Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

NGHIỆP VĂN CHƯƠNG - CHA VÀ CON TRÚC CHI - KHÁNH CHI

Hai cha con giờ đã thành danh, đi sau mỗi cái tên là cả một sự nghiệp, nhưng sau thành công dầu lớn dầu nhỏ của cô con gái hình như luôn có bóng dáng lồng lộng của người cha. Cái duyên phận nghề cầm bút của chúng ta lạ kỳ là ở chỗ đó chăng! Mà rồi cái hạnh phúc trong cuộc đời một người cha cũng thật dung dị như thế chăng!
Hai cha con nhà thơ Trúc Chi và Khánh Chi

Chừng tháng 10 năm 2011, nhân có chuyến công tác ở TP. Hồ Chí Minh, hay tin nhà thơ Trúc Chi không được khỏe, hình như vẫn còn đang nằm viện, tôi liền điện thoại cho cô con gái “rượu” của ông là Khánh Chi để hỏi thăm tình hình. Nghĩ kỹ thì cũng không có gì là lạ lắm, năm nay ông đã kề bát thập rồi, vào tuổi ấy ai mà chẳng có tật này bệnh nọ. Khánh Chi xác nhận thông tin, thông báo sức khỏe của ba chị hiện tạm ổn, ông đã xuất viện vài ngày nay, và cuối cùng không quên nhắc đi nhắc lại là nếu tôi có đến thăm thì chớ nên gợi nhiều tới bệnh tật dễ khiến người già, người ốm mủi lòng lắm đấy. Tôi hiểu nỗi lòng của chị, liền thuê xe đi thẳng tới số nhà 187/10, Lầu 1, Phố Lương Nhữ Học, Quận 5. Đó là một căn hộ chung cư, ba phòng, có gác lửng, gọn và sạch, hiện chỉ có hai ông bà già ở, và công việc chính của họ là săn sóc, chiều chuộng lẫn nhau. Gặp tôi, tuy có đôi chút mệt mỏi thể hiện qua dáng điệu và gương mặt, ông vẫn gắng niềm nở trò chuyện, cứ như chẳng có chuyện gì nghiêm trọng vừa xảy ra cả. Ông còn khoe những thành quả viết lách và cả những dự định in ấn ở phía trước nữa. Tôi đặc biệt chú tâm tới bản thảo dầy cộp có tựa đề dự kiến là Thăng Long, nỗi niềm sông núi - Hồ Chí Minh, hương sắc hoa sen vốn là một tập sách chuyên bình về thơ, hiện đang chờ xin giấy phép xuất bản…

Khoảng nửa tiếng sau thì Khánh Chi xuất hiện, bảo nhà riêng của chị cũng gần đây thôi, lo công việc buổi sáng tạm ổn, tranh thủ tạt qua thăm ba má và tiếp tôi. Không trực tiếp lo việc nhà ba má nhưng chuyện lớn chuyện nhỏ chị đều biết cả, nghĩa là quán xuyến hết. Tôi để ý tới sự nũng nịu của cô con gái gần 50 tuổi đầu khi ngồi cạnh cha mình, cứ như thời trẻ trung, hồn nhiên cách đây ba bốn chục năm vậy… “Những ngày đầu tiên bước vào lớp Một, tôi theo ba về sơ tán ở một miền quê… Một lần về thăm lại nhà cũ ngay sát cảng Hải Phòng, tôi bắt gặp một hố bom ngay trước nhà, những cây cà chua con đã kịp mọc lên xanh um. Cái con bé sáu tuổi đầu mơ mộng, và suy nghĩ là tôi ngày ấy đã đứng bần thần trước vạt xanh ngọt ngào, mãnh liệt ngây thơ ấy…”. Tâm trí tôi chợt hiện lại những trang hồi ký tuổi thơ “xanh ngăn ngắt” ngày nào của chị. Và, rất tự nhiên, chưa bao giờ hình ảnh của hai cha con - hai người thơ lại tách rời, dầu chỉ là một khoảnh khắc trong tôi. Nhà thơ Trúc Chi sinh năm 1935, vốn ham mê văn chương từ trong máu, đã dạy con học thuộc làu làu nhiều câu ca dao quen thuộc cùng nhiều bài thơ nổi tiếng. Xin đọc tiếp những dòng hồi ức nóng hổi này: “Cứ như thế cho tới khi tôi bắt đầu, rất tự nhiên, khi đã biết vạch nên những con chữ là tôi biết ghép vần, biết tưởng tượng, điều kỳ diệu của tuổi thơ tôi bắt đầu như thế: tự mình làm nên một thế giới, một thế giới có màu sắc, có âm thanh, có hình ảnh. Một thế giới không có biên giới thực lẫn hư. Trò chơi đó của tuổi thơ tôi đẹp đẽ lung linh không thể nào có gì so sánh nổi”. Để rồi vào một ngày đẹp trời, nhà thơ Trinh Đường - bạn văn của ba Khánh Chi xuống Hải Phòng, mang về Tòa soạn một số bài thơ của cô bé, rồi ưu ái giới thiệu trên mặt báo Văn nghệ. Thơ chị lập tức trở thành một “hiện tượng” từ đó…

Cách đây hơn một năm, trên báo Văn nghệ công an Xuân Nhâm Thìn, tôi có đọc bài Phỏng vấn nhà thơ Trần Đăng Khoa. Anh Khoa nhớ lại: “Tôi là người mang bảy tập bản thảo của Khánh Chi từ Tp. Hồ Chí Minh chuyển cho nhà thơ lớn Xuân Diệu và rất muốn ông viết lời giới thiệu, như ông đã từng ưu ái nâng đỡ tôi. Không ngờ Xuân Diệu té tát mắng tôi: "Thơ thế mà cậu khen được à? Lại còn khoe: Ôi em tôi giỏi quá! Em tôi mới có bảy, tám tuổi mà đã có chửa đây này…". Sau rồi Tố Hữu khen, ông mới viết, nhưng vẫn rất khe khắt”. Mặc dầu rất quý Trần Đăng Khoa nhưng thú thật tôi không thật tin lắm vào những lời này. Nhiều người biết Khánh Chi làm thơ từ rất sớm, lúc mới có 6 tuổi. Tập Gửi gió về cho nội (1978) được Xuân Diệu ưu ái viết Lời giới thiệu dài tới 13 trang. Tôi không quên được những đánh giá này: “Nhưng điều mà chúng ta nhận thấy là một Khánh Chi trí tuệ, giàu trí tưởng tượng khiến người đọc phải suy nghĩ”. Rồi: “Những bài thơ em Khánh Chi, mặc dầu tuổi rất ít, thiên về khái quát, và ở nhiều trường hợp khái quát cao…”. Nếu nhà thơ Xuân Diệu chỉ làm theo ý tình của người khác thì chắc sẽ không viết dài và nồng đến vậy. Có nâng đỡ, mà cũng rất khách quan. Tuy nhiên, ý nghĩ sau của Trần Đăng Khoa thì lại hoàn toàn xác đáng: “Có người cũng bảo, thơ Khánh Chi trẻ con đọc không thích. Tôi rất ngạc nhiên. Tại sao lại cứ lấy cái thị hiếu trẻ con để làm cái thước đo Khánh Chi? Chúng ta đã từng có bao nhiêu nhà văn cao tuổi viết cho trẻ con, thì cũng nên chấp nhận có một thi sĩ ở lứa tuổi trẻ con nhưng lại viết cho người lớn đọc. Khánh Chi là một trường hợp như thế”.

Tôi chia sẻ với những nhận xét đó của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhất là của nhà thơ Xuân Diệu. Chỉ xin nêu ra một dẫn dụ: bài thơ Bầu trời và cỏ của Khánh Chi (Số 2 Tạp chí Thơ 2006). Tôi khá bất ngờ trước những vần thơ viết về bầu trời của chị. Một câu thơ có sức bao quát: Người rộng lớn nên thành cao cả quá. Tư duy thơ mà như tư duy luận lý. Diễn dịch. Hoàn toàn diễn dịch, mà không hề trừu tượng, khô khan. Sau khi đưa ra một nhận xét chung, người viết liền diễn giải cụ thể phạm trù mỹ học được chủ động sử dụng: đó là cái cao cả. Đây là cái vẻ mơ mộng của đất cùng cái vẻ thiết tha của biển khi bầu trời và mặt đất thật sự giao hòa: Trăng tròn đến để đất vừa mơ mộng/ Cánh cung liềm lại làm biển thiết tha. Còn đây là trạng thái không cùng và huyễn hoặc trong tương quan giữa bầu trời với cuộc sống và tầm nhìn của con người: Người vô cùng thoáng qua cửa ngôi nhà/ Người huyền ảo lại thu vào tận mắt. Phạm trù cái cao cả được triển khai tiếp theo cứ như một “luận văn” khoa học thực thụ. Mà lôi cuốn. Mà khơi gợi. Tưởng như đến vô cùng, vô tận… Chỉ có cỏ làm tôi gần gũi nhất/ Bàn chân đi trong cỏ chẳng sợ gì/ màu xanh cỏ là màu da diết/ Khi trên kia trời quay bão thổi/ Dưới này cỏ nghiêng cho đất yên lành/ Và tuyết xuống tự trời cao khỏa lấp/ Cỏ tuy vùi nhưng không mất hồi sinh. Và đây là lời kết: Lưng tôi kề cỏ làm tấm thảm xanh/ Ấy là lúc tôi nhìn điều cao cả/ Bất chợt thấy bầu trời xanh màu cỏ/ Cánh chim bay cũng dáng cỏ bình yên.

Trên giá sách của tôi hiện có Tuyển thơ 1945-1985 của Nhà xuất bản Giáo dục. Mới đọc tưởng là lạ, nhưng nghĩ lại thì cái lạ tự nhiên bay biến mất: Khánh Chi đã có mặt trong tuyển thơ này. Nên nhớ chị sinh năm 1965. Như vậy, lúc đó nữ nhà thơ của chúng ta mới 20 tuổi đời. Thế là chị đã nổi tiếng rồi. Có vậy mới lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển chọn khe khắt nhất chứ! Nhà xuất bản Giáo dục vào thời ấy kia mà! Lại vào lúc in được một bài thơ trên mặt báo Văn nghệ đã là thật sự danh giá. Chỉ khi đã tạo nên tư cách một tác giả mới tính tới chuyện in thơ thành tập. Thường là gộp hai ba nhà thơ trước rồi mới có thể dần dà đứng thành tên riêng. Có nghĩa là thành một “cõi riêng”. Rồi sau rốt mới tính chuyện đi vào các tuyển… Tuyển thơ trên chọn bài Chiều, em ra ngoại thành. Nhớ nhất là những vần thơ sau: Chiều xuống nhẹ như chân chim… Chiều như ngôi chùa trang nghiêm/ mây trắng như khuôn mặt bụt… Và cái khổ kết này nữa: Chiều ngoại thành trong veo/ Em múc vào thau rửa mặt/ Cây lúa hai tay bới tóc/ Làm cả buổi chiều xôn xao… (10/1975).

Tôi cứ không sao rời khỏi ý nghĩ này: Hai cha con giờ đã thành danh, đi sau mỗi cái tên là cả một sự nghiệp, nhưng sau thành công dầu lớn dầu nhỏ của cô con gái hình như luôn có bóng dáng lồng lộng của người cha. Cái duyên phận nghề cầm bút của chúng ta lạ kỳ là ở chỗ đó chăng! Mà rồi cái hạnh phúc trong cuộc đời một người cha cũng thật dung dị như thế chăng!

Đà Lạt, 5.2013
PHẠM QUANG TRUNG
Theo NVTPHCM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...