Thường được bạn văn, bạn đọc nhắc đến như một người cầm
bút đa tài, với bút lực tràn trề, một giọng thơ đẹp, khắc khoải, hoang hoải và
khó nắm bắt. Tiếng tăm đi trước khá lâu, nhiều bạn đọc cứ tưởng sẽ gặp một bậc…
lão niên, trưởng thượng, cây đa cây đề, hóa ra trông ông khá trẻ và khỏe, dù
mái tóc muối tiêu cùng hàm râu kẽm ấn tượng…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu giao lưu bạn đọc
Sài Gòn
Có một người - thơ
như thế
Với nhiều bài thơ được dịch và đăng trên các tạp chí văn
học thế giới, độc giả mê lối thơ suy tưởng, triết luận nhưng rất giàu duy cảm của
ông không thể không biết tới các tập Sự mất ngủ của lửa, Những
người đàn bà gánh nước sông, Những người lính của làng, Thơ Nguyễn Quang Thiều,
Nhịp điệu châu thổ mới, Bài ca những con chim đêm... Riêng tập Những
người đàn bà gánh nước sông được Nhà xuất bản University of
Massachusetts Press chuyển ngữ và xuất bản bằng tiếng Anh (The Women Carry
Water), được nhận giải thưởng Final của The National Literary Translators
Association of America. Hai tập truyện ngắn đã được dịch và xuất bản ở
Pháp La Fille Du Fleuve, và La Petite Marchande De
Vermaicelles gây tiếng vang không chỉ trong cộng đồng người Việt tại
châu Âu. Cuối tháng 6 vừa qua, tại Hà Nội, Viện Văn học Việt Nam cũng vừa tổ chức
buổi toạ đàm chuyên đề Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều,
thu hút sự quan tâm của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học bằng
nhiều ý kiến, tham luận thú vị.
Không chỉ “góp phần cách tân thơ hiện đại”, là cây bút
sung sức mấy mươi năm qua, Nguyễn Quang Thiều đã hành trình qua nhiều địa hạt
khác nhau như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, dịch thuật, báo chí
- từng làm việc tại báo Văn Nghệ, Công An Nhân Dân, An Ninh
Thế Giới… ông còn là một trong những người khai sinh tờ Văn Nghệ Trẻ,
và hiện nay là một trong những chủ biên của tờ Nghệ Thuật Mới -
mà theo ông đây là “một tờ báo tháng thuần túy văn chương với mục đích lần nữa
khẳng định những giá trị đã có và giới thiệu không rụt rè về những giá trị mới”.
Ở lĩnh vực nào, ông cũng khắc lên đó dấu ấn độc đáo. Ngoài ra, ông còn “thuận
tay” cả mảng kịch bản điện ảnh, được nhắc đến nhiều nhất là các phim truyền
hình Mùa hoa cải bên sông, Gió qua miền tối sáng, Chuyện
làng Nhô...
Hỏi ông trong cả các cuộc hành trình, lĩnh vực nào khiến
ông “mất ngủ” nhiều nhất? Tác giả Sự mất ngủ của lửa cười hiền
hòa: “Với văn xuôi tôi chỉ là người kể chuyện. Khởi đầu sáng tác của tôi là thơ
và bây giờ vẫn là thơ. Đây là bầu trời rộng lớn cho đôi cánh tự do và trí tưởng
tượng của tôi”. Ông nhớ lại một kỷ niệm cũ: “Khi tôi làm bài thơ đầu tiên và được
đăng báo. Ba tôi rất giận, và ông đã phản ứng rất quyết liệt. Ông nghi ngại thơ
ca sẽ đem lại tai họa cho đứa con trai mà ông đặt nhiều kỳ vọng. Thế nhưng về
sau, chính ông là người cất giữ những bài thơ của tôi một cách cẩn thận nhất”.
Ông thêm: “Nhưng nếu ba tôi ra sức cấm cản, thì mẹ và bà là nguồn cảm hứng vô tận
trong thơ tôi. Là những người nông dân, họ không hiểu hết những gì tôi viết,
nhưng luôn nghĩ tôi đã mang niềm kiêu hãnh và tự hào về cho dòng tộc”.
Một nhà thơ, một độc giả nữ bày tỏ rằng chỉ thích văn
xuôi Nguyễn Quang Thiều thôi, chứ không mê thơ anh vì sự… trúc trắc, bất vần
“không thể ru con được” - chị nói - và ông hóm hỉnh: “Thôi đừng làm thế, vì có
khi đứa bé lại mất ngủ thêm! Nhưng tôi tin rằng những câu thơ luôn giúp người mẹ
biết cách ru con ngủ ngon”. Thật vậy, dù với bút pháp tự do, phóng khoáng, thơ
Nguyễn Quang Thiều luôn gắn chặt với ký ức tuổi thơ, cảnh vật, làng quê, người
quê… “Tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Trong những chiếc tiểu sành đang
xếp bên lò gốm/ Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó/ Kiếp này tôi là người/ Kiếp
sau phải là vật/ Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn -
báu vật cố hương tôi”.
Từ trái sang: Lê Minh Đạt, Nguyệt Phạm, Nguyễn Quang
Thiều, Trần Lê Sơn Ý,
Phan Hoàng, Lê Thuỳ Vân, Hoa Nip sau buổi giao lưu do
Phương Nam Book tổ chức 9.2012
Cậu bé làng với những
giấc mơ lấp lánh
Nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng nhận định: “Muốn hiểu được
văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều thì trước tiên nên đọc và hiểu thơ ông”. Anh
thêm: “Vì bởi không gian thẩm mỹ thơ Nguyễn Quang Thiều là không gian phức hợp
và chuyển động của vẻ đẹp đau buồn, tuyệt vọng lẫn hy vọng, của giấc mơ bị hủy
diệt và đang sinh sôi, của những sinh linh vô danh bị vùi lấp và đang tái sinh…
được thể hiện bằng ngôn ngữ vừa giản dị vừa rậm rạp, và những thi ảnh được linh
thiêng hóa đầy tính mê dụ”. Trước một vài ý kiến cho rằng hiện nay rất ít người
quan tâm tới thơ, Nguyễn Quang Thiều bênh vực: “Khi không còn ai có cảm hứng
làm thơ, không còn ai có cảm hứng đọc thơ nữa thì nghĩa là đời sống tinh thần
con người đã bắt đầu đứng bên bờ vực”.
Hỏi ông viết truyện thiếu nhi có dễ không, có khiến người
viết phải “cưa sừng làm nghé”? Ông cho biết xuất phát từ việc cô con gái nhỏ muốn
những câu chuyện bố kể trong bữa cơm hằng ngày về ký ức đẹp đẽ về tuổi thơ, về
làng quê, về những người thân yêu đang nằm dưới đất - sẽ được nhiều bạn nhỏ
khác biết. “Đây là những hồi tưởng của tôi về những năm tháng ấu thơ tôi đã
nghe, đã nhìn thấy đâu đấy trong làng mình, những câu chuyện cũ, quyến rũ… Tất
cả những điều làm cho làng tôi mãi mãi thiêng liêng và huyền bí. Làng tôi đã trở
thành nơi trú ngụ của tâm hồn tôi, nơi tôi có thể quên đi mọi buồn đau, mọi bất
trắc, mọi cám dỗ ma quỷ. Tôi chỉ có thể sa ngã lúc nào đấy khi rời bàn chân
mình khỏi mảnh đất làng. Còn khi tôi vùi hai bàn chân trần vào đất đai của làng
mình, tôi có thể tự tin nói rằng: Tôi là cậu bé trong sáng và đầy những giấc mơ
lấp lánh” - ông chia sẻ. Nói về quyển Bí mật hồ cá thần của
ông vừa ra mắt, nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: “Tác phẩm dựa vào đời thực,
nhưng lại mang ý nghĩa phổ quát. Đó cũng chính là một phần của cái bí ẩn trong
nghệ thuật viết cho thiếu nhi”. “Cứ mỗi lần đặt bút viết cho trẻ con là một lần
tâm hồn cằn cỗi của tôi - những người lớn lại trở nên trong sạch, phẳng phiu lạ
kỳ. Có khi nó đơn giản chỉ là giấc mơ về con tò he của ông nội, những truyền
thuyết hư thực từ đời ông bà... Bí mật hồ cá thần, tập truyện thiếu
nhi đầu tay của tôi đã ra đời trong hoàn cảnh như thế” - Nguyễn Quang Thiều
thêm.
Độc giả Sài Gòn rất
khó tính!
Được độc giả Sài Gòn đón nhận nồng nhiệt “ngoài mong đợi”
- ông nói. “Khi cầm bút viết những trang đầu tiên, tôi thực lòng không bao giờ
dám tưởng tượng rồi có một ngày có người sẽ đọc những trang viết này, càng
không bao giờ dám mơ chúng sẽ được mọi người yêu mến. Cá nhân tôi cho rằng độc
giả Sài Gòn là những người rất khó tính. Nhưng một lý do nào đấy, những bài thơ
đầu tiên của tôi ra mắt bạn đọc Sài Gòn đều được đón nhận. Cả những anh em viết
văn dù chưa một lần gặp gỡ trà dư tửu hậu cũng “giao lưu” cùng tôi qua những
trang viết. Nhà giáo, dịch giả, nhà văn Nhật Chiêu bảo lần đầu anh đọc văn tôi,
nghe tôi kể chuyện như thấy “những mầm sen mọc trên mặt bùn”, anh ưng lắm. Và cứ
thế, tôi đã có những cuộc “giao lưu” ngấm ngầm như vậy, bất kể họ là độc giả trong
Nam hay ngoài Bắc”.
Được biết sau này ông dành nhiều thời gian để vẽ, triển
lãm, và còn bán được tranh - điều mà không phải họa sĩ chuyên nghiệp nào cũng
làm được. Ông cho biết: “Tôi đến với hội họa để nguồn năng lượng bản thân không
bị bào mòn. Tôi luôn tìm cách phủ định bản thân mình của ngày hôm qua bằng những
thử thách khác nhau”. Hỏi ông về “sự nghiệp” điện ảnh mà ông đã để lại những dấu
ấn sâu đậm, ông cười xòa: “Tôi già rồi! Chỉ muốn dành thời gian làm những việc
mình thích nhất thôi. Nhưng cũng nói thật, tôi chẳng muốn góp thêm chút nhạt nhẽo
bản thân vào cái sự nhạt nhẽo chung của phim truyền hình Việt. Dẫu rằng, thời
gian gần đây có vài bộ phim xem được, nhưng số đấy còn ít lắm!”. Nói thế thôi,
bởi ông lại tiết lộ: thời gian này đang dồn hết sức để chuyển thể truyện ngắn Con
gái thủy thần của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thành bộ phim cùng tên, một
tác phẩm mà ông đã ấp ủ từ lâu - trước khi chính thức giã từ phim ảnh!
SONG PHẠM
Nguồn: SGGP 9.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét