Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

PHƯƠNG TRÀ VÀ “TRÁI NGỌT” VĂN CHƯƠNG

Mấy năm nay, thỉnh thoảng tôi lại nghe Phương Trà đoạt giải văn chương, báo chí. Nóng hôi hổi là giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” do Báo Người Lao Động tổ chức năm 2018-2019, với tác phẩm Dưới ánh sáng thiên đường. Lễ trao giải vừa diễn ra vào cuối tháng 7 rồi tại TP Hồ Chí Minh.
Nhà văn Phương Trà

Lao động chữ

Thực sự, tôi không quá bất ngờ khi Phương Trà đoạt giải, bởi chị là một cây bút đã khẳng định năng lực ở nhiều thể loại: bút ký, phóng sự, tạp văn, truyện ngắn… Vậy, ứng với “đầu đề” cuộc thi trên, Phương Trà viết gì trong truyện ngắn được giải nhất?

Truyện ngắn Dưới ánh sáng thiên đường khắc họa hình ảnh người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, đã chạy đua với thời gian để hồi sinh những trái tim đang suy kiệt. Sử dụng khéo léo một số từ ngữ chuyên môn, dồn nén thời gian trong không gian nhỏ hẹp của phòng cấp cứu, tác phẩm đánh thức sự đồng cảm với những người thầy thuốc giàu đức hy sinh.

Cuốn hút theo nhịp điệu câu chuyện căng thẳng cứu người của một bác sĩ, cuối cùng người đọc nhận ra những phù hoa hào nhoáng trong đời sống, những danh vọng và sự nổi tiếng mà nhiều người sục sôi tìm kiếm thật ra nhỏ bé và tầm thường biết bao…

Chợt nhớ, Phương Trà đang là phóng viên Báo Phú Yên phụ trách lĩnh vực y tế. Hèn chi, tác giả sử dụng thuật ngữ y khoa, mô tả công việc nghề y rất trôi. Thế nhưng, hai chuyện viết báo và viết văn… khác đấy.

Nhà văn Trần Nhã Thụy (NXB Hội Nhà văn, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi) nhận xét: “Truyện ngắn Dưới ánh sáng thiên đường viết về một công việc lao động vừa cao cấp vừa rất đặc thù: can thiệp mạch vành. Những thao tác trong phòng cấp cứu được mô tả lại như những thước phim tư liệu sống động. Dường như chưa thấy một truyện ngắn nào viết kỹ lưỡng về nghề y như thế. Vừa kỹ lưỡng, vừa đầy cảm xúc thăng hoa...”.

Trong Dưới ánh sáng thiên đường, trái tim của vị bác sĩ thấu cảm nỗi tuyệt vọng của những trái tim đang hấp hối. “Từ ô cửa lớn hơn bàn tay, anh dõi vào những đám mây sáng đến chói mắt và tự hỏi sau khi tiếng chuông sự sống gióng lên hồi cuối cùng, những người bị nhồi máu cơ tim cấp phải chăng đã cảm nhận thứ ánh sáng tương tự như thế này khi trái tim dần lịm đi vì thiếu máu tưới rồi vĩnh viễn ngừng đập. Họ sẽ cảm nhận thứ ánh sáng của thiên đường hay ý thức sẽ vùng vẫy trong tuyệt vọng khi những cơn đau thắt ngực xé toạc và bóp nát từng hơi thở yếu ớt”. Và anh “tìm mọi cách hồi sinh chúng, mặc cho những đe dọa ngấm ngầm từ tia X, mặc cho ngoài kia người ta toan tính, tranh đua”. Vì bao trái tim khác, vị bác sĩ làm việc quên giờ giấc, quên bản thân mình…

Ý thức nghiệp văn

Phương Trà tâm sự: “Sau một thời gian trở lại với lĩnh vực y tế, tôi nghĩ mình nên có một tập truyện ngắn về y khoa, về những người làm công việc hết sức đặc thù, với nhiều đòi hỏi khắt khe về lao động trí óc lẫn chân tay. Đó là công việc đầy áp lực, khắc nghiệt, nguy hiểm. Và tôi bắt đầu viết, bằng cảm nhận của mình sau nhiều lần tác nghiệp ở những nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện, chứng kiến những người thầy thuốc chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Nhân vật trong Dưới ánh sáng thiên đường tất nhiên là hư cấu, song toàn bộ chất liệu đều từ cuộc sống. Chính những người thầy thuốc say mê, tận tụy với công việc đã truyền cảm hứng cho tôi viết truyện này cũng như truyện Máu hiếm hay Chỗ nghẽn trong tim trước đó”.

Theo Phương Trà, viết văn rất nhọc nhằn. Nhờ làm báo, chị đi nhiều, gặp nhiều nên có chút ít “vốn liếng” để viết văn. Nhưng cũng vì ngày ngày tháng tháng “cày” báo nên mỗi khi viết văn, chị phải cố để không “mắc bệnh nghề nghiệp”, để truyện không… thấm đẫm tính báo chí.

Khi tôi hỏi về “kinh nghiệm đoạt nhiều giải”, Phương Trà bộc bạch: “Tôi chẳng có kinh nghiệm gì, cũng không phải là người “săn” giải thưởng. Tôi viết bằng cảm xúc, từ sự thôi thúc bên trong, và thấy phù hợp với tiêu chí cuộc thi thì gửi. Đoạt giải nhất Cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” là niềm vui lớn và quá bất ngờ đối với tôi. Điều hạnh phúc nhất là truyện ngắn mà tôi viết bằng tấm lòng, tâm huyết đã được các nhà văn thành viên Ban Giám khảo đồng cảm và được bạn đọc đón nhận”.

Phương Trà tâm đắc lời một nhà văn tại lễ trao giải trên: “Giải thưởng (văn chương) dù lớn dù nhỏ, dù giải nhất hay khuyến khích, cũng đều mang chung một ý nghĩa: Khuyến khích. Tức khích lệ, động viên, đồng hành cùng người viết trên con đường chữ nghĩa ngàn dặm nhọc nhằn. Giải to không kiêu. Giải nhỏ không buồn. Không giải nhẹ nhàng. Đó mới thực sự là nhà văn”.

ĐÀO ĐỨC TUẤN
Nguồn: PYO

__________________________________

Phương Trà tên đầy đủ là Trịnh Thị Phương Trà, sinh năm 1976, quê xã An Định, huyện Tuy An, là phóng viên Báo Phú Yên, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Tác phẩm đã xuất bản: Nơi hai dòng sông đi qua (tập bút ký - phóng sự, 2005), Giấc mơ ban ngày (tập truyện ngắn, 2009), Ngược gió (tập bút ký - phóng sự, 2013), Nghe nắng qua thềm (tập tạp văn, 2017). Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ IV (giai đoạn 2010-2015), giải khuyến khích Văn học Nghệ thuật năm 2017 của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, giải A Báo chí tỉnh Phú Yên năm 2017, 2018…


ĐỌC BÀI KHÁC:




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...