Nhà thơ Hàn Mặc Tử
Biết nói gì về Hàn Mặc Tử, khi biết bao người đã mến mộ ông, ca ngợi ông, tìm và lấy ra những gì mà người trước chưa đề cập đến hết. Đương thời không ai yêu Hàn Mặc Tử hơn Chế Lan Viên, Hoài Thanh yêu cả phong trào Thơ Mới, yêu Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, lại cũng là người cảm nhận ở Hàn Mặc Tử một vị trí khác hẳn mọi người. Ông là người xác nhận ở Hàn Mặc Tử có một tâm hồn, một tài năng dị biệt mà cả “khen hay chê đều là bất nhẫn” (Thi nhân Việt Nam). Quách Tấn, Yến Lan đều yêu thương, mến mộ Hàn Mặc Tử mặc dù yêu mỗi người theo một cách. Xưa kia những người làm thơ yêu nhau như thể tình nhân, và bởi thế họ mới hiểu nhau đến ngọn ngành và bảo vệ nhau mãi mãi.
Gần đây, thơ Hàn Mặc Tử lại xôn xao khơi gợi trong lòng lớp các nhà thơ trẻ. Họ cảm nhận ở Hàn Mặc Tử có một điều gì gần gũi với họ, muốn vươn tới một điều gì ở sự đổi mới nội tại của thi ca.
Nghiên cứu lại cuộc đời Hàn Mặc Tử, chắc cũng có nhiều điều thú vị. Về tuổi tác, Hàn Mặc Tử sinh năm 1912, so với Huy Cận, Xuân Diệu ông đều hơn tuổi. Và khi phong trào Thơ Mới, sau Phạm Huy Thông, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, nổi tiếng một loạt, rồi mới đến Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử. Chế Lan Viên kém Hàn Mặc Tử đến 8 tuổi. 16 tuổi tức là năm 1936, Chế Lan Viên xuất hiện với Điêu Tàn, và lập tức nổi tiếng như một tài hoa độc đáo và đặc biệt. Còn Hàn Mặc Tử khi xuất hiện đầu với tập Gái quê, là sự hình thành giữa cái hồn thơ Á Đông với phong trào tình cảm mãnh liệt của Thơ Mới. Xuân Diệu thích Rimbaud và Verlaine, Chế Lan Viên mê Edgar Poe, còn Hàn Mặc Tử thì không tuyên bố mình thích một nhà thơ phương Tây nào. Hình như ông đọc các thi nhân nổi tiếng ở thời ấy để tìm cho mình một lối thơ mà ông thích. Ông có thể chơi với tác giả Mùa cổ điển, tức Quách Tấn, và rất thích những bài thơ Đường luật có tứ rất mới, rất trau chuốt của Quách Tấn ấy, nhưng đột nhiên chuyển hẳn sang một bước mới. Thơ của ông bước vào trận xoáy lốc, hòa trộn giữa đời người, đời thơ; giữa sự cảm nhận tận đáy lòng về khổ đau và hạnh phúc; giữa cứu cánh, cầu mong những thứ siêu hình và những khát vọng riêng tư, của chính cuộc đời sống hết mình trong bệnh tật, trong đắm đuối thi ca, và trong những cảm nhận linh thiêng chỉ ông mới có giữa cõi huyền vi và cuộc đời trần thế...
Ở Hàn Mặc Tử, lúc chưa mắc bệnh hiểm nghèo, thơ đã là cứu cánh. Hàn Mặc Tử sống ở đời tức là sống cho Thơ. Thơ với ông là tất cả. Thơ nhằm gửi gắm những cái đẹp nhất, say nhất, phút thăng hoa nhất, cảm nhận sảng khoái nhất, những yêu thương si mê cuồng nhiệt nhất, những giao lưu huyền thoại nhất giữa vũ trụ và tâm linh, giữa đơn độc và bao la, giữa khao khát và phía bên kia là hạnh phúc no đầy không vươn tới được.
Thơ Hàn Mặc Tử tự nội tâm mà vọt ra, từ cái thế giới riêng trong nhận thức của ông mà ông viết, do đó tự ông có một phong cách, không giống bất cứ một nhà thơ nào. Ông mới mẻ, ông xúc động đến tột độ đến mức người ta không theo kịp những sự vận động nội lực mà chỉ một tâm hồn ông mới giải thích nổi. Một người tài hoa, phóng khoáng, mê nghệ thuật như Hoài Thanh, phải thốt lên rằng: “Ngót một tháng trời, tôi đã đọc thơ Hàn Mặc Tử. Tôi đã theo Hàn Mặc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch bằng thơ Quần tiên hội, và tôi đã mệt lả...”. Ông lại viết “Trời đất (trong thơ) thực của riêng Hàn Mặc Tử ta không hiểu được và chắc chắn cũng không bao giờ hiểu được!”. Thấy chưa đủ, Hoài Thanh nhấn mạnh thêm “Lại có khi ở ta rất thường mà trong trí Hàn Mặc Tử rất dễ sợ!”.
Thơ của Hàn Mặc Tử là sự giằng xé của một con người khát yêu, khát sống, có khả năng giao lưu, trò chuyện với mây, gió, sao trăng, với Chúa và Thánh nữ đồng trinh bằng những tình cảm chói sáng nhất, ngây ngất nhất, dâng hiến trọn vẹn, lại là kẻ bất hạnh nhất, bệnh tật nhất, cô quạch nhất. Cái điên cái cuồng trong thơ Hàn Mặc Tử, chính là tiếng đập phá đầy sức mạnh và cũng là bất lực của sự ngăn cách ấy, của cảnh trí trên ấy. Yêu thương, điên loạn trong yêu thương, nên trong cái loạn, cái điên vẫn có cái thực. Ai nhận ra cái thực ấy thì thấy được lối viết nhất quán nội lực của Hàn Mặc Tử, nhận ra một tài năng dị biệt của thơ ông. Còn ai không nhận ra, thì chính là người bị ràng buộc trước những cảm quan thông lệ, của những kẻ người trần mắt thịt. Chủ tướng của phong trào Thơ Mới Xuân Diệu, người đã được coi như niềm tự hào của thi ca thời đó, trước Hàn Mặc Tử, ,mà lạ thay lại chưa hiểu được ông... Tuy nhiên Xuân Diệu không dẫn đích danh, mà chỉ xa xôi bóng gió: “Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây! Tôi điên đây! Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống!”.
Thế mới biết hiểu thơ nhau thật khó. Xuân Diệu còn thế, huống chi ai bây giờ chưa hiểu được thơ Hàn Mặc Tử, không nên lấy thế làm buồn.
Là một người làm thơ Nhà quê, chủ trương chân thật giản dị, nhưng càng đọc thơ Hàn Mặc Tử, tôi càng thèm khát những lúc cái khuấy lộn của suy tư, tình cảm được diễn đạt thấu đạt nhất bằng thơ, và những ngôn từ lúc ấy chính là máu, là thịt, là hồn, là xác của người thơ.
Sống hết mình cho thơ, thơ viết hết mình. Đó là Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử là một chủ tướng trong cuộc đổi mới thi ca, nhưng chính ông chỉ cần mình có nhu cầu riêng cho Thơ ca. Kiểu của mình ông không khoa trương, không cần biết đến các chuyện khen chê. Ông chỉ viết theo tâm hồn mình, trí não mình, cảm hứng của mình đòi hỏi... Ông trẻ và mới cho đến tận bây giờ.
NGÔ VĂN PHÚ (1990)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét