Trước sân chầu vũ trụ
Ông vua và ngọn cỏ cùng ngồi
Rabindranath Tagore
Đọc Mai Văn
Phấn tốt nhất là không nên tìm ý, đó là các tập mờ, tâm thái ta thế nào, ký ức
ta thế nào, thơ Mai Văn Phấn sẽ chia sẻ với ta thế ấy. Nó có năng lực biến đổi,
làm bất yên những hằng thường vô vị và là chỗ cho ý thức thẩm mỹ bám níu.
Nhà thơ Mai Văn Phấn
Đọc xong 400
trang sách, ước khoảng hơn 8.000 câu thơ toàn những mộng mị, cuống nhau, nước,
lá và hoa; tôi cũng thành mộng mị, không rõ mình là Mai Văn Phấn biến ra hay
ngược lại. Chỉ biết, cần phải cãi lại Phạm Xuân Nguyên rằng, vâng, rất có thể
Thánh kinh và các khải thị do Chúa truyền dạy nhất thành bất biến là Ngôi Lời
(uyển ngữ/ kỵ húy ngôi Trời?) nhưng thơ Phấn trần thế hơn nhiều, nó chỉ mong được
làm cái việc rất cụ thể và xưa cũ, rất xưa cũ: Làm cuống nhau nuôi phôi bào,
bào thai và làm rễ cỏ. Ít nhất, tôi có thể dẫn ra 5 câu thơ nói về hai vật thể
tối quan trọng này. Nó hiện diện cả trong câu thơ cổ điển, lẫn siêu thực, thậm
chí là trong hậu hiện đại nhưng chưa bao giờ nó ngừng tận tụy với tượng trưng
như tượng trưng đã xuyên suốt thơ Phấn. Tôi đồng ý với Phạm Xuân Nguyên, “Mai
Văn Phấn vật vã lo âu trước sự tha hóa của nhân sinh hiện thời” nhưng xin thêm,
Phấn đã nhiều lần vong thân hòng tìm kiếm lại cho nhân sinh cái cuống nhau tinh
thần và trên hành trình ấy, ông đã gặp cỏ không chỉ với tư cách ẩn dụ. Có nhẽ
không vô tình mà bài Tản mạn về cỏ lại được đặt ở ngay trang đầu
của tuyển tập:
Ghé môi vào
miệng thời gian
Cho hơi thở
mọc vô vàn cỏ non
Nói chung, vũ
trụ với trăng sao đất đai với nước và cỏ thật gần gụi với con người, là một phần
khó có thể tách rời của con người là đặc trưng lớn nhất của thế giới nghệ thuật
Mai Văn Phấn. Thực ra, nhân hóa là phép tu từ không của riêng ai.Với cư dân trồng
lúa nước, nó đã thành một thi pháp: Lúa thì con gái, lúa nghén đòng, lúa đứng
cái…nhưng bản thân nó không thể sản sinh ra câu thơ trong bài Sau mùa gặt: Đất
đai - người đàn ông nằm ngủ.Vâng, anh ta đang ngủ và giấc ngủ trễ tràng gợi
ra một đêm hoan lạc, gợi ra sự mệt mỏi sau một quá trình phục vụ cuộc sinh nở
vĩ đại của đất đai hay của chính vợ anh ta? Ở bài Mười nén nhang ở Ngã
ba Đồng Lộc chúng ta còn thấy cả một sự cỏ cây hóa, trời đất hóa cơ thể
con người:
Tháng ngày
gương lược về đâu
Chân trời để
xõa một mầu cỏ non
(…) Nhang
này quặn nỗi đau xưa
Tôi nay tôi
của cơn mưa về nguồn
Thế giới nghệ
thuật ấy cũng cắt nghĩa, vì sao viết về việc mình sinh ra, Phấn lại viết:
Đặt con lên
đất
Lòng sông
đau xé thân đêm
Thậm chí, viết
về việc vợ sinh, ông cũng mở đầu:
Mặt đất vừa
qua phút lâm bồn
và sau mẹ tròn
con vuông, không phải “cửa sinh” mà là:
Chân trời
phía ấy vừa se lại
Cố nhiên, dù với
sự “vong thân” nhưng bằng vào liên tưởng gián tiếp, nỗi đau sinh nở của mẹ vẫn
là cấp độ hiểu thứ nhất, rồi mới đến cấp độ của nỗi đau – cấp độ thiên nhiên.
Cũng vậy, với độ phồn sinh của bầu vú phi phàm:
Vòm ngực thả
trái cây sắp rụng
Lũ cuốn, đá
lở, sạt đồi
Con thú giật
tung giây trói
Nghiền
không gian thành sữa thơm dưỡng chất
Bầu vú
cương lên căng mọng
Nuôi nấng
trẻ thơ trên khắp thế gian
Cho phép chúng
ta liên tưởng đến cấp độ cuối cùng, ấy là cuống nhau tinh thần của nhân loại?
Có một bí ẩn
trong gia tài thơ Phấn, ấy là tính dục chỉ có thể cảm thấy chứ không nhìn thấy.
Dấu hiệu để cảm nhận có lẽ là đòi hỏi công khai như một điều kiện tiên quyết của
tình yêu nhục cảm, ấy là sự thanh sạch như thiên nhiên trong ái ân được trở lại
nhiều lần trong thơ ông. Và từ đó những đứa trẻ của tương lai sẽ ra đời; sẽ cứu
vãn sự già nua bệnh tật xơ vữa của nhân sinh mà Phấn luôn luôn khắc khoải:
Tiếng em rồi
tiếng con cười
Rộng thêm
căn phòng ta ở
Anh hồi
sinh tuổi ngây thơ
mà Phấn luôn
khát vọng:
Con đang
khai hoa đậu quả
Ngự trên ngực
mẹ ngực cha
Cùng với những
đứa trẻ được sinh ra trong thanh sạch, hồn nhiên như cây cỏ; cũng cần một điều
kiện nữa, một sự đi bước nữa của văn minh nhân loại, ấy là văn minh tâm
học mới được hình thành như một giả thuyết nhưng đã hằng thường trong
thế giới nghệ thuật Mai Văn Phấn:
Đã hé mở
cánh cửa nền văn minh tâm học, những linh hồn tâm hồn có đủ lương năng, lương
tri rời thể xác tìm nhau. Vượt gấp nhiều lần tốc độ ánh sáng, trái tim hiền
lành rung động các vì sao.
Giữa thiên
nhiên ngỡ trong lòng mẹ, giây phút bình yên cho ta thêm lặng lẽ, tạm biệt những
sắc nhọn tinh khôn để cảm nhận mình đẹp như bào thai, mới như phôi thai
Đó chính là một
không gian tinh thần, nó sẽ giãn ra để nhường chỗ cho tiếng trẻ con đồng
thanh trong lớp:
Muôn năm
con người. Muôn năm thiên nhiên
Tôi tin chắc
đó là cuống nhau tinh thần của nhân loại, chẳng những nó cho phép hình dung một
tương lai sáng sủa mà còn khả dĩ chữa lành những sang chấn của loài người sau
thế kỷ đầy thù hận.
Dù sao thì thế
giới nghệ thuật của Mai Văn Phấn cũng đẹp và ít nhất, nó cho phép Phấn tả việc
giao hoan, tả sự sinh thành thật sống động nhưng thanh thoát và sang cả, như
bài Giáng sinh và Bài ca buổi sớm. Hai câu này
trích từ bài sau:
Từng giọt
mát lành thấm nhuần trong đất
Tươi từ môi
anh đến gót chân em
Mai Văn Phấn
chọn vào tuyển tập hai trường ca: Người cùng thời và Hình
đám cỏ chưa kể hai bài thơ dài: Những bông hoa mùa thu và Cửa
Mẫu. Trong các trả lời phỏng vấn, Mai Văn Phấn nói hành trình cách tân thơ
là quá trình vùng thoát khỏi bãi lầy của những trường phái nghệ thuật. Các dấu
vết vùng quẫy còn khá nhiều trong Người cùng thời nhưng chính
nó làm nên thành công của trường ca. Ở đây có một nghịch lý, cả hai trường ca của
Phấn đều không có nhân vật trữ tình vốn được coi là xương sống của loại hình
này; ở bài thơ dài Cửa Mẫu thì có nhưng Mẫu lại là nhân vật tượng
trưng nên chỉ thấp thoáng ở giá đồng chầu văn chứ không hiện diện. Không biết
chuyên gia trường ca là nhà thơ Đỗ Quyên sẽ nói sao về điều này, nhưng tôi trộm
nghĩ, chính nhờ không có cái trồi lên át giọng nên ta có thể nghe thấu niềm khắc
khoải đến ngột ngạt của nhà thơ trước sự suy thoái của nhân tính, của môi trường
được giấu rất kỹ:
Và cánh đồng
nín lặng qua đêm
Vâng, làm sao
có thể nói rõ với con người về thế kỷ anh ta vừa sống có rất nhiều thô sơ nhầm
lẫn. Ở đây thì nhân danh cái mới để đốt đền thu chuông giữ mõ, làm chiến tranh,
làm chiến tranh nhân danh bảo vệ nhân quyền, làm chiến tranh nhân danh sắc tộc
và tôn giáo – chiến tranh lâu dài đến mức làm vương mùi thuốc súng trong phòng
máy lạnh của hôm nay; ở kia thì nặc danh như có mặt quỷ nấp sau mặt người để rồi:
Mặt quỷ thì
run mặt người thì buồn
Trường ca cho
tôi một khái luận: Trong thực trạng xói mòn nhân tính, cần sự dũng cảm hơn là đầu
óc thông minh. Dũng cảm và trầm tĩnh trường kỳ thậm chí là hạt nhân của cuộc
chiến chống xói mòn nhân tính. Bởi vì trẻ hóa, hồn nhiên lại chính là quá trình
lột xác: Giọng nói rất gần/ Dưới bình minh con hãy lột xác! (Cửa Mẫu) Đó
là một quyết tâm đau đớn mà không phải không có nỗi phân vân:
Muốn dừng lại
bên đường
Nằm lên cỏ
Trời cao
mong leo lên cây
Nhìn xuống
tiếc nuối cát
Thèm trộn
vào cát
Giây phút
phân vân anh nằm bất động
Mặc sương sớm
ùa đến
Sóng mặn và
nắng ùa đến
Kéo căng
anh cỗ xe ngựa phanh thây
(Hình đám cỏ)
Ở Người
cùng thời cuộc chiến còn ác liệt hơn. Đau đớn nhất là phải nhìn quá khứ
như một nỗi đau và phải đốt nó lên, như Phấn trong lời đề từ cho trường ca đã
viết: Ta cúi xuống cuống cuồng thổi lửa/ Nhận ra mình là hòn than cháy
dở đêm qua. Và dẫu biết con đường phía trước là nhọc nhằn và hết sức
hiểm nguy mà không thể khác, không có con đường nào khác:
Người cùng
thời nhìn rõ đường đi nhờ những nỗi đau hắt sáng sau lưng, hắt sáng gương mặt
người đằm thắm…
Quyền sở hữu
ở bên ngoài Thiện - Ác. Ấy là điều những cuộc chiến tranh học được, để chính trị
là cái nôi đạo đức cho cái thiện sinh ra…
…Hạt giống
để dành được gieo vãi. Ta cũng gieo vãi vầng trán ta vào chân mây hy vọng. Như
tháng ba ra đồng trong tiếng sấm. Bùn đất dưới chân làm ta tươi tốt. Xin học
cách kết hạt của mùa màng trong mỗi nguồn cơn
Vâng, trong
cái hỗn độn (hậu hiện đại) của sự cấu trúc lại còn đậm đặc trong chương VII, có
tên là Mail cho em thi thoảng người đọc lại nhặt được những hạt
bụi lấp lánh: …KHI ĐÔI MÔI TA GẶP NHAU BỖNG GIỌT NÀY THẤY GIỌT KIA LÀ MẸ TRÊN VẦNG
TRÁN MÊNH MÔNG…Xin lưu ý rằng, trong một thi cảnh khác, Mai Văn Phấn gọi những
hạt bụi là mẹ của vạn vật.
Và như thế,
hành trình trở về của Mai Văn Phấn là bộ đôi song bước. Ở bình diện thứ nhất,
quá trình vùng thoát khỏi những bãi lầy của các trường phái nghệ thuật để trở về
với truyền thống, với cổ điển. Cố nhiên, cái truyền thống bây giờ đã khác và về
điểm này thì Phạm Xuân Nguyên có lý. Và Nguyên diễn đạt rất hay: “Cái truyền thống
đã ngấm chất hiện đại (…) Giống như ta mang giọng của làng quê đi khắp năm châu
bốn biển, đã nói nhiều thứ tiếng, khi trở lại làng giọng ta nghe như không đổi
mà thực ra là đã đổi đến tưởng như không đổi.” Trong khúc thứ IX của Cửa
Mẫu, lời thơ như được chép từ một giá đồng nào đó tại phủ Giầy:
trống
chiêng bát bửu
mở hội long
đình
múa hát cao
xanh
công đồng tứ
phủ
Ở bình diện thứ
hai, bình diện nội dung, sự trở về với bản thể hồn nhiên, trở về với bản lai diện
mục của nhân sinh diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt hơn nhiều. Trong tuyển thơ,
Mai Văn Phấn nhiều lần làm lễ thanh tẩy; ông có hẳn một bài riêng, bài Tắm
đầu năm được viết trang trọng như một nghi lễ. Nhưng đột ngột ông về hẳn
với cội nguồn thờ Mẫu của văn hóa Việt và chính ở đây, quá trình lột xác (hay
thanh tẩy hay tắm gội) được diễn ra trong nhạc cảm chầu văn hầu đồng và chính
nó như được tương tác bởi tâm linh để thành đa bội nghệ thuật:
Hoa quả
Lửa đèn
Âm dương
chén nước
Như trườn
qua cơn chạng vạng
Rút dần cơ
thể qua lớp vỏ bọc
Con hớp những
giọt sương
Đống vỏ bọc
xám xịt chất cao
Đã xa tầm
tay với
Đoàn người
dìu nhau bấy bớt
Cuối bình
minh
Suy cho cùng,
“bãi lầy trường phái”là cách nói khiêm nhường của kẻ đã qua cầu, chứ “bốn mươi
năm ấy có biết bao nỗi niềm” cả phấn hứng, hạnh phúc lẫn đắng cay cô độc. Đây
là thời kỳ Phấn tự cử mình, tự bỏ kinh phí đi thi Olempic thơ nhân loại và trên
hành trình ấy, không ít lần lá cờ (thơ) Việt Nam đã được kéo lên. Xin chúc mừng.
Nhưng chúc mừng nồng nhiệt hơn là sự trở về với cội nguồn. Ở đây, ở tận cùng của
cội nguồn, ông đã gặp văn minh tâm học mà hạt nhân của nó là tâm linh, là cái
mà nhân loại đang dò dẫm bước tới.
Xin dành những
dòng cuối cho thơ lẻ Mai Văn Phấn từng neo đậu trong ký ức tôi. Giống như truyện
ngắn, thơ lẻ là những lát cắt của cảm xúc, nó không có chỗ cho che chắn rào
đón; nó là “bầu trời cần mái che.”
Nhưng ở đây có
một lỗ thủng của lý thuyết trở về, nó làm nên nghịch lý cần bàn thảo.
Chùm bài Tản
mạn về cỏ, Trương Chi, Lơ lửng, Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc và có
thể kể thêm Chiếc lá, Em và biển, Đà Lạt thì thầm viết trước
1995 có được cái trong vắt của Đường thi nhưng cũng thấp thoáng tượng trưng:
Trăng gầy
mòn đến mày ngài
Thuyền ta
qua nổi đêm dài này không
và siêu thực:
Ghé môi vào
miệng thời gian
Cho hơi thở
mọc vô vàn cỏ non
Nhưng ngay cả
thời trong trẻo ấy, Phấn đã cảm nhận được thảm họa tha hóa của văn minh. Đây là
câu kết của bài Không đề I:
Gọi tìm tôi
thuở dại khờ
Về thương
tôi của bây giờ tinh khôn
Chùm bài Vẫn
trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Đúng vậy, Tắm đầu năm, Anh tôi, Quay theo mái nhà …tác
giả vẫn trung thành với siêu thực và hậu hiện đại nhưng…vẫn hay. Nếu siêu thực
đã hay thì còn cần gì phải trở về? Tôi không hy vọng thuyết phục các bạn, ở đây
xin tạm đưa ra một giả thuyết. Tượng trưng và siêu thực chưa bao giờ là dòng chủ
lưu ở xứ sở này, nhưng ngay từ xa xưa, nó đã có trong phép bút của tiền nhân
chúng ta. Nhân vật “khách” trong bài Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ được
hiểu như là nhà thơ vừa gặp một bóng ma, bóng ma ấy cao thước sáu và để lại dư
âm mùi tử khí. Thì trong các truyện ngắn của Nguyễn Dữ, ta còn gặp ma nhiều
hơn. Và ở Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Bạch Vân
thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại chẳng nhan nhản bút pháp tượng trưng
đó ư?
Vả lại, tôi
tin nhà nghiên cứu Nguyễn Quân: “Mở đầu là vĩ nhân, còn lại là thể loại.” Khi
xoay triết luận theo chiều khác, chúng ta có “mở đầu là vĩ nhân, còn lại là
trào lưu”, xoay nữa, chúng ta sẽ được hệ quả “mọi trào lưu khi lên đến đỉnh, đến
hay thì đều gặp nhau.” Tôi không nói Mai Văn Phấn là vĩ nhân, tôi muốn nói
trong các trào lưu mà Phấn dấn thân, ông đều đi đến tận cùng và vì vậy đều để lại
thành tựu. Thơ Mai Văn Phấn cũng do đó mà phong phú, đa dạng.
Đặc biệt là
các tập Hôm sau, Và đột nhiên gió thổi. Ấy là khi Phấn
còn múa bút dưới ngôi sao chổi siêu thực và hậu hiện đại. Có nhiều bài lâm vào
trạng thái bụi thiên hà, tắc tị và bí hiểm; nhưng cũng có nhiều bài vụt sáng.
Tôi từng viết: Sinh thời, nhà văn Sao Mai nói: “Thơ có 4 cấp độ: từ, ý, khí, thế.
Như Chế Lan Viên đã thoát khỏi từ, giầu ý tứ, khí kém nhưng thế nhiều bài đã đến.”
Như Mai Văn Phấn đã không còn phải loay hoay với vần điệu, tu từ và thật thú vị,
thoát được là tự do. Cảm giác tự do ở lối nói tung tẩy, nói như không ngụ ý gì,
như bất chợt. Cũng ở tâm thức ngột ngạt dị ứng với những cũ kỹ ẩm mốc, những
modern hot đến hời hợt, đến vô tình mà nhặng xị. Mai Văn Phấn hiện đại mà không
có đồng minh hiện đại, chút cổ điển tinh tế chỉ còn sót lại ở nhạc cảm toàn bài
cũng bị thói đọc thơ cổ điển lướt qua mất; ông đành âm thầm đơn độc nhưng bạo
liệt với khát vọng cách tân mình. Đọc Mai Văn Phấn tốt nhất là không nên tìm ý,
đó là các tập mờ, tâm thái ta thế nào, ký ức ta thế nào, thơ Mai Văn Phấn sẽ
chia sẻ với ta thế ấy. Nó có năng lực biến đổi, làm bất yên những hằng thường
vô vị và là chỗ cho ý thức thẩm mỹ bám níu. Có bài đã đạt đến khí, như Ghi
ở Vạn Lý Trường Thành, đọc xong lạnh đến gai người mà không rõ vì đâu…
VĂN CHINH
Theo NVTPHCM
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC: