Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

GIÓ ĐÃ THỔI TRONG THƠ PHAN HOÀNG

Nếu như ở tập “Thay đổi thói quen” (2012), thơ Phan Hoàng lúc nào cũng ngùn ngụt lửa và nói theo triết gia Đức Nietzsche thì đấy là sự “hủy diệt để sáng tạo” thì đến “Bước gió truyền kỳ” thơ Phan Hoàng lúc nào cũng bạt ngàn và ào ạt gió. Cho dù vẫn biết bản chất của gió là “sinh ra từ khoảng trống và chạy vào khoảng trống”, nhưng khi gặp “gió Phan Hoàng” hoặc gió thổi ra từ những câu thơ của Phan Hoàng từ “Bước gió truyền kỳ”, độc giả vẫn thấy chưa hết lạ…
Hai nhà thơ Đặng Huy Giang và Phan Hoàng ở Sơn Tây 2.2012

Năm 1940 của thế kỷ trước, tướng Huỳnh Văn Nghệ đã tạc dấu ấn của mình trong làng thơ bằng một tác phẩm để đời: “Nhớ Bắc”. Mà cả bài “Nhớ Bắc” chỉ cần hai câu: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”thôi, là đủ. Ấy là nỗi nhớ có một bề dày của một công cuộc mở cõi “từ độ mang gươm”, có gốc rễ từ nhiều năm về trước của công cuộc “mở cõi”, bằng cảm xúc của một người như được sinh ra từ thuở nả thuở nào. Rồi từ trời (Nam) mà ông nhớ đất (Thăng Long). Tất nhiên, vào thời điểm viết được hai câu xuất thần ấy, Huỳnh Văn Nghệ đã hóa thân vào bao nhiều thế hệ người trước ông, có tâm thứ, tâm trạng và tình cảm giống ông, mà hạ bút.
    
Đã 74 năm qua, hai câu thơ này được nhiều người nhớ và cứ lưu truyền nhau mãi để nhớ. Dẫu họ có nhớ nhầm thành “ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” thì tinh thần của hai câu thơ, cái hay của hai câu thơ, chiều kích của hai câu thơ, vẫn không có gì thay đổi.
     
Cả một sự nghiệp mở cõi lớn lao, dài lâu mà gói được cả vào hai câu thơ ấy, thì thật là tài tình. Ngẫm lại mới thấy: Thơ nhiều khi có sức mạnh ghê gớm, không phải là chuyện gì hoang đường quá.
    
Sau nhiều năm, trên thi đàn lại xuất hiện một trường ca có xuất phát từ lịch sử mở cõi, hay nói chính xác hơn là lấy cảm hứng từ lịch sử mở cõi bằng con mắt và trái tim của người hôm nay, mà viết. Rồi những câu thơ như cuộn vào nhau, cuốn nhau đi theo một vệt thăng hoa của cảm xúc trong một không gian có thể nói là vô bờ bến. Trường ca ấy mang tên “Bước gió truyền kỳ” (NXB Hội Nhà văn, quý 1 - 2016)
    
Nếu như ở tập “Thay đổi thói quen” (2012), thơ Phan Hoàng lúc nào cũng ngùn ngụt lửa và nói theo triết gia Đức Nietzsche thì đấy là sự “hủy diệt để sáng tạo” thì đến “Bước gió truyền kỳ” thơ Phan Hoàng lúc nào cũng bạt ngàn và ào ạt gió. Cho dù vẫn biết bản chất của gió là “sinh ra từ khoảng trống và chạy vào khoảng trống”, nhưng khi gặp “gió Phan Hoàng” hoặc gió thổi ra từ những câu thơ của Phan Hoàng từ “Bước gió truyền kỳ”, độc giả vẫn thấy chưa hết lạ.
   
Thi nhân là vậy.  Cái khác của thi nhân này với thi nhân kia, cũng là vậy. Chính sự khác biệt của cá tính của từng người mà tạo ra cá tính của ngòi bút của mỗi người. Và theo tôi, trong trường hợp của “Bước gió truyền kỳ”, Phan Hoàng đã không chỉ hướng ra ngoài, mà đã hướng vào trong (lòng mình) mà viết. Đấy cũng là cõi riêng và thói quen không lặp lại theo kiểu vòng xoáy trôn ốc của Phan Hoàng.
     
Ngay từ lời gần như là mở đầu, Phan Hoàng viết: “Cảm ơn người mở cõi/ hóa thân bước gió truyền kỳ”. Lời gần như là mở đầu ấy, đã cho chúng ta hiểu “bước gió truyền kỳ” thực chất là gì và tại sao người viết lại cám ơn?
Trường ca “Bước gió truyền kỳ” và các tác phẩm khác của Phan Hoàng

Rồi những câu: “Mỗi ngọn gió bay mở một con đường/ mỗi con đường lao đi bí ẩn như ngọn gió” đã hé lộ cái đích đến ở câu sau: “Đắp bồi hình hài đất nước”, “Phất cờ mở rộng biên cương”. Đó cũng là “ngọn gió tiên phong mở đường” và “những con đường” đều “mang hình ngọn gió”, mà tất cả làm nên bởi: 

máu
máu
máu
mở cõi
máu
máu
máu
giữ nước.
   
Và trong máu ấy đương nhiên là của “lớp lớp người người/ ta cày tay cuốc/ lớp lớp người người/ tay chèo tay lưới” từ gốc rễ và từ truyền thống.
   
Sự chuyển động, di dời, luân chuyển không ngừng của gió đã làm nên bước gió hoặc những bước gió, không nhìn thấy được, nhưng cảm thấy được, nghe thấy được và điểm danh được. Đó là “Bước gió Nguyễn Hoàng/ Bước gió Lương Văn Chánh, Bước gió Nguyễn Hữu Cảnh” và nhiều người khác, cùng với bước gió của “những đoàn quân vô danh” “những lưu dân vô danh”, “những nghệ sĩ vô danh”, “những mỹ nữ vô danh”“nhập hồn xóm làng/ nhập hồn sông suối/ nhập hồn núi rừng/ nhập hồn biển đảo…” Đó là bước gió tên người, còn đây là bước gió mang tên đất (địa danh):

gió Hát Giang
gió Bạch Đằng
gió Như Nguyệt
gió và gió…
gió Diên Hồng
gió Chương Dương
gió Hàm Tử
gió Chi Lăng
gió Đống Đa
gió Rạch Gầm
gió Điện Biên
gió Trường Sơn
gió Trường Sa
gió và gió…
   
Những lớp lớp người trong đoàn quân gió hùng hậu ấy mang trong mình nỗi buồn lớn lao (có thể được trộn lẫn vào niềm vui lớn lao), không dễ có, chỉ có người trong cuộc mới có được: “nỗi buồn ngọt ngào gió chướng phương Nam se se cay đắng/ nỗi buồn li hương dựng mới quê hương”.
   
Trong “Bước gió truyền kỳ” ấy, ít ra ông cha ta cũng đã “chống chọi mười bốn cuộc xâm lăng/ chống chọi mười bốn lần giông tố biên cương” mà chỉ để “giành lại từng dấu chân giao chỉ”, thì quả là hết sức dân tộc và thiêng liêng. Nói theo Phan Hoàng một cách biểu tượng thì mọi cuộc giữ nước đều vì “giành lại từng dấu chân giao chỉ”. Đi kèm với mười bốn cuộc ấy là những bi kịch phải trả, là “mười bốn cuộc chia li không dám hẹn ngày về/ không dám bày tỏ nỗi nhớ niềm thương/ không biết cha con đối đầu/ không ngờ anh em bắn nhau…” Bởi thế mà thi nhân mới: “Khóc những sinh linh chưa kịp trọn hình hài hóa những vì sao mồ côi/ khóc những gái trai chưa một ngày vợ chồng vẫn phiêu bồng khao khát/ khóc những cỏ cây vươn xanh trở lại từ núi sông cắt chia hoang phế/ khóc những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại dòng giống tiên rồng”…
   
Trong “Bước gió truyền kỳ”, một lần nữa, Phan Hoàng định nghĩa lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm thật cụ thể: “Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn/ mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương”.
    
Đan xen trong “Bước gió truyền kỳ”, ta bắt gặp những câu thơ tình tứ, dan díu và nặng lòng. Những câu thơ ấy cũng không dễ viết. Hình như chúng sinh ra để tạo ra những “điểm  ngắt”, “quãng ngắt”, đồng thời cũng là “điểm thở”, “quãng thở” trong thơ vậy. Cùng lúc, chúng là “nhu”, làm “mềm” một trường ca đậm chất “cương” hoặc cơ bản là “cương” cần phải có.
    
Đó là:

em làm vợ ta làm chồng
yêu nhau thì cứ bềnh bồng bập bênh
    
Đó là:

Tây nam gắt nắng dầm mưa
Ta về gió chướng cũng vừa dọc ngang.
Mây thênh thang nước thênh thang
Không em mây nước bẽ bàng buồn trôi.
    
Xét về mặt nội dung, trường ca “Bước gió truyền kỳ” thực chất là một tráng ca. Còn xét về mặt hình thức, trường ca “Bước gió truyền kỳ” rất mở. Mỗi khúc, mỗi đoạn của nó có thể đứng độc lập, nhưng một khi được kết nối, nó tạo ra sự gắn kết, sự tiếp nối. Theo tôi, đây chính là đóng góp của Phan Hoàng về mặt thi pháp cho thơ nói chung và thể loại trường ca nói riêng trong thi ca Việt Nam hiện đại.

ĐẶNG HUY GIANG
Nguồn: Báo Nhân Dân


TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ KHÁC:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...