Nhà thơ Đinh Hùng
Trốn chạy vào
cõi vô thức để ngụp lặn trong bể khổ đau, Đinh Hùng tự giam mình vào
trong ngục tối của sự mặc cảm. Đinh Hùng đã bị mặc cảm giày vò tái tê từ thể
xác tới linh hồn. Giữa cuộc sống xô bồ giả tạo, kiếp người bơ vơ lạc lõng không tìm thấy chỗ dựa
tinh thần lẫn vật chất, cái gánh nặng áo cơm ghì sát đất khiến tâm hồn bị tổn thương và bi phẫn. Để giải thoát
nỗi đau đời, Đinh Hùng trốn chạy vào trong thi ca, lấy đó làm điểm tựa để tồn tại,
dầu biết rằng sự tồn tại ấy cũng chỉ là thoi thóp mà thôi. Nhưng dẫu sao thơ ca cũng là con đường thanh sạch nhất
để cứu rỗi linh hồn, trong khi xác thịt chứa đầy tội lỗi bi thương.
Với một tập
“Mê hồn ca”, Đinh Hùng bước vào làng Thơ mới với một hành trang rất nhẹ nhàng
giản dị, nhưng lại đủ sức nặng để ám ảnh người đọc một cách dai dẳng. Sau này với
tập thơ “Đường vào tình sử”, Đinh Hùng đã thực sự để lại cho đời những
áng thơ bất hủ. Chịu ảnh hưởng của các nhà thơ tượng trưng Pháp như Baudelaire, Rimbaud, Verlaine, Valéry, Mallarme… Nhất
là Baudelaire nhà phù thuỷ ngôn ngữ trong thi ca Pháp, con đường thơ ca của
Đinh Hùng có nhiều nét riêng. Được coi là nhà thơ Tượng Trưng trong phong trào
thơ mới, thơ Đinh Hùng có đầy đủ những đặc điểm của chủ nghĩa tượng trưng. Thơ
ông trau chuốt, gọt giũa, có nhiều ý hay lạ, nhiều hình ảnh và ngôn từ
quái dị, yêu ma... Và Tạ Tỵ đã gọi Đinh Hùng là nhà thơ với “cơn mê trường dạ”.
Trong “Thi nhân Việt Nam”, tác giả Hoài Thanh – Hoài Chân từng viết: “Những
tư tưởng mới và nhất là ảnh hưởng văn học Pháp ngày một thấm thía (…) Phương
Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta”.(1) Trong
Phong trào thơ mới, giáo sư Phan Cự
Đệ viết: “Nhìn chung từ 1936 trở về sau, trường phái tượng trưng được người ta chú ý hơn cả. Tại sao đây? … Cái chính vẫn là sự gặp nhau
của những tâm hồn trí thức bất mãn với xã hội, đau buồn, chán nản, u uất
khi phong trào cách mạng của quần chúng bị thất bại hoặc bị đàn áp dữ dội…”.(2)
Còn giáo sư Lê Đình Kỵ trong
Thơ mới những bước thăng trầm lại
cho rằng:“Nhưng không thể chấp nhận cuộc sống tầm thường, buồn tẻ như những người
xung quanh, do đó mà cảm thấy lạc loài, bơ vơ, đơn chiếc, dù sao, đó cũng là
cách quay lưng lại những chuẩn mực sống trong cái chế độ xã hội đáng
ghét lúc bấy giờ”.(3) Nỗi đau, cái buồn, trạng thái cô đơn vô vọng
là tâm thế chung của các nhà thơ mới
Việt Nam nói riêng và các nhà thơ tượng trưng Phương Tây nói chung. Đó chính là
sự gặp nhau của những tâm hồn trí thức mang nặng nỗi đau đời. Thơ Đinh Hùng
cũng không nằm ngoài tâm thế ấy. Cái buồn được thú nhận và đề cao trong thơ
Đinh Hùng, vì một khi nhà thơ
đã rút về với cái tôi mà không còn có điểm tựa nào khác thì cảm thấy bơ vơ lạc lõng. Đinh Hùng mang tâm tư của một kẻ lữ khách lạc loài nơi quán trọ
trần gian đầy bụi bặm này, phó mặc cho dòng đời luân lưu đưa đẩy, con
người như không biết trôi giạt về đâu. Chàng thi sĩ trẻ tuổi bước chân vào đời như đi trong cơn ác mộng. Nhìn
những dáng hình người đang lạc loài
ngay trên chính quê hương mình, người thơ đã vô cùng phẫn nộ: Miệng
quát hỏi có phải ngươi là bạn?/Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản/Mất
tinh thần từ những thuở xa xôi/ Ta về đây lạc hết các ngươi rồi/ Lạ tình
cảm, lạ đời chung cách sống (Bài ca man rợ).
Cảm giác sợ hãi đang đè nặng tâm can, hốt hoảng, giật
mình, bơ vơ, lạc lõng, Đinh
Hùng trốn chạy vào tình yêu, những mong tình yêu có thể cứu vớt linh hồn đang
khắc khoải. Nhưng rồi tình yêu có phải là nơi trú ẩn an toàn không khi mà Từ khi
thưa lạnh hương em,/ Ta đem phòng
làm cổ mộ, thì nhà thơ càng thấm
thía thời gian sinh mệnh đời người sao quá đỗi ngắn ngủi. Làm sao có thể chiến
thắng được thời gian đây, làm sao có thể thay đổi được quy luật của tạo hoá
đây. Thôi thì nếu không chiến thắng nó thì đành trốn chạy nó vậy, chỉ
còn một giải pháp, đó là vượt thoát
vào mộng ảo, mê hồn. Thi sĩ xáo trộn thời gian, xoá nhòa hiện tại, đẩy
nó về quá khứ xa xăm. Chỉ có như thế, nhà thơ mới mong tìm thấy được sự sống vĩnh hằng để băng bó vết thương tâm
hồn: Ta nhớ xưa: đêm thu trăng rụng tiếng
gà/Trăng vĩnh viễn khóc thời gian tình tự./Mây hay gió động nỗi niềm phong vũ/Bẩy
xứ Tình che lấp dáng khinh thanh (Trời ảo diệu).
Nhưng rồi vết
thương ấy có lành chăng khi tâm hồn vẫn đang hằng ngày hằng giờ rỉ máu. Chỉ có
cái chết mới mong hoá giải những nỗi sầu đang đè nặng trong hồn anh: Khi anh chết các Em về đây nhé/Vị chút tình lưu luyến với nhau xưa/ Anh muốn thấy các
em cùng nhỏ lệ/Tay cầm hoa, xoã tóc đứng bên mồ… (Cung đàn tưởng niệm)
Vì sao
Đinh Hùng lại có những vần thơ sầu não
như vậy. Phải chăng "Những cái
tang thuở thiếu thời, và sau này là cái chết của người yêu tên Liên đã ảnh
hưởng đến rất nhiều tâm tính của
Đinh Hùng, nên thơ anh thường đượm vẻ ảm đạm, bi thương..." (Huyền Viêm).
Không tìm thấy sự đồng điệu trong cuộc đời đầy bất trắc này, Đinh Hùng
tìm về chốn địa đàng hay đi vào cổ mộ theo tiếng gọi vô thức, tâm linh. Tìm về
nơi thế giới ảo mộng với một niềm
tin rằng tình yêu và sự sống sẽ mãi trường tồn, bởi trong thế giới ấy khái niệm thời gian không còn có ý
nghĩa: Bốn mùa trăng vào một hội chiêm
bao/Trong giấc ngủ đẫm mùi hương phấn lạ./Xa tục phố, đây bức tranh thần
hoạ/Lẫn sầu vui, ai nhớ tuổi sông hồ (Tìm bóng tử thần).
Tình yêu đối với thi nhân vô cùng thiêng liêng, nó được
xem như một thứ tôn giáo mà tác giả luôn tôn thờ: Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc/Mặc tay em định liệu kiếp ngày sau (Kỳ nữ).
Do vậy khi phải lìa xa vì cái chết, tác giả nát tan cõi lòng và thốt lên những
lời bi thiết: Trời cuối thu rồi – Em ở đâu?/Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?/Thu
ơi! Đánh thức hồn ma dậy/Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu (Gửi người dưới mộ).Những
câu thơ chứa đầy nỗi u sầu, thương nhớ, đưa chúng ta vào một thế giới liêu trai
ma quái, nhưng thấm đẫm tình
yêu. Bài thơ bộc lộ một cảm giác cô
độc đặc biệt đến bi thương. Đọc xong bài thơ Gửi người dưới mộ, chúng ta đều cảm
thấy rờn rợn trong hồn. Trong thơ Đinh Hùng ta thấy có một sự ám ảnh của thế giới
bên kia – cõi hư vô. Đinh
Hùng hay đề cập đến cái chết trong thơ mình, có khi là cái chết của người khác: Nàng
nằm mộng suốt đêm hè dưới nguyệt/ Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao./ Xa nấm
mồ, chúng ta cuồng dại hết/ Để yêu tà về khóc dưới non ca (Tìm bóng tử
thần), có khi là cái chết của người
mình hằng yêu dấu: Trời ơi
! Trời ơi ! Làn tử khí/Lạc lõng hương thầm đóa Bạch Liên (Cầu hồn), cũng có
khi là cái chết của chính mình: Anh
bơ vơ lạc trên đường thiên cổ/ Lạnh tâm tư, mờ tỏ ánh tinh cầu./ Mất anh rồi,
Các Em sẽ về đâu? (Cung đàn tưởng niệm).
Điều này không
những liên quan đến nhiều chuyện tang tóc bất bình thường trong thời gian ngắn liên tục đổ xuống đầu
tác giả thuở thiếu thời mà còn liên quan đến quan niệm mỹ học của các
nhà thơ tượng trưng, đó là nhà thơ
say mê nỗi buồn, sự đơn độc và cả cái chết. Các nhà thơ tượng trưng có thể tưởng
tượng say mê cái chết, nó là cái cớ để xây dựng nên một thế giới thẩm mỹ riêng,
vì theo họ cái chết cũng mang tính thẩm mỹ. Do vậy, ai đã từng đọc tác
phẩm Mê hồn cađều bị ám ảnh bởi những hình ảnh ma mỵ liêu trai, hoang sơ, man dại, chết chóc, lạnh lùng của chốn
trần gian lẫn chốn âm ty: Rồi ta đi khí
núi bốc trên lưng/Mắt hung ác và hình dung cổ quái/Trông thấy ta cả cõi đời kinh hãi (…) Người
và vật nhìn ta không dám nói/Chân lảng xa, từng cặp mắt e dè/Ta ngẩn ngơ
nhìn theo bóng ngựa xe/Nhìn theo mãi đến khi đời lánh cả/Và ta thấy hiện
nguyên hình sơn dã...( Bài ca man rợ).
Thơ Đinh Hùng
luôn bị ám ảnh bởi một thế giới siêu thoát, kinh dị, đầy sự chết chóc, lạnh lẽo
của chốn âm ty. Đó là thế giới của nỗi đau, niềm tuyệt vọng, sự cô đơn đang gặm
nhấm xác thịt lẫn tâm hồn. Ngôn ngữ thơ đầy cảm giác, ma quái, rùng rợn… đưa người đọc phiêu
diêu vào miền xa xăm huyền bí, đến những bến bờ xa lạ của cảm giác, của cõi
tiềm thức, hư vô… Đinh Hùng hiểu rất
rõ nỗi đau của mình, và ông tìm đến thơ tượng trưng như một sự cứu rỗi
trong linh hồn vì đây là “lối thơ
xoáy sâu vào chủ thể, lối thơ biểu hiện sự phản ứng đối với cuộc sống tầm thường
nhỏ nhen, vị kỷ, vị lợi trở thành có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với các nhà thơ Việt
Nam” (Nguyễn Hữu Hiếu).(4)
Bốn mươi tám
năm ở trọ trần gian, thi sĩ Đinh Hùng đã kịp để lại cho đời hai thi phẩm
lớn là “Mê Hồn ca” và “Đường vào tình sử”. Cuộc đời tuy khá ngắn ngủi nhưng ngược
lại tác phẩm lại có đời sống dài hơn
gấp bội phần. Đọc thơ Đinh Hùng ta nhận ra rằng trên suốt con đường thơ đầy nhọc
nhằn ấy, thi sĩ miệt mài tìm kiếm lại chính mình, tìm kiếm lại cái bản
ngã mà có lúc tưởng như bị nhoà lẫn
vào trong bức tranh nhân sinh đầy hỗn tạp. May thay, trên con đường tìm
kiếm ấy, Đinh Hùng không những tìm lại được chính cái bản lai diện mục của mình
mà còn khẳng định được chỗ đứng vững chãi trong cuộc đời vô thuỷ vô chung này.
VÕ THỊ THANH TÙNG
Khoa Ngữ văn Đại học
Thủ Dầu Một
Chú thích:
(1): Hoài Thanh – Hoài Chân (2003), Thi nhân Việt Nam, NXB
Văn học Hà Nội.
(2): Phan Cự Đệ (1982), Phong trào thơ mới. Nxb Khoa học xã hội.
(3): Lê Đình Kỵ (1993), Thơ mới những bước thăng trầm, NXB
TP. Hồ Chí Minh.
(4): Nguyễn Hữu Hiếu,Vấn đề tiếp nhận các yếu tố nghệ thuật của thơ tượng trưng
phương Tây trong Thơ Mới Việt Nam 1932-1945. Trang wed: http://www.hcmussh.edu.vn.
Nguồn: Tạp chí Sông Trà - số
41 năm 2012
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét