Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

TRÔNG VỀ NGÀN HỐNG, NHỚ UY VIỄN TƯỚNG CÔNG!

Nói đến xứ Nghệ, không thể không nhắc đến hai bậc chân tài lừng danh ở đất Nghi Xuân, dưới chân dãy Ngàn Hống (Hồng Lĩnh) uy nghi kéo dài ngó ra hữu ngạn dòng Lam biêng biếc xanh, đó là Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ. Hai người hơn kém nhau 13 tuổi. Hai ngôi làng Tiên Điền và Uy Viễn chỉ cách nhau chừng một khúc “dao quăng” thôi. Một người là đại thi hào Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới; một người vừa là thi nhân độc đáo và là tướng quân giỏi đánh đông dẹp bắc, vừa lại có tài kinh bang tế thế, được dân chúng đời đời thờ phụng.
Chân dung lụa danh nhân Nguyễn Công Trứ

Tài hoa, văn võ song toàn

Nguyễn Công Trứ tự Tồn Chất, hiệu Ngô Trai, biệt hiệu Hy Văn, quê ở làng Uy Viễn (nay là xã Xuân Giang) huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh trưởng trong một gia đình đại quan, thân phụ là Đức ngạn hầu Nguyễn Công Tấn (đời Lê) và thân mẫu là Nguyễn Thị Phan, ái nữ của quan Quản nội thị tược Cảnh Nhạc Bá ở Thường Tín, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông chào đời ngày 19-12-1778, tại tại Quỳnh Phụ, Thái Bình. Từ nhỏ Nguyễn Công Trứ đã nổi tiếng học giỏi, có tài thơ văn, tính cách phóng khoáng. Lên 11 tuổi, ông theo cha mẹ về sống ở Hà Tĩnh. Là người thông tuệ, năm Gia Long thứ 2 (1803), khi nhà vua xa giá ra Bắc, lấy tư cách là người dân, ông dâng tập “Thái Bình thập sách” (chính trị). Nhưng nghiệp “lều chõng” của Nguyễn Công Trứ lận đận, ngoài 40 tuổi, ông mới đậu Giải nguyên, nhận chức Hành tẩu Quốc tử giám. Từ đây, ông được bổ dụng giữ nhiều chức quan như Tri huyện, Lang trung, Tư nghiệp Quốc tử giám, Thị lang, Tổng đốc... Ông để lại gia tài gồm 150 bài thơ, văn đặc sắc (phần lớn bằng chữ Nôm) nhất là thể ca trù (hát nói).

Con đường hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ khá gập ghềnh, trắc trở, nhưng ông vẫn không chút ưu phiền. Cuộc đời ông ba chìm, bảy nổi, với bảy lần thăng, bảy lần giáng. Có lần từ Binh bộ Thượng thư (ngang với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bây giờ) ông bị giáng xuống làm lính trơn, quân tiên hiệu lực, chuyên cầm cờ lệnh chạy trước trận đánh. Cực nhọc vì gió to cờ lớn, phải cố đem hết sức bình sinh ra mới giữ được cán cờ. Lại cực kỳ nguy hiểm, vì mũi tên hòn đạn của đối phương đều nhắm trước tiên vào người cầm cờ!

Tương truyền, khi bị đưa đi làm lính thú ở một huyện sơn cước Quảng Ngãi, nơi có viên quan huyện vốn là học trò cũ của ông. Một hôm quan đi tuần bắt lính khênh kiệu. Thấy một người lính già vừa được phái đến có nét nhang nhác giống thầy học của mình, nhưng lại nghĩ không thể có chuyện trời sụp như này được, nên ông huyện đĩnh đạc lên kiệu. Người lính già vào kíp khênh kiệu đầu tiên. Dọc đường, mấy bạn lính cùng đi nói với ông, bấy lâu nghe bác đọc biết bác nhớ nhiều thơ hay, nay thử đọc vài bài nghe cho bớt nhọc. Thế là “Uy Viễn lính thú” ngất ngưởng mở lời. Nghe thơ và giọng đọc, viên tri huyện bắt đầu hoảng hồn. Đến khi nghe một anh lính lục vấn thơ ai mà hay rứa, ông bảo, thơ tau chứ còn thơ ai! Tri huyện vội vàng nhảy xuống đất và đến trước mặt thầy sụp lạy: Con không ngờ có chuyện này, nên đắc tội với thầy! Rồi anh ta nằng nặc mời thầy lên kiệu để mình khiêng một quãng để tạ tội thất lễ với thầy. Uy Viễn nghiêm mặt bảo không được, anh làm vậy là trái mệnh vua, mà mệnh vua là mệnh trời! Thấy trò cũ chần chừ, ông giục anh ta cứ lên kiệu, không sao cả. Khi làm quan ta không thấy vinh thì nay làm lính chẳng có gì là nhục! Vâng lời thầy, viên quan huyện đành lên kiệu nhưng bắt người lính khác khiêng, nhất quyết không để thầy mình vất vả.

Thời gian bị đày làm lính của cụ Thượng Trứ cũng không lâu, vì sau đó ở vùng Thái Bình nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành chủ xướng. Bấy giờ, quan quân không ai địch nổi nên triều đình buộc phải phục chức cho ông, một người vốn có tài thao lược, để ông chỉ huy đánh dẹp. Kết quả, Uy Viễn tướng công dùng kế “dĩ độc chế độc” bắt được “vua Bá Vành”, dẹp loạn, trả lại sự bình yên cho một vùng đất rộng lớn. Về công, tội xin hãy để cho lịch sử phán xét, chỉ biết là mệnh quan triều đình thì buộc phải tuân mệnh vua.
Bia và nhà thờ Uy Viễn tướng công ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Một tấm lòng trung, một đời vì xã tắc

Công lao của Nguyễn Công Trứ là “dời non lấp biển” vì sinh kế của dân. Có lẽ để tri ân vùng đất đã nuôi dưỡng mình thời thơ ấu, khi giữ mệnh quan triều đình, ông luôn đau đáu nỗi lo tìm sinh kế cho dân và lo an dân. Nguyễn Công Trứ đã rất thành công trong việc mộ dân, khẩn hoang, quai đê lấn biển, lập ra huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và huyện Tiền Hải (Thái Bình), biến nơi đây trở thành hai vùng đất trù phú. Ngay lúc sinh thời cụ Thượng Trứ, dân chúng ở các huyện trên đã cho lập sinh từ (thờ sống) để ghi nhớ ân đức của ông. Hằng năm, cứ đến lễ Hạ nguyên (rằm tháng Mười âm lịch), thì một đoàn tráng đinh từ Kim Sơn đem kiệu vào Nghi Xuân rước cụ Thượng ra Bắc; trong khi đó, một đoàn khác lo túc trực tại chân núi Tam Điệp. Hễ vừa nom thấy bóng kiệu rước thì lập tức cho người phi ngựa về cấp báo để dân chúng biết kéo ra đón, vời cụ về điện thờ, bái lạy tạ ơn. Vì ganh ghét với lòng dân dành cho người có công lớn, đám gian thần xúc xiểm và tâu đến tai vua Minh Mạng, rằng Nguyễn Công Trứ đang “thu phục nhân tâm, ủ mưu làm loạn!”. Từ bấy trở đi, ông đành từ chối mỗi lần được mời ra Bắc, để tránh cái vạ tru di tam tộc.

Tròn 70 tuổi mới được về hưu, ngót 10 năm, cụ Thượng Trứ chỉ quanh quẩn trong vùng. Mỗi lần ngao du, thay vì ngựa xe, ông thường “cưỡi bò vàng đủng đỉnh” vui thú tiêu dao. “Đồ môn giải tổ chi niên/ Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” (Bài ca ngất ngưởng). Tương truyền, con bò ông cưỡi là con bò cái. Nên mỗi khi ra ngoài, ông thường dùng tấm mo cau buộc che đít bò lại. Thấy lạ, nhiều người hỏi sao cụ lại làm vậy, ông cười nhẹ “để che miệng thế gian!”. Chẳng hiểu sao chuyện đến tai vua Tự Đức. Nhà vua bèn cho vời Nguyễn Công Trứ vào cung để hỏi chuyện. Vốn là người hay chữ, vua Tự Đức hỏi mấy năm khanh về hưu có bài thơ nào hay không? Ông tâu thơ tự làm thì không có, nhưng hạ thần có nghe được một số câu trong dân gian rất hay. Vua bảo đọc nghe coi. Ông đọc bài vịnh chiếc phản ngựa (miền Trung có nơi gọi là ghế ngựa). Đó là phiến gỗ rộng được bào láng, dùng làm phản để nằm vào mùa hè rất mát mẻ. Nhưng, theo Hán tự, thì “phản” có nghĩa là không trung thành. “Ngã lưng cho thế gian nhờ/ Vừa êm, vừa mát lại ngờ bất trung”.

Cũng có dị bản: “Ngã lưng cho thế gian ngồi/ Rồi ra lại nói những lời bất trung”. Bài thứ hai, vịnh chiếc máng nước. Là vật thường đặt giữa mái hai nhà (nhà trên và nhà dưới) dùng để hứng nước, nên bị mang tiếng là ăn ở hai lòng. “Ngay lưng cho thế gian nhờ/ Người mà không biết, trời đà biết cho”. Là đấng minh quân, vua Tự Đức hiểu ngay là Nguyễn Công Trứ có ý oán trách triều đình ngờ oan cho mình. Không những không giận, nhà vua còn khen hay và ban thưởng rất hậu hĩnh cho kẻ sĩ.

Là người tài hoa và phóng túng, cả công lẫn danh đều quán thế, Nguyễn Công Trứ luôn ý thức và đề cao vai trò cá nhân, trái ngược với tư tưởng an mệnh, thụ động chờ mệnh theo quan niệm Nho giáo. Từ sự nhận chân tài năng của mình, ông ý thức: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Ngông, nhưng đã là người chân tài, thiết nghĩ đâu cần phải giấu giếm. “Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng ngày tháng để dành chơi”. Đa tài nên đa tình. Hậu thế còn thích thú truyền mãi chuyện: “Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng”. Dễ gì quên được những câu thơ viết về nhân tình thế thái của ông: “Gớm chết nhân tình thế thái/ Lạt nồng coi chiếc túi đầy vơi”; “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược/ Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”. “Ra trường danh lợi vinh liền nhục/ Vào cuộc trần ai khóc trước cười!”. Nhưng khí phách của cụ Thượng Trứ thì còn mãi với nước non: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!”. Không chỉ “trước bạ thể hát nói vào lịch sử văn học” Uy Viễn tướng công cũng chính là người đưa nghệ thuật ca trù lên đỉnh cao của văn hóa dân tộc, neo giữ mãi trong lòng người.

Sách Đại Nam liệt truyện, tập 3, nhận xét về ông:Công Trứ là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn, càng giỏi về quốc âm, làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy ở trong âm luật; đến nay hãy còn truyền tụng. Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi được cất nhắc lên ngay; tỏ sức ở chiến trường nhiều lần lập được công chiến trận. Buổi đầu Trứ lĩnh chức doanh điền, sửa sang mới có trong một năm mà các việc đều có đầu mối, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, thành ra mối lợi vĩnh viễn. Khi tuổi già về nghỉ, tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thuỷ, trải sơn 10 năm có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật…”.

Nhưng như vậy không có nghĩa là Nguyễn Công Trứ toàn bích mà không có mặt hạn chế, bởi “nhân vô thập toàn”. Say mê gái đẹp nhưng Nguyễn Công Trứ lại có quan niệm quá ư khắt khe với phụ nữ. Hai thi hào họ Nguyễn cùng thời vậy mà mỗi người có một cách nhìn và thái độ khác nhau về thân phận nàng Kiều. Nếu cụ Tiên Điền “rỏ máu làm mực” viết nên kiệt tác “vô tiền khoáng hậu” là Truyện Kiều với sự cảm thông sâu sắc “Người sao hiếu nghĩa đủ đường/ Kiếp sao chịu những đoàn trường thế thôi”, thì Uy Viễn trong bài “Vịnh Kiều” lại khác hẳn. Sự “kết án” của Nguyễn Công Trứ đối với nàng Kiều rất nặng nề. “Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa/ Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”… Nói đi phải nói lại. Từ xửa xưa, người Trung Quốc có câu thành ngữ: “Trí giả thiên lự tất hữu nhất thất”. Nghĩa là bậc tài trí đến đâu trong một ngàn lần suy nghĩ cũng phải có một lần sai!

Tuy nhiên, cùng với tài và tình nức tiếng, tót vời, hậu thế ít ai sánh kịp và điều đáng kính trọng ở Nguyễn Công Trứ là ông luôn trải tấm lòng son với đất nước. Mùa thu năm Mậu Ngọ (1858), liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Trước họa xâm lăng, bất chấp tuổi đà bát thập, Nguyễn Công Trứ vẫn tha thiết xin cầm quân đánh giặc. Thấy ông tuổi cao, sức yếu, vì vậy triều đình nhà Nguyễn không chấp thuận. Và chỉ vài tháng sau thì ông tạ thế tại quê nhà Nghi Xuân.

Tháng 12-2018 này, trên quê hương Hà Tĩnh diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 240 năm sinh và 160 năm ngày mất của Nguyễn Công Trứ, một tài năng độc đáo, người khai sinh thể loại hát nói và đưa thể loại này lên đỉnh cao. Trên hết cả một đời, tin rằng hậu thế sẽ còn mãi nhớ ông như một cây thông rễ sâu, gốc cả, lừng lững trên đỉnh non Hồng. Vâng, cội rễ bền, dời chẳng động, ấy là cụ Thượng Nguyễn Công Trứ!

NGUYỄN MINH NGỌC
_______________________________

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc còn có các bút danh Lan Chi, Đức Nguyện. Ông sinh ngày 30 tháng 8 năm 1957, quê quán làng Quang Dụ, xã Đức Quang, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tháng 4 năm 1975, đang học phổ thông thì nhập ngũ. Cuối năm 1975, về Quân chủng Phòng không - Không quân. Học đào tạo sĩ quan chính trị tại Trường Sĩ quan Không quân (1980-1983), từng là Trưởng ban Tuyên huấn Nhà trường. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế (1987-1991).

Từ năm 1997, ông chuyển sang làm biên tập văn xuôi Tạp chí Nha Trang thuộc Hội VHNT Khánh Hoà. Cuối năm 2004, Bộ Quốc phòng điều động về Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, phụ trách Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Biên tập viên NXB QĐND và Tạp chí Văn hóa Quân sự. Quân hàm Đại tá.

Hiện ông thường trú tại: 2/26 Quốc lộ 13, Khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc là Phó ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khoá IX, Phó ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh khoá VII (2015-2020).

Tác phẩm đã xuất bản:

Cành mận trắng (tập truyện, Nxb Thanh Niên, 1997);
Một thời và mãi mãi (tập ký, Nxb Hội Nhà văn, 2001);
Một cõi ấu thơ (truyện dài, Nxb Kim Đồng, 2002);
Bay đêm (tập truyện, Nxb QĐND, 2002);
Đất thiêng (truyện dài 2 tập, Nxb Trẻ, 2003);
Chị Ngần (tập truyện, Nxb Kim Đồng, 2004);
Trong nắng gió Trường Sa (tập ký, Nxb QĐND, 2006);
Người đàn bà trước biển (tập truyện, Nxb QĐND, 2007);
Cao hơn bầu trời (Kịch bản phim truyện, 50 tập, Hãng Phim Giải phóng, 2012);
Đất lành (tập truyện, Nxb QĐND, 2014); 
Một thoáng đất và người (tập ký, Nxb QĐND, 2014)

Giải thưởng văn học:

- Giải Nhì truyện ngắn Cây bút vàng (1996-1998) của Hội Nhà văn VN và Bộ Công an.
- Giải Nhất cuộc thi ký Khánh Hoà xưa và nay của Hội VHNT Khánh Hoà.

Quan niệm văn học:

Tôi được sinh ra ở một cái làng nhỏ bên bờ sông Lam hiền hòa mà dữ dội. Tuổi thơ tôi lấm láp phù sa, chen lẫn trong đó là bom đạn mù trời của giặc Mỹ. Giờ đây, ba phần tư cái làng quê ấy đã vĩnh viễn chìm lỉm dưới đáy dòng Lam biêng biếc xanh. Nỗi đau và niềm tiếc nuối ấy đã thôi thúc tôi cầm bút với ước muốn tái hiện và lưu giữ lại cho các con tôi chút hình bóng của quê cha đất tổ. Ám ảnh trong các trang viết của tôi bao giờ cũng là hình ảnh người lính với tất cả chiều kích của họ, và những người phụ nữ phải gánh chịu nhiều hy sinh mất mát trong chiến tranh. Chắc chắn tôi sẽ còn viết mãi về họ với tất cả tình yêu và lòng kính trọng

Nguồn: NVTPHCM/
Blog Văn chương phương nam


TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ KHÁC:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...