Nhà văn Umberto Eco
Chuyện kể lại, và nếu không có thật thì đây vẫn là một
câu chuyện hay, rằng Stalin từng hỏi Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn. Những sự kiện sau này đã chứng tỏ với
chúng ta rằng dù đúng là có quan trọng trong một số hoàn cảnh nhất định, các sư
đoàn không phải là tất cả. Có những lực lượng phi vật chất, không thể được đo đếm một cách chính xác, nhưng vẫn mang
sức nặng.
Bao quanh
chúng ta là những sức mạnh vô hình, và không chỉ là những giá trị tinh
thần được khám phá bởi các tôn giáo lớn trên thế giới. Sức mạnh của các phép
căn bậc hai cũng là một sức mạnh vô hình: những định luật cứng nhắc của chúng
đã tồn tại hàng thế kỉ, hơn không chỉ
những sắc lệnh của Stalin mà cả của Giáo hoàng. Và tôi sẽ thêm vào những sức mạnh
này sức mạnh của truyền thống văn chương; nói như vậy có nghĩa là sức mạnh của
mạng lưới văn bản mà nhân loại đã tạo ra và vẫn tạo ra không chỉ vì những
mục đích thực tiễn (như các hồ sơ, các bài bình luận về luật pháp và công thức
khoa học, biên bản các cuộc họp hay lịch trình tàu hỏa) mà, thay vào đó, là cho
vui, cho sự hưởng thụ của chính nhân
loại - và được đọc cho vui, để soi sáng tinh thần, mở mang kiến thức, và có lẽ
chỉ để giết thời gian, mà không có ai ép buộc chúng ta phải đọc (trừ khi chúng
ta có nghĩa vụ làm như vậy ở trường học hay trường đại học).
Đúng, vật chất
văn chương chỉ vô hình một phần, do chúng thường đến với chúng ta trên giấy. Nhưng ở một giai
đoạn chúng đến với chúng ta thông qua giọng nói nhờ truyền thống truyền khẩu,
hoặc được viết trên đá, trong khi ngày nay chúng ta đang nói về tương lai của
sách điện tử, thứ rõ ràng sẽ cho phép chúng ta đọc một tuyển tập truyện
cười hay Divine Comedy của Dante trên một màn hình tinh thể lỏng. Cho phép tôi
nói ngay rằng tôi không định dành cả tối nay cho vấn đề nan giải của sách điện
tử. Dĩ nhiên, tôi thuộc những người
thích đọc tiểu thuyết hay thơ trên sách giấy hơn, với những trang sách gập góc và
nhàu nhĩ mà tôi thậm chí sẽ nhớ, dù người ta bảo tôi rằng giờ đây có một thế hệ
tin tặc số, những người chưa từng đọc cuốn sách nào trong đời nhưng giờ được
thưởng thức Đôn Kihôtê lần đầu tiên nhờ sách điện tử. Một lợi ích rõ
ràng cho tâm trí họ nhưng với cái
giá khủng khiếp cho thị lực. Nếu các thế hệ tương lai có một mối quan hệ tốt (về
tâm lí và thể lí) với sách điện tử, sức mạnh của Đôn Kihôtê sẽ còn
nguyên vẹn.
Công dụng của sức mạnh vô hình mà chúng ta gọi là văn
chương này là gì? Câu trả lời rõ ràng tôi đã nói trên đây, tức là người ta dùng nó cho vui và do đó nó không
phải phục vụ bất cứ mục đích nào. Nhưng một quan điểm tách biệt như vậy về thú
vui của văn chương có nguy cơ sẽ hạ thấp nó xuống địa vị của chạy bộ hay trò
giải ô chữ - cả hai đều chủ yếu phục vụ cho một mục đích nào đó, chạy bộ là cho
sức khỏe cơ thể, giải ô chữ là mở rộng
vốn từ. Do đó cái mà tôi định bàn là một chuỗi vai trò của văn chương
trong cả đời sống cá nhân lẫn đời sống xã hội của chúng ta.
Trên hết, văn chương giữ cho ngôn ngữ sống sót như một di
sản chung của chúng ta. Theo định nghĩa, ngôn ngữ đi theo con đường của riêng
nó; không sắc lệnh nào từ trên cao, dù bắt nguồn từ các chính trị gia hay từ giới
học thuật, có thể ngăn chặn tiến triển của nó và bẻ nó theo các hướng mà họ cho là tốt nhất…
Ngôn ngữ đi
nơi nào nó muốn nhưng cũng nhạy cảm với những gợi ý của văn chương.
Không có Dante thì sẽ không có thứ tiếng Ý thống nhất nào. Khi, trong De
Vulgari Eloquentia, Dante phân tích và chỉ trích nhiều phương ngữ Ý khác nhau và quyết định tạo
ra một thứ “bản ngữ danh tiếng” mới, không ai bỏ tiền vào một hành động
cao ngạo như thế, vậy mà với The Divine Comedy ông đã thắng
ván cược của mình. Đúng là bản
ngữ của Dante mất vài thế kỉ mới trở thành thứ ngôn ngữ mà tất cả chúng ta đều
nói, nhưng nếu nó thành công thì đấy là nhờ cộng đồng những người tin vào nền
văn chương tiếp tục được truyền cảm hứng từ mô hình của Dante. Và nếu mô hình
đó không tồn tại thì ý tưởng về sự
thống nhất chính trị cũng không thể nào tiến triển. Có lẽ đấy là lí do vì
sao Bossi không nói một thứ “bản ngữ danh tiếng.”
…
Bằng cách giúp tạo ra ngôn ngữ, văn chương giúp tạo ra một
cảm quan về bản sắc và cộng đồng. Ban đầu tôi nói về Dante, nhưng chúng ta cũng
có thể nghĩ xem nền văn minh Hi Lạp có thể đã thế nào nếu không có Homer, bản sắc
Đức mà không có bản dịch Kinh Thánh của Luther, tiếng Nga mà
không có Pushkin, hay nền văn minh Ấn Độ mà không có những thiên sử thi nền tảng.
Văn chương cũng giữ cho ngôn ngữ cá nhân sống sót. Gần đây nhiều người than thở
về một thứ “ngôn ngữ điện tín” mới, áp đặt lên chúng ta qua thư điện tử và tin nhắn điện thoại, nơi người ta có
thể nói “Anh yêu em” bằng những biểu tượng tin nhắn ngắn; nhưng đừng quên những
người trẻ gửi tin nhắn dưới hình thức viết tắt mới ấy cũng là, ít nhất
là một phần, những người trẻ lấp đầy
các thánh đường mới của sách, các nhà sách nhiều tầng, và là những người, ngay
cả khi lướt qua một cuốn sách mà không mua, được tiếp xúc với những phong cách
văn chương được nuôi dưỡng và xây dựng mà cha mẹ họ, và chắc chắn là ông bà họ,
chưa bao giờ được tiếp xúc.
Mặc dù họ có số
lượng nhiều hơn so với độc giả thuộc các thế hệ trước, những người trẻ này rõ
ràng là một thiểu số trong sáu tỉ cư
dân trên hành tinh này; tôi cũng không đủ lí tưởng để tin rằng văn chương có thể
cứu giúp rất nhiều người thiếu thực phẩm và thuốc men cơ bản. Nhưng tôi muốn
nói điều này: những kẻ khốn cùng lang thang vô mục đích theo băng nhóm và giết
người bằng cách ném đá từ một cây cầu cao tốc hay châm lửa thiêu một đứa trẻ -
bất kể những người này là ai - thành ra như vậy không phải là do bị “tân ngôn”
máy tính làm suy đồi (họ thậm chí còn không được tiếp cận máy tính) mà
đúng hơn là do bị loại trừ khỏi vũ trụ của văn chương và khỏi những nơi mà, thông qua giáo dục và thảo luận, họ
có thể được một tia sáng chiếu đến từ thế giới của các giá trị bắt nguồn từ và
gửi chúng ta trở lại những cuốn sách.
*
*
*
Đọc tác phẩm
văn chương buộc chúng ta phải thực hành lòng trung thành và tôn trọng,
dù nằm trong một sự tự do diễn giải nhất định. Có một thứ dị giáo phê bình nguy
hiểm, điển hình của thời đại chúng ta, mà theo nó chúng ta có thể làm bất cứ điều
gì chúng ta muốn với một tác phẩm văn chương, gán vào nó bất cứ thứ xung lực
không thể kiểm soát nào sai khiến chúng ta. Điều này không đúng. Các tác phẩm
văn chương khuyến khích sự tự do diễn giải, bởi lẽ chúng cho chúng ta một diễn
ngôn có nhiều tầng lớp đọc và đặt trước chúng ta những mơ hồ của ngôn ngữ và của
đời sống thực. Nhưng để chơi trò chơi
này, thứ cho phép mỗi thế hệ đọc các tác phẩm văn chương theo một cách khác
nhau, chúng ta phải có một sự tôn trọng sâu sắc dành cho cái mà tôi đã gọi
ở nơi khác là ý định của
văn bản.
Một mặt, thế giới dường như là một cuốn sách “đóng”, chỉ
cho phép một cách đọc. Nếu, ví dụ, có một định luật điều chỉnh lực hấp dẫn của
hành tinh, thì nó hoặc là định luật đúng hoặc là định luật sai. So với điều đó,
vũ trụ của một cuốn sách với chúng ta dường như là một vũ trụ mở. Nhưng chúng ta hãy thử tiếp cận một
tác phẩm tự sự bằng lẽ thông thường
và so sánh những giả định mà chúng ta có thể đưa ra về nó với những giả định mà
chúng ta có thể đưa ra về thế giới. Xét về thế giới, chúng ta thấy rằng các định
luật vạn vật hấp dẫn là các định luật do Newton tìm ra, hoặc đúng là
Napoléon đã qua đời ở Saint Helena vào ngày 5 tháng 5 năm 1821. Tuy nhiên, nếu
giữ đầu óc cởi mở, chúng ta sẽ luôn chuẩn bị sửa lại niềm tin của mình vào cái
ngày mà khoa học thiết lập các định luật lớn của vũ trụ theo một cách khác, hay
một sử gia phát hiện ra các tài liệu chưa từng công bố chứng tỏ rằng Napoléon đã chết trên một con tàu
Bonapartist trong lúc cố gắng trốn thoát. Mặt khác, xét về thế giới của sách,
những mệnh đề như “Sherlock Holmes là người độc thân,” “Cô bé quàng khăn đỏ bị chó sói ăn thịt và sau đó được bác
tiều phu giải cứu,” hay “Anna Karenina tự sát” sẽ đúng mãi mãi, và sẽ
không ai có khả năng bác bỏ chúng. Có những người phủ nhận việc Jesus là con
trai của Chúa, những người khác nghi
ngờ sự tồn tại lịch sử của ngài, những người khác cho rằng ngài là đạo, là lí,
là đời, và vẫn có những người khác tin Messiah còn chưa đến, và bất kể chúng ta nghĩ thế nào về những
câu hỏi đó, chúng ta vẫn đối xử với những ý kiến trên một cách tôn
trọng. Nhưng có rất ít sự tôn trọng
dành cho những ai cho rằng Hamlet đã kết hôn với Ophelia, hay Superman
không phải là Clark Kent.
Các văn bản văn chương rõ ràng đem lại cho chúng ta nhiều
thứ mà chúng ta sẽ không bao giờ nghi ngờ, nhưng cũng, không như thế giới thực, đánh dấu bằng thẩm quyền tối thượng những
gì mà chúng ta sẽ coi là quan trọng trong đó, và những gì mà chúng ta
không được phép coi là một điểm khởi hành cho những diễn giải phóng túng.
Cuối chương 35
cuốn Đỏ và đen, Julien Sorel đến nhà thờ và bắn Madame de Rênal.
Sau khi quan sát thấy cánh tay Julien đang run rẩy, Stendhal cho chúng ta biết
nhân vật chính đã bắn phát đầu tiên và trượt. Sau đó anh ta bắn lại, và người đàn bà ngã xuống. Chúng ta có
thể cho rằng cánh tay run rẩy và phát đầu tiên trượt chứng tỏ Julien không đến nhà thờ với ý
định sát nhân kiên định, mà đúng hơn là bị kéo đến đó bởi một xung lực bốc đồng,
tuy mơ hồ có ý định. Một cách diễn giải khác có thể được đặt cạnh cách diễn giải
này, đó là Julien ban đầu đã có ý định giết người, nhưng anh ta là kẻ hèn nhát.
Văn bản này cho phép cả hai cách diễn giải.
Một số người
thắc mắc viên đạn đầu bay đi đâu - một câu hỏi hấp dẫn cho những ai hâm mộ
Stendhal. Cũng giống như các tín đồ của Joyce đến Dublin tìm quán thuốc
nơi Bloom mua một bánh xà phòng
hình quả chanh (và để thỏa mãn các cuộc hành hương văn chương này, quán thuốc, thực sự có tồn tại, đã bắt đầu sản
xuất lại loại xà phòng đó), tương tự ta có thể hình dung những người hâm mộ Stendhal cố gắng tìm cả
Verrières và nhà thờ trong thế giới thực, và sau đó xem xét từng trụ cột một để
tìm lỗ đạn. Đây sẽ là một ví dụ khá thú vị về nỗi ám ảnh của một người hâm mộ văn chương. Nhưng chúng ta hãy
giả sử rằng một nhà phê bình đặt toàn bộ diễn giải của anh ta về cuốn tiểu thuyết
lên số phận của viên đạn mất tích ấy. Trong thời đại như của chúng ta điều này
không phải là không thể. Có những người đặt cả cách đọc truyện ngắn “Purloined Letter” của Poe của mình
lên vị trí của lá thư so với bệ lò
sưởi. Nhưng trong khi Poe khiến vị
trí của lá thư có liên quan một cách rõ ràng, Stendhal lại bảo chúng ta
rằng không ai biết gì thêm về viên đạn đầu và do đó loại trừ nó khỏi địa hạt
suy đoán hư cấu. Nếu chúng ta muốn trung thành với văn bản của Stendhal thì
viên đạn đó đã biến mất mãi mãi, và cuối cùng nó ở đâu cũng hoàn toàn không
liên quan đến bối cảnh câu chuyện. Mặt khác, những gì chưa được nói trong Armance của Stendhal về chứng
bất lực tiềm tàng của nhân vật chính thúc đẩy độc giả đến những giả thuyết điên
rồ để hoàn thành những gì mà câu chuyện không nói cho chúng ta biết một
cách rõ ràng. Tương tự, trong I
promessi sposi của Manzoni, một cụm từ như “người phụ nữ bất hạnh trả lời”
không cho chúng ta biết chiều dài mà Gertrude đã đi trong tội lỗi của
mình với Egidio, nhưng quầng tối của
những giả thuyết dấy lên trong độc giả vẫn là một phần của sức hấp dẫn của đoạn
văn hết sức khiết tịnh và đầy tính che giấu này.
Ở đầu cuốn Ba
chàng lính ngự lâm chuyện kể rằng D’Artagnan đến Meung trên một con ngựa
mười bốn tuổi vào thứ hai đầu tiên của tháng 4 năm 1625. Nếu có một chương trình
máy tính tốt thì ta có thể lập tức biết được thứ hai đó rơi vào ngày 7 tháng 4.
Một miếng thông tin tầm thường ngon
cho những tín đồ của Dumas. Ta có thể dựa một diễn giải quá mức về cuốn tiểu thuyết
lên chi tiết này? Tôi sẽ nói là không, do văn bản không khiến chi tiết đó có
liên quan. Qua cuốn tiểu thuyết ta biết việc D’Artagnan đến vào thứ hai không đặc
biệt quan trọng - trong khi việc nó rơi vào tháng 4 thì khá liên quan
(ta phải nhớ rằng để che giấu chuyện cái dây đeo vai lộng lẫy của mình chỉ được
thêu ở đằng trước, Porthos phải mặc cái áo choàng dài bằng nhung đỏ thẫm, dù
mùa này không phù hợp - đến mức chàng ngự lâm phải giả vờ bị cảm lạnh).
Tất cả những điều này có vẻ khá hiển nhiên với nhiều người, nhưng những điểm hiển nhiên (và thường
bị lãng quên) như vậy nhắc nhở
chúng ta rằng thế giới văn chương truyền cảm hứng cho sự chắc chắn rằng có một
số giả định không thể nghi ngờ, và chắc chắn rằng văn chương do đó cho chúng ta
một mô hình của sự thật, tuy hư cấu. Sự thật chữ nghĩa này ảnh hưởng lên cái thường được gọi là những sự
thật thông diễn: bởi lẽ bất cứ khi nào ai đó cố gắng bảo với chúng ta rằng
D’Artagnan được thúc đẩy bởi một niềm đam mê đồng giới với Porthos, rằng
l’Innominato bị đưa đến cái ác bởi một mặc cảm Oedipus tràn ngập, rằng nữ tu xứ
Monza bị chủ nghĩa cộng sản làm tha hóa, như một số chính trị gia ngày nay sẽ
muốn gợi ý, rằng Panurge làm những việc anh ta làm là vì mối thù hận
đối với chủ nghĩa tư bản sơ khai, chúng ta luôn luôn có thể trả lời rằng không
thể nào tìm được trong những văn bản này dẫn chiếu về bất cứ tuyên bố, đề nghị,
gợi ý, hay ám chỉ nào cho phép chúng ta đi theo những diễn giải trôi nổi như vậy.
Thế giới văn chương là một vũ trụ trong đó có thể xác định được một độc giả có
cảm giác về thực tại hay không, hay là một nạn nhân của những ảo giác của chính
mình.
Các nhân vật có di chuyển. Chúng ta có thể đưa ra những
tuyên bố đúng về các nhân vật văn chương do những gì xảy ra với họ được ghi lại
trong một văn bản, và văn bản thì giống như một bản nhạc. Đúng là Anna Karenina đã tự sát, đúng như đúng là bản
giao hưởng số 5 của Beethoven nằm ở
cung Đô thứ (mà không phải ở cung Fa trưởng, như bản số 6) và bắt đầu bằng
“Son, Son, Son, Mi giáng trưởng”. Nhưng một số nhân vật văn chương nhất định -
chắc chắn không phải tất cả - rời bỏ văn bản sinh ra chúng và đi vào vũ trụ mà
chúng ta thấy rất khó phân định. Các nhân vật tự sự di chuyển, khi chúng may mắn,
từ văn bản này sang văn bản khác, và không phải những ai không di chuyển thì
khác biệt về mặt bản thể với những người anh em may mắn hơn của họ; mà chỉ là họ không có may mắn để làm như vậy,
và chúng ta không gặp lại họ.
Cả nhân vật
huyền bí lẫn nhân vật đến từ các câu chuyện “thế tục” đều di chuyển từ văn bản
sang văn bản (và thông qua sự chuyển thể thành những phương tiện khác, từ sách
đến phim hoặc đến ballet, hoặc từ truyền khẩu đến sách): Ulysses, Jason, Vua
Arthur hay Parsifal, Alice, Pinocchio, D’Artagnan. Bây giờ, khi nói về những
nhân vật như vậy chúng ta có nhắc đến một bản cụ thể nào không? Lấy ví dụ Cô bé
quàng khăn đỏ. Các bản nổi tiếng nhất, của Perrault và của anh em nhà Grimm, thể
hiện những khác biệt sâu sắc. Trong bản đầu cô bé bị sói ăn thịt và câu chuyện
kết thúc, gợi cảm hứng cho những suy tư đạo đức nghiêm túc về rủi ro của việc
không cẩn thận. Trong bản sau bác thợ săn đến, giết con sói, và giải cứu cô bé
và bà ngoại cô. Kết thúc có hậu.
Bây giờ chúng
ta hãy tưởng tượng một bà mẹ
kể câu chuyện này cho con nghe và dừng lại ở chỗ con sói nuốt chửng cô bé quàng
khăn đỏ. Bọn trẻ sẽ phản đối và đòi nghe câu chuyện “thật,” trong đó cô
bé quàng khăn đỏ được cứu sống, và sẽ là vô nghĩa nếu như người mẹ bảo rằng mình là một nhà ngữ văn
văn bản học nghiêm khắc. Bọn trẻ biết câu chuyện “thật,” trong đó cô bé quàng
khăn đỏ thực sự sống lại, và câu chuyện này gần với bản anh em nhà Grimm hơn bản Perrault. Nhưng nó cũng không trùng
khớp chính xác với bản Grimm, do nó bỏ qua một loạt các chi tiết nhỏ - mà Grimm
và Perrault bất đồng với nhau trong bất cứ trường hợp nào (ví dụ, cô bé quàng
khăn đỏ mang quà gì đến cho bà mình) - những chi tiết mà bọn trẻ hết sức
sẵn lòng thỏa hiệp, do chúng quan tâm đến một nhân vật mang tính lược đồ hơn
nhiều, biến động mạnh trong truyền thống, xuất hiện trong nhiều bản, và nhiều bản
trong số đó là truyền khẩu.
Do vậy cô bé quàng khăn đỏ, D’Artagnan, Ulysses, hay bà
Bovary trở thành các cá nhân có cuộc đời nằm ngoài bản gốc, và ngay cả những ai
chưa bao giờ đọc nguyên mẫu cũng có
thể đưa ra những tuyên bố chính xác về họ. Chưa đọc Oedipus Rex I tôi đã
biết Oedipus cưới Jocasta. Dù biến động
thế nào, các bản này cũng không phải là không thể xác minh: bất cứ ai nói bà
Bovary hòa giải với Charles và sống hạnh phúc mãi mãi cuối cùng cũng gặp
phải sự phản đối của những người có khả năng suy nghĩ thông thường, có cùng một
nhóm giả định về tính cách của Emma…
Một số nhân vật nhất định bằng cách nào đó đã trở nên
đúng với trí tưởng tượng tập thể vì qua hàng thế kỉ chúng ta đã đầu tư tình cảm
vào đó. Chúng ta đầu tư tình cảm vào rất nhiều giả tưởng, những thứ mà chúng ta nghĩ mãi về với
đôi mắt mở hoặc nửa tỉnh nửa mê. Chúng ta có thể cảm động với ý nghĩ về cái chết
của một người mà chúng ta yêu, hoặc trải nghiệm những phản ứng cơ thể khi tưởng tượng mình có mối quan hệ
tình ái với người đó. Tương tự,
chúng ta có thể cảm động với số phận của Emma Bovary thông qua một quá trình
đồng nhất hóa hoặc phóng chiếu, hoặc, như đã xảy ra với nhiều thế hệ, bị kéo đến
tự sát bởi những nỗi bất hạnh của chàng Werther hay Jacopo Ortis. Tuy nhiên, nếu
ai đó hỏi rằng người mà chúng ta nghĩ đến cái chết của họ đã chết thật chưa, chúng ta sẽ trả lời là chưa, rằng đó
chỉ là một ảo tưởng hoàn toàn riêng tư của chúng ta. Trong khi đó, nếu ai đó hỏi
có phải Werther đã thực sự tự sát, chúng ta sẽ trả lời phải, và ảo tưởng mà chúng ta đang nói đến ở đây không
hề riêng tư, nó là một thực tế mà toàn bộ cộng đồng độc giả đều đồng ý.
Đến mức bất cứ ai tự sát chỉ vì anh ta tưởng tượng (nhận thức rõ rằng đây chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của mình) người yêu mình đã chết thì chúng ta sẽ
đánh giá là điên, trong khi bằng cách này hay cách khác chúng ta lại cố biện
minh cho ai đó tự sát vì sự tự sát của Werther, biết rõ anh ta chỉ là một nhân
vật hư cấu.
Chúng ta sẽ phải
tìm một không gian trong vũ trụ nơi những nhân vật này sống và định hình hành vi của chúng ta đến mức
chúng ta chọn họ làm hình mẫu cho cuộc đời mình, và cho cuộc đời của những người
khác, để chúng ta có thể tỏ rõ chúng ta muốn nói gì khi nói rằng ai đó có mặc cảm
Oedipus hay thèm ăn như Gargantua, rằng ai đó cư xử như Quixote, ghen tuông như
Othello, đa nghi như Hamlet, bất trị như Don Juan, hoặc là một gã Scrooge. Và
trong văn chương điều này không chỉ xảy ra với các nhân vật mà còn với cả tình
huống và đối tượng. Vì sao mà những người phụ nữ đến và đi, nói chuyện về Michelangelo, những mảnh sành sắc nhọn
cắm trên tường dưới mặt trời rực rỡ của Montale, những thứ tốt đẹp mang phong vị
xấu của Gozzano, nỗi sợ mà Eliot chỉ cho chúng ta thấy trong một nhúm bụi, hàng
rào của Leopardi, những làn nước mát trong của Petrarch, bữa ăn thú tính của
Dante, lại trở thành những ẩn dụ ám ảnh, sẵn sàng bảo đi bảo lại với chúng ta rằng
chúng ta là ai, chúng ta muốn gì, chúng ta đang đi đâu, hay chúng ta
không phải là gì và chúng ta không muốn gì?
Những thực thể văn chương ấy tồn tại ở đây giữa chúng ta.
Chúng không tồn tại ở đó ngay từ đầu như (có lẽ) các phép căn bậc hai và định
lí Pythagoras, nhưng giờ đây khi chúng đã được văn chương tạo ra và được nuôi
dưỡng bằng sự đầu tư tình cảm mà chúng ta dành cho chúng, chúng có tồn tại và
chúng ta phải chấp nhận chúng. Thậm chí, để tránh các cuộc thảo luận bản thể luận
và siêu hình, chúng ta hãy nói rằng chúng tồn tại như một tập tính văn hóa, một khuynh hướng xã
hội. Nhưng ngay cả điều cấm kị phổ
quát là loạn luân cũng là một tập tính văn hóa, một ý tưởng, một khuynh hướng, và nó đã có
sức mạnh định hình số phận của các xã hội loài người.
*
*
*
Tuy nhiên, như
một số người khẳng định ngày nay, ngay cả những nhân vật văn chương lâu bền nhất
cũng có nguy cơ tiêu tan, di động, và dịch chuyển, mất đi cái tính cố định buộc
chúng ta thừa nhận số phận của họ. Chúng ta giờ đã bước vào kỉ nguyên của siêu văn bản điện tử, thứ
cho phép chúng ta không chỉ du hành qua một mê cung văn bản (dù là cả một bộ
bách khoa toàn thư hay là toàn bộ tác phẩm của Shakespeare) mà không nhất thiết
phải “làm sáng tỏ” mọi thông tin mà nó chứa đựng mà còn thâm nhập được
vào nó như một cây kim đan xuyên vào
một quả bóng len. Nhờ siêu văn bản, hiện tượng sáng tác tự do đã trở
thành hiện thực. Trên Internet bạn có thể tìm thấy những chương trình cho phép bạn viết truyện trong một
nhóm, tham gia vào những câu chuyện có kết cục có thể thay đổi vô cùng tận. Và
nếu có thể làm điều này với một văn bản mà bạn cùng nhau tạo ra với một nhóm những
người bạn ảo thì tại sao
không làm điều tương tự với những văn bản văn chương hiện có, mua những chương
trình cho phép bạn thay đổi những câu chuyện vĩ đại đã ám ảnh chúng ta hàng
ngàn năm?
…
Juri Lotman, trong Văn hóa và bùng nổ, bàn luận về lời
khuyên nổi tiếng của Chekhov, đó là nếu một câu chuyện hay một vở kịch đề cập
hoặc cho thấy một khẩu súng săn treo trên tường, thì trước khi kết
thúc khẩu súng đó phải nổ. Lotman gợi ý rằng vấn đề thực sự không
phải là khẩu súng có thực sự được dùng hay không. Chính việc chúng ta không biết
nó có được dùng hay không đã trao ý nghĩa cho cốt truyện. Đọc một câu chuyện tức
là bị một sự căng thẳng, một sự hồi hộp chiếm lấy. Khám phá ở hồi kết khẩu súng
đã nổ hay chưa chứa đựng không chỉ một
mẩu thông tin đơn giản. Nó là sự khám phá ra rằng sự việc xảy ra, và luôn luôn
xảy ra, theo một cách đặc biệt, bất kể người đọc muốn gì. Độc giả phải
chấp nhận sự thất vọng này, và qua nó cảm nhận được sức mạnh của số phận. Nếu bạn
có thể quyết định số phận của các nhân vật thì nó sẽ giống như đến bàn một nhân viên du lịch và anh ta nói: “Vậy
anh muốn tìm thấy con cá voi ở đâu, ở Samoa hay ở quần đảo Aleut? Khi
nào? Anh muốn là người giết nó hay để
Queequeg làm chuyện đó?” Trong khi bài học thực sự của Moby-Dick là con cá voi
thích đến đâu thì đến.
Thử nghĩ về mô tả của Victor Hugo về trận Waterloo
trong Những người khốn khổ. Không như mô tả của Stendhal về trận chiến
qua con mắt của Fabrizio del Dongo, người ở giữa trận chiến và không biết chuyện
gì đang diễn ra, Hugo mô tả nó qua con mắt của Chúa, nhìn từ trên cao. Ông nhận
thức được rằng nếu Napoléon biết có một con dốc xuống sau mỏm cao nguyên
Mont-Saint-Jean (nhưng người hướng dẫn
ông đã không nói với ông như
vậy) thì đội kị binh của Tướng Milhaud đã không chết dưới chân quân đội Anh; và nếu cậu mục đồng hướng dẫn
Blow đề xuất một lộ trình khác thì quân đội Phổ đã không đến kịp để quyết
định kết cục trận chiến.
Với một cấu trúc siêu văn bản chúng ta có thể viết lại trận
Waterloo, đưa quân Pháp của Grouchy đến thay vì quân Đức của Blucher. Có những
trò chơi chiến trận cho phép bạn làm
những thứ như vậy, và tôi chắc chúng rất thú vị. Nhưng sự lớn lao bi thảm của
những trang giấy của Hugo nằm ở quan niệm mọi thứ diễn ra theo cách của chúng,
và thường là bất chấp những gì mà chúng ta muốn. Vẻ đẹp của Chiến
tranh và hòa bình nằm ở chỗ nỗi đau của Hoàng tử Andrei kết thúc cùng
cái chết của anh, bất kể nó làm chúng ta tiếc nuối bao nhiêu. Điều kì diệu đau
đớn mà mỗi lần đọc những bi kịch lớn gợi lên trong chúng ta đến từ việc những
nhân vật chính của chúng, những người có thể đã thoát được một số phận tồi tệ,
vì yếu đuối hay mù quáng lại không nhận ra nơi mình đi đến, và lao vào một vực thẳm mà thường là họ tự đào bằng bàn tay mình. Dù sao
đó cũng là cảm giác mà Hugo truyền tải khi, sau khi cho chúng ta thấy những cơ hội khác mà Napoléon có thể đã nắm
được ở Waterloo, ông viết, “Napoléon có thể thắng trận chiến ấy không? Chúng
tôi trả lời là không. Vì sao? Vì Wellington? Vì Blucher? Không. Vì Chúa”.
Đây là tất cả những gì mà các câu chuyện lớn kể cho chúng
ta, dù chúng có thay thế Chúa bằng những quan niệm về số phận hay những định luật
không thể tránh khỏi của cuộc đời hay không. Chức năng của những câu chuyện
“không thể thay đổi” chính là thế này: chống lại mọi khát khao thay đổi số phận
của chúng ta, chúng khiến việc không thể thay đổi nó trở nên hữu hình. Và làm
như vậy, dù kể câu chuyện gì,
chúng cũng đang kể câu chuyện của chính chúng ta, và đó là lí do chúng ta đọc
chúng và yêu thích chúng. Chúng ta cần bài học “đàn áp,” nghiêm khắc của chúng.
Tự sự siêu văn bản có nhiều điều để dạy cho chúng ta về tự do và sáng tạo. Điều
đó rất tốt, nhưng không phải là tất cả. Những câu chuyện “được viết sẵn” cũng dạy
chúng ta chết như thế nào nữa. Tôi tin rằng một trong những chức năng chính của
văn chương nằm ở những bài học về số phận và cái chết ấy. Có lẽ còn những chức
năng khác, nhưng lúc này thì tôi chỉ nghĩ đến đây.
UMBERTO ECO
NGUYỄN HUY
HOÀNG dịch
Theo VNQĐ
______________
1. Bài diễn thuyết tại Liên hoan Văn học, Mantua, tháng 9
năm 2000. Nguồn: Umberto Eco, “On Some Functions of Literature,” in On
Literature, trans. Martin McLaughlin (Orlando: Harcourt, 2004), pp. 1–15.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét