Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

NHÀ THƠ TRẦN LÊ SƠN Ý: TRỞ LẠI VÀ MANG THEO NHỮNG BẤT NGỜ

Trần Lê Sơn Ý định danh trên văn đàn trước hết là một nhà thơ. Với tập thơ đầu tiên: Cơn ngạt thở tình cờ (NXB Phụ nữ, 2007), chị đã sớm xác lập cho mình một giọng thơ riêng, trữ tình nhưng cũng rất đàn bà. Tập thơ giàu cảm xúc và tinh tế ấy đã lọt vào chung kết giải thưởng thơ Lá trầu, được ban tổ chức ghi nhận dấu ấn mới lạ trong năm đó. Vào năm 2008, tập thơ nhận được tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM.

Dễ cũng hơn 10 năm kể từ khi ra mắt tập thơ đầu tiên, Trần Lê Sơn Ý mới trở lại văn đàn. Lần trở lại này của chị khiến không ít người bất ngờ, hay nói như ngôn ngữ của dân mạng là “trở lại và lợi hại hơn xưa”.
Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý

Sơn Ý trở lại, không phải bằng thơ mà bằng văn xuôi, không phải 1 mà tới 2 đầu sách! Đó là tập tản văn Yêu thương là tự do (Phanbook và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành) và ghi chép Sao con hỏi mà con kiến không trả lời (First News và NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành).

Trong hơn 10 năm qua, Sơn Ý đi đâu, làm gì?

Cơn ngạt thở tình cờ ra mắt khi cô con gái đầu lòng của Trần Lê Sơn Ý được 1 tuổi. Từ đó, trong 4 năm tiếp theo, chị sinh liền tù tì thêm 1 cậu con trai và 1 cô con gái. Cô con gái đầu được đặt tên là Bột, 2 bé sau lần lượt là Gạo và Nếp. Sơn Ý nói, khi một em bé được sinh ra, vũ trụ lập tức được chuyển trọng tâm.

Từ một người chỉ biết quan tâm đến bản thân mình, một cách tự nhiên chị bắt đầu chuyển mối quan tâm đó sang các con. Có lẽ, đó chính là nguyên nhân khiến chị vắng bóng trên văn đàn.

Với Sơn Ý, làm mẹ là một quá trình liên tục thích nghi và liên tục học hỏi. Chị thừa nhận trong cuốn sách Sao con hỏi mà con kiến không trả lời? rằng: “Dĩ nhiên, làm sao mà mẹ hiểu, khi mẹ có đứa con đầu tiên”.

Đó là khi người mẹ trẻ phải làm quen với con gái bằng ngôn ngữ duy nhất là… tiếng khóc: Đói khóc. Ướt khóc. Buồn ngủ cũng khóc. “Làm sao một người lúc nào cũng cười lại có thể đón nhận ngay tức khắc - một người lúc nào cũng khóc dễ dàng như thế được? Làm sao để hiểu khóc kiểu này là nhõng nhẽo, khóc kiểu kia là đau, kiểu nọ là buồn, kiểu kia là sợ, là đói, là ướt…?”

Còn vô số những điều khó hiểu với một người bắt đầu làm mẹ mà chỉ có sự gần gũi, yêu thương mới có thể hóa giải. Sơn Ý chia sẻ: “Để có thể sống còn, ta đâu còn lựa chọn khác ngoài cách thích nghi. Tuy nhiên, chỉ thích nghi không thôi chưa đủ, mà mình phải học cả cách yêu thương nữa. Và khi yêu thương, người ta luôn biết cách, như một tựa đề trong một bài viết ngắn của tôi”.    

Sơn Ý làm thơ không nhiều, chị cũng không xem văn chương như một sự cứu rỗi để phải sống chết vì nó. Viết với chị là một niềm vui, không mưu cầu, không toan tính.
Ở tập thơ đầu tiên, qua sự động viên, thúc giục của nhà văn Mai Sơn, chị mới đi “cầu viện” bạn bè mỗi người một đôi bài thơ (là thơ của chị nhưng được bạn bè đọc và lưu giữ). Nhờ đó mới có sự ra đời của Cơn ngạt thở tình cờ sau này.

Sơn Ý kể, có lần nhà thơ Trần Tiến Dũng nói với chị: “Viết là một món quà của Thượng đế, nếu em không viết là có lỗi với Thượng đế”. Câu nói mang tính vui là chính nhưng khiến chị nhớ và suy nghĩ về nó mãi. Đôi khi trong cuộc sống, tránh làm sao những căng thẳng hay những lúc suy tư trước thân phận tha nhân; thì với SơnÝ, viết chính là một cách để giãi bày và tâm tình với những người có cùng nỗi lòng.

Khi những cô bé, cậu bé Bột, Gạo và Nếp lớn hơn, cũng là lúc Trần Lê Sơn Ý bắt đầu trở lại. Gần 3 năm nay, Sơn Ý đánh dấu sự trở lại của mình bằng những bài viết đăng rải rác trên các tờ báo của TPHCM.

Với tâm niệm “tâm bình thế giới bình”, những bài viết của chị không chạy theo thời sự hay những vấn đề to tát, mà đơn thuần là những bài viết giản dị, nhỏ nhẹ về chủ đề gia đình, lối sống; cùng hướng mình và bạn đọc đến một đời sống tự tại, bình yên.

Chị tâm sự: “Một mặt tôi luôn cố gắng cảm nhận mọi thứ đang diễn ra quanh mình. Nếu nhanh quá thì nhắc mình chậm lại. Đi một đoạn đường thấy mình đang lơ đãng thì nhắc nhủ mình phải chú tâm hơn khi chạy xe chẳng hạn, nếu không, có thể gây nguy hiểm cho mình và cho người khác. Lúc nào ngồi được bên gia đình, bên bè bạn thì cố gắng hiện diện bên họ 95%. 5% còn lại là quan sát mình, hay nhắc nhở mình những khi lơ đãng”.

Dù rẽ sang một thể loại hoàn toàn khác, nhưng chất thơ Trần Lê Sơn Ý thì vẫn mãi còn. Cái chất thơ dễ nhận thấy nhất ở Trần Lê Sơn Ý trong tập tản văn vừa mới xuất bản, trước hết đó là sự tinh tế trong cái nhìn, cảm nhận và chia sẻ.

Cùng với đó là sự nhạy cảm mà có lẽ chỉ những người làm thơ mới có. Như khi lòng chị trĩu nặng vì tha nhân trong một ngày cuối năm, khi một cơn bão sắp sửa đổ vào thành phố: “Ngoài kia, ngoài cửa xe thôi, có xa đâu là những bàn chân đang xuyên qua cơn bão. Dáng liêu xiêu vì gió, vì quang gánh oằn vai. Không cần nhìn cũng biết bàn chân ấy chai sần, khô nứt, phồng rộp vì “hành trình” đi bộ từ Tân Phú, Tân Bình, quận 12 lên trung tâm Sài Gòn bán vé số, bánh tráng, đậu phộng rang…” (Câu chuyện của những bàn chân).

11 năm là một chặng đường rất dài. Trần Lê Sơn Ý đã trở lại và mang theo những bất ngờ. Không chỉ bất ngờ với 2 cuốn sách kể trên, Sơn Ý còn khiến những ai từng quen biết hay chỉ lần đầu gặp, đều bất ngờ trước sự thân tình và duyên dáng của chị.

Như thể, đó là tài sản mà thời gian không thể “đụng” vào. Lại nhớ buổi sáng ra mắt sách Yêu thương là tự do vào đầu tháng 7 vừa rồi. Ý ngồi trên sân khấu của Đường sách TPHCM rồi cùng tâm tình với bạn đọc, trong số đó có không ít người là bạn bè của chị. Nhưng tất cả đều bị hút về phía chị bởi sự duyên dáng từ nét cười, cách đẩy gọng kính cho đến cách mà chị trò chuyện với mọi người.

2 đầu sách của Trần Lê Sơn Ý đã và đang đến với bạn đọc. Còn những người yêu thơ Trần Lê Sơn Ý, liệu bao giờ chị sẽ trở lại với họ? Đầu tháng 10 năm nay, Trần Lê Sơn Ý là đại biểu duy nhất của Việt Nam tham dự Liên hoan Thơ ca châu Á mang tên Phong Nhã Tụng Đài Bắc (diễn ra từ ngày 28-9 đến 1-10 tại Đài Bắc, Đài Loan).

Hỏi Sơn Ý, liệu đây có được xem là “cú hích” để chị quay lại với thơ không? Sơn Ý chỉ cười “tùy duyên”, rồi bộc bạch thêm: “Nói tùy duyên là vầy: ví dụ thơ thì có, mà không biết có NXB nào in thơ cho tôi không chẳng hạn. Nên tôi để thời gian trả lời vậy. Việc của tôi là viết vậy thôi. Còn in lại phải phụ thuộc nhiều điều khác!”.

HỒ SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...