Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

“MINH TRIẾT ĐẤT ĐAI” CỦA NGUYỄN VŨ TIỀM

Và tôi tin, trong làng thơ hiện nay, ít có người dám sòng phẳng với mình, dám riết róng với mình, dám trung thực với chính mình và không ngừng làm mới mẻ mình như Nguyễn Vũ Tiềm…

Nhắc đến Nguyễn Vũ Tiềm là nhắc đến một người luôn hết lòng vì thơ và luôn  luôn vì thơ. Từ 1987 đến nay, ông đã cho xuất bản non 10 tập thơ và hai tập sách có liên quan mật thiết với thơ: “Đi tìm mật mã của thơ” và “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam”. Riêng “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” được coi là một công trình biên khảo, sưu tầm đáng được đánh giá cao, được bổ sung, tái bản nhiều lần. Và chắc chắn có nhiều thế hệ nhà thơ đã, đang và sẽ chịu ơn Nguyễn Vũ Tiềm vì công việc “đãi cát tìm vàng” trong thơ của ông. Đặt trong điều kiện: Vì nhiều lý do, thơ ít được nhiều người quan tâm như hiện nay (kể cả người trong giới), mới thấy cái tâm và cái sức của Nguyễn Vũ Tiềm đáng trân trọng đến nhường nào.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Gần đây nhất, tháng 9 năm 2015, ông lại cho xuất bản một tập hợp thơ mới mang tên rất lạ: “Minh triết đất đai”. Tập hợp thơ này có cả thảy 38 bài thơ ngắn, mở đầu bằng “Thư pháp gia” và kết thúc bằng “Gần và xa”.
   
Về mặt toàn bài, ta có thể kể tên: “Thư pháp gia”, “Minh triết đất đai”, “Bạn mới”, “Cuộc ra đi của những cuốn sách”, “Hải đăng không đèn”, “Bạn thủy chung”, “Tích tắc rượt đuổi”… trong đó có những khổ thơ, những câu thơ đã vượt qua (hoặc vượt lên) sức cảm, sức nghĩ, sự tưởng tượng thông thường, tạo nên sự bứt phá cần thiết, nhắm tới cái đích cao cả mà thi ca cần phải hướng tới. Có thể thống kê: “Tia nắng sớm cuốn theo hàng chữ thảo/ chịu đựng quá sức mình hỡi tờ giấy mỏng manh…/ những khuôn khổ bị phá vỡ/ giới hạn bị bước qua/ những khoảng cách trở về không khoảng cách/ cái gần gũi quanh ta bỗng hiện những chân trời” (“Thư pháp gia”); “Kết bạn với hư vô/ chuyện trò cùng im lặng/ bình luận về cái nhếch mép của siêu nhiên/ cái ngoéo tay của hai gã tai-ương và số-phận…/ Nào khoác vai trống vắng” (“Bạn mới”); “Khất thực trời: Hỷ xả/ khất thực vô cùng: Một chút hư vô” (“Năm trăm vị La Hán chùa Bái Đính”); “Tay lấm láp phù sa/ chính là lúc ngộ ra điều sạch sẽ” (“Minh triết đất đai”)… Đấy là những câu thơ như đập vào trí nhớ, gây cảm giác mạnh, làm người đọc như ngộ thêm một điều gì đấy thật cao xa.
   
Không phải ai cũng dám bước qua giới hạn. Không phải ai cũng dám “kết bạn với hư vô”, “khoác vai trống vắng”. Không phải ai cũng dám để “tay lấm láp phù sa” để “ngộ ra điều sạch sẽ”. Không phải ai cũng nghĩ đến việc “khất thực trời”, “khất thực vô cùng” để xin “hỷ xả”, để xin “cái vô cùng”.
   
Chính việc thoát ra mọi thói quen, mọi quan niệm cũ, mọi sự ràng buộc, mọi hệ lụy… mà Nguyễn Vũ Tiềm mới khác mình, khác người đến như vậy!

Trong cái hành trình tới đích, Nguyễn Vũ Tiềm chợt ngộ ra cái vô cùng của các con chữ. Bởi thế trong “Bản thể tôi lưu lạc quên về”- tên rất lạ của một bài thơ, ông mới đặt ra câu hỏi:

Trời xanh không dòng kẻ
mới là cánh đồng để chúng nẩy mầm chăng?
hay mạch nguồn nước mắt
giúp chúng nhìn thấu tận cõi không?

và  ông cũng có ngay câu trả lời bằng một câu hỏi khác:

Chúng đi tìm một tôi khác
ấy là bản thể tôi lưu lạc quên về?
   
Cũng có lúc, ông coi người làm thơ phải có một số phận và vai trò lớn lao. Và đi kèm là một cuộc phiêu lưu “năm ăn năm thua”, hoặc thành công, hoặc thất bại. Hay nói cách khác: Là sự trả giá. Bởi thế trong “Tìm ra châu Mỹ của riêng mình”, ông lại tiếp tục đặt ra câu hỏi:

Anh sẽ là một Cristốp Côlông
tìm ra châu Mỹ của riêng mình
hay sẽ ván đóng thuyền
tan nát?
   
Ấy là quan niệm về lao động nghệ thuật và bản chất của nghệ thuật. Và tôi tin, trong làng thơ hiện nay, ít có người dám sòng phẳng với mình, dám riết róng với mình, dám trung thực với chính mình và không ngừng làm mới mẻ mình như Nguyễn Vũ Tiềm.
 Bìa tập thơ Minh triết đất đai

Có cảm giác: Khi hòa vào cái “không”, Nguyễn Vũ Tiềm đụng chạm đến cái “có”. Khi hòa vào cái “có”, Nguyễn Vũ Tiềm lại đụng chạm đến cái “không”. “Không” đấy mà “có” đấy. “Có” đấy mà “không” đấy. Tựa như trong cái “có” đã có cái “không”. Và ngược lại. Chẳng thế mà đạo Phật từ ngàn xưa vẫn quan niệm: Sắc-sắc-không-không. Nhưng dầu có thế nào, chúng ta vẫn phải sống, phải vận động theo thời gian.
   
“Tích tắc rượt đuổi” minh chứng cho cảm giác này. Cũng có thể coi là một tứ thơ độc đáo (nguyên văn): “Tiếng tích tắc nhắc điều gì trắc ẩn/ đợi ta sau cánh cửa ngày…/ Gió thổi bi hài vào năm tháng/ một hào quang vừa mới hạ màn/ Những hàng cây lặng im/ gạt lệ/ thương cơn gió hôm qua gào thét mệt nhoài/ đang ngủ trong miền hoang tưởng./ Cái rét khoanh tay đứng ở ngoài/ nhường hơi ấm thiện lương bao quanh tiếng mõ/ con đường nào dẫn vào cõi không?/ Làm cách nào xóa đi cái có?/ Tiếng tích tắc gấp hơn/ những tháng năm rớt lại/ tôi thấy mình nhỏ hơn cái bóng/ bao ý tưởng lớn lao/ thoáng đã chìm vào vô tăm tích!/ biết đâu hậu thế đã có mặt ở nơi này trước mình nhiều lắm/ mình có còn là mình (thì hiện tại) nữa không? Nhưng biết làm sao được/ tôi vẫn tập đi bộ hàng ngày/ trên cao tốc thời gian.”
   
Đọc xong bài thơ này, tôi lại nhớ đến bài thơ có một cái tên thật giản dị ngỡ không thể giản dị hơn: “Chờ thay lốp xe” của B. Brecht – nhà thơ lớn nửa đầu thế kỷ 20 người Đức. Vô tình, có một sự gặp gỡ về mặt ý tưởng nào đấy giữa “Tích tắc rượt đuổi” và “Chờ thay lốp xe”. Một bên: Giản dị và sâu sắc. Một bên: Phức hợp và sâu sắc. Vì thế theo cách nói của ông Kim Woo Choong – người sáng lập Tập đoàn Daewoo (Hàn Quốc): “Thế giới vô cùng rộng lớn và còn nhiều việc phải làm”, tôi càng tin: “Thế giới thi ca vô cùng rộng lớn và còn nhiều việc phải làm”.
   
Dưới đây là nguyên bài “Chờ thay lốp xe” qua bản dịch của nhà thơ Bằng Việt:

Tôi ngồi xuống lề đường
Chờ người lái xe thay lốp mới.
Nơi tôi ở không còn gì chờ đợi
Nơi tôi đi cũng chẳng gì hơn!

Vì sao tôi vẫn bồn chồn
Chờ người thay lốp mới?

Hà Nội sáng 15.11.2015
ĐẶNG HUY GIANG

____________________________________

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sinh năm 1940 tại Hà Nội. Từng dạy học, làm báo Giáo Dục & Thời Đại, sáng lập tạp chí Tài Hoa Trẻ.

Hiện nay ông ở 49A/22 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0909 450 871. Email: vutiemnguyen@yahoo.com.vn.

Ngoài sở trường sáng tác thơ, Nguyễn Vũ Tiềm còn nghiên cứu lý luận phê bình văn học, viết bút ký và tiểu thuyết. 

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Nữ hoàng Trái Cây (tập thơ viết cho thiếu nhi, NXB Măng Non 1987).
Chia tay võ sĩ dế (tập thơ viết cho thiếu nhi, NXB Trẻ 1988).
Thức đợi hoa quỳnh (thơ, NXB Hội Nhà văn 1991).
Thương nhớ tài hoa (thơ, NXB Văn Học 1992, tái bản nhiều lần).
Người thám hiểm thời gian (thơ, NXB Văn hóa 1993)
May quá, lòng tốt vẫn còn đây (bút ký, NXB Văn hóa 1994, tái bản nhiều lần).
Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam (sưu tầm biên khảo, NXB Văn Học 2000 tái bản bổ sung nhiều lần).
Hoài nghi và tin cậy (thơ, NXB Hội Nhà văn 2004).
Đi tìm mật mã của thơ (tiểu luận, NXB Hội Nhà văn 2006).
Văn đàn bi tráng (trường ca, NXB Văn Học 2008).
Sương Hồ Tây - Mây Tháp Bút (thơ, NXB Hội Nhà Văn 2011).
Minh triết đất đai (thơ, NXB Hội Nhà Văn 2015)
- Hoàng Sa (thơ, NXB Hội Nhà Văn 2018)

Giải thưởng văn học:

- Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2015 với tập thơ Minh triết đất đai.
Theo NVTPHCM




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...