Nhà văn Trần Hoài Dương với bạn đọc nhỏ tuổi
Từ Quảng Bá và báo Văn nghệ ngày ấy
Năm 1972, từ
cơ quan báo Nhân Dân, tôi đi dự lớp học khóa 5 (1972 - 1973) trường Bồi dưỡng
những người viết văn trẻ (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam). Từ đấy, anh Trần Hoài
Dương, anh Hoàng Cát và tôi kết thân. Mọi người rất nể trọng Trần Hoài Dương bởi
vì anh từng làm việc ở tạp chí Học tập, vào Đảng, khi mới 24 tuổi; anh
đang phụ trách tổ Văn của tuần báo Văn nghệ và anh đã có sách in từ năm hai
mươi tuổi. Thêm nữa, anh đằm tính, khiêm nhu, dễ gần, cư xử ân cần, sẻ chia buồn vui đối với bạn bè;
Trần Hoài
Dương vừa là một nhà văn sớm trở nên tác giả chuyên nghiệp lại vừa là một biên tập
viên mẫn cán. Cẩn thận lắm mà vẫn xảy ra sơ xuất “chết người”. Khoảng tháng 3,
tháng 4 năm 1974, Cát đưa cho Dương truyện ngắn viết cho thiếu nhi có nhan đề Cây
táo ông Lành. Vào dịp chuẩn bị 3 tháng đi thực tế và sáng tác, Trần Hoài
Dương đưa cho Nguyễn Phan Hách - người trực thư ký tòa soạn - dặn đưa
lên Tổng biên tập duyệt đăng sớm. Một lần về tòa soạn xem bài vở in ấn thế nào,
anh thấy truyện của Cát chưa được sử
dụng. Nhằm số báo ra ngày 1-6 (Ngày Quốc tế thiếu nhi), Trần Hoài Dương đưa Tổng
biên tập duyệt đăng. Vậy là, truyện ngắn Cây táo ông Lành hiện diện trên báo
Văn nghệ số 552, ra ngày 31-5-1974. Một số đồng chí cấp trên và số ít bạn đọc,
bạn đồng nghiệp cho rằng truyện nói bóng gió về nhà thơ Tố Hữu (Tố Hữu còn
có tên thân mật là anh Lành). Báo Văn nghệ bị kiểm điểm, đương nhiên Trần Hoài
Dương cũng phải chịu trách nhiệm.
Mới đây, trò
chuyện với tôi, nhà văn Nguyễn Phan Hách cười và nói rằng nếu Hách đưa đăng thì
chắc chắn anh đã bị đuổi về quê Bắc Ninh rồi (vì anh mới chân ướt chân ráo về báo Văn nghệ, lại chưa vào
Đảng); và về phía Trần Hoài Dương, nếu không có sự kiện đại thắng mùa xuân 1975
dẫn đến toàn thắng 30-4, thống nhất đất nước, thì không biết sự việc sẽ
dẫn đến đâu. Riêng Hoàng Cát thì Từ đó cho đến một số năm sau, anh phải chịu đựng
cuộc sống vật chất và tinh thần rất khó khăn.
Cuối năm 1979, Trần Hoài Dương gợi ý tôi chuyển công tác sang báo Văn nghệ. Tôi chỉ làm
việc cùng Trần Hoài Dương hai năm cuối
của chặng đường mười hai năm anh ở cơ quan này. Từ cuối năm 1981, gia đình
anh chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Người say mê viết về cái đẹp non tơ, trong trẻo
Suy nghĩ và
hành xử của Trần Hoài Dương có phần phức tạp, ẩn giấu. Tuy nhiên, trên trang viết,
cảm thức và cái nhìn đời sống của anh lại thiên về duy mỹ. Hướng đến cái đẹp non tơ, trong trẻo là cảm
hứng sáng tạo của Trần Hoài Dương.
Văn của Trần
Hoài Dương thấm đượm chất trữ tình và giàu chất thơ, đậm yếu tố lãng mạn và tinh thần nhân đạo.
Không quan tâm nhiều đến những cảnh ồn ào, sôi động, ly kỳ, gây cười vốn dễ lôi
cuốn trẻ nhỏ, nhà văn tập trung khai thác nội tâm, quan hệ tình cảm và miêu tả
thiên nhiên. Nhiều truyện của anh giống như những bài thơ văn xuôi. Ngay cả những truyện tưởng như không gợi cho bạn
đọc liên hệ ngay đến bài thơ thì chất thơ cũng ẩn hiện đây đó trên những câu văn, đoạn văn.
Trần Hoài
Dương yêu thiên nhiên đến mức say đắm. Tình yêu đó, tác giả dày công
truyền cho bạn đọc nhỏ tuổi. Dưới ngòi bút của nhà văn, thiên nhiên có hồn,
thiên nhiên rất mỡ màng, hồn nhiên…Có lẽ, ít có nhà văn nào tả cảnh thiên nhiên
hoa lá, cây cối, mây trời…một cách tinh tế, tươi non, thơ mộng, giàu mỹ cảm đến thế. Thiên nhiên đẹp lên nhiều lần, trẻ
thơ đẹp lên nhiều lần ở tất cả mọi trang văn của Trần Hoài Dương.
Trần
Hoài Dương từng hé lộ với tôi rằng anh sẽ viết hồi ký, ước tính dăm trăm trang sách. Anh ra đi đột
ngột, không rõ bản thảo đó đã được viết xong chưa? Rất may, đã có Miền
xanh thẳm - tác phẩm để đời. Đây là tác phẩm dựa vào nguyên mẫu là
chính tác giả từng sống ở Bắc Giang những năm thơ ấu.
Ngày 8-12-1995, bạn gửi thư cho tôi, báo tin: “Viết được
cuốn truyện về thời thơ ấu của mình (tên là “Miền xanh thẳm”). Mình thích lắm.
Có lẽ là cuốn khá nhất của mình”. Tuy nhiên, có thể khi đó, bản thảo
chưa thật hoàn thiện. Chứng cớ là, đến ngày 25-8-1999, anh gửi thư cho tôi. Thư
có đoạn: “Cố gắng từ giờ đến cuối năm viết và chữa cho xong “Miền xanh thẳm”.
Mình tin tưởng lắm. Nhưng chẳng biết cuối cùng có ra cái gì không ? Dù sao cũng
đang thấy hứng thú”. Trong thư gửi Triều Dương (25-11-1999), Trần Hoài
Dương viết: “Sáu tháng vừa qua mình ngồi lỳ trong nhà để viết cái mà mình ấp
ủ hơn 20 năm nay. Đó là bản thảo mình lấy tên là “Miền xanh thẳm”, viết về thời
thơ ấu và niên thiếu của mình. Cách đây 3, 4 năm, mình đã viết xong một tập khoảng
300 trang cũng về thời thơ ấu, nhưng là dạng hồi ký. Nxb Trẻ đã nhận in nhưng
mình giữ lại không in vì không thật ưng ý. Lần này viết theo dạng truyện. Mình
phải ngưng không viết mấy cái ngắn ngủi đăng các báo để kiếm cơm hằng ngày nữa.
Mình liền áp dụng cách này: vay một cậu bạn một cây vàng, coi như 5 triệu đồng
(…), nói với anh bạn cứ đến đầu tháng phát cho mình 1 triệu (…) Lâu
không viết dài, vả lại thời buổi nhốn nháo quá, tâm mình không yên nên ngồi lỳ
suốt 3 tuần lễ ngày nào cũng ngồi đủ 12 tiếng mà không viết được lấy một
dòng. Cuối cùng, sang tuần thứ tư thì bắt đầu khơi được mạch(...). Sau gần
6 tháng thì mình viết xong. Mình cảm thấy sau quyển này, có thể mình sẽ không
viết được cái gì hơn thế nữa. Năm 2001, truyện dài Miền xanh
thẳm vinh dự được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng loại B (không
có giải A).
Người bạn tốt
đã cho anh vay tiền, chính là nhà thơ Hoàng Hưng. Sau đó, có một thuận lợi nữa đến với Trần Hoài Dương. Chuyện
là, nhà văn Nguyễn Đình Thi (phụ trách Hội Nhà văn Việt Nam khi ấy) vào
Thành phố Hồ Chí Minh công tác, đã mời Dương đến chơi. Anh Thi gợi ý và ký duyệt cho Dương 5 triệu đồng tiền tài trợ sáng tác.
Nỗi đời sâu nặng
Trần Hoài
Dương được mọi người nhận xét là tính nết dịu lành, nhún nhường, cẩn thận,
chu đáo. Anh sẵn sàng sẻ san tình cảm hoặc giúp đỡ mọi người. Anh hay tự
xưng “mình”, “em” và gọi “bác” khi giao tiếp thân mật, bỏ qua sự chênh lệch tuổi
tác. Ghi lời tặng sách, ở trường hợp
nào anh cũng ghi “Quý mến tặng” “Rất thân yêu tặng”…, “để kỷ niệm tình bạn
bè thân thiết”.
Chuyện về hạnh phúc gia đình của Dương, tôi không hiểu
sâu xa. Thư gửi tôi ghi ngày 18-7-1992, anh viết: “Trinh rất tốt, hiếm có
người tốt như Trinh, nhưng giữa mình và Trinh cũng có nhiều điều không hợp,
không hiểu nhau. Phần nữa, nhiều phần cũng do lỗi ở mình. Mình sống không thật
hợp với cuộc sống hiện đại”. Thật ra, những năm sau này, trong đáy
lòng, Dương vẫn còn yêu Trinh. Anh không nói hẳn ra, nhưng tôi biết anh có hối
hận, tiếc nuối vì đã để mất một người bạn đời không dễ tìm được. Thiếu vắng người
vợ hiền thì anh dành hết tình yêu thương cho con. Cháu Trần Lê Quỳnh học rất giỏi,
lại từng gây ấn tượng mạnh trong giới trẻ bằng những ca khúc đầy sáng tạo và ám
ảnh. Cháu được học bổng đi du học và đã sớm trở thành nhà báo của một Đài phát
thanh danh tiếng ở châu Âu. Lại nhớ, anh từng kể rằng, khoảng năm 1980, khi
cháu còn nhỏ, gia đình đang ở Hà Nội, Quỳnh hay quấy khóc và rất lười ăn. Nhiều
buổi Dương phải bế con đi mấy vòng quanh hồ Hoàn Kiếm mới dỗ dành con ăn hết được
bát cơm. Thế mà, 15 năm sau (12-9-1995) Dương viết thư cho tôi: “Cháu Quỳnh
dịch một bài viết về Bunin, nếu Ân đọc thấy được thì cho đăng trên Văn nghệ.
Cháu cũng đã đăng ở trong này một số truyện ngắn tự cháu viết”. Khoảng ba
tháng sau, (8-12-1995) bạn gửi thư: “Cháu được đăng, thích lắm. Hiện cháu là
1 trong 10 học sinh giỏi trong đội tuyển của thành phố chuẩn bị đi thi học sinh
giỏi toàn quốc”.
Anh hiền lành, nhún nhường thể hiện ở vẻ bề ngoài. Còn ở
phía bên trong thì lại trái ngược. Anh là người có cá tính mạnh từ bên trong.
Anh cực đoan về cả hai phía. Đúng vậy, yêu đến say đắm, mềm lòng trước cái đẹp,
cái tốt, đồng thời lại ghét cay ghét đắng cái xấu, cái hèn mọn, tráo trở của
người đời, ấy là Trần Hoài Dương. Thư gửi cho tôi, anh viết: “Cái xấu bây giờ
nó ngang nhiên, trắng trợn quá Ân ạ” (22-10-1998). Hoặc câu này: “Mình cảm
thấy bất lực trước những cái xấu đang lộng hành” (20-4-2000). Tôi
còn nhớ, ngày 11-8-1999, ngồi bên tôi, anh nói những lời khác thường. Trần Hoài
Dương bảo rằng anh lấy thiếu nhi làm bối cảnh, anh không viết về thiếu nhi hiện
nay ! Anh không gần được với thiếu niên. Bọn chúng đã lớn thì nhiều đứa hư hỗn.
Vậy thì chỉ nên viết về thời thơ ấu của chính mình. Viết là khao khát cái đẹp,
cái đẹp vươn tới, cái đẹp ao ước, cái đẹp khát vọng. Viết để đó, viết cho mai
sau. Viết về cái sẽ có, chứ không phải đang có, vốn có. Nhiều lúc cảm thấy mình
làm cái việc vô ích, vô nghĩa. Nhiều trẻ em đang tìm đọc say mê các vụ án, xem
ngốn ngấu tranh truyện. Mình cải tạo được chút gì không?
Trần Hoài Dương có cái đúng của anh.Đời còn nhiều cái xấu,
lòng mình rất căm giận nhưng khi viết thì chỉ viết về cái đẹp mà thôi, dứt
khoát rũ sạch cái buồn phiền để cho cõi lòng trong suốt, tràn đầy thương yêu.
Trần Hoài Dương từng bộc bạch: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề
bộn những gì là tinh túy nhất, thanh khiết nhất, trong ngần nhất để viết cho
các em. Còn những gì lấm lem bụi đất nhất, đau đớn dằn vặt nhất, tôi hy vọng một
ngày nào đó tôi sẽ viết trong một cuốn sách cho người lớn, hoặc rất có thể đó
chỉ là một cuốn sách viết riêng cho mình tôi thôi (Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX,
sách đã dẫn). Ghi lời tặng tôi tập sách Truyện chọn lọc, anh viết
thêm: “Tôi đã rũ bỏ tất cả để giữ cho lòng mình được trong sạch để viết được
những trang này” (24-10-1998). Khi viết Miền xanh thẳm, anh
tâm sự qua thư với Triều Dương: “Cuộc sống hiện tại càng ngổn ngang, thô bỉ
bao nhiêu, mình càng khao khát vươn tới cái thơ ngây trong ngần của tuổi thơ bấy
nhiêu” (25-11-1999).
Nhận xét rằng Trần Hoài dương cực đoan về hai phía không
có nghĩa là nói anh giản đơn. Ở anh, vẻ bên ngoài và cảm nghĩ thầm kín có phần
trái ngược, mâu thuẫn. Anh rất tế nhị, hào hoa trong ứng xử nhưng cũng có khi cứng
nhắc, khái tính trong tình yêu, tình bạn. Ngay trong tâm can, anh cũng không
thuần nhất. Tuy nhiên, mọi trái ngược, mâu thuẫn ấy lại thống nhất trong toàn vẹn
con người anh, chúng nói lên con người anh. Trần Hoài Dương là thế. Là không giản
đơn, là cả nghĩ, là tự làm bận mình.
Suốt hơn ba mươi năm sống ở phương Nam, anh đau đáu hướng
về phương Bắc, nơi có Hà Nội thủ đô và Bắc Giang tuổi thơ. Thương anh, nhớ lại
những lần anh viết cuối thư: “Sài Gòn một ngày mưa, giống mưa quê nhà”(
5-6-1984). Thư khác: “Sài Gòn, một buổi sớm mưa lạnh, nhớ về Hà Nội quê nhà”
(14-8-1991). Và thư viết cho Triều Dương: “Mệt mỏi lắm. Mình ao ước vài năm
nữa, cuối đời mình sẽ mua một mảnh đất nhỏ trên đồi trung du Bắc Giang, sống với
cỏ cây sông suối” (8-4-1988).
Trần Hoài Dương mất đi, để lại một tên tuổi văn
chương, một tấm gương về nhân cách nhà văn, một bài học về niềm say mê sáng tạo
phục vụ khu vực bạn đọc nhỏ tuổi, tượng trưng cho cái đẹp trong trẻo, non tơ.
PHẠM ĐÌNH ÂN
VĂN NGHỆ, 22/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét