Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

NHÀ THƠ LÊ TÚ LỆ: MỜ KHƠI DONG VÚT CÁNH BUỒM

Hình thành trong tôi là chân dung một người đàn bà rất khẩu khí, những câu thơ của chị như những đợt sóng thay phiên nhau vổ, xao xác chòng chành những cảm xúc, không lạ mà cũng chẳng quen, cái cảm giác ngạc nhiên đi từ bờ bên này sang phía bên kia trở thành một sự cuốn hút kỳ diệu.
Nhà thơ Lê Tú Lệ

Nghe tim mình chợt nhói thuở mang gươm
Ta quờ tay níu tháng ngày mở cõi
Huỳnh Văn Nghệ đâu rồi
Ngựa đang hí động trời Nam

Trăng có còn cong phía mái đình làng
Bến cũ căm căm giờ ai đang khỏa
Ngòng cải vàng rưng rưng nghìn năm sương giá
Đê La Thành buốt rỗng dấu chân xưa

Ừ thì về vun lại Gò Đống Đa
Trồng cỏ bồ đề chờ anh hùng áo vải
Dặm lại Hoàng Thành, Lầu Đông dọi mái
Ngọc Hân ơi!

Ừ thì về quá vãng ngoại ô
Lượm tiếng bom rung giấu vào hơi thở
Đàn sấu rụng vỡ mấy tầng thương nhớ
Gói mưa phùn dành ướt lúc thôi xuân

Ta quờ tay ngỡ chạm lại chuôi gươm
Ơn Thần Hồ có vay có trả
Đất phương Nam bao dung thương trời rét giá
Đốt nén nhang thơ

                   (Nhớ Thăng Long)

Từng bài thơ trong tập Mờ khơi dong vút cánh buồm, nhà thơ Lê Tú Lệ dẫn người đọc đi theo vòng chữ S như một sự cố ý, tôi nghĩ, chắc chị đang muốn mọi người cùng ngắm nhìn những chòm sao rực xanh trên bầu trời Việt, nơi thác Bản Giốc tung dải bọt trắng xóa chảy qua nghìn đời/ xói vào lòng đá từng nhát chém/ nặng như lời thề Nam quốc sơn hà/ bung lồng ngực.

Và cũng con đường ấy, nhưng chiều nay/ rừng Đại tướng ngàn cây nghiêng mình mặc niệm/ muôn đảo chìm, đảo nổi hóa thủy binh/ dân tộc Việt Nam đang xốc lại đội hình/ chiều nay/ cây khế tiễn Người lặng lẽ chít khăn tang/ Tổ quốc tiễn người bằng niềm kiêu hãnh/ chúng con tiễn người bằng quân lệnh trong tim

Và:

Vạn lý Trường Sa - Hề, vạn lý
Sóng cuộn gió cuốn - Hề, sóng gió
Thùng thùng trống khao lề thế lính

Tráng sĩ hiên ngang
Gươm sắc, giáo nhọn
Mờ khơi dong vút cánh buồm

Có phải ý trời mà Trường Sa Lớn mang hình mũi giáo
Mũi giáo Cha Lạc Long Quân cưỡi sóng dữ khuất phục thuồng luồng, cá kình, cá mập
Mũi giáo năm mươi người con trai Việt theo cha đã hóa thủy thần
Thềm lục địa rùng rùng cơn cuộn mình cương thổ
Rưng rưng mắt lưới
Rưng rưng mắt trời
Hò dô nào khúc xa khơi

Có phải lòng Người mà dải đất Việt mang hình lưỡi sóng
Khát khao nhoài phía Biển Đông
Mẹ Âu Cơ nén nỗi nhớ thương chồng
Cũng vì đời đời cương thổ
Dải đất hình lưỡi sóng
Hóa biển thành bờ
Bờ hòa trong biển
Bốn ngàn năm da diết vọng Trường Sa

Hòn đảo hình mũi giáo hôm nay
Hậu duệ An Tiêm chào đời
Tiếng khóc ngọt như tiếng Việt mình
Những đứa trẻ Trường Sa ríu rít bên cột mốc chủ quyền
Trái tim mỗi em là một câu thơ thần
Dệt bài thơ “Nam quốc”

Hòn đảo hình mũi giáo hiên ngang
Phập phồng ngực biển
Tiếng chuông chùa thả vào ráng chiều thánh thót
Đêm huyền bí nụ bàng vuông thở
Ngày san hô múa sóng gọi mặt trời

Kìa Trường Sa Lớn – Hòn đảo hình mũi giáo
Thôi thúc gọi ta trong khúc quân hành
Ơi con tàu HQ 936
Hãy hụ còi lên
Nào ta rẽ sóng hành quân
Trùng trùng lưỡi sóng hành quân…

                         (Hòn đảo hình mũi giáo)

Tôi nghĩ, khó có nhà thơ nữ nào có được khẩu khí như thế này.

Với 34 bài thơ (không kể những phụ bản thơ phổ nhạc) trong tập Mờ khơi dong vút cánh buồm, dòng thơ của nhà thơ Lê Tú Lệ đứng riêng một cõi, lồng lộng như những cơn sóng biển đông thổi thẳng vào trái tim mỗi người một âm thanh da diết, không gào thét nhưng cuộn trào lòng yêu  thương quê hương. Thơ vốn dĩ chỉ được sản sinh từ những rung động chân thực, nên những bài thơ trong tập này là bằng chứng, chứng minh tác giả đã dốc cạn tâm huyết cho những con chữ, cho những tứ thơ, hình thành một đứa con văn chương tuyệt đẹp khi chào đời.

Tôi đã nhìn thấy, dù ở trạng thái nào, cảnh vật nào, nhà thơ Lê Tú Lệ vẫn dành cho đất nước những nhịp đập nóng hổi, trái tim của chị hình như đã rất chật bởi chất chứa một cái tình, mà cái tình ấy không bi lụy, không thường thấy. Bởi trái tim chị ngập lụt những câu hỏi, nhưng những câu hỏi ấy không thường tình, và trái tim ấy bị bao vây bởi những hình bóng, mà những hình bóng ấy dọi vào ai cũng đau, vì những câu hỏi chẳng bao giờ có thể trả lời được:

Đất liền chiều nay trời có mưa không/ sao biển Trường Sa đong đầy nước/ con thay mẹ ra thăm anh/ thay mẹ gởi hoa cho sóng/ thay mẹ xoa mềm đá khóc/ chẳng thể nào cất đỡ mẹ gánh đau/ Khánh Hòa, Quảng Nam chiều nay trời có giông không/ mà lòng người nổi bão/ biển sâu thế nỗi buồn sâu hơn biển/ hai mươi năm rồi/ những bà mẹ Gạc Ma vẫn chong đèn đợi cửa/ đêm dầy thêm mỗi ngày/ nhớ dầy thêm mỗi khắc/ gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi/ biển giấu các con mẹ ở đâu ở đâu/ để người bạc đầu thay sóng/ những bà mẹ Gạc Ma không lập mộ gió/ hàng đêm gối đầu lên nỗi nhớ…./ lạy trời/ anh về….

P.N.THƯỜNG ĐOAN
VĂN NGHỆ TP.HCM SỐ 288/2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...