Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

TẾ HANH, MỘT ĐỜI THƠ GẮN BÓ VỚI ĐẤT NƯỚC, QUÊ HƯƠNG

Nhà thơ Tế Hanh - một trong những đại biểu cuối cùng của phong trào Thơ mới đã ra đi lúc 12 giờ 20 phút ngày 16-7-2009. Khi chúng tôi đến nhà riêng của ông tại số 10 Nguyễn Thượng Hiền thì xe ô-tô chuyển thi hài ông tới nhà tang lễ vừa chuyển bánh dưới trời Hà Nội mưa như trút nước. Cách đây đúng mười năm, tại lễ kỷ niệm 40 năm Bộ đội Trường Sơn tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, nhà thơ Tế Hanh đến dự và bị một cơn tai biến. Và từ đó đến nay, ông nằm trên giường bệnh, nhiều lúc chập chờn trong vô thức. Mọi sinh hoạt của ông hoàn toàn phải trông cậy vào sự giúp đỡ của vợ ông - bà Lâm Yến, và những người thân trong gia đình.
Nhà thơ Tế Hanh

Tế Hanh sinh ngày 20-6-1921, quê ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - một vùng gần biển có phong cảnh khá đẹp và dân cưsống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Thân phụ Tế Hanh  là một người yêu thích và cũng thường xuyên sáng tác thơ ca. Lớn lên trong hoàn cảnh đó, lại có năng khiếu từ nhỏ và sớm được tiếp xúc với thơ văn lãng mạn Pháp, Tế Hanh đã đến với phong trào Thơ mới như một lẽ tự nhiên. Những ngày nghỉ học là bài thơ đầu tiên ông viết năm 1938 và những sáng tác trong tuổi hoa niên của ông đã được tập hợp lại, in trong tập thơ Nghẹn ngào. Tập thơ đã giành được giải thưởng của Tự lực văn đoàn năm 1939. Có thể nói rằng, Tế Hanh là một "bông hoa nở muộn" trên thi đàn Thơ mới. Khi Thơ mới đã bắt đầu đi vào các đề tài, siêu thực, siêu hình thì thơ Tế Hanh lại hấp dẫn người đọc bằng sự chân chất và tình cảm. Trong khi mỗi nhà thơ là một thế giới riêng với bao vui buồn, đau thương, tuyệt vọng,... thì thơ Tế Hanh với khuôn mặt học trò dễ thương với những cảm xúc chân tình, bé nhỏ đã được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Hàng loạt những bài như Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học, Chiếc rổ may đã ghi lại dấu ấn của một trái tim nhân hậu phảng phất những nỗi buồn trong trẻo. Ðặc biệt trong thời kỳ này, ông đã để lại bài thơ thật đặc sắc viết về làng quê chài lưới với dòng sông, với biển cả, với vị men nồng mặn của đất trời, với Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng - Cả thân hình nồng thở vị xa xăm - Con thuyền im bến mỏi trở về nằm - Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ. Tuổi trẻ với tình cảm hồn nhiên của mình, ông đã cảm nhận vẻ đẹp và sức sống bền vững của quê hương qua những hình ảnh thơ đẹp, giàu sáng tạo: Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng - Rướn thân trắng bao la thâu góp gió. Và Quê hương là một bài thơ toàn bích được cấu tạo nên bởi hương vị mặn mòi của làng quê, bởi tuổi trẻ giàu yêu thương và khát vọng. Ngày ấy, tình cảm trong thơ Tế Hanh thể hiện rõ những cảm xúc của tuổi học trò trong trắng ngây thơ, tuy không khỏi có lúc hằn lên những buồn khổ, đau thương của cuộc đời: Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu - Ngàn đời không đủ sức đi mau - Có chi vương vấn trong hơi máy - Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau. So với những tiếng nói thơ ca đương thời từng trải như Chế Lan Viên, Huy Cận... thì nỗi buồn trong thơ Tế Hanh vẫn mang một vẻ non tơ, trong trẻo. Ở giai đoạn này Tế Hanh không viết về cuộc đời chung quanh mà chỉ nói về tâm hồn mình.

Từ bước ngoặt lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thơ Việt Nam đã phát triển với một nhịp độ nhanh chóng, có sự chuyển biến mạnh mẽ về nội dung và hình thức, vừa mở đầu cho một thời kỳ mới, vừa là cơ sở để thơ tiếp tục phát triển trong các giai đoạn sau. Sự chuyển biến ấy được thể hiện một cách cụ thể và sinh động trong hàng loạt các sáng tác của các nhà thơ thời kỳ này. Tế Hanh cũng không là một ngoại lệ. Nhà thơ đã để lại được trong tập thơ đầu tay những hình ảnh cụ thể và da diết của những cánh buồm, dòng sông, con đường quê, sân ga... Có lẽ do gần được, gắn được với cuộc đời cần lao - làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới,... do không quá dấn sâu vào cái tôi hư vô, tuyệt vọng, nên nhà thơ không bị ngấm quá nhiều một cái buồn định mệnh - dẫu vẫn chưa dứt hết được nỗi ám ảnh "núi lở, sông mòn, hoa rơi, là chết". Bài thơ của ông viết về quê hương lấy chính tên Quảng Ngãi làm đầu đề (Tiên phong số 10, 1-5-1946) với lời thơ, điệu thơ hoàn toàn khác trước, để biểu đạt một cảm xúc mới - gân guốc, một nhận thức mới - cách mạng, theo cách cảm, cách hiểu riêng của tác giả, tuy nhiên bài thơ vẫn còn khô cứng và máy móc. Phải nhiều năm sau bài Quảng Ngãi, Tế Hanh mới đến được với sự giản dị, hồn nhiên trong Người đàn bà Ninh Thuận - một dấu ấn quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi cảm xúc và thi liệu của nhà thơ. Cuộc sống mới với những đổi thay quan trọng đã định hướng cho mọi xúc cảm thơ và tạo nên những phẩm chất nghệ thuật mới như nhà thơ đã từng viết: Dòng thơ tôi càng thưa bóng mây sầu - Càng lấp lánh những ánh trời hy vọng; Sang bờ tư tưởng ta lìa ta - Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà.

Nếu nói rằng thơ chống Mỹ bắt nguồn từ thơ đấu tranh thống nhất nước nhà thì Tế Hanh là một trong những nhà thơ có nhiều đóng góp hơn cả. Là nhà thơ miền nam tập kết ra bắc, Tế Hanh luôn luôn hướng về quê hương. Có thể nói những bài thơ của Tế Hanh về đề tài đấu tranh thống nhất, về nỗi nhớ quê hương được xếp vào loại những bài thơ hay nhất, thành công nhất: Nhớ con sông quê hương, Mặt quê hương, Nói chuyện với sông Hiền Lương, Chiêm bao... Ðất nước liền một dải, cớ sao lại cắt chia: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị - Tận chân trời mây núi có chia đâu. Tên gọi các tập thơ của Tế Hanh cũng đã phần nào nói lên tình cảm ruột thịt giữa hai miền Nam - Bắc trong suốt 20 năm đấu tranh: Lòng miền Nam (1956), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963), Khúc ca mới (1966), Ði suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương (1973), v.v. Nửa sau những năm 60 của thế kỷ trước, Tế Hanh đã nổi bật lên bằng những bài thơ về tình cảm nhớ thương quê của mình. Rung động chân tình, sáng tạo trong nghệ thuật cấu tứ, nhiều bài thơ của ông đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Xuyên suốt các bài thơ của ông là một ý thức, một trách nhiệm đối với quê hương: Tâm hồn lớn lên với thời gian - Tôi không để tháng ngày thành nước chảy - Sống sao cho xứng với miền Nam - Nửa nước anh hùng đang rực cháy. Tình cảm quê hương được triển khai và nâng lên trong tình yêu đất nước. Thiên nhiên miền nam trong thơ ông tươi rói những sắc mầu kỷ niệm. Con người miền nam trong thơ ông là hiện thân của phẩm chất anh hùng cách mạng. Thơ Tế Hanh chân thành, trong sáng, giản dị, tình cảm đầm ấm, rung động tinh tế. Nhiều bài thơ hay của ông là sự việc, câu chuyện được dẫn dắt bằng một tình cảm tha thiết dưới ánh sáng của trí tuệ, là sự hài hòa giữa mô tả và biểu hiện, giữa kể và tâm tình.

Các tập thơ sau này như Khúc ca mới (1966), Ði suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương (1973), Theo nhịp tháng ngày (1974), Giữa những ngày xuân (1977), Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống (1985), Thơ Tế Hanh (1989), Giữa anh và em (1992), Em chờ anh (1994)... đã ghi những dấu mốc quan trọng trên chặng đường sáng tạo của nhà thơ. Các tập thơ của ông là sự thể hiện những rung động sâu sắc về các vấn đề riêng - chung, về các sự kiện xã hội, về con người và cuộc sống theo cái "tạng" riêng của ông. Những bài thơ kể chuyện nhưng lại kết hợp được chất tự sự và trữ tình, hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng. Ông viết với một tấm lòng và một bước tiến mới về nghệ thuật. Tế Hanh là một nhà thơ giàu cảm xúc và cảm xúc của ông luôn chân thành, trong sáng. Ðiểm mạnh trong thơ ông là tình cảm, là tâm trạng với giọng điệu thơ tâm tình, thủ thỉ, có tác dụng thẩm mỹ cao khiến người đọc rung động. Có một nỗi nhớ dòng sông quê hương khắc khoải chảy suốt một đời thơ không ngừng nghỉ. Nó hiện lên trong kỷ niệm, trong xa cách, trong xao động lung linh tưởng nhớ. Từ những ngày đầu tiên mới bước vào đời đến những năm tháng sau này đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến, biền biệt xa nhà, Nhớ con sông quê hương luôn luôn là một nỗi nhớ thường trực trong tâm hồn ông.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến những bài thơ tình thật đặc sắc của Tế Hanh như Vườn xưa, Em ở đâu, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Bão, Hà Nội vắng em, Không đề, Văn xuôi cho em... Khi đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm", ông vẫn có những câu thơ da diết đến nao lòng: Tặng em thế kỷ chúng ta - Niềm vui nỗi khổ đều qua vội vàng; Biển một bên và em một bên - Ta đi trên bãi cát êm đềm - Thân buông theo gió hồn theo mộng - Sóng biển vào anh với sóng em. Có thể nói xa cách, nhớ thương là chủ đề tâm đắc nhất trong thơ tình Tế Hanh. Âm điệu da diết nhớ thương với những nỗi buồn man mác dịu nhẹ đã tạo nên nét tài hoa, dịu dàng đầy thương cảm.

Những năm cuối đời, nhà thơ Tế Hanh bị bệnh về mắt, thị lực giảm sút nhiều. Hàng loạt bài thơ viết trong thời gian này in rõ dấu vết của gánh nặng thời gian tuổi tác và cảnh ngộ riêng của tác giả: Mắt anh không được như xưa - Nhìn đêm bỡ ngỡ, nhìn trưa bàng hoàng - Nhìn mai như thể xuân sang - Nhìn chiều như thể thu choàng cỏ cây - Mắt em ngày trước hồ trong - Anh nhìn đôi lúc ngỡ vòng sương rơi - Nói sao hết được em ơi - Anh không thể bắt cuộc đời đứng yên - Em không thể mãi là em - Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa. Và đây nữa, nhà thơ diễn đạt thật tài tình và chua xót thực trạng của mình: Cái thời đá bóng hăm hai đứa - Nay đánh cờ suông có một mình. Nhưng trên tất cả những nỗi buồn nhân thế vẫn là một mạch sống hồn hậu, tin yêu chảy trong đời như không bao giờ vơi cạn: Ta vẫn tin mãi nằm bên sự sống - Như đất như trời như núi như sông.

Dòng sông thơ của Tế Hanh đã chảy qua nhiều vùng, nhiều thời điểm của đất nước, đã phản chiếu một cách chân thành và trung thực bức tranh xã hội rộng lớn cũng như hành trình tâm trạng của chính mình. Tài năng và năm tháng đã đem lại cho nhà thơ Tế Hanh một cái nhìn đầy đủ hơn, ý thức hơn về quê hương, về dân tộc và cả về những rung động riêng tư. Gần một thế kỷ sống và sáng tạo, nhà thơ Tế Hanh thật sự ghi một dấu ấn quan trọng vào nền thơ Việt Nam hiện đại.

PGS.TS. LƯU KHÁNH THƠ
Nguồn: Nhân Dân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...