Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM – THÊM NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI

Điều quan trọng là cuốn sách cho thấy văn chương ở vùng đất phương Nam này tuy từ lâu không còn là “vành đai trắng” trong học thuật, nhưng vẫn còn những khoảng trống kêu gọi sự đầu tư tâm huyết và công sức của giới nghiên cứu,…
GS Huỳnh Như Phương

Khi những lưu dân người Việt mở mang bờ cõi và khẩn hoang ở miền Nam, có lẽ họ không hình dung rằng cùng với những cánh đồng, những vạt rừng, những dòng kênh mà họ khai phá, còn có những trầm tích tụ lại dưới bề sâu văn hóa mà mãi nhiều thập niên sau mới dần hiển lộ. Xa rời gốc tích từ miền Bắc, những “người dân ấp dân lân” miền Nam để lại trên dấu chân của họ những sản vật tinh thần mang vết tích của một vùng thung thổ mới mà giá trị của nó không phải một sớm một chiều đã được khẳng định.

Như một biểu hiện của đặc trưng văn hóa và tính cách con người phương Nam, những sáng tác văn chương bằng chữ quốc ngữ la-tinh hóa ra đời trên vùng đất này, sau một thời gian bị chìm vào quên lãng, dần dần được sống lại trong sự hồi phục của ký ức tập thể. Công lao về mặt này trước hết thuộc về những nhà khảo cứu cần mẫn và nghiêm túc, theo đuổi không mệt mỏi việc sưu tầm, lưu giữ, phẩm bình những giá trị của văn học Nam Bộ và bắc những nhịp cầu giữa trăm năm lịch sử của nó với con người đương đại: Đông Hồ, Lê Văn Siêu, Thẩm Thệ Hà, Nguyễn Văn Hầu, Sơn Nam, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Khuê, Bằng Giang, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Q. Thắng, Hoài Anh, Hồ Sĩ Hiệp…

Sự kế tục của lịch sử được nhận thấy qua sự tiếp nối thế hệ tiền bối đó của những nhà nghiên cứu ở thời hậu chiến: Nguyễn Mẫn, Tôn Thất Dụng, Đoàn Lê Giang, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Kim Anh, Võ Văn Nhơn, Cao Xuân Mỹ, Trần Nhật Vy… và sau họ là lớp người trẻ tuổi hơn nhưng niềm say mê và ý chí khoa học không hề thua kém: Lê Quang Trường, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều, Lưu Hồng Sơn, Nguyễn Thị Phương Thúy…

Như vậy, phó giáo sư tiến sĩ Võ Văn Nhơn và thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy, hai tác giả của cuốn sách này có thể xem là người thuộc hai thế hệ nghiên cứu đang thao tác trên mảnh đất văn chương phương Nam, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giữa họ có khoảng cách về tuổi tác, về nguồn đào tạo, lẫn về thị hiếu thẩm mỹ; đồng thời cũng có những điểm chung: niềm xác tín về phẩm chất và giá trị của văn chương phương Nam, tinh thần khách quan, sự cẩn trọng trong khoa học và ý thức trách nhiệm của người dạy học trước sự thật lịch sử mà mình muốn khẳng định và truyền đạt.

Chính những điểm chung đó đã kết nối 25 bài viết trong tập này thành một tập hợp có cùng chủ đề. Các tác giả khiêm tốn gọi đây là “một vài bổ khuyết”. Nhưng là người từng đọc một số bài đã đăng báo và nay đọc toàn bộ bản thảo, chúng tôi nhận thấy ở đây không chỉ có sự “bổ khuyết” mà còn có cả sự “đính chính” và sự “khám phá” nữa.
Văn chương phương Nam – một vài bổ khuyết

Trước hết, cuốn sách này góp phần bổ khuyết tư liệu cho một công trình văn học sử Việt Nam thế kỷ 20 toàn vẹn mà nay vẫn còn là mơ ước của học giới. Đó là việc miêu tả hoạt động và vai trò của những tờ báo ở miền Nam đã góp phần tích cực vào tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc: Gia Định báoThông loại khóa trìnhNông cổ mín đàmLục tỉnh tân vănPhụ nữ tân vănĐông Pháp thời báoCông luận báoSống… Đó là sự giới thiệu những nhà văn một thời làm xao động văn đàn Nam Bộ nhưng thành tựu chỉ mới được nhắc thoáng qua trong các công trình khảo cứu trước đây: Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Lê Hoằng Mưu, Biến Ngũ Nhy, Phạm Minh Kiên, Nguyễn Thế Phương, Phan Thị Bạch Vân, Trúc Hà, Lư Khê, Vũ Anh Khanh… Đó là việc trình bày bức tranh dịch thuật và phóng tác đầy màu sắc của tiểu thuyêt Trung Hoa và tiểu thuyết Pháp ở Nam Bộ đầu thế kỷ 20. Đó là việc khảo chứng một khối lượng tác phẩm lớn thuộc nhiều thể loại và thể tài khác nhau đã xuất hiện trong đời sống văn chương Nam Bộ: thơ, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết trinh thám… Tất nhiên, không phải các tác giả của cuốn sách này là những người đầu tiên đề cập đến các hiện tượng văn học nói trên (những tờ báo, những tác gia, những thể loại…), nhưng có thể khẳng định họ có những thông tin cập nhật để bổ khuyết vào bức tranh toàn cảnh của văn học Nam Bộ.

Hệ quả trực tiếp của sự “bổ khuyết” với những thông tin được kiểm chứng là những “đính chính” về văn học sử mà cuốn sách này mang lại. Để có những chi tiết được đính chính như vậy, các tác giả đã không quản công đi về các miền xa vùng đồng bằng Nam Bộ, đến các thư viện ở Hà Nội, thậm chí đến thư viện Quốc gia Pháp ở Paris và thư viện gia đình giáo sư Nguyễn Văn Sâm ở California để tiếp cận các nhân chứng, sưu tầm và kiểm tra tư liệu, đối chiếu với những thông tin phổ biến lâu nay. Hẳn không ít người sẽ ngạc nhiên khi biết những chi tiết mới xác minh trong cuộc đời nhiều sóng gió của Trúc Hà, Lư Khê, Vũ Anh Khanh… Sau cuốn sách này, chắc chắn những người viết văn học sử Việt Nam sẽ không còn nhìn nhận Nam Kỳ địa phận như một tờ báo Công giáo thuần túy và sẽ không tường thuật nội dung và cấu trúc tác phẩm Hà Hương phong nguyệt, cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên về chủ đề tính dục ở nước ta, như đã làm lâu nay nữa.

Một cuốn sách mới làm được hai việc trên đây kể ra cũng đã xứng với công sức của các tác giả và đáng được ghi nhận. Nhưng đóng góp của cuốn sách này không dừng lại ở đó. Từ những “bổ khuyết” và “đính chính” kể trên, các tác giả đã đi xa hơn trong những khám phá về đặc trưng và bản sắc của văn chương Nam Bộ. Thật thú vị khi đọc những đoạn người viết so sánh tiểu thuyết hành động ở Nam Bộ với tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa và tiểu thuyết trinh thám phương Tây. Nói về mối quan hệ của văn chương tranh đấu miền Nam với văn chương Tự Lực văn đoàn, các tác giả có một nhận xét thuyết phục: mặc dù trái ngược về quan điểm xã hội và quan điểm nghệ thuật, tiểu thuyết Nam Bộ sau 1945 vượt lên tiểu thuyết ở cùng địa bàn trước 1945 về nghệ thuật khắc họa tính cách và phân tích tâm lý nhân vật là nhờ có ảnh hưởng của Nhất Linh và Khái Hưng. Kết thúc bài viết công phu này, các tác giả nhận xét: “Nhiều nhà văn Nam Bộ tuy trực tiếp chê bai tính lãng mạn của tiểu thuyết nhóm Tự Lực, nhưng văn chương của họ vẫn phảng phất vẻ thướt tha, yêu kiều của chính văn đoàn này và nhân vật của họ cũng có những nỗi niềm sầu muộn, vương vấn như các nhân vật nam thanh, nữ tú ra đời từ những năm 1930”. Những thông tin văn học từ cuốn sách này gây nên cảm nhận rằng trong những năm kháng chiến chống Pháp, tính chất tranh đấu của văn xuôi miền Nam, kể cả trong những đô thị do Pháp chiếm đóng, dường như mạnh mẽ hơn văn xuôi miền Trung và miền Bắc, đồng thời số lượng tác phẩm về mặt này cũng đa dạng hơn. Mối giao lưu văn học giữa đô thị và vùng kháng chiến dường như cũng thuận lợi hơn. Đáng tiếc là những cơ hội lịch sử này đã bị bỏ lỡ mà lịch sử đã không ghi nhận và cắt nghĩa thỏa đáng tình hình đó.

Nói về những “khám phá” của cuốn sách này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai bài viết về những cây bút trẻ và “văn học thị trường” ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bài viết này thật ra đã vượt xa khỏi khuôn khổ của văn học Nam Bộ để liên hệ và bàn luận đến những vấn đề thời sự của văn chương đương đại. Có thể nói các tác giả cuốn sách này đã trở thành “tri kỷ” của những cây viết trẻ hiện nay qua những dòng viết về họ: “… người trẻ mang những đặc trưng vừa cởi mở nhưng vừa cực đoan, vừa độc lập nhưng lại vừa dễ dao động, vừa đấu tranh cho tự do lại vừa sợ nỗi cô đơn mà tự do mang đến. […] Nghịch lý là càng được tự do lựa chọn thì người ta càng không chọn được, vì khi ấy họ phải chịu trách nhiệm trước lựa chọn của mình mà không thể đổ lỗi cho ai”. Ủng hộ “văn học mạng”, các tác giả cũng điềm tĩnh chỉ ra giới hạn của nó trong điều kiện xã hội hiện nay: “Các tác phẩm văn học mạng đúng nghĩa, tức là sáng tác và đăng tải trực tiếp trên mạng, có tương tác với độc giả, vẫn đang ngậm ngùi ở vị trí văn chương ngoại biên. Ngôn từ kỹ thuật và ngôn từ internet tràn vào sáng tác của các nhà văn trẻ nói chung như một tất yếu của thời đại. Lối diễn đạt của các tác giả có khuynh hướng đơn giản hơn, câu văn ngắn hơn và ít hình dung từ hơn”.

Chủ kiến và cái nhìn dân chủ của các tác giả cuốn sách càng bộc lộ rõ hơn qua bài viết “Văn học thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh”. Bài viết này vốn là một tham luận gây chú ý ở Hội thảo “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới: thực trạng và triển vọng” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức ở Hà Nội tháng 5-2015, sau đó trở thành một gợi ý cho Hội thảo “Thị trường văn học và văn học thị trường: lý luận và thực tiễn” do Viện Văn học tổ chức, cũng tại Hà Nội, tháng 8-2016. Vượt qua những định kiến về “văn học thị trường”, một mặt, các tác giả tỏ ra không đồng tình với việc “bên trong định ngữ ‘thị trường’ ẩn chứa một thái độ kỳ thị, một cảm xúc tiêu cực, dù người sử dụng nó có thể không nhận ra”, đồng thời việc đặt nghệ thuật tinh hoa vào thế đối lập với nghệ thuật thị trường “vô tình ngụ ý rằng nghệ thuật tinh hoa không cần thị trường tiêu thụ”. Mặt khác, các tác giả tỏ ra nhạy bén khi cho rằng “khái niệm ‘văn học thị trường’ ở Việt Nam, tuy có những điểm không hợp lý về mặt từ ngữ […], nhưng lại tỏ ra rất hiệu quả trong việc khu biệt những sáng tác đại chúng ngày nay với sáng tác phục vụ đám đông thời kỳ trước Đổi mới”. Biện giải cho văn học thị trường, một nhận định về hiện tượng văn học có tính xã hội này có thể phản bác những cách nghĩ giản đơn và thậm chí, hời hợt: “Người ta lo lắng giới trẻ chìm đắm trong thị hiếu tầm thường, thấp kém, nhưng người ta cũng quên mất rằng không phải chỉ riêng giới trẻ, mà ở bất cứ lứa tuổi nào, số đông vẫn là những người không chuyên nghiệp, vì vậy không thể đòi hỏi họ đọc và yêu thích những thứ mà chỉ những người chuyên nghiệp, được trang bị kiến thức và kỹ năng tương ứng, mới có thể quan tâm”. Và câu văn kết luận này phải chăng cũng là một câu văn có sức nặng: “Văn chương lúc nào cũng lâm nguy, lúc nào cũng có vẻ như đang đứng trước bờ vực của tha hóa, nhưng nếu nó không thay đổi thì mới chính là lúc nó lâm nguy nhất”.

Gợi ra nhiều hứng thú, cuốn sách này, vốn là tập hợp những bài viết trong những thời gian khác nhau, hẳn cũng chưa làm vừa lòng tất cả những bạn đọc có tính đòi hỏi cao. Một vài chân dung văn học còn sơ lược. Một số vấn đề lịch sử và lý thuyết gây tranh cãi cần được lý giải sâu sắc và thỏa đáng hơn. Điều quan trọng là cuốn sách cho thấy văn chương ở vùng đất phương Nam này tuy từ lâu không còn là “vành đai trắng” trong học thuật, nhưng vẫn còn những khoảng trống kêu gọi sự đầu tư tâm huyết và công sức của giới nghiên cứu, trong đó có chính các tác giả - những người đã “đăng ký” nghề nghiệp của mình gắn với một nguồn mạch tinh thần phong phú luôn chờ đợi được tiếp tục khám phá.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG



[1] Lời tựa sách Văn chương phương Nam – một vài bổ khuyết của Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy, NXB Tổng hợp, TP. HCM, 2016.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...