Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

TRẦN MAI NINH - NGỌN GIÓ CHUYÊN CẦN VÀ PHÓNG TÚNG

Nhà thơ Trần Mai Ninh hy sinh từ năm 1948. Thế mà, sau hơn nửa thế kỷ, chúng tôi mới có những dòng tưởng niệm đơn sơ và ứa lệ này. Không dám nói đến các đồng chí lão thành cách mạng cùng sống và hoạt động với ông từ buổi ban đầu, chỉ xin nói riêng phần chúng tôi, những người được ông dìu dắt trên đường cách mạng, đến với văn học và báo chí, chúng tôi đều thấy mình có lỗi.
Nhà thơ Trần Mai Ninh

Chiến trường ai khóc chia phôi*. Khi được tin ông hy sinh những người lính trẻ chúng tôi oà khóc. Khải hoàn ai nhắc tới người hôm qua*. Suốt mấy thập kỷ nay, từ cuộc đại khải hoàn 30 tháng Tư năm 1975, không lúc nào chúng tôi không nhớ tới ông. Lịch sử vốn khắc nghiệt như chính nó. Khải hoàn được đánh dấu, được báo hiệu vang dội như tiếng rền của đại bác. Nhưng mấy lớp người nối nhau làm nên lịch sử lại nằm sâu trong lòng đất như những cổ vật biết nói mà ngồi im, như những lớp trầm tích đắp dày đáy biển cho đại dương bao la còn đó, mà âm thầm, mà lặng lẽ.

Nhà thơ Trần Mai Ninh tên khai sinh là Nguyễn Thường Khanh, sinh vào lúc 11 giờ 25 ngày mồng 10 tháng 6 năm Ðinh Tỵ, tức là ngày 28 tháng 7 năm 1917, tại Hương Khê, Hà Tĩnh, trưởng nam của cụ ông Nguyễn Xuân Tuyển và cụ bà Phạm Thị Nhạ. Cụ ông, gốc ở làng Ðộng Giả, xã Ðỗ Ðộng, cụ bà là con gái cụ Thám hoa Vũ Phạm Hoàn ở làng Ðôn Thư, hai cụ cùng quê huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Ðông (nay thuộc Hà Tây). Ngày mồng 4 tháng 9 năm 1921, cụ bà mất, năm ấy Nguyễn Thường Khanh mới 4 tuổi. Năm 1925 cụ ông cưới vợ kế.

Cụ ông làm nghề cầu đường, nay đây mai đó, sinh con mỗi người một nơi. Năm 1929, gia đình cụ về định cư ở Thanh Hóa. Nguyễn Thường Khanh có tất cả tám anh chị em, sáu gái và hai trai. Thuở nhỏ Nguyễn Thường Khanh học tại Vinh rồi vào học trường trung học Thanh Hoá và tốt nghiệp tại đó.
Năm 1934, gia đình cho ông ra Hà Nội tiếp tục con đường khoa cử. Năm 1936 ông đậu tú tài phần thứ nhất.

Những năm ấy, tai họa phát-xít ập đến. Nhân loại chưa thoát khỏi bàng hoàng khiếp đảm trước cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933, một cuộc khủng hoảng thừa, mà người ta đục hàng triệu hộp sữa đổ xuống biển. Văn chương thời ấy miêu tả: Mặt nước Ðại Tây Dương từ mầu lục biển trở thành mầu sữa nhạt. Mặt trận chống phát-xít đòi hòa bình và dân chủ dấy lên khắp toàn cầu ở Pháp, Ðảng Xã hội lên cầm quyền. Ở Việt Nam, Ðảng ta lập Mặt trận Dân chủ, xuất bản báo chí công khai, biểu tình, hội họp, lập nghiệp đoàn, hội ái hữu, truyền bá chữ quốc ngữ, giáo dục yêu nước và chủ nghĩa xã hội, phong trào đấu tranh công khai cả nước sôi nổi chưa từng có. Sách báo cách mạng tựa như không khí. Lớp trẻ lao vào hít thở tràn trề. Nguyễn Thường Khanh bỏ học, tìm người cùng chí hướng lập thành một nhóm nghiên cứu mác-xít, bạn bè hồi đó thường gọi là nhóm: Khanh, Tri, Kỳ, Quảng (Nguyễn Thường Khanh, Trần Ðình Tri, Ðào Duy Kỳ, Thành Ngọc Quảng).

Họ làm thơ, viết báo, dịch sách, đem các sáng tác nóng hổi tinh thần chiến đấu đến các tòa báo của Ðảng. Tại trụ sở tờ Tin tức đóng ở ngôi nhà số 105, đường Cửa Ðông Gầm Cầu (Hà Nội) theo cách gọi hồi đó, Nguyễn Thường Khanh gặp đồng chí Trần Huy Liệu mới ở tù Côn Ðảo ra, đồng chí Trường-Chinh, và một lớp bạn mới. Nguyễn Thường Khanh có sức làm việc lạ thường, viết điều tra, phóng sự, tiểu luận, truyện ngắn, làm thơ, dịch Người Mẹ của Marxim Gorky, đăng nhiều kỳ ở Tiểu thuyết thứ năm, cùng với Thép Mới dịch Thép đã tôi thế đấy, vẽ tranh biếm họa, đi nhà in sửa bản thảo, trình bày báo, đến các nhóm thanh niên, các xóm nghèo vận động quần chúng, và đi dạy thuê để kiếm sống, gia đình không còn gửi tiền như trước nữa. Ông làm việc âm thầm, không ưa phô trương.

Trong bận rộn và vất vả ấy, ông đã viết hai tiểu thuyết đầu tay Rạng Ðông và Thằng Tuất. Cùng với các bút danh khác: TK, Tố Chi, Hồng Diện, Thảo Hoa, Nguyễn Thường Khanh, Mạc Ðỗ... Tên Trần Mai Ninh xuất hiện từ đó cho đến hai bài thơ cuối cùng của ông mà chúng ta còn lưu được.

Ông nhận ra đời:

Cạnh đường và gác rộng mênh mông
Ta còn thấy túp con và ngõ hẹp
Bên những tiệc trà trang trọng
Rượu sâm banh tưới ướt mặt bàn
... Những thân hình vàng bủng
bên lề đường bới rác vụn nuôi thân**

Ở tuổi hai mươi, ông "đập phá" dữ dội với chính mình, đập vỡ cái gương tàn hạn hẹp của cá nhân riêng lẻ để nhận ra cái lớn lao, không bờ, không bến, không đo lường được, ấy là sức mạnh của công nông, của lao động, thay cuộc đời và cải tạo nhân tâm, qua năm tháng xiết lòng mình đến rớm máu vào hòn đá mài tranh đấu, mà nhận ra chính mình, nhận ra lẽ sống, hy sinh đời xây đắp cái vui chung.

Hồi đó chúng tôi chưa được đọc tiểu thuyết Thằng Tuất của ông. Thằng Tuất rất buồn khi thấy trong làng, người ta cứ hay chửi nhau, đánh nhau đến vỡ đầu. Mẹ thằng Tuất mất cái cơi trầu. Cuộc ẩu đả chắc chắn sẽ xảy ra. Thằng Tuất lầm lũi tìm được thủ phạm. Ðó là thằng Xương, con của lão Bá, giàu nhất xóm. Làng vui mừng gọi thằng Tuất là dây tơ hồng kết tất cả người nghèo trong xóm lại cho họ yêu nhau.

Ông đau đớn khi Ðội quân quốc tế chống bọn phát-xít ở Tây Ban Nha thất bại, hình ảnh của những chiến sĩ tình nguyện phải quay trở về, người lính già oà khóc, cắt lòng ta.

Năm 1938, Ðoàn Thanh niên Dân chủ được thành lập. Trần Mai Ninh được chỉ định vào Ban lãnh đạo và cùng với đồng chí Ðào Duy Kỳ ra tờ Bạn Dân.

Ngày 31 tháng 7 năm 1939, Trần Mai Ninh bị thực dân Pháp bắt. Chúng giam ông tại Hoả Lò. Mấy tháng sau, Trần Mai Ninh được thả ra và bị quản chế. Ðầu năm 1940 Trần Mai Ninh trốn về Thanh Hoá, nằm trên gác xép của gia đình.

Ông thao thức:

Lìa đàn con chim sầu bi
Thấy đời tẻ lạnh bởi vì cô đơn...
Ðau thương trộn với căm hờn...

Ít lâu sau, ông bắt được liên lạc với đồng chí Ðào Duy Kỳ, xuất bản công khai tờ Bạn Ðường. Năm 1940 ông được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương.

Lúc ấy, chiến tranh thế giới thứ hai đã bắt đầu. Ðức đánh Pháp. Pháp đầu hàng, Nhật đưa quân vào Ðông Dương. Ở phía bắc, Bắc Sơn, ở phía nam, Nam Kỳ khởi nghĩa. Trung ương ra lời kêu gọi: Cả nước ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn và khởi nghĩa Nam Kỳ.

Tỉnh ủy Thanh Hoá được đồng chí Nguyễn Văn Linh phái viên của cấp trên về truyền đạt chỉ thị của Trung ương.

Tỉnh ủy xuất bản tờ báo Tự Do, Trần Mai Ninh được cử làm biên tập. Ông viết tiểu thuyết Ngơ ngác, vở kịch Mộ phu và kịch thơ Hai con sâu. Báo Tự Do số 3 ra ngày 26.1.1940, Trần Mai Ninh vẽ bức tranh cổ động với hình ảnh người chiến sĩ du kích giương cờ đỏ sao vàng đuổi đánh quân chính phủ phản động.

Ngày 10 tháng 7 năm 1941, chiến khu Ngọc Trạo thành lập. Trần Mai Ninh được điều động lên chiến khu vừa làm báo, vừa làm đội viên đội du kích.

Chiến khu Ngọc Trạo là chiến khu du kích đầu tiên do Ðảng ta lãnh đạo ở miền Bắc Trung Bộ. Thực dân Pháp run sợ, tập trung quân khủng bố, các chiến sĩ du kích chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Cao Ngọc Oanh đã vung dao chém tên lính mang số hiệu 44, cướp được khẩu súng trường. Nhưng vì bị cô lập và không cân sức, người hy sinh, những người khác lần lượt bị bắt. Tháng 10 năm 1941 Trần Mai Ninh bị bắt và bị phạt tù 10 năm, giam nhà lao Thanh Hoá. Ðến đầu năm 1943 chúng đày ông đi Buôn Ma Thuột.

Ngày 9.3.1945 Nhật đảo chính Pháp, tù chính trị nhà lao Buôn Ma Thuột đấu tranh đòi Nhật phải thả. Như những cánh đại bàng, các chiến sĩ cộng sản bay về các tỉnh miền Trung. Trần Mai Ninh được phân công về Ninh Hoà vận động khởi nghĩa.

Tháng 5.1946 ông được cử về làm trưởng Ban Tuyên truyền Ðại đoàn 27, sở chỉ huy đóng ở Tuy Hoà. Ông lại làm tất cả mọi việc như trước đây ông đã làm với say mê cuồng nhiệt, một cường độ chóng mặt và những ý tưởng dữ dội, không khoan nhượng với cái hèn nhát, cái run sợ trước hiểm nguy và khó khăn. Ông giới thiệu ba cán bộ của Ðại đoàn 27 ra Ủy ban Kháng chiến miền nam Việt Nam (lúc này gồm có Khu 6 và Nam Bộ) xuất bản tờ Xung Phong. Sau khi Ủy ban Kháng chiến miền nam Việt Nam vào Nam Bộ, Ðại đoàn 27 chuyển thành Khu 6, ông lập lại tờ báo của Khu lấy lại tên Xung Phong.

Ông đọc mấy câu thơ:

Mưa lùa tắm lạnh khoai lang
Gội đường cát bụi gọi chơn anh hùng
Nhà đầy ấp những tim lành
Những đầu chiến sĩ những hình xung phong

Trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến, trong không khí hừng hực: độc lập hay là chết, thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ, ông viết Nhớ máu và Tình sông núi. Ông viết kịch và các bài cổ động, cùng với tổ hội họa vẽ tranh phát động toàn dân kháng chiến, tổ chức các đội tuyên truyền xung phong và các buổi diễn thuyết trước hàng nghìn người. Có một thời gian ngắn, ông phụ trách tờ báo Phấn Đấu của Tỉnh ủy Phú Yên, và một mình làm một tạp chí văn nghệ lấy tên là Mới.

Hồi ấy, một phần Quảng Nam và Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên là vùng tự do, cực Nam Trung Bộ là vùng bị tạm chiếm.

Hằng ngày tin tức trong đó gửi về. Ông đã từng sống ở Ninh Hoà, đã từng vào Diên Khánh, nơi có gốc dầu đôi mấy trăm năm, đã đến Ðại Ðiền Ðông và Ðại Ðiền Tây, gặp Nha Trang trong những ngày trước khởi nghĩa. Ông đã thấy các vết máu khô đặc quánh trên bức tường phía trước trụ sở bỏ phiếu ở xã Ninh An ngày Tổng tuyển cử đầu tiên mồng 6 tháng Giêng năm 1946, máy bay Pháp đến đó dội bom. Thùng phiếu và những con người cầm cờ đỏ sao vàng, lá phiếu trên tay loang lổ máu. Những cuộc lùng ráp, khủng bố man rợ của bọn Pháp và Việt gian bắt đầu. Song song với tất cả những điều ấy là các tiểu đoàn Lương Ngọc Quyến, Võ Quốc Thụ, Ðô Văn... sau khi vỡ mặt trận Buôn Ma Thuột và Nha Trang rút ra Ðồng Bò, Phú Yên củng cố lại vượt Dốc Mõ trở vào. Các đội cảm tử quân được thành lập.

Hôm thành lập Ðại đội Quyết tử quân của Khu 6, khi đội diễu hành trên quốc lộ số 1, xã Hòa Xuân, ông đứng bên lề đường. Thân người chắc nịch, mặt chữ điền, mắt sắc, cánh tay vạm vỡ. Ống tay áo xắn gọn. Tiếng nói vang và rền, ông hô to và bà con, hàng mấy nghìn người, cùng hô theo:

Tinh thần Quyết tử quân muôn năm!
Tiêu diệt giặc Pháp xâm lược và bè lũ Việt gian bán nước!

Ai từng trúng đạn quân thù, đều biết một điều giản dị: máu chảy từ trong cơ thể, nóng nồng nàn, nóng như nước ấm. Ông đã thấy, đã biết, đã vuốt, đã lau những giọt máu tù của chính mình và đồng chí, đã từng ẵm và khiêng thi thể Phạm Văn Hinh, người chiến sĩ Ngọc Trạo hy sinh đầu tiên. Ông đã đọc những khẩu hiệu rớm máu trên các vách tường giam do những người tù cộng sản gửi lại lời trăn trối, lá cờ Tổ quốc mà ông vẽ đăng lên báo Tự Do, lá cờ mang hồn nước, cũng là ngọn cờ pha máu.

Ngày ấy Tuy Hoà hẹp hơn bây giờ. Ông sống trong cái không khí hừng hực lửa, hừng hực gió. Ơ, cái gió Tuy Hoà.

Thơ ông không biết đã bao nhiêu lần nhắc đến gió. Gió gợi vui hay gió gợi buồn. Ngày qua gió lạnh thở dài. Hôm nay gió múa quyện lời nhạc xuân. Trông chờ tin gió góc trời... Như một chuyến tàu vun vút gió, Tương lai - Kiến thiết.

Ở trong tù ông mơ trăng, ông mong gió. Bây giờ ngọn gió Tuy Hoà đang lồng lộng đó, ngang tàng, phóng túng, yên làm sao được lúc gió lên?

Gió đang thôi thúc, bồn chồn mãnh liệt. Gió gọi, gió đòi. Cũng như máu, máu đòi trả máu, gió đang đòi, gió đang hỏi, đòi và hỏi chính ông. Nhà văn trước hết phải là một con người hành động. Ông là một con người hành động, can trường, sôi nổi, ráo riết, đã từ chối là từ chối sòng phẳng, đã lựa chọn là dứt khoát lựa chọn, căm ghét sự hèn nhát, phỉ báng không thương tiếc sự thỏa hiệp, sự dối mình. Ông chế giễu những kẻ ngồi đếm lông chân mà quên cái huyệt đen ngòm trước mặt. Ông chỉ mong sao đi suốt đến cùng một tâm hồn. Bởi vậy ông không thể không tự vấn, không thể không trả lời. Ông đã chứng kiến những sự phản bội quanh mình và tự cảnh báo: con người ta dễ phản bội biết bao nhiêu. Mà sự phản bội bắt đầu là sa ngã, không dám khước từ dục vọng thấp hèn. Ông biết, ở nơi đó, Nha Trang, cũng như Ngọc Trạo xưa kia, có những con người đã từng lấy mồ hôi và máu đào nuôi ông. Cơm ăn không cả muối vừng, với tim đau thương, với đời khổ ải, những con người loem ngoem dầu mỡ, tay ghì cán thuốc, tay ghì tay xe, đen như mực, đặc thành keo, khoai ngô còn đượm hương nồng hy sinh, những đứa con bạc, con vàng, sống trong đáy của âm thầm mà tiếng cười vang lệch đất.

Ông không thể không cầm tim đặt trên ngọn bàn tay.

Ơ hỡi Nha Trang
Cái đô thành vĩ đại
Ta gần máu,
Ta gần người,
Ta gần quyết liệt.

Sao ta không trở về đó, nơi vĩ đại nhất mà lòng ta hôm nay hướng tới. Chỉ có ở đó, ở đó mà thôi, ta mới có thể làm người, theo lẽ sống mà ta đã chọn. Ông để lại ngọn gió Tuy Hoà chuyên cần phóng túng và ra đi.

Theo sự nhớ lại của anh em cùng cơ quan, ban đầu ông định đi đường bộ, qua Dốc Mõ, một con dốc núi dài, đi hết hai ngày đường. Dãy Trường Sơn ở đây nhô ra phía đông, Ðèo Cả hiểm trở lượn quanh, có hòn vọng phu lặng lẽ. Nhưng sau, ông quyết định đi đường biển, từ cửa Tiên Châu thuộc xã An Ninh, huyện Tuy An, tàu thuyền vận chuyển bí mật của ta ở bắc vào và ở Nam Bộ ra vẫn thường ghé lại.

Cho đến nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, người còn kẻ mất, không ai nhớ rõ ngày tháng ông ra đi vào cực Nam công tác. Chỉ biết ít lâu sau cơ quan Khu bộ nhận được tin ông bị bắt. Chị Võ Thị Tri Túc hồi ấy là tình báo viên của Trung đoàn 803 náu mình ở Nha Trang, sau ngày tập kết ra Bắc là cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Chị cho biết: Ông bị bắt ngoài khơi hòn Hèo.

A, gần lắm
Còn mấy bước tới Nha Trang

Chúng nhốt ông ở nhà lao thành phố. Chị Tri Túc kể lại: Chúng tra tấn ông, khoét mắt ông, đôi mắt long lanh, nhìn thiên nhiên âu yếm và nâng niu, nhìn sâu thẳm vào nỗi đau của nhân quần và đau bằng nỗi đau ấy.

Chúng kéo lê ông trên đường phố Nha Trang. Lúc ấy ông có còn thấy được Nha Trang thân yêu của ông hay không, ngày nay ai nào biết rõ.

Ông bị bắn chết, ở bãi Chụt, gần Viện Hải Dương học Nha Trang, hay ở Diên Khánh, nơi có gốc dầu đôi mấy trăm năm, bọn Pháp đã chém Trần Quý Cáp, hay chúng giết ông rồi quăng ngoài khơi xa, như sau này bọn lính Nam Hàn vẫn làm. Dùng trực thăng ném xuống biển thi thể của những người mà chúng gọi là Việt cộng? Chúng ta đều chưa biết. Ðến cả ngày ông mất, trong dịp tưởng niệm này, chúng tôi thấy cần phải thưa rõ: bởi một lẽ, bình thường và cũng thực là nghiêm khắc, muốn xác nhận là liệt sĩ thì phải có ngày hy sinh. Sau ba năm tìm kiếm, tất cả tài liệu bạn bè cung cấp đều chưa đầy đủ xác minh ngày tháng ông hy sinh. Cuối cùng gia đình ông, và chúng tôi, những người được ông khêu gợi lẽ sống làm người và đưa đến với Ðảng, đã thắp một nén hương, xin ông tha thứ cho và xin được lấy ngày 27 tháng 7 năm 1948 là ngày ông vĩnh biệt.

Cho đến hôm nay, chúng ta nào có biết được trong những giờ phút cuối cùng của đời, ông đã nghĩ gì, đã nói gì, đã trăn trối những gì với chúng ta.

10 năm bước vào cách mạng thì 5 năm ông bị tù đày. Ông tâm niệm: sống đã rồi hãy viết... Nhân loại luôn luôn mới. Nhân loại luôn luôn sâu. Nhân loại luôn luôn mãnh liệt. Xin chớ sợ Ðời nghèo. Chỉ sợ anh không đủ nghị lực để bước vào Ðời, nghiến răng mà học như vác nặng, một ngày nặng nề thêm một chữ... Xin chớ sợ Ðời chật hẹp, chỉ sợ anh không phóng khoáng kết duyên với nghìn khuôn khổ của Ðời... dồn dập theo ngàn vạn lớp sóng của Ðời, chiết vào tảng đá mài vô tận vô biên của Ðời mà hiểu sâu sắc cõi lòng ta và cõi lòng đồng loại... Ông hy sinh năm 31 tuổi. Ðôi môi chưa ấp hương nồng. Ðời ông, ông chưa đi tới nửa con đường. Ông để lại cho chúng ta cùng với 10 năm tranh đấu là ba cuốn tiểu thuyết, dăm truyện ngắn, mấy chục bài thơ, hàng trăm bài báo, trên 30 ký họa, với hàng nghìn công việc đẫm mồ hôi không kể xiết, gộp chung lại thành một cái tên Trần Mai Ninh vĩnh hằng trong lòng chúng ta, trong lòng dân tộc, trong nỗi nhớ của giai cấp cần lao và các thế hệ trẻ.

Có lẽ các nhà nghiên cứu văn học và các tổ chức có trọng trách thưởng phạt đối với làng văn sẽ dành thì giờ nghiên cứu về ông. Phải chăng ông là nhà văn cách mạng đầu tiên viết tiểu thuyết cách mạng ở nước ta? Phải chăng, sau trào lưu thơ mới thời Xuân Diệu, Thế Lữ... Trần Mai Ninh là người đột phá làm thơ "phá thể" trong dòng thơ cách mạng?

Lời đáp còn đang ở phía trước. Nhưng chắc chắn một điều, ấy là: Ông từng để lại cho ta một câu hỏi, câu hỏi xoáy sâu, bao la và vô tận như không gian và thời gian, trường tồn, mãi mãi, như chính lẽ sống và non sông Việt Nam ta, cho suốt thế kỷ 20 và các thiên niên kỷ mới, cho các cháu ngoan của nhà, của nước, cho các bậc cha mẹ, cho những người lính Cụ Hồ, cho lớp lớp thanh niên tình nguyện đang xông pha như một thời Trần Mai Ninh, sôi nổi, hết mình, tràn đầy nhiệt huyết.

Câu hỏi đó vĩnh hằng.
Có mối tình nào hơn Tổ quốc
Trộn hoà lao động với giang sơn.

Ông mong ước, ông dự báo, ông gửi lại cho chúng ta một niềm tin. Năm 1975, và hôm nay đây, chúng ta đang chứng kiến.

Các anh hùng tay hạ súng trường
Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu
Họ cười vang rung lớp lớp địa cầu...

Việt Nam rồi đứng dậy
Sáng vô chừng!
Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm
tương lai

Ông không còn tiếp tục làm thơ và đọc thơ, ông không còn có thể gửi lòng mình vào trang giấy chép trọn những gì ông đã sống, không thể tiếp tục hành động để đem sinh lực và hân hoan khắp mặt địa cầu, không còn được nhớ ngàn tay bạn buổi xưa chung thuyền.

Tưởng niệm nhân 90 năm ngày sinh của ông, lẽ sống, tình yêu, sợi dây tơ hồng trên tay ông và niềm tin mãnh liệt của ông vẫn còn đó, trong muôn người, ở hòn Vọng Phu trầm mặc trên đất nước bốn bể cần lao của chúng ta, thúc giục chúng ta, chuyên cần, mãnh liệt, tiến vào một cuộc khai phá mới, sáng tạo một đoạn đường mới cho Văn học, cho Ðời và cho Ta.

NGUYỄN CHÍ TRUNG
Nguồn: Nhân Dân 

_____________
*  Thơ Hồ Thấu.
** Thơ, văn của Trần Mai Ninh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...