Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

LÊ VĂN THẢO - NGƯỜI LÊN NÚI THẢ MÂY

Cho đến tận cuối đời, trong cơn bạo bệnh nhà văn Lê Văn Thảo vẫn không ngơi cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa.

Thuở nhỏ anh em tôi học trong chiến khu Đồng Tháp Mười. Năm 1950, mẹ tôi đưa các con về Long Xuyên. Chúng tôi học chung trường làng, trường tỉnh. Cùng lên Sài Gòn học trung học, đại học. Cùng lên R năm 1962, cùng nghề rồi sau năm 1975 anh em cùng sinh hoạt trong Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM mãi cho đến khi anh Lê Văn Thảo giã từ cõi đời. Có thể nói hai anh em có quá nhiều cái chung khó quên. Vậy nên ngày đưa tang nhà văn Lê Văn Thảo, có một nhà báo hỏi cảm tưởng của tôi thế nào khi anh tôi mất. Tôi ngậm ngùi nói, anh Lê Văn Thảo với tôi không chỉ là người anh ruột thịt mà còn là đồng nghiệp cùng chung lý tưởng, là đồng đội, người bạn lớn, thấu hiểu nhau tâm tư, tâm tình, tri âm tri kỷ, nhìn nhau là thấu hiểu, không cần nhiều lời.
 Nhà văn Lê Văn Thảo (bên phải) với gia đình người em ruột - đạo diễn Lê Văn Duy

Trong các tác phẩm nổi tiếng của anh tôi chuyển thể thành kịch bản phim, tiểu thuyết Một ngày và Một đời thành Một ngày bình yênÔng cá hô thành Cá hóa rồngNgười xuyên rừng thành Băng qua đầm sen. Do nhiều lẽ tôi chưa thực hiện phim nhưng NXB Tổng hợp TP.HCM đã nhận in sách. Tôi cũng là người làm phim tài liệu chân dung nhà văn Lê Văn Thảo đầu tiên. Còn nhớ những năm ấy tôi đã ghi nhận xét của nhà phê bình, nghiên cứu văn học Hoài Anh về tiểu thuyết Một ngày và Một đời như sau: “Có thể nói cuốn Một ngày và Một đời của nhà văn Lê Văn Thảo viết về cuộc nổi dậy năm Mậu Thân 68 có nhiều cái mới. Tác giả viết theo trình tự thời gian. Câu chuyện xảy ra được nhìn lại từ ngày hôm nay để đánh giá lại một câu chuyện quá khứ. Hiện lên hình ảnh người đàn ông ích kỷ - viên chỉ huy bạc nhược đối lập với hình ảnh một phụ nữ anh dũng tuyệt vời, hy sinh tất cả trong đời sống cũng như trong đời tư. Mỗi đoạn chuyện được kể bằng từng ngôn ngữ riêng, giọng điệu riêng, thông qua tính cách của từng người, tâm lý từng người”.

Sau này nhà văn Lê Văn Thảo còn có tiểu thuyết Cơn giông cũng nổi tiếng không kém Một ngày và Một đời. Thế nhưng tôi chỉ muốn kể về những tác phẩm mà tôi gọi là chùm văn chương pha đậm chất tự sự truyện ký thoát màu tục lụy của anh. Có thể kể Lên núi thả mâyNhững năm tháng nhọc nhằnNhỏ con có chịu thôi đi không?... Tôi có đọc khá nhiều bài phê bình của các cây bút nổi tiếng. Thế nhưng có lẽ chỉ có tôi là thấu hiểu anh tôi. Hồi nhớ khi tôi làm phim, tôi có phỏng vấn anh về những tác phẩm đã xuất bản thì nhà văn trả lời đại khái rằng anh viết từ sự thật, từ thực tế chiến trường và anh nghĩ rằng mình đến với văn chương hơi muộn. Anh nói vậy nhưng tôi hiểu anh nên nghĩ rằng không phải vậy. Anh tự biết anh có khiếu văn chương là do anh có trí nhớ siêu việt. Một người kém trí nhớ ắt khó trở thành nhà văn.

Tôi còn nhớ trong phim tài liệu này, anh có kể anh học ngôn từ Nam Bộ từ nhà văn Trang Thế Hy. Nhưng nếu đọc kỹ tất cả các tác phẩm của anh, ta ắt thấy khối từ ngữ địa phương của nhà văn Lê Văn Thảo rất phong phú. Vâng, bản tánh anh trầm lặng, khiêm cung nên không ít người hiểu lầm. Hồi nhớ anh có tâm sự: “Tôi sinh ra ở ba dòng sông lớn: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ và sông Cửu Long. Tôi đã viết nhiều về chiến trường Miền Đông, về Sư đoàn 9 của tôi. Nên tôi vẫn khát khao viết về quê hương. Tác phẩm lớn cuối đời của tôi là viết về Đồng Tháp Mười”. Một nhà văn như Lê Văn Thảo, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật nhưng tôi biết anh tôi chưa bao giờ phát biểu gì về các tác phẩm được tặng giải thưởng lớn (anh là một trong 3 nhà văn Nam Bộ được trao tặng giải thưởng lớn). Nhà văn chỉ khao khát bàn về những trang viết mới.

Một nhà văn chiến trường ắt có thừa dũng cảm. Nhiều lần nhà văn Lê Văn Thảo được mời sang Hoa Kỳ dự nhiều cuộc hội thảo văn học. Đối tượng là nhà văn cựu binh Việt Nam và nhà văn cựu binh Mỹ. Anh kể trong phim tài liệu rằng trong các đoàn nhà văn cựu binh Mỹ có một nhà văn dành cả phần đời mình sưu tầm trận đánh Mậu Thân. Ông đã tìm nhà văn Lê Văn Thảo để trao đổi thông tin, tài liệu. Điều đó càng thôi thúc anh tôi kể chuyện Mậu Thân 1968. Một trong những bạn văn, đồng hương, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã có nhận xét: “Cho đến bây giờ Lê Văn Thảo là nhà văn có nhiều vốn sống đầy ắp về chiến tranh lẫn trong thời bình. Tất cả những tác phẩm văn học của nhà văn đều thoát khỏi cơ chế thị trường. Từ nay cho đến cuối đời tôi nghĩ anh ấy vẫn sẽ viết một cuốn sách tâm đắc nhất về chiến tranh đã qua”.

Vâng. Tôi may mắn được đọc Di cảo Lê Văn Thảo. Con trai nhà văn đã giao công việc ấy cho tôi. Tôi cũng đã liên hệ với một nhà xuất bản và cô Giám đốc nhà xuất bản đã đồng ý cộng tác. Đó là cuốn Ở R - Kể chuyện 50 năm và tiểu thuyết Đồng Tháp Mười (còn dở dang - tôi sẽ chấp bút theo đề cương viết sẵn đến chương cuối). Thì ra sau mấy mươi năm, nhà văn Lê Văn Thảo vẫn âm thầm viết những tác phẩm anh hằng khao khát.

Cho đến tận cuối đời, trong cơn bạo bệnh nhà văn Lê Văn Thảo vẫn không ngơi cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa.

Trong một bộ phim tôi đã ghi lời một người cha nói với con trai: “Cha không muốn khuyên con điều chi. Cha chỉ muốn nói với con rằng khi cha mất đi, con hãy nhìn đám tang của cha mà thấu hiểu cách xử sự ở đời”. Vâng, tôi nghĩ câu nói đó có thể ứng vào đám tang nhà văn Lê Văn Thảo. Hầu như tôi thấy có mặt đông đủ các nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng cả nước đã tề tựu bên quan tài tiễn đưa anh tôi, nhà văn Lê Văn Thảo, về nơi chín suối.

16.11.2016
LÊ VĂN DUY

Theo Hồn Việt tháng 11.2016

BÀI LIÊN QUAN:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...