Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

KHI VĂN HỌC “NHẬP CUỘC” NGOẠI GIAO

Những năm gần đây, văn học đã trở thành một phần quan trọng của ngoại giao văn hóa và được nhiều quốc gia tập trung khai thác. các tác phẩm văn học được xem là sức mạnh mềm, góp phần gia tăng ảnh hưởng của một quốc gia trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tác giả Murakami làm nên một thương hiệu văn học của xứ sở mặt trời mọc

Trước bối cảnh quan hệ quốc tế toàn cầu liên tục thay đổi với những diễn biến mới, nhiều quốc gia đều đang tìm những phương thức ứng xử quốc tế khác nhau. Những phương pháp ấy giờ đây không còn chú trọng vào đối đầu mà là đối thoại, là tìm cách gia tăng quyền lực mềm, phát huy sức mạnh của hệ giá trị quốc gia như văn hóa, thể chế xã hội, về chính sách quốc gia (đối nội và đối ngoại),… để khẳng định vị thế.

Đem văn thơ “đi đánh” xứ người

Ngoại giao văn chương với các chương trình, hoạt động trao đổi giữa các nhà văn, nhà thơ, giữa các quốc gia dần trở nên quen thuộc. Bên cạnh việc thiết lập quan hệ thương mại và quốc phòng, nhiều nước coi việc trao đổi văn chương là hoạt động ngoại giao hiệu quả.

Những tác phẩm văn học được biên dịch ra nhiều ngôn ngữ được xem là phương thức hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá nền văn học của một đất nước, thiết lập mối quan hệ ngoại giao văn chương với các quốc gia khác; khẳng định hình ảnh quốc gia trong nền văn học toàn cầu. Đối với những nước phát triển, việc trao đổi văn học là hoạt động thường xuyên, được thực hiện bởi các cơ quan chức năng như các bộ/ ngành liên quan đến văn hóa, cơ quan văn học do nhà nước và các tổ chức phi chính phủ về văn học tài trợ.

Pháp là quốc gia xây dựng rất thành công chiến lược ngoại giao văn chương. Những tác phẩm văn học của Pháp có ảnh hưởng lớn trên thế giới, được đông đảo công chúng yêu văn học đón nhận. Cựu Tổng thống Mỹ George Bush chính là một người đặc biệt yêu thích văn học Pháp. Tiểu thuyết Kẻ xa lạ của Albert Camus là cuốn sách gối đầu giường của ông chủ Nhà Trắng lúc bấy giờ. Tổng thống Bush từng trích dẫn lời văn của Camus trong một bài phát biểu tại Brussels hồi tháng 2/2005 để nói chuyện “thúc đẩy tự do trên thế giới” và đem lại hoà bình cho Trung Đông.

Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia triển khai xây dựng các trung tâm văn hóa tại nước ngoài, chẳng hạn như Trung tâm Hoa Kỳ, Thư viện hội đồng Anh, Viện Goethe (Đức) nhằm phục vụ mục đích quảng bá nền văn học. Những cơ quan này hợp tác chặt chẽ với các đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của nước mình tại nước sở tại cùng thực hiện nhiệm vụ giới thiệu, trao đổi văn hoá.

Các đại sứ văn học

Nữ nhà văn nổi tiếng người Anh Shelley từng nói rằng các nhà văn, nhà thơ là “những nhà lập pháp ẩn mình của thế giới”. Họ có thể xuất hiện với những áng văn thơ lãng mạn, nhưng lại khắc họa một cách chân thực và tinh tế về chính nét văn hóa quốc gia của mình. Chính sự hiện diện của các nghệ sĩ, nhà văn trong các chương trình giao lưu, tiếp xúc và trao đổi giữa các quốc gia là sự đóng góp quan trọng đối với ngoại giao văn hóa.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn, những “đại sứ văn học” được lựa chọn không những khẳng định tài năng qua các tác phẩm văn học của họ, mà còn cần phải thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử văn học và văn hóa của quốc gia, cũng như có năng lực và đủ sức ảnh hưởng để đưa tinh hoa văn học của nước nhà đến bạn bè thế giới. Không được truyền thông rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng như các nhà ngoại giao về chính trị, những đại sứ văn học vẫn âm thầm thực hiện sứ mệnh ngoại giao của mình.

Tác giả đình đám của Nhật Bản Haruki Murakami là một nhà văn đã thành công làm nên một thương hiệu văn học của xứ sở mặt trời mọc. Những cuốn tiểu thuyết của Murakami xuất hiện tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh và Mỹ, Việt Nam như Rừng Nauy, Lắng nghe tiếng gió... luôn có sức hút đặc biệt với độc giả.

Tiểu thuyết Lắng nghe tiếng gió là một trong những cuốn sách được ái mộ hàng đầu của Murakami. Tác phẩm này đã đưa ông đến với giải thưởng văn học Gunzo, tôn vinh những nhà văn của Nhật Bản có cống hiến nổi bật. Tiểu thuyết này nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới và từng được đề cử Nobel văn học.

Murakami, từ đó, đã gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp của mình. Tác phẩm của ông từng lập kỷ lục thu hút đến 3.000 người đọc chỉ trong vòng 90 phút.  Ngôi sao của văn học Nhật Bản giành được vô số giải thưởng trong và ngoài nước, trở thành người truyền cảm hứng nghệ thuật quốc gia. Những tác phẩm của ông đã được xuất bản hơn 50 ngôn ngữ.

Văn chương mang đến một thế giới của những nhân vật, là sự hiện thân của mỗi cá nhân trong xã hội để mọi người đối chiếu bản thân, tìm kiếm sự hiện diện của chính mình, từ đó, khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp. Chính sự bay bổng, nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm nhân văn và hiệu năng sắc bén của nó đã giúp văn chương dần trở thành một công cụ đắc lực trên mặt trận ngoại giao.

THÂN MINH
Nguồn: Thế giới


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...