Nhà thơ Hoàng Thanh Hương
1. Sự tồn tại của trường nghĩa Tây Nguyên trong Mùa
gió hát của Hoàng Thanh Hương
Khảo sát tập thơ Mùa gió hát của tác giả
Hoàng Thanh do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc phát hành năm 2013 với 30 bài thơ,
chúng tôi nhận thấy dấu ấn văn hóa Tây Nguyên thể hiện rất rõ. Trong 30 bài thơ
có 23 bài viết về đề tài Tây Nguyên, có chứa các từ ngữ xuất hiện thành trường
từ vựng ngữ nghĩa đề cập về mảnh đất, con người Tây Nguyên với những nét văn
hóa đặc trưng cho vùng đất đỏ bazan. Còn những bài khác dù viết về đề tài thế sự,
hay viết về hoài niệm quê cũ,… thì ít nhiều từ ngữ chỉ về Tây Nguyên vẫn xuất
hiện. Điều này nói lên Hoàng Thanh Hương – một người phụ nữ tuy không sinh ra
trên vùng nắng gió đại ngàn nhưng lại rất gắn bó với mảnh đất, con người và văn
hóa Tây Nguyên - đã để lại dấu ấn Tây Nguyên qua lớp từ ngữ thơ ca. Bởi vậy bài
viết này người viết chỉ sơ lược tìm hiểu trường từ vựng ngữ nghĩa do lớp từ ngữ
phản ánh văn hóa Tây Nguyên trong Mùa gió hát của Hoàng Thanh
Hương.
2. Khái niệm về trường nghĩa (trường từ vựng ngữ
nghĩa, trường từ vựng)
Trường từ vựng ngữ nghĩa là một khái niệm trong từ vựng học.
Theo Đỗ Hữu Châu: tính hệ thống về ngữ nghĩa của từ vựng thể hiện qua
những tiểu hệ thống trong lòng từ vựng và quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ riêng lẻ
thể hiện qua quan hệ giữa những tiểu hệ thống ngữ nghĩa chứa chúng. Mỗi
tiểu hệ thống là một trường ngữ nghĩa. Đó là một tập hợp từ đồng nhất với nhau
về ngữ nghĩa (Từ vựng ngữ nghĩa Tiếng Việt). Và
theo Nguyễn Như Ý: Trường từ vựng là một tập hợp các đơn vị từ vựng căn
cứ vào một nét đồng nhất nào đó về ngữ nghĩa. Vậy, các từ trong một trường
nghĩa luôn có quan hệ với nhau về ý nghĩa và quan hệ này là cơ sở để xác lập
trường đồng thời có tác dụng liên kết các từ vựng trong một trường từ vựng ngữ
nghĩa. Trường nghĩa có bốn nhóm: trường nghĩa biểu vật, trường nghĩa biểu niệm,
trường nghĩa tuyến tính và trường nghĩa liên tưởng. Lớp từ tạo thành trường
trong Mùa gió hát của Hoàng Thanh Hương chủ yếu là trường biểu
vật và trường liên tưởng.
3. Một số trường nghĩa về Tây Nguyên trong Mùa
gió hát của Hoàng Thanh Hương
a. Thiên nhiên
- Địa danh: Ia Pa, Plei Sơr, Chư H’Drung,
Chư Mố, Chư Yang Sin, Đăk Plo, Krông Nô, Krông Na, Đăk Pla, Ia Kdăm, Ia Tul, Ia
M rơn, Pờ Tó, Chư Răng, Sông Pa, Krông Pa, Plei Ku, Ia Mláh, Biển Hồ, T’ Nu
êng, Ia Mrok,…
- Cây : Kơ nia, xuyến chi, dã quỳ, lộc vừng, chăm
noi, xấu hổ, pơ lang, cây vông, nếp, gấc, dừa, lúa, ngô,…
- Đặc điểm thời tiết: mùa mưa, mùa khô, mùa hạ,
mùa xuân, chang chang, mù bụi đỏ, ban mai, tháng ba, mưa thu, nắng vàng, bụi
tung bay, sương giăng
- Địa hình và tên gọi về vùng đất Tây Nguyên: đồi,
núi, thung, sông, suối, thác, hồ, rừng, đèo, dốc; cao nguyên, thảo nguyên, tây
nguyên, phố núi cao, đại ngàn,…
- Đặc điểm của gió: gió xô, gió chạm lá, gió thổi,
gió bốc bụi, gió rần rật,…
- Con vật: Sói, dê, đàn trâu, bầy ong, voi, vượn, chim,
hươu, nai, mang, côn trùng,…
- Đơn vị canh tác: rẫy, nương, ruộng, đồng bãi, đồng
ruộng,..
b. Đời sống
- Yếu tố siêu nhiên và lễ hội: Yang, Mang lung,
mùa ninh nơng, hội cầu mưa, lễ mừng cơm mới, đêm pơ thi.
- Đại từ xưng hô: a ma, a mí, ma, mí, cha, mẹ,,
anh, chị, em,trai gái,, lũ trẻ,…
- Dụng cụ sinh hoạt: Chiêng, trống, tẩu, ché,
gùi, đàn goong, vòng, chăn,…
- Nơi sinh hoạt: nhà rông, nhà mồ, mái nhà, bậc
thang gỗ già, cầu thang, bếp lửa…
- Sinh hoạt văn hóa: kể khan, ca hát, hát ru, xoang,
nhảy múa, múa hát
- Hoạt động: giã gạo, sàng, sẩy, cõng nước, gom củi,
xếp bầu bí, gác thịt, đốt lủa, gùi măng, vít cần, dệt vải, làm nương, vùi tro,…
- Trang phục: khăn choàng thổ cẩm, yêng, váy,
khăn len,…
- Tên gọi đơn vị hành chính: plei, làng, bản,
buôn.
4. Giá trị biểu trưng của trường nghĩa Tây
Nguyên trong Mùa gió hát của Hoàng Thanh Hương
Đến với Mùa gió hát, Hoàng Thanh Hương như dẫn
độc giả vào hương cao nguyên đại ngàn, vào đất đỏ bazan, vào với đất trời thênh
thang, vào với nắng, với gió, với trăng, vào với phố núi đầy sương, đến với một
cao nguyên huyền thoại, với những dặm dài hoa xuyến chi trắng lối
hò hẹn, sắc vàng dã quỳ trước ngõ một sớm mai,… Một Tây
Nguyên hiện lên với hai mùa mưa, nắng rõ rệt, mỗi mùa có những đặc trưng riêng.
Mùa Khô đến khi gió bốc bụi ném vào không trung/
khi dã quỳ bung vàng khắp thung đồi/ khi rét làm môi em căng tươi như trái chăm
noi/ khi nắng vàng hơi mật ong (Tình yêu bazan). Mùa khô Tây Nguyên được
Hoàng Thanh Hương đặc tả bởi cái nắng và cái gió. Nắng “nắng quay nắng quắt”,
“rát bỏng tro tàn rừng chết”, “lửa ngùn ngụt cháy”, “Nắng dàn lưng amí”, “Nắng
phủ vai ama”, “mùa khô bỏng chân cha…bỏng lồng ngự mẹ”,… Cái nắng ghê gớm làm
gió “thốc”, “rần rật”, “bốc lá mén vào không trung”, làm “khói bay”, “bụi bay”,
làm “làng mù bụi đỏ”, biến thiên nhiên thành “rừng chết”,… Nhưng rồi cơn mưa đầu
mùa đến “ngấm vào bazan”, “ngấn trong mùa quả chín”, vạn vật như bừng tỉnh “rừng
xanh mênh mông”, “xanh mơn ruộng gần xa”, “cánh đồng phù sa” “trĩu vàng bông
lúa”, “mùa sông xanh ngắt đôi bờ”. Mùa mưa Cao Nguyên có đặc trưng riêng “lê
thê điệu slow trầm” rồi có lúc lại “mưa bản tango thanh”,…Phố núi cao sương
giăng đầy, phố núi đêm trăng huyền ảo. Không chỉ đưa người đọc về với mùa mưa,
mùa nắng Tây Nguyên, Hoàng Thanh Hương còn gợi tả một Tây Nguyên hoang sơ với
“rừng xanh”, “suối trong”, “hồ ắp đầy sóng sánh”, “voi hí”, “vượn kêu”,
“mang tác, sói tru, côn trùng rả rích”… rồi một Tây Nguyên bị tán phá nặng nề “
hoang trơ núi đồi”, “rừng chết” do “tiếng cưu buốt óc”, “ lửa ngùn ngụt
cháy”... Qua một số ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy Hoàng Thanh Hương như hòa
mình vào giữa đại ngàn, phiêu du giữa núi rừng bao la, như muốn vượt qua sự ngột
ngạt bon chen của đời sống.
Trong Mùa gió hát, Hoàng Thanh Hương như say
cùng với văn hóa Tây Nguyên, nền văn hóa được hình thành trên cơ sở nền nông
nghiệp nương rẫy: đàn bà Jrai sinh ra từ rừng/ trái tim như rễ Kơ nia/
như lòng sông lòng suối/ suốt đời yêu thương che chở mái nhà/ chỉ quen rẫy nương/
chỉ quen bếp lửa (A mí). Nếp sống nương rẫy duy trì các mối quan
hệ xã hội cộng đồng, các sinh hoạt đời thường đơn sơ, giản dị: Em cùng
mí giã gạo sẩy sàng / Cùng chị cõng nước gom củi/Cùng bà xếp bầu bí chật góc
nhà / Cùng Ama gác thịt lên giá bếp…Chúng mình tràn thác đổ/ Bao la đại ngàn
buông sóng nước (Tình yêu bazan),…
Những đồ ăn, thức uống mang hơi thỏ, nhịp sống vùng cao
“nhà sàn thơm hương cơm mới”, “củ khoai”, “củ mì” vùi tro bên bếp lửa ấm lòng
người, rượu cần ngon càng say càng uống. Những con người Tây Nguyên phóng
khoáng và man dại như những chàng trai và những cô gái Di gan trên thảo nguyên
xanh biếc: Anh ưỡn ngực chắn gió/ Em cuốn lại yêng/ Chúng mình đốt lửa/
Hát ca và say ngấy/… Chúng mình tràn thác đổ(Tình yêu bazan); Chị
hú vang ba núi chín đồi/ Tiếng cười lan xa, lan xa (Krông Pa ngày tôi
mơ); những người phụ nữ Tây Nguyên hồn hậu rất Tây Nguyên Đàn
bà ngồi ôm con mé cửa/ Vú chấm cạp yêng/ Cưới với tôi ngây ngô/ Bầu ngực cạn sữa (Làng
biên giới). Đến với Tây nguyên là đến với những con người mến khách, dành cho
khách tất cả những gì ngon nhất, tốt đẹp nhất: Chiếc chăn lành mí nhường
tôi/ bắt ngô non mí nhừng tôi/ rượu cần ủ đợi lễ cúng nhà rông/ ama bảo cứ uống
đi mai làm ché khác,… (Buổi chiều &Nỗi nhớ); Người già đón tôi
vòng tay xiết chặt/ rượu cần vơi lại đầy/ vít cần một hơi bốc lửa.
Nhắc đến Tây Nguyên trong thơ Hoàng Thanh Hương là nhắc đến
nghệ thuật văn hóa nhà rông, đến văn hóa cồng chiêng, đến nhà mồ, nghệ thuật
điêu khắc tượng gỗ, các các lễ hội và các điệu xoang trong tiềng cồng chiêng trầm
hùng mà sôi động của người Tây Nguyên.
Hoàng Thanh Hương đã tạo dựng một bức tranh nhà rông, cái
không gian mà bất kì người Tây Nguyên nào cũng “chẳng ai có thể rời bỏ”: mái
nhà rông bao đời sững sững cùng mưa gió/ như một ánh sao cho người lạc tìm về/
như một hẹn thề trăm năm đôi lứa. Nó là một biểu tượng văn hóa gắn liền với
cộng đồng buôn làng, là nơi thần linh cư trú, là nơi diễn ra nhiều hoạt động
liên quan đến thế giới tâm linh, là nơi bàn bạc và tổ chức các việc liên quan đến
cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Người Tây Nguyên đã thể hiện
tài hoa và khiếu thẩm mĩ, cách thức sử dụng màu để làm nên những chiếc váy hóa
(yêng), những chiếc khăn thổ cẩm,…Cái tài hoa và khiểu thẩm mĩ ấy càng được thể
hiện trong không gian văn hóa nhà mồ: Tượng muôn hình xin gửi để hồn
vui (Viết ở khu nhà mồ); những tượng mồ hú gọi, nhảy múa (Kì
diệu). Các câu thơ này tác giả đã gợi cho người đọc liên tưởng đến nhiều tượng
khác nhau được đặt trong khu vực nhà mồ như tượng ngồi ôm mặt khóc, tượng đội
mâm thức ăn dâng người chết, tượng đàn ông đánh trống, tượng người cưỡi voi, …
Trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên, cồng chiêng rất phổ biến, sinh
hoạt đánh chiêng rất điêu luyện và được yêu thích, nhạc chiêng phát triển và
đánh được cả các làn điệu dân ca. Trống được phối hợp với chiêng để làm tăng
thêm khả năng biểu hiện. Mùa gió hát, Thanh Hương đã làm sống lại,
khẳng định âm nhạc cồng chiêng là một giá trị nghệ thuật tồn tại từ lâu trong đời
sống xã hội, và nó là kết tinh hồn thiêng sông núi qua biết bao thế hệ. Cồng
chiêng là tiếng nói của con người, của thần linh: Tiếng chiêng lan khắp
núi đồi/ Thấm vào đáy ngực/ Tiếng chiêng gọi mùa xuân xanh biếc/ Gọi nụ cười nở
rộng môi khô/ Hân hoan khổ đau tấu khúc/ Chia vào từng quãng đời đức tin (Tiếng
chiêng). Không chỉ vậy tiếng chiêng trong thơ Thanh Hương còn gọi cả “lửa cháy
thâu đêm”, “gọi rượu cần dậy men”, “gọi tình yêu” “mạch sống” nối những “vòng
xoang chảy mãi”. Những tiếng chiêng ấy thường gắn liền với không gian lễ hội
nên hay đi cùng với “những tiếng hú phấn khích, những bước chân phấn
khích”, “Những bước chân rầm rập/ Bụi tung bay/ Gấu váy rung rinh… Nhịp nhịp những
vòng tay tung tẩy” (Tiếng chiêng). Tiếng chiêng còn là âm thanh linh thiêng
chia tay giữa người sống và người chết trong các đám tang, trong lễ bỏ mả: “…tiếng
chiêng chập chờn cơn say/ Chập chờn chia tay giữa ma- người vĩnh viễn (Buổi
chiều & Nỗi nhớ); Đêm với lửa với chiêng ta uống/ Hồn cạn đi rồi vĩnh viễn
tạ từ (Viết ở khu nhà mồ)…Qua thơ Thanh Hương, chúng ta thấy rằng không gian
văn hóa cồng chiêng là không gian của núi rừng hoang dã, của buôn làng Tây
Nguyên bên những ngọn núi, rừng cây, dòng sông, dòng suối. Không gian ấy là
không gian mà thần linh và con người cùng chung sống. Tiếng chiêng ngân lên trầm
hùng, sôi động là mọi người đều bước vào vòng xoang với niềm hân hoan bất tận.
Tiếng chiêng ấy, Thanh Hương gọi “Tiếng chiêng… Ngân một đời”.
5. Kết luận
Khảo sát các tác phẩm trong tập Mùa gió hát của
Hoàng Thanh Hương, chúng ta bắt gặp nhiều từ ngữ xuất hiện thành trường ngữ
nghĩa, trong đó có cả trường ngữ nghĩa về thiên nhiên, đời sống, văn hóa Tây
Nguyên và các trường nghĩa ấy biểu trưng cho giá trị văn hóa vùng đại ngàn bao
la đất đỏ bazan. Đây là những từ ngữ cho chúng ta thấy rằng: Hoàng Thanh
Hương là người con gái dân tộc Mường quê gốc vùng Trung du Bắc bộ - Phú Thọ -
đã hòa nhập nhanh với vùng đất Tây Nguyên, một vùng đất có lịch sử hình thành,
phát triển lâu đời, đa dạng về văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa. Hòa nhập
vào dòng chảy của đời sống lẫn không gian văn hóa Tây Nguyên. Sáng tác của
Thanh Hương thể hiện sinh động tâm tư, tình cảm của con người Tây Nguyên. Thơ
Hoàng Thanh Hương thể hiện bản sắc dân tộc ngay tại bề sâu của tâm hồn con người,
ở cách nghĩ, cách nói, lẫn khía cạnh nhỏ nhưng ẩn tình, đó là tập tục cổ truyền
bật ra trong lời nói thường ngày.
MAI THỊ VUI
Nguồn: NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét