Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

NHÀ VĂN THANH GIANG: MỘT TẤM LÒNG & TRANG VĂN ĐÁNG QUÝ

Không nổi bật như nhiều cây bút cùng thế hệ nhưng ông có những đóng góp không nhỏ với tư cách chiến sĩ và nghệ sĩ đáng quý…

Hơn một tuần sau ngày nhà văn Trang Thế Hy vĩnh biệt cõi trần “đi chỗ khác chơi” thì một nhà văn gốc Bến Tre khác là Thanh Giang cũng trở về hoá cát bụi quê hương. Bằng cuộc đời và trang viết chân thành từ trong máu lửa, nhà văn Thanh Giang đã có cách tồn tại riêng, góp tiếng nói riêng vào văn chương đương đại Nam bộ.
Nhà văn Thanh Giang

Bến Tre không chỉ sinh ra nhiều vị tướng lĩnh mà còn là quê hương của nhiều nhà văn trưởng thành từ trong chiến tranh như Lê Anh Xuân, Trang Thế Hy, Minh Khoa, Chim Trắng, Võ Trần Nhã, Thanh Giang,… Chẳng biết có “hẹn” trước hay không mà hai nhà văn lão thành người Bến Tre lại “rủ” cùng trở về vĩnh viễn nơi chôn nhau cắt rốn chỉ cách nhau mấy ngày trong tháng 12.2015: ông Trang Thế Hy ngày 8, còn ông Thanh Giang ngày 16.

Cuộc đời và sự nghiệp hai nhà văn đồng hương này có số phận, con đường văn chương khác nhau nhưng cũng có những nét tương đồng. Tên gọi quen thuộc của cả hai ông là bút danh chứ không phải tên thật do cha mẹ đặt. Trang Thế Hy tên khai sinh là Võ Trọng Cảnh, còn Thanh Giang là Lê Mai Sơn. Cùng quê Bến Tre, nhưng Thanh Giang sinh ngày 13.11.1930 ở huyện Mỏ Cày, nhỏ hơn 6 tuổi so với Trang Thế Hy sinh ngày 29.10.1924 ở huyện Châu Thành. Hai ông cùng sớm tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, sau Hiệp định Geneva năm 1954, đất nước bị chia cắt, ông Trang Thế Hy có giai đoạn được lãnh đạo cử về hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn và bị địch bắt giam hai năm rồi trở ra chiến khu; còn ông Thanh Giang sau thời gian tập kết ra Bắc đã trở về gắn bó xuyên suốt với bưng biền chống Mỹ, tham gia nhiều chiến dịch, tay súng tay bút lăn lộn khắp chiến trường trọng điểm cho đến ngày đất nước hoà bình thống nhất.

Năm 1975, hai ông cùng về sống và làm việc chủ yếu tại Hội Nhà văn TP.HCM. Đến năm 1992, ông Trang Thế Hy giã từ thành phố để “đi chỗ khác chơi”, lui về ở hẳn vườn dừa quê nhà Bến Tre cho đến cuối đời. Ông Thanh Giang thì vẫn gắn bó với căn nhà nhỏ đơn sơ được phân phối trên tầng thượng chúng cư giữa trung tâm thành phố này tới ngày nhắm mắt xuôi tay, cho dù những người con thành đạt muốn đưa vợ chồng ông về ở chung tại những căn nhà rộng lớn thoáng mát và thuận tiện hơn nhưng ông quyết không đi.

Nhìn bề ngoài, hai bậc cao niên gốc xứ dừa đều chơn chất, mộc mạc, hiền lành, nhân hậu và dễ gần. Nhưng sâu thẳm bên trong, có lẽ ông Trang Thế Hy sắc sảo, thâm thuý và quyết liệt hơn, còn ông Thanh Giang thì xuề xoà, bộc trực và nhẹ nhàng hơn. Điều đó cũng thể hiện qua trang văn của hai bậc lão thành đa năng. Ông Trang Thế Hy viết chậm viết ít và gai góc sắc cạnh, còn ông Thanh Giang viết nhanh viết nhiều và bình dị chân chất. Nghĩ về hai ông, tôi thường nhớ đến bài thơ Bông súng của Thanh Giang viết từ thời chiến tranh, trong ấy có đoạn:

“Bùn sâu năm tháng quen hơi
Thân dầm nước đứng cuộc đời thẳng ngay
Sương đêm rồi lại nắng ngày
Lá tròn mỏng mảnh che hoài đời anh...”

Hình ảnh đẹp, lãng mạn và tự tin “Thân dầm nước đứng cuộc đời thẳng ngay” của cây bông súng làm tôi có cảm giác như cũng “vận” vào cuộc đời của hai nhà văn đáng kính sinh ra từ vùng “bùn sâu” miệt vườn sóng nước Bến Tre!

Nhà thơ Nga Evtusenko từng viết rằng “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Mặc dù không nổi danh, được đánh giá cao như nhà văn đồng hương Trang Thế Hy hoặc Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức nhưng Thanh Giang cũng hợp cùng những Trần Thanh Giao, Mai Văn Tạo, Đinh Quang Nhã, Võ Trần Nhã, Anh Động,… có “số phận lịch sử” riêng mình, góp tiếng nói không thể quên vào văn chương đương đại vùng đất mới phương Nam.

Nhà văn Thanh Giang là người lao động nghề rất nghiêm túc và đầy đam mê. Suốt thời tuổi trẻ xông pha trận mạc, viết dưới mưa bom bão đạn, cho đến những năm tháng cuối đời ông vẫn miệt mài sáng tác và xuất bản tác phẩm. Không kể kịch bản phim, ông đã có hơn 20 tập tiểu thuyết, truyện ký và thơ đã được in, trong đó có những tác phẩm được tái bản nhiều lần. Càng lớn tuổi ông viết càng mạnh càng hay. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nhìn nhận chân xác về nhà văn Thanh Giang giai đoạn sau này: “Sáng tác của ông dần dần mở ra cho người đọc về hình ảnh thật của con người trong chiến tranh, từ người anh hùng trên trận tuyến chiến đấu trực diện với quân thù đến những người hậu phương cam lòng sống trong tầm đạn giặc. Dù viết về phía bên này hay phía bên kia, nhân vật trong truyện và ký của ông đã có hồn sắc hơn, không còn những nghĩ suy đơn giản mà đã dằn vặt, cắn xé nội tâm, đã nghĩa tình, chung thuỷ hơn trong hành động”.

Riêng về tiểu thuyết, nhà văn Thanh Giang đã xuất bản 7 cuốn: Vùng tranh chấp (1982; tái bản 2003), Dòng sông nước mắt (1989), Trăng lên vườn Bồ Đề (1995), Khúc chuông chùa (2001), Sông Hàm Luông (2005; tái bản 2009), Biệt ly huy hoàng (2011) và mới hai năm trước là Ngạc Xuyên hiền nhân (2013) viết về nhân vật lịch sử Ca Lê Thỉnh. Một sức làm việc vạm vỡ đáng nể. Trong đó, đáng chú ý có Khúc chuông chùa đã được trao Tặng thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN năm 2002, tiểu thuyết dày hơn 600 trang viết về ngôi chùa Tâm Sanh Tự xây từ một bãi rác ở giữa Sài Gòn trước năm 1975, mà theo nhận định của nhà văn Trần Thanh Giao: “Xét về mặt tìm kiếm cách thể hiện đề tài truyền thống thì Thanh Giang đã thu hút được độc giả khi pha trộn chuyện biệt động xuất quỉ nhập thần với một chút "trinh thám" (xã hội đen, bắt cóc, giải thoát…), một chút "chưởng" (lên núi xuống núi, đánh võ tay đôi…), tình yêu tay ba tay tư  (Huệ Linh - Gió Cát - Hoa Trang - Quang Minh - Hồng Sơn - Uyên Chi…) khiến cho cuốn tiểu thuyết thêm phần hấp dẫn...”. Tác giả cũng đã chuyển thể tiểu thuyết Khúc chuông chùa sang kịch bản phim và được Hội Điện ảnh TP.HCM trao giải...

Ngoài sáng tác, nhà văn Thanh Giang còn là một trong những người có ý thức phát hiện, nâng đỡ giới cầm bút trẻ. Ông đã thực hiện điều đó khi còn làm báo Văn Nghệ Quân Giải Phóng trên chiến trường, sau này ông tiếp tục sứ mệnh cao đẹp ấy khi phụ trách Trại Sáng tác và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM. Có thể nói trong khoảng hơn 20 năm kể từ khi đất nước thống nhất, Thanh Giang cùng Trần Thanh Giao là hai nhà văn nhiệt huyết hàng đầu trong việc phát hiện, bồi dưỡng các nhà văn trẻ, góp phần tạo nên một lực lượng cầm bút mới mạnh mẽ ở TP.HCM, đã và đang đóng góp quan trọng cho nền văn học.

Đêm 17.12.2015, đêm cuối cùng nhà văn Thanh Giang ở lại Sài Gòn để sáng hôm sau vĩnh viễn về với đất mẹ Bến Tre. Một số nhà văn từng là đồng đội, đàn em thân thiết của ông như Văn Lê, Trần Văn Tuấn, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Ngọc Mộc, Phạm Sỹ Sáu, Hoàng Đình Quang,… đã ngồi bên ông đến khuya. Trong đó, Trần Văn Tuấn và Văn Lê đã từng cùng Thanh Giang là ba nhà văn ở TP.HCM vốn xuất thân thời đánh Mỹ đã trở lại gia nhập quân đội tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979, sang giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng.

Tôi ngồi lặng lẽ nghe họ kể những kỷ niệm về ông, cả những thiệt thòi mà con người hiền lành như ông phải gánh chịu, tôi càng cảm thấy yêu quý một tấm lòng, một nhân cách hiếm có. Và trong tôi cứ chập chờn những câu thơ trong bài Mai tứ quý của ông: “Ai hay đâu một kiếp/ Ngắn ngủi chưa đầy ngày/ Cánh vàng bay ly biệt/ Để hồn buồn trong cây”! Nỗi buồn sáng trong của một kiếp người như ông đáng để hậu thế soi mình. Ông ra đi nhưng tấm lòng và trang văn sẽ mãi còn ở lại!

PHAN HOÀNG
Theo SGGP


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...