Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

“CHẤT VẤN THÓI QUEN” - CHẤT VẤN PHẬN NGƯỜI

Đến thời điểm này, tôi vẫn chưa một lần gặp Phan Hoàng. Chỉ biết tên anh qua tác phẩm “Dạ, thưa thầy!” trong một lần giới thiệu sách chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Còn giờ, qua tập thơ “Chất vấn thói quen” (tái bản lần thứ 1, Nxb VH-VN, 2015), những trở trăn của tiếng lòng thơ Phan Hoàng đã cho tôi hiểu và cảm những điều anh phơi bày qua từng câu chữ.
Nhà thơ Phan Hoàng

Tôi có đọc lời ở đâu đó có ý rằng thói quen tạo tính cách, tính cách tạo số phận. Hay có thể nói thói quen tạo nên số phận. Và tên tập thơ “Chất vấn thói quen”, theo cách nghĩ của tôi, đó là chất vấn phận người.
      
Đọc tập thơ, tôi thấy thấp thoáng từng phận người trong cõi ta bà, trong cõi thơ của anh. Cái phận người ấy, có lẽ trước đây, Nguyễn Du cũng tự chất vấn lòng mình trong “Độc Tiểu Thanh Ký”“Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (tạm dịch: “Không biết ba trăm năm sau, trong thiên hạ, ai là người khóc Tố Như?”). Đó cũng là chất vấn phận người của Bà Huyện Thanh Quan “một mảnh tình riêng, ta với ta”. Có thể nói rằng, chất vấn chính mình, chất vấn để lương tri phát khởi là điều mà các nhà thơ xưa nay đều thế.
      
Nói đến phận người là nói đến là nói đến trầm luân, đớn đau, nợ nần, nói đến kiếp nhân sinh vô định, vô nghĩa, chẳng biết đi đâu về đâu trong cõi nhân gian. Đọc “Khi người nông dân để lại cánh đồng”, không biết số phận họ đi về đâu? Giọng thơ nặng nề như buổi xế chiều vần vũ mây giông. Tương lai được vẽ ra qua từng câu chữ: “màu cỏ sân gôn sẽ thay màu lúa/ tình tự ngàn đời/ dãy dãy tường cao sẽ thay bờ vùng bờ thửa/ từng dải khói đen sẽ thay những đàn cò trắng/ tiếng máy buốt đêm sẽ thay/ tiếng nhạc côn trùng…” (tr 78) . Tương lai ấy có ích gì với số phận nông dân? Đau đớn nào bằng khi mang tiếng là nông dân mà không có ruộng đất để cày cấy làm ăn! Tôi như thấy hình ảnh bi thương bất lực của phận người: “Người nông dân/ lầm lũi/ để lại cánh đồng/ bước chân nặng nề chậm chạp/ như người lính bị tước vũ khí/ cúi mặt rời khỏi chiến trường/ sau lưng rền vang sấm chớp”. (tr 79).
      
Cũng thế, trong “Ly hương gió”, phận người sao mà tội thế: “Đất ly nông đất/ người ly quê người/ gió ly hương gió/ tôi ly thân tôi”. “Tôi”, cái chủ thể trữ tình cũng đớn đau mà thốt: tôi ly thân tôi, tôi từ bỏ chính cái thằng tôi đáng ghét! Có qua sự đay nghiến chính mình để rồi buồn cho phận ly hương, để rồi thương nhớ cố hương:

          “Chiều ăn phố sực mùi khoai lang nướng
          Gió hú nhớ đồng thơm dậy giấc cố hương” (tr 22)
      
Phận người ở đâu trong quá khứ? Hiện tại ở đâu? Và tương lai về đâu? Đọc “Bao giờ con lớn?”, lòng tôi tự hỏi phận người về đâu khi “Lại thêm những gã mặt người/ vung tay đánh đuổi mẹ/ một lũ chó điên hùa nhau cắn xé thân thể/ đưa chúng chui ra và nuôi chúng trưởng thành”? Về đâu khi “người mẹ già như con mồi thu mình/ trước bầy cọp tri thức ngụy tạo nhe nanh”? Và không biết những kẻ nhân danh này, nọ “có khi nào trong giấc mơ các người rung mình/ nghe con thơ khẽ nói: bao giờ con lớn giống mẹ giống cha?”.
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng tái bản lần thứ 1, 2015

Đọc “Chất vấn thói quen”, tôi còn bắt gặp số phận những người mang nghiệp văn chương, nghệ thuật. Một thời, Nguyễn Vỹ trong bài thơ “Gửi Trương Tửu” đã đúc kết phận nghiệp kẻ viết văn:“Thời thế bây giờ vẫn thấy khó, Nhà văn An Nam khổ như chó! Mỗi lần cầm bút viết văn chương, Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương, Và nhìn chúng mình hì hục viết, Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết, Mà thương cho tôi, thương cho anh, Đã rụng bao nhiêu mái tóc xanh!”. Còn bây giờ, Phan Hoàng đã đớn đau trong “Chữ nghĩa thị trường”. Không đớn đau sao được khi“chữ nghĩa thị trường xuống chó lên voi”, khi “chữ nghĩa thị trường/ hot/ chữ nghĩa thị trường/ bạc/ chữ nghĩa thị trường/ nhạt”. Và anh đớn đau tột cùng của người nợ chữ: “Nhiều đêm gối đầu lên hàng đống sách/ nghe lòng trống/ rỗng/ hoang mang”. Ôi! “Chữ nghĩa ơi! Có sống được không? Sao khổ thế không biết?” (“Phóng sinh chữ nghĩa”, truyện ngắn Phan Trang Hy)
      
Đọc tập thơ, tôi còn bắt gặp phận người của cả một “thời đại huy hoàng”, của “một thời lửa máu”. Và chắc là số phận nhân loại thay đổi khi:

          “… lịch sử đã mang đổi thay đến từng số phận
           thay đổi cảm hứng bầu trời
           thay đổi tư duy từng ngọn núi con sông
           nhưng có một điều tôi muốn gửi tới em:
          lịch sử và thời gian có làm thay đổi
          ký ức tình yêu trong mỗi hoa hồng?”

                               (“Ký ức hoa hồng”, tr 23)
      
Phận người của bạn, của tôi, của chủ thể nhà thơ như cô đọng trong bài thơ “Chất vấn thói quen” – vừa là tên tập thơ. Chỉ có thay đổi được phận mình khi tự chất vấn chính mình. Chính vì thế, cái tôi – số phận có thay đổi được hay không, chính là tự bản thân mình thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen:

          “Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
          tại sao con người tự đánh lừa mình bằng những thói quen
          không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?”
     
Qua từng thời điểm và tự ngẫm suy về bản thân mình để từ đó nghĩ về từng phận người, chắc hẳn Phan Hoàng phải đớn đau, vật vã để tìm những câu chữ đầy tính ẩn dụ những nghĩ suy để tâm hồn thăng hoa, đốn ngộ phận người. Theo tôi, tập thơ “Chất vấn thói quen” đã thể hiện sứ mệnh của nó là chất vấn phận người trong cõi nhân gian này.

Đà Nẵng tháng 4-2016
PHAN TRANG HY
Nguồn: Văn Nghệ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...