Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

NHÀ THƠ VÕ VĂN TRỰC: NGƯỜI CỦA LÀNG

Đang chạy xe trên đường thì nhận được tin Nhà thơ Võ Văn Trực đã qua đời lúc 2 giờ sáng ngày 5/4/2019 (tức 1/3 âm lịch), tôi không quá bất ngờ nhưng vẫn có cảm giác nôn nao, dẫu biết rằng cái chết là một sự giải thoát cho cho ông, bởi lâu nay ông ốm liệt giường và không hay biết gì nữa cả. Nhà thơ Võ Văn Trực là người để lại nhiều hình ảnh trong kí ức tuổi thơ tôi, một con người hiền lành, sâu sắc, kiệm lời, khiêm nhường và yêu quý trẻ con. Thực sự trong tôi vừa cảm thấy nhẹ lòng vì ông đã thoát khỏi kiếp trầm luân trong cõi người này, nhưng cũng cảm thấy buồn và trống vắng vì cuộc đời này vừa mất đi một con người tử tế, một con người mang đặc phẩm chất xứ Nghệ quê hương ông.

Dưới đây là bài tôi viết về ông cách đây gần chục năm, khi đó ông đã yếu nhưng vẫn còn có thể trò chuyện được, giờ xin đưa lại như một nén nhang tưởng nhớ đến ông. Xin vĩnh biệt ông và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhà thơ Võ Văn Trực kính mến.
Nhà thơ Võ Văn Trực

Quả thực định viết về nhà thơ Võ Văn Trực đã lâu, nhưng cứ ngồi vào bàn rồi tôi lại đứng dậy, bởi buổi gặp hôm đó giữa tôi và ông để có thêm chi tiết cho bài viết này cũng thật ngắn ngủi. Sau một thời gian bị tai biến, sức khỏe của ông yếu đi, không thể tiếp khách lâu được. Còn tôi thì cũng không dám hỏi nhiều vì sợ ông mệt. Ngay lúc này đây, khi đang gõ những dòng chữ này, trước mặt tôi là mấy cuốn sách ông tặng với nét chữ nguệch ngoặc, lên xuống liêu xiêu, tôi cứ bị ám ảnh suy nghĩ về thời gian. Thời gian cho chúng ta tất cả nhưng cũng lấy đi của chúng ta tất cả, để rồi đến một ngày lại trở về con số không. Nhưng thôi, đó là quy luật của trời đất, là vòng quay sắc sắc không không của cái vũ trụ vô biên này, mà thân phận con người thì quá nhỏ bé. Đâu có ai làm thay đổi được điều đó. Tất cả rồi cũng chỉ là huyễn giả vô thường mà thôi. Nhưng tôi lại tin có một điều sẽ còn mãi. Và, sau khi đọc những cuốn sách ông đã tặng, với một chút chiêm nghiệm về con người ông, tôi lại càng tin điều đó. Cái điều còn lại đó chính là phần Người trong mỗi Con Người. Cái phần Người sẽ định vị chúng ta ở một chấm nhỏ xíu nào đó trong vũ trụ bao la này.

Quay ngược thời gian với hơn hai mươi năm về trước, khi đó tôi đang là một cậu học sinh tiểu học, ông vẫn thường đạp xe đến nhà tôi chơi. Cái căn nhà cấp bốn dột nát chật hẹp của gia đình tôi hồi đó lúc nào cũng ấm áp bởi những người bạn văn chương của bố tôi. Còn nhớ, hôm nào có ông đến chơi là bố tôi lại bảo mẹ ra chợ mua một rổ khoai lang về luộc và không thể thiếu một bát cà muối ròn tan. Ông bảo khoai lang ăn với cà pháo là nhất, nó gợi cho ông nhớ về quê hương. Phải rồi, với những người con xứ Nghệ như ông và bố tôi thì món ăn dân dã của quê hương còn là món ăn mang tính tinh thần. Trong mỗi gia đình ở xứ Nghệ, nhà nào cũng phải có một vại cà muối đặt ở góc bếp hay góc sân. Quanh năm, trong mỗi bữa cơm đều không thể thiếu bát cà muối. Có thể nói đó vừa là món ăn bình dân nhưng cũng vừa là món ăn quý tộc của người Nghệ. Bên rổ khoai lang với bát cà pháo, ngoài chuyện văn chương ông rất hay kể những câu chuyện dân gian ở quê ông cho mọi người cùng nghe, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, như chuyện Cố Bợ, chuyện núi Hai Vai…mà sau này ông đều viết thành sách. Ông có giọng nói nhẹ nhàng rủ rỉ, ấm áp khiến cho người nghe phải lắng lại cùng với câu chuyện của mình. Mỗi khi ông đến chơi là tôi lại sà vào lòng và thế nào cũng nhận được vài cái véo yêu của ông.

Sau này lớn lên, ấn tượng của tôi về ông còn là một bài thơ tình rất hay của ông được học sinh sinh viên truyền nhau chép vào sổ tay. Đó là bài Thu về một nửa, trong đó có những câu thơ khién cho những trái tim yêu đương thổn thức đến nao lòng:

Anh cầm trên tay giọt nắng vàng tươi
Lá lốm đốm thu mới về bỡ ngỡ
Một nửa màu xanh còn ấm nhựa
Cuống lá run run lưu luyến đậu trên cành

Những câu thơ mang tính ẩn dụ thật lãng mạn và tài tình khác hẳn với sự mộc mạc nhưng sâu sắc mà ta vẫn thường thấy trong thơ ông. Những câu thơ như càng chứng minh một điều, tình yêu đâu có phân biệt tuổi tác, người lớn tuổi cũng giống như các cô cậu mới lớn, cũng bối rối, cũng vụng về cũng lúng túng, cũng xao xuyến.

Mới đây, khi tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở khu Yên Hoà, một ngôi nhà sang trọng có thang máy, ông vẫn nhanh chóng nhận ra tôi. Ông hỏi thăm từng người trong gia đình, thậm chí ông hỏi thăm cả những người mà ông đã từng gặp ở nhà tôi trước đây. Bản chất con người ông là vậy, sâu sắc và tình cảm.

Bên cạnh chiếc giường của ông là một cái bàn với rất nhiều sách báo xếp chồng trên đó. Tôi hỏi ông:

- Bác vẫn làm việc được à?

- Bác chỉ thỉnh thoảng đọc thôi, tay yếu đâu có viết được nữa. Không còn làm việc được buồn lắm cháu ạ. Chẳng thà ông trời cho mình chết đi còn hơn sống mà không được làm việc. – giọng nói của ông vẫn rủ rỉ nhưng có hơi run run.

- Thôi bác ạ, ai rồi cũng có lúc già yếu. Làm gì có ai thoát khỏi cái quy luật đó đâu. Cả một đời cống hiến cho văn chương như bác cũng là đáng kính nể rồi. Cũng để lại chút gì cho đời và cho nền văn học rồi bác ạ.

Tôi nhìn lên bàn làm việc của ông thấy cuốn sách “Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh” của Nguyễn Đổng Chi được đặt ngay ngắn, ở giữa có kẹp một tờ giấy để đánh dấu trang sách mà ông đang đọc. Còn ông thì nhìn xa xăm ra ngoài khung cửa sổ của căn phòng ở tầng hai. Cuộc sống hàng ngày của ông giờ đây hầu như chỉ vỏn vẹn trong căn phòng nhỏ và ô cửa sổ để nhìn ra thế giới bên ngoài. Phía bên trong khung cửa sổ là một cuộc sống tĩnh lặng nhưng đầy chiêm nghiệm. Còn bên ngoài kia là một thế giới sôi động, đầy sắc mầu không ngừng trôi. Đó là một thế giới có nhiều yêu thương nhưng cũng đầy bất trắc mà ông đã từng trải nghiệm bằng cả máu và nước mắt với gần trọn đời mình. Dường như mấy chục năm qua, gương mặt ông không có nhiều thay đổi, chỉ có mái tóc là bạc trắng, nay vì ốm yếu nên cắt ngắn cho gọn. Thật kì lạ, gương mặt hồn hậu của ông luôn tạo cho người đối diện một cảm giác tin cậy và gần gũi nhưng luôn ẩn chứa một nỗi buồn xa xăm. Một nỗi buồn trong suy tưởng mà ông cất giữ bằng chiếc khoá thời gian. Cũng phải thôi, cuộc đời này có ai là không có nỗi buồn. Và tôi chợt nhớ đến một câu hát của Trịnh Công Sơn: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Có thể với những tâm hồn nghệ sĩ thì nỗi buồn ám ảnh nhiều hơn, nó còn là nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác cho họ, bởi ai đó cũng đã nói rằng, nỗi buồn là mẹ đẻ của thi ca. Tôi cũng tin rằng, nếu ai đó sống một cuộc đời không biết đến buồn đau thì chắc hẳn đó là một cuộc đời rất tẻ nhạt. Còn với nhà thơ Võ Văn Trực, ngay cả khi cười, ta vẫn có thể thấy nỗi buồn phảng phất trên gương mặt ông. Trong mỗi một kiếp người có biết bao buồn đau, mất mát mà ta phải trải qua. Và trong cái xã hội mà chúng ta đang từng ngày phải đương đầu và nếm trải này có biết bao những điều ngang trái, bất an đang diễn ra, đang rình rập từng phút từng giây khiến ta phải lo âu, suy nghĩ. Huống chi với một trái tim đa sầu đa cảm như nhà thơ Võ Văn Trực không thể không nhức buốt, không rung lên da diết theo từng nhịp đập đó của cuộc đời. Những nỗi buồn cứ chất chứa trong ông và ông cất giấu. Những nỗi buồn không làm ông gục ngã. Ông cũng không lãng quên chúng mà đem khâu nó lại, bện chặt nó lại như hành trang để tiếp tục đương đầu với cuộc đời, cùng buồn cùng vui trên những chặng đường tiếp theo. Và mỗi khi một mình đối diện với nỗi buồn, ông lại tìm đến thơ, như tìm đến một người tri kỉ, thuỷ chung trọn đời.

“Tiếng mèo kêu xé ngang đêm
Vàng thu lá động trước thềm gọi đông
Chuyện đời bao nỗi đục trong
Câu thơ đáy chén tận cùng buồn vui
Mảnh trăng rụng xuống bên trời
Mùa thu đã chết tuyệt vời trong ta”

               -Đêm cuối thu-

Hay trong bài “Nhà tôi” thì nỗi buồn đó được cụ thể hoá như một bức tranh về cái xã hội mà chúng ta đang sống. Ở giữa đám đông ông tự cô lập mình, để mà cảm, để mà đau với những cái mà người đời đang hả hê, tung hô. Đó là sự cô lập có lương tri của một người nghệ sĩ:

“… Cuộc đời nhí nhố vây quanh
Nửa quê kệch, nửa thị thành đan nhau
Khi buồn ngắm chiếc thuyền câu
Khi vui lại ngắm nhà cao nắng đầy

Cuộc đời dở tỉnh dở say
nửa kia điện sáng nửa này sương dăng,
Bia trào bọt phía cao tầng
Bờ hồ con đĩ tụt quần nằm chơi.

Cuộc đời dở chuột dở dơi
Nửa bóng tối, nửa mặt trời nhá nhem
Hai tờ sách mở hai bên
Tôi nằm ở giữa khâu bền sợi đau”

                                -Nhà tôi-

Trong lúc trò chuyện, tôi bảo ông kể về những thăng trầm trong cuộc đời, bởi tôi muốn có những chi tiết để làm nên thân phận của một nhà thơ như ông, cho bài viết của mình. Ông chỉ lặng yên, nhìn ra ngoài khung cửa. Bỗng ông quay lại nhìn tôi, rồi lại rủ rỉ kể những câu chuyện về quê hương, về tuổi thơ của ông. Trong câu chuyện đó tôi nhìn thấy ánh mắt ông sáng lên, giọng nói của ông linh hoạt hẳn lên, chốc chốc lại nở một nụ cười. Và cứ như thế ông say sưa kể lại những kí ức của sáu, bảy chục năm về trước. Tôi chợt hiểu ra rằng khi con người ta đã bước vào cái tuổi gần đất xa trời thì mọi kí ức đều có thể trở thành vô giá nhưng cũng có thể trở thành vô thường. Khi đứng trước cái ranh giới đó thì ta phải biết cân bằng chính mình. Kể từ phút đó tôi không hỏi thêm gì nữa mà chỉ ngồi nghe ông kể lại những chuyện gì mà ông ghi nhớ, muốn chia sẻ với người khác.     Ông bảo, quê hương chính là thượng nguồn của mọi cảm xúc trong suốt cuộc đời cầm bút của mình. Trong câu chuyện, ông đã đưa tôi về với cái làng Hậu Luật, mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ông. Ở cái làng Hậu Luật đó có ngôi đền Bạch Y, có đình Trung, có ngôi mộ cổ rộng cả mẫu đất của cụ Hùng Lễ Bá Võ Phúc Tuy, một danh tướng của Lê Lợi, người dân làng ông vẫn gọi là mộ cụ Hùng, có cánh đồng Lao, có đồi Di Lĩnh, có cổng làng rêu phong, có con đường gạch mà ngày trước cụ nghè đã bái tổ vinh quy. Ông lại kể cho tôi nghe về ngọn núi Hai Vai, con sông Bùng trong xanh với bao truyền thuyết, kể về cây đa, cây muỗm của làng Hậu Luật có hàng mấy trăm năm tuổi. Ông say sưa kể về người bạn nối khổ từ thuở mục đồng có tên là Bá; những đêm theo chúng bạn đi hát đối hát dặm trong làng và ở các làng lân cận. Ông bảo, ông mê mẩn những làn điệu dân ca, những câu hò, vè, ca dao, tục ngữ quê mình. Mê đến nỗi, khi được địa phương cho đi học ngành ngân hàng ở Trung Quốc, ông đã từ chối vì không muốn xa quê hương, không muốn phải rời xa những làn điệu dân ca, hò vè mà ông vẫn nghe, vẫn hát hàng ngày. Ông cười tươi và bảo đó là cái may mắn đầu tiên của ông. Bởi nếu không sau này, ông đã trở thành một cán bộ ngân hàng rồi. Còn điều may mắn thứ hai của ông, đó là sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tổng Hợp, ông được nhận về làm việc ở Bộ ngoại giao. Sau khi làm việc ở đó được một năm, cảm thấy công việc không phù hợp với mình nên ông  đã xin chuyển. Có nhiều người bảo ông là gàn là dại. Cũng có thể bây giờ thành một ông to nào đó rồi cũng nên. Nhưng với ông thì đó là may mắn. Những người thân, bạn bè làng Hậu Luật cũng bảo đó là may mắn. Nhờ vậy mà làng Hậu Luật mới có một  nhà thơ Võ Văn Trực.

Chỉ cách đây khoảng 3 năm thôi, năm nào ông cũng về quê ba bốn lần, sau này yếu thì mỗi năm một lần. Cho đến hồi đầu năm nay, khi bị tai biến, ông không còn đủ sức để được về với làng Hậu Luật thân yêu của ông nữa, điều đó làm cho ông buồn và day dứt. Ông kể, cách đây độ sáu, bảy năm, ông mua chục cái quần soóc và chục cái mũ lưỡi chai, để mang về quê tặng mỗi người bạn từ thuở chăn trâu cắt cỏ một bộ. Rồi, họ cùng mặc bộ đồng phục đó để gặp gỡ nhau, đi chơi khắp xóm làng, vui vẻ hồn nhiên như thuở thiếu thời vậy. Chính vì nặng nợ với quê hương như vậy mà hình ảnh quê hương cứ đi vào trong các tác phẩm của ông một cách tự nhiên và mộc mạc. Bạn bè văn chương gọi ông là người có nhiều trang viết về quê hương nhất trong Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi sau này, trải qua những năm tháng biến cố của lịch sử, mà đã từng được cho là “đổi mới” “cải cách” của chính quyền, cái làng Hậu Luật của ông đã bị tàn phá nặng nề. Đến mức, sau đó, ông không dám về làng khi trời còn đang sáng, mà phải chờ trời tối mịt mới dám bước chân qua cổng làng. Ông bảo, thời đó, họ dồn hết Thánh, Thần, Phật…tập trung vào một nơi thờ cúng, để còn lấy chỗ làm kho chứa. Ngay cả đến ngôi mộ cổ của cụ Hùng mà dân làng vẫn thờ cúng bao đời nay cũng bị đào lên cùng hàng trăm ngôi mộ của bà con để rồi chôn chung vào một chỗ. Một cảm giác đau xót, ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi ta đọc bài Lưu lạc giữa quê nhà của ông:

Một khoảng trời bỗng hoang vắng cô đơn
Khi cây muỗm đầu làng không còn nữa
Lòng tôi cũng bơ vơ cùng tiếng gió
Thổi về đâu mây trắng dạt trời xa

Một mùa đông bỗng xô về hiu hắt
Khi đã tan hoang miếu mạo đình chùa
Đồ tế khí ngả nghiêng thành gỗ nát
Cuốn gia phả tả tơi thành bụi cát
Mấy chục năm lưu lạc giữ quê nhà.

Một làng vui bỗng lạnh tựa tha ma
Khi tiên tổ ông bà không còn mộ
Mồ côi cả đất đai và ngọn cỏ
Lũ chim non khản giọng lạc bài ca
Mấy chục năm lưu lạc giữa quê nhà.

Tôi quỳ sụp cổng làng, đầu cúi xuống
Chắp tay lạy nhưng ngôi mồ tưởng tượng
Nghìn vong linh ám ảnh cả làn da
Trái tim nhỏ tụ về muôn giọt máu
Mấy chục năm lưu lạc giữa quê nhà.

Có gì như đau đớn, có gì như uất nghẹn, có gì như hối tiếc tự thẳm sâu, nhưng tất cả đã quá muộn rồi. Than ôi lũ chim non khản giọng lạc bài ca mất rồi.

Trong cái biến cố khủng khiếp đó, ông cũng phải chịu một nỗi đau là mất mộ mẹ. Sau này, mỗi lần về quê, ông lại đốt một bó hương thật to, rồi cứ lang thang khắp cánh đồng để cắm hương và khấn nguyện mẹ mình trong đau thương và trong nước mắt. Chính từ nỗi đau đó ông làm bài thơ “Tìm mộ mẹ”, một trong những bài thơ hay nhất, đau buồn nhất của ông, khiến cho bất kì người đọc nào cũng có thể bật khóc:

“Mẹ mới khuất mười năm, không còn mộ
Con đi tìm, dẫm nát cỏ đồng quê
Nén hương khấn mười năm không tắt lửa
Mẹ nơi đâu? Xin hãy gọi con về.

Mất mồ mẹ con lang thang tìm kiếm
Như đứa con hoảngày rạc tả tơi
Chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trùng song biển
Bến bờ nao con định hướng cuộc đời?

Canh cánh mãi bên lòng đau xé ruột
Giữa chiêm bao giấc ngủ nặng như chì
Mơ thấy một tay ôm vầng cỏ mọc
Mở mắt ra chăn gối ướt đầm đìa

Trên trần thế mười năm con phiêu dạt
Đất nơi đâu cũng thấy mẹ đang chờ
Hài cốt mẹ suốt mười năm lưu lạc
Con đốt trầm lạy bốn hướng vu vơ…”

Có thể nói đó là một bức tranh đen tối của một thời ngu muội. Một thời kì cần phải lãng quên trong thùng rác của lịch sử.

Trong chốc lát, ông im lặng nhìn tôi, rồi lại nhìn quanh căn phòng của mình như muốn kiếm tìm một điều gì đó. Lúc này tôi mới để ý, bên dưới tủ sách đồ sộ của ông, có rất nhiều báo cũ, tài liệu, bản thảo được ông xếp thành hai hàng dài, ngay ngắn trên nền gạch. Những tờ báo cũ, những trang bản thảo bằng giấy pơ luya đã ố màu thời gian vẫn được ông cất giữ nâng niu. Rồi ông đứng dậy, từ từ đi lại cái tủ sách. Tôi định dìu ông lại đó, ông bảo: “Để bác tự đi được”. Ông rút ra mấy quyển sách đem lại tặng tôi. Có thể nói, nhà thơ Võ Văn Trực có một sức lao động rất đáng nể. Kể từ khi nghỉ hưu ông đã sáng tác hàng mấy trăm bài thơ, độ dăm cuốn tiểu thuyết, ngoài ra còn có những cuốn khảo cứu, sưu tầm về văn hoá dân gian. Đọc tác phẩm của Võ Văn Trực, ta có thể thấy được phần nào con người ông, thời đại ông đang sống ở trong đó. Những đau thương mất mát, vui buồn trong đời ông, những ngang trái bất công của xã hội cứ ăm ắp trong tác phẩm của ông đã chạm đến trái tim người đọc. Sau khi tặng sách cho tôi, ông bảo: “Kể từ khi bác bị ốm. Anh em báo Văn Nghệ đến thăm nhiều lắm. Mọi người chu đáo lắm”. Tôi thầm nghĩ bụng, một con người hiền lành và nhân ái như ông thì làm sao mọi người có thể không nhớ đến được kia chứ. Kể từ lúc nghỉ hưu cho đến cách đây độ hai, ba năm thôi, năm nào ông cũng tổ chức một bữa cơm vào dịp gần tết, rồi gọi tất cả đám thanh niên báo Văn Nghệ đến để liên hoan. Đối với cánh thanh niên của báo Văn Nghệ, ông vừa là một thủ trưởng cũ, vừa như người cha, chú và cũng như một người bạn. Bởi khi còn là Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, ông luôn luôn chan hoà, gần gũi, sẻ chia và nâng đỡ cánh trẻ.

Kể từ ngày nghỉ hưu ông tránh xa mọi cuộc hội hè đoàn thể. Mọi thứ công danh đều trở thành vô nghĩa, chỉ còn lại cái tình tri kỉ với một số bạn bè, với văn chương mà thôi:

Bạn bè tan tác cả rồi
Còn dăm ba đứa ta ngồi với nhau
Lẽ đời thấu hết nông sâu
Chén vui chưa cạn chén đau đã đầy
Một lời tỉnh hai lời say
Nồng nàn bằng hữu chua cay nhân tình
Thôi thì mình tự yêu mình
Vứt cha cái bả công danh mà về
Chính trường càng ngẫm càng ghê
Lưỡi tê vị đắng tay tê chén cầm
Nhìn nhau nước mắt ướt đầm
Giọt vui nâng chén, giọt bầm ruột gan.

                              -Uống rượu với bạn-

Rồi thỉnh thoảng lại thấy ông lóc cóc đạp cái xe đạp mi ni đến thăm một số bạn bè cũ. Khi đã đi gần hết cuộc đời, nhìn lại chặng đường đa qua, nhìn lại những được và mất trong cuộc đời, con người ta mới sực nhận ra rằng cuộc đời này vốn rất giản đơn, nhận diẹn trắng đen cuộc đời bằng cái cười mỉm, nhận diện thế thời bằng nỗi chua cay:

Một cành cây gẫy
Thảng thốt cánh chim

Một luồng gió độc
Bóp chết ngọn đèn

Một tiếng chó sủa
Bóp nát bình yên

                    -Đêm-

Với hàng nghìn trang sách viết về quê hương, viết về người thân ruột thịt, về bạn bè ở cái làng Hậu Luật có lẽ nên gọi ông là Người của làng. Bởi trái tim ông luôn hướng về mảnh đất quê hương, vui buồn vì nó. Ngay cả khi đau yếu này ông vẫn luôn nghĩ về nơi ấy. Và tôi xin được kết thúc bài viết này bằng câu thơ của ông:

“Tình cốt nhục, nghĩa lân bang
Quý hơn gấp triệu lạng vàng cầm tay”
TRẦN VŨ LONG
Nguồn: Văn Nghệ

 ______________________________


Nhà thơ Võ Văn Trực sinh ngày 28/1/1936 tại làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Năm 1958 ông ra Hà Nội học đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã xác định theo đuổi con đường văn chương. Dù ông từng được Bộ Ngoại giao nhận về nhưng cuối cùng vẫn xin được chuyển sang làm việc tại một cơ quan văn hoá. Năm 1962, ông về làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Thanh niên. Đến năm 1977, ông về làm việc tại báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu.

Cầm bút từ những năm sáu mươi, ông viết nhiều thể loại: thơ, văn, bút ký và biên khảo. Võ Văn Trực là tác giả nhiều tập thơ trong đó có Trăng phù sa, được giải thưởng Hội văn nghệ Hà Nội năm 1983. Ngoài thơ, bạn đọc còn biết đến Võ Văn Trực với những tác phẩm viết về quê hương, như tập bút ký Truyền thuyết núi hai vai, hay cuốn tiểu thuyết Chuyện làng ngày ấy viết năm 1990, được nhà xuất bản Lao động tái bản tại Hà Nội năm 2005, đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Một số tác phẩm chính: Chú liên lạc đội Xích vệ (1972), Trận địa quê hương (1972), Người anh hùng đất Hoan Châu (1976), Ngày hội của rạng đông (1978), Hành khúc mùa xuân (1980), Trăng phù sa (1983), Tiếng ru đồng nội (1990), Hương trong vườn bão (1995)

Ông cũng đã được trao nhiều giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và các Hội văn nghệ, các cuộc thi sáng tác: Giải thưởng Hội văn nghệ Hà Nội năm 1983 với tập thơ Trăng phù sa; Giải thưởng Bộ Giao thông Vận tải 1987 với tập bút ký Đèo lửa đèo trăng…

Trước khi nghỉ hưu, nhà thơ Võ Văn Trực là Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ. Có thể gọi nhà thơ Võ Văn Trực là người điển hình cho tính cách người xứ Nghệ: hiền lành, thủng thẳng nhưng gàn và cục tính. Ông cương trực như chính cái tên cha mẹ đặt cho mình, luôn thẳng thắn và quyết liệt đấu tranh với những thói rởm đời dù ông hoàn toàn nhận thức được rằng, sự đấu tranh đó không phải lúc nào cũng mang lại cho ông những điều may mắn.

Về nghỉ hưu, nhưng nhà thơ Võ Văn Trực vẫn không rời trang viết. Ông viết về quê hương, về những chiêm nghiệm của cuộc đời. Song tuổi già, sau lần tai biến cứ dần nuốt chửng trí nhớ và sức lực của ông. Ông không nhớ gì nhiều, khoảng ký ức đậm nét nhất là hình bóng quê nhà, ở làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ở đó có con sông, bến đò quê hương, có cả một tuổi thơ ngập tràn trong tiếng đùa nghịch của ông và chúng bạn thời thơ ấu...

Nhà thơ Võ Văn Trực từ trần hồi 2h42 phút sáng thứ sáu ngày 5/4/2019, thọ 84 tuổi.

Tang lễ nhà thơ được tổ chức từ 9h15 đến 11h ngày thứ ba, mồng 9 tháng 4 năm 2019, tức ngày mồng 5 tháng 4 năm Kỷ Hợi tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn quận Hai bà Trưng, Hà Nội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...