân thấu cảm với bao thân phận cuộc đời. Và cho dù ở tư cách nào thì hiện hữu trong thơ ông đều đằng dặc cô hơn lẫn hoài nghi về cuộc đời, về sự tồn tại của con người. Cô đơn là cách ông lựa chọn để được tự do trải lòng, để tìm đường hướng cho sự tồn tại của chính mình. Vì thế cảm quan cô đơn trở thành cá tính sáng tạo độc đáo khác biệt của Lưu Quang Vũ so với nhiều dòng thơ khác trong giai đoạn mà văn học sử thi là cảm hứng chủ đạo. Chọn cô đơn để được là mình, để thỏa sức sáng tạo và tận hiến là lựa chọn mà lí trí lẫn trái tim đầy trắc ẩn của Lưu Quang Vũ không thể kiểm soát được hoặc không muốn kiểm soát. Để sẻ chia, để có thể sống và duy trì niềm tin, tiếng thơ ông đã chọn hướng rẽ lắng sâu trong nỗi đau riêng chung, khóc cho thân phận mình và thân phận dân tộc. Dẫu vậy thì niềm tin yêu, khao khát yêu thương, cống hiến vẫn tiềm ẩn trong ông như mạch nước ngầm, dù có bị đất đá chèn lấm vẫn âm ỉ chảy, tưới mát phần nào trái tim khô cằn bởi cuộc đời nhiều đắng cay, đầy nỗi đa đoan. Điều này cho thấy cảm thức cô đơn trong thơ Lưu Quang Vũ cũng tồn tại ở bề sâu của nó những vẻ đẹp của một trái tim tràn đầy tình yêu và khát vọng sống. Nếu cô đơn bởi chứng kiến, nếm trải quá nhiều khắc nghiệt của chiến tranh là tiếng lòng của một cá nhân đầy suy tư, trăn trở cho vận mệnh dân tộc thì nỗi cô đơn giày xé khi bản thân con người luôn đa đoan, chới với, hoài nghi lại cho thấy một Lưu Quang Vũ đầy ẩn ức, đắm đuối, chân thành với những cung bậc cảm xúc hết sức nhân bản. Vì lẽ đó mà cái cô đơn trong thơ Lưu Quang Vũ đã có một khả năng lôi cuốn và truyền cảm mạnh mẽ. Đôi lúc, hòa cảm với tiếng lòng nhà thơ, để cho nỗi cô đơn xâm chiếm, chế ngự, cũng là lúc tâm hồn người lặng dịu hơn giữa bộn bề cuộc sống, đối diện với chính mình, hiểu và thêm trân trọng bản thân cùng những gì mình đang có.

Và cuối cùng vượt qua mọi khổ đau Lưu Quang Vũ đã tự nói với mình và tất cả chúng ta rằng: Nước lũ qua sẽ còn lại phù sa/Những tình yêu những ước vọng thiết tha/ Dẫu bay đi không một lời đáp lại/ Dẫu trơ trọi trong lạnh lùng bóng tối/ Dẫu đường dài xa ngái/ Đừng phút nào mệt mỏi, thơ ta ơi (Nói với mình và các bạn). Cũng chính vì vậy mà ông tồn tại, thơ ông tồn tại!

TRẦN THỊ HƯƠNG GIANG K
HOA KHXH&NV - ĐH DUY TÂN, ĐÀ NẴNG

________________

[1] Lưu Quang Vũ về tác gia và tác phẩm, (Lý Hoài Thu - Lưu Khánh Thơ tuyển chọn và giới thiệu), Nxb. Giáo dục, H., 2007, tr.25.

[2] Lưu Khánh Thơ: “Lời giới thiệu”, trong Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (tuyển thơ), Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2010, tr.7.

[3] Trần Đình Sử trong bài “Buồn như là phạm trù hiện sinh” (trandinhsu.wordpress.com/2016/11/10/cai-buon-nhu-la-pham-tru-hien-sinh) đã khẳng định chủ nghĩa hiện sinh coi sự tồn tại của con người là một hiện sinh. Sự tồn tại của con người là một nhiệm vụ mà con người phải tự giải quyết, tự thực hiện việc làm ra chính mình mà không phải dựa vào một cái gì bên ngoài mình. Trong trạng thái đó có mấy đặc điểm sau: 1. Sự tồn tại có trước bản chất, tồn tại chỉ là trong khả năng mà con người có thể tự do lựa chọn; 2. Tồn tại của người tức là tồn tại của “tôi”. Tức là tồn tại duy nhất, không ai thay được của những con người cá nhân, cá thể. 3. Sự tồn tại ấy chỉ được nhận ra không phải bằng lí tính hay bằng khoa học, không phải bằng khái niệm, mà chỉ bằng trạng thái phi li tính của con người. Đó là những thể nghiệm nội tâm, những đau khổ, dằn vặt, những nối buồn, lo, đắm chìm, kinh hãi trước cuộc tồn tại.

[4] Vương Trí Nhàn: “Lời bạt”, trong Lưu Quang Vũ: Bầy ong trong đêm sâu, Nxb. Hội Nhà văn, H., 1993, tr.119.

[5] Trịnh Bá Đĩnh cho rằng: Trong tác phẩm văn học, biểu tượng nằm trong hệ thống tương quan với các yếu tố khác, là một thành phần của cấu trúc hình tượng tác phẩm… Khi đặt biểu tượng vào một ngữ cảnh cụ thể nhờ những đối sánh tương quan, sẽ xuất hiện những ý nghĩa bổ sung (xem thêm Trịnh Bá Đĩnh: Từ ký hiệu đến biểu tượng, Nxb. Đại học Quốc gia, H., 2017, tr.35).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...