“Thời nay văn
chương không còn là ngôi đền thiêng, tác phẩm văn chương cũng dần rời bỏ những
“đại tự sự” tìm về cái tôi nhỏ bé mộng mơ, cái tôi người phàm... Tôi nghĩ văn
chương, dù chúng ta gán cho nó những thiên chức như thế nào thì cũng luôn có chức
năng giải trí. Tuy nhiên, văn chương thực sự có khả năng xáo trộn tình cảm,
đánh thức lương tri...”
Nhà văn Trần Nhã Thụy
Trên thị trường vài năm qua đã có sự xuất hiện của không
ít tác phẩm ăn khách của các tác giả trẻ. Nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng
ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM, đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên về
câu chuyện nhà văn trẻ hiện nay.
* Anh đánh giá ra sao về lực lượng người viết trẻ hiện
nay của cả nước và đặc biệt tại TP.HCM?
- Nếu nhìn tổng thể về mặt... quân số thì tôi thấy khá
hùng hậu, đến mức một người chưa đến nỗi già, và cũng chịu khó đọc như tôi cũng
bắt đầu cảm thấy mình lạc hậu. Nhiều tên tuổi mới toanh mà mình không biết đó
là ai, viết cái gì và như thế nào. Bởi bây giờ, cái cách xuất hiện của một cây
bút không còn “truyền thống” như trước, tức là: có truyện đăng báo, in chung tập
sách rồi in riêng, dần dần tạo tên tuổi. Bây giờ, đùng một phát, các bạn in
luôn sách. Đó là điều mà tôi nghĩ là hết sức khác biệt và cũng đáng suy ngẫm.
Theo thống kê của các đơn vị xuất bản, các cây bút trẻ có
sách bestseller hầu hết nằm ở TP.HCM như Nguyễn Phong Việt, Anh Khang, Hamlet
Trương... Điều này cho thấy sức mua ở TP.HCM là đáng kể, còn nghệ thuật viết
cũng như chất lượng của những cuốn sách 100.000 bản này như thế nào thì tôi
nghĩ chắc phải cần nhiều cuộc tọa đàm với nhiều chuyên gia mổ xẻ mới có thể thu
hoạch được điều gì đó.
* Anh có thấy trào lưu, tác giả nào đáng chú ý trong
văn học trẻ hiện nay? Và theo anh vì sao lại đáng chú ý?
- Tôi nghĩ thưởng thức tác phẩm văn chương là theo gu của
mỗi người, không nên áp đặt. Với cá nhân tôi, trong vài năm gần đây, tôi thấy
có mấy tên tuổi ấn tượng: Ngô Liêm Khoan (thơ), Phan An (văn xuôi), Mai Anh Tuấn
(phê bình). Còn về trào lưu sách “ngôn tình tản mạn”, do không phải gu đọc, nên
tôi không có ý kiến gì.
* Vừa qua, có cuộc tranh luận về "văn chương thị
trường" của các cây bút trẻ ăn khách, xin chia sẻ về quan điểm của anh
trong chuyện này.
- Tôi nghĩ, bất kỳ tác giả nào cũng có độc giả của riêng
mình và khi sách phát hành thì phải có một thị trường. Là người viết, tôi nghĩ
bất kỳ ai cũng sẽ thấy sung sướng khi sách mình bán chạy. Tôi không nghĩ là có
những tác giả viết ra những cuốn sách hay mà... bí hiểm hay cao siêu tới mức...
không có ai mua về đọc. Do đó, tôi chân thành chia sẻ niềm vui với các nhà văn
có sách bán chạy và thú thật tôi cũng... thèm có sách bán chạy như họ chết đi
được ấy chứ (cười).
* Một số độc giả cho rằng các tác giả trẻ thường viết
chỉ nhằm thỏa mãn cá nhân, tác phẩm thiên về tản mạn tình cảm, kiểu dạng “đọc
cũng được, không đọc cũng không chết ai”, chứ chưa mang lại nhiều tác động tích
cực cho xã hội. Anh có đồng ý với điều này?
- “Đọc cũng được mà không đọc cũng chẳng sao”, tôi nghĩ
là đúng với mọi thời, mọi tác giả và mọi tác phẩm, không phải là bây giờ và chỉ
với tác giả trẻ. Chúng ta nên hiểu rằng mỗi thời mỗi khác. Thời nay văn chương
không còn là ngôi đền thiêng, tác phẩm văn chương cũng dần rời bỏ những “đại tự
sự” tìm về cái tôi nhỏ bé mộng mơ, cái tôi người phàm... Tôi nghĩ văn chương,
dù chúng ta gán cho nó những thiên chức như thế nào thì cũng luôn có chức năng
giải trí. Tuy nhiên, văn chương thực sự có khả năng xáo trộn tình cảm, đánh thức
lương tri...
Nếu như những ai từng là “mọt sách” đều thấy những tác phẩm
văn chương thực sự, sống bền lâu trong lòng độc giả, bao giờ cũng có một ngôn
ngữ độc đáo, cấu trúc đặc biệt, nhân vật lạ lùng… Văn chương thực sự có ít
thôi, còn những cái na ná văn chương, cận văn chương thì nhiều. Và, bất kỳ người
viết nào cũng phải vượt qua chính mình để cho ra đời những tác phẩm văn chương
độc đáo.
* Vậy theo anh, phải làm gì để có những tác phẩm văn
trẻ chất lượng cao hơn nữa?
- Theo tôi, nên tôn trọng và để cho những người trẻ tự do
sáng tạo. Mọi định kiến và dạy dỗ, chưa bao giờ là hữu hiệu đối với sáng tạo
văn chương.
LUCY NGUYỄN
Nguồn: TNO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét