Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

NHÀ VĂN VĂN LÊ: VIẾT VỀ CHIẾN TRANH LÀ ĐỂ CỦNG CỐ ĐẠO ĐỨC VÀ LẼ PHẢI

“Nếu những người còn sống không làm được những điều như đã hứa, thì mọi sự hy sinh đều trở nên vô nghĩa. Có một thực tế đau buồn là trong mười người hy sinh, thì có tới chín người là con em nông dân. Nhưng sau gần bốn mươi năm chiến tranh đi qua, nông dân vẫn là người khổ nhất”- nhà văn Văn Lê tâm sự.
Nhà văn Văn Lê và tiểu thuyết Mùa hè giá buốt

Đã hẹn trước, sáng ngày kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng, Văn Lê cùng đạo diễn Đào Bá Sơn (hai tác giả của bộ phim Long thành cầm giả ca) đón tôi trước sảnh Nhà hát lớn Hà Nội để đưa tặng tập tiểu thuyết Mùa hè giá buốtvừa được tái bản nhân được tặng Giải nhất Giải thưởng Văn học nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh 2006-2011. Cầm cuốn sách gần 600 trang, nặng hơn một kg, lòng tôi thật phân vân. Có chút công chuyện, phải vào phương Nam, tôi đành mang theo. Không ngờ cuốn tiểu thuyết đầy sức lôi cuốn, chỉ vài ngày đã đọc xong. Gấp trang sách cuối, trong đêm yên tĩnh, trên vùng đất từng xảy ra chiến sự tròn 45 năm trước (1968-2013), giờ đã không còn dấu vết những bom đạn, tranh chấp từng tấc đất, máu xương trộn lẫn đất bùn mà tác giả đã thể hiện với bút pháp hiện thực nghiêm ngặt. Nhân vật chính của tiểu thuyết là cả một tiểu đoàn quân chính quy tham gia hai đợt Tổng tấn công mùa xuân và mùa hè năm Mậu Thân 1968. Ở chương cuối: Hơn chín phần mười quân số của tiểu đoàn đã ra đi. Toàn thể cán bộ Ban chỉ huy tiểu đoàn không một ai sống sót (tr551). Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sỹ Việt, một cán bộ đầy triển vọng, một hình mẫu người lính lý tưởng, cùng cô người yêu, vốn là một sinh viên Sài Gòn, với mối tình đẹp nở giữa chiến trận ác liệt đều lần lượt hy sinh. Tính về tiểu thuyết viết về chiến tranh dữ dội, ác liệt, miêu tả trực diện, thẳng băng những mất mát hy sinh, trung thành và phản bội, dũng cảm và hèn nhát, sự sống và cái chết của từng cá nhân, từng tập thể nhỏ cho chiến thắng của đại cục… có lẽ xưa nay, văn học nước ta chưa một tác phẩm nào sánh bằng. Quả thật, viết như thế, trừ phi tác giả Văn Lê, với vốn sống trực tiếp của một người lính trận, khó ai có thể tưởng tượng ra. Nhưng hình như đó cũng là điểm yếu của tác phẩm với tư cách một tiểu thuyết? Chất ký, với những chiến lệ được tái dựng liên tục và dày đặc có thể thành sự đánh đố, khó tiếp nhận với lớp bạn đọc trẻ?

Trong lớp nhà văn thế hệ chống Mỹ, Văn Lê là một tên tuổi ít được giới truyền thông chú ý. Mà có lẽ chính anh cũng muốn né tránh những chốn đông người. Nhưng sức viết, sức sáng tạo, sức làm việc của anh cũng ít người theo kịp. Với 22 cuốn đã in, có 3 tập thơ, 2 tập trường ca, 5 tập truyện và tạp văn, 12 cuốn tiểu thuyết, nhiều cuốn được nhận các giải thưởng lớn. Anh còn là nhà làm phim tài liệu sắc sảo, tác giả hàng chục bộ phim xuất sắc. Là tác giả các phim truyện, trong đó nổi bật là Long Thành cầm giả ca. Kịch bản phim Mỹ nhân, viết về hai người phụ nữ nhan sắc, có số phận cực kỳ nghiệt ngã thời Nguyễn sơ, đang chờ đưa vào sản xuất. Lặng lẽ sống. Lặng lẽ viết. Lặng lẽ tìm về những ký ức chiến trận, mà trong đó còn nhiều, rất nhiều những điều chưa thể công bố, chưa thể công khai kể lại, nhưng lãng quên nó lại là một tội lỗi.

Tôi nhớ, có một nhà văn phía Nam nhận xét, ở đây, anh em sáng tác viết nhiều, sách in cũng nhiều, nhưng ít đọc của nhau, lại càng ít viết về nhau. Mà đội ngũ phê bình hình như cũng ít đọc và ít viết về từng tác phẩm, nên đời sống văn học có vẻ ít sôi động.

Nhân đọc Mùa hè giá buốt, tôi muốn được trò chuyện với nhà văn đa tài và dai sức, một người lao động cần mẫn, nghiêm túc, có năng suất và chất lượng cao, về những vấn đề liên quan đến sáng tác về đề tài chiến tranh và lưc lượng vũ trang hiện nay.

* Vậy là đã 45 năm từ ngày Mùa hè giá buốt kết thúc. Cũng gần 40 năm đất nước độc lập, tự do. Cứ bằng vào hơn 20 tác phẩm đã in, có đủ thể loại thơ, trường ca, truyện ngắn, đặc biệt hơn 10 cuốn tiểu thuyết, có vẻ như nhà văn Văn Lê chưa ra khỏi ám ảnh của cuộc chiến tranh. Trong tiểu thuyết có đoạn đối thoại giữa một người lính có thói quen ghi nhật ký với người tiểu đoàn trưởng:

“Em sợ phải nhớ lại những gì xảy ra trong những ngày qua. Em muốn quên hết mọi thứ… Em cũng không muốn một ai được biết những điều có thật đã xảy ra trong mùa hè này.”
“Mình nghĩ, cậu nên viết… Ít ra, khi đọc những dòng của cậu, người ta có thể sẽ hiểu ra một điều gì đó.”( Tr 513).

Bây giờ là thời điểm yêu cầu gác lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hướng đến tương lai. Liệu văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang có nên tiếp tục khai thác và khuyến khích? Cách viết, điểm nhìn của nhà văn có gì đổi mới? Riêng anh đã thể hiện những suy nghĩ đó trong các tác phẩm đã viết như thế nào?

Văn Lê: Có người nói với tôi: Chiến tranh đã qua rồi, vết thương đã liền da rồi, khơi lại làm quái gì? Ăn đời ở kiếp gì với nó? Những lời khuyên như vậy không phải là không có lý. Đã có lúc tôi ngừng viết về chiến tranh, không muốn nghĩ về chiến tranh, nhưng thật khốn nạn, càng lẩn trốn, tôi càng thấy trống rỗng, chơi vơi. Dường như đối với tôi, chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Nó cứ lởn vởn ở đâu đó qua những câu chuyện, những bản tin thời sự, qua những di ảnh, những tiếng chuông điện thoại ré lên vào đêm khuya, như điềm báo tai ương, rồi giật mình, hoảng hốt. Nhiều khi tôi mơ thấy bạn bè về. Họ đói khát, tả tơi, nhìn tôi với ánh mắt thật buồn, rồi lặng lẽ bỏ đi, không nói. Không bao giờ nói. Thế rồi tôi lại viết. Viết để tự giải tỏa những uẩn khúc ở ngay trong trong lòng mình. Viết để được nhớ qúa khứ, nhớ về họ, nhắc về họ. Mà ở đời, con người ta chỉ thực sự chết, khi không còn ai nhớ, ai nhắc đến mình nữa. Viết, đã tạo cho tôi có được cảm giác thăng bằng, không còn bơ vơ với hiện tại và không cảm thấy hoang mang với tương lai nữa. Viết cũng giúp cho tôi nhớ lại, chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua, để rồi tự điều chỉnh cuộc sống của mình sao cho lương thiện.

Viết về chiến tranh, tôi nghĩ, không phải là để khơi gợi niềm đau, cổ súy hận thù, tôn vinh công trạng mà là để củng cố đạo đức, củng cố lẽ phải của cuộc sống. Tôi đã nhìn thấy những gì mà chiến tranh đem lại. Những làng mạc, thành phố bị tàn phá. Những mảnh đất vô hồn. Những cánh rừng, những dòng sông chết yểu. Tất cả những tan đổ ấy, chúng ta đã thay đổi, tạo dựng lại được. Nhưng sự mất mát những giá trị, sự hoang vu về tâm hồn, sự giá băng trong quan hệ, sự xộc xệch của thể thống thì không phải một sớm một chiều mà xây dựng lại được. Đó mới là sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Có thể vì vậy mà những bài học, những kinh nghiệm được rút ra từ chiến tranh giúp cho chúng ta cảm thông, chia sẻ được với những nỗi đau, mất mát của người khác và, cần hơn cả là thấy được cái - đạo - làm - người. Chúng ta không thay đổi được lịch sử. Nhưng tương lai thì có thể. Thay đổi tương lai, tại sao không?

* Là một người lính từng trực tiếp chiến đấu, từng nếm trải những mất mát hy sinh, tôi chia sẻ suy nghĩ này: Một khi đồng đội chết hết mà còn ai đó còn sống sót thì cũng là một cái tội. Sống như thế, nặng nề quá, bất công quá! Thà chết cho có bè có bạn, vui hơn! (Tr 514-515). Chúng ta là những người may mắn được trở về. Mỗi khi đối diện với cuộc sống còn trăm bề khó khăn của đồng đội, đặc biệt là của gia đình những người đồng chí đã hy sinh, với tư cách một nhà văn, một người đã từng hứa hẹn sẽ thay người hy sinh, chăm lo cuộc sống cho những người thân của họ, anh nghĩ chúng ta phải làm gì để giải tỏa tâm thế đó?

Văn Lê: Mục đích của mọi cuộc chiến đấu bao giờ cũng là đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Hàng triệu chiến sỹ hy sinh cũng là vì mục đích thiêng liêng đó. Nếu những người còn sống không làm được những điều như đã hứa, thì mọi sự hy sinh đều trở nên vô nghĩa. Có một thực tế đau buồn là trong mười người hy sinh, thì có tới chín người là con em nông dân. Nhưng sau gần bốn mươi năm chiến tranh đi qua, nông dân vẫn là người khổ nhất. Gia đình nào có con cái hy sinh đã khổ, có nhiều người hy sinh cho đất nước lại càng khổ. Đó là một nghịch lý lẽ ra không thể tồn tại, không được tồn tại, nhưng nó vẫn tồn tại. Đó cũng là nỗi đau không chỉ đối với những người lính đã từng sống sót trong chiến tranh, mà còn là nỗi đau của tất cả những ai có lòng tự trọng. Trong mấy chục năm qua, chính quyền các cấp cũng có nhiều cố gắng trong việc nâng cao mức sống cho những gia đình liệt sỹ, những gia đình có công với nước, nhưng chẳng thấm tháp gì. Làm được ngôi nhà gọi là “đền ơn, đáp nghĩa” thì rùm beng đưa đưa tin, gắn bảng tuyên truyền, như thể bắt người ta phải “nhớ ơn” lại. Trời đất! Một dân tộc có Văn sao lại ứng xử với những người hy sinh như vậy?

Tôi nghĩ, những người được nhân dân trả lương, thuê quản lý đất nước cần phải có cách ứng sử đối với các gia đình có thân nhân hy sinh và có công với nước sao cho coi được. Nếu không làm được như thế, chúng ta sẽ phải trả một giá đắt cho tương lai của đất nước mình.

* Tôi biết, mặc dầu liên tục có tác phẩm được xuất bản, nhiều tác phẩm được giải thưởng, được dịch ra tiếng Anh, tiếng Hàn và xuất bản ở nước ngoài, nhưng mấy chục năm qua, công việc chính của anh là ở Hãng phim Giải phóng. Anh có thể nói rõ hơn những việc anh đã làm trong lĩnh vực Điện ảnh? Đây là lĩnh vực do anh lựa chọn hay chỉ vì được phân công?

Văn Lê: Tôi về phục vụ tại Hãng phim Giải phóng là do cơ quan cũ - Tuần báo Văn nghệ - Nơi tôi làm việc trước khi tái ngũ, từ chối nhận lại, do hết biên chế (?) Cực chẳng đã, tôi xin về làm phim. Thực tình, lúc đó, tôi chẳng có hiểu biết gì về điện ảnh. Ăn lương của người ta thì phải ráng mà làm. Có thể làm không hay, nhưng làm phải có trách nhiệm. Tôi luôn nghĩ như thế! Lúc đầu, tôi được phân công làm biên tập, biên kịch phim tài liệu. Ở cương vị mới, biết mình dốt, tôi phải ráng học. Học anh em, bè bạn, học trẻ, học già, học mọi người. Học kỹ thuật. Học đủ thứ. Do nhu cầu tự thân, mà tôi phải cố gắng. Lãnh đạo cơ quan cũng liều, dám chi cả đống tiền cho tôi làm phim. Tôi phải tìm mọi cách để không làm buồn lòng họ. May mà, tôi biết làm và làm cũng được. Thế là yên.

* Có một thực tế không được vui là ở nước ta, giữa văn học và điện ảnh thiếu một sự kết nối chặt chẽ. Trong sự lúng túng của Điện ảnh hiện nay, đó là một nguyên nhân dễ thấy. Là một vài người hiếm hoi, từ cái gốc văn học, sang sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để thể hiện cuộc sống của đất nước, anh có cảm nhận gì về thực tế này? Theo anh, để điện ảnh giành lại vị thế một loại hình nghệ thuật có sức phản ánh cuộc sống đất nước sôi động, chiếm được sự chú ý của đông đảo công chúng, thì các nhà văn cần và nên làm gì?

Văn Lê: Điện ảnh là một loại hình tổng hòa của nhiều bộ môn nghệ thuật, ai cũng biết như thế! Nhưng cái gốc, cái cần thiết trước tiên, trước hết phải là kịch bản, rồi mới đến các thủ pháp thực hiện. Không có kịch bản hay, nói theo dân gian là không có bột, đố mà gột nên hồ. Nhưng có bột rồi mà lại rơi vào mấy đạo diễn tay mơ thì cũng bằng không. Hư bột hư đường là chuyện thường thấy. Thế là đồng đổ cho tướng, tướng đổ cho đồng. Thật chẳng ra làm sao. Tôi được biết, vào thập niên tám mươi, chín mươi, ngành điện ảnh sản xuất được nhiều phim hay. Các cơ sở mỗi năm cho ra đời hàng chục bộ phim nhựa các loại. Không khí sáng tác, trao đổi nghệ thuật giữa thành viên trong các đoàn làm phim từ Bắc vào Nam luôn diễn ra sôi nổi, hào hứng. Người làm phim biết của, biết người. Trọng nhau lắm! Ai cũng lặng lẽ làm việc, chăm lo đến công việc. Một bộ phim truyện làm hùng hục cả năm, thậm chí hai năm mới xong. Ít nghĩ đến chuyện tiền. Còn bây giờ, trước tiên là tiền, rồi mới đến các thứ khác. Một bộ phim từ lúc bấm máy đến khi hoàn thành chỉ mất ba bốn tháng. Có mà tài thánh, phim mới hay. Nhiều người làm phim bất cần nội dung. Họ ăn cắp phim Tầu một ít, Hàn một ít, Mỹ một ít, xào xáo rồi đưa lên đĩa. Phim năm cha ba mẹ như thế thì coi sao được. Vậy mà vẫn được lăng xê. Người xem thì phần nhiều cả tin. Cứ nghĩ báo, đài nói là đúng cả. Thế là loạn chuẩn. Người ta ùn ùn đi xem. Xem rồi mới biết bị nỡm. Ai cũng phải chào thua! Trách ai được?

Để có một nền điện ảnh vững vàng, trước tiên phải chú ý đến đào tạo. Phải quan tâm trước tiên, trước nhất đến đội ngũ sáng tác. Có được một ngũ sáng tác tài năng, chân chính, có được sự liên kết chặt chẽ với các nhà văn thì sản phẩm điện ảnh làm ra, ít nhất là xem được. Ở đâu, cơ sở làm phim nào có được sự liên kết, chăm chút chặt chẽ giữa các nhà văn với các thành phần sáng tác, chắc chắn nơi đó, cơ sở đó sẽ cho ra đời những bộ phim có chất lượng về nội dung và nghệ thuật. Nhà văn là những người luôn đưa ra những ý tưởng lạ, mang tính dị biệt. Mà phim lại cần ở sự dị biệt. Những gì dị biệt mới đáng xem!

* Trong Mùa hè giá buốt, có mấy Xá điệu, Văn điệu, Tử Thần điệu của giá đồng làng Thượng Chùa, cùng cách thể hiện của nó trong dịp cúng tế ma chay. Nghe mà bủn rủn cả người. Theo anh, đó là nét văn hóa tâm linh, là sự chắp nối phần hồn người sống và người chết, để không một người chết nào bị lãng quên trên thế gian này. Chỉ riêng về mặt văn chương thôi, đó là những khổ thơ thật ấn tượng, nhiều sức biểu cảm. Nhân đây, anh có thể nói gì về vai trò của văn hóa truyên thống, trong đó có văn hóa tâm linh của người Việt? Chúng ta nên làm gì để những giá trị đó phát huy mặt tích cực trong xây dựng đời sống tinh thần của xã hội hôm nay?

Văn Lê: Tôi nghĩ, chúng ta là người phương Đông, là dân tộc ăn đũa, nên các các phẩm nghệ thuật nói chung phải mang dấu ấn của riêng mình. Nền nghệ thuật ấy phải khác với phương Tây. Thông thường, người ta thích cái hay, cái lạ. Người làm nghệ thuật phải tìm ra, làm ra cái hay, cái lạ đó. Với mấy ngàn năm sáng tạo để tồn tại, các thế hệ tiền phong đã để lại cho chúng không biết bao nhiêu những giá trị văn hóa, tinh thần. Một trong những nét đặc sắc của các giá trị ấy là Văn hóa tâm linh. Và, các làn điệu dân ca chính là con thuyền chuyên chở cái tinh và cái thần của Văn hóa tâm linh ấy. Việc các Xá điệu, Văn điệu, Tử Thần điệu, Xẩm điệu hoặc Lý điệu còn tồn tại đến ngày nay chứng tỏ sức sống bất diệt của nó. Nó chính là bùa ngải làm ngẩn ngơ cả người và thần, làm cầu nối gữa người và thần. Đưa được cái tinh, cái thần của Văn hóa Tâm linh vào nghệ thuật là cần thiết, thậm chí rất cần thiết. Nó không chỉ là cái riêng, là hồn cốt của tổ tiên mà còn là hồn vía của nghệ thuật. Từ cái mỏ của con cò mổ tép, ông cha ta liền chế ra đôi đũa để gắp thức ăn. Đó là sự sáng tạo văn hóa kỳ diệu. Thế là chúng ta cầm được trong tay đôi đũa thần đó. Vấn đề còn lại là xử dụng đôi đũa thần ấy như thế nào? Những nhà làm phim chỉ cần tìm ra cái lý để đưa văn hóa tâm linh vào các tác phẩm mà thôi. Vả lại, bản thân Văn hóa Tâm linh đã là một nghệ thuật rồi.

* Cám ơn nhà văn Văn Lê!

NGÔ THẢO
Theo NVTPHCM

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...