Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

NGUYỄN THỊ HẠNH LOAN - BAN MAI VÀ HOA HỒNG ĐA SẮC

Sáng tác thơ từ khi còn là cô bé học trò cấp 1, nhưng mãi tới bây giờ, nhà báo Nguyễn Thị Hạnh Loan mới quyết định ra mắt cùng lúc hai tập thơ: “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” và “Khoảng trời sau cửa sổ” (NXB Văn học ấn hành quý 1/2017). Mới đây chị lại xuất bản tập thơ mới “Sải cánh giữa chiêm bao” tháng 10-2018.
Nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan

Đắm đuối, say mê tận hiến

Nhà báo Nguyễn Thị Hạnh Loan sinh năm 1976, hiện công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh. Chúng tôi gặp chị vào một buổi chiều muộn, giữa không gian đông đúc, ồn ào của phố xá tan tầm, người phụ nữ ấy gần như ngay lập tức mang đến nguồn xúc cảm ấm nồng bắt đầu từ “con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”.

Tác giả Hạnh Loan tâm sự, năm lớp 4, chị bắt đầu đọc thơ và đầu năm lớp 5 đã làm những bài thơ đầu tiên. Thuở ấy, chị thuộc lứa đầu tiên học chuyên Văn của Trường THCS Thị xã Hà Tĩnh. Lớp 4, Hạnh Loan đã đỗ học sinh giỏi Văn của tỉnh. Lớp 5, chị có mặt trong đội tuyển Văn của tỉnh Nghệ Tĩnh (trước đây) đi thi học sinh giỏi Văn toàn quốc. Đến giờ, chị vẫn nhớ vẹn nguyên bài thơ đầu tiên mình viết có tựa đề “Tắm biển”. Đầu năm 2017, chị cùng lúc xuất bản hai tập thơ và trên thực tế, hai “đứa con tinh thần” này đã được thai nghén từ rất lâu. Tập thơ “Khoảng trời sau cửa sổ” có 53 bài thơ thì đến 46 bài được chị viết ở lứa tuổi 10-17. Còn tập thơ “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” lại là những sáng tác của chị trong quãng thời gian từ 18 tuổi đến nay - chặng đường từ một thiếu nữ bắt đầu biết yêu cho đến khi lấy chồng, làm mẹ.

Thơ của tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan đa dạng về thể loại, đề tài; trong đó chủ đề tình yêu là điểm nhấn nổi bật, xuyên suốt với nguồn cảm hứng đầy say mê, tận hiến và kiêu hãnh của trái tim người phụ nữ. Về bí ẩn của tình yêu, chị viết: “Em không hiểu nụ cười anh bí ẩn/ Bao suy tư mà không nói thành lời/ Nếu biết được anh nghĩ gì ngày đó/ Em có còn tiếc nuối mãi khôn nguôi” (Bí ẩn). Người đàn bà trong thơ Hạnh Loan trước tình yêu bao giờ cũng chếnh choáng men say, cứ đắm đuối, day dứt mãi từng cung bậc cảm xúc. Nhưng sau cuối, khi người ta tưởng rằng kẻ si tình sẽ làm tất cả để đoạt được tình yêu thì cảm hứng nhân văn sâu thẳm bao trùm lên những sáng tác của chị bằng giãi bày gan ruột: “Và anh ơi, em thương/ Những người đàn bà yêu anh và được anh yêu/ Nhưng phải dằn lòng để sống bên người khác”; hay: “Khi em sẽ yêu anh/ Bằng tất cả những người đàn bà của đời anh cộng lại” (Em yêu anh).

Yêu thương, giận hờn, ám ảnh tột cùng về sự hữu hạn của thời gian, tình cảm: “Sao anh không nói sớm/ Mùa thu đã cạn rồi/ Tóc đen vừa chớm bạc/ Má hồng cũng phai phôi” (Sao anh không nói sớm) nhưng người đàn bà trong thơ Hạnh Loan cũng tràn đầy kiêu hãnh khi ai đó vô tình “nới lỏng vòng tay”: “Đó không phải là bài thơ em viết cho anh/ Mà là bài thơ em viết cho người khác/ Người đến bên em khi tình anh phai nhạt/ Và yêu em thật nhiều như anh đã từng yêu” (Điều giản dị). Cùng với những bài thơ về đôi lứa, tình yêu được tác giả Hạnh Loan mở rộng biên độ ra cuộc sống, con người đặc biệt là tình cảm giữa mẹ và con. Chị có nhiều bài thơ xúc động khi viết về con: “Chắc có lẽ một màn sương ngọt lịm/ Những hạt hạt dịu dàng rơi nhẹ tóc con/ Để mẹ cứ hít hà mùi thơm của đất, của gió và của nắng/ Vũ trụ bao la ùa về trong một cái ôm” (Ngắm con). Ngoài chất thơ, tác phẩm của Hạnh Loan bao giờ cũng giàu nhạc tính. Những hình ảnh chị khắc họa như: “Em sẽ vẽ khuôn mặt anh bằng ánh sáng/ Vẽ đôi mắt bằng tia ấm mong manh” (Hoa hồng đen cho em) dễ khiến chúng ta liên tưởng tới câu hát: “Nếu những màu sắc nhạt dần em sẽ vẽ anh với màu nỗi nhớ”.

Tập thơ “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” tựa hoa viên hay vườn thúy, ở đó có muôn loại hoa hồng, có mê đắm và sợ hãi. Tác giả ám ảnh bởi thời gian, cái chết, chia ly… cũng chính là tinh thần đề cao tình yêu bất tử: “Cốt xương chỉ là hình hài/ Hồn ta mới bên nhau mãi” (Nếu em có thể là anh), “Còn tình yêu ta còn mãi trên đời” (Mình còn thấy bao nhiêu lần biển biếc)…

“Khoảng trời sau cửa sổ” lại là một thế giới khác. Ở đó, những bài thơ trong veo, hồn nhiên được tác giả Hạnh Loan viết cho tuổi nhi đồng đến tuổi mới lớn. Ngoài nội dung tác phẩm, tác giả rất kì công trong trình bày, mỗi bài thơ được minh họa bằng một bức tranh sinh động. Về tập thơ này, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Đối với Nguyễn Thị Hạnh Loan, viết cho thiếu nhi, cũng là viết cho chính mình. Chị viết cho mình, cho tuổi thơ mình, ở những khoảnh khắc riêng tư nhất mà rồi chị lại gặp được các em. Tâm hồn chị rất trong. Thơ chị cũng thế. Nó là vẻ đẹp của những làn sương sớm bay trên thảm cỏ ban mai. Vẻ đẹp ấy, ta thường chỉ thấy trong cái nhìn thơ ngây của con trẻ…”.

Sách vừa in đã nối bản!

Chia sẻ cùng chúng tôi, tác giả Hạnh Loan tiết lộ, một trong những niềm vui bất ngờ với chị là tập thơ “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” in 1.000 bản hiện đã hết sách và nhà xuất bản đang chuẩn bị in nối bản. Còn tập thơ “Khoảng trời sau cửa sổ” in 2.000 bản mới phát hành được mấy ngày đã vơi gần một nửa. Đem quan niệm của số đông “thời buổi này ai đi mua thơ” hỏi nhà báo Hạnh Loan về “bí quyết” phát hành, chị nói: “Tôi cho rằng , có nhiều hình thức quảng bá, phát hành đến bạn đọc, trong đó có phát hành online mà Facebook là một kênh giao tiếp, quảng bá. Sách là một sản phẩm trí tuệ, khi đã có giá bán thì sách cũng trở thành hàng hóa, được thẩm định như các loại hàng hóa khác. Tác phẩm có chất lượng, làm hài lòng khách hàng thì họ mới mua. Bây giờ, có rất nhiều người lười đến hiệu sách mà muốn được chọn lựa qua mạng và giao hàng tận nhà. Một ưu điểm nữa của phát hành online là tác giả có thể giao lưu với độc giả thông qua mạng xã hội, xin chữ ký hoặc chất vấn tác giả, chia sẻ... điều mà phát hành truyền thống khó có được. Tuy nhiên, cái khó của phát hành online là sách đó phải có độc giả, tức là độc giả tự tìm đến sách, chứ không thể ép buộc. Nhiều độc giả mua sách của tôi vì họ đã đọc những bài thơ tôi giới thiệu trên Facebook. Ngoài phát hành online, sách của tôi cũng được phát hành toàn quốc qua Nhà sách Phương Nam. Qua đó để nói rằng, phát hành kiểu truyền thống theo nhà sách cũng chưa phải là lựa chọn tối ưu”.

Nói về cái “lãi” lớn nhất, tác giả Hạnh Loan khẳng định, đó chính là tình cảm của độc giả. Biết được ai đọc mình, mình có độc giả thực sự là hạnh phúc của bất kỳ người viết nào, cũng là động lực để người viết lại thắp lên ngọn lửa sáng tác.

Ra mắt hai tập thơ là một nỗ lực với nhà báo Hạnh Loan nhưng ở tâm thế một người cầm bút, đó cũng là áp lực. Sắp tới, chị dự định sẽ vẫn làm thơ tình như lâu nay nhưng có lẽ thơ thiếu nhi là một mục đích bản thân hướng tới. Chị bày tỏ: “Tôi thấy mình rất hợp khi viết cho các em vì nhiều lúc tôi cảm giác dù đã qua tuổi 40 nhưng mình chẳng khác gì trẻ nhỏ. Một bài thơ hay, đích thực viết cho thiếu nhi, phải là bài thơ trẻ con đọc thích, người lớn cũng thấy thích. Bởi trong một đứa trẻ, bao giờ cũng có một người lớn đang hình thành. Và trong một người lớn, luôn luôn có một đứa trẻ không bao giờ già đi. Thêm một điều đặc biệt nữa là hai năm gần đây, tôi mới quay trở lại viết nhiều sau hơn chục năm gác bút. Tôi vô cùng hạnh phúc vì sau bao năm, văn chương trở lại với mình. Tôi không kỳ vọng sẽ tiếp tục làm được cái này, cái kia sau khi ra hai tập thơ, nhưng chắc chắn, sự động viên, niềm tin yêu của độc giả sẽ là một động lực, cảm hứng lớn để tôi viết tiếp”.

THÀNH NAM
Theo Gia Đình

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...