Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI THƠ MỚI BÀN VỀ THƠ ĐỖ HUY NHIỆM

Người đương thời Thơ mới đã khách quan ghi nhận Đỗ Huy Nhiệm như một tiếng thơ sâu lắng, khơi nguồn cảm xúc mới bằng những vần thơ truyền thống, cốt cách ở ý thức cá nhân và dung dị trong câu chữ, trần tục ở đề tài và cao sang trong mộng tưởng hồn yêu.
Phú Yên quê hương nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm

Nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm sinh ngày 16-3-1915 ở Nam Định nhưng quê gốc ở Phú Yên; nguyên họ Hồ, sau đổi ra họ Đỗ; khi viết báo còn ký các bút danh Đỗ Phủ, Thiếu Lăng. Thuở nhỏ học ở Nam Định, sau khi đậu thành chung lên Hà Nội học xong tú tài rồi vào làm việc ở Sở Trước bạ Hà Nội. Đương thời ông từng cộng tác với các báo Phụ nữ thời đàm, Tân thiếu niên, Tiến hóa, Văn học tạp chí, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Trào phúng, Đông thanh, Đông Á, Đông Tây, Tin mới văn chương… và xuất bản hai tập thơ: Khúc Ly tao (1931), Thiên diễm tuyệt (1936)… Trong thời gian này thơ ông từng được P. T. T, Lê Tràng Kiều, Quỳnh Dao, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Vũ Bội Liêu, Hoài Thanh - Hoài Chân cùng quan tâm nhận xét, luận bình. Chúng tôi chủ ý chỉ tìm hiểu ý kiến của những người sống đồng thời với thời Thơ mới (1932-1945) bàn về thơ Đỗ Huy Nhiệm bởi thấy rằng đó là nhận xét của người trong cuộc, trong không khí đương thời, khi mà những đánh giá của họ còn trực diện, trực giác, tươi mới, chưa bị pha phách bởi những quan niệm thiên kiến ngoài văn chương hoặc do sự gián cách bởi thời gian như không ít trang bình luận, đánh giá ở giai đoạn sau này.

Không rõ khi Khúc Ly tao ra đời vào năm 1931 liệu đã có bài phê bình, điểm sách nào không nhưng phải đến Thiên diễm tuyệt xuất bản năm 1936 thì tên tuổi Đỗ Huy Nhiệm mới thật sự được ghi nhận trong làng thơ. Ngay sau nămThiên diễm tuyệt đến với bạn đọc, tác giả P. T. T trong bài viết Ngoảnh nhìn văn học năm vừa qua in trên Sông Hương(số 26, ra ngày 30-1-1937) đã nhấn mạnh vị trí tác phẩm trong nền thơ đương thời: “Về thơ, năm 1936 đã bày ra một cảnh tượng rời rạc, nếu không là buồn tẻ. Cái không khí bồng bột về thơ mới hai năm trên đã qua rồi. Những tên Thế Lữ, Huy Thông, người ta không nhắc đến một cách sốt sắng nữa. Mà giữa Nàng Thơ với các thi sĩ, hình như chữ tình cũng không còn được mặn nồng như mấy năm xưa. Huy Thông thì còn cho ra được một tác phẩm có giá trị là quyểnTiếng địch sông Ô, và thỉnh thoảng có thơ đăng trên một vài tờ báo chứ Thế Lữ thì như đã chìm hẳn đi rồi: với tác phẩm Bên đường Thiên lôi mà ông vừa cho xuất bản, người ta thấy rõ như ông muốn từ nay đi hẳn về bên tiểu thuyết. Những quyển Gái quê của Hàn Mặc Tử, Thiên diễm tuyệt của Đỗ Huy Nhiệm ra đời vào cuối năm như đã đem lại cho nàng thơ một cái không khí ấm áp”...

Hai năm sau, Lê Tràng Kiều trong bài viết Hoàng hoa in trên Tiểu thuyết thứ Năm (số 30, ra ngày 11-5-1939) khi giới thiệu cho việc chuẩn bị in bài thơ Hoàng hoa của Bích Khê đã vinh danh thơ của Quỳnh Dao, Anh Thơ và Đỗ Huy Nhiệm… trong trào lưu Thơ mới đương thời:

“Chưa bao giờ, các bạn mến thơ yêu thơ đã được vừa lòng, đã được say sưa như bây giờ, khi giở những trang thân yêu của tờ báo thân yêu này, nó đã lần lượt trình bầy không biết bao nhiêu là tác phẩm giá trị:

Những vần mơ màng của Quỳnh Dao, những vần nhẹ nhàng của Anh Thơ, những vần trong sáng của Đỗ Huy Nhiệm”...

Một tháng sau, nhà thơ Quỳnh Dao khi giới thiệu tập Tuổi thơ của nhà thơ gốc Hoa Liêu Kỳ Lộc trên báo Tiểu thuyết thứ Năm (số 35, ra ngày 15-6-1939) cũng trân trọng nhắc đến Đỗ Huy Nhiệm cùng nhiều tên tuổi Thơ mới khác: “Tôi không dám nói, bên tai người quen nghe tên Hàn Mặc Tử, Xuân Khai, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, nhưng người ta đã nghe đến Lan Viên, Đông Hồ, Xuân Diệu, Đỗ Huy Nhiệm, Thái Can, Vũ Đình Liên, Lan Sơn v.v... thì người ta cũng nên nghe thêm tên: Liêu Kỳ Lộc!”…

Rồi đến Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) trong công trình tổng kết Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, H., 1941) cũng tiếp tục ghi nhận tác phẩm và vị thế Đỗ Huy Nhiệm cùng nhiều cây bút khác:

“Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được:

- Đông Hồ, sau những vần Thơ Đông Hồ (1932) cũ kỹ, ca ngợi Cô gái xuân (1935).

- Lan Sơn thi vị hóa mối tình giữa Anh với em (1934).

- Phạm Huy Thông, trong Yêu đương (1933) cô Anh Nga (1934) và cô Tần Ngọc (1937), trầm hùng cao đưa Tiếng địch sông Ô (1935).

- Nguyễn Vỹ trong Tập thơ đầu (1934) có hơi thơ dài như gió lướt.

- Đỗ Huy Nhiệm sau Khúc Ly tao (1931) dệt Thiên diễm tuyệt (1936)”…

Hai ông Hoài Thanh - Hoài Chân trong lời giới thiệu tổng quát Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam(Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942) đã có ý nhấn mạnh vị thế Đỗ Huy Nhiệm trong trào lưu Thơ mới và đặt trong dòng thơ Đường truyền thống:

“Chung quanh ngôi sao Thế Lữ châu tuần bao nhiêu hành tinh có tên và không tên, hầu hết các thi sĩ lớn nhỏ hồi bấy giờ: Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Đỗ Huy Nhiệm, Tường Bách, Lan Sơn, Việt Nữ Hoàng Hương Bình, Thụy An, Nguyễn Nhuệ Thủy, Thanh Tịnh, Thúc Tề, Phi Yến, Lư Khê… Cả những vì sao vốn ở một trời khác: Vân Đài, Đông Hồ, Mộng Tuyết, cũng ghé về châu tuần một lúc…

Hồn thơ Đường vắng đã lâu, nay lại trở về trong thơ Việt. Lần đầu tiên (1934) nó đi theo J. Leiba. Leiba giao lại cho Thái Can. Thái Can giàu, Leiba sang. Ở Thái Can cũng như ở Leiba hồn thơ Đường có cái cốt cách đời thịnh. Với Đỗ Huy Nhiệm, Vân Đài, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan (trong tập Xa xa), Thâm Tâm, hoặc nó kín đáo tinh vi hơn, hoặc nó rắn rỏi chắc chắn hơn, nhưng cũng nghèo hơn”...

Rồi đến khi trực diện tiếp cận gia sản thơ Đỗ Huy Nhiệm, Hoài Thanh - Hoài Chân đã tuyển của ông ba bài (Đìu hiu, Hoa tủi, Say), đồng hạng số bài với Lan Sơn, Thu Hồng, Lưu Kỳ Linh, Nguyễn Giang, Phan Văn Dật...; từ đó đi sâu phân tích, bình phẩm:

“Đỗ Huy Nhiệm kể:

Lắm khi đứng tựa bên cây,
Thẫn thờ đôi mắt đắm say nhìn trời.
Nhưng đến lúc cất lời để gọi,
Thì nàng như làn khói thoảng tan.
Mặc tôi đứng sững mơ màng,
Một mình với một chiếc đàn chùng dây.

Nàng đây là Nàng Thơ và câu này là một câu tâm sự. Quả Đỗ Huy Nhiệm đã ôm một mối tình lãng mạn đi theo dõi Nàng Thơ luôn trong bảy tám năm trời từ Khúc Ly tao đến Thiên diễm tuyệt, từ Phụ nữ thời đàm hồi Ô. Phan Khôi chủ trương đến Tân thiếu niên, Tiến hóa, Văn học tạp chí 1935, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Trào phúng, Đông thanh, Đông Á, Tin mới hầu khắp trên các báo chí Bắc Nam. Nàng thơ có lẽ không nỡ phụ người có công. Một đôi lần Nàng đã gặp con người tình cờ trở nên người họ Đỗ và cố ý mạo danh Đỗ Phủ, Thiếu Lăng. Các cuộc gặp gỡ ấy đều ghi lại bằng những vần thơ phảng phất giọng Đường với một chút xôn xao mới”…

Trong mục bài Mỹ từ pháp trong văn chương Pháp và Việt Nam - Những “hình ảnh” trong văn thơ pháp và Việt Nam in trên Tạp chí Thanh nghị (số 20, ra ngày 1-9-1942), Vũ Bội Liêu khi xác định “Người ta nhân cách hóa cả đến gió trăng, cây cỏ, cùng các vật vô tri vô giác”, “Cây cối, hoa cỏ, mây nước, trăng gió, các vật vô tri vô giác đều được thi sĩ đem ra nhân cách hóa. Những vô sinh vật trở nên có linh hồn, có tư tưởng và biết hành động như người”…; và đi sâu phân tích dòng cảm xúc: “Gió lặng thổi, mây ngừng trôi, sóng im tiếng vỗ để lắng tai nghe nhời nói của nữ nhân hay “tiếng trúc tuyệt vời” thổn thức với lòng thổn thức của người thiếu nữ” kèm theo chứng dẫn thơ Bà Huyện Thanh Quan, Lamartine, Thế Lữ và chính thơ Đỗ Huy Nhiệm:

Cơn gió đìu hiu lướt mặt hồ,
Thổi rơi xuống nước chiếc hoa khô;
Giật mình, làn nước cau mày giận,
Tan cả vừng trăng tỏa lững lờ”...

Nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm (nguyên họ Hồ) quê gốc ở Phú Yên nhưng không rõ ở làng xã nào? Gia tộc ông, cha mẹ ông ra sao mà sinh ông trên đất Nam Định và đủ điều kiện cho ông ăn học? Có cách nào truy tìm trong hồ sơ lưu trữ Sở Trước bạ Hà Nội năm xưa mà xác định nhân thân Đỗ Huy Nhiệm? Ông có gia đình không, có người đồng nhiệm và bạn văn nào mà sao chẳng thấy ai nhắc nhớ đến ông? Chẳng biết ông sương gió phương nào nhưng vẫn còn đây trong Thi nhân Việt Nam hai bài thơ theo lối thất ngôn tứ tuyệt và một bài thơ dài lối bảy chữ. Bài Đìu hiu đã từng in trên Hà Nội báo:

Cơn gió đìu hiu lướt mặt hồ,
Thổi rơi xuống nước chiếc hoa khô.
Giật mình, làn nước cau mày giận,
Tan cả vừng trăng tỏa lững lờ.
Bài Hoa tủi tuyển in lại từ tập thơ Thiên diễm tuyệt:
Vườn xuân, nắng mới, mai đương đẹp.
Em lạnh lùng qua, chẳng đoái hoài.
Em hỡi! Vô tri hoa biết tủi:
Đầm đìa châu lệ, hạt sương mai.

Còn lại bài thơ Say đã in trên Tiểu thuyết thứ Năm gồm 10 khổ thơ, ở đây xin dẫn đoạn kết:

Trăng đã lên cao. Rượu cạn rồi,
Cả nàng đã đẫm cả hồn tôi.
Ngày mai rượu hết nghiêng hồ rỗng,
Vét chút hương còn ép sát môi.

Người đương thời Thơ mới đã khách quan ghi nhận Đỗ Huy Nhiệm như một tiếng thơ sâu lắng, khơi nguồn cảm xúc mới bằng những vần thơ truyền thống, cốt cách ở ý thức cá nhân và dung dị trong câu chữ, trần tục ở đề tài và cao sang trong mộng tưởng hồn yêu. Qua trường hợp Đỗ Huy Nhiệm có thể nói đã có “Một thời đại trong thi ca” và cũng có “Một thời đại trong phê bình thi ca” xuất hiện ngay giữa đương thời phong trào Thơ mới.

PGS.TS NGUYỄN HỮU SƠN
Nguồn: Toquoc

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

LEV TOLSTOY ĐÔI MẮT VÀ ĐÔI TAY NGƯỜI NGHỆ SĨ

Nhìn vào chân dung của Tolstoy, cái gây ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ hơn cả là đôi mắt: một đôi mắt sâu, ẩn sau vầng trán mênh mông và đôi mày rậm cau có, từ đó luôn loé lên một ánh nhìn làm cho vầng trán thêm sáng rộng hơn, cặp lông mày bớt dữ tợn hơn, và cả khuôn mặt trở nên linh hoạt, đầy sức sống.
Đại văn hào Nga Lev Tolstoy

Những thiên tài luôn khác thường kể cả ở bề ngoài. Thế không có nghĩa là phải kỳ hình dị tướng. Tolstoy cũng vậy. Sinh thời, ông là người khoẻ mạnh cường tráng, không đẹp nhưng cũng không xấu lắm, từng có khi ăn diện đúng theo kiểu cách của những người quý tộc, và cũng nhiều khi xuềnh xoàng giản dị như một lão nông chính cống. Thế nhưng đôi mắt, hay đúng hơn, cái thần của đôi mắt ông đã khiến người ta nhận ra ông không phải là con người bình thường. Ông mang tên của một loài thú dữ (Lev trong tiếng Nga có nghĩa là sư tử). Đôi mắt của ông cũng khiến người ta nghĩ đến những con thú. Nhà văn Nga Ivan Turgenev cho rằng Tolstoy quan sát con người và sự vật "giống như con chim hay con thú". Một nhà văn Nga khác, Ivan Bunin, nói Tolstoy có "đôi mắt chó sói làm mọi người sợ bởi sự kỳ lạ của chúng: chúng không có vẻ tấn công mà thận trọng như mắt của giống thú hoang dã". Người ta còn ví mắt Tolstoy giống như mắt của những loài côn trùng bao gồm hàng trăm ngàn mắt cộng lại và có thể nhìn thấy những gì mà mắt người thường không thể thấy được. Maxim Gorky đã nói đến "ngàn cái nhìn của Tolstoy". Tuy mang vẻ hoang dã, đôi mắt Tolstoy lại tỏa ra ánh sáng của trí tuệ, một trí tuệ minh triết, từng thấu tỏ bao sự vật, từ những cái nhỏ nhoi tinh vi trong cuộc sống đời thường đến những  cái lớn lao, vĩ đại lay chuyển cả lịch sử loài người, và phát hiện ra nhiều mối quan hệ giữa những cái nhỏ nhoi và những cái vĩ đại đó. Có thể nói ánh mắt Tolstoy biểu hiện tâm hồn của một kẻ đã đạt đến đỉnh cao của sự thông tuệ và lại quay trở về vẻ giản dị, hoang sơ.

Đôi mắt Tolstoy ai cũng có thể nhận thấy ngay trong hầu hết những bức chân dung của nhà văn còn lưu lại. Nhưng ngoài ra, Tolstoy còn còn có đôi bàn tay rất đặc biệt mà các họa sĩ và những người thợ chụp ảnh có lẽ đã không chú ý đến. Maxim Gorky, người biết Tolstoy những năm tuổi già, đã viết về đôi bàn tay của văn hào: "Ông có đôi bàn tay kỳ diệu - chúng không đẹp, gồ ghề những đường gân máu lớn, nhưng đầy sức biểu cảm và năng lực sáng tạo. Có lẽ Leonardo da Vinci cũng có đôi bàn tay như thế. Với đôi tay đó người ta có thể làm được bất cứ điều gì". Tolstoy là người có thể thể hiện tình cảm và suy nghĩ bằng đôi bàn tay. Gorky nhớ Tolstoy lúc chơi bài (một thú đam mê của văn hào): "Ông chơi nghiêm túc và hăng hái. Đôi tay ông  trở nên bị kích động khi nhặt những lá bài lên, hệt như ông đang giữ giữa các ngón tay những con chim sống động chứ không phải là những mảnh bìa vô tri vô giác". Còn đôi khi, lúc Tolstoy nói, "ông đụng đậy những ngón tay, dần dần gom lại thành nắm đấm, rồi bỗng nhiên xòe chúng ra, đồng thời thốt ra một câu rất hay và đầy trọng lượng". Người ta hay nhắc đến giai thoại về cuộc tỏ tình và cầu hôn đặc biệt của nhà văn với vợ, bà Sofya Behrs, chính Tolstoy cũng kể về nó qua hai nhân vật Levin và Kitty trong tiểu thuyết "Anna Karenina": Tolstoy đã viết bằng phấn lên tấm thảm trải bàn câu bày tỏ tình cảm rất dài và phức tạp, nhưng mỗi tiếng trong câu chỉ viết mỗi chữ đầu, thế mà Sofya đã đoán được một cách nhanh chóng và chính xác. Mọi người, cũng như chính bản thân Tolstoy đã kinh ngạc, khâm phục trí thông minh và tài đoán chữ của Sofya. Tuy nhiên, cũng có thể nghĩ là Sofya trong trường hợp này không hẳn phải thông minh lắm, sở dĩ  bà đoán được là bởi đôi bàn tay Tolstoy có thể nói được, thể hiện được tình cảm, nhất là những tình cảm yêu thương và đam mê. Đôi tay đầy sức biểu cảm đó là đôi tay có thể làm nên nghệ thuật chân chính, như Chekhov từng nói với Gorky: "Anh có những cảm xúc tuyệt diệu, anh thật tinh tế, nghĩa là khi anh mô tả cái gì, anh thấy và cảm nhận nó bằng đôi bàn tay của mình. Đó là nghệ thuật đích thực".

Lev Nikolayevich Tolstoy sinh ngày 28 tháng 8 năm 1828 tại điền trang Yasnaya Polyana thuộc tỉnh Tula trong một gia đình đại quý tộc Nga. Sớm mất mẹ và cha, nhà văn lớn lên trong sự nuôi dường, chăm sóc của những người họ hàng. Tolstoy đã viết về Thời thơ ấu của mình: "Tôi hoàn toàn không nhớ mẹ tôi. Bà mất khi tôi mới một tuổi rưỡi. Thật tình cờ đến kỳ lạ là không còn giữ lại được một tấm hình nào của bà, thành ra tôi không thể tưởng tượng ra bà như một thể xác hiện hữu. Tôi có phần mừng vui vì điều đó, bởi trong trí tưởng tượng của tôi, bà chỉ là một hình ảnh tinh thần, và tất cả những gì tôi biết về bà đều rất đẹp đẽ, và tôi nghĩ rằng, đó không phải chỉ vì  mọi người khi nói với tôi về mẹ đều cố chỉ nói những điều tốt đẹp, mà thực sự ở bà có rất nhiều điều tốt đẹp. Hơn nữa, không chỉ mẹ tôi, mà tất cả những người xung quanh tôi, từ cha tôi cho đến những anh đánh xe, đều hết sức tốt đẹp trong mắt tôi. Có lẽ, tình cảm yêu thương trong trắng nơi tôi, như ánh sáng, đã giúp tôi nhìn thấy ở mọi người những phẩm chất tốt đẹp nhất của họ. Và việc tất cả mọi con người đó đối với tôi đều hết sức tốt đẹp là một sự thật lớn hơn rất nhiều so với khi tôi chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết nơi họ". Tình yêu trong sáng và niềm tin vào sự tốt đẹp của con người, cũng như niềm hy vọng sẽ tìm được vật kỳ diệu có thể làm cho mọi người hòa thuận và hạnh phúc - một "cây gậy xanh" được chôn bên bờ con suối nhỏ trong khu rừng Stary Zakaz - là những ấn tượng sâu sắc nhất của Tolstoy về tuổi thơ. Những ấn tượng đó đã đi theo nhà văn suốt cuộc đời. Dù đi đâu về đâu, dù trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, dù đạt đến tột đỉnh vinh quang, ông vẫn luôn mong ước quay trở lại với tuổi thơ trong sáng đó.

Việc học tập của Tolstoy được săn sóc rất kỹ lưỡng. Những gia sư người nước ngoài được thuê về để dạy dỗ khi cậu bé Tolstoy còn bé. Lớn chút nữa thì cậu được gửi lên Moskva để học trung học. Ngay từ nhỏ, Tolstoy đã thích suy nghĩ về tính khí của bản thân mình, về thân phận con người, về sự bất diệt của linh hồn, ... và luôn băn khoăn kiếm tìm cho mình một lối sống tốt đẹp.

Từ 1844 đến 1847, Tolstoy học ở Đại học Tổng hợp Kazan, ban đầu theo học ngữ văn Phương Đông, sau chuyển sang học Luật, song bỏ dở cả hai. Mười chín tuổi, Tolstoy nhận phần chia gia tài mẹ cha để lại, trở thành ông chủ điền trang Yasnaya Polyana với hơn 1200 mẫu đất và 330 nông nô. Cuộc sống của người trang chủ trẻ về sau được nhà văn thể hiện trong tác phẩm "Buổi sáng của một trang chủ". Năm 1851, Tolstoy gia nhập quân đội, phục vụ ở vùng Kavkaz. Đó cũng là thời gian ông bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình với  tác phẩm "Thời thơ ấu" (cuốn mở đầu cho bộ ba tiểu thuyết "Thời thơ ấu", "Tuổi niên thiếu", "Tuổi trẻ"). Nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng Chernyshevsky trong bài báo viết về những sáng tác đầu tay của Tolstoy đã chỉ ra hai yếu tố chủ yếu nhất của tài năng trẻ này là "sự hiểu biết sâu sắc những vận động bí ẩn của đời sống tâm lý và sự trong sáng hồn nhiên của tình cảm đạo đức".

Chàng sĩ quan quý tộc Tolstoy đã sống một cuộc sống phóng túng trong quân ngũ (dấu ấn của cuộc sống phóng túng đó còn lưu lại trong "Chiến tranh và hòa bình", "Phục sinh" và một số tác phẩm khác). Tolstoy lúc này, và về sau cũng vậy, luôn là con người ham sống và dễ bị cám dỗ bởi những thú vui của cuộc sống, nhất là khi ông lại sinh trưởng trong môi trường vốn đủ đầy và xa hoa của giới quý tộc. Con người đầy sinh lực, đầy ham mê với cuộc sống và cũng dễ sa ngã đã tìm thấy sự phản ánh của mình trong các tác phẩm tiêu biểu của Tolstoy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong Tolstoy lại thường xuyên tồn tại một con người nữa luôn ý thức được những đúng sai xung quanh mình và trong chính mình, luôn khát khao thoát ly khỏi những ham muốn, những dục vọng tội lỗi nơi trần thế để vươn tới một cuộc sống tinh thần thanh khiết, trong sáng và cao cả. Hai con người đó - một của trần thế một của cao xanh; một ham mê bám lấy đời, một khát khao thoát tục; một sa ngã lầm lạc, một sáng suốt thánh thiện;... - luôn đấu tranh, giằng kéo nhau trong Tolstoy suốt cả cuộc đời, và có lẽ, chính nhờ thế mà ông đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt diệu về con người, tạo nên "phép biện chứng tâm hồn" nổi tiếng.

Tolstoy phục vụ trong quân đội 4 năm. Khi cuộc chiến tranh Nga - Thổ diễn ra (1853-1856), Tolstoy là người chứng kiến và trực tiếp tham gia vào trận chiến bảo vệ thành phố Sevastopol. Điều quan trọng nhất Tolstoy rút ra được từ cuộc chiến tranh này là "sức mạnh tinh thần của nhân dân Nga vĩ đại". Sức mạnh đó được ông mô tả phần nào trong "Những truyện Sevastopol"(1855) và sau này được thể hiện đầy đủ hơn trong bộ tiểu thuyết sử thi "Chiến tranh và hòa bình"(1863-1869).

Năm 1855, Tolstoy giải ngũ. Trong vài năm, mùa hè ông sống ở Yasnaya Polyana, mùa đông khi thì đến Petersburg, khi thì đến Moskva. Đây cũng là dịp Tolstoy tiếp xúc với nhiều nhà hoạt động văn học nổi tiếng thời bấy giờ. Tolstoy thử sức mình ở nhiều thể loại khác nhau, và mọi người đã nhận thấy ở nhà văn trẻ này một thiên tài tương lai. Tolstoy còn có nhiều mối quan tâm ngoài văn chương: ông bận rộn với vấn đề nông nô và việc giải phóng nông nô, ông  quan tâm đến việc giáo dục trẻ em nông dân, mở trường học, biên soạn sách giáo khoa, xuất bản tờ tạp chí giáo dục "Yasnaya Polyana". Tolstoy hai lần ra nước ngoài, đi qua các nước Pháp, Thụy Sĩ, Ý, Đức, Bỉ, Anh, những ấn tượng về các chuyến đi, về châu Âu tư sản tự do chủ yếu là buồn và thất vọng.

Mùa thu năm 1862, Tolstoy kết hôn với Sofya Behrs, đưa bà về sống ở Yasnaya Polyana. Cuộc hôn nhân lúc đầu đã đem lại cho Tolstoy nhiều hạnh phúc. Sofya khi lấy Tolstoy còn rất trẻ (bà kém ông 16 tuổi), nhưng đã rất nhanh chóng thích ứng với vai trò của một người phụ nữ trong gia đình: bà trở thành một người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng con, đảm đang quán xuyến việc quản lý gia đình và tài sản gia đình, và đồng thời còn là người thư ký tận tụy của ông. Bóng dáng của bà phảng phất trong các nhân vật Natasha ("Chiến tranh và hòa bình"), Kitty ("Anna Karenina").

Năm 1863, Tolstoy bắt tay vào viết tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình". Sáu năm lao động cật lực không nghỉ đã mang lại kết quả: một bộ tiểu thuyết sử thi vĩ đại nhất trong lịch sử văn học nước Nga ra đời.

Bốn năm sau khi hoàn thành "Chiến tranh và hòa bình", năm 1873, Tolstoy bắt đầu sáng tác "Anna Karenina". Trong bức thư gửi cho em gái ngày 19 và 20 tháng 3 năm 1873, Sofya viết: "Hôm qua Lyovochka (tên gọi thân mật của Tolstoy - PP) bỗng nhiên bắt đầu viết một tiểu thuyết lấy từ cuộc sống hiện đại. Một câu chuyện về một người đàn bà không chung thủy và tất cả bi kịch bắt nguồn từ đó". Đầu năm 1878, toàn bộ tác phẩm ra mắt bạn đọc và cũng gây tiếng vang không kém "Chiến tranh và hòa hình". Tuy không kỳ vĩ, hoành tráng như "Chiến tranh và hòa bình", song "Anna Karenina" lại có vẻ già dặn hơn, nhất là trong nghệ thuật mô tả, phân tích tâm lý con người.

Hai bộ tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" và "Anna Karenina" đã đem lại cho Tolstoy cả danh tiếng lẫn tiền tài (tác quyền của hai tác phẩm này hàng năm đem lại cho ông và gia đình số tiền rất lớn). Tuy nhiên, từ cuối thập niên 70 - đầu thập niên 80 Tolstoy bắt đầu trải qua cuộc khủng hoảng sâu sắc trong đời sống nội tâm. Năm 1879-1880 ông viết "Tự thú", trong đó nói tỉ mỉ về những thay đổi trong quan niệm sống của mình. Ông cho rằng tầng lớp thượng lưu - giới quý tộc và tư sản - là những kẻ ăn bám, sự tồn tại của tầng lớp này là vô ý nghĩa. Ông ân hận vì cuộc sống phóng túng thời trẻ, vì những tội lỗi của mình, vì cuộc sống xa hoa do bóc lột nông dân mà mình đang hưởng,... Do vậy, ông tuyên bố từ bỏ giai cấp của mình và quyết định sống cuộc sống của một người lao động: "Tôi từ bỏ cuộc sống của giới chúng ta (tức giới quý tộc thượng lưu - PP) vì nhận thấy rằng đó không phải là cuộc sống, mà chỉ là cái gì đó giống như cuộc sống mà thôi, rằng những điều kiện sung túc trong đó chúng ta đang sống đã làm chúng ta mất đi khả năng hiểu được cuộc sống, và rằng để có thể hiểu được cuộc sống, tôi phải hiểu cuộc sống không phải của những ngoại lệ, không phải của chúng ta, những kẻ sống bám vào cuộc sống, mà là cuộc sống của nhân dân lao động, những người làm ra cuộc sống, và hiểu ý nghĩa mà họ đã mang lại cho cuộc sống".

Tolstoy chối bỏ cuộc sống quý tộc của mình, nhưng đồng thời cũng chối bỏ cả những sáng tạo nghệ thuật do chính ông đã tạo nên trước đó, vì theo ông chúng cũng chỉ là những trò giải trí phục vụ cho bọn quý tộc. Mọi người đã lo sợ ông từ bỏ viết văn. Ivan Turgenev trước khi qua đời (năm 1883) đã viết cho Tolstoy những lời trăng trối: "Tôi viết riêng cho Anh để nói với Anh rằng tôi rất vui sướng được làm người cùng thời với Anh, - và để trình bày với Anh lời đề nghị cuối cùng, rất chân thành của tôi. Bạn thân mến ơi, hãy quay về với hoạt động văn học đi!". Bảy năm trời Tolstoy không sáng tác, mà học làm những công việc của nông dân như đóng giày, cày ruộng, gặt lúa; ông học thêm ngoại ngữ, nghiên cứu triết học, tôn giáo,... Thế rồi đến năm 1886, ông lại quay trở về với văn chương với những cảm hứng và ý tưởng mới. Ông viết những tác phẩm "Cái chết của Ivan Ilich" (1886), "Bản xô nát Kreutzer" (1887-1889), "Đức cha Sergius" (1896), "Phục sinh" (1889-1899), "Hadji Murat"(1896-1904) và nhiều tác phẩm khác. Chủ đề của những tác phẩm sáng tác trong hơn hai mươi năm cuối đời của Tolstoy là con người trong sự đối mặt với cái chết, đau khổ sám hối vì những tội lỗi của mình và ước muốn vươn tới sự hoàn thiện đạo đức để có thể phục sinh.

Tolstoy trong những thập niên cuối đời nổi tiếng không chỉ như một nhà văn thiên tài, mà còn như một nhà đạo đức học, một người sáng lập ra một tôn giáo mới với chủ trương không dùng bạo lực chống lại cái ác và tự hoàn thiện bản thân. Có rất nhiều người tin theo chủ thuyết của Tolstoy (trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng như lãnh tụ phong trào giải phóng của Ấn Độ Mahatma Gandhi), song cũng có nhiều người, nhất là những người trong giới văn sĩ, không thích thấy Tolstoy trong vai trò của vị giáo chủ. Dù gì đi nữa, uy tín và ảnh hưởng của Tolstoy những thập niên cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng đã làm cho chính quyền Nga hoàng và Giáo hội chính thống Nga lo ngại.

A. Suvorin, một nhân vật nổi tiếng trong giới báo chí Nga thời bấy giờ đã viết: "Chúng ta có hai Nga hoàng - Nikolai đệ Nhị và Lev Tolstoy. Ai trong số hai người mạnh hơn? Nikolai đệ Nhị không thể làm gì với Tolstoy được, không thể lay chuyển ngai vàng của Tolstoy, trong khi Tolstoy chắc chắn làm lung lay ngai vàng của Nikolai và triều đình của ông ta". Suvorin viết những dòng này vào năm 1901. Năm đó, Tolstoy bị Giáo hội Nga rút phép thông công. Việc này có liên quan tới sự ra đời của tiểu thuyết "Phục sinh" (Tolstoy bán bản quyền tác phẩm này cho nhà xuất bản để lấy tiền giúp những tín đồ của giáo phái Dukhobor - một giáo phái có thái độ chống lại chính quyền, chống chiến tranh, khi họ bị Nga hoàng trục xuất khỏi Nga). Sự kiện này không những không làm giảm sút uy tín của Tolstoy, mà ngược lại, danh tiếng của ông lại càng vang lừng hơn: nhiều nhân vật nổi tiếng của nước Nga, của Tây Âu, của Mỹ muốn đến gặp ông, trò chuyện cùng ông, báo chí thường xuyên viết về ông, người ta vẽ chân dung, chụp ảnh ông, các nhà văn thuộc  nhiều thế hệ và trường phái khác nhau, trong đó có Chekhov và Gorky, tìm đến ông để học hỏi và ngưỡng mộ.

Tuy thế, trong ngôi nhà ở Yasnaya Polyana của ông vẫn đầy không khí bất đồng và xung đột. Bất đồng trong thái độ của người Nga đối với ông: không ai có thể phủ nhận ông như một nghệ sĩ vĩ đại, song triết lý đạo đức của ông thì không phải tất cả đều đồng tình. Bất đồng trong quan hệ vợ chồng, cha con: ông muốn sống một cuộc sống đúng theo khuôn mẫu triết lý mình đưa ra, song con cái của ông không ai theo ông cả; Sofya, người vợ đã từng đem lại cho ông tình yêu và hạnh phúc, cũng càng lúc càng không hiểu ông và bất hòa với ông. Tolstoy khổ sở, xấu hổ vì thấy gia đình và chính bản thân ông sống trong sự sung túc, xa hoa trong khi nhân dân thì đói rách, nghèo khổ. Những ngày tháng cuối đời, Tolstoy luôn bị ám ảnh bởi ý muốn từ bỏ gia đình. 4 giờ sáng ngày 28 tháng 10 năm 1910, ông bí mật rời Yasnaya Polyana để lên tàu ra đi, sau khi để lại cho Sofya bức thư: " ... Chuyến đi của anh sẽ làm em đau khổ. Anh xin lỗi vì điều đó... Anh không thể làm khác được ... Ngoài tất cả những chuyện khác ra, anh không thể sống lâu thêm trong cảnh xa hoa này. Anh đang và sẽ làm những gì mà những ông già ở tuổi anh thường làm: từ bỏ thế giới này để sống những ngày cuối đời trong yên bình và cô đơn...". Trên đường đi, ông bị cảm lạnh và viêm phổi, được đưa vào ga xép Astapovo thuộc tỉnh Ryazan và mất ở đó ngày 7 tháng 11 năm 1910, thọ 82 tuổi.

Cái chết của Tolstoy làm chấn động cả nước Nga, đám tang ông biến thành cuộc diễu hành lớn. Thi hài ông được đưa về chôn cất tại Yasnaya Polyana, trong cánh rừng bên bờ suối, nơi thuở ấu thơ ông đã cùng anh em mình đi tìm "cây gậy xanh" hạnh phúc.

 TRẦN THỊ PHƯƠNG PHƯƠNG
ĐH KHXH&NV TPHCM



Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

DIỄN TRÌNH SINH THÁI TRONG VĂN XUÔI NAM BỘ

Khi con người rời xa thiên nhiên, trái tim họ sẽ trở nên khô cằn
                        (Ngạn ngữ Mĩ) 
PGS.TS Bùi Thanh Truyền

Quan hệ tương hỗ giữa văn học và môi trường đã được nói đến từ lâu.

Tiếp cận văn xuôi Nam Bộ từ góc độ sinh thái là một vấn đề quen mà lạ. Quen, bởi tự nhiên đã song hành với tiến trình kiến tạo con người, xã hội loài người đến nỗi đôi khi ta hồ như không còn ý thức về sự hiện tồn của nó. Lạ, bởi sinh quyển tự nhiên, xã hội với bao phẩm tính, quan hệ phức tạp, trong bối cảnh hiện nay, là mối quan tâm hàng đầu của các ngành khoa học, trong đó có khoa học văn chương, để góp phần giải bài toán về sự phát triển bền vững của nhân loại. Vừa lên án sự tàn nhẫn, vô trách nhiệm của con người đối với sinh thái, cảnh báo nguy cơ sinh thái đối với con người, văn xuôi của vùng đất phương Nam cũng khẩn thiết kêu gọi, cổ vũ chúng ta biết sống vô sự, sống có trách nhiệm với tự nhiên, biết tự điều chỉnh nhận thức, hành xử của bản thân với môi trường để xứng với danh hiệu “Người ta - hoa đất” - một triết lí sống mang đậm tinh thần sinh thái nhân văn của dân tộc. Sự hồi đáp của nghệ thuật ngôn từ trước môi trường là tư tưởng xuyên suốt trong văn xuôi hiện đại Nam Bộ. Việc gắn nối với những vấn đề quan thiết như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sinh hoạt, văn hóa khiến mảng sáng tác này bộc lộ rõ tính thời sự, dân tộc và nhân loại. Điều đó cũng cho thấy sự nhạy cảm, bản lĩnh, cái tâm và trách nhiệm công dân của nhà văn đối với thực trạng xã hội hôm nay trên tinh thần môi trường kêu gọi, văn chương đáp lời.

1. Tinh thần sinh thái - một yếu tính của văn xuôi hiện đại Nam Bộ 

Lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Nam Bộ là lịch sử của sự dịch chuyển trong mối quan hệ giữa con người với môi trường sống: từ vị trí, tâm thế của người phụ thuộc đến chinh phục rồi chan hòa với tự nhiên, môi trường. Đây cũng là sự chuyển dịch hệ hình (paradigm) trong đời sống văn học. Chỉ xét giai đoạn sau 1975, từ những cây bút thuộc thế hệ “chuyển tiếp” (chiến tranh - hòa bình) như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Hoàng Văn Bổn, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Động… sang thế hệ “tiền đổi mới”: Khôi Vũ, Dạ Ngân, Lý Lan, Văn Lê, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn, Bích Ngân, Lưu Thị Lương, Trần Đức Tiến, Trầm Hương,… đến thế hệ “đổi mới” và “hậu đổi mới”: Mai Bửu Minh, Thu Trân, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Trí, Trần Tùng Chinh, Nguyễn Lập Em, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thị Châu Giang, Trần Thu Hằng, Nguyễn Thị Diệp Mai, Vũ Đình Giang, Trương Anh Quốc, Dương Thụy, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Huy Minh Phương, Văn Thành Lê, Nguyễn Thu Phương, Lê Hữu Nam, Nguyễn Trần Thiên Lộc,…; từ những tác giả được xem là “người hiền của văn học Nam Bộ” (Nguyên Ngọc) đến những cây bút chưa qua “tam thập” tất cả đều hòa chung một quan tâm, một trách nhiệm với “cõi trọ” của mình. Trong bối cảnh hiện nay, vùng đất này đang từng ngày đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở đất, đô thị hóa nông thôn,… Đó là những vấn đề bức thiết kéo nhà văn vào cuộc.

Về mặt thể loại, tinh thần sinh thái như một bản hợp xướng nhiều bè, nhiều tông điệu, trong đó nổi trội là tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn. Nếu tiểu thuyết đánh dấu bằng những sáng tác của đội ngũ nhà văn cầm súng như Đoàn Giỏi, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Động… thì truyện ngắn khẳng định sự tiếp nối thế hệ qua cả hai chặng đường trước và sau ngày thống nhất đất nước. Sự xuất hiện của Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Trí, Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt… bên cạnh những tiền bối như Sơn Nam, Trang Thế Hy đã khẳng định dòng chảy sâu bền của văn chương sinh thái. Tản văn Nam Bộ xác lập vị thế chủ yếu từ đầu thiên niên kỉ mới. Với giới viết chuyên nghiệp, đây vẫn được xem là thể loại ẩn chứa nhiều thách thức. Dễ viết (nhưng viết hay thì không dễ), có sự giao thoa giữa văn chương và báo chí, những tri nhận lí tính “người thật việc thật” với rung ngân cảm tính, bó buộc và tự do, thói “bới bèo ra bọ” và chất nghệ sĩ, nét truyền thống và hiện đại trong xuất bản, tương tác với độc giả…, những ưu thế này khiến tản văn có uy lực không hề nhỏ trong việc thể hiện tiếng nói sinh thái, trở thành một viện bảo tàng mini của cuộc sống. Đó là những thỏi nam châm xoáy hút tâm trí người đọc vào những số phận môi sinh cùng với đó là phận số con người.

Đội ngũ sáng tác văn xuôi Nam Bộ là những người đang nhẫn nại góp phần hoàn nguyên những mẩu thiên nhiên tốt lành, giữ sạch môi trường, cả trên phương diện vật chất lẫn tinh thần, kiến dựng một nguyên tắc mới trong tương tác văn hóa giữa con người và không gian sống - một vấn đề cốt lõi, sinh tử trong sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn, khiến mỗi cá nhân không thể vô tâm với môi sinh trong cả suy nghĩ và hành động. Dù tiếp cận tự nhiên, xã hội từ quan điểm nào, người viết cũng đều nỗ lực khám phá mối quan hệ của con người đối với thế giới ngoài con người, thế giới phi nhân (nonhuman world), tập trung vào vị trí của con người và tự nhiên trong một chỉnh thể sinh thái cân đối. Dấu vết của các vấn đề sinh thái là một phương diện chính yếu làm nên sự độc sáng về phong cách, sự vượt trước về tư tưởng nhân văn trong sáng tác, đặc biệt đối với mảng văn xuôi bởi những thế mạnh của thể loại này.

2. Từ “nhân loại trung tâm luận” (anthropocentrism)… 

Chủ nghĩa nhân văn, với quan điểm “nhân loại trung tâm luận” có mầm mống từ trào lưu văn hóa Phục hưng. Ngay khi bước ra khỏi đêm trường trung cổ, từ chỗ Thượng đế trung tâm luận, chúng ta đã chuyển hướng sang Nhân loại trung tâm luận và từ đó mặc nhiên xem vị trí trung tâm của con người như một điều hiển nhiên - một huyền thoại. 

Tác phẩm của những nhà văn Nam Bộ thành danh trước Đổi mới (1986) như Sơn Nam, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Động… đã triển diễn tư tưởng sinh thái chủ yếu qua sự gần gũi giữa con người với tự nhiên, nỗ lực của con người làm cho tự nhiên trở nên thân thiện, hữu ích hơn đối với cuộc sống của mình, ở cách con người không xem tự nhiên như nơi lánh trú để đạt bình yên tự tại mà cùng hoạt động năng động trong môi trường thuộc vùng đất mới. Một biểu hiện quan trọng của nhân loại trung tâm luận trong sáng tác của thế hệ này là hành động cải tạo và chinh phục tự nhiên. Với nhiều truyện ngắn trong tập Hương rừng Cà Mau (Sơn Nam), sông nước, hoang địa trở thành một thách thức của thiên nhiên và một trở ngại nhân tình được lặp đi lặp lại, đó là trở lực trong hành trình đi tới, hành trình mở cõi, cũng là minh chứng cho sự thắng vượt ngoại cảnh của con người. Xuất hiện trước những cây bút đương đại khá lâu, Đoàn Giỏi với Những chuyện lạ về cá, Tê giác giữa ngàn xanh, Rừng đêm xào xạc và cả Đất rừng phương Nam đã cho thấy những quan tâm về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Con người đã xã hội hóa thiên nhiên, biến chúng thành phương tiện sinh lợi của thương mại. Người viết đưa ra những biểu hiện rất cụ thể về việc con người lấy mình làm trung tâm trong mối quan hệ với tự nhiên và trong các hoạt động liên quan đến nó. Trong Rừng đêm xào xạc, ta thấy được mong muốn cải tạo thiên nhiên để phục vụ cuộc sống của con người. Ở Những chuyện lạ về cá, tác giả xem tự nhiên như một đối tượng để khai thác, một vật mẫu cho các nghiên cứu của con người. Nhà văn nhiều lần nhắc đến việc săn bắt cá, từ những loài cá nhỏ đến cá mập, cá sấu. Suy nghĩ của An (Đất rừng phương Nam) sau khi ông Hai hoàn thành việc bắt cá sấu có thể xem như một tuyên ngôn của huyền thoại nhân loại trung tâm luận trong toàn bộ sáng tác của Đoàn Giỏi: “Hỡi thiên nhiên dữ dội và nham hiểm, ngươi hãy coi chừng. Không một sức mạnh nào ẩn chứa trong ngươi mà con người không khuất phục nổi đâu!” Đó là quan điểm thường trực của chủ nghĩa nhân văn sơ khởi: thiên nhiên là đối tượng để con người chinh phục và chiếm lĩnh, để con người thi triển bản lĩnh, sức mạnh, phẩm chất vượt lên hoàn cảnh, nghịch cảnh của mình. Vợ chồng Ba Đô - Sáu Xoa (Cánh đồng hoang - Nguyễn Quang Sáng) giữ gìn “sự sống duy nhất còn sót lại trên cánh đồng”. Không gian truyện hầu như chẳng có gì khác ngoài đồng nước, cỏ dại. Trong cảnh ấy, thiên nhiên và con người có một sợi dây giao cảm, nhiều lúc như hòa làm một. Mùa nước nổi, cánh đồng ngập trong nước, hai vợ chồng sống bằng tôm cá, lợi dụng con nước nuôi giấu bộ đội. Đến mùa khô, họ lại trồng lúa; những cánh đồng cỏ, những bụi lau sậy thành lớp áo ngụy trang đưa bộ đội vào chiến khu. Không gian sống của gia đình này phản ánh sự gian khổ của người Nam Bộ trong kháng chiến, chứng minh sức sống tiềm tàng cùng vẻ đẹp tâm hồn của những người con chân đất anh hùng.

Điểm chung của các sáng tác theo quan điểm triết mĩ “nhân loại trung tâm luận” là tập trung thể hiện thiên nhiên và con người trong mối quan hệ đối kháng và con người cần phải đấu tranh, chinh phục tự nhiên. Con người đã đặt lợi ích bản thân lên trên lợi ích của tự nhiên, sẵn sàng phá vỡ cân bằng sinh thái nguyên sinh để phục vụ cuộc sống của mình. Quá trình nhân loại hóa tự nhiên xây dựng một viễn cảnh tương lai tưởng chừng tốt đẹp khiến con người nghĩ rằng mình đang cải tạo chứ không tàn phá, song bất cứ sự tác động nào đến tự nhiên xuất phát từ quyền lợi một phía của con người, không xét đến tự nhiên đều ảnh hưởng đến sự hài hòa sinh thái vốn có.

3. … đến “sinh thái trung tâm luận” (ecocentrism) 

Gần 60 năm trước, Sơn Nam, qua sáng tác của mình, đã nêu ra quan hệ người với thiên nhiên và quan hệ người với người. Truyện ngắn của ông mở một con đường riêng biệt vào những đề tài chưa được khai phá trong văn học Việt Nam thời hậu thuộc địa: tìm kiếm và tái tạo cội nguồn văn hóa, căn cước dân tộc và đặc sắc ngôn ngữ. Chúng chạm tới những vấn đề nóng của thế giới hậu hiện đại: lưu dân (immigration), lạc địa (displacement), giạt ra rìa (marginalization), đa chủng tộc (multirace), giao lưu văn hóa (acculturation), văn học sinh thái (ecoliterature). Sự vượt trước trong mảng “văn học xanh” (green literature) này, với tác giả, cũng là biểu hiện của tinh thần yêu nước. “Yêu nước là yêu cây cỏ sản vật con người lao động quê xứ mình, nói chung là yêu văn hóa và thổ nhưỡng xứ mình, giữ nước là giữ cái đó”(1). Nhà văn đã sớm nhìn thấy một hậu họa buồn khó tránh khỏi cho quê xứ ông khi mượn lời nhân vật trong truyện Nhứt phá sơn lâm đưa ra cảnh báo: “Duy có hai nghề phá sơn lâm đâm hà bá là dễ làm ăn. Nhưng lưới trời lồng lộng không ai chạy khỏi: phá rừng, chài cá khiến con người phải nghèo mạt”. Lời của cụ Lục chùa Sóc Ven trong Hương rừng Cà Mau như một sự “sám hối”, “phản tỉnh” trước Mẹ - Thiên nhiên: “Mình có lỗi với đất với nước. Đất và nước cho mình tất cả cuộc sống, mà mình lại làm nhiều điều không phải với đất, với nước”.

Với truyện ngắn Trang Thế Hy, sinh thái phân vùng rõ rệt thành khu vực thành thị và đồng quê, ngày qua và hiện tại, tương lai. Thành thị trong các truyện tiêu biểu: Bơ vơ, Thèm thơ, Người bào chế thuốc giảm đau, Tiếng khóc và tiếng hát, Nguồn cảm mới… thường gắn với sự tha hóa, trụy lạc trong khi đồng quê - nông thôn chuyên chở trong nó vẻ đẹp của tình người, tình yêu trong sáng, thủy chung (Con cá không biệt tăm, Giả đò yêu, Trong trắng, Sách và chim, Trời xanh như mắt em…). Tương tự, hiện tại gắn liền với sự sa ngã, đọa lạc trong bối cảnh môi trường bị tàn phá nặng nề, đối nghịch là quá khứ nên thơ khi hệ sinh thái chưa có sự áp đặt của nền văn minh; còn tương lai gắn với những niềm tin không tưởng mang nghĩa chuộc lỗi từ hiện tại. Nhà văn đã xoáy sâu vào bản chất thuận theo tự nhiên, vô sự cùng tạo hóa. Có lẽ vì thế, không chỉ trong sáng tác mà ngay trong đời thực, chủ nhân của câu nói nổi tiếng ngang tàng ngạo nghễ “đi chỗ khác chơi” đã chọn chơi với mảnh vườn yên tĩnh của mình.

Sự chiêm nghiệm về vị trí của con người với thiên nhiên thể hiện cái nhìn sâu sắc hơn, biểu hiện rõ nét suy tư của nhà văn về mối quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái. Lời trăn trối của vợ Tám Mun (Rừng đêm xào xạc - Đoàn Giỏi) đã xác tín điều này: “Gì thì gì, tía con mầy cũng phải gấp gấp trồng lại rừng đi. Chuyện sống chết như chuyện đánh Mĩ đó”. Là “như” chuyện đánh Mĩ - tức dù cho không có cuộc chiến tranh này đi nữa, thì việc mất rừng cũng sẽ mang đến những hậu quả ghê gớm. Đặt việc trồng rừng, khôi phục tự nhiên ngang với việc chiến đấu gìn giữ đất nước và sinh mệnh nhân dân, thông qua nhân vật của mình, Đoàn Giỏi đã một lần nữa khẳng định vai trò chủ chốt của tự nhiên trong sự tồn sinh của con người. Nhân loại chỉ là một mắt xích trong sinh quyển hài hòa. Giữ gìn cân bằng sinh thái cũng là gìn giữ sự sinh tồn của con người và tất cả các hữu thể phi nhân khác. Thông qua các biến cố của cá nhân, dân tộc, nhà văn đã lật đổ quan điểm lấy con người làm trung tâm thế giới, xác lập một cái nhìn tự nhiên trung tâm luận. 

Tập truyện Lên núi thả mây của Lê Văn Thảo tuy không chủ đích đứng trên lập trường sinh thái nhưng ý nghĩa sinh thái hàm ẩn qua mỗi trang văn là một thực tế không thể phủ nhận. 20 truyện ngắn là hơn hai mươi số phận lặng lẽ tồn vong trong những môi trường sống khắc nghiệt. Đằng sau câu chuyện về thiên nhiên là câu chuyện xã hội, ẩn dưới diễn ngôn về môi sinh cỗi cằn là câu chuyện về sự tha hóa nhân tính của con người. Giữa bối cảnh đô thị hóa chóng mặt, gây áp lực lên môi trường sinh thái, trang viết của ông phần nào đã cho thấy góc tối của văn minh cơ giới và sự lâm nguy của thế giới hiện tồn, bộc lộ khao khát quay về với tự nhiên nguyên sơ, với “thời hồng hoang nguyên thủy vạn vật sống giao hòa” (Kể chuyện nghe chơi). Công cuộc thay đổi, kiến tạo nhân sinh quan mới nhằm xây dựng môi trường sinh thái phát triển bền vững vẫn còn trăm bề khó khăn, đó là một thực trạng đáng lo, đáng buồn. Lê Văn Thảo, bằng trách nhiệm và bản lĩnh của mình, đã không bi quan, thất vọng. Nhà văn vẫn luôn khát khao một sự đổi thay, luôn mơ về một nơi mà ở đó con người sống hòa ái, có trách nhiệm với tự nhiên, với chính môi trường sống của mình. Xuất phát từ quan niệm đó, nhiều truyện đã không che giấu nỗ lực quá khứ hóa hiện tại: phục sinh những hạnh phúc bình dị khi con người được sống như một phần tất yếu của tự nhiên, có thể giao tình cùng vạn vật.

Trong đội ngũ nhà văn viết từ cảm hứng sinh thái đầu thế kỉ XXI, Nguyễn Trí là một “ca” đặc biệt bởi không phải ai đi làm đồ tể, phu đào vàng, khai thác trầm hương… cũng sẽ trở thành văn nhân. Chính những trải nghiệm cuộc đời đã cho tác giả một cái nhìn sâu sắc về sinh thái. Bên cạnh cảm quan đô thị, bốn tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương; Đồ tể; Ảo và sợ; Bay cao thì mặc bay cao và tiểu thuyết Thiên đường ảo vọng cũng nổi bật cảm quan về mối quan hệ và ứng xử của con người với tự nhiên. Để tồn tại, con người không thể sống thiếu tự nhiên; nhưng tư duy con người trung tâm đã dẫn chúng ta tới sự thái quá trong ứng xử với tự nhiên, tàn phá cùng kiệt tự nhiên để phục vụ nhu cầu nhiều khi rất ích kỉ của mình. Môtip quả báo, nghiệp báo là một âm hưởng chủ đạo trong những sáng tác về sinh thái của cây bút miền Đông Nam Bộ này. Linh thiêng hóa tự nhiên, đề cao sức mạnh huyền bí của tự nhiên là ẩn dụ của sự giải thiêng tinh thần “nhân loại trung tâm luận”. Nhà văn để cho những kẻ ăn của rừng phát ngôn như một sự tự nhận thức về lẽ công bằng sinh thái - cũng là ý hướng trung tâm hóa tự nhiên: “Rừng linh hiển lắm, không nghe ăn của rừng rưng rưng nước mắt sao?” (Tiền rừng). Chừng nào con người chưa Giã từ vàng, chưa nhận thức Nhãn tiền, Quả báo mà Đổi nghề thì tự nhiên vẫn còn bị tàn phá, hủy diệt và vô hình trung con người đang tự hủy diệt chính mình.

Nếu Nguyễn Trí viết từ cảm hứng chiêm nghiệm của người vì cuộc mưu sinh mà lỡ gây sự với tự nhiên, xử sự chưa đẹp với ngàn thiêng, sông suối thì Nguyễn Ngọc Tư, cả truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết đều ra đời trong cảm thức của đứa con ngày ngày đối diện với nỗi đau của Mẹ - Thiên nhiên. Bằng thiên tính nữ, với một tình yêu gần như là máu thịt, chị đã tái hiện chân thực những đổi thay của môi trường bởi làn sóng di cư chặt cây, phá rừng, lấn biển, để rồi “ước mơ đất của em tôi, của người yêu thiên nhiên đã đau đớn gục xuống”. Một trong những hình ảnh trở đi trở lại trong tập tản văn Đong tấm lòng là cây xanh (Xứ cây, Cúi xuống che chung, Một cách khóc,). Song hành với cây là vườn; chúng không phải thuộc quyền sở hữu của riêng chủ nhân mà họ là đồng sở hữu với cỏ cây, chim chóc. Những khu vườn này không những nuôi sống con người mà còn dạy người ta về đạo lí làm người. Đó là lòng biết ơn tạo hóa, biết khiêm cung khi sống giữa muôn loài và chỉ nhận cho mình những gì mình đáng được nhận. Trọng thị và tôn thờ các giá trị tự nhiên là điểm nhấn của cuốn sách. Tác giả không phủ định hoàn toàn giá trị của nhân loại trong cuộc sống nhưng chị đã bày tỏ một phong cách, thái độ hòa đồng, cầu thị trong ứng xử với vạn vật.

Bên cạnh mảng sáng tác có bề dày truyền thống và đạt nhiều thành tựu về sinh thái nông thôn, những tác phẩm về đề tài đô thị của Dạ Ngân, Lý Lan, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Nhật Ánh, Võ Đắc Danh, Phan Thị Vàng Anh, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thu Phương, Trần Huy Minh Phương,… đã kịp thời cấp báo về hậu quả của lối sống thờ ơ, vô cảm của con người trước thảm họa môi trường, khiến họ trôi dạt, vong thân, trở thành tha nhân cả với chính mình giữa phố thị triền miên kẹt xe, đào đường, cây đổ, nước ngập… Vi rút vô cảm trước môi trường cũng gây hậu quả khôn lường cho con người, không thua gì các bệnh truyền nhiễm, nan y. Phải chung tay phục sinh môi trường, đó là thông điệp mà người viết muốn gởi đến cư dân đô thị nói riêng và độc giả nói chung: “Hãy cứu lấy những khoảng xanh, hãy cứu lấy những thảm cỏ công viên úa tàn vì bị dẫm nát chỉ sau một tuần hội chợ đầy người mua sắm. Hãy cứu lấy những hàng cây cổ thụ bị đốn ngã không thương tiếc để mở đường hay xây dựng chung cư. Đừng đành lòng làm kẻ vô tâm quá đỗi nếu còn xem thiên nhiên là bè bạn” (Những khoảng xanh Sài Gòn - Huỳnh Như Phương).

Chuyển từ quan niệm thế giới tự nhiên được nhìn thấy chủ yếu như là một nguồn tài nguyên cho con người sang cái nhìn về vị trí chủ đạo của tự nhiên đối với đời sống sinh thái trên trái đất, nhà văn đã hoàn thiện con đường giải huyền thoại bằng việc cho thấy những nỗ lực của con người trong việc phục hồi tự nhiên, sửa chữa sai lầm của chủ nghĩa nhân văn kiêu ngạo. Trực diện phản tư về chính tư duy nhân loại trung tâm luận, văn chương của họ không hề che giấu ý hướng xem thiên nhiên như một người bạn trầm tĩnh và minh triết, thiết thân mà lạ lẫm, gọi mời. Ở đó, con người, để khai tâm dưỡng tính, hoàn thiện bản thân phải biết thường xuyên thực hiện “nghi lễ trò chuyện với thiên nhiên”, nhìn vào thiên nhiên để nhận diện chính mình. Từ chỗ nhân loại hóa tự nhiên, con người đã bắt đầu thiên nhiên hóa vị trí của mình: “Đất thảo thơm nên người thảo thơm, cây cỏ thảo thơm” (Vườn cũ - Nguyễn Ngọc Tư).

4. Thông điệp môi trường - thông điệp văn chương 

Văn xuôi mang tinh thần sinh thái ở Nam Bộ là nơi nhà văn gởi gắm ước mơ, khao khát về một thế giới mà con người và vạn vật đều được chung sống hòa thuận trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi. Ở đó, con người có được may mắn lớn nhất là không còn xa lạ với thiên nhiên quanh mình, hòa chung trong một cuộc chuyện trò không bao giờ ngưng nghỉ giữa bản thân và thiên nhiên để có được những niềm vui, hạnh phúc nguyên lành, thánh thiện, bình dị mà đằm sâu, đơn sơ mà bền chặt. Có lẽ vì thế, mô típ về với Mẹ - Thiên nhiên thường xuất hiện trong văn xuôi Nam Bộ. Nhiều nhân vật biết lắng nghe lời thôi thúc, vẫy gọi của tự nhiên để lên đường về với “một vùng xanh an ủi”. Chung tay kiến dựng một môi trường thật đàng hoàng, tử tế để sống thì rất cần; nhưng càng cần hơn là làm sao đặt vào đó những con người biết sống đúng nghĩa đàng hoàng, tử tế.

Tư tưởng chia sẻ môi trường sống giữa các giống, loài trong tự nhiên cũng là tư tưởng cấp tiến trong thế giới hiện nay. Chống lại việc giam hãm, bức tử môi trường (cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa) là một trong những chủ trương và đường lối chủ đạo của văn học sinh thái. Đó là lí do mà những nhà văn phương Nam, từ lớp người hiền ngấm trải nhiều thời cuộc, cảnh ngộ đến các cây bút trẻ thời kinh tế thị trường thường nhận mình là người “bào chế thuốc giảm đau” cho những vết thương thành thị, đồng quê.

Khuynh hướng yêu thiên nhiên, quan tâm đến môi trường, có tinh thần hòa bình, có cách sống vượt ra những chiêu dụ cùng ảnh hưởng của đời sống đô thị hóa, của kinh tế tiêu thụ trong văn xuôi Nam Bộ đã xây dựng và cổ vũ quan niệm thẩm mĩ sinh thái: con người chỉ đẹp khi làm đẹp thiên nhiên. Hòa ái, trân quý tự nhiên, làm đẹp môi trường từ những điều nhỏ nhặt nhất là biểu hiện thành thật của văn hóa, nhân tính. Với người sáng tác, một khi quay mặt, xa cách, đánh mất tự nhiên cũng chính là cầm tù, tha hóa bản thân, chặn đường đến với công chúng của tác phẩm. Trước khi trở thành nhà văn viết về môi trường, phải biết yêu quý nó, sống có trách nhiệm và thiết tha với nó - cũng chính là trung thực, đắm đuối cùng trang viết - cuộc đời mình: “Lãnh đạm với nơi ta ở, xét ra cũng bạc tình khác nào hờ hững với người ta yêu. (…) Đó là sự khác nhau giữa nghệ thuật và cuộc đời và cũng là cái giá phải trả cho một kinh nghiệm sống chung mà không thực lòng gắn bó!” (Ngổn ngang phố xá - Nguyễn Nhật Ánh).

Sinh thái như một cái áo; và người viết, muốn qua lớp áo đó, mục kích thực trạng đất nước, con người, để hiện thực hóa quyền được là mình, quyền được cất lên tiếng nói, nghĩa vụ công dân của mình. Những quan niệm mới mẻ, tích cực như thế đã góp phần làm cho mảng sáng tác này luôn có sức hút từ ý thức trách nhiệm đối với môi trường, với sự bền vững của môi sinh, yêu thương, cứu chuộc song hành với những ân hận, mặc cảm trước thiên nhiên, cây cỏ… Đó là nét đáng trân quý của nhân văn sinh thái. Vang lên từ những trang viết ấy là thức nhận: với con người, đặc biệt là nghệ sĩ, có lẽ “hạnh phúc nhất là được chơi với thiên nhiên. Lẽ dĩ nhiên là phải ráng chơi làm sao cho coi được” (Người thì chơi với ai? - Trần Nhã Thụy).

Tôn trọng lối sống cộng sinh giữa con người và môi trường, khẩn thiết rung hồi chuông cảnh báo con người về những nguy cơ tha hóa sinh thái nhãn tiền và mai hậu, đó là một thái độ đầy tính xây dựng mà các nhà văn Nam Bộ hôm qua và hôm nay đang chung tay kiến tạo. Đó cũng là nền tảng của giá trị vừa bền vững vừa đậm tính thời sự của văn học, khẳng định tầm vóc văn hóa - tư tưởng của tác phẩm, của nhà văn.

BÙI THANH TRUYỀN
Nguồn: Sông Hương

___________________
(1) Lý Lan, Bày tỏ tình yêu, Nxb. Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 2009, trang 55.




Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

NHÀ THƠ PHAN HOÀNG: BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ - BƯỚC CHÂN MỞ CÕI

Trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng vừa được Ủy ban nhân dân TPHCM trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm lần thứ II (2012-2017)…
Nhà thơ Phan Hoàng ở Phú Yên

Nhà thơ Phan Hoàng khởi đầu viết trường ca Bước gió truyền kỳ(*) từ 15 năm trước, anh trích một số đoạn tham dự cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội 2003 - 2004 và đoạt giải thưởng. Từ bấy đến nay anh tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung đến đầu năm 2016 mới xuất bản, đủ thấy anh rất cẩn trọng trong lao động thơ.

Cảm hứng mở cõi giữ biên cương xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Phàm là con dân đất Việt dù chính kiến khác nhau nhưng mỗi lần nhắc đến công cuộc mở cõi giữ biên cương thì cảm hứng ấy luôn cháy bỏng và thiêng liêng; trường ca của Phan Hoàng nhập vào tâm thế ấy, đó là lợi thế đầu tiên.

Trên tấm lưng cong của dải đất hình chữ S, mỗi dốc đèo, mỗi bờ vịnh, mỏm đá, ngọn cỏ, gốc cây… đều ghi dấu máu xương mở cõi; chia ly và đoàn tụ; tang thương và lẫm liệt… Phan Hoàng được sinh ra trên vùng đất như thế, vùng đất có tên là Tuy Hòa, Phú Yên. Mới nhắc đến mấy chữ ấy lòng đã thấy rưng rưng bởi đó là khát vọng cháy bỏng của bao thế hệ tiền nhân. Nhìn lại quá khứ chưa xa, vùng đất này đã mấy khi được Hòa bình mà có “Phú” có “Yên”? Trông vào đâu anh cũng thấy âm vang quá khứ hiện về:

lồng lộng Đá Bia
oai linh tinh hoa trời đất
hào hiệp sông Ba
thiêng liêng dòng sữa sinh thành.

Những địa danh rất ấn tượng, đó là hiện hữu hiện tại, nhưng nhiều nhất là những hình nhân lạ lùng:

Đêm đêm bỗng nghe rừng xanh thành cổ
bước ai trong gió lặng trôi bềnh bồng…

Người lên đầu non, người xuôi cuối bể
xác hoá mây bay, hồn về đất mẹ…

Trên đất nước ta có lẽ không nơi nào có nhiều gió bão như tấm lưng cong của dải đất miền Trung, “Ơi cái gió Tuy Hòa/ Gió chuyên cần và phóng túng” (Trần Mai Ninh), Phan Hoàng đặt ra những câu hỏi với sinh thể gió:

Bay đường nào con người bớt khổ đau?
Bay đường nào con người bớt nghèo đói?
Bay đường nào con người bớt phản trắc?
Bay đường nào con người tin được nhau?

Trong trường ca này, điểm xuyết đó đây, Phan Hoàng vẫn nêu ra những vấn đề bức xúc về nhân tình thế thái để ta cùng suy ngẫm. Và câu trả lời:

Bay đến vùng trời thi ca âm nhạc đang cứu rỗi những nòng súng

Rất bất ngờ với ý nghĩa nhân văn. Trường ca với chủ đề mở cõi giữ biên cương nhưng rất hiếm thấy cảnh trận mạc voi gầm ngựa hí, chiêng trống thúc quân, đầu rơi máu chảy mà từng câu thơ đều thể hiện: vừa hào sảng sử thi vừa chia sẻ nỗi niềm.

Gió hóa thân các chàng trai vạm vỡ lưu dân
gánh trên vai ánh mắt kỳ vọng của người già
giấu kín trong tim mùi hương vợ trẻ tiếng khóc con thơ

Tả chân dung những người đi chinh chiến, tác giả không tả hành trang của họ gồm súng hỏa mai hay gươm giáo khiên mộc mà là tình thương nỗi nhớ. Chính hành trang vô hình này mới là cái gốc của ý chí kiên cường mạnh hơn nhiều lần súng gươm.

Hào sảng sử thi và chia sẻ nỗi niềm, hai yếu tố này đan xen nhau suốt chiều dài của trường ca. Từng đọc nhiều bản trường ca chung đề tài này, tôi thấy phần lớn tác giả hay say mê tập trung vào yếu tố thứ nhất. Ở Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng có ý thức làm khác đi. Đây là nét mới của trường ca, độc giả dễ dàng tiếp nhận và ghi nhận sự đóng góp của anh.

Gió vẫn miệt mài cõng hương qua núi đồi một thời trận mạc
gió nói gì với những chiếc bóng lang thang chưa yên nghỉ mộ phần?
Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng

Trường ca không dẫn dắt theo lộ trình mở cõi mà từng bước hiển hiện thấp thoáng trong ý tứ câu thơ. Ta biết dấu chân mở cõi tới đâu, thời gian địa điểm nào rồi và cuộc hội ngộ giữa người dân bản địa và người viễn xứ mới đến sinh động và tình cảm làm sao. Âu đó cũng là cái duyên tiền định để hình thành cộng đồng dân cư trên hình hài chữ S. Và trên vùng đất hoang sơ ấy bắt đầu hình thành những dấu ấn văn hóa:

tạc nên tượng đài nhân hậu và quả cảm
tạc nên tượng đài phồn thực và hào phóng

Nhưng cuộc sống đâu đã yên định mà còn biết bao công cuộc bình định khác:

Cảm thương cô bé lọ lem
Bơi trong gió chướng giặc đêm cướp ngày

Gợi cảm thương mà hiển hiện nỗi gian truân của lịch sử, mới đọc qua tưởng dễ nhưng có lẽ tác giả phải chọn lựa và lao động nghệ thuật không hề đơn giản. Rõ hơn về việc giữ vững biên cương:

Biên giới bất thường chuyển núi động rừng
Bao linh hồn trẻ hóa gió hiên ngang

Là hiện tại nhưng vẫn không thiếu hình bóng quá khứ, linh hồn những người lính trẻ vẫn hiện về trên phòng tuyến giữ nước. Một đặc điểm nữa của thơ Phan Hoàng, là anh hay sử dụng bút pháp điểm xuyết chấm phá:

Núi thức mùi hương dặm xưa trinh nữ
Núi dậy hơi men chiến tướng khóc quân.

Đến chi tiết cảm động của người lính chiến:

Vội vội vàng vàng tiếng thở đêm tân hôn

Và những người ở hậu phương:

Bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con
Bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng.

Nghệ thuật điểm xuyết chấm phá trong hội họa thường chỉ gợi mà ít tả thực, thơ cũng vậy, nó tạo những khoảng trống để người thưởng ngoạn liên tưởng và như thế không gian thời gian nghệ thuật mở rộng mênh mang. Nói thiếu mà nói được nhiều hơn là nói đủ. Nhưng khi cần thiết, Phan Hoàng lại rất cụ thể, có thể nói trong trường hợp sau đây thì ít ai cụ thể được như anh:

Chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm

Chắc là anh phải mở Lịch sử Việt Nam lật từng trang và thống kê chi tiết, chính xác mới có con số cụ thể ấy. Ôi trên trái đất này chắc không có nơi nào chịu nhiều cuộc ngoại xâm như nước ta. Một cách làm nghệ thuật tâm huyết và trách nhiệm. Ở chương cuối: “Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại”, mở đầu:

Đất nước bước đi bằng mọi con đường
Dân tộc lớn lên từ bao thảm kịch

Là một đúc kết sắc bén và cảm động thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của người viết rất chân thành và tâm huyết.

Bước gió truyền kỳ, trường ca gồm 3 chương chính và 2 chương phụ: mở đầu và vĩ thanh, độ dài vừa phải nhưng mỗi ý tưởng, câu chữ hình ảnh, hình tượng… đều được anh nghiền ngẫm thấu đáo, lao động nghệ thuật công phu.

Lại nhớ tập thơ của Phan Hoàng xuất bản 4 năm trước có tên Chất vấn thói quen (được Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh), càng thấy rõ sự nhất quán trong quan điểm nghệ thuật của anh: dứt bỏ thói quen cũ, đổi mới thi pháp thơ. Là trường ca ôm trùm vấn đề rộng lớn nhưng anh không sa đà vào kể và tả mà coi trọng nghĩ và cảm; mỗi phần hay toàn cục, anh không kết thúc đóng mà kết thúc mở. Đó là những yếu tố chủ yếu của thi pháp mới. Phan Hoàng bắt nhịp với sự chuyển đổi ấy một cách thanh thoát và hiệu quả.

Trường ca thường có nhân vật, nhưng Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng không mượn một, hai nhân vật lịch sử cụ thể nào mà anh lấy sinh thể gió, vừa hiện hữu vừa mơ hồ; vừa hiu hiu vừa bão táp; vừa quá khứ vừa hiện tại làm “nhân vật” chính là một sáng tạo độc đáo, mới mẻ.

NGUYỄN VŨ TIỀM
Nguồn: ĐNCT

_____________
(*) Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng, NXB Hội Nhà văn 2016.



Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

VỀ MỘT CÂY BÚT TIỂU THUYẾT MỚI PHÁT HIỆN Ở NAM BỘ: NGỌC SƠN

Trong quá trình tham gia đề tài Khảo sát, đánh giá, bảo tồn văn học quốc ngữ Nam Bộ 1930-1945 của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã sưu tầm được 5 cuốn tiểu thuyết và 1 cuốn tiểu thuyết dịch của tác giả Ngọc Sơn được xuất bản từ 1928 đến 1933 ở Nam Bộ (1).

Bởi việc tìm thêm tư liệu về một tác giả không chỉ để phục hưng diện mạo từ đó có sự đánh giá khách quan, toàn diện hơn những giá trị và đóng góp của văn học quốc ngữ Nam Bộ giai đoạn này đối với nền văn học hiện đại Việt Nam mà còn chứng minh một điều: văn học quốc ngữ Nam Bộ không chỉ có hàng chục tác giả mà có thể có hàng trăm tác giả. Trên hành trình đó, từ những tư liệu mới có về tiểu thuyết của Ngọc Sơn, chúng tôi bước đầu nhận diện và đánh giá một vài đặc điểm tiểu thuyết của ông.
1. Về tiểu sử và hành trạng của nhà văn Ngọc Sơn, cho đến nay chúng tôi chưa có thông tin gì xác thực, chỉ biết ông dịch thuật và sáng tác trong khoảng cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ XX cùng thời với Trần Quang Nghiệp (1907-1983), Sơn Vương (1909-1985)… Căn cứ vào sự ra đời của những tác phẩm dịch thuật (1928) và tiểu thuyết đầu tiên May nhờ rủi chịu (1932) thì có thể tạm tin rằng ông cùng trang lứa với hai cây bút truyện ngắn có tiếng kể trên.

Ngọc Sơn sáng tác không nhiều (có thể đến nay với tư liệu chúng tôi tạm biết như vậy), trong khoảng 2 năm (1932-1933) với 6 cuốn tiểu thuyết độ dày từ khoảng 76 đến 144 trang in khổ sách 12x16 với mỗi trang khoảng trên dưới 200 chữ. Sau đó không thấy ông xuất hiện trên văn đàn trở lại và cho đến nay vẫn chưa có thêm thông tin về nhà văn này. Về sự ngừng bút/biến mất của bút danh/tác giả Ngọc Sơn trên văn đàn thời bấy giờ, có thể tạm đoán là do nguyên nhân khách quan nào đó làm cho nhà văn ngừng bút chứ không phải bản thân văn chương khiến ông không sáng tác nữa. Thêm nữa, đó còn là tính cách của người Nam Bộ, sống văn chương hơn là làm văn học nên họ không xem sáng tác văn học là nghiệp (trừ trường hợp Hồ Biểu Chánh), một khi muốn là họ có thể ngừng bút “ngay tắp lự”. Đó là điều đáng tiếc đối với công chúng nói riêng và nền văn học quốc ngữ nói chung.

2. Về tiểu thuyết của Ngọc Sơn: Bản thân nhà văn khi sáng tác đều định danh những tác phẩm của mình là “tiểu thuyết” và ông thêm những danh từ vào trước nó để định danh cụ thể hơn, chẳng hạn May nhờ rủi chịuông ghi là “gia đình tiểu thuyết”, Khác máu tanh lòng là “thế tình tiểu thuyết”, còn các tác phẩm Sẽ về ai?, Nhà giàu kén rể, Gả hay bán?, ông đều ghi là “thế sự tiểu thuyết”. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, chủ đề xuyên suốt trong tiểu thuyết của Ngọc Sơn là ái tình và hôn nhân. Đây cũng là chủ đề “yêu thích” của các nhà văn Nam Bộ thời kỳ này (như Sơn Vương, Cẩm Tâm, Đạm Phương…). Ngay trong 3 tác phẩm mà ông đề là “thế sự tiểu thuyết” thì cái cốt lõi, sợi chỉ xuyên suốt giữa chúng là vấn đề tình yêu đôi lứa, hôn nhân tự do không theo sắp đặt và hạnh phúc cá nhân. Có thể nói, trong buổi giao thời nhộm nhoạm, đây là những vấn đề “thời thượng” được đông đảo lớp thanh niên tân thời ưa chuộng. Chính vì vậy, Ngọc Sơn cũng như nhiều nhà văn đương thời, muốn thu hút được độc giả phải hướng đến “loại” độc giả này.

Trong tiểu thuyết Ngọc Sơn, hình ảnh người phụ nữ, những cô thiếu nữ tân thời hiện lên rất rõ nét và khá sinh động. Ở mỗi tác phẩm, Ngọc Sơn đều xây dựng được một kiểu nhân vật, chân dung người phụ nữ với những khía cạnh khác nhau. Khi thì là một cô Kim Hoa vừa có nhan sắc, “văn võ song toàn” lại vừa có chí khí và lòng hào hiệp trong Nhà giàu kén rể, khi là cô Đào Phi Yến vừa xinh đẹp lại vừa thông minh khôn khéo trong Gả hay bán? Khi lại là Hạnh Hoa vừa chung tình lại vừa hiếu thuận trong Khác máu tanh lòng, hay cô Cúc trọng nghĩa, nặng tình trong Sẽ về ai?... Tất cả họ đều là những người phụ nữ có nhan sắc, có đức hạnh, mỗi người ở một hoàn cảnh khác nhau, gặp những trở ngại, những éo le trên đường đời cũng khác nhau nhưng cuối cùng đều tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Hạnh Hoa trong Khác máu tanh lòng, dù bị mẹ kế đẩy đến con đường phải tha phương cầu thực, tần tảo nuôi chồng ăn học cuối cùng cũng được đền đáp khi chồng đỗ Trạng nguyên. Hay Đào Phi Yến trong Gả hay bán?, bị cha mẹ vì tham tiền mà ép gả cho người này đến người khác nhưng bằng sự thông minh và khôn khéo, cuối truyện cô cũng được kết hôn với người mình yêu là Văn Quan... Những kiểu nhân vật như thế này ta còn gặp trong tác phẩm của các nhà văn Nam Bộ khác như Hoàng Minh Tự (Lận lận vì tình, Ông tơ cắc cớ), Đạm Phương nữ sử (Chung Kỳ Vinh), Huỳnh Thị Bảo Hòa (Tây phương mỹ nhơn), Nguyễn Bửu Mộc (Cô giáo Yến Hoa lụy vì tình), Trần Quang Nghiệp (Giọt lệ hồng nhan, Lửa tình)...

Ngọc Sơn sáng tác trong lúc phong trào nữ quyền đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu ở Nam Bộ nên trong tiểu thuyết của ông, hình ảnh những người phụ nữ thời đại mới đấu tranh cho sự tiến bộ của phụ nữ cũng được tập trung khắc họa. Trong tiểu thuyết Sẽ về ai?, nhân vật chính cô Cúc - một cô gái tân thời, có học thức và có tư tưởng “nam nữ bình quyền” vì quá ngây thơ tin vào tên “ngụy quân tử” Triệu Minh nên bị thất thân phải nhảy cầu tự vẫn. Sau này, cô đã tìm được hạnh phúc cho mình ở tình yêu cao thượng của vị tiến sĩ y khoa Nhựt Quang. Hay trong May nhờ rủi chịu, các nhân vật dường như chỉ xoay quanh và làm “nền” cho nhân vật chính là cô Kim Hoa. Ở đoạn cuối của truyện, cô Kim Hoa là người đứng ra chủ trì cho hai người đàn ông mà mình cùng yêu: một người là chồng hứa hôn bị lạc mới về và một là người chồng hiện tại đã có với cô một đứa con (điều đặc biệt là 2 người là anh em thất lạc nhau từ hồi bé nay cũng mới nhận ra nhau) bắt thăm may rủi xem ai sẽ được là chồng cô. Cuối cùng người hứa hôn từ ngày trước - người anh - bắt được chiếc thăm may mắn còn người chồng - người em - đành ngậm ngùi gọi người trước là vợ mình nay bằng chị dâu. Có thể nói, dù ở hoàn cảnh nào, những người phụ nữ trong tác phẩm của ông đều tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Đây là mặt mạnh nhưng cũng là điểm yếu về kết cấu tác phẩm của Ngọc Sơn. Chính vì dù thế nào nhân vật chính trong tác phẩm cũng phải đến được cái đích của nhà văn đã đặt ra nên ở một số tiểu thuyết, kết thúc truyện thường thiếu sức thuyết phục, không theo diễn biến tâm lí của nhân vật hay nói cách khác, đây là những kết thúc được nhà văn “tô hồng” (như trong các tiểu thuyết Sẽ về ai?, May nhờ rủi chịu).

Khảo sát tiểu thuyết của Ngọc Sơn, chúng tôi nhận thấy, nhà văn đều kể chuyện ở ngôi thứ 3 số ít - người kể chuyện “biết tuốt”. Với cách trần thuật này, do Ngọc Sơn còn khá non tay trong cách xử lí câu chuyện nên “lời văn trung tính nặng về thông tin, câu văn nhạt nhẽo, thiếu sinh khí”(2). Tuy nhiên, trong tiểu thuyết May nhờ rủi chịu, Ngọc Sơn đã tỏ ra chịu khó tìm tòi và đổi mới thể hiện ở cách vào đề, dẫn dắt truyện. Câu chuyện trên trang giấy được bắt đầu từ đoạn cuối của câu chuyện ngoài đời khi Kim Hoa đang bế con gặp lại Kim Chung là người đã hứa hôn từ ngày xưa sau bao năm thất tin trở về, sau đó tác giả tìm về quá khứ để truy nguyên ra vì sao có cuộc gặp gỡ bất ngờ gây bối rối cho cả hai nhân vật chính trong truyện rồi trở lại hiện tại trong cuộc gặp gỡ tay ba giữa Kim Chung - Kim Hoa - chồng cô là Kim Hoàn (cũng là người em thất lạc của Kim Chung). Dẫu vậy, những tìm tòi này chưa thật sự nhuần nhuyễn và được nhà văn ý thức một cách rõ rệt vì đây là tác phẩm duy nhất của ông viết theo kiểu này. Đây cũng là một hạn chế chung của nhiều nhà văn quốc ngữ Nam Bộ thời kỳ này như Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương, Hoàng Minh Tự... và cả Hồ Biểu Chánh. Phần lớn câu chuyện được kể theo dòng thời gian một chiều truyền thống. Kết thúc câu chuyện theo kiểu “happy end” (kết thúc vui vẻ) với bố cục hội ngộ - lưu lạc - đoàn viên của truyện thơ Nôm trung đại. Motif này hiện lên rất rõ nét và trở đi trở lại trong hầu hết các tác phẩm của Ngọc Sơn.

Sở dĩ có điều này là do những hạn chế có tính lịch sử. Những tác giả trước Ngọc Sơn như Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt và cả Hồ Biểu Chánh, dù là trí thức tân học, nhưng vì “nhận thấy muốn viết Việt văn thì cần phải biết chữ Hán, bởi lẽ biết chữ Hán mới có đủ chữ mà dùng và dùng cho khỏi sai nghĩa” (3) nên họ học chữ Hán rồi dùng vốn chữ Hán này để dịch truyện Tàu và tập sáng tác tiểu thuyết theo mô hình tiểu thuyết chương hồi Minh - Thanh. Mặt khác, những nhà văn này cũng nhận thức rõ thị hiếu của người đọc Nam Bộ lúc đó vẫn còn ưa chuộng truyện thơ viết bằng văn vần hoặc văn biền ngẫu, vẫn còn thích đọc những gì gần gũi với mình nên họ phải chấp nhận sáng tác theo lối truyện thơ trung đại theo kiểu Truyện Kiều và nhất là Lục Vân Tiên... Hơn nữa, tấm gương trước đó là Thầy Larazô Phiền của Nguyễn Trọng Quản được viết theo thi pháp tiểu thuyết phương Tây đã không được độc giả tiếp nhận nên các cây bút đều tránh viết theo hướng này.

Tác giả sử dụng nhiều từ ngữ và nhất là khẩu ngữ Nam Bộ. Nhiều đoạn tỏ ra có duyên và khá thú vị, ít nhiều tạo nên bản sắc riêng cho tác giả. Tuy vậy, nhiều khi tác giả quá lạm dụng cũng gây nặng nề, và những câu văn thô vụng, tối nghĩa hay từ Hán Việt và câu văn biền ngẫu còn xuất hiện dày đặc trong các tác phẩm của Ngọc Sơn. Chẳng hạn như: “Than ôi! Nhà nước đang cơn thạnh trị, muôn dân hưởng phước thái bình, bỗng đâu trời già bày trò oan nghiệt: làm cho Đông, Tây, Nam, Bắc giao phong, ngọn thủy triều dâng cao mấy thước! (…) Chồng xa vợ, cha lìa con, anh xa em, bậu xa bạn, kẻ bơ vơ nơi góc biển, người lưu lạc chốn đầu non. Cơm không có ăn, áo không có mặc, nhà không có ở, màn là Trời, chiếu là Đất. Ôi! Tình cảnh ấy, ai trông vào mà chẳng thảm mục thương tâm?”…

Một điểm đáng lưu ý nữa là, Ngọc Sơn viết tác phẩm khá nhanh và gần như được xuất bản ngay như May nhờ rủi chịu viết tại Cần Thơ ngày 14/8/1932 và xuất bản cũng năm đó hay tác phẩm Khác máu tanh lòng viết xong ngày 2/9/1932 thì cũng năm đó đã có trên các kệ sách. Sự nhanh chóng này nhiều khi dẫn đến dễ dãi, thiếu chiều sâu trong tác phẩm. Ở những nhà văn đương thời như Hoàng Minh Tự, Trương Quang Tiền, Sơn Vương, Trần Quang Nghiệp, Cẩm Tâm, Nam Đình Nguyễn Thế Phương... chúng ta thấy trong một năm họ có thể xuất bản hàng chục truyện ngắn hoặc tiểu thuyết (4).

Có thể nói, tiểu thuyết Ngọc Sơn đã góp phần làm đa dạng và tô đậm bức tranh của tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ những thập niên đầu thế kỷ XX. Ông cũng góp phần tái hiện và xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam vừa có trí tuệ vừa giàu lòng nhân ái và đức hi sinh từ bao đời nay. Nhận diện lại ông cũng là góp phần nhận diện lại tiểu thuyết quốc ngữ nói riêng và nền văn học quốc ngữ Nam Bộ nói chung trong lịch sử văn học cận đại Việt Nam.

TRẦN VĂN TRỌNG
Nguồn: VNQĐ

_____________________________

(1) Các tác phẩm đã xuất bản: Thùng thơ bí mật (bút danh Phi Long, dịch, 1928), Thần tự do (dịch cùng Đoàn Hiệt, 1928 - chưa tìm được), Gương ái quốc (dịch cùng Đoàn Hiệt, 1928 - chưa tìm được), May nhờ rủi chịu (1932), Khác máu tanh lòng (1932), Gả hay bán? (1933), Nhà giàu kén rể (1933), Sẽ về ai? (1933), Duyên nợ Yo Yo (1933 - chưa tìm được).
(2) Hoàng Ngọc Hiến, 5 bài giảng về thể loại, Nxb. Giáo dục, H, 1999, tr. 63.
(3) Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 25-26.
(4) Xem thêm Thư mục tiểu thuyết và đoản thiên tiểu thuyết trong sách Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do Nguyễn Kim Anh chủ biên, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2004, tr. 943-977.


BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...