Học giả Nguyễn Văn Vĩnh
Cuốn sách đầu tiên
Nhắc tới Nguyễn Văn Vĩnh, nhiều thế hệ độc giả lớp trước
hẳn sẽ nhớ tới những tác phẩm dịch thuật tiêu biểu từ tiếng Pháp của ông như Tuyển tập những bài thơ ngụ ngôn của
La-phông-ten, Những kẻ khốn nạn của Vích-to Huy-gô và Ba chàng ngự lâm pháo thủ của Alếchxanđrơ
Đuy-ma (cha). Trong cuộc đời mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã làm chủ bút tới 7 tờ báo,
nhưng có một điều đáng chú ý, cho tới giờ, vẫn chưa có bất cứ một cuốn sách
nào giúp độc giả hôm nay tiếp cận với hệ thống trước tác của ông. Theo thống
kê của ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, trong đời
mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết tới 2500 bài báo, riêng trong tờ Nước Nam mới, tờ
báo tiếng Pháp và cũng là tờ báo cuối cùng Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút, ông đã
viết tới 500 bài. Theo nhiều ý kiến đánh giá của các chuyên gia tiếng Pháp và
của cả chính người Pháp, những bài báo đó đã được Nguyễn Văn Vĩnh viết bằng
một thứ tiếng Pháp hết sức điêu luyện và giàu tính nghệ thuật.
Thực trạng tồn tại nhiều ý kiến đánh giá không thống nhất
và đôi khi hàm chứa nhiều cảm tính về trường hợp Nguyễn Văn Vĩnh đã là động lực
thôi thúc ông Nguyễn Lân Bình quyết tâm tổ chức biên soạn bản thảo cho các cuốn
sách in lại toàn bộ trước tác của Nguyễn Văn Vĩnh. Theo dự kiến ông Bình chia
sẻ, sẽ có khoảng 9 tập sách với các chủ đề khác nhau mà lúc sinh thời, học giả
Nguyễn Văn Vĩnh đã bàn bạc khá kỹ lưỡng như: thiết chế làng xã, phụ nữ, in ấn –
xuất bản, văn hóa, phong tục tập quán, giáo dục, v.v… Với tập sách đầu tiên, đã
hoàn thành bản thảo và có giấy phép xuất bản, dự kiến ra mắt độc giả vào tháng
7 tới, ông Nguyễn Lân Bình đặt cho nó tên gọi Lời của người man di hiện đại.
Đây chính là cuốn sách tập hợp 26 bài viết liên tục của học giả Nguyễn Văn
Vĩnh trên báo Nước Nam mới bàn về các vấn đề liên quan tới thiết chế làng xã.
Viết báo để người
Pháp hiểu văn hóa Việt
Năm 1921, Nguyễn Văn Vĩnh nhận làm chánh hương hội danh dự
cho ngôi làng vốn là quê hương ông, làng Thượng Dực, phủ Hà Đông, trước là huyện
Thường Tín, bây giờ là Phú Xuyên, Hà Nội. Ở vị trí này, cộng với óc quan sát và
vốn tri thức, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết một loạt bài bàn về những vấn đề liên
quan tới thiết chế làng xã. Nhiều nhà nghiên cứu khi đọc những bài viết này đã
cho rằng, Nguyễn Văn Vĩnh có tư tưởng chống đối thực dân Pháp, nhưng lại cũng
có ý kiến đề xuất hướng suy nghĩ khác. Chẳng hạn, dịch giả Trịnh Lữ, người đã
từng say mê các bản dịch từ Pháp văn sang Việt văn của học giả Nguyễn Văn Vĩnh
cho rằng, mục đích của cụ Vĩnh khi viết những bài báo đó cốt là muốn những
người Pháp đang nắm quyền cai trị tại các làng xã Việt Nam cần phải hiểu văn
hóa làng xã, thiết chế làng xã, để từ đó không can thiệp hay làm phá vỡ những
giá trị vô cùng tốt đẹp mà phải mất hàng ngàn năm người Việt mới gây dựng
được.
Chẳng hạn trong bài đầu tiên, ông lý giải thế nào được gọi
là một cái làng. Ông giải thích rất rõ “làng” trong tiếng Tây là thế nào, dưới
làng là gì, giới hạn một làng là như thế nào, hết làng thì đến xóm, dưới xóm là
ngõ. Ông cũng phân tích luôn về những quy định chia cắt địa lý đó ở một cái
làng vào thời điểm lịch sử tương ứng của Việt Nam. Không chỉ vậy, Nguyễn Văn
Vĩnh còn chỉ ra, với một cái làng, ngoài việc được phân chia về địa lý, còn có
những định chế riêng về quản lý hành chính. Khi đề cập tới chuyện này, Nguyễn
Văn Vĩnh lên án chính quyền thuộc địa. Ông cho rằng, việc có những hương, lý,
kỳ, mục, kỳ hào, đinh tuần như ở làng xã Việt Nam thời đó đã có từ thời nhà
Chu. Nhưng khi người Pháp có mặt ở Việt Nam, để thuận lợi cho việc cai trị, họ
đã làm hỏng hoàn toàn hệ thống quản lý hành chính này. Từ đó, người Pháp đã đẩy
rất nhiều người nông dân muốn tìm đến vị trí quản lý hành chính ở làng xã, đầu
tiên là vì danh (mà bản chất người nông dân là rất háo danh), sau đó đi đến chỗ
kèn cựa (mà bản chất của người nông dân là nhỏ nhen, do điều kiện, phương thức
tồn tại của họ) đã làm hỏng hoàn toàn ý nghĩa đích thực của bộ máy quản lý
hành chính. Không chỉ thế, trong phần này, học giả Nguyễn Văn Vĩnh còn chỉ ra
rất rõ cách tổ chức và phân bổ quyền lợi ra sao đối với hệ thống hương lý, đinh
tuần. Chẳng hạn, trong một làng, nếu có 100 mẫu ruộng thì 100 mẫu đó được phân
chia cho canh tác như thế nào. Bao nhiêu mẫu cho nhà chùa, bao nhiêu mẫu cho hoạt
động cộng đồng, bao nhiêu mẫu cho hệ thống an ninh (tức là đinh tuần), bao
nhiêu mẫu mà sản lượng của nó để nuôi bộ máy hành chính chứ không hề có lương của
nhà nước. Và cụ Nguyễn Văn Vĩnh có giải thích, để chia được các khoản tài chính
đó, người ta dựa vào nguyên tắc nào. Tuy nhiên, đó là những gì diễn ra trước
khi người Pháp vào Việt Nam. Còn khi người Pháp có mặt, họ đã làm hỏng điều
này.
Quan sát cách người Pháp nhìn nhận và đánh giá về làng ở
Việt Nam, học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng nhận ra những điểm cần phải làm rõ.
Chẳng hạn, ông thấy khi người Pháp nhìn thấy một ngôi chùa trong làng thì họ
cho rằng làng đó theo đạo Phật, hay khi thấy ngôi đình thì lại kết luận làng đó
theo đạo Khổng. Rồi khi thấy có nhà thờ thì người Pháp lại khẳng định làng đó
theo Công giáo. Ông cho rằng, người Pháp sẽ cảm thấy vô cùng hoang mang khi chứng
kiến, có những làng sẽ có tất cả những hạng mục công trình tín ngưỡng như
chùa, đình và nhà thờ. Bởi họ không hiểu một điều, theo cụ Vĩnh xác định, tôn
giáo ngàn đời truyền thống của người Việt Nam là đạo thờ tổ tiên. Nhưng trong
phong cách thờ tổ tiên của người Việt, có nhiều phương thức, vô tình lại trùng
hợp với tín ngưỡng của Phật giáo, vì thế, người ta bảo rằng, người Việt Nam
theo đạo Phật.
Tư tưởng vượt thời
đại
Gần 100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh, trong những bài báo
của mình, đã lưu ý tới vấn đề nhập cư.
Điều này thể hiện rất rõ trong các quy định chia ruộng căn cứ theo đầu người và
định ra các suất đất canh tác. Chẳng hạn, nếu ai đó ở nơi khác vì thấy điều kiện
canh tác ở làng này tốt hơn chỗ mình, có thể xin làm dân ngụ cư. Nếu làng đó đồng
ý, họ sẽ cấp đất cho người này trồng trọt, nhưng người đó sẽ phải đóng thuế
cao hơn so với những người có khẩu trong làng. Cũng từ đó, cụ Vĩnh chỉ ra
tình trạng lạm dụng quyền lực của những người nắm giữ vận mệnh dân làng và cả
thói tinh ranh, ma quái của những người nhập cư đã làm hỏng đi rất nhiều đặc
điểm tốt đẹp trong phương thức tồn tại của một cái làng.
Ngày hôm nay, trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ
21, chúng ta đang đau đầu trước rất nhiều vấn đề nảy sinh của công cuộc đô thị
hóa. Nhưng ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, trong các bài viết về làng xã
của mình, cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã chạm tới vấn đề đô thị hóa. Cụ phân tích rõ về
tác động của vấn đề này tới đời sống nông thôn ra sao. Theo học giả Nguyễn Văn
Vĩnh, bản chất của người nông dân vốn rất ngại làm ruộng. Do đó, ngay khi có
hơi hướng của sự đô thị hóa, lập tức sẽ rất nhiều người nghĩ tới chuyện đi làm
công nhân. Họ sẵn sàng làm thuê cho những người ở nơi khác đến chỉ để thoát khỏi
cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, tất
cả những nghiên cứu của ông viết trong thời gian đó đều phục vụ một mục đích
duy nhất, cụ mong muốn, nhà cầm quyền (tức chính quyền thực dân) hãy mở to mắt
lên để nhìn vào thực tế của nông thôn Việt Nam. Từ đó, hãy bỏ đi những áp đặt
mang tính cứng nhắc với các quy định đặt ra cho người nông dân, để không chỉ giữ
lại bản sắc của người nông dân Việt Nam, mà còn tránh đi những khủng hoảng và đổ
vỡ về sau.
Cái nhìn phương
pháp luận
Ngoài 26 bài bàn về thiết chế làng xã, ông Nguyễn Lân
Bình còn đưa thêm 3 bài khác, trong đó, cụ Nguyễn Văn Vĩnh lý giải một hiện tượng
rất thú vị. Đó là chuyện, ở những vùng quê cấy được lúa mùa, phụ nữ đẹp hơn những
vùng chỉ cấy được lúa chiêm. Đồng chiêm theo cách gọi của người nông dân là đồng
trũng. Theo học giả, ở những vùng cấy được lúa mùa thì vụ mùa là vụ chính. Tới
dịp Tết, tiết trời lạnh, hiếm mưa, khan nước, người nông dân vùng này không
phải chịu cảnh lội ruộng khổ sở cấy lúa. Vì lẽ ấy, họ ăn và chơi Tết thảnh
thơi hơn rất nhiều so với người nông dân vùng đồng chiêm trũng. Cũng từ đây mới
nảy sinh ra thói quen đã đi vào ca dao, dân ca: “Tháng giêng là tháng ăn chơi –
Tháng hai cờ bạc tháng ba rượu chè”. Nhưng hẳn nhiên người dân đồng chiêm
không thể bắt chước được người dân vùng cấy lúa mùa. Vì dù họ có làm lụng cực
nhọc, vất vả hơn rất nhiều thì sản lượng thu về cũng không thể bằng đồng mùa.
Chính vì sự khó nhọc của khí hậu và địa lý đó mà phụ nữ ở đồng chiêm thường xấu
và cũng ít tài lẻ hơn phụ nữ ở đồng mùa. Và cũng nhờ cái sự thư thả của đồng
áng mà theo cụ Nguyễn Văn Vĩnh, phụ nữ ở đồng mùa cũng thích những chuyện cầu
cúng, hội hè như lên đồng, đi chùa, đi hội hơn.
Chưa hết, cũng ở 3 bài này, học giả Nguyễn Văn Vĩnh còn
bàn về cách thực hiện hoạt động tài chính rất độc đáo của người tiểu thương
Việt Nam. Cụ so sánh việc này với hệ thống tài chính của người Pháp để xét sự
giống và khác giữa chúng. Cụ giải thích rất cụ thể chuyện lập bát họ, chơi họ,
những điều kiện cần đảm bảo khi lập bát họ là gì, ai là người được cầm cái
của bát họ, cách gọi những thành viên tham gia bát họ là như thế nào, mức độ
đóng góp của mỗi người bao nhiêu, việc chiết khấu trong mỗi bát họ được thực
hiện ra sao, trong trường hợp bát họ bị vỡ, việc hoàn trả lại tiền cho người
chơi cần làm thế nào, v.v… Từ việc chỉ ra cụ thể những điều đó, cụ so sánh việc
chơi họ của tiểu thương người Việt với hệ thống tài chính của các nước phương
Tây và kết luận, lối kiếm tiền của những người chơi họ ở nông thôn Việt Nam
không thua kém gì về mặt lợi ích, tức khả năng sinh sôi lợi nhuận của đồng tiền,
nhưng lại rất phù hợp với điều kiện sinh hoạt, lối sống, phong tục tập quán của
người Việt Nam. Không những thế, cụ Vĩnh còn chỉ ra sự vận dụng một cách áp đặt
và cứng nhắc của bộ máy hành xử pháp chế mà người Pháp đem vào Việt Nam khi xử
lý một vụ kiện tụng liên quan tới chuyện vỡ bát họ.
Với những quan sát và phân tích sắc sảo, mang tính phương
pháp luận về các vấn đề liên quan tới thiết chế làng xã ở Việt Nam ở đầu thế kỷ
20, giai đoạn nước ta đang nằm trong ách cai trị của chính quyền thực dân
Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh đã khẳng định những giá trị đặc sắc về mặt tổ chức rất
quan trọng trong ngôi làng Việt, đơn vị hành chính có tính cốt lõi của xã hội
Việt Nam truyền thống. Đặt trong bối cảnh hôm nay, không thể phủ nhận, đó là
những tư tưởng mang tầm thời đại. Và theo chúng tôi, có không ít những giá
trị trong các tư liệu trước tác của Nguyễn Văn Vĩnh sẽ cần được tìm hiểu kỹ
lưỡng, để không chỉ đánh giá về ông công bằng hơn, mà còn góp phần gợi mở
trong việc tổ chức quản lý của đời sống cộng đồng hôm nay.
DƯƠNG KIM THOA
Nguồn: VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét