Chuyện kể rằng: vào giữa những năm 1960, nhà văn Trần Dần,
khi đang trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của bản thân đã được một vài cán bộ
công an hảo tâm tìm cách cho đi thâm nhập một số trại giam do Bộ Công an quản
lý đang giam giữ những nguỵ quân thời Pháp sau ngày tiếp quản Thủ đô. Kiểu đi
như thế gọi là “đi thực tế” để về viết văn trên những cứ liệu của thực tế chuyến
đi đó. Công thức ở đây là: cơ sở cung cấp tài liệu về một vấn đề cụ thể, nhà
văn đi cho thấy, tiếp xúc cho biết, và cái viết ra thường chỉ là một báo cáo, một
sơ đồ, dù có được vẽ vời thêm cho có vị văn chương.
Nhà văn Trần Dần
Vậy, với Trần Dần, bài toán đặt ra là: Viết về hoàn cảnh
của những người nguỵ quân Pháp ở Hà Nội khi chiến tranh kết thúc, phần thắng
thuộc về đội quân cách mạng với định hướng viết đã rõ ràng là họ phải quy phục
chế độ mới.
Đề bài này không khó đối với ngòi bút Trần Dần. Nếu an phận,
viết theo lối trả bài (trả cả ơn nghĩa nữa, nếu có), ông dễ phóng bút viết được
nhanh, được trơn tru, nộp quyển, và quên đi nhanh chóng cái viết ra đó. Nhưng
ông đã không thể làm thế, vì nhân cách làm văn của ông không cho phép làm thế.
Trần Dần, nhà văn luôn táo bạo quyết liệt trong từng câu chữ, hiểu theo nghĩa
đen và nghĩa bóng, trong từng cái viết. Viết, với ông bao giờ cũng là phải mới,
phải khác, phải cách tân. Vì vậy, kết quả chuyến thực tế ấy, dưới tay ông đã
thành tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn (NNTVNCD)Trần Dần đã giải được
bài toán văn chương một cách xuất sắc.
Câu chuyện anh nguỵ binh Dưỡng và mấy người bạn cùng cảnh
ngộ trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô nếu kể ở ngôi thứ ba khéo lắm cũng chỉ
được một truyện kể. Trần Dần đã chuyển nó thành ngôi thứ nhất thông qua hình thức
cuốn nhật ký của Dưỡng, xen kẽ là lời kể của một vài nhân vật được kể ở ngôi thứ
3. Bằng hình thức này, Dưỡng đã được phát tiết tất cả những suy tư lời lẽ, hành
vi của một thanh niên Hà Nội tạm chiến, của một người lính lái tàu bò, và được
bộc bạch tự nhiên nhất toàn bộ trạng thái tâm lý của mình vào một thời điểm hệ
trọng của thời cuộc và số phận. Nhưng cái chính ở đây không phải chỉ ở nội dung
cuốn nhật ký, mà ở cái cách ghi nhật ký của Dưỡng. Cái cách ghi ấy mới là một nội
dung chính của cuốn tiểu thuyết của Trần Dần, nó thể hiện rõ trạng hướng của một
thành phố từ chiến tranh sang hoà bình và trạng thái của những con người bị mắc
kẹt trong trạng huống ấy. “Nhật ký của Dưỡng, dường như, không đi theo mọi quyển
lịch thân quen, bởi vì tôi luôn vấp phải những nhầm lẫn ghê gớm, của thời tiết,
của thời gian, và mọi cái gì, của thời sự. Đường chính tuyến của thời gian, mà
tôi đã nhìn thấy, ở đâu đó, bắt đầu từ một nơi vô định, chạy từ trái sang phải,
theo chiều mũi tên. Thời điểm ghi nhật ký sẽ nằm vào một dấu chấm, nhỏ xíu trên
đường chính tuyến, giữa hai vô cực, của dĩ vãng và dự cảm. Điểm nhỏ xíu này nhỏ
lắm, nên chẳng là gì cả, trong thời gian. Có thể vì vậy, động tác bắt đầu mỗi
trang nhật ký, vào một thời điểm hiện hữu, không phải là mối quan tâm lớn nhất
của Dưỡng. Hiện tại, nếu nhắc lại theo nguyên lý này, vừa hiện hữu vừa không, vừa
nhầm lẫn cố tình, vừa nhầm lẫn vô tình. Nhật ký do vậy cũng xô lệch theo. Động
tác ghi nhật ký, do vậy có vẻ mang tính chất tự nghiệm, hơn là mục đích can thiệp
vào thời gian (nhưng có thể không phải như thế). Bên cạnh đấy, ngôn ngữ của nhật
ký cũng còn là một bí ẩn”. Đây là nhận xét của nhân vật nhà văn không tên trong
tiểu thuyết, người đọc cuốn nhật ký của Dưỡng 11 năm sau. Như vậy, nội dung tiểu
thuyết NNTVCĐ lại không phải chỉ là nhật ký của anh ngụy binh Dưỡng vì nó không
được trình bày trực tiếp mà thông qua sự đọc, sự bình luận, suy ngẫm của anh
nhà văn. Khi anh nhà văn đọc nhật ký của Dưỡng sau 11 năm nó được viết ra ở vị
thế của một ngụy binh Dưỡng lại đang ở miền Trung trong vị thế của một nhân
viên biệt phái của nhà máy ô tô tại vùng tuyến lửa. Anh nhà văn đọc nhật ký của
Dưỡng để viết tác phẩm của mình và cũng như nhân vật của mình, anh bị mắc kẹt
trong thời gian, lẫn lộn ngày tháng. Có thể nghĩ anh nhà văn đó chính là tác giả,
và quá trình anh ta đọc nhật ký của Dưỡng và gặp gỡ các nhân chứng quanh Dưỡng
để viết tác phẩm cũng chính là quá trình Trần Dần tìm cách giải bài toán văn
chương của mình. Như vậy, cuốn tiểu thuyết NNTVNCĐ còn là tiểu thuyết nói và
cách viết một tiểu thuyết.
Thời gian, rốt lại, đó là lời giải nghệ thuật của Trần Dần
cho bài toán văn chương này. Con người, dù là ai, cũng luôn ở thì hiện tại,
nhưng “hiện tại được coi, như biên giới của hai KHÔNG. Cái KHÔNG thứ nhất là dĩ
vãng, vốn đã có, bây giờ không có nữa. Cái KHÔNG thứ hai là tương lai, bây giờ
chưa có, vì vậy bây giờ cũng không. Hiện tại chính là khoảng sột soạt giữa hai
bờ vực ấy, giữa hai cái KHÔNG ấy. Cho nên hiện tại cũng không là gì cả”. Trần Dần
để cho hai nhân vật của mình rối bời thời gian: anh ngụy binh gọi mùa Thu là
mùa Đông, coi ngày tiếp quản thành phố vào tháng 10 là mồng 1 Tết; anh nhà văn
thì cứ nhầm lẫn tuần lễ bảy ngày và ngày Chủ nhật. Sự rối bời thời gian này có
phải là biểu hiện của định hướng trong cuộc sống và trong tâm trạng? Và hành động
ghi nhật ký là một gắng gỏi níu giữ cái khoảnh khắc hiện tại cho KHÔNG thành
CÓ, đó mới là thực hữu nhất, hiện hữu nhất của cái sống con người.
Còn có thể nói được rất nhiều điều từ cuốn tiểu thuyết
NNTVNCĐ của Trần Dần. Trên đây tôi chỉ nói nhanh nói sâu về giải pháp nghệ thuật
mà nhà văn đã đưa ra để thực hiện sáng tạo văn chương của mình. Đấy chính là
cách viết nội dung chứ không phải kể nội dung, như nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến
đã từng chuyển dẫn từ lý thuyết văn học của Nga về. Cho nên không phải câu chuyện
kể làm nên nội dung, mà là cách cách kể câu chuyện, hay hình thức đó chính là nội
dung. Điều đáng kinh ngạc là 45 năm trước, trong hoàn cảnh bị vây bủa của bản
thân và sự bất bùng của một xã hội thời chiến, Trần Dần đã độc hành ra cho mình
một con đường tiểu thuyết mà bây giờ ngẫm lại sau lưng ông vẫn hầu như chưa có
ai tiếp bước. May mắn bản thảo được giữ lại để bây giờ in ra. Một cuốn tiểu
thuyết sau gần nửa thế kỷ mới được xuất bản nhưng đọc rất mới, đọc rồi đọc lại
vẫn mới, vẫn bất ngờ trước từng trang, vẫn không dễ nắm bắt nội dung, đó là
NNTVNCĐ.
Đó là Trần Dần từ 45 năm trước, khi cuốn sách này được viết
ra.
Đó là Trần Dần ở 45 năm sau, khi cuốn sách đã được in ra,
trở thành một hiện tượng văn học của nước nhà năm 2011.
Kinh ngạc trước sức sáng tạo đột khởi và đột biến của nhiều gương
mặt văn chương quyết liệt nhất Việt Nam, nhưng cũng chính vì thế lại thấy buồn
cho Văn học Việt Nam nửa thế kỷ vẫn thấy là cũ mòn so với tác phẩm này.
Do vậy, Trần Dần, bằng thơ và văn của ông để lại mãi mãi
còn thách thức các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Theo TT&VH
BÀI LIÊN QUAN:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét