Nhà văn Lê Vĩnh Hòa
Năm nay
- 2012, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm
ngày nhà văn Lê Vĩnh Hòa hy sinh, mấy người viết văn, làm báo chúng tôi có một cuộc gặp mặt để đàm đạo, gọi là để
tưởng nhớ đến một nhà văn đàn anh có nhân cách lớn, được đồng nghiệp ngưỡng mộ.
Cùng xuất thân
trong một gia đình, nhưng
Đoàn Thế Hối, tên khai sinh của Lê Vĩnh Hòa, rất khác Đoàn Thế Nhơn, tên cúng cơm của Võ Phiến. Lê
Vĩnh Hòa tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, vào bộ đội, chịu đựng gian khổ,
bị địch bắt, tra tấn dã man, dụ dỗ ngon ngọt, nhưng vẫn giữ tiết tháo của một người chiến sĩ; còn ông anh Võ Phiến
cũng tham gia cách mạng nhưng không
chịu được vất vả nên chạy vào vùng địch tạm chiếm, làm bồi bút, rồi dông tuốt
sang Mỹ…
Cùng một gia đình nhưng thuở nhỏ Lê Vĩnh Hòa vào sống ở Rạch
Giá. Chính ở đây anh được sống với bà con nông dân, ngư dân, hiểu được cảnh ngộ đói khổ, mất tự do của
dân ấp dân lân trong cảnh giặc dã. Tác phẩm của Lê Vĩnh Hòa, với những
bút ký, tản văn đầu tay đã đề cập đến thân phận nhỏ bé của người nông dân ở
làng ấp miền Tây Nam Bộ. Chính tháng năm sống ở vùng quê giàu truyền thống cách
mạng ấy, Lê Vĩnh Hòa đã thấy được sức mạnh tiềm tàng của nông dân…
Với Lê Vĩnh Hòa, bao giờ chúng tôi cũng dành cho anh tình
cảm trân trọng như thế. Lê Vĩnh Hòa
là nhà văn thứ hai sau Trần Hữu Trang hy sinh năm 1966, trong kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Sau đó, đến các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Trần
Quang Long, Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý…
Tuy đứng về số
lượng tác phẩm, Lê Vĩnh Hòa để lại chưa nhiều vì anh hy sinh sớm, nhưng những gì anh đã viết, luôn để
cho hậu thế cảm phục. Đó là văn chương vì cuộc sống tự do, mơ ước hạnh phúc giản dị, cao cả của người lao động,
đồng thời lên án mạnh mẽ hành động độc ác của bè lũ xâm lược và tay sai. Thời kỳ
đen tối của cách mạng miền Nam, có một cây bút như vậy quả thực rất hiếm. Không
ít người viết đã chạy vào vùng tạm chiếm, nhiều kẻ đã trở thành bồi bút
cho kẻ thù để mong bảo toàn tính mạng và được sống sung túc. Lê Vĩnh Hòa trung
thành với lý tưởng anh đã chọn.
Chính trong thời kỳ đen tối ấy, Lê Vĩnh Hòa luôn tin vào chiến thắng của cách mạng.
Trong những năm tháng ở bộ đội, Bộ tư lệnh phân khu miền
Tây đã dành cho cây bút trẻ Lê Vĩnh Hòa nhiều thời gian để viết báo, viết văn.
Thời bấy giờ, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền độc tài gia đình trị anh em
họ Ngô khủng bố những người từng
tham gia kháng chiến vô cùng dã man, lực lượng cách mạng phải phân tán, sống trong đói khát,
bệnh tật. Lê Vĩnh Hòa viết hàng loạt tác phẩm, từ năm 1956 đến 1958 đã
có hơn 50 truyện ngắn, bút ký
đăng ở các báo Nhân loại, Bông lúa, Phụ nữ tân văn. Lê Vĩnh Hòa viết về những
người nghèo khổ trong xã hội ấy.
Đó là người phu khuân vác trong đêm
Giao thừa vẫn nai lưng làm lụng để kiếm vài chục đồng bạc cho vợ con có bánh tết
(truyện ngắn Lúc chiều xuống), một em bé chết oan vì ba má nghèo không
có tiền mua thuốc chữa bệnh (truyện Thằng Bót). Sau khi thoát khỏi nhà tù Mỹ-ngụy,
ra chiến khu, Lê Vĩnh Hòa trực tiếp đề cập đến vấn đề hết sức nghiêm trọng của
cách mạng là để mất chính quyền sẽ trả giá bằng máu. Và, chính trong những ngày
đen tối ấy, khi kẻ địch rêu rao trên các phương tiện thông tin rằng, rất nhiều người kháng chiến “về với chánh nghĩa
quốc gia”, Lê Vĩnh Hòa đã cho ra mắt truyện ngắn đặc sắc “Người tỵ nạn”.
“Người tỵ nạn” kể về một cuộc mít tinh quảng bá những người
kháng chiến tỵ nạn, về với “chánh nghĩa quốc gia”. Bằng ngôn ngữ, bút pháp trào
lộng của Nam Bộ, Lê Vĩnh Hòa đã dựng nên chân tướng đám tay sai, kể cả tên Mỹ, cố vấn chương trình bình định, mỗi
nhân vật chỉ cần vài câu văn ngắn đã hiện lên cả một chính quyền rệu rã, gian dối.
Để rồi, chúng đã bị chính nhân dân vạch mặt, tên tỵ nạn chính là thằng đội mặt
rỗ, thiếu tiền bún của một người đàn bà chưa trả. Màn kịch hạ với sự cảnh báo sụp đổ của chính quyền tay sai, đi ngược
lại lợi ích của nhân dân.
Lê Vĩnh Hòa
là cây bút thành danh rất sớm, có nhiều truyện ngắn, hàng trăm bút ký được đánh
giá cao, nhưng trong cuộc sống hằng ngày ở trong chiến khu hay bưng biền, anh làm mọi việc như người chiến sĩ bình
thường. Hồi đó, tuy cuộc sống gian
khổ không thể nói hết, nhưng các cấp chỉ huy rất coi trọng công tác văn hóa,
văn nghệ, hầu như năm nào cũng mở trại sáng tác văn học. Lê Vĩnh Hòa là
người đến trại với tư cách đã
là cây bút chuyên nghiệp, nhưng anh
vẫn lặng lẽ, hằng ngày ngồi trong chòi lá cất bên dòng kênh ngầu đục phù
sa để viết. Anh làm việc nghiêm túc vì luôn tâm niệm văn chương vốn cao quý, là
vũ khí có sức chiến đấu vô cùng hiệu nghiệm. Viết xong, anh đưa anh em trong trại
đọc giùm. Mỗi khi họp góp ý cho tác phẩm, anh lắng nghe, ghi chép tất cả nhận
xét của anh em về tác phẩm của mình. Đức tính ấy của Lê Vĩnh Hòa đã khiến các
nhà văn Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng, Lý Văn Sâm cảm phục. Và, các cây bút trẻ lúc
bấy giờ như Lê Văn Thảo, Chim Trắng,
Chí Hiếu… học tập.
Xong một đợt dự
trại, Lê Vĩnh Hòa lại xốc ba lô đến với những vùng quê đang bị giặc càn
quét. Ở đây, anh sống chan hòa với bà con nông dân vừa đánh giặc giữ làng, vừa
sản xuất, gieo trồng khoai lúa trên đất đai ông bà để lại. Những người nông dân
chân chất ấy đã xem Lê Vĩnh Hòa như
chính người thân của mình. Lê Vĩnh Hòa viết khát khao của họ cũng là
khát khao của mình. Đó là mong muốn quét sạch quân xâm lược, đánh đổ chính bọn tay sai, bù nhìn, để
đất nước thống nhất, người dân có quyền tự do làm ăn sinh sống trên chính quê hương mình.
Lê Vĩnh Hòa không coi nhẹ thể tài nào. Anh sáng tác truyện
ngắn, bút ký, làm thơ, viết phóng sự,
tản văn và cả những bài báo ngắn như tiểu phẩm. Viết là nhu cầu hằng ngày để
anh chuyển tải ý tưởng của mình
qua những câu chuyện anh được chứng kiến và được nghe. Gặp chuyện nào có chi tiết
văn học đắt, anh sáng tạo thêm tính cách nhân vật, cốt truyện cho có đầu có cuối,
có ý nghĩa để thành một truyện ngắn. Mà truyện ngắn của Lê Vĩnh Hòa không chỉ nghiêng
về trào phúng, trào lộng, đánh thẳng vào chế độ Mỹ-ngụy tàn bạo, chà đạp lên
nhân phẩm, cuộc sống người dân lương
thiện, mà còn ngợi ca những người chiến sĩ cách mạng vượt qua gian khổ, chiến đấu bảo vệ nhân dân. Văn Lê
Vĩnh Hòa kết hợp tài tình giữa trào lộng, châm biếm với trữ tình. Sau thời
kỳ Đồng khởi, Lê Vĩnh Hòa đến với các đơn vị bộ đội, chính nơi đây đã cung cấp
cho anh nhiều tư liệu để viết những
truyện ngắn về chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, về những thanh niên trốn gia đình
“lên xanh”, tức là tham gia Quân Giải phóng. Cảm hứng về cuộc cách mạng giải
phóng đã bừng lên trong nhà văn qua những truyện ngắn “Nắng xuân”, “Tình đồng đội”,
văn Lê Vĩnh Hòa khởi sắc, chất anh hùng ca lan tỏa.
Mảng ký sự, bút ký, cả những bài báo như phản ánh một gương chiến đấu của bộ đội, du kích
hay người nông dân ở các làng ấp thì nhiều vô kể, được đăng ở các báo, từ
tờ tin của Phân khu miền Tây, đến các tờ báo lớn. Lê Vĩnh Hòa cũng không coi việc
đăng ở đâu là quan trọng. Với anh, bài viết của mình đến được công chúng, nhất
là bộ đội là một vinh hạnh lớn.
Dù hoàn cảnh đất nước cắt chia nhưng tác phẩm của Lê Vĩnh
Hòa vẫn được chuyển ra Hà Nội, phần lớn được công văn đặc biệt, phải mất thời
gian một tháng mới đến Thủ đô, được in trên các báo lớn như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Nhân Dân, Thống Nhất…
được bạn đọc miền Bắc, nhất là các nhà văn khen ngợi.
Một nhà văn
tài năng đang phát triển rực rỡ, một nhân cách sáng chói, một chiến sĩ can trường
như thế, đang được bạn đọc khắp cả nước ngưỡng mộ và đón đợi tác phẩm lớn, dày
dặn hơn.
Vào đầu năm
1967, Mỹ-ngụy mở trận càn lớn hòng làm cỏ vùng cách mạng Long Mỹ, chúng
đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt của bộ đội chủ lực và du kích địa phương.
Trong những ngày ác liệt, với hàng ngàn lính Mỹ-quân ngụy, có xe lội nước yểm trợ, tất cả cán bộ, chiến sĩ các
cơ quan, đoàn thể đều cầm súng chiến đấu, Lê Vĩnh Hòa cầm súng ra bờ
kinh bắn tàu chiến Mỹ. Đến ngày 7-1, anh hy sinh ở vùng Xẻo Dú, xã Vĩnh Viễn,
huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
45 năm Lê Vĩnh Hòa hy sinh, mỗi lần gặp nhau, đồng nghiệp
luôn nhắc đến anh với lòng tiếc thương
và ngưỡng mộ. Anh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt một,
năm 2001. Nhưng điều quan trọng bậc nhất, tác phẩm của Lê Vĩnh Hòa vẫn
được lưu truyền âm thầm trong công chúng yêu văn học đích thực, thứ văn góp phần
nâng cao phẩm giá con người.
NGUYỄN QUỐC TRUNG
Nguồn: QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét